Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 01/2025: Nguồn cội và sức năng động của sứ mạng loan báo Tin mừng

Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 01/2025: Nguồn cội và sức năng động của sứ mạng loan báo Tin mừng

Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 01/2025: Nguồn cội và sức năng động của sứ mạng loan báo Tin mừng

WHĐ (02/01/2025) – Ban Nghiên huấn của Ủy ban Giáo dân đã có loạt bài thường huấn dành cho giáo dân trong tháng 01/2025 với chủ đề: Nguồn cội và sức năng động của sứ mạng loan báo Tin mừng.

Ủy ban Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam

Ban Nghiên Huấn

 

THƯỜNG HUẤN GIÁO DÂN THÁNG 01/2025

Chủ đề: Nguồn cội và sức năng động của sứ mạng loan báo Tin mừng

 

BÀI I - LOAN BÁO TIN MỪNG TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

BÀI II - LOAN BÁO TIN MỪNG: MỘT HÀNH TRÌNH GẶP GỠ CHIA SẺ NIỀM VUI

BÀI III - GẶP GỠ VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG

BÀI IV - SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG BẮT NGUỒN TỪ CHÚA BA NGÔI

 

BÀI I - LOAN BÁO TIN MỪNG TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

Lm. Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J.

Gia đình Kitô giáo không chỉ là nơi vun đắp tình yêu và giáo dục con cái, nhưng còn là “Hội thánh tại gia” và mang trong mình sứ mạng loan báo Tin Mừng. Mỗi gia đình Kitô hữu được mời gọi trở thành chứng nhân sống động của niềm vui Tin Mừng, của niềm hy vọng Kitô giáo, góp phần loan báo Tin Mừng trong đời sống thường ngày. Qua gia đình, Tin Mừng không chỉ được vun trồng trong các mối quan hệ tình thân gia đình, mà còn lan tỏa sâu rộng đến đời sống cộng đồng xã hội.

1. Gia đình – nơi vun trồng đức tin và tình thương

Đời sống gia đình vun đắp đức tin và tình thương. Gia đình không chỉ là tổ ấm yêu thương, nơi mỗi người học cách yêu thương, mà còn là nơi giáo dục đức tin. Cha mẹ chính là những người đầu tiên thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng cho con cái, dạy con cái cầu nguyện, sống yêu thương và thực hành các giá trị Kitô giáo qua đời sống thường ngày. Sự hòa quyện giữa đức tin và tình thương trong gia đình tạo ra nền tảng vững chắc cho sự trưởng thành nhân bản và thiêng liêng.

Trong khung cảnh gia đình như thế, cầu nguyện là hơi thở cần thiết để từng thành viên trong gia đình sống đức tin giữa bộn bề âu lo và thách đố trong đời sống. “Hãy cầu nguyện không ngừng” (1 Tx 5,17). Cầu nguyện trong gia đình là trung tâm thiêng liêng, nơi các thành viên kết nối với Thiên Chúa và với nhau. Đây là khoảnh khắc gia đình “thả neo” vào nguồn cội đức tin, giúp họ sống niềm hy vọng giữa những khó khăn và thử thách.

Khi đời sống được kết dệt với những nhịp thiêng liêng và giá trị Tin Mừng, gia đình cũng chính là nơi đức tin được loan truyền qua các thế hệ, từ ông bà, cha mẹ đến con cái và các thế hệ sau, và làm cho đời sống gia đình thấm nhuần tinh thần Tin Mừng. Qua đời sống gia đình và trong những hoàn cảnh thông thường của đời sống, mỗi người làm cho đời sống mình mang sắc thái đặc thù của Tin Mừng, và qua đó công bố và lan toả Tin Mừng vào đời sống. Khi sống và loan truyền đức tin như thế, gia đình trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa cho thế giới.

2. Gia đình sống sứ mạng loan báo Tin mừng

Gia đình không chỉ là tổ ấm yêu thương, mà còn là “Giáo hội tại gia,” nơi mỗi thành viên sống và lan tỏa Tin Mừng. Qua việc cầu nguyện, dạy dỗ, và sống các giá trị Kitô giáo, cha mẹ không chỉ truyền đạt đức tin cho con cái mà còn nhận lại sự phong phú thiêng liêng từ chính những thế hệ trẻ. Một gia đình sống trọn vẹn đức tin sẽ trở thành nguồn cảm hứng, lan tỏa ánh sáng Tin Mừng đến những gia đình khác trong cộng đồng, góp phần vào sức năng động loan báo Tin Mừng.

Gia đình thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng qua chứng từ đời sống. Khi sống theo các giá trị Tin Mừng như yêu thương, hy sinh, tha thứ, phục vụ,… gia đình trở thành một dấu chỉ sống động về tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa. Không thiếu trở ngại và thách đố, nhưng đời sống Kitô hữu luôn được nâng đỡ bởi ân sủng: “Thần Khí giúp đỡ sự yếu hèn của chúng ta” (Rm 8,26). Khi sống giá trị Tin Mừng như thế, đời sống gia đình không chỉ được củng cố hơn mà còn có sức thu hút và lan tỏa Tin Mừng đến môi trường sống chung quanh, giúp nhận ra vẻ đẹp và ý nghĩa của Tin Mừng trong thế giới hôm nay.

