Tuần Cửu Nhật cầu nguyện trước ngày Khai mạc Năm Thánh 2010

Tuần Cửu Nhật cầu nguyện trước ngày Khai mạc Năm Thánh 2010

 

 

 

 

 

TGP.TP. HỒ CHÍ MINH
Ban Năm Thánh
 

TUẦN CỬU NHẬT
CẦU NGUYỆN
TRƯỚC NGÀY KHAI MẠC
NĂM THÁNH 2010
Của GIÁO HỘI tại VIỆT NAM
 

Thời Gian Chuẩn Bị Năm Thánh
Từ 15/11 – 23/11. 2009

 

Lời Chủ Chăn

Thưa anh chị em,
Trong Lời Chủ Chăn ngày 18.10.2009, theo thư công bố Năm Thánh 2010 của HĐGM.VN, tôi đã ghi lại những điều cần làm trong việc chuẩn bị cũng như trong việc cử hành đức tin, tuyên xưng đức tin và sống đức tin trong Năm Thánh 2010.
Việc làm đầu tiên mà tôi mong muốn tất cả gia đình giáo phận chúng ta sốt sắng thực hiện là:
Làm Tuần Cửu Nhật cầu cho mọi thành phần dân Chúa cùng tham gia việc cử hành đức tin, tuyên xưng đức tin và sống đức tin trong Năm Thánh.
Để cho việc cầu nguyện trong tuần Cửu Nhật chuẩn bị bước vào Năm Thánh được tiến hành đồng bộ, hiệp nhất và hiệu quả, tôi đề nghị với quý cha, các giáo xứ và các gia đình mẫu thức cầu nguyện chung này.

Ước mong tất cả mọi thành phần trong giáo phận nhà cùng chung lời cầu nguyện, cùng chung lời ngợi ca, cùng chung tâm tình cảm tạ, sám hối, canh tân và dấn thân vì Hồng Ân Năm Thánh 2010 mà Thiên Chúa giàu lòng thương xót đã ban cho Giáo Hội tại Việt Nam.

 


Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
Giám mục của anh chị em

HƯỚNG DẪN CÁCH TỔ CHỨC
TUẦN CỬU NHẬT
Tại Giáo xứ và giờ Kinh Tối tại các gia đình

Tuần Cửu Nhật, từ ngày 15 đến ngày 23 tháng Mười Một năm 2009, nhằm giúp các tín hữu Công giáo Việt Nam (trong nước cũng như ngoài nước) vừa ý thức thời điểm đặc biệt trong lịch sử đón nhận đức tin và sống đức tin của Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam, vừa chuẩn bị tâm hồn và đời sống mình trong Năm Hồng Ân này với bầu khí cầu nguyện và hân hoan.
Trong những ngày này, Cẩm nang hướng dẫn cầu nguyện cho Tuần Cửu Nhật mong muốn đề nghị một mẫu cầu nguyện chung (thời lượng chừng 7-8 phút) để các giáo xứ, các cộng đoàn và các gia đình cùng nhau hiệp nhất trong lời cầu nguyện và suy niệm về Năm Thánh 2010:
- Hiểu biết ý nghĩa Năm Thánh 2010.
- Nhìn lại lịch sử để tạ ơn Chúa;
- Tri ân các tiền nhân, ân nhân và chứng nhân;
- Nhìn nhận những thiếu sót trong đời sống cá nhân và cộng đoàn Giáo Hội;
- Canh tân đời sống và noi gương các chứng nhân Tin Mừng, đề ra những việc cần làm để sống đức tin và chia sẻ đức tin.
Mỗi ngày, tại giáo xứ hay trong giờ Kinh Tối ở mỗi gia đình, mọi người cùng nhau cầu nguyện theo thứ tự: đọc Lời Chúa, suy niệm (nhìn về quá khứ, nhận định hiện tại và hướng đến tương lai), đọc Kinh Năm Thánh và lời nguyện kết thúc.
Về các bài hát: có thể sử dụng các bài ca chính thức của Năm Thánh (có in kèm trong tập cầu nguyện này), hoặc bài ca thích hợp mà cộng đoàn giáo xứ hay gia đình quen thuộc, nhưng nên chọn những bài ngắn gọn để mọi người có thể tham gia một cách tích cực, hiệu quả.

