Tông huấn "Lời Chúa" của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI (6)

Tông huấn "Lời Chúa" của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI (6)

a) Các thừa tác viên được thụ phong và lời Chúa

78. Trước nhất, tôi muốn nói với các thừa tác viên được thụ phong của Giáo Hội, để nhắc nhở họ lời tuyên bố của Thượng Hội Đồng rằng: “lời Chúa là điều không thể miễn chước trong việc đào luyện tâm hồn một mục tử tốt và là thừa tác viên của lời Chúa” (264). Các giám mục, linh mục và phó tế khó có thể nghĩ rằng họ có thể sống thực ơn kêu gọi và sứ vụ của mình mà không cần một cam kết dứt khoát và đổi mới đối với việc nên thánh, mà một trong các trụ cột của nó là việc tiếp xúc với lời Chúa.

79. Đối với những vị được kêu gọi vào hàng giám mục, những vị vốn là sứ giả có thẩm quyền hơn hết của lời Chúa, tôi muốn nhắc lại lời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết trong Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Pastores Gregis của ngài. Đối với việc nuôi dưỡng và tiến triển của đời sống thiêng liêng, các giám mục phải luôn đặt “lên hàng đầu việc đọc và suy niệm lời Chúa. Mọi giám mục phải phó thác và cảm thấy mình được phó thác cho ‘Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có tính xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến’ (Cv 20:32). Trước khi trở nên người chuyển giao lời Chúa, giám mục phải cùng với các linh mục của mình, và quả cũng như mọi thành phần tín hữu và như chính Giáo Hội, trở thành người lắng nghe lời Chúa. Ngài phải cư ngụ ‘bên trong’ lời Chúa và tự để mình được lời Chúa che chở và nuôi dưỡng như thể bởi lòng mẹ vậy” (265). Với mọi anh em giám mục của tôi, tôi xin khuyên anh em nên đích thân năng đọc và nghiên cứu Sách Thánh, theo gương Đức Maria, Virgo Audiens (Nữ Trinh lắng nghe) và là Nữ Vương Các Tông Đồ.

80. Với các linh mục nữa, tôi xin nhắc lại lời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Pastores Dabo Vobis, từng tuyên bố rằng “Linh mục trước hết là thừa tác viên của lời Chúa, được thánh hiến và sai đi để loan báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người, kêu gọi mọi người vâng theo đức tin và dẫn dắt tín hữu tới việc hiểu biết và tham dự mỗi ngày một hơn vào sự thông hiệp mầu nhiệm Thiên Chúa, như đã được mạc khải và thông truyền cho ta nơi Chúa Kitô. Vì lý do đó, linh mục phải trước nhất khai triển một sự thân quen cao độ với lời Chúa. Có kiến thức về các khía cạnh ngữ học và chú giải của Thánh Kinh chưa đủ, dù cần thiết. Linh mục còn cần tiếp cận lời Chúa với một tâm hồn ngoan ngoãn và năng cầu nguyện, để lời ấy vào sâu trong tư tưởng, trong xúc cảm của ngài và tạo ra một cái nhìn mới ở trong ngài, tức “tâm trí Chúa Kitô” (1 Cor 2:16)” (266). Thành thử, lời của linh mục, các quyết định và tác phong của ngài phải càng ngày càng trở nên một phản ảnh, một công bố và một nhân chứng của Tin Mừng; “Chỉ khi nào ngài ‘cư ngụ’trong lời Chúa, linh mục mới trở nên môn đệ hoàn hảo của Chúa. Chỉ lúc đó, ngài mới biết chân lý và thực sự tự do” (267).

Tóm lại, ơn gọi linh mục đòi ta phải được thánh hiến "trong chân lý”. Chúa Giêsu tuyên bố rõ điều đó về các môn đệ của Người: “Xin Cha thánh hóa chúng trong chân lý; lời Cha là chân lý. Như Cha đã sai con đến thế gian, con cũng sai chúng vào thế gian như vậy” (Ga 17:17-18). Theo một nghĩa, môn đệ “được kéo vào vòng thân mật với Thiên Chúa nhờ biết dìm mình trong lời của Người. Có thể nói được rằng lời Thiên Chúa là bể tắm thanh tẩy, là sức mạnh sáng tạo thay đổi các môn đệ và làm họ thuộc về Thiên Chúa” (268). Và vì Chúa Kitô là chính Lời Thiên Chúa đã thành xác phàm (Ga 1:14), là “Chân Lý” (Ga 14:6), nên lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha, “Xin Cha thánh hóa chúng trong chân lý”, có một ý nghĩa hết sức sâu xa: “Xin Cha biến chúng nên một với Con, Đấng Kitô. Xin Cha cột chúng chặt lại với Con. Xin Cha kéo chúng vào trong Con. Vì chỉ có một linh mục trong Giao Ước Mới, là chính Chúa Giêsu Kitô” (269). Các linh mục vì thế cần lớn mạnh không ngừng trong ý thức của mình về thực tại này.

