Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 11/2024: Giáo hội trong thế giới hiện đại
WHĐ (01/11/2024) - Đề tài thường huấn tháng 11/2024 của Ủy ban Giáo dân tập trung vào chủ đề: “Giáo hội trong thế giới hiện đại”. Qua đó cho thấy việc đọc các dấu chỉ thời đại là trách nhiệm không thể thiếu của Giáo Hội, giúp Giáo Hội đồng hành và đáp ứng kịp thời những biến đổi của thế giới. Mỗi Kitô hữu, qua cầu nguyện và hành động, được mời gọi tham gia vào sứ mệnh này, để mang ánh sáng Tin Mừng đến mọi nơi.
Ủy ban Giáo dân
Hội đồng Giám mục Việt Nam
THƯỜNG HUẤN THÁNG 10/2024:
GIÁO HỘI TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI
BÀI I: ĐỌC DẤU CHỈ THỜI ĐẠI
Lm. Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J.
Trong một thế giới đầy biến động, Giáo Hội không thể chỉ đứng ngoài quan sát mà phải đảm nhận sứ mệnh đồng hành và đọc hiểu các dấu chỉ thời đại. Công đồng Vatican II, trong hiến chế Vui mừng và Hy vọng (Gaudium et Spes), nhấn mạnh rằng: “Niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và nỗi lo lắng của con người thời đại này, đặc biệt là những người nghèo hoặc đau khổ theo bất kỳ cách nào, đây là niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và nỗi lo lắng của những người theo Chúa Kitô”.[1] Nói cách khác, Giáo Hội thực thi sứ mạng của mình ở giữa lòng thế giới, lắng nghe và đáp lại khát vọng và nhu cầu của con người.
Thế giới ngày nay đối diện với các thách thức chưa từng có, từ những biến đổi sâu sắc về kinh tế, văn hóa đến các vấn đề đạo đức và xã hội. Những chuyển biến này không chỉ làm thay đổi lối sống từng cá nhân mà còn tác động đến toàn bộ cơ cấu xã hội. Đứng trước thực trạng đó, Giáo Hội cần nhạy bén nhận diện và phản hồi các dấu chỉ thời đại để thực thi sứ mạng đồng hành với gia đình nhân loại và củng cố đức tin cộng đoàn tín hữu.
Như thế, đọc các dấu chỉ thời đại không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để Giáo Hội mang Tin Mừng đến gần mọi người hơn. Mỗi thách thức mà xã hội đối diện, như bất bình đẳng hay vấn đề môi trường, đều là cơ hội để Giáo Hội loan bao Tin Mừng qua những giá trị mà Giáo Hội ôm ấp, chuyển trao. Giáo Hội được mời gọi trở thành nguồn ánh sáng, lan tỏa niềm hy vọng và lòng nhân ái cho nhân loại giữa những bất ổn của thời đại.
Thế giới đang thay đổi: thách thức và cơ hội
Xã hội hiện đại đang trải qua những biến đổi to lớn, trong đó sự phát triển công nghệ, phân cực xã hội và khủng hoảng về giá trị tạo ra cả thách thức lẫn cơ hội cho Giáo Hội. Trong Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng,” Giáo Hội khẳng định sự liên kết chặt chẽ của mình với gia đình nhân loại, đồng hành với mọi người trong hành trình tìm kiếm ý nghĩa và hy vọng.
Những vấn đề xã hội như nghèo đói, bất bình đẳng và ô nhiễm môi trường là những dấu chỉ cần sự hiện diện của Giáo Hội để làm chứng cho công lý và cổ võ tình bác ái. Giáo Hội không chỉ quan sát thế giới, nhưng còn nhập cuộc, phản ánh tinh thần Tin Mừng qua những hành động cụ thể để đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của mọi người, nhất là những người bị tổn thương và yếu thế.
Qua việc nhìn nhận và phản hồi các dấu chỉ thời đại, Giáo Hội minh chứng rằng, sứ mệnh của mình không chỉ là giảng dạy đức tin mà còn liên đới và trợ giúp mọi người trên bước đường tìm kiếm hy vọng và định hướng sống. Mỗi khó khăn trong xã hội là một lời mời gọi Giáo Hội tiến bước, để trở thành nhịp cầu nối kết giữa Thiên Chúa và nhân loại, là nơi tình yêu và lòng thương xót của Chúa được biểu hiện sống động và cụ thể.
Giáo Hội thấu hiểu thời đại: đối thoại và đồng hành
Giáo Hội không chỉ là cộng đoàn đức tin mà còn là một tổ chức gắn kết chặt chẽ với xã hội. Giáo Hội là người bạn đồng hành của nhân loại, đặc biệt là với những ai chịu tổn thương và yếu thế. Để thấu hiểu và đáp ứng các dấu chỉ thời đại, Giáo Hội mở lòng và đối thoại chân thành với mọi thành phần xã hội, lắng nghe và giải đáp những khát khao sâu xa nơi tâm khảm con người.
Thêm vào đó, việc đối thoại giữa Giáo Hội và xã hội không dừng lại ở việc giảng dạy, mà còn là một sự chia sẻ và đồng hành trong hoàn cảnh sống thực tế. Qua việc tiếp cận và chăm sóc con người hiện đại, Giáo Hội thực hiện lời mời gọi yêu thương và giúp mọi người hiểu rõ hơn về tình yêu Thiên Chúa dành cho họ.
Trách nhiệm của Giáo Hội trong việc đọc dấu chỉ thời đại còn đòi hỏi mọi thành phần Dân Chúa phải tham gia vào sứ mạng thiêng liêng này. Từ các mục tử đến giáo dân, tất cả đều cần sống tinh thần phục vụ và đối thoại, để qua đó, Giáo Hội có thể thực sự trở thành nơi nương tựa cho tất cả những ai đang tìm kiếm niềm hy vọng trong cuộc sống.
