Tường trình về Đại Hội Thánh thể Quốc Tế lần thứ 51 tại Cebu, Philippines – 2016
Tường trình về Đại Hội Thánh thể Quốc tế lần thứ 51
tại Cebu, Philippines – 2016
(của Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, Đại biểu Việt Nam tại các Đại Hội Thánh Thể Quốc tế,
trước Hội nghị Thường niên Kỳ I-2016 của Hội đồng Giám mục Việt Nam)
Trọng kính Quý Đức Cha,
Con xin trình bày vắn tắt về Đại Hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 51 được tổ chức tại thành phố Cebu, Philippines từ ngày 24 – 31 tháng 01 năm 2016, với chủ đề: “Chúa Kitô ở trong ta, niềm hy vọng vinh quang” (Cl 1, 27) - Thánh Thể nguồn suối và cùng đích cho sứ vụ của Hội Thánh.
I. Tuần Hội học (Symposium)
Theo thông lệ, trước Đại Hội Thánh Thể dành chung cho mọi người, thường có 3 ngày Hội học (symposium) (20 – 22/01/2016) về Thánh Thể dành cho những người có kiến thức cao về thần học, với mục đích đào sâu các khía cạnh của mầu nhiệm Thánh Thể. Chương trình của 3 ngày Hội học thường chia làm 2 phần: buổi sáng bắt đầu bằng giờ Kinh Sáng, sau đó là 2 phiên họp toàn thể (plenary) với hai bài thuyết trình do những học giả nổi tiếng; buổi chiều có các phiên hội thảo nhóm (workshop) và được kết thúc bằng một cử hành Thánh Thể. Sau đây là những để tài của các bài thuyết trình và các phiên thảo luận nhóm.
Sáu đề tài thuyết trình trong các phiên họp toàn thể:
1. Đức cậy Kitô giáo: Do cha Timôtê Radcliffe, O.P. Cựu Bề trên Tổng quyền dòng Đaminh;
2. Người đã yêu thương họ đến cùng (Ga 13, 1): Thánh Thể trong Tin Mừng theo thánh Gioan, do cha Francis Moloney, SDB;
3. Phụng vụ và hội nhập văn hóa: do cha Mark Francis, CSV;
4. Lịch sử tân Nghi thức thánh lễ: do Đức Tổng Giám mục Piero Marini, DD, Chủ tịch Ủy Ban Giáo Hoàng đặc trách các Đại Hội Thánh thể Quốc tế;
5. Rao giảng Tin mừng cho thế giới tục hóa, do cha Thomas Rosica, CSB;
6. Giáo lý về Thánh Thể ngày Chúa nhật, do Tiến sĩ Josefina Manabat.
Bảy đề tài trong các cuộc thảo luận nhóm lấy từ tựa đề của 7 chương của Tập tài liệu chính thức của Đại Hội:
1. Thánh Thể nguồn suối và cùng đích cho sứ vụ của Hội Thánh, dưới sự điều khiển và hướng dẫn của Sr Gemma Victorino, PDDM;
2. Thánh Thể và Truyền giáo tại Châu Á: Kết hợp giữa đối thoại và rao truyền, dưới sự điều khiển và hướng dẫn của cha Jose Quilongquilong, SJ, STD;
3. Thánh Thể và việc đối thoại của Hội Thánh với các nền văn hóa, dưới dự điều khiển và hướng dẫn của Đức Ông Gerardo Santos, Ed. DD;
4. Thánh Thể và việc đối thoại của Hội Thánh với các tôn giáo và các truyền thống tôn giáo, dưới sự điều khiển và hướng dẫn của cha James Kroenger, M.M., D.Miss;
5. Thánh Thể và việc đối thoại của Hội Thánh với người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề, dưới sự điều khiển và hướng dẫn của cha Daniel Franklin Pilario, CM, STD;
6. Thánh Thể và việc đối thoại của Hội Thánh với giới trẻ, dưới sự điều khiển và hướng dẫn của cha Francis O. Gustilo, SDB, STD;
7. Đức Maria và Thánh Thể trong sứ vụ hiện nay của Hội Thánh, dưới sự điều khiển và hướng dẫn của Sr Maria Anicia B.Co. RVM, STD.