Nhóm Biên soạn

CHƯƠNG TRÌNH CHUNG
CHO MỖI NGÀY

A. TRONG THÁNH LỄ:
I. Dẫn ý vào Thánh lễ: Linh mục chủ sự thánh lễ hướng ý cầu nguyện cho Ngày Khai Mạc Năm Thánh và cho Năm Thánh 2010 (theo ý cầu nguyện mỗi ngày, nếu trước đó không có giờ cầu nguyện chuẩn bị).
II. Bài hát kết lễ: Bài ca chính thức của Năm Thánh hoặc một bài thánh ca khác phù hợp.

B. CẦU NGUYỆN CHUNG:

I. TRƯỚC LỄ SÁNG
hoặc TRƯỚC LỄ CHIỀU tại Nhà Thờ:
1. Xướng Ý cầu nguyện: Người hướng dẫn.
2. Lời Chúa: Tác viên Lời Chúa.
(Thinh lặng giây lát để nhớ lại lời Chúa.)
3. Suy niệm: Người hướng dẫn.
4. Lời nguyện kết thúc: Linh mục hay Tác viên Lời Chúa.
* Sau đó là thánh lễ.
* Kinh Năm Thánh có thể đọc sau khi hát bài ca Hiệp Lễ.

II. GIỜ KINH TỐI tại GIA ĐÌNH:
Dùng lại nội dung trong mẫu cầu nguyện đã làm ở nhà thờ giáo xứ, và có thể thêm các kinh đọc hoặc bài hát tùy theo thời lượng mỗi gia đình có thể thực hiện được. Chẳng hạn: Trước khi xướng Ý cầu nguyện thì có thể hát Kinh Chúa Thánh Thần; sau khi suy niệm, đọc kinh Năm Thánh; và sau Lời nguyện kết thúc, hát 1 bài quen thuộc hoặc đọc Kinh Trông Cậy.

Mục Lục
1. Ngày thứ nhất (15-11-2009)
2. Ngày thứ hai (16-11-2009)
3. Ngày thứ ba (17-11-2009)
4. Ngày thứ tư (18-11-2009)
5. Ngày thứ năm (19-11-2009)
6. Ngày thứ sáu (20-11-2009)
7. Ngày thứ bảy (21-11-2009)
8. Ngày thứ tám (22-11-2009)
9. Ngày thứ chín (23-11-2009)

 

NGÀY THỨ NHẤT
(15-11-2009)

Ý cầu nguyện:
Năm Thánh, Năm Hồng Ân:
Cầu nguyện cho mọi tín hữu Việt Nam ý thức
và sốt sắng chuẩn bị tâm hồn và đời sống để
sống Năm Thánh như ý Chúa muốn

1. Xướng Ý cầu nguyện: Người hướng dẫn.
Kính thưa cộng đoàn,
Hôm nay, chúng ta bắt đầu tuần cửu nhật cầu nguyện cho Giáo hội tại Việt Nam trước khi khai mạc Năm Thánh mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Chúng ta cầu nguyện trong tâm tình khai mạc Năm Thánh, sống Năm Thánh và kéo dài tinh thần Năm Thánh trong tương lai. Với ý hướng đó, chúng ta được mời gọi dâng kinh nguyện, hy sinh, bác ái để cầu cho Hồng Ân Năm Thánh được đong đầy và triển nở trong tâm hồn và đời sống của mỗi người chúng ta.

2. Lời Chúa (4, 18-19): Tác viên Lời Chúa.
Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Luca
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”

3. Suy niệm: Người hướng dẫn:
Năm Thánh 2010 là thời gian đặc biệt, vì đây là thời điểm kỷ niệm 50 năm thành lập hàng Giáo phẩm Việt Nam; là thời gian hồng ân, thời gian hát vang điệp khúc “Hãy cảm tạ Thiên Chúa vì Chúa nhân từ; muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương (Tv 136).”
Chúng ta lại khai mạc Năm Thánh vào ngày lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam như mời gọi chúng ta tạ ơn Chúa về hồng ân đức tin đã lãnh nhận, tri ân các bậc tiền nhân, các ân nhân và chứng nhân đã gieo vãi và vun trồng hạt giống đức tin trên quê hương đất nước này, đồng thời ý thức giá trị cao quý của hồng ân đức tin để sống và làm chứng cho Tin Mừng, tích cực xây dựng Giáo Hội Chúa Kitô trong môi trường Chúa sai chúng ta đến. (x. HĐGMVN, Thư Công Bố Năm Thánh 2010).