Cộng đoàn Kitô hữu: phản chiếu tình yêu Thiên Chúa
Giữa bối cảnh xã hội đầy biến động, Giáo Hội trở thành nơi nương tựa cho mọi người. Nhờ đó, Giáo Hội không chỉ thực thi nhiệm vụ đồng hành mà còn sống trọn vẹn với nỗi đau và niềm vui của nhân loại, mang lại hy vọng và sự an ủi cho tất cả. Giáo Hội cũng được mời gọi để phản ánh tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa qua các mối liên hệ và hành động thiết thực trong cộng đồng. Mỗi tín hữu, trong vai trò là một thành viên của Giáo Hội, trở thành chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa qua những nghĩa cử yêu thương và lòng bao dung với tha nhân.
Qua các hoạt động bác ái và đồng hành, cộng đoàn Kitô hữu có thể trở thành hình ảnh sống động của lòng thương xót Thiên Chúa. Đây là một lời mời gọi không dành riêng cho các tín hữu mà còn mở rộng đến tất cả những ai tìm kiếm sự bình an và tương lai đầy hy vọng. Cộng đoàn Kitô hữu, qua đời sống yêu thương và chia sẻ, giúp thế giới cảm nhận được sức mạnh của niềm tin cậy mến chúng ta đặt để nơi Thiên Chúa.
Nói tóm lại, đọc các dấu chỉ thời đại là trách nhiệm không thể thiếu của Giáo Hội, giúp Giáo Hội đồng hành và đáp ứng kịp thời những biến đổi của thế giới. Mỗi Kitô hữu, qua cầu nguyện và hành động, được mời gọi tham gia vào sứ mệnh này, để mang ánh sáng Tin Mừng đến mọi nơi. Việc đọc dấu chỉ thời đại là một hành trình thiêng liêng, là cách thức để Giáo Hội và mỗi tín hữu thực sự sống đức tin của mình, và trở nên tác nhân đáng tin cậy và tích cực trên hành trình hướng đến tương lai đầy hy vọng.
BÀI II: GIÁO DÂN THAM GIA VÀO CÁC VẤN ĐỀ ĐƯƠNG ĐẠI
Lm. Antôn Hà Văn Minh
Trong thông điệp Populorum Progession thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã kêu gọi: “Chúng tôi khẩn khoản kêu gọi tất cả con cái chúng tôi. Bởi vì trong những nước kém mở mang cũng như trong những nước khác, giáo dân có bổn phận phải cải thiện đời sống xã hội của mình. Nếu vai trò của hàng Giáo phẩm là giảng dạy và giải thích, với thẩm quyền, các nguyên tắc luân lý phải theo trong lãnh vực này, thì phần của các giáo dân, là nhờ những sáng kiến tự do của họ và không vòng tay ngồi đợi mệnh lệnh và chỉ thị, đưa tinh thần Chúa Kitô vào trong não trạng và phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đồng mình sống” (số 81)[2].
Thật vậy người giáo dân không thể thờ ơ trước khát vọng của con người hôm nay về cuộc sống, nói như Thánh Giáo hoàng Phaolô VI “Giáo hội sống giữa loài người, nên phải tìm hiểu những dấu chỉ của thời đại và giải thích những dấu chỉ ấy theo ánh sáng của phúc âm. Những khát vọng đẹp đẽ nhất của con người cũng là của Giáo hội, nên Giáo hội đau buồn khi thấy những khát vọng ấy không được toại nguyện. Vì thế nên Giáo hội muốn giúp họ đạt tới sự phát triển đầy đủ của họ, đề nghị với họ điều mà Giáo hội có được, là một cái nhìn toàn diện về con người và nhân loại” (số 13). Điều đó cũng có nghĩa là mỗi người giáo dân phải mang lấy trong mình khát vọng về một cuộc sống đẹp đẽ, và dùng hết khả năng để làm sao cho khát vọng đó được thực hiện. Công đồng Vat. II đã nói:
“Giáo dân, do chính ơn gọi đặc biệt của mình, có bổn phận tìm kiếm vương quốc Thiên Chúa bằng cách dấn thân vào các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần thế, nghĩa là giữa tất cả và từng nghề nghiệp cũng như công việc trần thế, trong môi trường thông thường của cuộc sống gia đình và xã hội, tất cả những điều đó như thể dệt thành cuộc sống của họ. Trong khung cảnh đó, họ đã được Thiên Chúa mời gọi để nhờ việc chu toàn những bổn phận riêng của mình và được tinh thần Tin Mừng hướng dẫn, họ trở nên như nắm men góp phần vào việc thánh hóa thế giới từ bên trong, và như thế, họ làm cho người khác nhận biết Đức Kitô, đặc biệt bằng chứng từ đời sống tỏa sáng đức tin, cậy, mến. Như vậy, họ có một phương thức đặc biệt để soi chiếu và đặt định các thực tại trần thế luôn gắn liền với cuộc sống, sao cho các thực tại ấy không ngừng trở nên như Đức Kitô muốn và luôn phát triển để nên lời ca ngợi Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Chuộc” (LG số 31).
Vì vậy, việc tham gia vào các vấn đề đương đại người giáo dân thực thi sứ vụ của mình đã nhận lãnh qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức, đó là làm cho mọi người nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành để cho con người. Bởi khi tham gia như thế người giáo dân nói lên rằng: “Giáo Hội bày tỏ cho thế giới biết, sự hợp nhất bên ngoài trong lãnh vực xã hội bắt nguồn từ sự hợp nhất trong trí não và con tim, nghĩa là từ đức tin và đức mến, vốn là cơ sở cho sự hợp nhất bất khả phân ly của Giáo Hội trong Chúa Thánh Thần. Nguồn sức mạnh mà Giáo Hội có thể chuyển thông cho xã hội nhân loại ngày nay, dựa trên chính đức tin và đức mến, được thể hiện trong cuộc sống chứ không phải dựa vào thế lực nào khác bên ngoài với những phương thế hoàn toàn nhân loại” (GS số 42).