II. Đại Hội Thánh Thể (24 – 31/01/2016)
I. Địa điểm sinh hoạt
Vì Đại Hội có nhiều sinh hoạt khác nhau, nên cũng phải tìm những địa điểm thích hợp cho mỗi sinh hoạt. Các sinh hoạt chính trong 7 ngày tại một Tòa nhà mới xây trên đất của chủng viện hiện nay, gọi là Pavilion, gồm một hầm, một trệt, một lầu. Hầm dùng làm nhà triển lãm, tầng trệt gồm một phòng họp đủ chỗ cho khoảng 50 chục ngàn người tham dự, một sàn để dâng Thánh lễ hay trình diễn văn nghệ, một phòng triển lãm, một phòng mặc áo và phòng ăn cho các Giám mục. Lầu một có nhiều phòng cho những công tác chuyên môn.
Bốn buổi chiều cử hành Thánh lễ ngoài trời tại 4 địa điểm khác nhau: Lễ Khai mạc tại Quảng trường độc lập, do Đức Hồng y Charles Maung Bo SDB, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Yangon, Myanmar, Đặc sứ Đức Giáo Hoàng, chủ tế với sự đồng tế của hơn một trăm Hồng y, Giám mục, và hàng ngàn linh mục. Có chừng 500 ngàn người tham dự. Buổi lễ thật là trang trọng và hoành tráng, với những nghi thức khai mạc rất uy nghi, những ca khúc và những trình diễn phụ họa thật tuyệt vời.
Chiều thứ Sáu cử hành Thánh Lễ tại khuôn viên Tòa Đô Sảnh, sau có kiệu Mình Thánh dọc theo đường phố suốt 3 giờ, với đoàn người đi trên đường và cả triệu người dân đứng nghẹt hai bên lề.
Chiều thứ Bảy lễ tại Trung Tâm Thể thao của thành phố và sau đó là cuộc trình diễn của các đoàn ca múa thuộc các trường diễu hành rất ngoạn mục.
Lễ bế mạc được tổ chức tại một sân cỏ gần đền thánh Pedro Calungsod gọi là South Road Properties cũng rất hoành tráng và đông đúc với số người tham dự ước tính cả triệu người.
Chiều thứ Tư, các Đại biểu được mời đến 14 giáo xứ trong thành phố để cử hành Thánh lễ, sau đó chia sẻ kinh nghiệm và giao lưu với giáo dân trong xứ, cũng như dùng bữa và thưởng thức các màn ca múa theo văn nghệ địa phương. Đoàn Đại biểu Việt Nam được mời tổ chức Thánh lễ tại giáo xứ Gethsemane, Casuntingan, Mandaue City. Theo thông báo sẽ cử hành bằng tiếng Việt, nhưng trên thực tế, vì số các đồng tế không chỉ là Việt Nam mà còn thêm hai Giám mục Philippines và một Giám mục Phi Châu, số giáo dân toàn là địa phương chỉ có ít người Việt, nên đoàn Việt Nam quyết định cử hành hoàn toàn bằng tiếng Anh. Thánh lễ và cuộc giao lưu trong bữa tiệc diễn ra tốt đẹp.
Ngoài những địa điểm trên, vào chiều thứ Hai và thứ Ba, khách sạn Water Front còn được sử dụng làm địa điểm thuyết trình những đề tài khác nhau trong cùng một giờ để các đại biểu tùy nghi tham dự.
