Tông huấn "Lời Chúa" của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI (kết)
PHẦN BA: LỜI CHÚA CHO THẾ GIỚI (VERBUM MUNDO)
"Chưa có ai thấy Thiên Chúa bao giờ. Chính Con Một vốn là Thiên Chúa, Đấng ở gần tâm hồn Chúa Cha, đã tỏ cho chúng ta biết Người”(Ga 1:18)
Sứ Mệnh của Giáo Hội: Công Bố Lời Chúa cho Thế Giới
Lời Chúa đến từ Chúa Cha và trở về cùng Chúa Cha
90. Thánh Gioan đã phát biểu một cách mạnh mẽ sự nghịch lý căn bản trong đức tin của Giáo Hội. Một đàng, ngài nói rằng “chưa có ai thấy Thiên Chúa bao giờ” (Ga 1:18; xem 1 Ga 4:12). Trí tưởng tượng của ta, các ý niệm của ta hay ngôn từ của ta không hề bao giờ xác định được hay nắm được thực tại vô biên của Đấng Tối Cao. Người luôn luôn là Deus semper maior (Thiên Chúa luôn luôn cao cả). Ấy thế nhưng, Thánh Gioan cũng bảo ta rằng Ngôi Lời quả thực đã “trở nên xác phàm” (Ga 1:14). Con Một duy nhất, Đấng hằng ở với Chúa Cha, đã tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa, Đấng “chưa có ai thấy bao giờ” (Ga 1:18). Chúa Giêsu Kitô đến với chúng ta “đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1:14), để ban cho chúng ta các hồng ân ấy (xem Ga 1:17); và “từ nguồn viên mãn của Người, ta nhận được hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1:16). Trong Tự Ngôn Tin Mừng của mình, Thánh Gioan đã chiêm ngưỡng Ngôi Lời từ lúc ở với Thiên Chúa cho tới khi trở nên xác phàm và trở về cùng Chúa Cha với nhân tính của chúng ta, mà Người đã mặc lấy mãi mãi. Trong việc từ Thiên Chúa mà đến và trở về cùng Thiên Chúa này (xem Ga 13:3; 16;28; 17:8, 10), Chúa Kitô được trình bày như Đấng “nói với ta” về Thiên Chúa (xem Ga 1:18). Thực vậy, như Thánh Irênê thành Lyons từng nói, Chúa Con “là Đấng mạc khải Chúa Cha” (310). Có thể nói rằng Chúa Giêsu thành Nadarét là “người chú giải” Thiên Chúa, Đấng “chưa ai thấy bao giờ”. “Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1:15). Ở đây, ta thấy ứng nghiệm lời tiên tri Isaia về tính đầy hiệu quả của lời Chúa: như mưa và tuyết từ trời rơi xuống để tưới và làm cho trái đất ra mầu mỡ, lời Chúa cũng thế “sẽ không tay không trở về với Ta, nhưng sẽ hoàn thành điều Ta dự trù, và sẽ thịnh nở trong điều vì đó ta đã gửi lời ấy đến” (xem Is 55:10 và tiếp theo). Chúa Giêsu Kitô là chính lời dứt khoát và có hiệu quả ấy, một lời đã đến từ Chúa Cha và trở về cùng Người, hoàn toàn thực hiện được ý Người trong thế giới.
Công bố cho thế giới “Lời” của hy vọng
91. Lời Chúa đã ban xuống trên ta sự sống Thiên Chúa, một sự sống đã hiển dung khuôn mặt thế giới, làm mọi sự nên mới (xem Kh 21:5). Lời của Người làm ta dấn thân không phải chỉ như người nghe mạc khải Thiên Chúa, mà còn là sứ giả của nó nữa. Đấng Chúa Cha đã sai đến để thực hiện ý của Người (xem Ga 5:36-38; 6:38-40; 7:16-18) lôi kéo chúng ta tới Người và làm chúng ta thành một thành phần trong cuộc sống và sứ vụ của Người. Thần Khí Đấng Phuc Sinh ban cho ta sức mạnh để công bố lời Chúa khắp nơi bằng chính chứng tá cuộc sống chúng ta. Điều này đã được cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên cảm nghiệm, họ thấy lời Chúa được truyền bá nhờ giảng dạy và làm chứng (xem Cv 6:7). Ở đây, ta có thể nghĩ riêng tới cuộc đời của Tông Đồ Phaolô, người được chiếm cứ hoàn toàn bởi Chúa (xem Pl 3:12) - “Không còn phải là tôi sống nữa, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20) - và bởi sứ mạng của Người: “vô phúc cho tôi nếu tôi không công bố Tin Mừng!” (1 Cor 9:16). Thánh Phaolô biết rõ rằng điều được mạc khải nơi Chúa Kitô thực là ơn cứu rỗi cho mọi người, giải phóng họ khỏi ách nô lệ tội lỗi hầu được hưởng tự do dành cho con cái Thiên Chúa. Điều được Giáo Hội công bố cho thế giới chính là Lời của Hy Vọng (xem 1 Pr 3:15); để có thể sống trọn vẹn từng giây phút, con người cần “niềm hy vọng lớn lao” vốn là “Thiên Chúa, Đấng có khuôn mặt con người và đã “yêu ta đến tận cùng’ (Ga 13:1)” (311). Đó là lý do tại sao Giáo Hội, tự bản chất, vốn có tính truyền giáo. Ta không thể giữ riêng cho ta các lời có sự sống đời đời từng được ban cho ta nhờ cuộc gặp gỡ của ta với Chúa Giêsu Kitô: chúng được dự kiến dành cho mọi người, mọi người đàn ông và mọi người đàn bà. Mọi người ngày nay, bất luận biết hay không biết, đều cần sứ điệp này. Cũng như vào thời tiên tri Amos, xin Chúa làm trổ sinh giữa chúng ta lòng thèm khát lời Chúa (xem Am 8:11). Trách nhiệm của chúng ta là phải nhờ ơn Chúa, chuyển giao cho người khác điều chính chúng ta đã tiếp nhận được.
Lời Chúa là nguồn suối sứ mệnh của Giáo Hội
92. Thượng Hội Đồng đã mạnh mẽ tái khẳng định nhu cầu phải có một cuộc canh tân trong Giáo Hội đối với ý thức truyền giáo vốn có nơi Dân Chúa từ buổi đầu. Các Kitô hữu đầu tiên đã coi việc giảng giải có tính truyền giáo của họ như một cấp thiết bắt nguồn từ chính bản chất đức tin của họ: Thiên Chúa mà họ tin chính là Thiên Chúa của mọi người, Thiên Chúa duy nhất chân thật, Đấng đã tự mạc khải trong lịch sử Israel và sau cùng nơi Con Một của Người. Như thế, Con Một này đã đưa ra lời đáp trả mà mọi con người, cả nam lẫn nữ, vốn chờ mong trong hữu thể sâu thẳm của họ. Các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi cảm thấy rằng đức tin của họ không phải là thành phần của một truyền thống văn hóa đặc thù, khác biệt từ dân tộc này qua dân tộc khác, nhưng thay vào đó, nó thuộc lãnh vực chân lý, là điều liên quan đến mọi người như nhau.
Một lần nữa, cũng chính Thánh Phaolô đã dùng cả đời mình mà làm sáng tỏ ý nghĩa của sứ mệnh Kitô Giáo và tính phổ quát nền tảng của nó. Ở đây, ta có thể nghĩ tới đoạn Sách Tông Đồ Công Vụ liên quan tới Hội Đồng Arêôpagô ở Athêna (xem 17:16-34). Vị Tông Đồ Dân Ngoại mở cuộc đối thoại với nhiều người thuộc các nền văn hóa khác nhau vì ngài ý thức rõ rằng mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng ai cũng biết nhưng không biết rõ, Đấng mọi người đều biết, nhưng biết một cách mù mờ, thực sự đã được mạc khải trong lịch sử: “Đấng quí vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quí vị” (Cv 17:23). Trên thực tế, sự mới mẻ trong lời công bố của Kitô Giáo là thế này ta có thể nói với mọi dân tộc: “Thiên Chúa đã tự tỏ mình ra. Bằng người thật. Và giờ đây, đường dẫn tới Người đã được mở ra. Tính mới lạ của sứ điệp Kitô Giáo không hệ ở một ý niệm mà là một sự kiện: Thiên Chúa đã tự tỏ mình ra” (312).
Lời Chúa và Nước Chúa
93. Thành thử, không nên coi sứ mệnh của Giáo Hội như một yếu tố tùy thích hay phụ thuộc trong đời sống Giáo Hội. Đúng hơn, nó hàm nghĩa để cho Chúa Thánh Thần hội nhập ta vào chính Chúa Kitô và do đó, chia sẻ cùng một sứ mệnh riêng của Người: “Như Cha Ta đã sai Ta, Ta cũng sai các con đi” (Ga 20:21) để chia sẻ lời Chúa bằng trọn cả đời sống ta. Chính lời Chúa đang thúc đẩy ta hướng về anh chị em chúng ta: chính lời Chúa đang soi sáng, thanh tẩy, làm ta hồi tâm; ta chỉ là đầy tớ của nó.
Như thế, ta cần khám phá ra như mới tính khẩn trương và vẻ đẹp của việc công bố lời Chúa cho Nước Chúa hiện đến, Nước mà chính Chúa Kitô đã rao giảng. Nhờ thế, ta càng hiểu rõ hơn điều, mà các Giáo Phụ biết rất rõ, là việc công bố Lời Chúa lấy Nước Chúa làm nội dung (xem Mc 1:14-15), Nước mà theo thuật ngữ đáng ghi nhớ của Origen (313), vốn là chính con người Chúa Giêsu (Autobasileia). Người ban tặng sự cứu rỗi cho mọi người thuộc mọi thời đại. Tất cả chúng ta đều nhìn nhận ánh sáng Chúa Kitô cần chiếu rọi đến bao nhiêu mọi lãnh vực của đời sống con người: gia đình, trường học, văn hóa, việc làm, việc giải trí và nhiều khía cạnh khác của đời sống xã hội (314). Đây không hẳn là vấn đề rao giảng lời an ủi, mà đúng hơn là lời làm gián đoạn, là lời mời gọi người ta trở lại và là lời mở lối cho cuộc gặp gỡ với Đấng mà nhờ Người một nhân loại mới đang nở hoa.
Mọi người đã rửa tội đều có trách nhiệm đối với việc công bố này
94. Vì toàn Dân Chúa đều là người được “sai” đi, nên Thượng Hội Đồng tái khẳng định rằng “sứ mệnh công bố lời Chúa là trách nhiệm của mọi môn đệ Chúa Giêsu Kitô căn cứ vào Phép Rửa của họ” (315). Không một người tin Chúa Kitô nào lại có thể cảm thấy mình được miễn chuẩn khỏi trách nhiệm này, một trách nhiệm vốn phát sinh từ sự kiện ta thuộc về Nhiệm Thể Chúa Kitô một cách bí tích. Phải làm sống lại một ý thức về điều ấy trong mọi gia đình, mọi giáo xứ, cộng đoàn, hiệp hội và phong trào trong Giáo Hội. Như thế, trong tư cách một mầu nhiệm hiệp thông, Giáo Hội hoàn toàn có tính truyền giáo và tùy theo bậc sống riêng của mình, mọi người đều được kêu gọi đóng góp rõ ràng vào việc công bố Chúa Kitô.
