Tông huấn "Lời Chúa" của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI (2)

Tông huấn "Lời Chúa" của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI (2)

PHẦN MỘT: LỜI CHÚA

“Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa… Và Ngôi Lời trở nên xác thịt” (Ga 1:1-14)

Thiên Chúa lên tiếng

Thiên Chúa trong đối thoại

6. Cái mới mẻ của mạc khải Thánh Kinh hệ ở sự kiện: Thiên Chúa đã trở thành Đấng được biết tới nhờ cuộc đối thoại Người muốn có với chúng ta (14). Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” đã diễn tả điều ấy khi nhìn nhận rằng Thiên Chúa vô hình “do sự viên mãn của tình yêu nơi Người, đã nói với con người như bằng hữu, và sống giữa họ, để mời gọi họ và tiếp nhận họ vào hàng ngũ của Người” (15). Ấy thế nhưng, ta sẽ không hiểu đầy đủ sứ điệp trong Tự Ngôn của Thánh Gioan, nếu ta dừng lại ở sự kiện: Thiên Chúa đã bước vào sự hiệp thông đầy yêu thương với chúng ta. Thực vậy, Ngôi Lời Thiên Chúa, nhờ Người “mọi sự được dựng nên” (Ga 1:3) và là Đấng “đã trở nên xác thịt” (Ga 1:14), cũng chính là Ngôi Lời đã có “từ nguyên thủy” (Ga 1:1). Nếu ta hiểu được rằng điều ấy ám chỉ thuở nguyên thủy của Sách Sáng Thế (xem St 1:1), ta sẽ thấy mình giáp mặt với một nguyên thủy tuyệt đối, một nguyên thủy nói với ta về sự sống bên trong của chính Thiên Chúa. Tự ngôn của Thánh Gioan giúp ta nhận ra rằng Ngôi Lời quả vĩnh cửu, và từ vĩnh cửu, vốn là chính Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ hiện hữu mà lại không có Ngôi Lời. Ngôi Lời hiện hữu trước sáng thế. Thành thử, tại tâm điểm sự sống Thiên Chúa, có một hiệp thông, một hiến thân tuyệt đối. “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:16), cũng Thánh Gioan đã nói với ta điều đó tại một chỗ khác, và do đó hướng ta tới “hình ảnh Kitô Giáo về Thiên Chúa và hình ảnh từ đó mà ra về nhân loại và số phận của họ” (16). Thiên Chúa tự mạc khải cho ta như một mầu nhiệm yêu thương bất tận trong đó, Chúa Cha, từ thuở đời đời, thốt ra Lời của Người trong Chúa Thánh Thần. Do đó, Ngôi Lời, Đấng ngay từ khởi thủy đã ở với Thiên Chúa và là Thiên Chúa, mạc khải chính Thiên Chúa trong cuộc đối thoại yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, và mời gọi ta chia sẻ tình yêu ấy. Được dựng nên theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa tình yêu, ta chỉ có thể hiểu được mình khi tiếp nhận Ngôi Lời và chịu để Chúa Thánh Thần làm việc. Dưới ánh sáng mạc khải của Ngôi Lời Thiên Chúa, mọi khó hiểu trong thân phận con người đều được soi sáng một cách dứt khoát.

Loại suy lời Thiên Chúa

7. Dưới ánh sáng những xem sét trên, những xem sét vốn phát sinh từ việc suy niệm mầu nhiệm Kitô Giáo như đã được Tự Ngôn Thánh Gioan phát biểu, giờ đây ta cần sét xem các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã khẳng định những gì về các cách thế khác nhau ta vốn dùng để nói về “lời Thiên Chúa”. Các ngài hoàn toàn đúng khi nhắc tới cuộc hòa tấu lời Chúa, một lời duy nhất nhưng được phát biểu nhiều cách: “một bản thánh ca đa điệu” (17). Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhấn mạnh rằng ngôn ngữ con người hành động một cách loại suy khi nói về lời Chúa. Thực vậy, kiểu phát biểu kia, trong khi nói tới việc Thiên Chúa tự thông đạt, cũng còn có nhiều nghĩa khác nhau nữa cần được xem sét và liên kết với nhau một cách thận trọng, xét theo cả quan điểm suy tư thần học lẫn quan điểm thực hành mục vụ. Như Tự Ngôn Thánh Gioan đã cho ta thấy rõ, Lời (Logos) trước nhất chỉ về Ngôi Lời Hằng Hữu, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Chúa Cha trước khi có thời gian và cùng một bản thể với Người: Lời đã ở với Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa. Nhưng Thánh Gioan cũng cho ta hay cũng Lời này “đã trở nên xác phàm” (Ga 1:14); bởi thế, Chúa Giêsu Kitô, sinh bởi Trinh Nữ Maria, quả thực là Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở nên đồng bản thể với chúng ta. Do đó, kiểu nói “lời Chúa” ở đây ám chỉ con người Chúa Giêsu Kitô, Con hằng hữu của Chúa Cha, đã sinh ra làm người.

Dù biến cố Chúa Kitô nằm ở tâm điểm mạc khải Thiên Chúa, nhưng ta vẫn cần hiểu rõ rằng chính tạo vật, chính cuốn sách thiên nhiên (liber naturae), cũng là thành phần chủ yếu của cuộc hòa tấu đa điệu này trong đó lời duy nhất được nói lên. Chúng ta cũng tuyên xưng đức tin rằng Thiên Chúa đã nói lời của Người trong lịch sử cứu rỗi; Người đã làm cho lời của Người được nghe; bằng sức mạnh Chúa Thánh Thần, “Người đã nói qua các tiên tri” (18). Như thế, lời Thiên Chúa đã được nói trong suốt lịch sử cứu rỗi, và được nói đầy đủ nhất trong mầu nhiệm nhập thể, chịu chết và sống lại của Con Thiên Chúa. Ngoài ra, lời Chúa cũng là lời được các Tông Đồ rao giảng, theo lệnh của Chúa Giêsu phục sinh: “Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Phúc Âm cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16:15). Như thế, lời Chúa được lưu truyền trong truyền thống sống động của Giáo Hội. Sau cùng, lời Chúa, lời được Thiên Chúa chứng thực và linh hứng, chính là Sách Thánh, là Cựu và Tân Ước. Tất cả những điều trên giúp chúng ta thấy: dù trong Giáo Hội, chúng ta rất tôn kính Sách Thánh, nhưng đức tin Kitô Giáo không phải là một “tôn giáo của sách vở”: Kitô Giáo là “tôn giáo của lời Thiên Chúa”, không phải “là lời viết ra và câm nín, nhưng là Lời nhập thể và sống động” (19). Do đó, Sách Thánh phải được công bố, lắng nghe, đọc, tiếp nhận và cảm nghiệm như là lời Thiên Chúa, trong giòng Tông Truyền mà nó không thể tách biệt được (20).