II. Các bài giáo lý, thuyết trình, và chia sẻ kinh nghiệm
Sinh hoạt buổi sáng từ thứ Hai tới thứ Bảy trong tuần đều có chương trình tương tự như nhau. Thông thường bắt đầu bằng giờ Kinh Sáng, sau đó là một bài hát, hay một vũ khúc, rồi đến bài giáo lý. Tiếp theo là một nhân chứng chia sẻ kinh nghiệm sống đạo của mình, đoạn nghỉ giải lao. Sau nghỉ giải lao là Thánh lễ. Nếu ngày nào có Thánh lễ vào ban chiều, thì giờ lễ được thay thế bằng một bài giáo lý hay mục nào khác.
Chương trình buổi chiều có nhiều thay đổi. Chiều thứ Hai và thứ Ba dành để thuyết trình những để tài khác nhau trong cùng một giờ để các đại biểu tùy nghi lựa chọn. Các buổi chiều khác, thường dành cho việc di chuyển đến các nơi cử hành Thánh lễ, hay dành cho việc xưng tội. Cũng có những giờ dành riêng cho những người khuyết tật, như câm điếc, khiếm thị v.v... Chiều thứ Năm có chương trình dành riêng cho giới trẻ.
Các bài Giáo lý thường do các Hồng y hay Giám mục thực hiện nhằm khai triển thêm những đề tài của Tài liệu chính của Đại hội:
1. Bài giáo lý đầu tiên là bài chú giải về chủ đề của Đại Hội: Chúa Kitô ở trong ta, niềm hy vọng vinh quang (Cl 1, 27), do Đức TGM Miguel Cabrejos Vidarle, OFM,DD, Tgp Trujillo.
2. Bài giáo lý thứ hai: “Thánh Thể: Cử hành mầu nhiệm vượt qua”, do Đức cha Robert Barron, DD, Giám mục Phụ tá Tgp Los Angeles.
3. Bài giáo lý thứ ba: “Thánh Thể như một sứ vụ, sứ vụ như một cuộc đối thoại” do Đức TGM Thomas Menamparampil, SDB, DD, Nguyên TGM Guwahati, hiện là Giám quản Tông tòa Jawai. Ấn Độ.
4. Bài giáo lý thứ bốn: “Thánh Thể và việc chăm sóc cho thế giới thụ tạo”, do Đức Hồng y Peter Kodwo Appiah Turson, DD, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình.
5. Bài giáo lý thứ năm: “Thánh Thể và cuộc đối thoại với các nền văn hóa” do Đức Hồng y Antonio Tagle, DD, TGM Manila.
6. Bài giáo lý thứ sáu: “Thánh Thể và cuộc đối thoại với người nghèo và người đau khổ” do Đức Hồng y Onalyekan, DD, TGM Abuja.
7. Bài giáo lý thứ tám: “Thánh Thể và việc đối thoại với các tôn giáo” do Đức Hồng y Oswald Gracias, DD, TGM Mumbai.
8. Bài giáo lý thứ tám: “Thánh Thể và Đức Maria” do Đức Hồng y Timothy Dolan, TGM New York.
III. Các bài thuyết trình
Những đề tài thuyết trình để các đại biểu tùy chọn cũng do những nhà chuyên môn, nhưng thuộc những thành phần đa tạp:
1. Đức Cậy Kitô giáo do cha Timothy Radcliffe, OP, Cựu Bề trên Tổng Quyền dòng Đaminh.
2. Những chiều kích đa dạng của niềm hy vọng Thánh Thể, do cha Phaolô Vũ Chí Hỷ, Dòng Thánh Thể, Việt Nam
3. Đức Giêsu Kitô, Lời của Thiên Chúa và Thánh Thể: Niềm hy vọng của Kitô hữu trong thế giới tục hóa, do cha Francis Moloney, SDB.
4. Giáo Hội là Phụ nữ: Vai trò truyền giáo và mục vụ của giới nữ trong Hội Thánh, do bà Tamara Grdzeldize, Đại sứ đặc nhiệm toàn quyền của Georgia bên cạnh Tòa Thánh Vatican.