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn 'Christifideles Laici' đã đề xuất "ba hướng hành động dành cho giáo dân: 1. Vượt qua sự rạn nứt giữa Phúc âm và cuộc sống của chính mình để đạt được sự hiệp nhất được Phúc âm truyền cảm hứng. 2. Cam kết với lòng can đảm và sự sáng tạo trong nỗ lực giải quyết các vấn đề xã hội. 3. Làm công việc của mình cách trung thành với năng lực chuyên môn của mình, vì đây là con đường dẫn đến sự thánh hóa của chính họ. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh: “Khi đón nhận và loan báo Tin Mừng trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội trở thành một cộng đồng được Phúc-âm-hóa và ra đi Phúc-âm-hóa, do đó Giáo Hội trở thành đầy tớ của mọi người. Trong lòng Giáo Hội, người giáo dân tham gia vào sứ vụ phục vụ con người và xã hội. Chắc chắn mục đích cuối cùng của Giáo Hội là Nước Thiên Chúa... Nhưng Nước Thiên Chúa là nguồn mạch của sự giải phóng hoàn toàn và ơn cứu độ trọn vẹn cho con người: Giáo Hội tiến bước với con người, liên đới toàn diện và mật thiết với lịch sử của con người”[3].
Hai vấn đề đương đại mà người giáo dân cần tham gia tích cực để gieo niềm hy vọng trong ánh sáng của Tin Mừng.
Bảo vệ môi sinh
Vào ngày 4-10-2023, nhân dịp lễ thánh Phanxico Assisi Đức Thánh cha Phanxico ban hành tông huấn Laudate Deum, như một hành động thúc giục mạnh mẽ kêu gọi mọi người hãy giơ tay ra cứu lấy trái đất, ngài viết: “Tôi mong muốn chia sẻ với tất cả các anh chị em trên hành tinh đau khổ của chúng ta những mối quan tâm sâu sắc của tôi liên quan đến việc bảo vệ Ngôi nhà chung. Tuy nhiên, thời gian trôi qua, tôi nhận thấy rằng, chúng ta không có đủ phản ứng, trong khi thế giới quanh ta đang sụp đổ và có lẽ đang tiến đến điểm tan vỡ. Ngoài khả năng này, không còn nghi ngờ gì nữa, tác động của biến đổi khí hậu sẽ ngày càng gây tổn hại đến cuộc sống và gia đình của nhiều người. Chúng ta sẽ cảm nhận được tác động của nó trong các lĩnh vực sức khỏe, nguồn công ăn việc làm, khả năng tiếp cận các nguồn lực, nhà ở, di cư bắt buộc, v.v…”[4].
Giáo Hội, tuy là một cộng đoàn được Chúa qui tụ, mang đặc tính mầu nhiệm, nhưng Giáo Hội cũng là một cộng đoàn hữu hình, đang sống trên trái đất và cùng mang lấy “niềm vui và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ”[5]. Vì thế Giáo Hội cũng có trách nhiệm giơ tay ra để cứu lấy trái đất theo đúng bản chất của mình, không chỉ có thế, Giáo Hội còn phải nỗ lực kiến tạo cho mình một không gian xanh sạch đẹp ngay chính trong sự hiện hữu của mình.
Trả lại màu xanh cho trái đất là trách nhiệm của chúng ta, bởi “Từ ban đầu, Thiên Chúa đã trao trái đất và các tài nguyên của nó cho nhân loại quản lý chung”[6]. “Thiên Chúa đã yêu cầu chúng ta cai trị trái đất nhân danh Người, bằng cách trồng trọt và chăm sóc nó như một khu vườn, khu vườn của mọi người. Trong khi ‘canh tác’ có nghĩa là cày xới hoặc làm việc [...], ‘canh giữ’ có nghĩa là bảo vệ [và] giữ gìn. Chúng ta nhận được từ công trình sáng tạo và đến lượt chúng ta cho đi. Mỗi cộng đồng có thể nhận lấy từ sự tốt lành của trái đất những gì họ cần cho sự tồn tại của chính mình, nhưng họ cũng có nhiệm vụ bảo vệ nó".[7]
Vì thế mỗi một tín hữu cần được giáo dục về lòng yêu mến thiên nhiên, và cần được hướng dẫn để thay đổi những thói quen, đặc biệt thói quen hưởng thụ ích kỷ, làm sao mỗi một tín hữu hình thành một thói quen biết bảo vệ môi sinh qua các sinh hoạt hàng ngày. Đức Phanxicô nhắn nhủ: “Các gia đình phải nỗ lực nhằm giảm ô nhiễm, giảm rác thải, tiêu dùng điều độ đã tạo ra một văn hóa mới. Thực tế đơn giản về việc thay đổi thói quen cá nhân, gia đình và cộng đồng đã làm dấy lên mối lo ngại về các thành phần chính trị đã không đảm nhận phần trách nhiệm của họ, họ phẫn nộ trước sự vô tư của những người có quyền lực. Vì thế, chúng tôi nhận thấy, dù điều này không có tác động đáng chú ý về lượng, thì nó vẫn giúp chúng ta đưa ra các quá trình chuyển đổi lớn vận hành từ sâu thẳm xã hội”[8]. Để thay đổi một thói quen hưởng thụ ích kỷ đến một thói quen hưởng thụ có trách nhiệm với môi sinh, mỗi người Kitô hữu cần phải cũng cố đức tin của mình, bởi chỉ có đức tin mới có thể giúp chúng ta nhìn thấy sự hiện của Chúa trong các công trình do tay Ngài tạo dựng. Nói như Đức Phanxicô: “Chúng ta cần phải nhìn vào các thành phố của chúng ta với một cái nhìn chiêm niệm, một cái nhìn đức tin thấy Thiên Chúa cư ngụ trong các ngôi nhà, các đường phố, các công viên. Sự hiện diện của Thiên Chúa nâng đỡ các cố gắng của các cá nhân và tập thể để tìm được sự khích lệ và ý nghĩa trong đời họ”[9] Ngài còn minh định rằng: “Đối với các Kitô hữu, niềm tin vào một Thiên Chúa, Đấng là sự hiệp thông Ba Ngôi, gợi lên trong chúng ta suy nghĩ về tất cả thực tại chứa đựng trong nội tâm của Người là một dấu chứng rõ ràng cho Ba Ngôi Thiên Chúa. Con người có thể nhận ra vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi trong thiên nhiên”[10], thánh Bonaventura cũng đã dạy: “Mỗi thụ tạo mang trong mình một cấu trúc rõ ràng về Ba Ngôi”[11].