Phù hợp với sứ mệnh đặc thù của mình, các giám mục và linh mục là những người đầu tiên được kêu gọi sống một cuộc sống hoàn toàn phục vụ lời Chúa, công bố Tin Mừng, cử hành các bí tích và đào tạo tín hữu trong việc nhận thức Thánh Kinh một cách chân chính. Các phó tế cũng phải cảm thấy mình được kêu gọi hợp tác vào trách vụ phúc âm hóa này, phù hợp với sứ mệnh riêng của họ.
Trong suốt lịch sử Giáo Hội, lối sống thánh hiến vốn nổi bật trong việc minh nhiên đảm nhiệm trách vụ công bố và rao giảng lời Chúa trong công tác missio ad gentes (sai đi tới các dân tộc, tức truyền giáo) và trong nhiều hoàn cảnh hết sức khó khăn, đã luôn sẵn sàng thích ứng với các tình thế mới cũng như can đảm và mạnh dạn tiến bước vào những con đường mới mẻ để đương đầu với các thách đố mới nhằm công bố lời Chúa cách hữu hiệu (316).
Giáo dân cũng được kêu gọi thực thi vai trò tiên tri riêng của mình, một vai trò phát sinh trực tiếp từ Phép Rửa của họ, và làm chứng cho Tin Mừng trong đời sống hàng ngày, nơi họ sinh sống. Về phương diện này, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng bày tỏ “lòng quí mến, biết ơn và khích lệ lớn lao nhất đối với công tác phục vụ việc phúc âm hóa mà rất nhiều tín hữu giáo dân, nhất là nữ giới nói riêng, đang cung cấp một cách quảng đại và đầy dấn thân trong các cộng đoàn của họ trên khắp thế giới, theo gương Thánh Nữ Maria Mađalêna, chứng nhân đầu hết của niềm vui Phục Sinh” (317). Thượng Hội Đồng cũng nhìn nhận với lòng biết ơn các phong trào trong Giáo Hội và nhiều cộng đoàn mới mẻ đang là một lực lượng lớn lao cho việc phúc âm hóa trong thời đại ta và là một động viên lớn cho việc khai triển thêm nhiều cách mới để công bố Tin Mừng (318).
Sự cần thiết của truyền giáo ( "missio ad gentes")
95. Khi kêu gọi mọi tín hữu công bố lời Chúa, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng tái khẳng định nhu cầu cần có dấn thân dứt khoát vào việc truyền giáo, cả trong thời đại ta nữa. Giáo Hội không thể nào tự giới hạn công tác mục vụ của mình vào việc chỉ chăm sóc những người đã biết Tin Mừng của Chúa Kitô rồi. Việc vươn tay ra truyền giáo là dấu chỉ rõ ràng một cộng đoàn Giáo Hội nào đó đã trưởng thành. Các Nghị Phụ cũng nhấn mạnh rằng lời Chúa là sự thật cứu rỗi mà mọi người thuộc mọi thời đại cần được nghe. Vì lý do đó, nó cần được minh nhiên công bố. Giáo Hội phải ra đi để gặp mỗi người trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần (xem 1 Cor 2:5) và tiếp tục việc bênh vực có tính tiên tri đối với quyền và sự tự do được nghe lời Chúa của người ta, trong khi vẫn không ngừng tìm ra những phương cách hữu hiệu nhất để công bố lời Chúa, dù liều mình bị bách hại” (319). Giáo Hội cảm thấy có bổn phận phải công bố cho mọi người nam nữ lời cứu rỗi (xem Rm 1:14).
Việc công bố và việc tân phúc âm hóa
96. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, khi tiếp nhận các lời có tính tiên tri của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đã có nhiều cách khác nhau để nhắc nhở tín hữu nhớ tới nhu cầu phải có một mùa truyền giáo mới cho toàn thể Dân Chúa (320). Ở bình minh thiên niên kỷ thứ ba, không những vẫn còn nhiều người chưa biết Tin Mừng, nhưng ngay cả một số đông Kitô hữu vẫn cần lời Chúa một lần nữa được công bố một cách đầy thuyết phục cho họ, để họ cảm nhận được một cách cụ thể sức mạnh của Tin Mừng. Nhiều anh chị em của ta “đã được rửa tội, nhưng chưa được phúc âm hóa một cách tạm đủ” (321). Trong nhiều trường hợp, có những dân tộc có thời rất phong phú về đức tin và ơn gọi, nhưng nay đang mất dần căn tính của mình vì ảnh hưởng của nền văn hóa bị thế tục hóa (322). Nhu cầu tân phúc âm hóa, một nhu cầu mà vị Tiền Nhiệm đáng kính của tôi cảm nhận một cách sâu xa, cần được tái khẳng định một cách dũng cảm, trong niềm chắc chắn rằng lời Chúa là lời hữu hiệu. Vốn chắc chắn về lòng trung thành với Chúa của mình, Giáo Hội không bao giờ mỏi mệt trong việc công bố tin mừng của Phúc Âm và mời gọi mọi Kitô hữu khám phá như mới sự quyến rũ trong việc theo chân Chúa Kitô.
Lời Chúa và chứng nhân Kitô hữu
97. Các chân trời mênh mông trong sứ mệnh của Giáo Hội và sự phức tạp trong tình hình ngày nay đòi phải có những cách thế mới để thông truyền lời Chúa cách hữu hiệu. Chúa Thánh Thần, Đấng chủ đạo của mọi việc phúc âm hóa, luôn hướng dẫn Giáo Hội của Chúa Kitô trong hoạt động này. Ấy thế nhưng, điều quan trọng là mọi hình thức công bố, trước nhất, phải ghi nhớ mối tương quan nội tại giữa việc thông truyền lời Chúa và việc làm chứng của Kitô hữu. Tính khả tín của việc công bố của ta tùy thuộc điều ấy. Một đàng, lời Chúa phải thông truyền mọi điều chính Chúa đã nói với ta. Đàng khác, điều không thể nào miễn chước được là bằng việc làm chứng, ta phải làm cho lời kia được khả tín, kẻo nó chỉ xuất hiện như một thứ triết lý đẹp đẽ hay một điều không tưởng, thay vì là một thực tại có thể sống và ban sự sống. Tính hỗ tương giữa lời Chúa và việc làm chứng này phản ảnh cách thế Thiên Chúa dùng để tự thông truyền chính mình qua việc nhập thể của Lời Người. Lời Chúa đến với mọi người “qua cuộc gặp gỡ và làm chứng chân chính của người trưởng thành, qua ảnh hưởng tích cực của bạn bè và trong tình đồng hành của cộng đoàn Giáo Hội” (324).
Có một tương quan gần gũi giữa lời chứng của Sách Thánh, trong tư cách tự chứng thực lời Chúa, và việc làm chứng bằng đời sống các tín hữu. Điều này bao hàm và dẫn tới điều kia. Việc làm chứng của Kitô hữu thông truyền lời đã được chứng thực trong Sách Thánh. Về phần mình, Sách Thánh giải thích việc làm chứng mà Kitô hữu được mời gọi đưa ra bằng chính cuộc sống họ. Những ai gặp được các chứng nhân khả tín của Tin Mừng như thế sẽ hiểu được rằng lời Chúa hữu hiệu biết bao đối với những ai tiếp nhận nó.
98. Trong hành động qua lại giữa chứng nhân và lời Chúa, ta hiểu được điều Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi. Trách nhiệm của ta không giới hạn vào việc gợi ra các giá trị chung cho thế giới; đúng hơn, ta cần tiến tới chỗ minh nhiên công bố lời Chúa. Chỉ bằng cách đó, ta mới trung thành với mệnh lệnh của Chúa Kitô: “Tin Mừng được các chứng nhân bằng đời sống công bố chẳng chóng thì chày cũng phải được lời của sự sống công bố. Không có việc phúc âm hóa thực sự nếu thánh danh, giáo huấn, cuộc đời, các lời hứa, Vương Quốc và mầu nhiệm Chúa Giêsu Thành Nadarét, Con Thiên Chúa, không được công bố” (325).
Sự kiện việc công bố lời Chúa đòi phải có sự làm chứng bằng đời sống là một dữ kiện vốn hiện diện một cách rõ ràng trong ý thức Kitô hữu từ buổi đầu. Chính Chúa Kitô đã là một chứng nhân trung thành và chân thực (xem Cv 1:5; 3:14), chính Người đã làm chứng cho Sự Thật (xem Ga 18:37). Ở đây, tôi muốn nhắc lại man vàn chứng từ mà chúng ta đã có hồng ân nghe được trong suốt cuộc họp của Thượng Hội Đồng. Chúng ta hết sức cảm động được nghe các câu truyện của những người sống đức tin của mình và làm chứng một cách xuất sắc cho Tin Mừng dù dưới các chế độ thù nghịch với Kitô Giáo hay trong các tình thế bị bách hại. Không hoàn cảnh nào như thế làm ta sợ hãi. Chính Chúa Giêsu đã nói cùng các môn đệ của Người: “Tôi tớ không lớn hơn chủ mình. Nếu họ bách hại Thầy, họ cũng sẽ bách hại các con” (Ga 15:20). Vì lý do này, tôi muốn cùng với toàn hể Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa một ca khúc ngượi khen vì chứng tá của nhiều anh chị em chúng ta, những người, ngay trong thời đại ta, đã hiến mạng sống mình để thông truyền sự thật về tình yêu Thiên Chúa từng được mạc khải cho ta trong Chúa Kitô chịu đóng đinh và đã sống lại. Tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn của toàn thể Giáo Hội đối với các Kitô hữu đã không lùi bước trước trở ngại và cả bách hại nữa vì Tin Mừng. Tôi cũng ôm hôn với tình âu yếm anh em sâu đậm các tín hữu của mọi cộng đồng Kitô Giáo, nhất là tại Á Châu và Phi Châu, những người hiện đang liều mạng sống của mình hay kỳ thị xã hội vì đức tin của mình. Ở đây, ta gặp tinh thần đích thực của Tin Mừng, một tinh thần từng công bố là hạnh phúc bất cứ ai chịu bách hại vì danh Chúa Giêsu Kitô (xem Mt 5:11). Làm thế rồi, một lần nữa chúng ta kêu gọi chính phủ các quốc gia hãy bảo đảm nền tự do lương tâm và nền tự do tôn giáo, cũng như khả năng được phát biểu đức tin của người ta cách công khai (326).
Lời Chúa và Việc Dấn Thân Vào Thế Giới
Phục vụ Chúa Giêsu trong “những anh em nhỏ bé nhất” (Mt 25:40)
99. Lời Chúa dõi sáng cuộc nhân sinh và khuấy động lương tâm ta để ta nhìn sâu hơn vào chính đời sống mình, lý do vì mọi lịch sử nhân bản đều nằm dưới sự phán xét của Thiên Chúa: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, và mọi thiên thần hầu hạ Người, Người sẽ ngự trên ngai vinh hiển của mình. Mọi dân tộc đều tụ họp trước nhan Người” (Mt 25:31-32).