4. Lời nguyện kết thúc: Linh mục hay Tác viên Lời Chúa.
Chúng ta dâng lời cầu nguyện,
Lạy Cha là Chúa cả trời đất, vì lòng từ ái xót thương, Cha đã tạo thành và cứu độ muôn loài. Cha đã sai Con Một xuống thế làm người, chia sẻ thân phận yếu hèn của chúng con,
xả thân loan báo Tin Mừng cứu độ và phục vụ sự sống con người. Người đã chịu khổ hình, chịu chết và sống lại để những ai tin nhận Người, đều được quy tụ trong Nước Cha là Nước sự thật và sự sống, yêu thương và an bình. Cha đã sai Thánh Thần xuống liên kết các tín hữu thành cộng đồng nhân loại mới nên muối men và ánh sáng giữa lòng thế giới hôm nay. Xin Cha cho chúng con luôn cảm nghiệm được tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

(trích Kinh Năm Thánh)

Sau đó bắt đầu Thánh lễ với Bài Ca Nhập Lễ.

Lưu ý: (Nếu thực hiện tuần Cửu Nhật ở gia đình, sau lời nguyện kết thúc thì hát 1 bài thích hợp và đọc kinh Cám ơn Trông cậy, v..v..).
 

NGÀY THỨ HAI
(16-11-2009)

Ý cầu nguyện:
Năm Thánh: Năm Hồng Ân
Trong tâm tình tri ân các vị thừa sai
Chúng ta cùng tạ ơn Chúa
vì đã thương gửi các nhà truyền giáo đến Việt Nam

1. Xướng Ý cầu nguyện: Người hướng dẫn.

2. Lời Chúa (Rm 10, 14-15.18b): Tác viên Lời Chúa.
Lời Chúa trong thư của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng! Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu, và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.

3. Suy niệm: Người hướng dẫn
“Cùng với Giáo Hội toàn cầu luôn cảm tạ Thiên Chúa đã ban ơn cứu độ chan hòa khắp thế giới, Giáo Hội tại Việt Nam tạ ơn vì tin rằng sự hiện hữu của mình trên đất nước này đến từ ý định ngàn đời đầy yêu thương của Thiên Chúa muốn cứu rỗi mọi người. Chính Đức Kitô chứ không ai khác đã sai các sứ giả của Ngài đến vùng đất thân yêu này để loan truyền Tin Mừng cứu độ.” (trích Đề Cương Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm- Hiệp thông- sứ vụ, số 1).
Các sứ giả của Đức Kitô chính là các vị Thừa sai từ các nước xa xôi, rời bỏ quê hương để đến với miền đất xa lạ là Việt Nam. Các Ngài đã gieo những bước chân loan báo Tin Mừng cho cha ông, tổ tiên chúng ta. Những giọt mồ hôi lao nhọc của các ngài đã “nên như hạt giống trổ sinh các Kitô hữu.”
Nhớ đến công ơn của các ngài, chúng ta cùng cảm tạ Chúa vì lòng xót thương đã quan phòng cho có các vị thừa sai. Nhờ có các ngài loan báo mà chúng được nghe Tin Mừng; nhờ được nghe Tin Mừng mà chúng ta mới được lãnh nhận hồng ân đức tin; và nhờ hồng ân đức tin mà chúng ta được gọi là con Chúa.

4. Lời nguyện kết thúc: Linh mục hay Tác viên Lời Chúa.
Lạy Cha, chúng con tạ ơn Cha đã thương gửi các nhà truyền giáo đến gieo hạt giống Tin Mừng và chăm sóc cho hạt giống ấy phát triển xanh tươi trên đất nước Việt Nam của chúng con. Xin Cha ban cho chúng con ơn thảo hiếu để luôn biết “ăn quả nhớ người trồng cây” hầu sống xứng đáng ơn gọi làm kitô hữu. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

 

NGÀY THỨ BA
(17-11-2009)

Ý cầu nguyện:
Năm Thánh, Năm Hồng Ân:
Chiêm ngắm các thánh Tử đạo Việt Nam,
những bậc tiền nhân
đã trở nên chứng nhân đức tin anh dũng
của Giáo hội

1. Xướng Ý cầu nguyện: Người hướng dẫn.

2. Lời Chúa (Gioan 12, 24-25): Tác viên Lời Chúa.
Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Gioan
Khi ấy Chúa Giêsu phán rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, thì nó mới sinh nhiều hạt khác. Ai yêu qúy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.