Hành động cứu trái đất phải khỏi sự từ một trái tim đầy ắp yêu thương, một tình yêu được Thiên Chúa khởi xướng ngay trong công trình tạo dựng của Ngài. Thiên Chúa tạo dựng muôn loài từ tình yêu của Ngài, Ngài đã gắn kết muôn loài với nhau cách mật thiết, và con người được ban cho trí thông minh để cai quản muôn loại trong trật tự của tình yêu. “Con người có khả năng nhận thức về mình, làm chủ mình, tự do để ban phát và bước vào liên hệ với những người khác”[12] , và thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II nhắc nhớ rằng, tình yêu hoàn toàn đặc biệt mà Đấng Sáng Tạo dành cho từng con người, đã trao cho họ phẩm giá cao sang vô cùng[13]
Chăm lo người nghèo
Công đồng Vat.II đã nói: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ (GS số 1), điều đó trở thành trọng tâm học thuyết xã hội của Giáo Hội Công giáo: ưu tiên cho người nghèo.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã minh định: Giáo Hội đặc biệt đề cao lòng thương xót đối với người nghèo đói, bệnh tật, cũng như những công cuộc mệnh danh là từ thiện và tương trợ để xoa dịu mọi nỗi thống khổ của nhân loại. Đức ái đối với người thân cận, dưới hình thức cổ xưa và luôn mới mẻ của các công việc từ thiện nhằm giúp đỡ thể xác lẫn tinh thần, đức ái ấy luôn bày tỏ nội dung trực tiếp nhất, phổ biến và thông thường nhất của việc đem đạo vào đời, là hoạt động tạo nên sự dấn thân chuyên biệt của giáo dân[14].
Phục vụ cho người nghèo không là một công việc thuần túy xã hội, nhưng chủ yếu phạm trù mang yếu tố thần học Thiên Chúa tỏ “lòng thương xót của Người trước tiên” cho những người nghèo. Sự ưu ái này của Thiên Chúa có những hệ quả cho đời sống đức tin của người Kitô hữu, vì chúng ta được kêu gọi để có “tâm tình như Chúa Giêsu Kitô” (Pl 2, 5). Được gợi hứng bởi điều này, Hội Thánh đã có sự chọn lựa vì người nghèo, được hiểu như là một “hình thức đặc biệt của vị trí hàng đầu trong việc thực thi bác ái Kitô giáo mà toàn thể truyền thống của Hội Thánh luôn làm chứng”[15].
Qua việc phục vụ cho người nghèo, người Kitô hữu gặp gỡ Đức Kitô, người nghèo là những người mang Tin Mừng mà cả cộng đoàn cần được nghe. Giáo hội có điều gì đó để học hỏi và tiếp nhận từ “Chúng ta được kêu gọi tìm thấy Đức Kitô nơi họ, lên tiếng bênh vực mục đích của họ, nhưng đồng thời cũng là bạn của họ, nghe họ, nói với họ và ôm ấp sự khôn ngoan mầu nhiệm mà Thiên Chúa muốn chia sẻ với chúng ta thông qua họ”[16].
Vì vậy, khi người giáo dân tham gia vào các vấn đề đương đại chính là dấn thân trong việc thăng tiến con người, đó được xem như là thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng của mình. Giáo hội cổ võ việc dấn thân nhằm thăng tiến con người qua những hành động nhằm bảo vệ phẩm giá con người, vì con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Đặc biệt “khi tìm cách thăng tiến nhân phẩm, Giáo Hội bày tỏ một tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo và những kẻ không có tiếng nói, bởi vì Chúa đã đồng hóa với họ một cách đặc biệt. Tình yêu không loại trừ ai, nhưng có một ưu tiên phục vụ mà toàn thể truyền thống Kitô giáo minh chứng. Tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo đó, cùng với những quyết định mà nó gợi hứng trong ta, không thể không ôm ấp đám đông những người đói khát, thiếu thốn, những người vô gia cư, những kẻ không được chăm sóc thuốc men và, trên hết, những kẻ không hy vọng có được một tương lai tốt đẹp hơn”[17]. Vì khi tỏ tình liên đới với kẻ nghèo chúng ta làm cho lương dân dễ tin hơn, “nếu chính các Kitô hữu sống giản dị, theo gương Đức Giêsu. Sự đơn giản trong cách sống, đức tin sâu xa và tình yêu không giả dối đối với mọi người, nhất là người nghèo và bị loại trừ, là những dấu chỉ sáng chói của Tin Mừng bằng hành động”[18].