Như chính các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng tuyên bố, kiểu nói “lời Chúa” được dùng một cách loại suy, và ta nên để ý điều đó. Các tín hữu cần được giúp đỡ nhiều hơn để nắm vững các nghĩa khác nhau của kiểu nói này, nhưng họ cũng cần hiểu nghĩa thống nhất của nó nữa. Theo cả quan điểm thần học, ta cần phải học hỏi xa rộng hơn nữa để biết xem các ý nghĩa khác nhau của kiểu nói này có liên hệ với nhau ra sao, để sự thống nhất trong kế hoạch của Thiên Chúa và, với sự thống nhất này, tính trung tâm của con người Chúa Kitô, được rạng ngời hơn nữa (21).

Chiều kích vũ trụ của lời

8. Khi xem xét ý nghĩa căn bản của lời Chúa theo nghĩa Ngôi Lời Hằng Hữu của Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu Độ và Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người (22), và khi lắng nghe lời ấy, ta được mạc khải Thánh Kinh dẫn dắt để thấy rằng đó là nền tảng của mọi thực tại. Tự Ngôn Thánh Gioan nói về Lời thần linh rằng “Nhờ Người, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1:3); còn thư gửi tín hữu Côlôxê thì nói về Chúa Kitô, “hoa quả đầu mùa của mọi thụ tạo” (1:15), rằng “muôn vật được tạo thành nhờ Người và cho Người” (1:16). Tác giả Thư gửi tín hữu Do Thái cũng viết rằng: “Nhờ đức tin, chúng ta hiểu rằng vũ trụ đã được hình thành bởi lời của Thiên Chúa” (11:3).

Đối với chúng ta, lời công bố đó chính là lời tự do. Sách Thánh cho ta biết: mọi sự hiện hữu không hiện hữu cách tình cờ mà là do ý Chúa muốn và là một phần trong kế hoạch của Người, mà ở tâm điểm kế hoạch này là lời mời gọi ta tham gia vào sự sống thiên Chúa trong Chúa Kitô. Sáng thế do Logos, do Ngôi Lời mà ra và do đó mãi mãi mang dấu ấn của Lý Trí sáng tạo vốn ra lệnh và điều hướng nó; các thánh vịnh đã ca ngợi với một niềm chắc chắn đầy hân hoan rằng: “một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33:6); và một lần nữa, “Vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện, Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên” (TV 33:9). Mọi thực tại đều nói lên mầu nhiệm này: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa; không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 19:1). Như thế, chính Sách Thánh mời gọi chúng ta nhìn nhận Đấng Hóa Công bằng cách chiêm ngưỡng công trình sáng tạo của Người (xem Kn 13:5; Rm 1:19-20). Truyền thống tư duy Kitô Giáo vốn khai triển yếu tố chủ chốt trong bản hòa tấu lời này. Như Thánh Bonaventura, chẳng hạn, người vốn theo truyền thống các Giáo Phụ Hy Lạp mà nhìn ra mọi khả thể sáng thế trong Logos (23), đã nói rằng “mọi tạo vật đều là lời Chúa, vì nó công bố Người” (24). Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” đã tổng hợp các dữ kiện ấy khi cho rằng “Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và duy trì mọi vật bằng chính lời của Người (xem Ga 1:3), đã cho ta chứng cớ mãi mãi về chính Người ngay trong các thực tại tạo dựng” (25).

Việc tạo dựng con người

9. Như thế, thực tại là do lời sinh ra, là thụ tạo của Lời (creatura Verbi), và mọi sự đều được kêu gọi phụng sự lời. Sáng thế là khung cảnh trong đó toàn bộ lịch sử yêu thương giữa Thiên Chúa và tạo vật của Người diễn tiến; bởi thế, việc cứu rỗi con người chính là lý do đứng đàng sau mọi sự. Khi chiêm ngưỡng vũ trụ từ vọng nhìn của lịch sử cứu rỗi, ta hiểu được vị thế độc đáo và nổi bật của con người trong sáng thế: “Thiên Chúa tạo nên con người theo hình ảnh Người, theo hình ảnh mình, Người đã tạo ra họ: Người tạo ra họ có nam có nữ” (St 1:27). Điều ấy giúp ta nhìn nhận đầy đủ các ơn phúc quí giá nhận được từ Đấng Hóa Công: giá trị thân xác, ơn phúc lý trí, tự do và lương tâm. Cả ở đây, ta cũng khám phá ra điều được truyền thống triết học thường gọi là “luật tự nhiên” (26). Thực vậy, “mọi hữu thể nhân bản có ý thức và trách nhiệm đều cảm nghiệm được từ nội tâm lời mời gọi làm điều tốt” (27) và do đó xa lánh điều xấu. Như Thánh Tôma Aquinô từng nói, nguyên lý này chính là căn bản của mọi giới điều khác của luật tự nhiên (28). Lắng nghe lời Chúa sẽ dẫn ta trước nhất và trên hết tới việc biết trân qúi nhu cầu phải sống theo luật vốn “viết sẵn trong trái tim con người” này (xem Rm 2:15; 7:23) (29). Rồi, Chúa Giêsu Kitô đã ban cho nhân loại một luật mới, luật Tin Mừng, một luật tiếp nối và hoàn tất luật tự nhiên một cách ưu việt, bằng cách giải thoát ta khỏi luật tội lỗi. Như Thánh Phaolô từng nói, kết quả là “tôi có thể muốn sự thiện, nhưng tôi không làm được điều đó” (Rm 7:18). Phải có ơn thánh, con người mới có khả năng tham dự vào sự sống Thiên Chúa và thắng vượt tính vị kỷ của mình (30).