3. Suy niệm: Người hướng dẫn
“Từ năm 1533, hạt giống đức tin đã được gieo trồng trên cánh đồng truyền giáo Việt Nam. Và khi đã nẩy mầm trên mảnh đất tâm hồn tự do của đoàn tín hữu, hạt giống cứ âm thầm mọc lên, bất kể ngày đêm, và cả trong gió mưa giông bão (trích Đề Cương Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm- Hiệp thông- Sứ vụ, số 1).
Gần 5 thế kỷ qua, hạt giống Tin Mừng đã mọc lên, đã đơm bông kết trái từ Bắc chí Nam của quê hương Việt Nam chúng ta. Hơn một trăm ngàn (100.000) anh hùng tử đạo; trong số đó đã có 117 Vị tử đạo được Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị tuyên phong hiển thánh vào ngày 19-6-1988 tại Rôma, và một chân phước là thánh Anrê Phú Yên. Trong số 117 vị, có tám vị sinh trưởng trong giáo phận nhà:
   1- Thương gia Mátthêu Lê Văn Gẫm
   2- Linh mục Philipphê Phan Văn Minh
   3- Ông Trùm Giuse Nguyễn Văn Lựu
   4- Linh mục Phaolô Lê Văn Lộc
   5- Ông Phaolô Trần Văn Hạnh
   6- Linh mục Phêrô Đoàn Công Quý
   7- Ông Câu Emmanuel Lê Văn Phụng, và
   8- Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Lựu.
Chúa yêu thương dân tộc Việt Nam đến cùng; Chúa ban ơn đức tin cho nhiều người Việt Nam qua lời loan báo Tin Mừng của những vị thừa sai; Chúa cho Giáo Hội Việt Nam vươn tới sự trưởng thành với hàng Giáo Phẩm được thành lập năm 1960. Đó là những lý do để chúng ta cùng tạ ơn Thiên Chúa. (trích Đề Cương Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm- Hiệp thông- Sứ vụ, số 1 và “Tổng Giáo Phận Saigon qua dòng lịch sử”, do ĐHY GBt Phạm Minh Mẫn biên soạn, tr.8).

4. Lời nguyện kết thúc: Linh mục hay Tác viên Lời Chúa.
Lạy Cha, chúng con tạ ơn Cha đã thương ban cho chúng con nhiều chứng nhân đức tin anh dũng sẵn sàng chết để bảo vệ đức tin, và những bậc tiền nhân luôn hy sinh quảng đại, dày công vun tưới cho hạt giống Tin Mừng sinh hoa kết quả dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Nhờ các thánh Tử đạo Việt Nam chuyển cầu, xin Cha cho chúng con biết đem lòng bác ái mà dấn thân phục vụ Chúa và anh chị em. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen

NGÀY THỨ TƯ
(18-11-2009)

Ý cầu nguyện:
Năm Thánh, Năm Hồng Ân:
Cầu nguyện cho mỗi người chúng ta
biết nhìn nhận những lỗi lầm và thiếu sót
và xin Chúa thương tha thứ


1. Xướng Ý cầu nguyện: Người hướng dẫn.

2. Lời Chúa (Is 1,16-18): Tác viên Lời Chúa.
Lời Chúa trong sách tiên tri Isaia,
Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình. Hãy nâng đỡ người bị áp bức, bênh vực che chở cô nhi quả phụ. Chúa phán: “Hãy đến đây ta cùng nhau dàn xếp! Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng nên trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng nên trắng như bông.


3. Suy niệm: Người hướng dẫn
Năm Thánh là thời gian thuận tiện, là thời điểm mà lời mời gọi nên thánh vang lên rõ ràng và thúc bách hơn bao giờ hết. Thiên Chúa muốn chúng ta sống thánh thiện (x. 1 Tx 4,7; 3,12; 1 Pr 2,15).
Bởi vì không thể sống trong Năm thánh mà con người chúng ta lại không mặc lấy sự thánh thiện của Đức Kitô. Vì thế tâm tình và thái độ trước tiên để chuẩn bị bước vào Năm Thánh phải là tâm tình và thái độ thống hối. Thống hối về những lỗi lầm và thiếu sót trong cuộc sống cá nhân, gia đình và cộng đoàn của chúng ta.
Từ sự thống hối chân thành và khiêm hạ này, chúng ta sẽ được ơn Chúa thứ tha và nâng đỡ, nhờ đó chúng ta sẽ bước đi bằng một đời sống thánh đức để làm chứng cho sự thánh thiện của Thiên Chúa.

