Tông huấn Sacramentum Caritatis: kết luận
KẾT LUẬN
94. Anh chị em thân mến, Thánh Thể là cội rễ của mọi hình thức thánh thiện, và mỗi người chúng ta được kêu gọi đến đời sống viên mãn trong Thánh Thần. Biết bao nhiêu vị thánh đã thăng tiến trên con đường thánh thiện nhờ vào lòng sùng kính Thánh Thể! Từ thánh Inhaxiô thành Antiôkia đến thánh Augustinô, từ thánh Antôn Tu viện trưởng đến thánh Bênêđíctô, từ thánh Phanxicô thành Assisi đến thánh Tôma Aquinô, từ thánh Clara thành Assisi đến thánh Catarina thành Siena, từ thánh Paschal Baylon đến thánh Peter Julian Eymard, từ thánh Anphongsô Ligori đến chân phước Charles de Foucauld, từ thánh Gioan Maria Vianey đến thánh Têrêsa thành Lisieux, từ thánh Piô Pietrelcina đến chân phước Têrêsa thành Calcutta, từ chân phước Piergiorgio Frassati đến chân phước Ivan Mertz, trưng dẫn một số ít trong vô số danh tánh để thấy rằng trung tâm của sự thánh thiện luôn luôn được tìm thấy nơi Bí tích Thánh Thể.
Do đó Mầu Nhiệm rất thánh này cần được xác tín vững chắc, được cử hành sốt sắng, và được sống cách mạnh mẽ trong Hội Thánh. Sự tự hiến chính mình của Chúa Giêsu trong bí tích tưởng niệm cuộc Vượt qua của Người nói với chúng ta rằng sự thành công của cuộc đời chúng ta hệ tại ở việc chúng ta được thông phần vào sự sống Ba Ngôi đã được ban cho chúng ta một cách thật sự và dứt khoát trong Người. Sự cử hành và thờ phượng Thánh Thể làm cho chúng ta có khả năng tiến lại gần tình yêu của Thiên Chúa và lưu lại trong tình yêu ấy cho đến khi chúng ta được kết hợp với Chúa, Đấng mà chúng ta yêu mến. Lễ dâng cuộc đời chúng ta, tình thân với toàn thể cộng đoàn tín hữu và sự liên đới với tất cả mọi người nam nữ là những khía cạnh thiết yếu của logiké latreía, sự thờ phượng thiêng liêng, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12,1), một sự thờ phượng biến đổi mọi khía cạnh nhân sinh của chúng ta, để làm vinh danh Thiên Chúa. Do đó tôi yêu cầu tất cả các mục tử đừng bỏ qua bất kỳ một nỗ lực nào để thăng tiến một linh đạo Kitô giáo có tính Thánh Thể xác thực. Các linh mục, phó tế và tất cả những người đang thực hiện một tác vụ thánh thể, khi thực thi việc phục vụ này với sự quan tâm và có chuẩn bị, phải luôn tìm thấy trong đó sức mạnh và cảm hứng cần thiết cho hành trình nên thánh của bản thân và của cộng đoàn. Tôi khuyên nhủ các Kitô hữu giáo dân, và cách riêng các gia đình, hãy tìm kiếm không ngừng nơi bí tích tình yêu của Đức Kitô năng lượng cần thiết để làm cho đời sống của họ thành một dấu chỉ đích thực sự hiện diện của Chúa phục sinh. Tôi yêu cầu tất cả các tu sĩ hãy biểu lộ bằng đời sống mang tính thánh thể của mình ánh huy hoàng và vẻ đẹp được thuộc trọn về Chúa.
95. Vào đầu thế kỷ thứ tư, phượng tự Kitô giáo vẫn còn bị các nhà cầm quyền của đế quốc cấm cách. Một số Kitô hữu ở Bắc Phi, cảm thấy thiết thân với việc cử hành Ngày của Chúa, đã coi thường sự ngăn cấm. Họ đã chịu tử đạo sau khi tuyên xưng rằng họ không thể nào sống thiếu Thánh Thể, lương thực của Chúa: sine dominico non possumus – Chúng tôi không thể sống thiếu Chúa Nhật. Xin các thánh tử vì đạo của Abitène, hiệp thông cùng rất nhiều các thánh và chân phước đã đặt Thánh Thể làm trung tâm cuộc đời của các ngài, chuyển cầu cho tất cả chúng ta và dạy chúng ta trung thành đến gặp Đức Kitô phục sinh. Chúng ta cũng không thể sống nếu không tham dự vào bí tích của ơn cứu độ chúng ta; chúng ta cũng khao khát trở nên những người sống đúng theo ngày Chúa Nhật – iuxta dominicam viventes, nghĩa là ứng dụng vào đời sống của chúng ta những gì chúng ta cử hành vào Ngày của Chúa. Ngày đó là ngày chúng ta được hoàn toàn giải thoát. Thế rồi, mỗi ngày chúng ta ao ước sống đời sống mới do Đức Kitô mang đến cho chúng ta trong mầu nhiệm Thánh Thể; đó chẳng phải là điều đáng ngạc nhiên lắm sao?