Chủ nghĩa hiện thực về lời

10. Ai biết lời Chúa cũng biết đầy đủ tầm ý nghĩa của từng tạo tạo vật. Vì nếu mọi loài “đều tồn tại” trong Đấng vốn “có trước muôn loài” (xem Cl 1:17), thì ai xây dựng cuộc sống mình trên lời của Người quả đã xây nó một cách chắc chắn và bền vững. Lời Chúa giúp ta thay đổi quan niệm của mình về chủ nghĩa hiện thực: người theo chủ nghĩa hiện thực là người biết nhìn nhận lời Chúa chính là nền tảng mọi sự (31). Chủ nghĩa hiện thực này đặc biệt cần trong thời đại ta, khi nhiều sự vật được ta tin dùng để xây dựng đời mình, những sự vật ta muốn đặt hết hy vọng vào, đã chứng tỏ chỉ là phù du. Của cải, khoái lạc và quyền hành, chóng hay chầy, cũng sẽ tỏ ra bất lực, không thể thỏa mãn các khát vọng sâu xa nhất của trái tim con người. Khi xây dựng đời sống mình, ta cần có các nền tảng vững chắc, những nền tảng vẫn tồn tại khi mọi chắc chắn nhân bản đều thất bại. Thực vậy, vì “Muôn lạy Chúa, lời Ngài bền vững đến ngàn đời, trên cõi trời cao. Lòng thành tín Chúa trải bao thế hệ, Ngài củng cố địa cầu, địa cầu tồn tại mãi” (Tv 119:89-90), ai xây dựng trên lời này là xây nhà đời mình trên đá (xem Mt 7:24). Ước chi trái tim ta biết thưa với Chúa mỗi ngày: “Chúa là nơi con ẩn náu, là thuẫn đỡ, con vẫn trông cậy ở lời Ngài” (Tv 119:114) và như Thánh Phêrô, ước chi, trong mọi hoạt động hàng ngày, ta biết phó thác cho Chúa Giêsu Kitô: “vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới” (Lc 5:5).

Kitô học bằng lời

11. Từ cái thoáng nhìn vào mọi thực tại như công trình bàn tay Ba Ngôi Chí Thánh qua lời Thiên Chúa trên đây, ta hiểu được câu viết của tác giả Thư gửi tín hữu Do Thái: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri; nhưng vào thời sau hết này, Người đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử, Đấng Người đã chỉ định làm người thừa kế mọi sự, nhờ Đấng này Người đã tạo dựng thế giới” (1:1-2). Đẹp đẽ biết bao khi thấy toàn bộ Cựu Ước đối với chúng ta chỉ là lịch sử trong đó Thiên Chúa thông đạt lời của Người: thực thế, “Sau khi ký giao ước với Abraham (x. St 15:18) và với dân Israel qua Môisen (x. Xh 24:8), Người đã dùng lời nói, việc làm mạc khải cho dân Người đã chọn để họ biết Người là Thiên Chúa độc nhất, chân thật và hằng sống, để Israel nghiệm thấy đâu là đường lối Thiên Chúa đối xử với loài người, và để nhờ chính Người phán dạy qua miệng các Tiên Tri, ngày qua ngày, họ thấu hiểu các đường lối ấy cách sâu đậm và rõ ràng hơn, để rồi đem phổ biến rộng rãi nơi các dân tộc (x. Tv 21,28-29; 95,1-3; Is 2,1-4; Gr 3,17) (32).

Sự “hạ cố” này của Thiên Chúa được thể hiện một cách cao vời trong việc nhập thể của Ngôi Lời. Lời hằng hữu, được phát biểu trong sáng thế và được thông truyền trong lịch sử cứu rỗi, trong Chúa Kitô làm người, “sinh bởi người đàn bà” (Gl 4:4). Ở đây, lời được phát biểu chủ yếu không bằng lời nói, quan niệm hay qui luật. Ở đây, ta đứng trước chính con người của Chúa Giêsu. Lịch sử độc đáo và nổi bật của Người là lời dứt khoát Thiên Chúa nói với nhân loại. Bởi thế ta thấy được tại sao “làm Kitô hữu không phải là kết quả của một chọn lựa đạo đức hay một ý tưởng cao cả, nhưng là một gặp gỡ với một biến cố, một con người, một cuộc gặp gỡ mang lại sự sống cho một chân trời mới, một hướng đi mới” (33). Việc đổi mới không ngừng cuộc gặp gỡ này và ý thức về nó làm tâm hồn tín hữu tràn ngập sự thán phục đối với sáng kiến của Thiên Chúa, một sáng kiến mà những con người nhân bản, với một lý trí và một trí tưởng tượng hữu hạn, không bao giờ dám mơ ước. Ta đang nói tới một sự mới mẻ vô tiền khoáng hậu và trí khôn con người không thể nào quan niệm nổi: “lời trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14a). Những lời này không phải là hình tượng của lời nói nữa; chúng dẫn ta tới một kinh nghiệm sống! Thánh Gioan, một chứng nhân tận mắt, nói với ta như thế: “Chúng tôi đã thấy vinh quang của Người, vinh quang của Con Một Chúa Cha, đầy ơn thánh và sự thật” (Ga 1:14b). Đức tin tông truyền làm chứng rằng Lời vĩnh hằng đã trở nên một với chúng ta. Lời Thiên Chúa thực sự đã được phát biểu bằng lời con người.

12. Truyền thống giáo phụ và trung cổ, khi chiêm ngưỡng “Kitô học bằng lời” này, đã dùng một kiểu nói khá gợi cảm: lời đã được “viết tắt” (abbreviated) (34). “Các Giáo Phụ thấy trong bản dịch Hy Lạp bộ Cựu Ước một đoạn từ sách tiên tri Isaia mà Thánh Phaolô cũng có trích dẫn để người ta thấy đường lối mới mẻ của Thiên Chúa đã được Cựu Ước tiên báo ra sao. Trong đoạn ấy, ta đọc thấy: ‘Chúa đã làm cho lời Người ngắn lại, Người đã “viết tắt” nó’” (Is 10:23; Rm 9:28)… Chúa Con là Lời, là Logos: lời vĩnh cửu ấy đã trở nên nhỏ mọn, nhỏ đến có thể vừa tầm với một máng cỏ. Người trở nên một con trẻ, để chúng ta có thể nắm được lời ấy” (35). Giờ đây, lời không những nghe được; không những có một tiếng nói, mà còn có một khuôn mặt, một khuôn mặt ta có thể nhìn được: đó là khuôn mặt của Chúa Giêsu Thành Nadarét (36).

Đọc các trình thuật Tin Mừng, ta thấy nhân tính của Chúa Giêsu đã xuất hiện ra sao với mọi nét độc đáo của nó trong tương quan với lời Thiên Chúa. Bằng nhân tính hoàn hảo của mình, Người thực hiện ý Chúa Cha mọi lúc; Chúa Giêsu nghe tiếng Người và vâng theo tiếng ấy bằng trọn con người của mình; Người biết Chúa Cha và tuân giữ lời Chúa Cha (xem Ga 8:55); Người nói với chúng ta về những gì Chúa Cha đã nói với Người (xem Ga 12:50); “Con đã cho chúng những lời Cha đã cho con” (Ga 17:8). Như thế, Chúa Giêsu cho thấy Người là Lời Thiên Chúa được ban cho chúng ta, nhưng đồng thời, Người là Adong mới, con người chân thực, không bao giờ làm theo ý riêng nhưng luôn theo ý Chúa Cha. Người “càng ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2:52). Người lắng nghe, nhập thân và thông đạt cho ta một cách toàn hảo lời của Thiên Chúa (xem Lc 5:1).