Gia đình không chỉ đón nhận Tin Mừng mà còn chuyển trao và loan báo Tin Mừng. Qua các thực hành cụ thể trong đời sống như tham dự thánh lễ, đọc kinh gia đình, cầu nguyện cá nhân, thực thi bác ái, rộng lòng hiếu khách,… gia đình trở thành hạt nhân loan báo Tin Mừng, lan tỏa niềm hy vọng Kitô đến môi trường sống chung quanh. Từng thành viên gia đình như những “môn đệ truyền giáo”, sẵn sàng “đi ra vùng ngoại biên”, đem Tin Mừng đến những nơi thiếu ánh sáng đức tin, rời xa niềm hy vọng.

3. Thách thức và hy vọng trong sứ mạng gia đình

Trong thế giới ngày nay, gia đình đối mặt với nhiều thách thức, từ áp lực kinh tế đến sự tấn công của lối sống thế tục. Tuy nhiên, gia đình Kitô hữu được kêu gọi sống trong hy vọng. “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em, và anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1:8). Chính sự hiện diện của Thánh Thần là nguồn sức mạnh giúp gia đình kiên vững giữa những khó khăn và thử thách.

Thách thức khác đến từ sự cô lập trong xã hội hiện đại, khi các gia đình dễ bị lôi cuốn vào các giá trị vật chất mà quên đi đời sống thiêng liêng. Tuy nhiên, niềm vui Tin Mừng luôn được tái sinh và có sức biến đổi ngay cả trong những hoàn cảnh đen tối nhất. Khi “thả neo” vào tình yêu Thiên Chúa, gia đình tìm lại được ánh sáng và niềm vui của Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh.

Để thực thi sứ mạng của mình, gia đình cần gắn bó chặt chẽ với giáo xứ và cộng đoàn Giáo hội. Bằng cách tham gia vào các cử hành phụng vụ và sinh hoạt mục vụ, gia đình không chỉ được củng cố đời sống đức tin, mà còn trở thành những nhân tố tích cực trong việc xây dựng Hội Thánh. Nhờ đó, khi sống Năm Thánh “Những Người Hành Hương Của Hy Vọng”, các gia đình cũng đồng thời đáp lời mời gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đó là “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”.

Tóm lại, gia đình là nơi mỗi thành viên không chỉ được nuôi dưỡng trong yêu thương mà còn được mời gọi trở thành những chứng nhân sống động của Tin Mừng. Giữa những thách thức của thời đại, gia đình Kitô hữu là dấu chỉ hy vọng, thể hiện qua đời sống yêu thương, tha thứ và phục vụ. Nhờ “thả neo” vào tình yêu Chúa, gia đình có thể vượt qua khó khăn, gìn giữ đức tin và tiếp tục lan tỏa ánh sáng Tin Mừng đến môi trường xung quanh. Như những “người hành hương của hy vọng,” các gia đình Kitô giáo không ngừng “đi ra” và làm chứng cho Tin Mừng. Qua đó, họ không chỉ xây dựng Giáo hội tại gia mà còn góp phần vào sứ mạng mang Tin Mừng cứu độ đến mọi nơi và cho mọi người.

Hồi tâm

1) Gia đình bạn giữ giờ kinh gia đình và các nhịp sinh hoạt chung, chẳng hạn như bữa cơm gia đình, như thế nào? Làm thế nào để các giờ kinh nguyện và bữa cơm gia đình trở thành trung tâm đời sống, vun vén tình thân gia đình?

2) Trong những tương quan hàng ngày trong đời sống gia đình, bạn đã sống và chia sẻ các giá trị Tin Mừng qua thực hành yêu thương, tha thứ, và phục vụ như thế nào?

3) Khi đối diện với những thách thức về kinh tế, tinh thần hoặc lối sống thế tục, bạn làm gì để gìn giữ đời sống đức tin trong gia đình và làm thế nào để bạn thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng trong gia đình?

 

BÀI II - LOAN BÁO TIN MỪNG: MỘT HÀNH TRÌNH GẶP GỠ CHIA SẺ NIỀM VUI

Lm. Antôn Hà Văn Minh

Việc làm chứng cho Chúa ở giữa đời trước tiên chính là trao ban niềm vui, một niềm vui được phát sinh từ cuộc gặp gỡ cách cá vị với Chúa Kitô. Thật vậy, trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, Đức Phanxicô nói đến niềm vui mà Tin Mừng mang lại cho người tín hữu, niềm vui được nảy sinh từ cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Kitô, bởi chính trong cuộc gặp gỡ này chúng ta sẽ được Người trao ban cho sứ điệp, mà “sứ điệp của Người là một nguồn vui: “Thầy nói với các con những điều này để niềm vui của Thầy ở trong các con và niềm vui của các con được nên trọn” (Ga 15:11). Niềm vui Kitô của chúng ta phát ra từ nguồn mạch trái tim tràn đầy của Người. Người hứa với các môn đệ: “Các con sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của các con sẽ biến thành niềm vui” (Ga 16:20)” (EG, số 5).