5. Thánh Thể làm nên Hội Thánh và Hội Thánh làm nên Thánh Thể, do Đức Hồng y Orlando Quevedo, OMI, DD, TGM Kotabato, Philippines.
6. Thánh Thể, Chén Hy tế, Bàn tiệc vương quốc, do Tiến sĩ Josefina Manabat, Trưởng khoa ngành Cao học Phụng vụ tại Học viện thánh Beda, Manila.
7. Rửa chân cho những người nghèo: Thánh Thể và chức linh mục, do cha Fr. Luciano Ariel Felloni, Hạt trưởng hạt Our Lady of Lourdes, Philippines.
8. Tin Mừng hóa và tín ngưỡng dân gian, do Đức Ông Diego Monroy Ponce, Tuyên Úy Đền thánh Gioan Diego, Mexico.
IV. Những chứng từ
Để giáo lý về Đạo nói chung và về Thánh Thể nói riêng có sức thuyết phục hơn, cần có những người đã sống những giáo lý đó nói lên những cảm nghiệm bản thân và những kết quả thực tế họ đã nhận được. Trong Đại Hội này đã có những vị sau đây kể lại những điều đã xảy ra trong cuộc sống của các ngài.
1. Đức Hồng y Joseph Zen, DD, Hongkong. Ngài thuật lại những đau khổ những người Công giáo tại Trung Quốc đã phải chịu đựng qua nhiều năm, nhưng họ vẫn trung kiên với Chúa và Hội Thánh.
2. Cô Mariane Servas, người Bỉ: Thuật lại cuộc sống giữa một thế giới dửng dưng với tín ngưỡng, nhờ đời sống Thánh Thể chị đã kiên vững vượt qua và đã trở thành một người hăng say rao giảng Tin Mừng và một giáo lý viên đặc trách dạy giáo lý cho người lớn.
3. Ông Paul Ponce và gia đình, người Tây Ban Nha: Ông là một người có tài làm những trò rất hấp dẫn lôi cuốn đã từng thành công trên khắp thế giới, tuy nhiên ông không bao giờ cảm thầy hạnh phúc, cho tới khi nhận ra được sức sống kỳ diệu từ Thánh Thể Chúa. Từ đó, dù đi tới đâu, bận rộn tới mấy, ông cũng không bỏ lễ ngày nào. Có lần trình diễn ở một nơi xa lạ, ngày Chúa nhật ông đã phải tốn nhiều giờ để có thể đi dự lễ tại một nhà thờ ở rất xa.
4. Ông Kei-itchi Sugawara, người Nhật. Ông là một công nhân và là nạn nhân của thiên tai tsunami tại Nhật. Sau khi sống sót, ông đã cố gắng tìm kiếm những người còn lại, và nhờ trung thành với Thánh Thể, ông đã có sức kiên trì giúp mọi người sống sót có cơ hội tái lập lại cuộc đời.
5. Ma. Georgia Cogtas, người Philippines. Là một cô gái đường phố, nhưng nhờ được hướng dẫn đến với Thánh Thể, cô đã có thể giúp những em đường phố khác có cuộc sống tốt đẹp hơn.
6. Bà Sarindhorn Mativachranon, ngưới Thái Lan. Là một người có tài, làm ăn thành công, nhưng vì bị vu oan, thua kiện, thất vọng muốn tự tử, nhưng nhờ nghe tiếng từ bên trong bảo đừng thất vọng, bà đã tự mình phấn đấu minh chứng mình vô tội và đã thành công, và sau khi trở lại đạo, với lòng yêu mến Thánh Thể, bà đã làm lại được cuộc đời và lại rất thành công ngoài xã hội.