Giáo Hội sẽ mãi là mùa xuân khi người giáo dân nhiệt tình dấn thân trong việc loan báo Tin Mừng cho thế giới qua sự đóng góp của mình vào các vấn đề đương đại. Toàn thể giáo dân là nguồn dự trữ năng lượng quyết định to lớn trong mọi thời đại… Ngày nay, có lẽ hơn bao giờ hết, giáo dân được kêu gọi cống hiến hết mình nhờ những năng lượng mà họ kín mức từ Giáo Hội. Quả thật người giáo dân trong sứ mệnh của Giáo Hội cần phải khám phá trong ơn gọi của mình, họ có một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, người giáo dân cần ý thức trách nhiệm mang ánh sáng Tin Mừng đến cho thế giới từ chính nơi mình sinh sống, đó phải là phải là mục tiêu của đạo đức xã hội Kitô giáo. Đối với giáo dân, họ phải là “linh hồn của thế giới'. Sự hiện diện của người giáo dân trong cộng đồng xã hội là phương tiện đưa Giáo Hội xuống với cuộc sống hàng ngày và làm cho những mối quan tâm của mọi người nơi họ tìm được lời giải đáp trong ánh sáng của Tin Mừng. Qua người giáo dân Giáo Hội hiện thân bằng xương bằng thịt trong hoàn cảnh sống của con người.
Tài Liệu Làm Việc (Instrumentum Laboris) Cho Khoá Họp Thứ Nhất Của Đại Hội Thượng Hội Đồng Giám Mục (Tháng 10/2023) đã đưa ra những chỉ dẫn cho sự cộng tác của người giáo dân vào các vấn đề đương đại:
a) Trong một Giáo Hội hiệp hành, người nghèo, theo nghĩa trước hết là những người sống trong điều kiện nghèo nàn về vật chất và bị xã hội loại trừ, chiếm một vị trí trung tâm. Họ là những người đón nhận sự chăm sóc, nhưng trên hết, họ là những người mang Tin Mừng mà cả cộng đoàn cần được nghe. Giáo Hội có điều gì đó để học hỏi và tiếp nhận từ họ. Một Giáo Hội hiệp hành nhìn nhận và trân trọng vai trò trung tâm của họ.
b) Việc quan tâm đến Ngôi nhà chung của chúng ta kêu gọi hành động chung. Giải pháp cho nhiều vấn đề, như sự biến đổi khí hậu, đòi hỏi sự dấn thân của toàn thể gia đình nhân loại. Việc cùng nhau làm việc để chăm sóc Ngôi nhà chung của chúng ta tạo ra một bối cảnh cho sự gặp gỡ và hợp tác với thành viên của các Giáo Hội và các Cộng đoàn Giáo hội khác, với tín đồ của các tôn giáo khác, và với mọi người thiện chí. Sự dấn thân này đòi hỏi chúng ta phải hành động đồng thời trên nhiều bình diện: công việc huấn giáo và mục vụ, việc thúc đẩy những lối sống tốt hơn, việc quản lý tài sản của Giáo Hội (bất động sản và tài chính).
e) “Mỗi cá nhân Kitô hữu và mỗi cộng đoàn được mời gọi trở thành khí cụ của Thiên Chúa để giải phóng và thăng tiến người nghèo. Điều này hàm ý sẵn sàng đứng về phía những người bị gạt bỏ nhất trong các cuộc tranh luận công khai, góp tiếng nói bênh vực họ cũng như tố cáo các tình huống bất công và phân biệt đối xử, đồng thời tìm cách tránh thỏa hiệp với những kẻ gây ra sự bất công.[19]
BÀI III: GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ THEO TINH THẦN TIN MỪNG
Lm. Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J.
Ở giữa lòng thế giới đầy biến động, Giáo Hội được mời gọi nhận diện các vấn đề và thách thức mà cộng đồng nhân loại đang đối diện theo tinh thần Tin Mừng,[20] và góp phần giải quyết các vấn đề, đáp lại các thách thức ấy. Mỗi tín hữu cần tham gia tích cực hơn vào đời sống xã hội, cầu nguyện và hành động nhằm đáp lại những thách đố mà nhân loại và sứ mạng của Giáo Hội đang đối diện. Cách cụ thể, các thách đố này được diễn tả qua ý cầu nguyện hàng tháng của Đức Thánh Cha uỷ thác cho toàn thể Giáo Hội, cách riêng là Mạng lưới Cầu nguyện của ngài, trong đó có Phong Trào Giới Trẻ Thánh Thể (ở Việt Nam là Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam)[21]. Cầu nguyện và hành động nhằm đáp lại thách đố của thời đại là một đường lối thiết thực để mỗi người tín hữu sống niềm hy vọng và tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống bản thân và cộng đồng.
Công lý và tình thương
Giáo Hội đối diện với các thách thức và vấn đề cần giải quyết theo tinh thần Tin Mừng bằng tình thương và công lý. Vì thế, khi dấn thân vào đời sống xã hội, các tín hữu được mời gọi không chỉ cầu nguyện cho thế giới tốt đẹp hơn, mà còn dấn thân cổ võ công lý và hoà bình, trở thành những nhịp cầu nối kết yêu thương và vun đắp niềm hy vọng cho mọi người.
Đối diện với các thách đố trong đời, mỗi tín hữu được mời gọi nhìn ngắm thế giới qua lăng kính đức tin, tìm kiếm sự hiện diện của Thiên Chúa giữa thế giới, hướng đến các giá trị Tin Mừng. Việc giải quyết những khó khăn không chỉ dựa vào lý trí mà còn dựa vào Tin Mừng, với động lực xuất phát từ con tim được thanh luyện và dưỡng nuôi bởi Lời Chúa. Điều này đòi hỏi lòng can đảm, khiêm tốn và cởi mở, để lắng nghe, nhận định và đối thoại, thấu hiểu nỗi đau của tha nhân và sẵn sàng hy sinh vì Tin Mừng và vì công ích. Khi việc giải quyết vấn đề đặt nền trên tình thương và công lý, các Kitô hữu có thể mang lại những giải pháp bền vững và giá trị, góp phần xây dựng tình liên đới và hiệp thông giữa một thế giới chia rẽ và phân cực ngày nay.