Ngày nay, ta thường có khuynh hướng dừng lại một cách phiến diện trước sự quan trọng của giây phút đang qua, như thể nó chẳng có liên quan gì tới tương lai. Tin Mừng, trái lại, nhắc ta nhớ rằng mọi giây phút đời ta đều quan trọng và phải được sống một cách sâu đậm, với nhận thức rằng mọi người rồi ra sẽ phải tính sổ đời mình. Trong chương hai mươi lăm của Tin Mừng Thánh Mátthêu, Con Người sẽ coi bất cứ điều gì ta làm hay không làm cho “những anh em hèn mọn nhất” (xem 25:40,45) như là làm hay không làm cho chính Người: “Ta đói, các con đã cho Ta ăn, Ta khát, các con đã cho Ta uống, Ta là khách lạ, các con đã nghinh đón Ta, Ta trần truồng các con đã mặc cho Ta, Ta ốm đau các con đã thăm viếng Ta, Ta ngồi tù các con đã đến với Ta” (25:35-36). Lời Chúa đã đích thân nhấn mạnh tới nhu cầu ta phải dấn thân vào thế giới và trách nhiệm của ta trước Chúa Kitô, Chúa của lịch sử. Khi công bố lời Chúa, ta hãy khích lệ lẫn nhau làm điều tốt và cam kết phục vụ công lý, hòa giải và hoà bình.
Lời Chúa và cam kết phục vụ công lý trong xã hội
100. Lời Chúa linh hứng con người, cả nam lẫn nữ, để họ xây dựng các liên hệ dựa trên sự chính trực và công lý, và chứng thực các giá trị vĩ đại dưới mắt Thiên Chúa đối với mọi cố gắng nhằm tạo ra một thế giới công chính hơn và đáng sống hơn (327). Lời Chúa không hàm hồ chút nào khi tố cáo mọi bất công và cổ vũ sự liên đới và bình đẳng (328). Dưới ánh sáng lời Chúa, ta hãy biện phân “các dấu chỉ thời đại” hiện diện trong lịch sử, và đừng chạy trốn việc cam kết dấn thân đối với những người đang đau khổ và là nạn nhân của các hình thức vị kỷ.
Thượng Hội Đồng nhắc ta nhớ rằng dấn thân cho công lý và thay đổi thế giới là yếu tố chủ yếu của việc phúc âm hóa. Theo lời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, ta phải “vươn tay ra và có thể nói lật nhào bằng sức mạnh của Tin Mừng các tiêu chuẩn phán đoán, các tư lợi, các khuôn mẫu tư duy, các nguồn cảm hứng và các lối sống của nhân loại đi ngược lại lời Chúa và kế hoạch cứu rỗi của Người” (329).
Vì lý do này, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng muốn ngỏ một lời đặc biệt với những ai đang góp phần vào đời sống chính trị và xã hội. Việc phúc âm hóa và loan truyền lời Chúa phải linh hứng hoạt động của họ trên thế giới, vì họ đang làm việc vì ích chung thực sự bằng cách tôn trọng và cổ vũ phẩm giá mọi con người. Chắc chắn, trách nhiệm trực tiếp của Giáo Hội không phải là tạo ra một xã hội công chính hơn, dù Giáo Hội có quyền và có bổn phận can thiệp vào các vấn đề đạo đức và luân lý liên quan tới thiện ích của các cá nhân và dân tộc. Nhiệm vụ hàng đầu của tín hữu giáo dân, nhờ được đào tạo trong trường Tin Mừng, là phải trực tiếp can dự vào sinh hoạt chính trị và xã hội. Vì lý do này, Thượng Hội Đồng khuyến cáo để các tín hữu giáo dân nhận được một sự huấn luyện thích đáng về các nguyên tắc của giáo huấn xã hội của Giáo Hội (330).
101. Tôi cũng muốn kêu gọi mọi người lưu ý tới sự quan trọng của việc bảo vệ và phát huy nhân quyền của mọi con người, dựa trên luật tự nhiên vốn viết sẵn trong tâm hồn con người, là các quyền tự chúng có tính “phổ quát, bất khả xâm phạm và bất khả nhượng” (331). Giáo Hội bày tỏ niềm hy vọng rằng nhờ việc thừa nhận các quyền này, nhân phẩm sẽ được nhìn nhận một cách hữu hiệu hơn và được phát huy một cách phổ quát (332), vì nó là dấu ấn rõ rệt được Đấng Tạo Hóa khắc khi trên các tạo vật của Người, được Chúa Kitô tiếp nhận và cứu chuộc qua việc nhập thể, qua cái chết và sự sống lại của Người. Việc truyền bá lời Chúa chắc chắn sẽ tăng cường cho việc nhìn nhận và tôn trọng nhân quyền của mọi con người (333).
Công bố lời Chúa, hòa giải và hòa bình giữa các dân tộc
102. Giữa nhiều lãnh vực cần phải dấn thân, Thượng Hội Đồng khẩn thiết kêu gọi việc cổ vũ hòa giải và hòa bình. Trong bối cảnh hiện nay, hơn bao giờ hết, ta cần phải tái khám phá ra lời Thiên Chúa làm nguồn suối cho hòa giải và hòa bình, vì trong lời ấy, Thiên Chúa hòa giải mọi sự với Người (xem 2 Cor 5:18-20; Eph 1:10): Chúa Kitô “là hòa bình của ta” (Eph 2:14), là Đấng giật sập mọi bức tường chia rẽ. Một số tham luận tại Thượng Hội Đồng đã cung cấp cho ta nhiều tài liệu về các tranh chấp và căng thẳng trầm trọng và đầy bạo lực đang xẩy ra trên hành tinh ta. Có lúc, những thù nghịch này còn mang cả dáng dấp tranh chấp tôn giáo nữa. Ở đây, tôi muốn khẳng định một lần nữa rằng tôn giáo không bao giời biện minh cho bất khoan dung hay chiến tranh. Ta không thể nhân danh Chúa mà giết người! (334). Mỗi tôn giáo phải khích lệ quyền được sử dụng lý trí và cổ vũ các giá trị đạo đức biết củng cố việc sống chung dân sự.
Trung thành với công việc hòa giải được Thiên Chúa thực hiện nơi Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh và sống lại, người Công Giáo cũng như mọi người thiện chí nam nữ phải cam kết trở thành điển hình của hòa giải để xây dựng cho được một xã hội công chính và hòa bình (335). Chúng ta không bao giờ được quên rằng “ở đâu lời con người trở thành bất lực vì sự thắng thế của tranh chấp bạo lực và chiến tranh, thì sức mạnh tiên tri của lời Chúa vẫn không lay chuyển, vẫn nhắc ta nhớ rằng hòa bình là điều có thể thực hiện được và chính chúng ta phải trở thành khí cụ của hòa giải và hòa bình” (336).
Lời Chúa và đức ái thực tiễn
103. Cam kết đối với công lý, hòa giải và hòa bình tìm thấy căn bản tối hậu và sự nên trọn của nó trong tình yêu đã được mạc khải cho ta nơi Chúa Kitô. Nhờ nghe các chứng từ đưa ra tại Thượng Hội Đồng, ta thấy rõ hơn mối liên kết giữa việc nghe lời Chúa một cách đầy yêu thương và việc phục vụ quên mình các anh chị em của ta; mọi tín hữu đều nên nhìn ra nhu cầu phải “diễn dịch lời ta đã nghe thành cử chỉ yêu thương, vì đây là cách duy nhất làm cho việc công bố Tin Mừng trở thành khả tín, bất chấp các yếu hèn nhân bản vốn thấy rõ nơi các cá nhân” (337). Chúa Giêsu khi sống trên trần gian này luôn làm điều tốt (xem Cv 10:38). Ngoan ngoãn lắng nghe lời Chúa trong Giáo Hội sẽ làm sống dậy “đức ái và công bình đối với mọi người, nhất là đối với người nghèo” (338). Ta không bao giờ nên quên rằng “tình yêu – caritas – luôn chứng tỏ là cần thiết, ngay trong xã hội công chính nhất… bất cứ ai muốn loại bỏ tình yêu đều là người đang chuẩn bị loại bỏ chính con người đúng nghĩa” (339). Vì thế, tôi khích lệ các tín hữu thường xuyên suy niệm ca khúc tình yêu của Thánh Tông Đồ Phaolô để nhận được ơn linh hứng từ đó: “Tình yêu thì nhẫn nại và nhân hậu; tình yêu không ghen tuông hay khoác lác; nó không tự đắc hay thô lỗ. Tình yêu không khăng khăng theo ý mình; nó không nóng giận hay nuôi hận thù; không mừng khi thấy sự gian ác nhưng vui khi thấy sự thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Tình yêu không bao giờ chấm dứt” (1 Cor 13:4-8).
Tình yêu người lân cận, vốn bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, phải thấy ta luôn dấn thân trong tư cách cá nhân và cộng đoàn Giáo Hội, cả địa phương lẫn hoàn cầu. Như Thánh Augustinô từng nói: “điều chủ yếu là phải hiểu rằng tình yêu là sự viên mãn của Lề Luật vì nó là tất cả Thánh Kinh… Bất cứ ai cho rằng mình hiểu Thánh Kinh hay bất cứ phần nào trong đó, nhưng lại không cố gắng, như một hệ luận, để tăng trưởng trong tình yêu kép, tức yêu Chúa và yêu tha nhân, thì nên hiểu rõ điều này: họ chưa thực sự hiểu sách ấy” (340).
Việc công bố lời Chúa và giới trẻ
104. Thượng Hội Đồng đặc biệt chú ý tới việc công bố lời Chúa cho thế hệ trẻ. Người trẻ vốn là các thành viên tích cực của Giáo Hội. Họ đại diện cho tương lai Giáo Hội. Ta thường gặp nơi họ sự cởi mở tự phát đối với việc nghe lời Chúa và một lòng ước mong thành thật được biết Chúa Giêsu. Tuổi trẻ là thời gian dành cho những câu hỏi chân thực và không tài nào dẹp bỏ về ý nghĩa đời người và hướng đi cho chính đời ta. Chỉ có Thiên Chúa mới đưa ra được câu trả lời chân thật cho các câu hỏi ấy. Việc quan tâm tới giới trẻ đòi ta phải can đảm và rõ ràng trong sứ điệp ta muốn công bố; ta cần giúp họ có được sự tự tin và thân quen với Sách Thánh để Sách này trở thành la bàn chỉ đường cho họ đi theo (341). Người trẻ cần các nhân chứng và thầy dạy biết cùng bước đi với họ, dạy họ biết yêu Tin Mừng và chia sẻ nó, nhất là với người đồng trang lứa, và nhờ thế trở thành các sứ giả chân chính và đáng tin cậy (342).