96. Xin Mẹ Maria Rất Thánh, Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội, hòm bia của giao ước mới và vĩnh cửu, đồng hành với chúng ta trên đường đi gặp Chúa, Đấng đang đến. Nơi Mẹ, chúng ta thấy được bản chất của Hội Thánh đã được biểu lộ một cách hoàn hảo nhất. Hội Thánh nhìn thấy nơi Đức Maria – “Người Nữ của Thánh Thể”, như Đấng tôi tớ Chúa là Đức Gioan Phaolô II đã gọi Mẹ – hình ảnh đẹp nhất của mình, và Hội Thánh chiêm ngắm Đức Maria như gương mẫu phi thường của đời sống Thánh Thể. Vì thế, trước sự hiện diện trên bàn thờ của Thân Mình thật sự được Trinh Nữ Maria sinh ra (verum Corpus natum de Maria Virgine), nhân danh cộng đoàn phụng vụ, linh mục khẳng định bằng những lời trong kinh nguyện Thánh Thể: “Chúng con kính nhớ trước hết Đức Maria vinh hiển trọn đời đồng trinh, Mẹ của Đức Giêsu Kitô, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con”. Danh thánh của Mẹ còn được kêu cầu và tôn kính ngay cả trong các kinh nguyện Thánh Thể thuộc các truyền thống Kitô giáo đông phương. Phần các tín hữu, họ “phó thác cho Đức Maria, Mẹ Hội Thánh, đời sống và lao động của họ. Khi cố gắng để có được những tâm tình như Đức Maria, họ giúp cho cả cộng đoàn trở thành lễ vật sống động đẹp lòng Chúa Cha”. Mẹ là toàn mỹ (tota pulchra), vì nơi Mẹ toả sáng ánh huy hoàng của vinh quang Thiên Chúa. Vẻ đẹp của phụng vụ thiên quốc, vẻ đẹp phải được chiếu toả trong chính cộng đoàn của chúng ta, được phản chiếu cách trung thực nơi Mẹ. Nơi Đức Maria, chúng ta phải học trở nên những con người của Thánh Thể và của Hội Thánh, để từ đó, như lời thánh Phaolô, trình diện trước mặt Chúa “thánh thiện và không gì đáng trách”, như Người đã ước mong cho chúng ta ngay từ nguyên thủy (x. Cl 1,22; Ep 1,4).
97. Nhờ lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria, xin Chúa Thánh Thần nhóm lên trong chúng ta cùng ngọn lửa nóng mà các môn đệ trên đường Emmaus đã cảm nghiệm (x. Lc 24,13-35) và canh tân “lòng ngưỡng mộ Thánh Thể” qua ánh rạng ngời và vẻ đẹp chiếu toả từ nghi thức phụng vụ, dấu chỉ hữu hiệu về vẻ đẹp vô biên của mầu nhiệm thánh của Thiên Chúa. Hai môn đệ ấy đã trỗi dậy và vội vã trở lại Giêrusalem để chia sẻ niềm vui với các anh chị em của họ trong đức tin. Niềm vui chân thật có được khi nhận ra rằng Chúa vẫn ở với chúng ta, là người bạn đồng hành trung tín trên đường đời của chúng ta. Thánh Thể làm cho chúng ta khám phá ra rằng Đức Kitô, sau khi phục sinh từ cõi chết, là người đang sống với chúng ta trong mầu nhiệm Hội Thánh, thân thể của Người. Chúng ta đã trở nên chứng nhân cho mầu nhiệm tình yêu này. Chúng ta hãy khuyến khích nhau hân hoan bước đi, tâm hồn tràn ngập niềm vui và sự ngưỡng mộ, đến với Bí tích Thánh Thể, để cảm nghiệm sự thật về những lời Chúa Giêsu đã nói khi rời bỏ các môn đệ, và để loan báo cho những người khác: “Này đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Ban hành tại Rôma, cạnh Đền Thờ Thánh Phêrô, ngày 22 tháng 02 năm 2007, nhân lễ kính Lập Tông Toà Thánh Phêrô, trong năm thứ hai triều đại giáo hoàng của tôi.
ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐÍCTÔ XVI
bài liên quan mới nhất
- Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân dịp kỷ niệm 10 năm ban hành Tông huấn Evangelii Gaudium
-
Đức Thánh Cha: Những thay đổi thực sự diễn ra từ dưới lên -
Desiderio Desideravi từ viễn quan thần học hiện diện -
Tông huấn Hãy vui mừng hoan hỉ (Gaudete et Exsultate) về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay -
Toàn văn Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân kỷ niệm 400 năm ngày sinh của Blaise Pascal -
Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng: Chúa Lên Trời chuyển cầu cho chúng ta -
Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng (14/5): Thánh Thần - Đấng Bào Chữa -
Tông thư “Totum Amoris Est - Tất cả thuộc về tình yêu” của Đức Thánh Cha Phanxicô về thánh Phanxicô Salê -
Giáo huấn vui. Kỳ 3: số 14-18 Vui Mừng và Hân Hoan -
Tóm tắt tông huấn 'Christus Vivit - Đức Kitô sống'
bài liên quan đọc nhiều
- Tông huấn Hãy vui mừng hoan hỉ (Gaudete et Exsultate) về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay
-
“Hội Nhập Văn Hóa” và “Đối Thoại Liên Tôn” trong Tông huấn Verbum Domini -
Giới Thiệu Tông Huấn "Giáo Hội Tại Á Châu" (Ecclesia in Asia) -
40 câu hỏi & đáp về Tông huấn Familiaris Consortio -
Tông thư “Totum Amoris Est - Tất cả thuộc về tình yêu” của Đức Thánh Cha Phanxicô về thánh Phanxicô Salê -
Tính hài hước và sự thánh thiện theo Đức Phanxicô trong Tông huấn Gaudete et Exsultate -
Công bố Tông huấn Gaudete et Exultate của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Tóm tắt tông huấn 'Christus Vivit - Đức Kitô sống' -
Tông huấn "Giáo Hội tại Á Châu" (Ecclesia in Asia) của ĐGH Gioan Phaolo II -
Tông huấn "Lời Chúa" của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI (1)