Sứ mệnh của Chúa Giêsu tối hậu đã được hoàn tất trong mầu nhiệm vượt qua: ở đây, ta đứng trước “lời thập giá” (1 Cor 1:18). Lời câm lặng; lời trở thành im lặng chết người, vì đã “nói” đến cùng kiệt, chẳng còn giữ lại điều chi cần phải nói cho ta. Các Giáo Phụ, khi suy niệm mầu nhiệm này, đã gán cho Mẹ Thiên Chúa câu nói cảm động sau đây: “Vô lời là Lời của Chúa Cha, Đấng đã làm cho mọi tạo vật nói, vô sinh là mắt của Đấng mà lời nói và cái gật đủ làm mọi sinh vật cử động” (37). Ở đây, tấm tình yêu “lớn hơn” kia, tấm tình yêu hiến mạng sống mình cho bằng hữu (xem Ga 15:13) quả là tấm tình yêu chia sẻ với chúng ta.

Trong mầu nhiệm vĩ đại này, Chúa Giêsu được mạc khải như lời của giao ước mới và trường cửu: tự do Thiên Chúa và tự do con người đã dứt khoát gặp nhau trong thân xác bị đóng đinh của Người, trong một thỏa hiệp bất khả tiêu và có giá trị vĩnh viễn. Chính Chúa Giêsu, trong Bữa Tiệc Ly, khi thiết lập Bí Tích Thánh Thể, đã nói tới một “giao ước mới và trường cửu” qua việc đổ máu mình ra (xem Mt 26:28; Mc 14:24; Lc 22:20), và tự cho thấy Người là Chiên hy sinh thật sự sẽ dứt khoát giải thoát ta khỏi nô lệ (38).

Trong mầu nhiệm vô cùng rực rỡ của phục sinh, sự im lặng này của lời được diễn tả bằng một ý nghĩa chân chính và dứt khoát. Chúa Kitô, Lời nhập thể, chịu đóng đinh và sống lại của Thiên Chúa, là Chúa Tể mọi loài; Người là Đấng chiến thắng, là Đấng Toàn Năng (Pancrator), và do đó, mọi loài được triệu tập trong Người mãi mãi (xem Eph 1:10). Như thế, Chúa Kitô là “ánh sáng thế giới” (Ga 8:12), ánh sáng “chiếu trong bóng tối” (Ga 1:5) và bóng tối không diệt được nó (Ga 1:5). Ở đây ta hiểu được đầy đủ ý nghĩa các lời sau đây của Thánh Vịnh 119: “Lời Ngài là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (câu 105); Lời phục sinh dứt khoát là ánh sáng chỉ đường ta đi. Từ khởi thủy, Kitô hữu đã hiểu rõ rằng trong Chúa Kitô, lời Thiên Chúa vốn hiện diện như một ngôi vị. Lời Thiên Chúa quả là ánh sáng đích thực mà con người cần đến. Trong phục sinh, Con Thiên Chúa thực sự xuất hiện như ánh sáng thế giới. Giờ đây, nhờ sống với Người và trong Người, ta có thể sống trong ánh sáng.

13. Ở đây, ở tâm điểm của “Kitô học bằng lời” này, cũng như trước đây, điều quan trọng là cần nhấn mạnh đến tính thống nhất của kế hoạch Thiên Chúa nơi Lời nhập thể: nghĩa là Tân Ước trình bày mầu nhiệm vượt qua như phù hợp với Sách Thánh và như sự nên trọn của Sách Thánh. Thánh Phaolô, trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, quả quyết rằng Chúa Kitô chết vì tội lỗi ta “đúng như lời Thánh Kinh” (15:3), và Người trỗi dậy vào ngày thứ ba “đúng như lời Thánh Kinh” (15:4). Như thế, Thánh Tông Đồ liên kết biến cố Chúa chịu chết và sống lại với lịch sử của Giao Ước Cũ của Thiên Chúa với dân của Người. Thực vậy, ngài cho ta thấy: từ biến cố ấy, lịch sử nhận được luận lý nội tại và ý nghĩa đích thực của nó. Trong mầu nhiệm vượt qua, “lời của Thánh Kinh” đã nên trọn; nói cách khác, cái chết diễn ra “đúng như lời Thánh Kinh” này là biến cố chứa một logos, một luận lý nội tại: cái chết của Chúa Kitô chứng thực rằng lời Thiên Chúa đã trở nên xác phàm hoàn toàn có tính nhân bản, trở nên “lịch sử” thực sự nhân bản (39).

Tương tự như thế, sự phục sinh của Chúa Giêsu đã diễn ra “vào ngày thứ ba, đúng như lời Thánh Kinh”: vì tín ngưỡng Do Thái vẫn cho rằng sau ngày thứ ba sự mục rữa sẽ xẩy ra, nên lời Thánh Kinh đã nên trọn nơi Chúa Giêsu, Đấng đã trỗi dậy không mục rữa. Như thế, Thánh Phaolô, khi trung thành chuyển giao giáo huấn của các Tông Đồ (xem 1 Cor 15:3), đã nhấn mạnh rằng chiến thắng sự chết của Chúa Kitô xẩy ra nhờ quyền năng sáng tạo của lời Thiên Chúa. Quyền năng thần linh này mang lại niềm hy vọng và niềm vui: tóm tắt, điều này chính là nội dung giải thoát của mạc khải vượt qua. Trong Lễ Phuc Sinh, Thiên Chúa tự mạc khải chính mình và quyền năng của tình yêu Ba Ngôi, một tình yêu phá tan tành quyền lực xấu xa của sự ác và sự chết.

Nhớ lại các yếu tố chủ chốt của đức tin, ta có thể chiêm ngưỡng tính thống nhất sâu sắc nơi Chúa Kitô giữa sáng thế, tân sáng thế và trọn lịch sử cứu rỗi. Như một thí dụ, một thí dụ mà chính Galileo cũng đã sử dụng, ta có thể so sánh vũ trụ như một “cuốn sách” và coi nó như “công trình của một tác giả muốn tự diễn tả về mình qua bản ‘hòa tấu’ của sáng thế. Trong bản hòa tấu này, ở một điểm nào đó, người ta sẽ thấy điều mà ngôn ngữ âm nhạc quen gọi là ‘độc tấu’ (solo), tức một chủ đề dành riêng cho một nhạc cụ hay một giọng hát, một chủ đề quan trọng đến nỗi ý nghĩa của toàn thể tác phẩm phải tùy thuộc vào. ‘Độc tấu’ đó chính là Chúa Giêsu… Con Người gồm tóm trong mình cả đất lẫn trời, cả sáng thế lẫn Đấng Sáng Tạo, cả xác phàm lẫn Thần Khí. Người là trung tâm của vũ trụ và lịch sử, vì nơi Người, cả tác giả lẫn công trình đều hội tụ mà không lẫn lộn (40).