Lời Chúa cần được trình bày sao đó để có thể phát sinh ra các hệ luận cho ơn gọi của từng người và giúp người trẻ chọn được hướng đi cho đời họ, trong đó, có hướng đi tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa (343). Ơn gọi chân chính sống tận hiến hay làm linh mục sẽ tìm được đất mầu mỡ nhờ việc tiếp xúc đầy đức tin với lời Chúa. Một lần nữa, tôi nhắc lại lời kêu gọi mà tôi từng đưa ra vào buổi đầu triều đại giáo hoàng của tôi là hãy mở rộng cửa cho Thiên Chúa: “Nếu ta để Chúa Kitô bước vào đời ta, ta không mất gì, không mất gì, tuyệt đối không mất gì trong số những điều làm đời sống ta được tự do, tươi đẹp và vĩ đại. Không! Vì chỉ trong tình bạn này, tiềm năng lớn lao của cuộc hiện sinh nhân bản mới được tỏ lộ thực sự… Hỡi các bạn trẻ thân yêu: đừng sợ Chúa Kitô! Người không lấy mất điều gì đâu, nhưng Người cho các bạn mọi sự. Khi ta hiến mình cho Người, ta sẽ nhận lại gấp trăm. Vâng, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô – và các bạn sẽ tìm được sự sống đích thực” (344).
Việc công bố lời Chúa và di dân
105. Lời Chúa khiến ta lưu ý tới lịch sử và các thực tại đang xẩy tới. Khi xem sét sứ mệnh phúc âm hóa của Giáo Hội, Thượng Hội Đồng cũng đã quyết định đề cập tới hiện tượng phức tạp của các phong trào di dân, một hiện tượng trong mấy năm gần đây đã đạt tới một tỷ lệ chưa từng có. Vấn đề này đặt ra nhiều vấn nạn hết sức tế nhị liên quan đến an ninh các quốc gia và việc nghinh đón những người tìm nơi tị nạn hay tìm các điều kiện sống, y tế và làm việc tốt đẹp hơn. Số rất đông những người không biết gì về Chúa Kitô hay có một vốn hiểu biết về Người không đầy đủ đang định cư tại các quốc gia vốn có truyền thống Kitô Giáo. Đồng thời, nhiều người từ các quốc gia có dấu ấn đức tin Kitô Giáo sâu xa đã di cư tới các quốc gia, nơi vẫn cần phải công bố Chúa Kitô và đòi được tân phúc âm hóa. Các tình huống ấy đưa lại nhiều khả thể mới cho việc loan truyền lời Chúa. Về phương diện này, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng tuyên bố rằng di dân có quyền được nghe tin mừng Phúc Âm (kerygma), một tin mừng cần được đề nghị, chứ không áp đặt. Và nếu họ là Kitô hữu, họ đòi các hình thức chăm lo mục vụ giúp họ có khả năng lớn mạnh trong đức tin và ngược lại, trở thành các sứ giả của Tin Mừng. Vì tính phức tạp của hiện tượng này, điều chủ yếu là phải động viên mọi giáo phận liên hệ để các phong trào di dân cũng được coi như một dịp may giúp ta khám phá ra các hình thức hiện diện và công bố mới. Điều cũng cần thiết là các giáo phận phải đảm bảo tới mức có thể để các anh chị em này nhận được sự nghinh đón và lưu tâm thỏa đáng, ngõ hầu, được ơn Chúa đánh động, họ có khả năng trở thành sứ giả của lời Chúa và chứng nhân của Chúa Giêsu Phục Sinh, vốn là hy vọng của thế giới (345).
Việc công bố lời Chúa và đau khổ
106. Trong lúc Thượng Hội Đồng làm việc, các Nghị Phụ cũng đã xem sét nhu cầu phải công bố lời Chúa cho tất cả những ai đang đau khổ, cả về phương diện thể lý, tâm lý lẫn tâm linh. Chính trong những lúc đau khổ, các câu hỏi tối hậu về ý nghĩa đời người mới càng được cảm nhận một cách sắc cạnh. Nếu lời lẽ con người tỏ ra câm lặng trước mầu nhiệm sự ác và đau khổ, và nếu xã hội ta tỏ ra chỉ trân quí sự sống khi nó tương hợp với một số tiêu chuẩn như có hiệu năng hay mang lại hạnh phúc, thì lời Chúa giúp ta thấy rằng ngay những giây phút (đau khổ) này cũng được tình yêu Thiên Chúa “vỗ về”. Đức tin phát sinh từ cuộc gặp gỡ với lời Chúa sẽ giúp ta hiểu ra rằng sự sống nhân bản đáng được sống trọn vẹn, ngay lúc nó yếu đi vì bịnh hoạn và đau đớn. Thiên Chúa dựng nên ta để ta hạnh phúc và để ta sống, trong khi đó, bịnh hoạn và chết chóc bước vào thế giới này là do hậu quả của tội (xem Kn 2:23-24). Ấy thế nhưng Cha sự sống là thầy thuốc tuyệt hảo của nhân loại, và Người không ngừng cúi mình một cách trìu mến trên nhân loại đau khổ. Ta chiêm ngưỡng đỉnh cao việc Thiên Chúa gần gũi với các đau khổ của ta trong chính Chúa Giêsu: “ Lời nhập thể. Người đau khổ và chết cho ta. Bằng sự thống khổ và cái chết của Người, Người lãnh lấy sự yếu hèn của ta cho Người và hoàn toàn biến đổi nó” (346).
Sự gần gũi của Chúa Giêsu với người đau khổ có tính thường hằng: nó kéo dài trong thời gian nhờ hành động của Chúa Thánh Thần trong sứ mệnh của Giáo Hội, trong lời Chúa và trong các bí tích, nơi những con người thiện chí, cả nam lẫn nữ, và trong các sáng kiến bác ái được thực thi bằng tình yêu anh em của các cộng đoàn, nhờ thế làm khuôn mặt đích thực và tình yêu Thiên Chúa được mọi người biết đến. Thượng Hội Đồng cám ơn Thiên Chúa vì các chứng tá chói sáng, đôi khi dấu ẩn, của rất nhiều Kitô hữu - gồm linh mục, tu sĩ và giáo dân - những người đã cho Chúa Kitô, vị thầy thuốc đích thực của cả hồn lẫn xác, mượn tay và vẫn tiếp tục cho Người mượn tay chân, mắt mũi và tâm hồn. Thượng Hội Đồng huấn dụ mọi người tiếp tục chăm sóc những người bịnh hoạn yếu đau và đem họ tới sự hiện diện thông ban sự sống của Chúa Giêsu trong lời Chúa và trong Thánh Thể. Nên giúp đỡ những người đau khổ để họ đọc Sách Thánh và hiểu ra rằng tình trạng của họ giúp họ có khả năng tham dự một cách đặc biệt vào sự đau khổ cứu chuộc của Chúa Kitô để cứu rỗi thế giới (xem 2 Cor 4:8-11, 14) (347).
Việc công bố lời Chúa và người nghèo
107. Sách Thánh tỏ lộ tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa đối với người nghèo và người thiếu thốn (xem Mt 25:31-46). Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng hay nói tới sự quan trọng của việc giúp đỡ các anh chị em này khả năng nghe sứ điệp Tin Mừng và cảm nghiệm được sự gần gũi của các mục tử và cộng đoàn của họ. Thực thế, “người nghèo là những người trước hết có quyền được nghe công bố Tin Mừng; họ cần không những cơm bánh, mà còn là các lời hằng sống” (348). Phó tế phục vụ bác ái, một thừa tác vụ không bao giờ được thiếu trong các giáo hội của ta, phải luôn gắn bó với việc công bố lời Chúa và cử hành các mầu nhiệm thánh (349). Ấy thế nhưng, ta cũng cần nhìn nhận và đánh giá sự kiện này là người nghèo chính là các tác nhân của phúc âm hóa. Trong Thánh Kinh, người nghèo thực sự là người hoàn toàn phó thác vào Thiên Chúa; trong Tin Mừng, Chúa Giêsu gọi họ là người có phúc, “vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3; xem Lc 6:20). Chúa đề cao tâm hồn đơn thành của những ai tìm thấy nơi Thiên Chúa các kho tàng đích thực, đặt hy vọng nơi Người, chứ không nơi những sự việc đời này. Giáo Hội không thể làm người nghèo thất vọng: “Các mục tử được kêu gọi lắng nghe họ, học hỏi nơi họ, hướng dẫn họ trong đức tin của họ và khuyến khích họ lãnh trách nhiệm đối với đời sống họ” (350).
Giáo Hội cũng biết rằng sự nghèo khó có thể hiện hữu như một nhân đức, một nhân đức cần được vun sới và tự do chọn lấy, như man vàn thánh nhân đã làm. Nghèo khó cũng có thể hiện hữu như một thiếu thốn (indigence), thường phát sinh do bất công hay vị kỷ, biểu hiệu rõ rệt trong đói khát và túng thiếu, và như một nguồn của tranh chấp. Trong việc công bố lời Chúa, Giáo Hội biết rằng “một vòng tròn nhân đức” phải được cổ vũ giữa sự nghèo khó tự ý chọn và sự nghèo khó cần bị đánh bại; ta cần tái khám phá ra “sự tiết chế và tình liên đới, những giá trị của Tin Mừng đồng thời có tính phổ quát… Điều này khiến ta đưa ra các quyết định có tính hợp công lý và điều độ” (351).
Việc công bố lời Chúa và việc bảo vệ sáng thế
108. Dấn thân vào thế giới, như đã được lời Chúa đòi hỏi, khiến ta nhìn bằng con mắt mới toàn vũ trụ đã được tạo dựng, một vũ trụ đầy các dấu vết của lời mà qua đó mọi vật đã được dựng nên (xem Ga 1:2). Trong tư cách những con người nam nữ tin vào và công bố Tin Mừng, ta có trách nhiệm đối với tạo vật. Mạc khải giúp ta biết kế hoạch Thiên Chúa dành cho vũ trụ, nhưng nó cũng dẫn ta tới việc tố giác thái độ lầm lẫn kia từ khước không chịu nhìn mọi thực tại tạo dựng như là phản ảnh của Đấng Tạo Hóa, mà thay vào đó, chỉ là vật chất thô sơ cần khai thác không hề kiêng dè. Con người như thế thiếu hẳn lòng khiêm nhường chủ yếu giúp họ khả năng nhận ra tạo vật như hồng phúc Chúa ban, hồng phúc mà ta phải tiếp nhận và sử dụng phù hợp với kế hoạch của Người. Thay vào đó, sự ngạo mạn của con người nhân bản sống “như thể Thiên Chúa không hiện hữu” dẫn họ tới việc khai thác và làm biến dạng khuôn mặt thiên nhiên, không coi nó như công trình do bàn tay của lời sáng tạo làm nên. Trong ngữ cảnh thần học này, tôi muốn nhắc lại tuyên bố của các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng. Các vị muốn nhắc nhở ta rằng: “chấp nhận lời Chúa, lời được Sách Thánh và Truyền Thống sống động của Giáo Hội chứng thực, làm phát sinh ra một cách nhìn sự vật thật mới mẻ, cổ vũ một sinh thái chân chính, một sinh thái bắt rễ sâu trong việc vâng phục của đức tin… [và] khai triển ra một nhạy cảm thần học đổi mới đối với sự tốt lành của mọi vật, vốn được tạo nên trong Chúa Kitô” (352). Ta cần được cải huấn trong sự thán phục và trong khả năng biết nhận ra vẻ đẹp vốn được biểu lộ trong các thực tại tạo dựng (353).