81. Tôi cũng muốn đề cập tới vị trí của lời Chúa trong đời sống những người được kêu gọi vào hàng phó tế, không những như bước cuối cùng tiến tới chức linh mục, nhưng cả như một phục vụ vĩnh viễn. Cuốn Chỉ Dẫn Đối Với Hàng Phó Tế Vĩnh Viễn có tuyên bố rằng “căn tính thần học của phó tế rõ ràng cung cấp cho ta nhiều nét trong nền linh đạo chuyên biệt này, một nền linh đạo được chủ yếu trình bày như nền linh đạo phục vụ. Mẫu mực tuyệt hảo chính là Chúa Kitô như một người tôi tớ, sống hoàn toàn để phục vụ Thiên Chúa, vì lợi ích của nhân loại” (270). Theo viễn tượng này, người ta thấy, trong các chiều kích khác nhau của thừa tác vụ phó tế, “yếu tố riêng trong linh đạo phó tế chính là lời Chúa, lời mà phó tế được kêu gọi làm người giảng giải có thẩm quyền, tin điều ông giảng, dạy điều ông tin, và sống điều ông dạy” (271). Do đó, tôi khuyên các phó tế nuôi dưỡng đời sống mình bằng việc đọc Sách Thánh một cách đầy lòng tin, đi đôi với nghiên cứu và cầu nguyện. Họ nên được dẫn khởi vào “Sách Thánh và việc giải thích đúng đắn về nó; vào mối tương quan giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền; cách riêng vào việc sử dụng Sách Thánh trong việc giảng giải, trong việc giáo lý và trong sinh hoạt mục vụ nói chung” (272).

b) Lời Chúa và các ứng viên chịu chức thánh

82. Thượng Hội Đồng gán một tầm quan trọng đặc biệt cho vai trò quyết định mà lời Chúa phải có trong đời sống thiêng liêng của các ứng viên lãnh nhận thừa tác vụ linh mục: “Các ứng viên chịu chức linh mục phải học biết yêu mến lời Chúa. Sách Thánh, do đó, phải là linh hồn của việc đào luyện thần học, và phải nhấn mạnh tới tác động qua lại không thể miễn chước giữa chú giải, thần học, linh đạo và sứ vụ” (273). Những ai đang mong mỏi lãnh thừa tác vụ linh mục đều được mời gọi bước vào mối liên hệ có tính bản thân sâu sắc đối với lời Chúa, nhất là trong việc đọc lời Chúa (lectio divina), để mối liên hệ này, ngược lại, sẽ nuôi dưỡng ơn gọi của họ: Chính trong ánh sáng và sức mạnh của lời Chúa mà ơn gọi chuyên biệt của ta được biện phân và trân quí, yêu mến và bước theo, mà sứ vụ riêng của ta được thực thi, qua việc nuôi dưỡng tâm hồn ta bằng tư tưởng của Chúa, ngõ hầu đức tin, như lời đáp trả của ta đối với lời Chúa, trở nên tiêu chuẩn mới để phán đoán và đánh giá con người cũng như sự vật, biến cố cũng như vấn đề (274).

Một lưu tâm như thế đối với việc đọc Thánh Kinh một cách đầy cầu nguyện, bất cứ cách nào, cũng không được dẫn tới một lưỡng phân đối với việc học tập chú giải vốn là một phần trong diễn trình đào luyện. Thượng Hội Đồng khuyên nên giúp các chủng sinh để họ nhìn thấy mối tương quan giữa việc học hỏi về Thánh Kinh và việc cầu nguyện bằng Thánh Kinh. Học hỏi về Thánh Kinh phải dẫn tới một ý thức lớn hơn về mầu nhiệm mạc khải thánh và phát huy một thái độ đáp trả trong cầu nguyện với Chúa là Đấng đang nói với ta. Ngược lại, một đời sống cầu nguyện chân chính nhất định sẽ nuôi dưỡng trong tâm hồn các ứng viên một niềm khát khao biết Chúa nhiều hơn, Đấng đã dùng lời của Người mà tự mạc khải như tình yêu vô hạn. Do đó, phải thận trọng hết sức để bảo đảm rằng các chủng sinh luôn luôn vun sới tính hỗ tương ấy giữa việc học hỏi và việc cầu nguyện trong đời sống họ. Để đạt được mục tiêu này, cần phải dẫn nhập các ứng viên vào việc học hỏi Sách Thánh bằng các phương pháp thiên về phương thức tổng hợp này.

c) Lời Chúa và đời sống tận hiến

83. Đối với đời sống tận hiến, trước nhất Thượng Hội Đồng nhắc nhở rằng đời sống ấy “phát sinh từ việc nghe lời Chúa và chấp nhận Tin Mừng làm qui luật sống” (275). Một đời sống tận hiến cho việc bước theo Chúa Kitô trong đức thanh tịnh, khó nghèo và vâng lời, do đó, trở thành “một cuộc chú giải lời Chúa cách sống động” (276). Chúa Thánh Thần, mà trong Người Sách Thánh đã được viết ra, cũng là một Chúa Thánh Thần đã soi sáng “lời Chúa bằng một ánh sáng mới cho các vị sáng lập nam nữ. Mọi đặc sủng và mọi qui luật đều nẩy sinh từ nó và tìm cách diễn tả nó” (277), do đó, đã mở ra những nẻo đường mới cho lối sống Kitô giáo đánh dấu bằng tính triệt để của Tin Mừng.