Người Kitô hữu là người tràn đầy niềm vui, vì qua phép Rửa họ đã được dẫn đưa đến gặp gỡ với Chúa Giêsu, họ đã “để cho mình được Người cứu độ, được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi buồn rầu, trống rỗng nội tâm và không còn bị cô lập” (EG, số 1). Nói như Đức Phanxicô : “Điều tốt lành luôn luôn có khuynh hướng lan truyền”, vì được đổ tràn niềm vui cứu độ, người tín hữu sẽ không giữ riêng cho mình, nhưng họ hân hoan sẻ chia niềm vui đó, để người khác cũng được dự phần vào niềm vui đó. Thật vậy “Mỗi kinh nghiệm đích thực về chân lý và sự thiện mỹ là tự nó tìm cách lan rộng, và mọi người trải qua một cuộc giải phóng sâu xa trở nên nhạy cảm hơn với những nhu cầu của người khác. Khi người ta truyền thông nó, sự thiện bén rễ và phát triển. Cho nên, những ai muốn sống cách xứng đáng và trọn vẹn phải nhận ra những người khác và tìm kiếm sự tốt lành cho họ.” (EG số 9). Như vậy, niềm vui Tin Mừng chi đạt được ý nghĩa đích thực của nó, khi niềm vui này được thông ban cho người khác.

1. Niềm vui Tin mừng là quà tặng của Thiên Chúa tình yêu

Bất hạnh của một con người đến từ sự cô đơn và bị lãng quên, không có được một mối giây tương giao nào với người khác. Nhà văn Văn Cao đã mượn nhân vật Chí Phèo để bày tỏ sự kinh hoàng của nỗi cô đơn: “Cô đơn, cái này đáng sợ hơn cả đói rét và ốm đau”. Bởi cô đơn vắng bóng tình yêu, nguyên lý của sự sống, nó làm cho con người trở nên khô cằn trong cuộc sống, mang lại cho người ta nỗi sợ hãi và tuyệt vọng. Tác giả Thánh vịnh cũng đã cảm nghiệm được sự cùng khốn của nỗi cô đơn: “Lạy Chúa, sao Chúa nỡ đứng xa, ngày khốn quẫn, sao Ngài đành ẩn mặt? (TV 9)”. Tác giả sách Sáng Thế cũng đã cho biết rằng, đối với Thiên Chúa cô đơn là một bất hạnh, nên Ngài đã nói: “Con người ở một mình không tốt” (St 2, 18), Ngài đã tạo dựng Eva cho Adam, có nghĩa là con người chỉ có hạnh phúc khi con người thể hiện mối tương giao hiệp thông với nhau, vì chỉ có trong mối tương giao này con người thực sự nhận ra rằng, cuộc sống chỉ đạt tới ý nghĩa của nó khi biết mình yêu thương và được yêu thương. Mối tương giao nay làm cho con người nhận ra được chính mình: “đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2, 23).

Tuy nhiên, mối tương giao sẽ không thể có được nếu trước tiên không được nối kết với Thiên Chúa. Thế nhưng, mối tương giao này gãy đổ khi con người không muốn ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa, quay lưng chống lại Thiên Chúa, và hậu quả của sự tách rời này là nỗi khổ đau con người phải gánh chịu. có nghĩa là con người đối diện với một thực tại mà triết gia hiện sinh Jean Paul Sartre đã mô tả trong tác phẩm “Bức tường”, một thực tại cô đơn, nó như một bức tường ngăn cách giữa hai con người được gọi người tình của nhau, ngồi cạnh bên nhau đó, nói chuyện với nhau đó, nhưng chẳng gặp được nhau.[1] Vâng, kể từ khi bị loại trừ khỏi mối tương giao với Thiên Chúa, con người lầm lũi cô đơn giữa chợ đời, mang nặng nỗi sợ hãi: “Ðây, hôm nay Ngài xua đuổi con khỏi mặt đất. Con sẽ phải trốn tránh để khỏi giáp mặt Ngài, sẽ phải lang thang phiêu bạt trên mặt đất, và bất cứ ai gặp con sẽ giết con” (St 4, 14).

Vì Thiên Chúa là Tình yêu, nên Ngài đâu nỡ đứng nhìn con người bị nỗi khổ đau hành hạ, Ngài quyết đưa con người ra khỏi nỗi cô đơn, bằng cách thiết lập lại mối tương giao với con người qua việc Ngài mạc khải chính mình cho con người và tỏ cho họ biết thiên ý nhiệm mầu là muốn cứu chuộc con người khỏi sự hư vong. Thật vậy, “Thiên Chúa vô hình, trong tình yêu thương chan hòa, đã ngỏ lời với loài người như với bạn hữu và đến nói chuyện với họ, để mời gọi và chấp nhận cho họ đi vào cuộc sống của chính Ngài”[2]. Việc mạc khải này đạt tới điểm sung mãn của nó qua Đức Giêsu Kitô, tác giả thơ Do Thái đã trình bày ngắn gọn về Thiên Chúa đã hành động để đưa con người về với cội nguồn hạnh phúc: “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1,1-2).