Chiều kích cánh chung của lời Thiên Chúa

14. Trong tất cả các điều trên, Giáo Hội phát biểu rõ ý thức của mình rằng với Chúa Giêsu Kitô, Giáo Hội đứng trước lời dứt khoát của Thiên Chúa: Người là “trước hết và sau hết” (Kh 1:17). Người đã ban cho sáng thế và lịch sử ý nghĩa dứt khoát của chúng; và do đó, ta được mời gọi sống trong thời gian và trong sáng thế của Thiên Chúa theo nhịp điệu cánh chung của lời; “Do đó thời đại Kitô Giáo, vì là giao ước mới và dứt khoát, sẽ không bao giờ qua đi; và trước cuộc xuất hiện vinh quang của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, sẽ không có một mạc khải công khai mới nào khác” (xem 1 Tm 6:14 và Tt 2:13) (41). Thực vậy, như các Nghị Phụ từng ghi nhận tại Thượng Hội Đồng, “sự độc đáo của Kitô Giáo được biểu lộ trong biến cố Chúa Giêsu Kitô, vốn là đỉnh cao của mạc khải, là sự viên mãn của các lời Chúa hứa và là Đấng Trung Gian của cuộc gặp gỡ giữa con người và Thiên Chúa. Người, Đấng ‘mạc khải Thiên Chúa’ (Ga 1:18), chính là lời duy nhất và dứt khoát được ban cho nhân loại” (42). Thánh Gioan Thánh Giá diễn tả chân lý ấy một cách tuyệt vời: “Vì Người đã ban cho ta Con của Người, lời duy nhất của Người, nên Người đã một lần nói hết mọi sự trong một lời duy nhất này, và Người không còn gì khác để nói nữa… vì những gì Người nói trước đây từng phần cho các tiên tri, thì nay Người nói một lần tất cả bằng cách ban cho ta cái Tất Cả ấy là chính Con của Người. Bất cứ ai tra vấn Chúa hay muốn được thị kiến hay mạc khải nào đó nữa đều có tội không những vì hành xử điên rồ mà còn vì đã xúc phạm đến Người, không chịu chăm nhìn một mình Chúa Kitô, mà lại sống với lòng thèm thuồng muốn điều mới lạ” (43).

Thành thử, Thượng Hội Đồng nhấn mạnh tới nhu cầu “giúp đỡ các tín hữu phân biệt được lời Chúa với các mạc khải tư” (44) là các mạc khải có vai trò “không phải là ‘hoàn tất’ mạc khải dứt khoát của Chúa Kitô, mà là giúp người ta sống mạc khải ấy cách đầy đủ hơn trong một giai đoạn nào đó của lịch sử” (45). Giá trị của các mạc khải tư, xét theo yếu tính, khác với giá trị của mạc khải công có tính duy nhất: mạc khải duy nhất này đòi có đức tin; trong mạc khải này, chính Thiên Chúa nói với ta qua ngôn ngữ con người và nhờ sự trung gian của cộng đồng sống động là Giáo Hội. Tiêu chuẩn để phán đoán sự thật của mạc khải tư là hướng nhắm của nó về chính Chúa Kitô. Nếu mạc khải tư làm ta quay mặt khỏi Người, thì chắc chắn nó không phát sinh từ Chúa Thánh Thần, Đấng luôn dẫn ta đi vào Tin Mừng sâu hơn, chứ không ra xa khỏi nó. Mạc khải tư là một trợ giúp cho đức tin. Tính khả tín của nó chỉ có khi nó tái qui chiếu vào mạc khải công duy nhất. Việc Giáo Hội phê chuẩn một mạc khải tư chủ yếu có nghĩa: sứ điệp của nó không chứa một điều gì đi ngược lại đức tin và luân lý; người ta được phép công khai hóa nó và các tín hữu được phép gắn bó với nó một cách khôn ngoan. Một mạc khải tư có thể giới thiệu những nhấn mạnh mới, tạo ra các hình thức đạo đức mới, hay thâm hậu hóa các hình thức cũ. Nó có thể có một đặc điểm tiên tri nào đó (xem 1 Tx 5:19-21) và có thể là một trợ giúp có giá trị giúp ta hiểu và sống Tin Mừng tốt hơn trong một giai đoạn nào đó; do đó, không nên xử lý với nó một cách coi thường. Nó là một trợ giúp được đề nghị ra, chứ không có tính bắt buộc. Dù sao, nó nên được coi như vấn đề nuôi dưỡng đức tin, đức cậy, đức mến vốn là con đường thường hằng của cứu rỗi dành cho mọi người (46).

Lời Chúa và Chúa Thánh Thần

15. Sau khi suy niệm về lời sau cùng và dứt khoát của Thiên Chúa phán với thế giới, giờ đây ta cần nhắc tới sứ mệnh của Chúa Thánh Thần trong tương quan với lời Thiên Chúa. Thực vậy, nếu không có hoạt động của Đấng Bào Chữa (Paraclete), sẽ không có sự hiểu biết chân chính về mạc khải Kitô Giáo. Sở dĩ như thế vì việc Thiên Chúa tự thông đạt chính mình luôn bao gồm mối liên hệ của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Hai Ngôi mà Thánh Irênê Thành Lyon gọi là “hai cánh tay của Chúa Cha” (47). Chính Thánh Kinh cũng nói tới sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong lịch sử cứu rỗi và nhất là trong cuộc đời của Chúa Giêsu: Người được chịu thai trong lòng Trinh Nữ Maria nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần (xem Mt 1:18; Lc 1:35); lúc khởi đầu sứ vụ công khai của mình, bên bờ sông Giođăng, Người thấy Chúa Thánh Thần hiện xuống trên đầu Người dưới hình chim bồ câu (xem Mt 3:16); trong cùng một Thần Khí này, Chúa Giêsu đã hành động, nói năng và hân hoan (xem Lc 10:21); cũng trong Chúa Thánh Thần, Người tự hiến mình (xem Dt 9:14). Theo trình thuật của Thánh Gioan, khi sứ vụ của Người sắp kết thúc, Chúa Giêsu đã minh nhiên liên kết việc Người tự hiến mạng sống mình với việc phái Chúa Thánh Thần xuống trên những kẻ thuộc về Người (Xem Ga 16:7). Chúa Giêsu phục sinh, vẫn mang trong thân xác các dấu vết khổ nạn, đã tuôn đổ Chúa Thánh Thần (xem Ga 20:22), giúp các môn đệ trở thành những người chia sẻ sứ mệnh riêng của mình (xem Ga 20:21). Chúa Thánh Thần có sứ mệnh dạy các môn đệ mọi sự và làm cho các ngài nhớ lại mọi điều Chúa Giêsu từng nói (xem Ga 14:26), vì Chúa Thánh Thần, Thần Khí Sự Thật (xem Ga 20:21) sẽ dẫn các môn đệ vào mọi chân lý (xem Ga 16:13). Sau cùng, trong Tông Đồ Công Vụ, ta đọc thấy: Chúa Thánh Thần hiện xuống trên nhóm Mười Hai, lúc ấy, đang tụ họp cầu nguyện với Đức Mẹ vào ngày Lễ Ngũ Tuần (xem 2:1-4) và thúc đẩy họ tiếp nhận sứ mệnh công bố Tin Mừng cho mọi dân tộc (48).