Lời Chúa và Văn Hóa
Giá trị của văn hóa đối với đời sống nhân loại
Lời công bố của Thánh Gioan rằng Ngôi Lời đã thành xác phàm cho ta thấy mối liên kết không thể phân rẽ giữa lời Chúa và lời con người mà Người dùng để thông đạt với ta. Trong ngữ cảnh này, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã xem sét mối tương quan giữa lời Chúa và văn hóa. Thiên Chúa không tự mạc khải Người cách trừu tượng, nhưng bằng cách sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh và lối phát biểu vốn gắn bó với nhiều nền văn hóa khác nhau. Mối tương quan này đã chứng tỏ là nhiều hoa trái, như lịch sử Giáo Hội đã chứng thực một cách phong phú. Ngày nay, nó đang đi vào một giai đoạn mới nhờ việc lan truyền Tin Mừng và việc Tin Mừng bén rễ bên trong các nền văn hóa khác nhau, cũng như do nhiều phát triển gần đây trong nền văn hóa Tây Phương. Trước nhất, nó đòi phải có sự thừa nhận tầm quan trọng của văn hóa đúng nghĩa đối với cuộc sống mọi người, nam cũng như nữ. Trong nhiều khía cạnh khác nhau của nó, hiện tượng văn hóa là một dữ kiện chủ yếu của kinh nghiệm nhân bản. “Con người luôn sống theo nền văn hóa riêng của họ, và nền văn hóa này ngược lại tạo ra giữa nhiều con người một sợi dây liên kết riêng của họ, một sợi dây xác định ra đặc điểm liên nhân bản và xã hội cho cuộc hiện sinh nhân bản” (354).
Qua các thế kỷ, lời Chúa luôn linh hứng các nền văn hóa khác nhau, làm phát sinh ra các giá trị luân lý nền tảng, các biểu thức nghệ thuật xuất chúng và các lối sống điển hình (355). Do đó, khi nhìn vào cuộc gặp gỡ đổi mới giữa Thánh Kinh và văn hóa, tôi muốn trấn an tất cả những ai đang là thành phần của thế giới văn hóa rằng họ không có chi phải sợ trước sự cởi mở của lời Chúa, một sự cởi mở không bao giờ tiêu diệt nền văn hóa đích thực, nhưng đúng hơn, là một kích thích không thôi trong việc tìm ra các hình thức phát biểu thích hợp hơn, có ý nghĩa và nhân đạo hơn. Mọi nền văn hóa chân chính, nếu thực sự để phục vụ nhân loại, đều phải cởi mở đối với tính siêu việt và sau cùng, đối với Thiên Chúa.
Thánh Kinh, qui tắc vĩ đại cho các nền văn hóa
109.Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhấn mạnh nhiều tới sự quan trọng của việc cổ vũ một nhận thức thích đáng về Thánh Kinh nơi những người dấn thân trong lãnh vực văn hóa, cả trong các ngữ cảnh thế tục và nơi những người không có tín ngưỡng (356). Sách Thánh chứa đựng nhiều giá trị nhân học và triết học vốn gây ảnh hưởng tích cực đối với nhân loại như một toàn thể (357). Cảm thức coi Thánh Kinh như qui tắc vĩ đại cho các nền văn hóa cần được phục hồi trọn vẹn.
Nhận thức Thánh Kinh trong các trường học và đại học
110. Một khung cảnh đặc thù cho cuộc gặp gỡ giữa lời Chúa và văn hóa là khung cảnh trường học và đại học. Các mục tử nên đặc biệt lưu ý đến môi trường này, cổ vũ một nhận thức sâu sắc hơn về Thánh Kinh và việc nắm vững các hệ luận văn hóa phong phú của nó cả cho thời nay nữa. Các trung tâm nghiên cứu, được các nhóm Công Giáo hỗ trợ, đang góp phần rõ rệt vào việc cổ vũ văn hóa và giáo dục, và việc này cần được thừa nhận. Việc giáo dục tôn giáo cũng không được lãng quên, và các thầy cô dạy môn này phải được huấn luyện cẩn thận. Việc giáo dục tôn giáo này thường là cơ hội duy nhất học sinh và sinh viên có được để gặp gỡ sứ điệp đức tin. Trong việc giảng dạy tôn giáo, cần phải nhấn mạnh tới nhận thức về Sách Thánh, như phương tiện để vượt qua các thành kiến cũ và mới, và giúp cho chân lý của nó được biết tốt hơn (358).
Sách Thánh trong các phát biểu nghệ thuật
111. Mối tương quan giữa lời Chúa và văn hóa tìm được biểu thức trong nhiều lãnh vực, nhất là trong nghệ thuật. Vì lý do này, truyền thống vĩ đại của cả Đông lẫn Tây đều luôn luôn quí chuộng các tác phẩm nghệ thuật được Sách Thánh linh hứng, thí dụ các nghệ thuật tạo hình và kiến trúc, văn chương và âm nhạc. Tôi cũng nghĩ tới ngôn ngữ cổ xưa được phát biểu qua ảnh tượng (icons) mà từ truyền thống Đông Phương đã từ từ truyền bá ra khắp hế giới. Cùng với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, toàn thể Giáo Hội bày tỏ sự đánh giá, lòng quí chuộng và thán phục của mình đối với các nghệ sĩ vì “say mê cái đẹp” từng rút cảm hứng từ các bản văn thánh. Họ đã đóng góp vào việc trang hoàng các nhà thờ, vào việc cử hành đức tin của ta, vào việc làm đẹp nền phụng vụ của ta và nhiều người trong số họ đã giúp biến thành khả thức (perceptible), trong thời gian và không gian, các thực tại vốn vô hình và trường cửu (359). Tôi khuyến khích các cơ quan và nhóm có khả năng cổ vũ trong Giáo Hội một sự đào tạo vững chắc cho các nghệ sĩ về phương diện Sách Thánh dưới ánh sáng truyền thống sống động và huấn quyền của Giáo Hội.
Lời Chúa và các phương tiện truyền thông xã hội
112. Nối kết với mối tương quan giữa lời Chúa và văn hóa là nhu cầu phải biết sử dụng một cách cẩn thận và thông minh các phương tiện truyền thông, cả cũ lẫn mới. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng kêu gọi ta phải có một nhận thức thích đáng về các phương tiện này; các ngài ghi nhận sự phát triển mau chóng và các bình diện tác động qua lại khác nhau của chúng, và yêu cầu phải đưa ra nhiều cố gắng hơn nữa để có được hiểu biết chuyên môn trong các bộ phận liên hệ khác nhau, nhất là trong bộ phận các phương tiện truyền thông mới, như liên mạng (internet) chẳng hạn. Giáo Hội vốn hiện diện một cách có ý nghĩa trong thế giới truyền thông đại chúng, và huấn quyền Giáo Hội, bắt đầu từ Công Đồng Vatican II, thường xuyên can thiệp vào chủ đề này (360). Khám phá ra các phương pháp mới để thông truyền sứ điệp Tin Mừng luôn là một phần của chương trình nối vòng tay lớn do các tín hữu chủ động nhằm phúc âm hóa một cách liên tục. Ngày nay, truyền thông diễn tiến nhờ một hệ thống có tính hoàn cầu, và do đó mang lại một ý nghĩa mới cho lời của Chúa Kitô: “Điều Thầy nói với các con trong bóng tối, các con hãy nói nó nơi ánh sáng; và điều các con nghe thì thầm, hãy công bố nó trên mái nhà” (Mt 10:27). Lời Chúa nên vang dội không những trong các phương tiện truyền thông in ấn, nhưng còn trong các hình thức truyền thông khác nữa (361). Vì lý do đó, cùng với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với những người Công Giáo đang thực hiện nhiều cố gắng nghiêm chỉnh nhằm cổ vũ sự hiện diện đầy ý nghĩa trong thế giới truyền thông đại chúng, và tôi yêu cầu nên có một dấn thân rộng lớn và có giá trị hơn trước đây về phương diện này (362).
Ngày nay, trong số các hình thức truyền thông đại chúng mới, ta cần nhìn nhận vai trò ngày càng lớn của liên mạng, hiện đang đại biểu cho một nghị hội mới nhằm làm cho Tin Mừng được nhiều người nghe. Ấy thế nhưng, ta cũng cần ý thức điều này: thế giới ảo (virtual world) sẽ không bao giờ có khả năng thay thế được thế giới thật, và việc phúc âm hóa sẽ chỉ có khả năng sử dụng thế giới ảo do các phương tiện truyền hông mới cung ứng để tạo ra các liên hệ có ý nghĩa nếu có thể cung ứng được một tiếp xúc có tính bản thân, là điều luôn cấp thiết. Trong thế giới liên mạng, một hệ thống giúp cho hàng tỷ hình ảnh xuất hiện trên hàng triệu màn ảnh khắp thế giới, khuôn mặt Chúa Kitô cần được nhìn thấy và tiếng Người cần được lắng nghe, vì “nếu không có chỗ dành cho Chúa Kitô, thì cũng không có chỗ dành cho con người” (363).
Sách Thánh và hội nhập văn hóa
113.Mầu nhiệm nhập thể cho ta thấy dù Thiên Chúa luôn thông đạt trong một lịch sử cụ thể, tiếp nhận qui tắc văn văn hóa dính kết trong đó, nhưng cùng một lời có thể và phải được chuyển giao trong nhiều nền văn hóa khác nhau, biến đổi các nền văn hóa này ngay từ bên trong, nhờ điều được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI gọi là phúc âm hóa các nền văn hóa (364). Như chính đức tin Kitô Giáo, lời Chúa có một đặc điểm liên văn hóa sâu sắc; nó có khả năng gặp gỡ nhiều nền văn hóa khác nhau và ngược lại, giúp các nền văn hóa này gặp gỡ nhau (365).
Ở đây, ta cũng có thể đánh giá được sự quan trọng của việc hội nhập văn hóa của Tin Mừng (366). Giáo Hội hoàn toàn xác tín rằng lời Chúa cố hữu vẫn có khả năng nói với mọi con người nhân bản trong chính ngữ cảnh văn hóa riêng của họ: “xác tín này phát sinh từ chính Sách Thánh, là Sách ngay từ Cuốn Sáng Thế, đã tiếp nhận một quan điểm phổ quát (xem St 1:27-28), sau đó vẫn duy trì quan điểm này trong lời chúc phúc hứa ban cho mọi dân tộc qua Ápraham và con cháu ông (xem St 12:3; 18:18), và củng cố nó một cách dứt khoát khi mở rộng việc công bố Tin Mừng đến ‘mọi dân tộc’” (367). Vì lý do này, không nên lẫn lộn việc hội nhập văn hóa với diễn trình thích ứng hời hợt bên ngoài, càng không nên lẫn lộn nó với chủ nghĩa chiết trung bừa bãi chỉ nhằm làm loãng tính độc đáo của Tin Mừng để được người ta chấp nhận dễ dàng hơn (368). Mẫu mực hội nhập văn hóa chân chính chính là việc nhập thể của Ngôi Lời: “Hội nhập văn hóa sẽ thực sự phản ảnh được việc nhập thể của Ngôi Lời khi một nền văn hóa, nhờ được Tin Mừng biến đổi và tái sinh, đem lại được từ truyền thống sống động của mình các phát biểu độc đáo về lối sống, lối cử hành và lối suy tư Kitô Giáo” (369), dùng làm chất men ngay trong nền văn hóa địa phương, nâng cao semina Verbi (hạt giống lời Chúa) và mọi yều tố tích cực hiện diện trong nền văn hóa ấy, do đó, mở cửa nền văn hóa ấy cho các giá trị của Tin Mừng bước vào (370).