Như vậy, việc Ngôi Lời Nhập Thể làm người là món quà vô giá mà Thiên Chúa trao ban cho con người, Thánh Gioan đã minh định: Thiên Chúa đã yêu mến thế gian, đến nỗi đã ban Người Con Một, ngõ hầu phàm ai tin vào Người thì khỏi phải hư đi, nhưng được có sự sống đời đời” (Ga 3,16). Sự nhập thể của Ngôi Lời chính là cách thế Thiên Chúa ngỏ lời yêu thương với con người một cách cụ thể, sống động. Đức Bênêđictô XVI đã xác quyết: Qua Mầu nhiệm Nhập thể “Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta như một Mầu nhiệm tình yêu vô tận, trong đó Chúa Cha từ thủa đời đời diễn đạt Lời của Ngài trong Chúa Thánh Thần. Bởi thế, Ngôi Lời, Đáng từ lúc khởi đầu vẫn hướng về Thiên Chúa và là Thiên Chúa, đã mạc khải chính Thiên Chúa cho chúng ta trong tương quan trao đổi tình yêu giữa các Ngôi vị Thiên Chúa, và mời gọi chúng ta dự phần vào tương quan tình yêu đó”[3].

Chính khi mời gọi chúng ta dự phần vào mối tương quan tình yêu Ngôi Vị của Ngài, thì cũng có nghĩ là Thiên Chúa chính thức phá đổ bức tường ngăn cách giữa chúng ta vời Ngài, phá vỡ tình trạng cô đơn của chúng ta, để dẫn đưa chúng ta vào một cuộc đối thoại tình yêu. Và qua cuộc đối thoại này, “chúng ta được mời gọi hiệp thông với Thiên Chúa và giữa chúng ta với nhau”[4], nhờ đó chúng ta được thông dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi tình yêu. Được thông dự như thế quả thật là một niềm vui viên mãn (x. 1 Ga 1, 4).

2. Niềm vui khởi đi từ cuộc gặp gỡ với Tin mừng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường nhấn mạnh đến việc người tín hữu Kitô đừng bao giờ quên, đó là hãy biểu lộ niềm vui mà mình đang được ban tặng: đó chính là niềm vui được gặp gỡ với Tin Mừng. Trong bài giảng ngày 22-5-2014 tại nguyện đường Santa Marta, Đức Giáo Hoàng đã nói: Một tín hữu Kitô chân chính phải là một người luôn hân hoan vui mừng, ngay cả lúc đau khổ và hoạn nạn, “niềm vui như dấu chỉ của một tín hữu Kitô. Một tín hữu Kitô mà không có niềm vui không còn là tín hữu Kitô hay chỉ là một tín hữu Kitô bệnh hoạn. Người đó không có được một cơ thể tâm linh khỏe mạnh! Một Kitô hữu khỏe mạnh là một tín hữu Kitô vui mừng, tràn ngập niềm vui. Một lần nọ, tôi nói rằng có những tín hữu Kitô với khuôn mặt như bị táo bón kinh niên!. … Lúc nào cũng nhăn nhó, khó chịu! Thật là tệ! Đây không phải là tín hữu Kitô chính hiệu. Một tín hữu Kitô mà không có niềm vui không phải là tín hữu Kitô. Niềm vui như dấu ấn của một tín hữu Kitô, ngay cả trong đau đớn, thử thách, thậm chí bắt bớ”[5].

Niềm vui là khao khát của con người, bởi thế con người luôn nỗ lực đi tìm cho mình niềm vui của cuộc sống, nhưng hầu như mọi nỗ lực của con người đều thất bại. Thất vọng trong con đường tìm kiếm niềm vui thật, Jean Paul Sartre trong tác phẩm “Buồn nôn” (La Nausée) đã chua cay coi cuộc đời này chẳng có ý nghĩa gì cả, tất cả chỉ là hư vô trống rỗng, để rồi ông đưa ra một cái nhìn đầy bi quan: Địa ngục, chính là tha-nhân (L'Enfer, c'est les Autres). Sống trong xã hội văn minh hôm nay, con người mang nặng nhiều nỗi lo âu và muộn phiền, và niềm vui hình như đang dần xa lánh khỏi cuộc sống. Vẫn còn tiếng cười đó, nhưng âm vang của nó sao nghe thấy lạnh lẽo tình người, vẫn còn đó những nụ cười sao nhìn thấy chất chứa đầy mưu toan, những trang tin trên báo mạng đầy dẫy các câu chuyện đau thương không thể tin nổi: bạn hữu đâm nhau tại một đám cưới, vợ chồng lập mưu giết lẫn nhau, cha mẹ hạt sát con ngay trong vòng tay, hoặc hai kẻ yêu nhau hạ sát lẫn nhau sau khi thỏa mãn thú tính…

Tuy nhiên, tâm tình của người Kitô hữu, cho dẫu đối diện với bất cứ một thách đố nào trong cuộc sống, vẫn luôn được mời gọi: “Hãy vui lên” (Pl 4:4). Vâng, niềm vui được kêu gọi tỏ bày không là niềm vui được dệt lên từ tình cảm chóng qua, nhưng là niềm vui bắt nguồn từ một cuộc gặp gỡ. Khởi đầu Tông huấn Evangelii Gaudium, Đức Phanxicô đã viết: “Niềm vui của tin Mừng tràn ngập tâm hồn và toàn thể đời sống của những người gặp gỡ Chúa Giêsu. Những người để cho mình được Người cứu độ được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn rầu, trống rỗng nội tâm và cô lập. Với Chúa Giêsu Kitô niềm vui được sinh ra và luôn luôn tái sinh” (số 1). Đức Phanxicô đã khẳng định rằng, chính cuộc gặp gỡ cá vị của mỗi người với Chúa Giêsu, tâm điểm của mọi đời sống kitô hữu, làm nảy sinh niềm vui và đời sống được tái sinh đích thực. Với tâm tình đó, Đức Thánh Cha đã mạnh dạn nhắc lại: “Tôi mời gọi mọi kitô hữu, ở bất cứ nơi nào và hoàn cảnh nào, ngay lúc này đổi mới cuộc gặp gỡ cá nhân của mình với Chúa Giêsu Kitô… không có một lý do nào mà một người có thể nghĩ rằng lời mời gọi này không dành cho mình” (số 3).