Đối với các vấn đề toàn cầu như bất công xã hội, biến đổi khí hậu, và khủng hoảng nhân đạo, Giáo Hội mời gọi các tín hữu phải hành động, không chỉ vì trách nhiệm mà còn vì tình yêu dành cho mọi thụ tạo của Thiên Chúa. Bằng cách cầu nguyện và sống các giá trị Tin Mừng, mỗi Kitô hữu có thể biến đổi những thách thức thành cơ hội để làm chứng cho quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa.
Cầu nguyện và hành động
Cầu nguyện và hành động phải song hành với nhau để mang lại sự thay đổi thực sự cho xã hội. Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Thánh Cha đóng vai trò quan trọng trong việc cổ võ các tín hữu không chỉ cầu nguyện mà còn hành động theo các ý cầu nguyện hàng tháng. Khi chúng ta cầu nguyện cho hòa bình, Giáo Hội khuyến khích từng người xây dựng hòa bình ngay trong gia đình, nơi làm việc và cộng đồng của mình. Như vậy, lời cầu nguyện sẽ trở thành động lực giúp mỗi người dấn thân, chuyển hóa thế giới bằng chính đời sống Kitô hữu của mình.
Các Kitô hữu được kêu gọi không chỉ sống đạo đức và nhân ái mà còn trở thành ánh sáng giữa thế giới. Mỗi tháng, khi Đức Thánh Cha mời gọi Giáo Hội cầu nguyện theo ý chỉ của ngài, một thách thức của nhân loại hoặc sứ mạng của Giáo Hội, các tín hữu được mời gọi không chỉ cầu nguyện, mà còn hồi tâm nhận định và dấn thân hành động cụ thể, biến lời cầu nguyện thành sự đồng hành thiết thực với những người đang chịu bất công và khổ đau.
Chẳng hạn như, ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng 11 này là, cầu nguyện cho các cha mẹ đã mất con. Trong tinh thần cầu nguyện và hành động, như Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Thánh Cha cổ võ, các tín hữu trước hết được mời gọi cầu nguyện cho các bậc cha mẹ đã mất con, để họ được cộng đồng nâng đỡ và được Chúa Thánh Thần an ủi; kế đến, được mời gọi trở nên sự nâng đỡ và hỗ trợ thiết thực, có những sáng kiến thực tế, khi nhìn vào cộng đồng của mình trong thực tế, và nhận ra những người cha mẹ đã mất con, tham gia vào các hoạt động nâng đỡ và hỗ trợ những người chịu mất mát lớn lao này. Từ việc đồng hành an ủi, lắng nghe, đến việc giúp đỡ về tinh thần và vật chất, mỗi người đều có thể đóng góp vào việc xoa dịu nỗi đau, giúp các bậc cha mẹ tìm thấy sự bình an trong Chúa. Bằng cách này, lời cầu nguyện không dừng lại như một thực hành thiêng liêng, mà còn lan tỏa đến mọi khía cạnh của cuộc sống qua việc dấn thân hành động.
Sức mạnh của cầu nguyện
Trong một thế giới đầy thách thức, cầu nguyện và hành động là con đường sống đức tin cách thiết thực và cụ thể trong đời sống thường ngày của mọi Kitô hữu. Ý cầu nguyện hàng tháng của Đức Thánh Cha không chỉ là một lời nhắc nhở về những vấn đề đương đại mà còn là lời mời gọi hành động với niềm tin, tình yêu và tinh thần phục vụ. Cầu nguyện gắn liền với hành động để dấn thân vào đời sống xã hội, đó không chỉ là con đường thánh hoá bản thân, Tin Mừng hoá đời sống, mà còn qua đó, các tín hữu hiệp lực biến đổi môi trường sống theo Tin Mừng.
Mỗi Kitô hữu được kêu gọi đóng góp vào việc xây dựng một thế giới công bằng và nhân ái, diễn tả sống động tình yêu Thiên Chúa cách cụ thể. Với sứ mạng làm chứng cho Tin Mừng, Giáo Hội mời gọi mọi người tín hữu sống đức tin cách sống động và lan toả đời sống đức tin vào các thực tại trần thế. Giải quyết các thách thức xã hội theo tinh thần Kitô giáo là sứ mạng của mỗi Kitô hữu, cầu nguyện và dấn thân hành động. Mỗi tín hữu, qua cầu nguyện và hành động, được kêu gọi sống đức tin không chỉ qua lời nói mà còn qua những nghĩa cử cụ thể, là cách thiết thực để loan báo Tin Mừng đến từng góc khuất của đời sống xã hội.
Mỗi Kitô hữu, được Đức Thánh Cha mời gọi qua các ý cầu nguyện hàng tháng, đều có thể trở thành tác nhân của sự thay đổi tích cực trong thế giới. Sự kết hợp giữa cầu nguyện và hành động là chìa khóa để chúng ta giải quyết các thách thức theo quan điểm Kitô giáo, truyền tải thông điệp yêu thương và hòa bình đến mọi người xung quanh. Cầu nguyện theo ý chỉ hàng tháng của Đức Thánh Cha là dịp để người tín hữu hướng đến những vấn đề cụ thể và ý thức về trách nhiệm của mình trong việc góp phần đối diện và giải quyết những vấn đề ấy. Bằng cách này, mỗi Kitô hữu không chỉ đóng góp cho sự biến đổi cá nhân mà còn tham gia vào sứ mạng lớn lao của Giáo Hội trong việc xây dựng một xã hội công bình và nhân ái. Sự hòa quyện giữa cầu nguyện và hành động không chỉ củng cố đức tin của mỗi người mà còn góp phần xây dựng Giáo Hội, nơi công lý và lòng thương xót của Thiên Chúa luôn hiện diện.
BÀI IV: CỔ VÕ CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH
Lm. Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J.