Ở đây, tôi muốn nhắc tới điều này là truyền thống vĩ đại của đan viện luôn coi việc suy niệm lời Chúa là một phần chủ yếu trong linh đạo chuyên biệt của mình, nhất là dưới hình thức đọc lời Chúa (lectio divina). Hiện nay cũng thế, cả biểu thức cũ lẫn biểu thức mới của việc tận hiến chuyên biệt đều được kêu gọi trở thành trường dạy cách sống liêng thiêng chân chính, nơi Sách Thánh được đọc theo Chúa Thánh Thần trong lòng Giáo Hội, vì lợi ích của toàn thể Dân Chúa. Do đó, Thượng Hội Đồng khuyên các cộng đồng sống đời tận hiến luôn dự trù việc giảng dạy vững chắc về cách đọc Sách Thánh trong đức tin (278).

Một lần nữa, tôi muốn nhắc lại sự ân cần và lòng biết ơn mà Thượng Hội Đồng đã phát biểu đối với các hình thức sống chiêm niệm mà đặc sủng chuyên biệt là dành phần lớn ngày sống cho việc bắt chước Mẹ Thiên Chúa, Đấng đã chuyên chăm suy gẫm lời nói và việc làm của Con mình (xem Lc 2:19, 51) và Maria làng Bêtania, người đã ngồi dưới chân Chúa và chăm chú lắng nghe lời Người (xem Lc 10:38). Tôi nghĩ cách riêng tới các đan sĩ và nữ tu dòng kín, những người nhờ cách biệt với thế gian đã được kết hợp mật thiết hơn với Chúa Kitô, trái tim của thế giới. Hơn bao giờ hết, Giáo Hội cần nhiều chứng nhân nam nữ quyết tâm “không đặt điều gì trước tình yêu Chúa Kitô” (279). Thế giới ngày nay thường quá ngụp lặn trong các sinh hoạt bên ngoài đến liều mình mất hết hướng đi. Các tu sĩ chiêm niệm nam nữ, qua đời sống cầu nguyện, chăm chú lắng nghe và suy niệm lời Chúa của mình, nhắc nhở ta rằng con người không chỉ sống nguyên bởi cơm bánh mà còn bằng mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (xem Mt 4:4). Như thế, mọi tín hữu nên ý thức cách rõ ràng rằng hình thức sống này “cho thế giới ngày nay thấy rõ điều gì là điều quan trọng nhất, đúng ra, là điều duy nhất cần thiết: chỉ có một lý do tối hậu làm cho đời sống đáng sống, đó là Thiên Chúa và tình yêu khôn lường của Người” (280).

d) Lời Chúa và người giáo dân

84. Thượng Hội Đồng hay nói tới giáo dân và cám ơn họ về hoạt động quảng đại của họ trong việc loan truyền Tin Mừng trong nhiều khung cảnh của cuộc sống hàng ngày, tại nơi làm việc và tại học đường, trong gia đình và trong môi trường giáo dục (281). Vốn bắt nguồn từ Phép Rửa, trách nhiệm này cần được khai triển qua lối sống Kitô Giáo mỗi ngày một ý thức hơn, một lối sống có khả năng “giải thích được lý do của niềm hy vọng” trong ta (xem 1Pr 3:15). Trong Tin Mừng Thánh Mátthêu, Chúa Giêsu chỉ rõ rằng “cánh đồng là thế giới, còn hạt giống tốt là con cái Nước Trời” (13:38). Những lời này áp dụng một cách đặc biệt cho hàng ngũ giáo dân Kitô Giáo, những người sống thực ơn gọi chuyên biệt nên thánh của họ bằng một cuộc sống trong Chúa Thánh Thần, được phát biểu “cách đặc biệt qua việc họ dấn thân vào việc thế sự và tham gia các sinh hoạt trần thế” (282). Cần phải huấn luyện để người giáo dân biện phân được ý Chúa qua việc làm quen với lời của Người, được đọc và học tập trong Giáo Hội dưới sự hướng dẫn của các mục tử hợp pháp của Giáo Hội. Họ có thể nhận được sự huấn luyện này trong các trường linh đạo lớn của Giáo Hội, tất cả các trường này đều đặt cơ sở trên Sách Thánh. Bất cứ ở đâu có thể, các giáo phận cũng nên tạo cơ hội để liên tục huấn luyện các giáo dân đang được trao phó các trách nhiệm chuyên biệt trong Giáo Hội (283).

e) Lời Chúa, hôn nhân và gia đình

85. Thượng Hội Đồng cũng cảm thấy cần phải nhấn mạnh mối tương quan giữa lời Chúa, hôn nhân và gia đình Kitô hữu. Thực thế, “với việc công bố lời Chúa, Giáo Hội cho gia đình Kitô hữu thấy căn tính đích thực của nó, nó là gì và nó phải là gì để phù hợp với kế hoạch của Chúa (284). Thành thử, không bao giờ quên rằng lời Chúa nằm ở chính nguồn gốc của hôn nhân (xem St 2:24) và chính Chúa Giêsu đã biến hôn nhân thành một trong các định chế của Vương Quốc Người (xem Mt 19:4-8), nâng lên hàng bí tích một điều vốn được khắc ghi trong bản chất con người ngay từ thuở ban đầu. “Khi cử hành bí tích, người đàn ông và người đàn bà nói lên lời tự hiến cho nhau đầy tính tiên tri, tức lời nên ‘một thân xác’, vốn là dấu chỉ mầu nhiệm kết hợp của Chúa Kitô với Giáo Hội (xem Eph 5:31-32)” (285). Lòng trung thành với lời Chúa khiến chúng ta quả quyết rằng ngày nay, định chế này đang bị não trạng hiện đại tấn công nhiều cách. Đứng trước sự mơ hồ lẫn lộn khá phổ quát ngày nay trong lãnh vực cảm giới, và việc xuất hiện lối suy nghĩ nhằm tầm thường hóa thân xác con người và sự dị biệt giới tính, lời Chúa tái khẳng định sự tốt lành nguyên thủy của con người, được dựng nên có nam có nữ và được mời gọi bước vào một tình yêu trung thành, hỗ tương và sinh nhiều hoa trái.