Đức Bênêđictô XVI đã nói rõ tại sao niềm vui được nảy sinh của cuộc gặp gỡ cá vị này với Đức Kitô: “Gặp gỡ Chúa Giêsu bao giờ cũng làm dậy lên trong lòng niềm vui vô tận. Chúng ta thấy điều này trong nhiều câu chuyện của Tin Mừng. Chẳng hạn, chúng ta thấy khi Chúa Giêsu đến thăm Dakêu, một người thu thuế bất lương, một người tội lỗi ai cũng biết, Ngài bảo: ‘Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông’. Thánh Luca thuật lại, ông Dakêu ‘vui mừng đón tiếp Ngài’ (Lc 19,5-6). Đó là niềm vui gặp gỡ Chúa, niềm vui cảm nhận tình yêu Chúa – một tình yêu có sức biến đổi cả cuộc đời chúng ta và mang lại ơn cứu độ. Dakêu đã quyết định thay đổi cuộc sống và tặng phân nửa tài sản của mình cho người nghèo.

3. Niềm vui của Tin mừng cần được loan báo

Tông huấn Evangelii gaudium trình bày điểm cốt lõi của niềm vui Tin Mừng chính là việc loan báo, Đức Phanxicô nói: “Điều tốt lành luôn luôn có khuynh hướng lan truyền. Mỗi kinh nghiệm đích thực về chân lý và sự thiện mỹ là tự nó tìm cách lan rộng, và mọi người trải qua một cuộc giải phóng sâu xa trở nên nhạy cảm hơn với những nhu cầu của người khác. Khi người ta truyền thông nó, sự thiện bén rễ và phát triển. Cho nên, những ai muốn sống cách xứng đáng và trọn vẹn phải nhận ra những người khác và tìm kiếm sự tốt lành cho họ. Vì thế một số cách diễn tả của Thánh Phaolô không làm cho chúng ta ngạc nhiên: ‘Tình yêu Đức Kitô thúc đẩy chúng ta’ (2 Cr 5: 14), ‘Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!’ (1 Cor 9: 16)” (EG số 9).

Tin Mừng Chúa Giêsu chính là Lời Thiên Chúa được loan báo, nếu Lời Thiên Chúa không được nói ra thì Thiên Chúa mãi là một Thiên Chúa ẩn giấu, và sẽ không có một mối tương giao nào giữa Thiên Chúa và con người được thiết lập. Và như thế, việc Thiên Chúa hiện hữu hay không đối với con người không còn là điều quan trọng. Nhưng, Thiên Chúa không là một Đấng ẩn giấu, vì Ngài là Tình Yêu (1G 4,7), mà bản chất của tình yêu là tỏ bày. Thật vậy, Thiên Chúa “là niềm vui vô tận không khép kín trong chính mình nhưng mở ra để ôm lấy những ai Ngài yêu mến và những ai yêu mến Ngài. Vì yêu thương Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh Ngài để tuôn đổ tình yêu của Ngài trên chúng ta và cho chúng ta được lãnh nhận đầy tràn sự hiện diện và ân sủng của Ngài. Thiên Chúa muốn chúng ta được chia sẻ niềm vui thiêng liêng và bất diệt của chính Ngài, và giúp chúng ta thấy rằng giá trị và ý nghĩa sâu xa của đời sống chúng ta là được Ngài chấp nhận, đón vào và thương yêu”[6].

Quả thật, niềm vui được nhận lãnh sẽ chẳng mang lại lợi ích gì nếu niềm vui đó không được loan truyền. Căn tính của niềm vui Tin Mừng chính là được tiếp tục xẻ chia, nói như Đức Bênêđictô XVI: “Chúng ta không thể hạnh phúc nếu những người khác không hạnh phúc. Niềm vui phải được chia sẻ. Chúng ta không được giữ lấy niềm vui đức tin cho riêng mình. Nếu muốn giữ được niềm vui ấy, chúng ta phải cho đi. Thánh Gioan nói: ‘Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, bây giờ chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, chúng tôi viết ra điều này để niềm vui của chúng ta được trọn vẹn’ (1 Ga 1,3-4)”[7].