4. Lời nguyện kết thúc: Linh mục hay Tác viên Lời Chúa.
Lạy Cha, chúng con nài xin Cha thứ tha mọi lỗi lầm thiếu sót đối với Cha và mọi người, trong quá khứ cũng như hiện tại. Xin Cha thương giúp chúng con biết tránh xa tội lỗi và chung sức xây dựng cuộc sống gia đình, xã hội và đất nước ngày càng tốt đẹp hơn. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.


NGÀY THỨ NĂM
(19-11-2009)

Ý cầu nguyện:
Năm Thánh, Năm Hồng Ân:
Cầu nguyện cho mọi tín hữu Việt Nam
Sống tinh thần hoán cải,
đổi mới triệt để đời sống theo Tin Mừng

1. Xướng Ý cầu nguyện: Người hướng dẫn.

2. Lời Chúa (Mt 5,13a.14.16): Tác viên Lời Chúa.
Chính anh em là muối cho đời. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.

3. Suy niệm: Người hướng dẫn
Đề cương Giáo Hội tại Việt Nam viết: “Ngay từ hôm nay, chúng ta hướng về Năm Thánh 2010 trong niềm hân hoan phấn khởi vì biết rằng đây là thời điểm của ân sủng, là thời gian qua đó Thiên Chúa muốn làm bừng dậy cuộc canh tân Giáo Hội của Ngài tại Việt Nam. Thời điểm này mở ra cho các tín hữu Việt Nam một cơ hội thuận tiện để củng cố niềm tin của mình vào Thiên Chúa Tình yêu, để từ đó có thể cống hiến cho anh chị em của mình “kho tàng duy nhất và lớn lao của mình là Đức Giêsu Kitô”. Đây chính là thời điểm để Giáo Hội tại Việt Nam làm tỏa sáng hình ảnh Nước Trời như kho tàng vô giá chất chứa mầu nhiệm cao vời của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người.
Như thế, đổi mới triệt để là sống trọn vẹn ơn gọi đích thực của người môn đệ Chúa Kitô là muối, là ánh sáng cho trần gian, trước khi giới thiệu và nói về Thiên Chúa cho người khác; nghĩa là trước khi cống hiến cho anh chị em của mìnhkho tàng duy nhất và lớn lao của mình là Đức Giêsu Kitô”.

4. Lời nguyện kết thúc: Linh mục hay Tác viên Lời Chúa.
Xin cha dùng ơn Thánh Thần soi sáng dẫn dắt chúng con bước theo Chúa Giêsu, loan báo Tin Mừng cứu độ, tận tình phục vụ sự sống của đồng bào và đồng loại. Xin dạy chúng con biết san sẻ của cải vật chất và tinh thần cho mọi người, nhất là những người nghèo khổ. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen

NGÀY THỨ SÁU
(20-11-2009)

Ý cầu nguyện:
Năm Thánh, Năm Hồng Ân:
Cầu nguyện cho mọi tín hữu Việt Nam
biết canh tân đời sống bằng thái độ
tích cực xây dựng một cộng đoàn hiệp thông


1. Xướng Ý cầu nguyện: Người hướng dẫn.

2. Lời Chúa (1 Pr, 2,4-5.9): Tác viên Lời Chúa.
Lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh Phêrô tông đồ.
Anh em hãy tiến lại gần Đức Kitô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá. Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng,.. Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người.