Mầu nhiệm hôn nhân vĩ đại chính là nguồn suối sinh ra trách nhiệm chủ yếu mà cha mẹ phải có đối với con cái. Một phần của vai trò làm cha mẹ cách chân chính là chuyển giao và làm chứng cho ý nghĩa sống trong Chúa Kitô: qua lòng trung thành của mình và sự hợp nhất của cuộc sống gia đình, vợ chồng là những người đầu hết công bố lời Chúa cho con cái. Cộng đồng Giáo Hội phải nâng đỡ và trợ giúp họ trong việc cổ vũ cầu nguyện trong gia đình, chăm chú nghe lời Chúa và học biết Thánh Kinh. Để đạt được mục tiêu này, Thượng Hội Đồng thúc giục mọi gia hộ nên có một cuốn Sách Thánh, đặt tại một nơi xứng đáng và dùng để đọc và cầu nguyện. Bất cứ sự trợ giúp nào cần tới trong phạm vi này đều có thể được các linh mục, phó tế và các giáo dân có huấn luyện đàng hoàng cung cấp. Thượng Hội Đồng cũng khuyến cáo việc thành lập các cộng đoàn gia đình nho nhỏ làm nơi vun sới việc cầu nguyện chung và suy niệm các đoạn Thánh Kinh (286). Các cặp vợ chồng cũng nên nhớ điều này: “lời Chúa là một nâng đỡ quí giá giữa các gian nan thử thách xẩy ra trong cuộc sống hôn nhân và cuộc sống gia đình” (287).

Ở đây, tôi muốn làm nổi bật các khuyến cáo của Thượng Hội Đồng liên quan tới vai trò của phụ nữ đối với lời Chúa. Ngày nay, hơn hẳn quá khứ, “thiên tài nữ giới” (288), nói theo kiểu nói của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã và đang đóng góp lớn lao vào việc hiểu Thánh Kinh và vào toàn bộ đời sống Giáo Hội, và đây cũng là trường hợp đang xẩy ra cho lãnh vực nghiên cứu Sách Thánh. Thượng Hội Đồng lưu ý đặc biệt tới vai trò không thể thiếu của phụ nữ trong gia đình, trong giáo dục, trong giáo lý và thông truyền các giá trị. “Họ có một năng khiếu dẫn dắt người ta nghe lời Chúa, vui hưởng mối liên hệ bản thân với Thiên Chúa, và cho thấy ý nghĩa tha thứ và chia sẻ theo tinh thần Tin Mừng” (289). Họ cũng là các sứ giả của yêu thương, khuôn mẫu lòng từ nhân và là những người kiến tạo hòa bình; họ thông truyền cho ta sự ấm áp và tình nhân đạo trong một thế giới thường hay quá phán đoán người ta theo các tiêu chuẩn tàn bạo của bóc lột và lợi nhuận.

Việc đọc Sách Thánh một cách như cầu nguyện và lối đọc “Lectio Divina”