Nhưng phải chia sẻ niềm vui Tin Mừng như thế nào? Tông huấn Verbum Domini đã chỉ cho người tín hữu cách thế để niềm vui Tin Mừng thực sự được gieo vãi đến cho người khác để họ cũng được thông dự vào niềm vui này. Tông huấn viết: “điều quan trọng là mỗi hình thức loan báo phải ghi nhớ trước hết quan hệ nội tại giữa việc thông truyền Lời Chúa và việc làm chứng của Kitô hữu. Chính tính khả tín của việc loan báo tùy thuộc vào điều này. Một đàng, Lời phải thông truyền những gì chính Chúa đã nói với chúng ta; đàng khác, cần phải làm chứng để đưa lại tính khả tín cho Lời này, để Lời này không xuất hiện ra như một thứ triết lý tốt đẹp hay như một không-tưởng, mà là một thực tại người ta có thể sống và là thực tại làm cho người ta sống. Tính hỗ tương này giữa Lời và chứng tá phản ảnh cách thế Thiên Chúa dùng để tự thông truyền chính mình trong công cuộc Nhập thể của Ngôi Lời của Ngài. Lời Thiên Chúa đến với mọi người ‘qua cuộc gặp gỡ với các chứng nhân đang làm cho Lời nên hiện diện và sống động’. Đặc biệt, những thế hệ trẻ cần được khai mở vào Lời Thiên Chúa ‘qua việc gặp gỡ và làm chứng chân chính của người lớn, qua ảnh hưởng tích cực của bạn bè và qua cuộc đồng hành vĩ đại của cộng đoàn Giáo Hội’.

Vâng, có Chúa hiện diện bên ta, lòng ta ngập tràn niềm vui, và chúng ta không phải lo âu sợ hãi. Với niềm vui này, Đức Phanxicô trong Tông huấn Evangelii Gaudium đã vạch ra kế sách cho công việc loan báo Tin mừng hôm nay, ngày viết: “Trong Tông Huấn này, tôi muốn khuyến khích các tín hữu Kitô giáo, để mời họ vào một giai đoạn mới của truyền giáo được đánh dấu bằng niềm vui trong khi chỉ ra những con đường mới cho cuộc hành trình của Hội Thánh trong những năm tới”. (EG số 1)

 

BÀI III - GẶP GỠ VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG

Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn

Định hướng mục vụ cho Hội Thánh tại Việt Nam trong năm 2025, là năm “Cùng nhau loan báo Tin Mừng.” Nguồn sức mạnh của năm “Cùng nhau loan báo Tin Mừng” này sẽ được kín múc từ ân huệ Năm Thánh của Giáo hội hoàn vũ: “Những người hành hương trong hy vọng.” Chỉ có Chúa mới làm cho công việc loan báo Tin Mừng của Giáo hội sinh được hoa trái. Tuy nhiên, Chúa cần sự cộng tác của mỗi Kitô hữu cho công cuộc của Ngài hầu ta ra đi và sinh được hoa trái.

Loan báo Tin Mừng là lệnh truyền của Đấng Cứu thế: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Công đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Tự bản tính, Hội Thánh lữ hành là truyền giáo” (Ad gentes 2). Để sứ vụ này đạt hiệu quả, ta không chỉ cần đến niềm tin mạnh mẽ, mà còn đòi hỏi sự am hiểu và tinh tế trong cách tiếp cận, giúp đến gần hơn với cộng đồng mà ta muốn tiếp cận. Người viết xin đề nghị một vài bước bước tiếp cận cần thiết để đạt được hiệu quả trong công cuộc loan báo Tin Mừng.

1. Những bước chuẩn bị cần thiết

Thứ nhất là cầu nguyện và hy sinh. Cầu nguyện và hy sinh chính là linh hồn của sứ vụ loan báo Tin Mừng. Cầu nguyện luôn là nguồn mạch không thể thiếu, là nơi con người kết nối với Thiên Chúa và đón nhận Ân sủng từ Ngài. Trong công cuộc loan báo Tin Mừng, cầu nguyện không chỉ như là một thói quan cá nhân, mà còn là một hành động của cộng đoàn, nơi mọi người cùng hướng về Thiên Chúa; đồng thời, sự hy sinh của mỗi người cũng góp phần làm cho lời cầu nguyện của ta thêm sức mạnh, giúp mỗi người bỏ qua sự ích kỷ và dấn thân sâu hơn vào sứ vụ.

Thứ hai là trang bị những kiến thức về Đức tin. Thế giới ngày nay đang tràn ngập thông tin đa chiều, nhiều người vì vậy mà cảm thấy hoang mang, khó nhận biết đâu là sự thật. Việc trang bị kiến thức đức tin trở thành điều vô cùng cấp thiết cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Hiểu rõ Kinh Thánh, nắm vững giáo lý và các vấn đề căn bản về đức tin là cách giúp người Công giáo tự tin khi đối diện với các câu hỏi từ những anh chị em ngoài Công giáo, đồng thời tạo dựng niềm tin vững chắc vào Giáo hội. Đức tin không phải là một kho kiến thức tĩnh lặng; trái lại, đức tin cần được chia sẻ một cách ngắn gọn và rõ ràng, giúp mọi người cảm nhận đức tin không chỉ là một truyền thống mà còn là một trải nghiệm sống động.

Thứ ba là gieo mầm Đức tin. Một trong những cách đơn giản mà hiệu quả để truyền tải đức tin là gieo mầm, từ những món quà nhỏ bé nhưng chứa đựng ý nghĩa. Khi làm việc tại tỉnh Điện Biên, người viết thường tặng quyển sách “Đạo Yêu Thương” của Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm cho các vị chính quyền và anh chị em ngoài Công giáo; hay giới thiệu các đường liên kết tới một bài giảng online của các Linh mục hay Giám mục có uy tín, tất cả đều có thể trở thành “ân sủng” chạm vào trái tim người nhận. Người viết cũng thường tận dụng từng cuộc trò chuyện để gieo vào lòng người ngoài Công giáo hạt giống đức tin, mở ra cánh cửa đón nhận thông điệp yêu thương của Thiên Chúa.