Như thế, lời Chúa được phát biểu bằng lời con người nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Sứ mệnh của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần không thể tách biệt được và đã tạo ra một nhiệm cục cứu rỗi duy nhất. Cũng một Chúa Thánh Thần từng hành động trong việc nhập thể của Ngôi Lời trong lòng Trinh Nữ Maria cũng là Thần Khí dẫn Chúa Giêsu trong suốt sứ vụ và được hứa ban cho các môn đệ của Người. Cũng một Chúa Thánh Thần từng nói qua các tiên tri đang nâng đỡ và linh hứng cho Giáo Hội trong nhiệm vụ công bố lời Chúa; sau cùng, cũng chính Thần Khí này linh hứng cho các tác giả Sách Thánh.

16. Ý thức được chiều kích thần khí này, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã làm nổi bật tầm quan trọng của hoạt động Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo Hội và trong tâm hồn các tín hữu liên quan tới Sách Thánh (49): không có hành động hữu hiệu của “Thánh Thần Chân lý” (Ga 14:16), ta không thể hiểu được lời Chúa. Như Thánh Irênê từng nói: “Những ai không chia sẻ Chúa Thánh Thần sẽ không hút được thực phẩm nuôi sống từ lòng mẹ [Giáo Hội]; họ sẽ không tiếp nhận được gì từ nguồn suối trong lành nhất từ thân thể Chúa Kitô trào ra” (50). Như lời Chúa đã đến với ta từ thân thể Chúa Kitô, từ thân xác Thánh Thể của Người và từ thân thể Sách Thánh, nhờ hành động của Chúa Thánh Thần thế nào, thì nó cũng chỉ có thể được tiếp nhận và hiểu biết thực sự nhờ cùng một Chúa Thánh Thần như thế.

Các tác giả vĩ đại trong truyền thống Kitô Giáo đều đồng loạt nói về vị trí của Chúa Thánh Thần trong tương quan của tín hữu với Sách Thánh. Thánh Gioan Kim Khẩu nói rằng Sách Thánh “cần sự mạc khải của Chúa Thánh Thần, để nhờ khám phá ra ý nghĩa đích thực của sự việc trong đó, ta có thể gặt hái được các lợi ích dồi dào” (51). Thánh Giêrôm cũng xác tín rằng “chúng ta không thể hiểu được Sách Thánh nếu không có sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Đấng đã linh hứng nó” (52). Thánh Grêgôriô Cả nhấn mạnh một cách đẹp đẽ công trình của Chúa Thánh Thần trong việc soạn thảo và giải thích Sách Thánh: “Chính Người đã sáng tạo ra ngôn từ của Sách Thánh, chính Người mạc khải ý nghĩa của chúng” (53). Richard của (đan viện) Saint Victor nhấn mạnh rằng ta cần “đôi mắt bồ câu”, nghĩa là đôi mắt được Chúa Thánh Thần soi dẫn và dạy bảo, để có thể hiểu được bản văn Sách Thánh (54).

Cả ở đây nữa, tôi cũng muốn nhấn mạnh tới chứng tá hết sức có ý nghĩa đối với mối liên hệ giữa Chúa Thánh Thần và Sách Thánh mà ta thấy trong các bản văn phụng vụ, trong đó, lời Chúa được công bố, được nghe và được giải thích cho tín hữu. Ta thấy một chứng tá cho việc ấy trong các kinh nguyện cổ xưa, những kinh nguyện, dưới hình thức kinh epiclesis, tức kinh khẩn cầu Chúa Thánh Thần trước khi công bố các bài đọc: “Lạy Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng con… chúng con khẩn cầu Chúa cho dân này: xin Chúa sai Chúa Thánh Thần xuống trên họ; Xin Chúa Giêsu đến viếng thăm họ, nói với tâm trí mọi người, định hướng lòng họ về đức tin và dẫn đưa linh hồn chúng con về với Chúa, lạy Chúa mọi xót thương” (55). Điều ấy cho thấy rõ ta không thể hiểu được ý nghĩa lời Chúa ngoại trừ mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần hành động trong Giáo Hội và trong tâm hồn tín hữu.

Thánh Truyền và Thánh Kinh

17. Khi tái khẳng định mối liên kết sâu xa giữa Chúa Thánh Thần và lời Chúa, ta cũng đặt căn bản cho việc hiểu tầm quan trọng và giá trị quyết định của Thánh Truyền sống động và của Sách Thánh trong Giáo Hội. Thực vậy, vì Thiên Chúa “yêu thương thế giới đến độ ban Con Một của Người cho họ” (Ga 3:16), nên lời Chúa, lên tiếng trong thời gian, đã được ban cho và “được ủy thác” cho Giáo Hội một cách dứt khoát, để việc công bố ơn cứu độ có thể được thông truyền một cách hữu hiệu ở mọi thời và mọi nơi. Như Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” đã nhắc nhở, chính Chúa Giêsu Kitô “đã truyền cho các Tông Đồ rao giảng Tin Mừng, một Tin Mừng vốn được các tiên tri loan báo trước, được nên trọn trong chính con người của Người và được chính môi miệng Người công bố, cho mọi người như nguồn mọi sự thật và lề luật cứu rỗi, vốn thông truyền ơn phúc của Chúa cho họ. Lệnh truyền đó đã được thi hành một cách trung thành; nó được thực thi bởi các Tông Đồ, những người đã truyền lại bằng lời rao giảng, bằng gương sáng, bằng các huấn lệnh, mà chính các ngài đã tiếp nhận, hoặc từ chính môi miệng Chúa Kitô, từ lối sống và công việc Người làm, hay từ việc các ngài nhận ra nó nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần; nó được thực thi bởi các Tông Đồ và nhiều người khác có quan hệ với các ngài, những người nhờ được Chúa Thánh Thần linh hứng, đã nhất quyết viết sứ điệp cứu độ thành văn” (56).