86. Thượng Hội Đồng thường hay nhấn mạnh tới việc cần phải có một cách tiếp cận như cầu nguyện đối với bản văn thánh, coi việc này như yếu tố căn bản cho đời sống thiêng liêng của mọi tín hữu, có mặt trong các thừa tác vụ và bậc sống khác nhau, với sự đặc biệt nhắc tới lối đọc “lectio divina” (290). Lời Chúa nằm ở nền tảng mọi nền linh đạo Kitô Giáo đúng nghĩa. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng do đó đã tiếp nhận các lời sau đây của Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa”: “Hãy để người tín hữu hân hoan đi tới với chính bản văn thánh, bất kể trong phụng vụ thánh, là phụng vụ đầy lời Chúa, hay khi đọc sách thiêng liêng hoặc khi làm những thao tác thích đáng và những hình thức trợ giúp khác, những trợ giúp hiện đang hết sức phổ quát khắp nơi trong thời đại ta, với sự chuẩn y và hướng dẫn của các mục tử Giáo Hội. Tuy nhiên, họ hãy nhớ rằng việc cầu nguyện luôn nên đi đôi với việc đọc Sách Thánh” (291). Công Đồng, do đó, đã tìm cách biến thành của mình truyền thống giáo phụ cao cả luôn khuyến khích người ta tiếp cận Sách Thánh trong đối thoại với Thiên Chúa. Như Thánh Augustinô, chẳng hạn, quen nói rằng: “Lời cầu nguyện của anh chị em chính là lời anh chị em nói với Chúa. Khi anh chị em đọc Sách Thánh, Chúa nói với anh chị em; khi anh chị em cầu nguyện, anh chị em nói với Chúa” (292). Origen, một trong các bậc thầy vĩ đại của lối đọc sách thánh này, chủ trương rằng muốn hiểu Thánh Kinh, hơn nữa muốn nghiên cứu nó, người ta cần phải gần gũi với Chúa Kitô và cầu nguyện. Thực thế, Origen xác tín rằng cách tốt nhất để biết Chúa Kitô là bằng tình yêu, và sẽ không thể có scientia Christi (khoa học về Chúa Kitô) chân chính nếu không tăng trưởng trong tình yêu của Người. Trong Thư Gửi Grêgôriô của ông, nhà thần học trứ danh của thành Alexandria này đưa ra lời khuyên sau: “Con hãy chăm chỉ đọc Sách Thánh; hãy kiên trì làm việc đó. Hãy thực hiện việc đọc của con với ý hướng tin và làm vui lòng Chúa. Nếu trong lúc đọc, mà thấy có cánh cửa đóng, thì con hãy gõ và cửa ấy sẽ mở cho con nhờ người canh cửa mà chính Chúa Giêsu từng nói về: ‘người canh cổng sẽ mở cổng cho ông ta’. Khi chăm chỉ đọc sách thánh (lectio divina) kiểu này, con hãy siêng năng và với niềm tín thác không lay chuyển vào Chúa cố tìm hiểu ý nghĩa Sách Thánh, mà ý nghĩa trọn vẹn phần lớn khá bí ẩn. Tuy nhiên, con không nên hài lòng với việc gõ cửa và tìm kiếm: muốn hiểu sự việc của Chúa, điều tuyệt đối cần là oratio (cầu nguyện). Chính vì thế, Chúa Cứu Thế đã nói với chúng ta đừng chỉ ‘tìm thì các con sẽ thấy’ và ‘hãy gõ thì cửa sẽ mở cho các con’ nhưng còn phải ‘xin thì các con sẽ nhận được’” (293).

Tuy nhiên, về phương diện này, ta phải tránh nguy cơ của phương thức chủ nghĩa cá nhân, và phải nhớ rằng lời Chúa đã được ban cho ta chính là để xây dựng hiệp thông, để kết hợp ta trong Chân Lý theo nẻo đường của Chúa. Dù đây là lời nói đích danh với mỗi người trong chúng ta, song nó cũng là lời để xây dựng cộng đoàn, để xây dựng Giáo Hội. Cho nên, bản văn thánh phải được luôn luôn tiếp cận trong hiệp thông Giáo Hội. Thực thế, “một lối đọc Sách Thánh có tính cộng đoàn là điều cực kỳ quan trọng, vì chủ thể sống động trong Sách Thánh là Dân Chúa, là Giáo Hội… Sách Thánh không thuộc quá khứ, vì chủ thể của nó, tức Dân Chúa mà chính Người linh hứng, luôn là một và do đó lời Chúa cũng luôn sinh động nơi chủ thể sống động. Như thế, điều quan trọng là phải đọc và cảm nghiệm Sách Thánh trong hiệp thông với Giáo Hội, nghĩa là, với mọi chứng nhân vĩ đại của lời này, bắt đầu với các Cha Ông đầu hết cho tới các vị thánh của thời ta, cho tới huấn quyền hiện nay” (294).

Vì lý do đó, nơi ưu tuyển để đọc Sách Thánh theo lối cầu nguyện là phụng vụ, nhất là phụng vụ Thánh Thể, trong đó, khi ta cử hành Mình cùng Máu Chúa Kitô trong bí tích, chính lời Chúa hiện diện và hành động giữa chúng ta. Theo một nghĩa, cách đọc sách thánh theo lối cầu nguyện, cả cá nhân lẫn cộng đoàn, phải luôn luôn có liên hệ tới việc cử hành Thánh Thể. Việc thờ lạy Thánh Thể chuẩn bị cho, đi đôi với và theo sau phụng vụ Thánh Thể thế nào (295), thì việc đọc Sách Thánh theo lối cầu nguyện, cả cá nhân lẫn cộng đoàn, cũng chuẩn bị cho, đi đôi với và thâm hậu hóa điều Giáo Hội cử hành khi Giáo Hội công bố lời Chúa trong khung cảnh phụng vụ như vậy. Nhờ liên hệ lối đọc “lectio divina” với phụng vụ một cách gần gũi như thế, ta có thể nắm vững các tiêu chuẩn hướng dẫn việc thực hành này trong lãnh vực chăm sóc mục vụ và trong đời sống thiêng liêng của Dân Chúa.