Phiên Dịch Thánh Kinh và làm nó được nhiều người sử dụng hơn
114. Việc hội nhập văn hóa lời Chúa là một phần cấu thành ra sứ mệnh của Giáo Hội trong thế giới, và giây phút có tính quyết định trong diễn trình ấy chính là việc phổ biến Sách Thánh qua công trình phiên dịch nó sang các ngôn ngữ khác nhau. Ở đây, ta nên luôn luôn nhớ rằng công việc phiên dịch Sách Thánh đã từng được đảm nhiệm “từ thời Cựu Ước khi bản văn Hípri của Sách Thánh được phiên dịch bằng lời sang tiếng Aram (xem Nh 8:8, 12) và sau đó bằng chữ viết sang tiếng Hy Lạp. Dĩ nhiên, một bản dịch luôn luôn hơn một bản sao chép đơn thuần từ nguyên bản. Việc chuyển dịch từ ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác nhất thiết bao gồm một thay đổi ngữ cảnh văn hóa: các ý niệm không còn y hệt (identical) và các biểu tượng sẽ có một ý nghĩa khác, vì chúng xuất hiện trong bối cảnh truyền thống tư duy và lối sống khác” (371).
Tại Thượng Hội Đồng, người ta thấy rõ: một số Giáo Hội địa phương vẫn còn thiếu một bản dịch đầy đủ bộ Thánh Kinh sang ngôn ngữ riêng của họ. Biết bao người ngày nay đang đói khát lời Chúa, ấy thế mà họ vẫn chưa có “cơ hội rộng rãi sử dụng Sách Thánh” (372) như Công Đồng Vatican II ước muốn! Vì lý do này, Thượng Hội Đồng cho rằng việc quan trọng hơn cả là huấn luyện các nhà chuyên môn để họ dấn thân vào việc phiên dịch Sách Thánh sang các ngôn ngữ khác nhau (373). Tôi muốn khuyến khích việc đầu tư tài nguyện vào lãnh vực này. Cách riêng, tôi muốn khuyến cáo việc hỗ trợ công trình của Liên Hội Thánh Kinh Công Giáo nhằm mục tiêu gia tăng hơn nữa con số các bản dịch Sách Thánh và việc truyền bá chúng (374). Vì chính bản chất của một công trình như thế, nó cần được tiến hành với sự hợp tác hết sức có thể với các Hiệp Hội Thánh Kinh khác nhau.
Lời Chúa vượt trên mọi giới hạn văn hóa
115. Trong các phiên thảo luận của mình về mối tương quan giữa lời Chúa và các nền văn hóa, Cuộc Họp của Thượng Hội Đồng cảm thấy cần phải tái khẳng định một điều mà các Kitô hữu ban đầu từng cảm nghiệm ngay từ ngày Lễ Ngũ Tuần (Cv 2:1-2). Lời Chúa có khả năng đi vào và tìm ra biểu thức trong nhiều nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau, ấy thế nhưng cùng một lời nói ấy đã thắng vượt các giới hạn của các nền văn hóa cá biệt để tạo ra sự hiệp thông giữa nhiều dân tộc khác nhau. Lời Chúa kêu mời ta tiến về một hiệp thông mỗi lúc một bao quát hơn. “Ta vượt thoát các giới hạn trong chính cảm nghiệm của ta để bước vào thực tại thực sự phổ quát. Bước vào hiệp thông với lời Chúa, là ta bước vào hiệp thông của Giáo hội, một hiệp thông sống lời Chúa… Nó có nghĩa đi quá bên kia các giới hạn của nền văn hóa cá thể mà bước vào tính phổ quát vốn nối kết tất cả, hợp nhất tất cả, làm tất cả chúng ta nên anh chị em” (375). Việc công bố công trình của Chúa như thế luôn đòi hỏi ở ta trước tiên một cuộc xuất hành mới, để ta để lại phía sau chính các tiêu chuẩn và trí tưởng tượng hữu hạn của mình và dành chỗ cho Chúa Kitô hiện diện.
Lời Chúa và đối thoại liên tôn
Giá trị của đối thoại liên tôn
116. Giáo Hội coi phần chủ yếu trong việc công bố lời Chúa là hệ ở việc gặp gỡ, đối thoại và hợp tác với mọi người thiện chí, nhất là với tín hữu của các truyền thống tôn giáo khác nhau của nhân loại. Điều này phải diễn ra mà không có những hình thức như duy chiết trung và duy tương đối, mà là theo những đường hướng mà Tuyên Ngôn Nostra Aetate của Công Đồng Vatican II đã đưa ra và sau đó được huấn quyền của nhiều vị Giáo Hoàng khai triển (376). Ngày nay, nhịp độ hoàn cầu hóa mau chóng đã làm cho người thuộc các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau có thể tiếp xúc với nhau một cách gần gũi hơn. Điều này cho thấy một cơ hội đầy quan phòng để chứng tỏ việc tính tôn giáo chân thực có thể cổ vũ dễ dàng xiết bao các liên hệ huynh đệ phổ quát. Trong các xã hội thế tục hóa của ta hiện nay, điều rất quan trọng là các tôn giáo cần có khả năng cổ vũ được một não trạng biết coi Đấng Toàn Năng là nền tảng của mọi điều thiện, là nguồn bất tận của đời sống luân lý, và là thành lũy của cảm thức sâu xa về tình anh em phổ quát.
Thí dụ, trong truyền thống Do Thái và Kitô Giáo, người ta thấy một chứng tá cảm động về tình yêu của Thiên Chúa dành cho mọi dân tộc: trong giao ước với Nôê, Người liên kết họ trong một cái ôm hôn vĩ đại được biểu tượng bằng “vòng cung (cầu vồng) trên mây” (St 9:13, 14, 16) và, theo lời các tiên tri, Người muốn tụ tập họ thành một gia đình duy nhất (xem Is 2:2 và tiếp theo; 42:6; 66:18-21; Gr 4:2; Tv 47). Chứng cớ của sự liên kết chặt chẽ giữa mối liên hệ với Thiên Chúa và nền đạo đức học yêu thương mọi người đều được tìm thấy trong nhiều truyền thống tôn giáo lớn.
Đối thoại giữa Kitô hữu và người Hồi Giáo
117. Trong số các tôn giáo khác nhau, Giáo Hội cũng nhìn người Hồi Giáo với lòng kính trọng; họ là những người thờ lạy Thiên Chúa duy nhất (377). Họ mong đợi Ápraham và thờ phượng Thiên Chúa trên hết mọi sự bằng cầu nguyện, bố thí và ăn chay. Ta nhìn nhận rằng tryền thống Hồi Giáo bao gồm vô vàn nhân vật, biểu tượng và chủ đề trong Thánh Kinh. Nhờ các cố gắng do Đấng Đáng Kính Gioan Phaolô II khởi sự, tôi bày tỏ niềm hy vọng rằng các mối liên hệ đầy đức tin từng được thiết lập giữa các Kitô hữu và người Hồi Giáo trong nhiều năm qua sẽ tiếp tục khai triển trong tinh thần đối thoại thành thực và tôn trọng nhau (378). Trong cuộc đối thoại này, Thượng Hội Đồng yêu cầu có một suy tư sâu sắc hơn về việc tôn trọng sự sống như một giá trị nền tảng, các quyền bất khả nhượng của nam giới và nữ giới, và phẩm giá bình đẳng của họ. Căn cứ vào sự phân biệt quan trọng cần phải có giữa trật tự xã hội chính trị và trật tự tôn giáo, các tôn giáo khác nhau phải đóng góp đặc biệt vào ích chung. Thượng Hội Đồng yêu cầu các hội đồng giám mục, bất cứ khi nào thích hợp và hữu ích, cần khích lệ những cuộc gặp gỡ nhằm giúp các Kitô hữu và người Hồi Giáo đến với nhau để hiểu biết nhau hơn, ngõ hầu cổ vũ các giá trị mà xã hội đương cần cho một cuộc sống chung hòa bình và tích cực (379).
Đối thoại với các tôn giáo khác
118. Ở đây nữa, tôi cũng xin nói lên lòng kính trọng của Giáo Hội đối với các tôn giáo cổ xưa và các truyền thống tâm linh của nhiều lục địa. Các định chế này chứa đựng nhiều giá trị có thể thăng tiến một cách lớn lao sự hiểu biết nhau giữa các cá nhân và các dân tộc (380). Ta thường hay nhận ra một sự hòa hợp về giá trị cũng được phát biểu trong các sách tôn giáo của họ, như trong Phật Giáo, có việc tôn trọng sự sống, việc chiêm niệm, sự thanh tĩnh, sự đơn thành; trong Ấn Độ Giáo, có cảm thức về thánh thiêng, về hy lễ và chay tịnh; rồi trong Khổng Giáo, có các giá trị gia đình và xã hội. Chúng ta cũng hài lòng tìm thấy nơi các kinh nghiệm tôn giáo khác một quan tâm chân chính đối sự siêu việt của Thiên Chúa, được họ nhìn nhận là Đấng Hóa Công, cũng như việc tôn trọng sự sống, hôn nhân và gia đình, và một cảm thức mạnh về liên đới.
Đối thoại và tự do tôn giáo
119. Dù sao đi nữa, đối thoại cũng sẽ tỏ ra vô ích nếu nó không bao gồm lòng tôn trọng chân thực đối với mỗi con người và khả năng để họ tự do thực hành tôn giáo của họ. Bởi thế, khi khuyến khích sự hợp tác giữa các tín hữu của các tôn giáo khác nhau, Thượng Hội Đồng cũng chỉ rõ “nhu cầu phải có tự do để tuyên xưng tôn giáo của người ta, cả tư riêng lẫn nơi công cộng, và phải bảo đảm tự do lương tâm cho mọi tín hữu” (381): thực vậy, “tôn trọng và đối thoại đòi có sự hỗ tương ở mọi lãnh vực, nhất là trong lãnh vực liên quan tới các tự do căn bản, đặc biệt hơn phải kể đến tự do tôn giáo. Tôn trọng và đối thoại như thế sẽ cổ vũ hòa bình và hiểu biết nhau giữa các dân tộc” (382).