2. Lắng nghe và đối thoại

Loan báo Tin Mừng không phải là việc chỉ đơn giản nói lên niềm tin của mình, mà trước hết là biết lắng nghe. Lắng nghe với sự đồng cảm, không phán xét, là bước đầu để hiểu được những trăn trở và tổn thương của người khác. Lắng nghe sâu sắc là để hiểu những khía cạnh mà Giáo hội cần nhìn nhận và đồng hành cùng họ trên con đường chữa lành và hòa giải.

Việc mở rộng cuộc đối thoại là một bước quan trọng tiếp theo sau lắng nghe. Người Công giáo cần biết cách tìm lời giải đáp thích hợp cho những nỗi lòng còn dang dở của người khác. Nếu ai đó nói rằng họ cảm thấy không được chăm sóc về mặt tinh thần, chúng ta có thể giới thiệu về vẻ đẹp của Bí tích Thánh Thể. Nếu họ thấy Giáo hội đầy dẫy sự giả tạo, ta hãy kể về những câu chuyện đầy lòng thương xót và những tấm gương thánh thiện. Để đưa đức tin đến gần người khác, ta cần một trái tim rộng mở, một phong thái loan báo Tin Mừng đủ mạnh để đi vào một nền văn hóa mới. Phong thái ấy chính là tình yêu, lòng kiên nhẫn và sự nhạy cảm với những con người và số phận mà ta gặp gỡ, tiếp xúc.

Qua các cuộc gặp gỡ tiếp xúc, ta mời gọi anh chị em ngoài Công giáo tham gia các sự kiện ý nghĩa của Giáo xứ, chẳng hạn như buổi dâng Hoa, buổi chia sẻ về đời sống gia đình ... , có thể giúp người ta cảm nhận sự gần gũi và hiếu khách của Giáo hội. Đây là cơ hội để họ thấy một cộng đồng tràn đầy sức sống, sẵn sàng đón nhận họ trong tinh thần yêu thương và đùm bọc. Thay vì đưa họ trực tiếp đến Thánh lễ, nơi có thể khiến họ cảm thấy lạc lõng, một trải nghiệm nhẹ nhàng và thân mật sẽ giúp họ dễ dàng hòa nhập và mở lòng hơn.

Và bước cuối cùng, nhưng cũng là bước quan trọng nhất, là giúp anh chị em ngoài Công giáo đến với lớp giáo lý tầm đạo. Tại đây, họ sẽ tham gia các buổi gặp gỡ thân mật, họ trực tiếp kết nối và cảm nhận tình thương của cộng đoàn đức tin. Hành động này có thể là sự gắn kết quyết định, giúp họ cảm nhận được tình yêu và lòng bao dung của Thiên Chúa qua Giáo hội.

Tóm lại, những bước tiếp cận trên không quá phức tạp và có thể dễ dàng thực hiện trong đời sống hàng ngày của người Kitô hữu. Trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, mỗi hành động nhỏ bé của ta đều có thể là một ngọn nến dẫn lối cho anh chị em ngoài Công giáo về bên Chúa. Hãy cầu nguyện, hãy lắng nghe, hãy chia sẻ và hãy cùng nhau thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng, trở thành những chứng nhân sống động cho tình yêu của Thiên Chúa trong thế giới hôm nay.

Hồi tâm

1) Bạn đã dành thời gian và không gian nào để cầu nguyện, như một cách chuẩn bị tâm hồn cho sứ mạng loan báo Tin Mừng trong gia đình và cộng đồng?

2) Bạn làm gì để lắng nghe và đồng cảm với những người xung quanh, đặc biệt là những người có quan điểm hoặc hoàn cảnh sống khác biệt?

3) Qua những hành động cụ thể nào, bạn có thể gieo “hạt giống đức tin” nào vào cuộc sống của người thân và bạn bè?

 

BÀI IV - SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG BẮT NGUỒN TỪ CHÚA BA NGÔI

Lm. Giuse Maria Lê Quốc Thăng

Chúa Giêsu tuyển chọn các Tông đồ, thiết lập Hội Thánh trên nền tảng các Tông đồ là để sai đi. Do dó, Loan Báo Tin Mừng làm nên căn tính của Hội Thánh, một Hội Thánh phát xuất từ tình yêu cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi. Toàn bộ đức tin của Kitô giáo đặt nền tảng trên mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Từ Ba Ngôi mới xuất phát tất cả các tín điều, các mầu nhiệm khác. Vì vậy, Sứ mạng hay căn tính Loan Báo tin Mừng của Hội Thánh cũng khởi nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi.