87. Các tài liệu đưa ra trước và trong Thượng Hội Đồng có nhắc tới một số phương pháp tiếp cận Sách Thánh một cách đầy đức tin và nhiều hoa trái. Tuy thế, lưu ý hơn cả vẫn dành cho lối đọc “lectio divina”, là lối đọc thực sự “có khả năng mở toang các kho tàng lời Chúa cho tín hữu, nhưng cũng phát sinh ra cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, lời hằng sống của Thiên Chúa” (296). Ở đây, tôi muốn duyệt lại những bước căn bản của thủ tục này. Nó khởi đầu bằng việc đọc (lectio) một bản văn, việc này dẫn ta tới ước muốn được hiểu nội dung của nó: tự nó, bản văn Sách Thánh muốn nói gì? Không đặt câu hỏi này, người ta luôn gặp nguy cơ biến bản văn thành cái cớ để không chịu đi quá chính các ý tưởng của mình. Sau đó, là suy niệm (meditatio), tức đặt câu hỏi: bản văn Sách Thánh muốn nói gì với chúng ta? Ở đây, mỗi người, trong tư cách cá nhân cũng như trong tư cách thành viên của một cộng đoàn, phải để cho mình được đánh động và thách thức. Sau phần này tới phần cầu nguyện (oratio) tức phần đặt câu hỏi: Ta phải nói gì với Chúa để đáp lại lời Người? Cầu nguyện, hoặc cầu xin, hay cầu bầu, hoặc tạ ơn và ngượi khen, là phương cách hàng đầu nhờ đó lời Chúa biến đổi ta. Cuối cùng, lối đọc “lectio divina” kết thúc bằng sự chiêm niệm (contemplatio), một giai đoạn trong đó, ta tiếp nhận như một hồng ân lối nhìn và phán đoán thực tại của Người, và tự vấn xem Chúa đang yêu cầu ta phải hồi tâm, hồi trí, thay đổi đời sống ra sao? Trong Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô dạy ta: “Anh em đừng đồng hình đồng dạng với thế gian, nhưng hãy biến đổi bằng một cuộc canh tân tâm trí để anh em có thể chứng tỏ được đâu là ý Chúa, đâu là điều tốt, điều chấp nhận được và là điều hoàn hảo” (12:2). Chiêm niệm nhằm mục tiêu tạo ra trong ta một lối nhìn thực tại thực sự khôn ngoan và biết biện phân, như Thiên Chúa nhìn nó, và khuôn đúc trong ta “tâm trí của Chúa Kitô” (1 Cor 2:16). Ở đây, lời Chúa xuất hiện như một tiêu chuẩn để biện phân: nó “sống động và linh hoạt, sắc hơn kiếm hai lưỡi, xuyên thấu chỗ phân chia linh hồn và thần trí, xương và tủy, và biện phân được ý nghĩ và ý hướng của trái tim” (Dt 4:12). Ta cũng nên hết sức cố gắng nhớ rằng diễn trình trong lối đọc “lectio divina” không kết thúc trước khi nó hành động (actio), tức việc nó thúc đẩy tín hữu hiến đời mình cho người khác trong tình bác ái. Ta tìm được một tổng hợp và thành toàn tuyệt diệu cho diễn trình này nơi Mẹ Thiên Chúa. Đối với mọi thành phần tín hữu, Đức Maria là khuôn mẫu của việc ngoan ngoãn chấp nhận lời Thiên Chúa, vì ngài “giữ mọi điều ấy, suy đi nghĩ lại trong tâm hồn” (Lc 2:19; xem 2:51); trong kế hoạch của Thiên Chúa, ngài tìm thấy mối liên kết sâu xa hợp nhất mọi biến cố, mọi hành động và sự vật tưởng như rời rạc (297).

Tôi cũng muốn nhắc lại điều Thượng Hội Đồng đề nghị về sự quan trọng của việc đích thân đọc Sách Thánh, cũng là một thực hành cho phép ta được hưởng ơn toàn xá hoặc cho ta hoặc cho các linh hồn đã qua đời, theo các điều kiện thường lệ của Giáo Hội (298). Tập tục ơn toàn xá (299) có ý nói tới tín lý công nghiệp bất tận của Chúa Kitô, mà Giáo Hội, trong tư cách thừa tác viên của ơn chuộc tội, được quyền ban phát và áp dụng. Nhưng nó cũng có ý nói tới việc hiệp thông các thánh và dạy ta rằng “Ở bất cứ mức độ ta kết hợp với Chúa Kitô thế nào, ta cũng kết hợp với nhau như thế, và sự sống thiêng liêng của mỗi người có thể có ích cho người khác” (300). Theo cái nhìn này, việc đọc lời Chúa nâng đỡ ta trên hành trình thống hối và trở về, giúp ta thâm hậu hóa cảm thức thuộc về Giáo Hội, và giúp ta lớn lên trong sự thân quen với lời Chúa. Như Thánh Ambrôsiô từng nói: “khi ta tiếp nhận Sách Thánh trong đức tin và đọc nó với Giáo Hội, ta bước đi một lần nữa với Chúa trong Địa Đàng” (301).

Lời Chúa và việc cầu nguyện với Đức Mẹ

88. Lưu tâm tới mối liên kết không thể nào phân ly giữa lời Chúa và Đức Maria Thành Nadarét, cùng với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, tôi khẩn khoản yêu cầu để việc cầu nguyện với Đức Mẹ được khuyến khích nơi tín hữu, nhất là trong đời sống gia đình, vì đây là một trợ giúp để ta suy niệm các mầu nhiệm thánh trong Sách Thánh. Thí dụ, trợ giúp hữu ích nhất chính là việc đọc riêng hay đọc chung Kinh Mân Côi (302) là kinh suy đi nghĩ lại các mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Kitô trong sự kết hợp với Đức Mẹ (303), và là kinh Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II muốn làm phong phú thêm bằng các mầu nhiệm sự sáng (304). Điều thích hợp là khi tuyên đọc từng mầu nhiệm, ta nên kèm theo một đoạn Sách Thánh ngắn liên quan tới mầu nhiệm ấy, để khuyến khích việc học thuộc lòng các đoạn Sách Thánh ngắn có liên quan tới các mầu nhiệm về cuộc đời Chúa Kitô.