KẾT LUẬN
Lời dứt khoát của Thiên Chúa
120. Để kết thúc các suy tư mà tôi vừa dùng để tìm cách thu thập và xem sét đầy đủ hơn các thành quả phong phú của Cuộc Họp Thường Lệ Lần Thứ Mười Hai Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa trong Đời Sống và Sứ Vụ của Giáo Hội, tôi muốn một lần nữa khuyến khích toàn thể Dân Chúa, các mục tử, các người sống đời tận hiến và các giáo dân hãy trở nên thân quen hơn với Sách Thánh. Ta không bao giờ nên quên rằng mọi nền linh đạo Kitô Giáo chân chính và sống động đều đặt căn bản trên lời Chúa được công bố, được chấp nhận, được cử hành và được suy niệm trong Giáo Hội. Mối liên hệ với lời Chúa có tính đào sâu này sẽ diễn ra một cách hào hứng hơn nếu ta biết ý thức rằng trong Sách Thánh và Truyền Thống sống động của Giáo Hội, ta đứng trước lời dứt khoát của Thiên Chúa phán trên vũ trụ và trên lịch sử.
Tự Ngôn của Tin Mừng Thánh Gioan dẫn ta tới việc suy đi nghĩ lại sự kiện này: mọi sự hiện hữu đều hiện hữu dưới dấu chỉ của Lời. Lời phát xuất thẳng từ Chúa Cha mà ra, đến cư ngụ giữa chúng ta và rồi quay về cùng Chúa Cha ngõ hầu đem theo với Người cả sáng thế vốn đã được tạo nên nơi Người và cho Người. Nay Giáo Hội đang tiến hành sứ vụ của mình trong niềm hoài mong tha thiết được thấy Lang Quân của mình mau xuất hiện cánh chung: “Thần Khí và Tân Nương nói: ‘Xin hãy đến!’” (Kh 22:17). Lòng hoài mong này không bao giờ có tính thụ động; đúng hơn, nó là lực thúc đẩy truyền giáo ra đi công bố lời Chúa, lời vốn chữa lành và cứu chuộc mọi người. Cả ngày nay nữa, Chúa Giêsu Phục Sinh cũng đang nói với ta: “Hãy đi khắp thế giới và công bố Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16:15).
Tân phúc âm hóa và một lối nghe mới
121. Như thế, thời đại ta cần phải được đánh dấu ngày một hơn bằng một lối nghe mới đối với lời Chúa và một lối tân phúc âm hóa. Phục hồi tính trung tâm của lời Chúa trong đời sống Kitô Giáo sẽ dẫn chúng ta tới việc biết đánh giá như mới ý nghĩa sâu xa nhất trong lời kêu gọi mạnh mẽ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: là theo đuổi missio ad gentes (việc truyền giáo) và mạnh bạo dấn thân vào việc tân phúc âm hóa, nhất là giữa các dân tộc nơi Tin Mừng bị lãng quên hay đang gặp dửng dưng do hậu quả của chủ nghĩa duy tục phổ quát. Xin Chúa Thánh Thần làm sống dậy sự khát khao lời Chúa, và làm trổi sinh nhiều sứ giả và nhân chứng nhiệt thành của Tin Mừng.
Theo gương vị Tông Đồ Vĩ Đại của Dân Ngoại, người đã thay đổi dòng đời của mình sau khi nghe tiếng Chúa (xem Cv 9:1-30), ta hãy nghe lời Chúa như đang nói với ta, lúc này và tại đây, lúc nào cũng đích danh. Ta được Công Vụ Tông Đồ thuật lại: Chúa Thánh Thần đặt riêng Phaolô và Barnaba cho việc công bố và truyền bá Tin Mừng (xem 13:2). Cả ngày nay nữa, Chúa Thánh Thần cũng không ngừng kêu gọi cho có những người nghe và những vị giảng thuyết lời Chúa đầy xác tín và thuyết phục.
Lời Chúa và niềm vui
122. Việc cởi mở của ta với lời Chúa càng lớn thì ta càng có khả năng nhận thức rằng cả nay nữa, mầu nhiệm Hiện Xuống vẫn đang xẩy ra trong Giáo Hội của Chúa. Thần Khí Chúa vẫn tiếp tục đổ tràn ơn phúc của Người trên Giáo Hội để hướng dẫn ta vào mọi chân lý, để cho ta thấy ý nghĩa Sách Thánh và làm ta trở thành sứ giả khả tín của lời cứu rỗi trước mặt thế giới. Như thế, ta đã trở lại với Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan. Trong lời Chúa, ta cũng đã nghe, ta cũng đã nhìn và đã đụng tới Lời ban sự sống. Nhờ ơn thánh, ta đã nghinh đón lời công bố rằng sự sống đời đời đã được mạc khải, và do đó, ta đã tiến tới việc nhận ra sự hiệp thông của ta với nhau, với những người đã đi trước chúng ta được ghi dấu bằng dấu chỉ đức tin, và với mọi người trên khắp thế giới đang nghe lời Chúa, đang cử hành Thánh Thể, và đang đem đời sống mình ra làm chứng cho tình yêu. Thánh Gioan Tông Đồ nhắc nhở ta rằng: lời công bố này đã được chia sẻ với ta để “niềm vui của ta được hoàn toàn” (1 Ga 1:4).
Cuộc hội họp của Thượng Hội Đồng giúp ta khả năng cảm nghiệm được mọi điều Thánh Gioan nói đến: việc công bố lời tạo ra hiệp thông và mang lại niềm vui. Đây là một niềm vui sâu xa bắt nguồn từ chính trung tâm sự sống Ba Ngôi và được thông truyền cho ta nơi Chúa Con. Niềm vui này là một hồng ân khôn tả mà thế giới không thể nào ban tặng được. Người ta có thể tổ chức các cuộc cử hành lễ lạc, nhưng niềm vui thì không. Theo Sách Thánh, niềm vui là hoa trái của Chúa Thánh Thần (xem Gl 5:22), Đấng giúp ta bước vào lời Chúa và giúp lời Chúa bước vào trong ta và đem lại hoa trái sự sống đời đời. Qua việc công bố lời Chúa nhờ quyền lực Chúa Thánh Thần, ta cũng muốn chia sẻ nguồn suối của niềm vui đích thực, không phải thứ niềm vui hời hợt mau qua, nhưng là niềm vui phát sinh từ việc ý thức rằng chỉ một mình Chúa Giêsu mới có lời hằng sống (xem Ga 6:68).
"Mater Verbi et Mater laetitiae" (Mẹ của Lời và Mẹ của niềm vui)
123. Tương quan chặt chẽ giữa lời Chúa và niềm vui khá hiển nhiên nơi Mẹ Thiên Chúa. Ta hãy nhớ lại lời Thánh Nữ Êlisabét: “Phúc cho người tin rằng sẽ có sự nên trọn đối với điều Chúa đã nói với họ” (Lc 1:45). Đức Maria có phúc vì ngài có đức tin, vì ngài đã tin, và trong đức tin này, ngài đã tiếp nhận Lời Chúa trong lòng mình để rồi ban Người cho thế giới. Niềm vui phát sinh từ Lời Chúa nay có thể trải dài tới tận những người, nhờ đức tin, biết để mình được lời Chúa thay đổi. Tin Mừng Luca trình bày mầu nhiệm nghe và vui này trong hai bản văn. Chúa Giêsu nói: “Mẹ và anh em tôi là những ai nghe lời Thiên Chúa và thực hành nó” (8:21). Và khi trả lời người đàn bà trong đám đông lên tiếng chúc phúc lòng đã cưu mang Người và vú đã cho Người bú, Chúa Giêsu bật mí niềm vui thực sự: “Đúng hơn phúc cho những ai nghe lời Thiên Chúa và vâng theo nó!” (11:28). Chúa Giêsu chỉ cho thấy rõ sự cao cả thực sự của Đức Maria, khiến mỗi người chúng ta có thể đạt tới được mối phúc vốn phát sinh từ việc tiếp nhận lời Chúa và đem nó ra thực hành. Tôi xin nhắc nhở mọi Kitô hữu rằng mối liên hệ bản thân và cộng đoàn của ta với Thiên Chúa tùy thuộc ở việc ta càng ngày càng thân quen với lời Chúa. Sau cùng, tôi hướng về mọi người nam nữ, kể cả những người đã rời xa Giáo Hội, đã từ bỏ đức tin hay chưa bao giờ nghe công bố ơn cứu độ. Đối với mọi người, Chúa từng nói: “Này, Ta đang đứng ngoài cửa và gõ, nếu bất cứ ai nghe tiếng Ta và mở cửa, Ta sẽ vào với họ và ăn với họ, và họ sẽ ăn với Ta” (Kh 3:20).
Mong sao mọi ngày trong đời ta đều được lên khuôn bởi cuộc gặp gỡ đổi mới với Chúa Kitô, Lời của Chúa Cha đã thành Xác Phàm: Người đứng ở nguyên khởi và kết thúc, và “trong Người mọi sự đều tồn tại” (Cl 1:17).Ta hãy lặng thinh để nghe lời Chúa và suy niệm về lời ấy, để nhờ hành động của Chúa Thánh Thần, nó ở mãi trong trái tim ta và nói với ta mọi ngày trong đời Ta. Bằng cách đó, Giáo Hội sẽ luôn được canh tân và tươi trẻ trở lại, nhờ lời Chúa hiện diện mãi mãi (xem 1Pr 1:25; Is 40:8). Nhờ thế, cả chúng ta nữa sẽ bước vào cuộc đối thoại tân hôn vĩ đại vốn kết thúc Sách Thánh: “Thần Khí và Tân Nương cùng nói: ‘Xin Ngài ngự đến!’ Ai nghe, hãy nói: ‘Xin Ngài ngự đến!’ Đấng làm chứng về những điều đó phán rằng: ‘Phải, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến’. Amen, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22: 17, 20).
Ban hành tại Rôma, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, ngày 30 tháng 9, Ngày Lễ Thánh Giêrôm, năm 2010, năm thứ 6 Triều Giáo Hoàng của tôi.
BÊNÊĐÍCTÔ XVI
---------------
[310] Adversus haereses, IV, XX, 20, 7: SC 100, pp. 646-7.
[311] BENOÎT XVI, Lett. enc. Spe salvi (30 novembre 2007), n. 31: AAS, 99 (2007), p. 1010.
[312] BENOÎT XVI, Discours aux hommes de culture au Collège des Bernardins de Paris (12 septembre 2008): AAS 100 (2008), p. 730.
[313] Cf. In Evangelium secundum Mattheum 17, 7: PG 13, 1197B; Hom in Lc 36: PL 26,324; S. JÉRÔME: Translatio homiliarum Origenis in Lucam, 36: PL 26, 324-325.
[314] Cf. BENOÎT XVI, Homélie à l’occasion de l’ouverture de la XIIe Assemblée générale ordinaire du Synode des Évêques (5 octobre 2008): AAS 100 (2008), p. 757: La DC n. 2411, p. 948.
[315] Proposition 38.
[316] Cf. CONGRÉGATION POUR LES INSTITUTS DE VIE CONSACRÉE ET LES SOCIÉTÉS DE VIE APOSTOLIQUE, Repartir du Christ: un engagement renouvelé de la Vie Consacrée pour le 3ème millénaire, n. 36: Ench. Vat. 21, n. 488-491.
[317] Proposition 30.
[318] Cf. Proposition 38.