3. Suy niệm: Người hướng dẫn
“Ngày nay hơn bao giờ hết, các Vị mục tử trong Giáo Hội luôn nhấn mạnh đến mô hình một Giáo Hội hiệp thông và tham gia. trong đó: (1) mọi người tín hữu đều bình đẳng và không ai là công dân hạng hai, vì cùng một ơn gọi, vì nhận được cùng một Thần Khí, và đón nhận nhau như anh chị em; (2) mỗi phần tử đều được trân trọng chứ không phải là một kẻ vô danh; (3) tất cả đều đồng trách nhiệm, vì đã cùng nhận lệnh loan báo Tin Mừng; (4) mọi người, kể cả phụ nữ đều phải được tham gia và có trách nhiệm đối với những quyết định chung, liên quan đến đời sống Giáo Hội.” (trích Đề Cương Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm- Hiệp thông- Sứ vụ, số 22)
Hiểu được như thế, mỗi người chúng ta sẽ hết sức nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, trở nên những viên đá sống động, những phần tử tích cực tham gia và góp phần xây dựng cộng đoàn giáo xứ, giáo phận thành một gia đình yêu thương. Đồng thời mỗi người luôn tự hỏi: “Tôi đã làm gì cho Chúa và Giáo Hội, chứ không chất vấn Giáo Hội đã làm gì cho tôi?”


4. Lời nguyện kết thúc: Linh mục hay Tác viên Lời Chúa.
Lạy Cha, xin thắp sáng ngọn lửa tin cậy mến trong lòng chúng con, để chúng con noi gương các vị chứng nhân đức tin biết củng cố và lưu truyền gia sản đức tin cho các thế hệ tương lai bằng sự tham gia sống động với tinh thần trách nhiệm trong việc xây dựng cộng đoàn giáo xứ. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.


NGÀY THỨ BẢY
(21-11-2009)

Ý cầu nguyện:
Năm Thánh, Năm Hồng Ân:
Cầu nguyện cho mọi tín hữu Việt Nam ý thức
và góp phần vào sứ vụ duy nhất là
loan báo Tin Mừng cho muôn dân

1. Xướng Ý cầu nguyện: Người hướng dẫn.

2. Lời Chúa (Mc 16, 15-16.19-20): Tác viên Lời Chúa.
Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Máccô.
Khi ấy Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.” Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

3. Suy niệm: Người hướng dẫn
Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo, vì thế Giáo Hội không thể không loan báo Tin Mừng và đó cũng là lý do hiện hữu, là lẽ sống của Giáo Hội. Thật vậy, ơn gọi Kitô hữu tự bản chất là ơn gọi tông đồ. Mỗi người tín hữu đều phải rao giảng Tin Mừng vì nhờ phép Thánh Tẩy, họ đã được tháp nhập vào Giáo Hội vốn mang đặc tính truyền giáo tự bản chất. Cũng thế Giáo Hội tại Việt Nam loan báo Tin Mừng vì đã nhận lệnh từ Chúa Giêsu và được Ngài sai đi và cũng bởi tin chắc rằng chính qua việc rao giảng Tin Mừng mà Giáo Hội trở thành ánh sáng, thành muối men làm cho đất nước này được thực sự biến đổi và được cứu độ.(trích Đề Cương Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm- Hiệp thông- Sứ vụ, số 23).
Chúng ta nghĩ gì về con số 7% người công giáo ở Việt Nam, nghĩa là cứ 100 người Việt Nam, mới chỉ có 7 người là Kitô hữu công giáo?

4. Lời nguyện kết thúc: Linh mục hay Tác viên Lời Chúa.
Lạy Cha, Cha đã sai Con Một Cha đến trần gian để loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Xin Cha cho chúng con biết mau mắn lãnh nhận và tiếp tục sứ mạng loan báo Tin Mừng của Con Cha, ngõ hầu mọi người nhận biết Cha là Thiên Chúa giàu lòng yêu thương và tất cả đều là anh em trong một gia đình tràn đầy sự thật và sự sống. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.


NGÀY THỨ TÁM
(22-11-2009)

Ý cầu nguyện:
Năm Thánh, Năm Hồng Ân:
Cầu nguyện cho mọi tín hữu Việt Nam
quyết tâm xây dựng Giáo Hội
thành dấu chỉ yêu thương của Chúa giữa lòng thế giới


1. Xướng Ý cầu nguyện: Người hướng dẫn.

2. Lời Chúa (Cv 2, 42.46): Tác viên Lời Chúa.
Lời Chúa trong sách Tông đồ Công vụ.
Khi ấy, các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.