Thượng Hội Đồng cũng khuyến cáo rằng tín hữu nên được khuyến khích đọc kinh Truyền Tin. Kinh này, vừa đơn giản vừa sâu sắc, giúp ta “hàng ngày tưởng niệm mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể” (305). Việc Dân Chúa, các gia đình cũng như các cộng đoàn sống tận hiến, trung thành với kinh kính Đức Mẹ mà theo truyền thống được đọc vào lúc mặt trời mọc, vào giữa ngọ và vào lúc mặt tời lặn này chỉ có thể là một việc làm đúng. Vì trong kinh Truyền Tin, ta xin Chúa ban cho ta, qua lời cầu bầu của Đức Mẹ, được bắt chước ngài trong việc thực thi ý Chúa và biết nghinh đón lời của Người vào cuộc sống ta. Thực hành này có thể giúp ta tăng trưởng lòng yêu mến chân chính đối với mầu nhiệm nhập thể.

Các kinh cầu nguyện thời xưa của Phương Đông Kitô Giáo nhằm chiêm niệm toàn bộ lịch sử cứu rỗi dưới ánh sáng Theotokos, Mẹ Thiên Chúa, cũng đáng được biết, được đánh giá và sử dụng. Ở đây, ta cần nhắc tới các kinh Akathist và Paraklesis. Các thánh ca ngượi khen này, được hát dưới hình thức kinh cầu (litanies) và thấm đượm đức tin của Giáo Hội và đầy qui chiếu vào Thánh Kinh, sẽ giúp tín hữu suy niệm các mầu nhiệm của Chúa Giêsu trong kết hợp với Đức Mẹ. Cách riêng, ca khúc Akathist (gọi thế vì khi hát, người ta đứng) dâng lên Mẹ Thiên Chúa, là ca khúc đại biểu cho một trong những biểu thức cao đẹp nhất của lòng sùng kính Đức Mẹ trong truyền thống Byzantine (306). Cầu nguyện bằng những lời này mở rộng tâm hồn ta và qui hướng nó về một sự bình an từ trên cao, từ Thiên Chúa, một sự bình an là chính Chúa Kitô, Đấng đã từ Đức Mẹ sinh ra để cứu chuộc chúng ta.

Lời Chúa và Đất Thánh

89. Sau khi nhớ tới Lời Thiên Chúa đã thành xác phàm trong lòng Đức Maria Thành Nadarét, giờ đây trái tim ta hướng về mảnh đất nơi mầu nhiệm cứu chuộc chúng ta đã được hình thành, và từ đó lời Thiên Chúa đã lan truyền cho đến tận cùng thế giới. Nhờ quyền lực của Chúa Thánh Thần, Ngôi Lời đã trở nên xác phàm ở một thời điểm và một nơi chốn đặc thù, tại một giải đất bên bờ Đế Quốc Rôma. Càng biết đánh giá tính đại đồng và tính độc đáo của con người Chúa Kitô, ta càng biết ơn nhìn về mảnh đất nơi Chúa Giêsu đã sinh ra, đã sống và đã hiến mạng sống cho ta. Những viên đá Chúa Cứu Chuộc ta đã dẵm lên vẫn còn mang đầy kỷ niệm của Người và tiếp tục “hô to lên” Tin Mừng của Người. Vì lý do đó, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhắc lại thuật ngữ hết sức thích hợp gọi Đất Thánh là “Tin Mừng Thứ Năm” (307). Thực quan trọng biết bao việc phải có các cộng đoàn Kitô hữu tại những nơi đó, bất chấp nhiều khó khăn hiện nay! Thượng Hội Đồng bày tỏ sự gần gũi sâu xa của mình với mọi Kitô hữu đang cư ngụ trên lãnh thổ của Chúa Giêsu và đang làm chứng cho niềm tin của họ vào Chúa Phục Sinh. Các Kitô hữu tại đó đang được kêu gọi phục vụ không những như “ngọn hải đăng của đức tin đối với Giáoo Hội hoàn vũ, mà còn như chất men hoà hợp, khôn ngoan, và quân bình trong đời sống của một xã hội theo truyền thống và hiện vẫn còn tiếp tục có đặc điểm đa nguyên, đa sắc tộc và đa tôn giáo” (308).

Ngày nay, Đất Thánh vẫn còn là mục tiêu hành hương của người Kitô hữu, một nơi để cầu nguyện và đền tội, như từng được chứng thực từ thời xa xưa bởi các tác giả như Thánh Giêrôm (309). Càng hướng mắt và lòng ta về Giêrusalem trần gian, lòng khao khát của ta càng bừng cháy đối với Giêrusalem trên trời, mục tiêu đích thực của mọi cuộc hành hương, cùng với ước mong tha thiết của ta được thấy Danh Chúa Giêsu, Danh đem lại sự cứu độ, được mọi người nhìn nhận (xem Cv 4:12).