[319] Cf. Proposition 49.
[320] Cf. JEAN-PAUL II, Lett. enc. Redemptoris missio (7 décembre 1990): AAS 83 (1991), pp. 149-340; et ID., Lett. apost. Novo millennio ineunte (6 janvier 2001), n. 40: AAS 93 (2001), pp. 294-295.
[321] Proposition 38.
[322] Cf. BENOÎT XVI, Homélie à l’occasion de l’ouverture de la XIIe Assemblée générale ordinaire du Synode des Évêques (5 octobre 2008): AAS 100 (2008), pp. 753-757; L’ORf, 7 octobre 2008, pp. 1 et 9.
[323] Proposition 38.
[324] Message final, n. 12.
[325] PAUL VI, Exhort. apost. Evangelii nuntiandi (8 décembre 1975), n. 22: AAS 68 (1976), p. 20.
[326] Cf. CONC. ŒCUM. VAT. II, Déclaration sur la liberté religieuse Dignitatis humanae, nn. 2.7.
[327] Cf. Proposition 39.
[328] Cf. BENOÎT XVI, Message pour la Journée Mondiale de la Paix 2009; L’ORf, 16 décembre 2008, pp. 3-4.
[329] Exhort. apost. Evangelii nuntiandi (8 décembre 1975), n. 19: AAS 68 (1976), p. 18.
[330] Cf. Proposition 39.
[331] JEAN XXIII, Lett. enc. Pacem in terris (11 avril 1963), n. 1: AAS 55 (1963), p. 259.
[332] 332 Cf. JEAN-PAUL II, Lett. enc. Centesimus annus (1er mai 1991), n. 47: AAS 83 (1991), pp. 851-852; ID., Discours à l’Assemblée générale des Nations Unies (2 octobre 1979), n. 13: AAS 71 (1979), pp. 1152-1153.
[333] Cf. Abrégé de la doctrine sociale de l’Église, nn. 152-159.
[334] Cf. BENOÎT XVI, Message pour la célébration de la Journée mondiale de la Paix 2007: ORf 19-26 décembre 2006, p. 3.
[335] Cf. Proposition 8.
[336] BENOÎT XVI, Homélie à l’occasion de la clôture de la Semaine de prière pour l’unité des Chrétiens à Saint-Paul-horsles-Murs (25 janvier 2009): L’ORf, 27 janvier 2009, p. 24.
[337] Id. Homélie à l’occasion de la clôture de la XIIe Assemblée générale ordinaire du Synode des Évêques (26 octobre 2008): AAS 100 (2008), p. 779; L’ORf, 28 octobre 2008, p. 3.
[338] Proposition 11.
[339] BENOÎT XVI, Lett. enc. Deux caritas est (25 décembre 2005), n. 28: AAS 98 (2006), p. 240.
[340] De doctrina christiana, I, XXXVI, 40: PL 34, 34.
[341] Cf. BENOÎT XVI, Message pour la XXI e Journée Mondiale de la Jeunesse 2006: AAS 98 (2006), pp. 282-286; La DC n. 2355, pp. 307-309.
[342] Cf. Proposition 34.
[343] Cf. Ibidem.
[344] BENOÎT XVI, Homélie pour la messe inaugurale du Pontificat (24 avril 2005): AAS 97 (2005), p. 712; La DC n. 2337, p. 549.
[345] Cf. Proposition 38.
[346] Cf. BENOÎT XVI, Homélie à l’occasion de la XVIIe Journée Mondiale des Malades (11 février 2009): L’ORf, 10 février 2009, p. 4.
[347] Cf. Proposition 35.
[348] Proposition 11.
[349] Cf. BENOÎT XVI, Lett. enc. Deus caritas est (25 décembre 2005), n. 25: AAS 98 (2006), pp. 236-237.
[350] Proposition 11.
[351] BENOÎT XVI, Homélie (1er janvier 2009): L’ORf, 6 janvier 2009, p. 12.
[352] Proposition 54.
[353] Cf. BENOÎT XVI, Exhort. apost. post-synodale Sacramentum caritatis (22 février 2007), n. 92: AAS 99 (2007), pp. 176-177.
[354] Gioan Phaolô II, Diễn Văn tại UNESCO (02/06/1980), 6: AAS 72 (1980), 738.
[355] Xem Đề Nghị 41.
[356] Xem đã dẫn.
[357] Gioan Phaolô II, Thông Điệp Fides et Ratio (14/09/1998), 80: AAS 91 (1999), 67-68.
[358] Xem Sơ Đồ 23.
[359] Xem Đề Nghị 40.
[360] Xem Công Đồng Vatican II, Sắc Lệnh về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội Inter Mirifica; Hội Đồng Giáo Hoàng Về Truyền Thông Xã Hội, Huấn Thị Mục Vụ Communio et Progressio (23/05/1971): AAS 63 (1971), 596-656; Gioan Phaolô II, Tông Thư Phát Triển Mau Chóng (24/01/2005): AAS 97 (2005) 265-274; Hội Đồng Giáo Hoàng Về Truyền Thông Xã Hội, Huấn Thị Mục Vụ Aetatis novae (22/02/1992): AAS 84 (1992), 447-468; Giáo Hội và Liên Mạng (22/02/2002): Enchiridion Vaticanum 21, các số 66-95; Đạo Đức Học Trên Liên Mạng (22/02/2002): Enchiridion Vaticanum 21, các số 96-127.
[361] Xem Thông Điệp Cuối Cùng , IV, 11; Bênêđíctô XVI, Thông Điệp gửi Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội Năm 2009 (24/01/2009): Insegnamenti V, 1 (2009), 123-127.
[362] Xem Đề Nghị 44.
[363] Gioan Phaolô II, Thông Điệp Gửi Ngày Thế Giới Truyền Thông Lần Thứ 36 (24/01/2002): Insegnamenti XXV, 1 (2002), 94-95.
[364] Xem Tông Huấn Evangelii Nuntiandi (08/12/1975), 20: AAS 68 (1976), 18-19.
[365] Xem Bênêđíctô XVI, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum Caritatis (22/02/2007), 78: AAS 99 (2007), 165.
[366] Xem Đề Nghị 48.
[367] Ủy Ban Giáo Hoàng Về Thánh Kinh, Giải Thích Thánh Kinh Trong Giáo Hội (15/04/1993), IV, B: Enchiridion Vaticanum, 13, No. 3112.
[368] Xem Công Đồng Vatican II, Sắc Lệnh về Hoạt động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, 22; Ủy Ban Giáo Hoàng Về Thánh Kinh, Giải Thích Thánh Kinh Trong Giáo Hội (15/04/1993), IV, B: Enchiridion Vaticanum, 13, các số 3111-3117.
[369] Gioan Phaolô II, Diễn Văn Với Các Giám Mục Kenya (07/05/1980), 6: AAS 72 (1980), 497.
[370] Xem Tài Liệu Làm Việc, 56.
[371] Ủy Ban Giáo Hoàng Về Thánh Kinh, Giải Thích Thánh Kinh Trong Giáo Hội (15/04/1993), IV, B: Enchiridion Vaticanum 13, No. 3113.
[372] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 22.
[373] Xem Đề Nghị 42.
[374] Xem Đề Nghị 43.
[375] Bênêđíctô XVI, Bài Giảng Lúc Cử Hành Giờ Kinh Ba Ngày Khởi Đầu Phiên Họp Toàn Thể Thượng Hội Đồng Giám Mục (06/10/2008): AAS 100 (2008), 760.
[376] Trong số khá nhiều can thiệp đủ loại, xin xem: Gioan Phaolô II, Thông Điệp Dominum et Vivificantem (18/05/1986): AAS 78 (1986), 809-900; Thông Điệp Redemptoris Missio (07/12/1990): AAS 83 (1991), 249-340; Diễn Văn và Bài Giảng Tại Assisi Ngày 27/10/1986 Ngày Cầu Nguyện Cho Hòa Bình: Insegnamenti IX, 2 (1986), 1249-1273; Ngày Cầu Nguyện Cho Hòa Bình Thế Giới (24/01/2002): Insegnamenti XXV, 1 (2002), 97-108; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên Ngôn Dominus Iesus Về Tính Duy Nhất Và Cứu Rỗi Phổ Quát của Chúa Giêsu Kitô và của Giáo Hội (06/08/2000): AAS 92 (2000), 742-765.
[377] Xem Công Đồng Vatican II, Tuyên Ngôn về Liên Hệ của Giáo Hội với Các Tôn Giáo Không Phải là Kitô Giáo Nostra Aetate, 3.
[378] Xem Bênêđíctô XVI, Diễn Văn Với Các Đại Sứ Các Quốc Gia Phần Lớn Là Hồi Giáo Bên Cạnh Tòa Thánh (25/09/2006): AAS 98 (2006), 704-706.
[379] Xem Đề Nghị 53.
[380] Xem Đề Nghị 50.
[381] Đã dẫn
[382] Gioan Phaolô II, Diễn Văn Tại Cuộc Gặp Gỡ Người Trẻ Hồi Giáo tại Casablanca, Morocco (19/08/1985), 5: AAS 78 (1986), 99.
Vũ Văn An chuyển dịch
bài liên quan mới nhất
- Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân dịp kỷ niệm 10 năm ban hành Tông huấn Evangelii Gaudium
-
Đức Thánh Cha: Những thay đổi thực sự diễn ra từ dưới lên -
Desiderio Desideravi từ viễn quan thần học hiện diện -
Tông huấn Hãy vui mừng hoan hỉ (Gaudete et Exsultate) về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay -
Toàn văn Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân kỷ niệm 400 năm ngày sinh của Blaise Pascal -
Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng: Chúa Lên Trời chuyển cầu cho chúng ta -
Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng (14/5): Thánh Thần - Đấng Bào Chữa -
Tông thư “Totum Amoris Est - Tất cả thuộc về tình yêu” của Đức Thánh Cha Phanxicô về thánh Phanxicô Salê -
Giáo huấn vui. Kỳ 3: số 14-18 Vui Mừng và Hân Hoan -
Tóm tắt tông huấn 'Christus Vivit - Đức Kitô sống'
bài liên quan đọc nhiều
- Tông huấn Hãy vui mừng hoan hỉ (Gaudete et Exsultate) về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay
-
“Hội Nhập Văn Hóa” và “Đối Thoại Liên Tôn” trong Tông huấn Verbum Domini -
Giới Thiệu Tông Huấn "Giáo Hội Tại Á Châu" (Ecclesia in Asia) -
40 câu hỏi & đáp về Tông huấn Familiaris Consortio -
Tông thư “Totum Amoris Est - Tất cả thuộc về tình yêu” của Đức Thánh Cha Phanxicô về thánh Phanxicô Salê -
Tính hài hước và sự thánh thiện theo Đức Phanxicô trong Tông huấn Gaudete et Exsultate -
Công bố Tông huấn Gaudete et Exultate của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Tông huấn "Giáo Hội tại Á Châu" (Ecclesia in Asia) của ĐGH Gioan Phaolo II -
Tóm tắt tông huấn 'Christus Vivit - Đức Kitô sống' -
Tông huấn "Lời Chúa" của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI (1)