Trong một thế giới đầy mâu thuẫn, bất công và xung đột, Giáo Hội được kêu gọi không chỉ rao giảng Tin Mừng mà còn tích cực cổ võ công lý và hòa bình. Giáo Hội quan tâm toàn thể nhân loại, đặc biệt là người nghèo và người chịu đau khổ, trong khi thực thi sứ mạng đặc thù của mình giữa lòng thế giới: “Niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và nỗi lo lắng của con người thời đại này, đặc biệt là những người nghèo hoặc đau khổ theo bất kỳ cách nào, đây là niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và nỗi lo lắng của những người theo Chúa Kitô.”[22] Giáo Hội hướng đến công lý và hoà bình cách cụ thể khi đứng bên những con người đau khổ và chịu thiệt thòi, giúp họ cảm nghiệm tình thương và được tôn trọng hợp với nhân phẩm. Chỉ khi đặt nền tảng trên tình yêu, lòng bác ái, đời sống nhân loại mới có thể có công lý đích thực. Công lý không thể tách rời khỏi tình yêu, và hòa bình chỉ có thể đạt được khi mọi người biết tha thứ, cảm thông và liên đới. Cổ võ công lý và hòa bình là sứ mạng của toàn Giáo Hội, và mỗi Kitô hữu được mời gọi sống đức tin thực thi công lý và qua đó, góp phần kiến tạo hoà bình.
Tình yêu và lòng thương xót
Công lý và hòa bình đặt nền tảng trên tình yêu và lòng thương xót, hai trong số những giá trị Kitô giáo cốt lõi. Công lý không chỉ là sự phân xử công bằng mà còn là bác ái và cảm thông đối với mọi người, đặc biệt là những ai chịu thiệt thòi trong xã hội. Công lý không thể tách rời khỏi bác ái, tình yêu và lòng bao dung. Chỉ khi đặt tình yêu làm nền tảng, chúng ta mới thực sự hiểu được ý nghĩa của công lý và có thể vượt qua sự tổn thương và thù hận, để xây dựng hòa bình. Nhãn quan này đòi hỏi mỗi tín hữu phải sẵn sàng đối diện với các thách thức bằng lòng nhân ái và sự cảm thông, vì đòi hỏi của luật bác ái và vì mọi người đều là anh em, con một Cha trên trời.
Hành trình cổ võ công lý và hòa bình của Giáo Hội là hành trình hướng tới việc làm cho tình yêu Thiên Chúa trở nên sống động và hiện thực trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Khi mỗi tín hữu thể hiện lòng thương xót và sự bao dung, họ trở thành chứng nhân của Đức Kitô, mang lại hy vọng cho những ai đang chịu đựng bất công và giúp họ cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa. Đó là con đường sống đức tin qua hành động thiết thực khi các Kitô hữu dấn thân vào đời sống xã hội, và làm cho lời cầu nguyện trở nên sống động và cụ thể trong đời sống thường ngày.
Cầu nguyện và hành động vì công lý và hòa bình
Mỗi ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha là lời mời gọi Giáo Hội hành động cụ thể để giải quyết các vấn đề xã hội. Cầu nguyện phải đi đôi với hành động, và qua đó, các tín hữu có thể đóng góp vào việc xây dựng một thế giới công bằng hơn. Chẳng hạn như, khi cầu nguyện cho hòa bình, mỗi Kitô hữu được mời gọi hành động để xây dựng hòa bình ngay trong cộng đồng, gia đình và nơi làm việc của mình, làm cho lời cầu nguyện trở thành những bước đi cụ thể trong hành trình kiến tạo hòa bình của Giáo Hội.
Trong việc cổ võ công lý, Giáo Hội không chỉ mời gọi cầu nguyện mà còn khuyến khích tín hữu tham gia vào các hoạt động xã hội nhằm hỗ trợ người nghèo, bảo vệ quyền lợi của người bị áp bức và bảo vệ môi trường. Bằng cách sống theo tinh thần Tin Mừng và thực thi ý cầu nguyện hàng tháng của Đức Thánh Cha, mỗi Kitô hữu trở thành tác nhân của sự thay đổi, đưa tình yêu Thiên Chúa đến với những người đang cần, đưa ánh sáng Tin Mừng vào những góc khuất còn nhiều bóng tối, bóng mờ trong thực tế đời sống. Đó là một phần thi hành thực tế của các tín hữu trong sứ mạng “đọc dấu chỉ thời đại” mà Công đồng Vaticano II mời gọi.
Sự hiệp nhất của các Kitô hữu trong lời cầu nguyện và hành động là sức mạnh đưa Giáo Hội đi xa hơn trong sứ mệnh cổ võ công lý và hòa bình. Khi mọi người cùng hướng về các ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha và sống các giá trị Tin Mừng, Giáo Hội không chỉ trở thành ánh sáng và muối cho đời, mà còn trở thành nơi nương tựa cho những ai đang khao khát một xã hội công bằng và an bình.
Cổ võ công lý và hòa bình
Để xây dựng một thế giới hoà bình và công bằng, các tín hữu không chỉ cần cầu nguyện mà còn cần hành động. Ý cầu nguyện hàng tháng của Đức Thánh Cha là lời nhắc nhở để mỗi Kitô hữu sống Tin Mừng qua hành động thiết thực, làm cho tình yêu của Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống của những người xung quanh. Hành động thực tế cụ thể hoá lòng ước ao vốn đã được chuyển hoá thành lời cầu xin, đó là một năng động thiêng liêng giúp Giáo Hội đồng hành với anh chị em đồng loại qua từng chi thể của mình, qua đó, Giáo Hội loan báo Tin Mừng và giúp nhân loại nhận ra viễn cảnh công lý và hoà bình của mình trong lòng xót thương của Thiên Chúa.