-----

[264] Proposition 31.
[265] N. 15: AAS 96 (2004), pp. 846-847.
[266] N. 26: AAS 84 (1992), p. 698.
[267] Ibidem.
[268] BENOÎT XVI, Homélie, Messe chrismale 2009; L’ORf, 14 avril 2009, p. 4.
[269] Ibidem.
[270] CONGRÉGATION POUR L’ÉDUCATION CATHOLIQUE, Normes fondamentales pour la formation des diacres permanents (22 février 1998), n. 11; Ench. Vat. 17, n. 174-175; La DC, n.2181, p.411.
[271] Ibidem, n. 74: Ench. Vat. 17, n. 263; La DC n. 2181, p. 420.
[272] Cf. ibidem, n. 81.a: Ench. Vat. 17, n. 271: La DC, ibid., p. 421.
[273] Proposition 32.
[274] JEAN-PAUL II, Exhort. apost. post-synodale Pastores dabo vobis (25 mars 1992), n. 47: AAS 84 (1992), p. 740-742.
[275] Proposition 24.
[276] BENOÎT XVI, Discours pour la XI e Journée mondiale de la Vie consacrée, 2 février 2008: AAS 100 (2008) p. 133, L’ORf, 12 février 2008, p. 7; cf. JEAN-PAUL II, Exhort. apost. postsynodale Vita consecrata (25 mars 1996), n. 82: AAS 88 (1996), pp. 458-460.
[277] 277 CONGRÉGATION POUR LES INSTITUTS DE VIE CONSACRÉE ET LES SOCIÉTÉS DE VIE APOSTOLIQUE, Instruction Repartir du Christ: un engagement renouvelé de la Vie consacrée au troisième millénaire (19 mai 2002), n. 24.
[278] Cf. Proposition 24.
[279] SAINT BENOÎT, Règle, IV, 21: SC 181, p. 456-458.
[280] BENOÎT XVI, Discours aux moines dans l’abbaye de Heiligenkreuz (9 septembre 2007), L’ORf, 18 septembre 2007, p. 14.
[281] Cf. Proposition 30.
[282] JEAN-PAUL II, Exhort. apost. post-synodale Christifideles laici (30 décembre 1988), n. 17: AAS 81 (1989), p. 418.
[283] Cf. Proposition 33.

[284] JEAN-PAUL II, Exhort. apost. Familiaris consortio (22 novembre 1981), n. 49: AAS 74 (1982), pp. 140-141.
[285] Proposition 20.
[286] Cf. Proposition 21.
[287] Proposition 20.
[288] Cf. Lett. apost. Mulieris dignitatem (15 août 1988), n. 31: AAS 80 (1988), p. 1727-1729.
[289] Proposition 17.
[290] Cf. Propositions 9 et 22.
[291] N. 25.
[292] Enarrationes in Psalmos 85, 7: CCL 39, 1177.
[293] ORIGÈNE, Epistola ad Gregorium, 3: PG 11, 92.
[294] 294 BENOÎT XVI, Discours au grand Séminaire pontifical romain (17 février 2007): AAS 99 (2007), p. 254, L’ORf, 27 février 2007, p. 3.
[295] 295 Cf. BENOÎT XVI, Exhort. apost. post-synodale Sacramentum caritatis, n. 66: AAS 99 (2007), pp. 155-156.
[296] Message final, n. 9.
[297] Cf. Message final, n. 9.
[298] “Plenaria indulgentia conceditur christifideli qui Sacram Scripturam, iuxta textum a competenti auctoritate adprobatum, cum veneratione divino eloquio debita et ad modum lectionis spritalis, per dimidiam saltem horam legerit; si per minus tempus id egerit indulgentia erit partialis”: PÉNITENCERIE APOSTOLIQUE, Enchiridion Indulgentiarum (16 juillet 1999), Alie concessiones, 30, § 1.
[299] Cf. Catéchisme de l’Eglise Catholique, 1471-1479.
[300] PAUL VI, Const. apost. Indulgentiarum doctrina (1 janvier 1967): AAS 59 (1967), 18-19.
[301] 301 Cf. Epistula 49, 3: PL 16, 1204.
[302] Cf. CONGRÉGATION POUR LE CULTE DIVIN ET LA DISCIPLINE DES SACREMENTS, Directoire sur la piété populaire et la liturgie, Principes et orientations (9 avril 2002), nn. 197-202. Ench. Vat. 20, n. 2638-2643.
[303] Cf. Proposition 55.
[304] Cf. JEAN-PAUL II, Lett. apost. Rosarium Virginis Mariae (16 octobre 2002): AAS 95 (2003), pp. 5-36.
[305] Proposition 55.
[306] Cf. CONGRÉGATION POUR LE CULTE DIVIN ET LA DISCIPLINE DES SACREMENTS, Directoire sur la piété populaire et la liturgie, Principes et orientations (9 avril 2002), n. 207; Ench. Vat. 20, n. 2656-2657.
[307] Cf. Proposition 51.
[308] BENOÎT XVI, Homélie de la messe dans la Vallée de Josaphat, Jérusalem (12 mai 2009): AAS 101 (2009), p. 473, L’ORf, 19 mai 2009, p. 12.
[309] Cf. Epistula 108, 14: CSEL 55, 324-325.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top