V. Nhận xét
Đây là lần thứ tư con dẫn phái đoàn Việt Nam đi dự Đại Hội Thánh thể Quốc tế: Lần I tại Gualajara, Mêhicô, năm 2004, lần thứ hai tại Québec, Canada năm 2008, lần thứ ba tại Dublin, Ireland, 2012 và lần này tại Cebu, Philippines 2016. Mỗi Đại Hội đều có những ưu thế riêng và vẻ đặc sắc riêng.
Riêng về Đại Hội Thánh Thể lần này, con thấy việc tổ chức thật là chu đáo. Chỉ trong 4 năm, đã có thể xây mới một trung tâm cho những sinh hoạt lớn đủ chỗ cho cả trăm ngàn người tham dự, không những thế còn thích ứng những địa điểm khác nhau cho những cuộc tụ họp đến mấy trăm ngàn hay cả triệu người, mặc dầu Giáo Hội Philippines không phải là một Giáo Hội giàu có. Công việc tổ chức rất hài hòa, tốt đẹp, theo sát chương trình.
Tất cả những người đến tham dự đều được tiếp đón niềm nở, hướng dẫn tận tình. Dân chúng cũng tỏ ra hiếu khách, hiền hòa. Nhiều lần bị kẹt đường, nhưng mọi người vẫn kiên nhẫn đợi chờ, không tỏ ra thái độ tức giận, la ó. Riêng các Hồng y đều có xe riêng cho mỗi vị kèm theo 2 chủng sinh luôn theo hầu để giúp đỡ, Các Giám mục trở lên đều có chỗ ở miễn phí. Riêng đối với phái đoàn Việt Nam, được tiếp đãi nồng hậu, có người lo tìm chỗ ở giá rẻ, lo giúp đỡ tất cả những chuyện khác, vì trước đó, Đại Hội có gởi phái đoàn sang Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh xin quyên góp, và cũng đạt được kết quả khả quan.
Phái đoàn Việt Nam lần này đi là đông nhất so với những lần trước. Từ Việt Nam qua tất cả là 30 người, gồm một Hồng y, 2 Giám mục, 15 linh mục, 2 nữ tu và 10 giáo dân. Ngoài ra còn những linh mục tu sĩ Việt Nam đang du học tại Manila tới, hay những linh mục và tu sĩ tại Cebu cùng tham dự, nên tổng số chừng 60 người.
Phú Cường ngày 03.04.2016
Giám mục Phêrô Trần Đình Tứ
Đại biểu VN tại các ĐHTTQT
GM Phêrô Trần Đình Tứ
bài liên quan mới nhất
- Khai mạc Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh miền Bắc lần thứ XX
-
Khẩu hiệu và huy hiệu Đức Giám mục Phụ tá tân cử Giuse Vũ Công Viện -
Thông báo về Thánh lễ Truyền chức Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội -
Giờ Chầu Thánh Thể tạ ơn và cầu nguyện cho Đức cha tân cử Giu-se Vũ Công Viện -
Bổ nhiệm Giám mục Phụ tá tổng giáo phận Hà Nội -
Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh ngày 09/10/2024 -
Nghi thức Tuyên Xưng Đức Tin của Đức Giám Mục Tân Cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh - ngày 08/10/2024 -
Trực tiếp Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh ngày 09/10/2024 -
Trực tiếp Nghi thức Tuyên Xưng Đức Tin của Đức Giám mục tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh ngày 08/10/2024 -
Caritas Việt Nam: Hội Nghị Thường Niên 2024 - Ngày I
bài liên quan đọc nhiều
- Tiểu sử Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng
-
Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM -
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa các giáo phận Hà Tĩnh và Phát Diệm, Giám mục phó giáo phận Cần Thơ -
Đoàn Việt Nam sẽ hành hương và mừng đón Đức Thánh Cha tông du Mông Cổ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng -
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa về Giáo hội tham gia -
Thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I/2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang: Giám mục Chính tòa giáo phận Bắc Ninh -
Giáo hội Việt Nam gửi Thư đến Đức Thánh Cha Phanxicô