Mỗi Kitô hữu, qua sự hướng dẫn của Giáo Hội, được mời gọi trở thành sứ giả của công lý và hòa bình, làm chứng cho lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa. Mỗi hành động vì công bằng và hòa bình phản chiếu lòng xót thương mà Thiên Chúa dành cho thế giới, là nguồn hy vọng cho những người đang đối diện với đau khổ và bất công. Chỉ khi sống theo tinh thần Tin Mừng, chúng ta mới thực sự hiểu và lan tỏa ý nghĩa của công lý và hòa bình trong đời sống xã hội.
Cổ võ công lý và hòa bình là hành trình của đức tin, tình yêu và hy vọng. Mỗi người Kitô hữu được mời gọi hiện thực hoá lòng ước ao đã diễn tả qua cầu nguyện, thành hành động, để Giáo Hội trở thành chứng nhân sống động của Đức Kitô trong thế giới. Đó là cách mỗi người tín hữu chúng ta thực hiện sứ mạng thiêng liêng của mình và cùng với Giáo Hội chiếu tỏa ánh sáng Tin Mừng đến mọi người xung quanh.
Giáo Hội, trong từng thời đại, luôn phải đối diện với những thử thách xã hội đương thời, nhưng tinh thần Tin Mừng luôn mãi là kim chỉ nam hướng dẫn mỗi bước chân. Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Thánh Cha giúp chúng ta nhìn thấy rõ hơn những vấn đề hay thách thức và nhân loại và Giáo Hội đang đối diện. Chớ gì mỗi Kitô hữu đều có thể trở thành một mắt xích trong sứ mạng chung của Giáo Hội, qua đó biến lời cầu nguyện thành sức mạnh và động lực thực tế để xây dựng một thế giới hòa bình, đầy tình yêu và long bao dung.
_______
[1] Gaudium et Spes, số 1.
[2] Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progessio, ban hành ngày 26-3-1967, tại Roma
[3] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Christifideles Laici Kitô-Hữu Giáo Dân, ban hành ngày 30-12-1988, tai Roma, số 36, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-christifideles-laici-kito-huu-giao-dan-ve-on-goi-va-su-mang-cua-giao-dan-trong-giao-hoi-va-the-gioi-55844
[4] Đức Phanxicô, Thông điệp Laudete Deum (Hãy ngợi khen Chúa), ban hành ngày 4-10-2023, tại Roma, số 2.
[5] Hiến Chế Lumen Gentium số 1
[6] Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 2402.
[7] Đức Phanxicô, bài giáo lý hàng tuần vào thứ Tư ngày 26/8/2023
[8] Đức Phanxicô, Thông điệp Laudete Deum (Hãy ngợi khen Chúa) số 71.
[9] Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng), ban hành ngày 24-11-2013, tại Roma, số 71, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-niem-vui-cua-tin-mung-evangelii-gaudium-46656
[10] Đức Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’ (Chúc tụng Chúa), số 239
[11] Quaest. Disp. de Myst. Trinitatis, 1, 2 concl
[12] Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo 357
[13] X. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, bài diễn văn trong buổi đọc kinh Truyền Tin tại Osnabrück (Đức) với người khuyết tật, 16 tháng 11 năm 1980: Insegnamenti 3/2 (1980), 1232
[14] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Christifideles Laici Kitô-Hữu Giáo Dân, ban hành ngày 30-12-1988, tại Roma, số 41, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-christifideles-laici-kito-huu-giao-dan-ve-on-goi-va-su-mang-cua-giao-dan-trong-giao-hoi-va-the-gioi-55844
[15] Đức Phanxico, Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium) Ban hành ngày 30/12/1988, tại Roma, số 198
[16] Nt, số 198, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-niem-vui-cua-tin-mung-evangelii-gaudium-46656
[17] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn “Giáo Hội tại Á châu”, ban hành ngày 6/11/1999 tại New Delhi, Ấn độ, số 34.
[18] Nt.
[19] Nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tai-lieu-lam-viec-instrumentum-laboris-cho-khoa-hop-thu-nhat-cua-dai-hoi-thuong-hoi-dong-giam-muc-thang-10-2023--51224
[20] Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 4.
[21] The challenges that confront humanity and the mission of the Church: https://www.popesprayer.va/the-challenges-facing-humanity-and-assists-the-mission-of-the-church/
[22] Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 1.
bài liên quan mới nhất
- Thư của Đức Thánh cha Phanxicô nhân kỷ niệm 100 năm Tông thư Maximum Illud về hoạt động truyền giáo trên thế giới
-
Lời giới thiệu sách: Ý nghĩa và lịch sử của hành hương -
Thư gửi anh chị em giáo chức Công giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024 -
Một Hội thánh cùng đi với Chúa loan báo Tin Mừng -
Từ Sấm truyền đến Thánh kinh – Ngót 400 năm Tin mừng được loan báo trên đất Việt -
Ad Extra, làm thế nào biết tin tức và suy tư về sứ mạng ở Châu Á một cách sâu xa hơn -
Kết nối với Gen Z: 4 chiến lược cho Giáo hội Công giáo -
Để đức tin thấm vào văn hóa -
Ủy ban Giáo dân - Biên bản chương trình thường huấn “Các đoàn thể tông đồ trong Giáo hội hiệp hành” -
Ngày thành lập Giáo hội Việt Nam 09/9/1659?
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Thánh Cha nhắc lại lời mời cầu nguyện cho Thượng Hội đồng
-
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng -
Suy tư về Ngày Thế giới Người nghèo năm 2023 -
Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu năm 2024 -
Truyền giáo Việt Nam hiện nay: Ánh sáng và bóng tối -
Giáo dân truyền giáo -
Canh tân hoạt động loan báo Tin Mừng tại Việt Nam ngày nay -
Lời Chúa sống động nơi một cuộc đời cụ thể -
Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp khai giảng năm học 2024 - 2025 -
Cha Alexandre de Rhodes: Một gương mặt truyền giáo