1. Nền tảng Kinh thánh

Từ lệnh truyền của Chúa Kitô Phục Sinh, trước khi Người về Trời: “anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 19 – 20), đã cho thấy việc Loan báo Tin Mừng không phải là việc một Ngôi Vị Thiên Chúa riêng biệt nào mà là công việc của cả Ba Ngôi. Theo ý nghĩa này Chúa Ba Ngôi là cốt lõi, là nội dung và là bản chất thừa sai của Hội Thánh, cội rễ của sự hiện hữu của mình ấy là Thiên Chúa, Đấng đã mặc khải và tự trao ban cho nhân loại trong tư thế là Cha và Con và Thánh Thần. Mục đích cuối cùng của sứ mạng Loan Báo Tin Mừng là làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Đức Kitô. Dấu chứng của việc trở thành môn đệ Đức Kitô là được thanh tẩy nhân danh Chúa Ba Ngôi. Chính vì vậy, sau khi phục sinh Chúa Giêsu hiện đến với các môn đệ trong nhà đóng kín cửa Người cũng đã sai các ông đi và ban Thánh Thần cho các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 21 – 22). Với những lời này Chúa Giêsu đã cho thấy sứ mạng Loan Báo Tin Mừng của Hội Thánh là công trình của Chúa Ba Ngôi. Khởi đi từ ý định yêu thương cứu độ nhân loại của Chúa Cha, được Ngài sai Chúa Con đến trần gian thực hiện, giờ đây Chúa Con lại ủy thác lại cho Hội Thánh ra đi trong quyền năng và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

2. Giáo huấn của Hội thánh

Dựa trên nền tảng chắc chắn của Kinh Thánh, Thánh Công Đồng Vaticanô II trong Sắc lệnh Loan Báo Tin Mừng (Ad Gentes) đã khẳng định: “Tự bản tính, Hội Thánh lữ hành phải Loan Báo Tin Mừng, vì chính Hội Thánh bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha. Ý định này tuôn trào từ suối tình yêu, nghĩa là từ tình yêu của Thiên Chúa Cha, Người là Nguyên Lý vô Nguyên Lý, bởi Người, Chúa Con được sinh ra, và cũng bởi Người và nhờ Chúa Con mà phát xuất Chúa Thánh Thần.” (AG 2) Theo đó, có thể nói rằng Hội Thánh và Thiên Chúa Ba Ngôi có một mối liên hệ về bản chất hay Hội Thánh là hình ảnh của Ba Ngôi. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Thông điệp Sứ Mạng Đấng Cứu Chuộc (Redemptoris Missio, RM 35) nói: Mục đích cơ bản của Loan Báo Tin Mừng là làm cho người ta có thể thông dự vào sự hiệp thông giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Sứ mạng Loan Báo Tin Mừng được đặt nền tảng trên chính Thiên Chúa Duy Nhất và Ba Ngôi có nghĩa là xuất phát từ Ba Ngôi và mang một cấu trúc có tính Ba Ngôi: “Hội Thánh phổ quát xuất hiện như một dân tộc được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (x. LG 4). Chính từ Ba Ngôi mà sứ mạng được khởi sự và kết thúc. (X. Ep 1, 3 – 14; 2, 18; LG 4; AG 2).

3. Tình yêu nơi Ba Ngôi, sức sống của sứ mạng loan báo Tin mừng

Chúa Giêsu khẳng định: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của mình để cho thế gian được sống. Như thế, tình yêu nơi Thiên Chúa là một tình yêu cho đi. Tìm hiểu về Chúa Ba Ngôi nền tảng của sứ mạng được sai đi của Hội Thánh, chúng ta đã thấy sự trao ban, sự cho đi, sự dâng hiến: Chúa Cha không ngừng trao ban cho Chúa Con, mọi sự của Cha đều là của Con. Chúa Giêsu đã tự hiến nộp hoàn toàn cuộc sống vì Cha và vì nhân loại, Người cho đi, cho đi đến độ chết cho người mình yêu. Chúa Thánh Thần không ngừng hoạt động nơi trần gian, nơi con người, nơi Giáo hội, Ngài thông ban ân sủng của Thiên Chúa. Nhìn vào Ba Ngôi, chúng ta thấy tự bản chất Kitô giáo đã là sự từ bỏ chính mình để trao ban cho người khác. Do đó, con đường hay cách thế loan báo Tin Mừng chính là biết từ bỏ để dâng hiến cuộc đời vì tha nhân : trong gia đình vợ chồng vì nhau, cho nhau ; cha mẹ vì con cái, cho con cái, ngược lại con cái cũng vậy. Trong môi trường sống, Kitô hữu biết dấn thân phụng sự tha nhân, phụng sự hòa bình, công lý và tự do cho nhân loại. Giáo hội biết sống vì người nghèo, cho người nghèo. Tất cả những cách sống như thế sẽ là những chứng từ sống động và hiệu quả cho công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội.

Chúa Ba Ngôi là nền tảng của Sứ Mạng Loan Báo Tin Mừng chúng ta không học hỏi để hiểu để biết mà là để sống và thực thi sứ vụ hiệu quả. Cho nên, đối với Kitô hữu, vấn đề quan trọng là sống mầu nhiệm mình tin, giải thích mầu nhiệm Ba Ngôi bằng chính cuộc sống của mình. Ba Ngôi là tình yêu thì phải minh chứng bằng cuộc sống biết yêu thương; Ba Ngôi là hiệp nhất thì phải biết nỗ lực xây dựng sự hiệp nhất trong gia đình, trong cộng đoàn và trong Giáo hội.

______

[1] Jean Paul Sartre, Le Mur, 1938, tr. 52

[2] Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Dei Verbum, số 2.

[3] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini, số 6.

[4] Nt, số 2.

[5] Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/125267.htm

[6] Nt.

[7] Nt.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top