3. Suy niệm: Người hướng dẫn
Ngay từ những ngày đầu tiên lãnh nhận và sống Tin Mừng Chúa Giêsu ở Việt Nam, các Kitô hữu đã hình thành một cộng đồng hiệp nhất và yêu thương, khiến cho các anh em khác không biết gọi tên của cộng đồng tôn giáo mới này là gì, nên họ đã gọi đạo của cộng đồng mới này là “đạo của những người yêu thương nhau.”
Do đó, khi nhìn lại bình minh của Giáo Hội tại Việt Nam, các giám mục đã kêu gọi: “Cần thiết phải xây dựng Giáo Hội như một gia đình của những con cái Thiên Chúa hơn là như một phẩm trật được phú ban với những cơ cấu và luật lệ nghiêm minh. Giáo Hội như một gia đình sẽ hòa nhập tốt hơn vào xã hội Việt Nam.” Lời kêu gọi này luôn được liên tục nhắc lại trong các lá thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, mong muốn mọi phần tử trong Giáo Hội, phải thật sự canh tân, đổi mới cách nghĩ để cùng dựng xây một Giáo Hội như lòng Chúa mong muốn.

4. Lời nguyện kết thúc: Linh mục hay Tác viên Lời Chúa.
Lạy Cha, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Thánh cả Giuse và các thánh Tử Đạo Việt Nam, xin Cha ban ơn trợ giúp chúng con biết quyết tâm xây dựng Giáo Hội Việt Nam thành một gia đình: là con một Cha, anh em một nhà cùng nhau tiếp nối sứ vụ của Chúa Kitô là yêu thương đến cùng và khiêm tốn phục vụ để mọi người trên đất nước chúng con, và cả thế giới mau đón nhận Tình yêu cứu độ của Cha. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen

NGÀY THỨ CHÍN
(23-11-2009)

Ý cầu nguyện:
Năm Thánh, Năm Hồng Ân:
Cầu nguyện cho Hàng Giáo phẩm Việt Nam


1. Xướng Ý cầu nguyện: Người hướng dẫn.

2. Lời Chúa (Dt 13,7-9a): Tác viên Lời Chúa.
Lời Chúa trong thư Do Thái.
Anh em hãy nhớ đến những người lãnh đạo đã giảng Lời Chúa cho anh em. Hãy nhìn xem cuộc đời họ kết thúc thế nào mà noi theo lòng tin của họ. Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời. Đừng để cho đủ thứ học thuyết xa lạ mê hoặc anh em.

3. Suy niệm: Người hướng dẫn
Ngày 24 tháng 11 năm 1960, Đức Giáo Hoàng chân phước Gioan XXIII, với Tông sắc Venerabilium Nostrorum, đã thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam với ba giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Sàigòn, đồng thời cũng thiết lập 2 giáo phận Đà Lạt, Mỹ Tho (tách ra từ giáo phận Sàigòn).
Giáo tỉnh Hà Nội có 10 giáo phận; giáo tỉnh Huế có 6 giáo phận; và giáo tỉnh Sàigòn-Tp. Hồ Chí Minh có 10 giáo phận.
Mỗi giáo phận đều có một giám mục chính tòa với nhiệm vụ cai quản và chăn dắt cộng đồng dân Chúa trong giáo phận. Các giám mục hợp thành Hàng Giáo Phẩm, mà chúng ta quen gọi là Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
Các giám mục là những người lãnh đạo đã giảng Lời Chúa cho chúng ta và hy sinh cả cuộc đời để lo cho chúng ta được sống và sống dồi dào trong ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta biết ơn các ngài bằng lời cầu nguyện mỗi ngày, bằng sự tuân phục chân thành trong những gì liên hệ đến đức tin và luân lý, sẵn sàng cộng tác với các ngài để xây dựng giáo xứ, giáo phận, và nhất là ra sức sống đức tin bằng thực hành truyền giáo, bác ái xã hội, mến Chúa yêu người.

4. Lời nguyện kết thúc: Linh mục hay Tác viên Lời Chúa.
Lạy Chúa, Chúa đã trao phó cho các Đức giám mục trong Hàng Giáo phẩm Việt Nam nhiệm vụ săn sóc các giáo phận và Giáo Hội trên khắp cả nước Việt Nam. Xin cho các ngài được lòng tin mạnh mẽ, lòng cậy vững vàng, lòng mến yêu tha thiết. Và xin cho chúng con luôn biết vâng phục và cộng tác với các ngài trong việc làm chứng cho tình yêu thương trong chân lý. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen

NHỮNG BÀI HÁT ĐỀ NGHỊ

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top