Công Đồng Vatican II cũng tuyên bố rằng Thánh Truyền có nguồn gốc tông đồ này là một thực tại sống động và đầy năng động: nó “thực hiện nhiều tiến bộ trong Giáo Hội, với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần”; nhưng không theo nghĩa thay đổi sự thật có trong nó, một sự thật trường cửu. Đúng hơn, “đó là việc gia tăng sự hiểu biết thông sáng đối với các thực tại và ngôn từ được chuyển giao”, chờ chiêm niệm và học hỏi, với sự hiểu biết có được từ một kinh nghiệm linh đạo sâu sắc hơn và từ “lời rao giảng của những người, nhờ kế nhiệm chức giám mục, đã lãnh nhận được đặc sủng chân lý chắc chắn” (57).

Truyền Thống sống động là điều chủ yếu giúp Giáo Hội tăng trưởng qua thời gian trong việc hiểu chân lý mạc khải của Thánh Kinh; thực vậy, “nhờ cùng một truyền thống này, trọn bộ qui điển các Sách Thánh đã được Giáo Hội biết đến và chính Thánh Kinh cũng được hiểu cách thấu đáo hơn và không ngừng trở thành hữu hiệu trong Giáo Hội” (58). Cuối cùng, chính Truyền Thống sống động của Giáo Hội đã giúp chúng ta hiểu một cách thoả đáng Thánh Kinh chính là lời của Thiên Chúa. Mặc dù lời Thiên Chúa đi trước và vượt quá Sách Thánh, nhưng Sách Thánh này, vì được Thiên Chúa linh hứng, quả chứa đựng lời Thiên Chúa (xem 2 Tm 3:16) “một cách hết sức độc đáo” (59).

18. Như thế, ta thấy rõ quan trọng biết bao việc Dân Chúa được giảng dạy và huấn luyện để tiếp cận với các Sách Thánh trong liên hệ với Truyền Thống sống động của Giáo Hội và nhận ra trong các sách ấy chính lời của Thiên Chúa. Cổ vũ cách tiếp cận như thế nơi tín hữu là điều rất quan trọng xét theo quan điểm đời sống thiêng liêng. Ở đây, tưởng rất hữu ích khi nhắc lại sự loại suy mà các Giáo Phụ vốn đưa ra giữa lời Chúa đã thành xác phàm và lời đã thành “sách” (60). Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” tiếp nhận truyền thống cổ kính này, một truyền thống, như thánh Ambrôsiô (61), vốn cho rằng: “Thân thể Chúa Con chính là Sách Thánh ta đã tiếp nhận” và sau đó tuyên bố rằng “Lời Chúa, phát biểu bằng ngôn ngữ con người, giống ngôn ngữ con người mọi cách, y hệt như lời của Chúa Cha muôn thuở, khi mặc lấy thân xác yếu đuối của con người nhân bản, đã trở nên giống như họ” (62). Hiểu cách đó, Sách Thánh xuất hiện với ta như một thực tại đơn nhất, dù dưới nhiều hình thức và nội dung khác nhau. Thực vậy, “Qua mọi lời của Sách Thánh, Thiên Chúa chỉ nói một lời duy nhất, do chính Người phán ra, trong đó, Người tự phát biểu về mình một cách trọn vẹn (xem Dt 1:1-3)” (63). Thánh Augustinô đã minh xác về điều này như sau: “Hãy nhớ rằng Thiên Chúa chỉ nói một lời; lời ấy đã diễn biến trong toàn bộ Thánh Kinh, và lời duy nhất đó đã vang dội trên môi miệng mọi tác giả thánh” (64).

Nói tóm lại, nhờ hành động của Chúa Thánh Thần và dưới sự hướng dẫn của huấn quyền, Giáo Hội đã chuyển giao cho mọi thế hệ tất cả những điều đã được mạc khải trong Chúa Kitô. Giáo Hội sống trong sự chắc chắn rằng Chúa của mình, Đấng đã nói trong quá khứ, ngày nay vẫn tiếp tục thông đạt lời Người trong Truyền Thống sống động của mình và trong Sách Thánh. Thực vậy, lời Chúa được ban cho ta trong Sách Thánh như chứng tá linh hứng của mạc khải; cùng với Truyền Thống sống động của Giáo Hội, nó cấu thành qui luật tối cao của đức tin (65).

Sách Thánh, sự linh hứng và sự thật

19. Một ý niệm chủ chốt để hiểu bản văn thánh như chính lời Chúa trong ngôn ngữ con người chắc chắn là ý niệm linh hứng. Ở đây nữa, ta cũng có thể gợi ra một loại suy: như lời Thiên Chúa đã trở thành xác phàm bởi quyền năng Chúa Thánh Thần trong lòng Trinh Nữ Maria thế nào, thì Sách Thánh cũng sinh ra từ lòng Giáo Hội nhờ quyền năng của cùng một Chúa Thánh Thần như vậy. Sách Thánh là “lời Chúa được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần” (66). Do cách này, người ta nhận ra tầm quan trọng trọn vẹn của tác giả nhân bản, người đã viết ra bản văn linh hứng, và nhận ra chính Thiên Chúa mới là tác giả thật sự.

Như các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã quả quyết, chủ đề linh hứng rõ ràng có tính quyết định cho một lối tiếp cận thoả đáng đối với Sách Thánh và việc giải thích chúng cách đúng đắn (67), một việc phải được thực hiện trong cùng một Chúa Thánh Thần mà trong Người các bản văn thánh kia đã được viết ra (68).

Bất cứ khi nào ý thức về sự linh hứng kia yếu đi, ta sẽ liều mình đọc Sách Thánh như một đồ hiếm họa có tính lịch sử, chứ không phải là công trình của Chúa Thánh Thần trong đó, ta nghe chính Chúa nói và nhận ra sự hiện diện của Người trong lịch sử.

Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng cũng nhấn mạnh tới mối liên kết giữa chủ đề linh hứng và chủ đề sự thật của Sách Thánh (69). Một nghiên cứu sâu hơn về diễn trình linh hứng chắc chắn sẽ dẫn tới một hiểu biết lớn hơn về sự thật chứa đựng trong các Sách Thánh. Như giáo huấn của Công Đồng vốn nói về phương diện này, các sách linh hứng dạy ta sự thật: “Cho nên, vì mọi sự được các tác giả linh hứng, hay các nhà truớc tác thánh, quả quyết phải được coi như chính Chúa Thánh Thần quả quyết, nên ta phải nhìn nhận rằng các sách của bộ Thánh Kinh đã dạy một cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm sự thật mà Thiên Chúa, vì để cứu vớt ta, đã muốn thấy nó được giao phó cho Sách Thánh. Do đó, ‘mọi sách thánh đều được Thiên Chúa linh hứng và hữu ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy và huấn luyện về đàng chính trực, hầu người của Chúa nên thập toàn, được trang bị đầy đủ để làm việc lành” (2Tm 3:16-17, bản Hy Lạp) (70).

Chắc chắn, suy tư thần học luôn coi sự linh hứng và sự thật như hai ý niệm chủ chốt đối với khoa chú giải Thánh Kinh trong Giáo Hội. Tuy thế, người ta phải nhìn nhận nhu cầu ngày nay muốn học hỏi một cách trọn vẹn và thoả đáng hơn các thực tại này, ngõ hầu đáp ứng tốt hơn nhu cầu giải thích các bản văn thánh theo bản chất của chúng. Ở đây, tôi tha thiết hy vọng rằng việc tìm tòi trong phạm vi này sẽ có tiến bộ và đem lại thành quả cho cả ngành khoa học Thánh Kinh lẫn đời sống thiêng liêng của tín hữu.

Thiên Chúa Ngôi Cha, suối và nguồn của lời

20. Nhiệm cục mạc khải có khởi nguyên và nguồn gốc nơi Thiên Chúa Ngôi Cha. Qua lời Người “một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33:6). Chính Người đã ban cho ta “ánh sáng để hiểu biết vinh quang Thiên Chúa nơi khuôn mặt Chúa Kitô” (2 Cor 4:6; xem Mt 16:17; Lc 9:29).

Nơi Chúa Con, “Lời thành xác phàm” (xem Ga 1:14), Đấng đến để thực hiện ý Đấng đã sai mình đến (xem Ga 4:34), Thiên Chúa, suối nguồn mọi mạc khải, đã tự tỏ mình ra như Chúa Cha và hoàn tất khoa sư phạm thần linh từng được chuyển tải qua lời các tiên tri và các công trình kỳ diệu thể hiện trong sáng thế và trong lịch sử của dân Người và của toàn thể nhân loại. Việc mạc khải của Thiên Chúa Ngôi Cha đạt tới đỉnh cao ở sự kiện Chúa Con ban Đấng Bào Chữa (xem Ga 14:16), tức Thánh Thần của Chúa Cha và Chúa Con, Đấng dẫn ta “vào mọi sự thật” (Ga 16:13).

Mọi lời Thiên Chúa hứa đều tìm thấy chữ “đúng” (yes) của chúng nơi Chúa Giêsu Kitô (xem 2 Cor 1:20). Như thế, mọi người chúng ta được ban cho khả năng lên đường về với Chúa Cha (xem Ga 14:6), ngõ hầu, kết cục, “Thiên Chúa là mọi sự cho mọi người” (1 Cor 15: 28).

21. Như thập giá Chúa Kitô Đã chứng tỏ, Thiên Chúa cũng nói trong sự im lặng của Người. Sự im lặng này, tức cảm nghiệm về khoảng cách với Chúa Cha toàn năng, là giai đoạn quyết định trong hành trình dương thế của Thiên Chúa Ngôi Con, của Ngôi Lời nhập thể. Bị treo trên cây thập giá, Người than vãn về sự đau khổ do sự im lặng kia tạo ra: “Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa bỏ con?” (Mc 15:34; Mt 27:46). Tiến tới vâng lời cho tới hơi thở cuối cùng, trong cõi âm u của sự chết, Chúa Giêsu đã kêu tới Chúa Cha. Nhưng rồi, Người phó mình cho Chúa Cha ở ngay thời khắc vượt qua này, từ cái chết vượt qua sự sống đời đời: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23:46).

Cảm nghiệm trên của Chúa Giêsu phản ảnh hoàn cảnh của tất cả những ai, sau khi nghe và nhìn nhận lời Chúa, cũng phải giáp mặt với sự im lặng của Thiên Chúa. Đó vốn là cảm nghiệm của muôn vàn thánh nhân và nhà huyền nhiệm, và cả nay nữa nó vẫn là một phần trong cuộc hành trình của nhiều tín hữu. Sự im lặng của Thiên Chúa nối dài những lời trước đó của Người. Trong những giờ phút đen tối ấy, Người nói bằng mầu nhiệm im lặng của Người. Bởi thế, trong cái năng động của mạc khải Kitô Giáo, im lặng xuất hiện như một biểu thức quan trọng của lời Thiên Chúa.

-----------------------------------

[14] Cf. XIIe ASSEMBLÉE GÉNÉRALE ORDINAIRE DU SYNODE DES ÉVÊQUES, Relatio ante disceptationem, I: L’ORf, 4 novembre 2008, p. 9.
[15] Cf. CONC. ŒCUM. VAT. II, Const. dogm. sur la Révélation divine Dei Verbum, n. 2.
[16] BENOÎT XVI, Lett. enc. Deus caritas est (25 décembre 2005), n. 1: AAS 98 (2006), pp. 217-218.
[17] XIIe ASSEMBLÉE GÉNÉRALE ORDINAIRE DU SYNODE DES ÉVÊQUES, Instrumentum laboris, n. 9.
[18] Credo de Nicée Constantinople: DS 150.
[19] SAINT BERNARD DE CLAIRVAUX, Homelia super Missus est, IV, 11: PL 183, 86 B.
[20] Cf. CONC. ŒCUM. VAT. II, Const. dogm. sur la Révélation divine Dei Verbum, n. 10.
[21] Cf. Proposition 3.
[22] Cf. CONGRÉGATION POUR LA DOCTRINE DE LA FOI, Déclaration sur l’unicité et l’universalité salvifi que de Jésus Christ et de l’Église Dominus Iesus (6 août 2000) nn. 13-15: AAS 92 (2000), pp. 754-756.
[23] Cf. In Hexaemeron, XX, 5: Opera Omnia, V, Quaracchi 1891, pp. 425-426; Breviloquium I, 8: Opera Omnia, V, Quaracchi 1891, pp. 216-217.
[24] SAINT BONAVENTURE, Itinerarium mentis in Deum, II, 12: Opera Omnia, V, Quaracchi, 1891, pp. 302-303; cf. Commentarius in librum Ecclesiastes, Chap. 1, vers. 11; Quaestiones, II, 3, Quaracchi 1891, p. 16.
[25] CONC. ŒCUM. VAT. II, Const. dogm. sur la Révélation divine Dei Verbum, n. 3; cf. CONC. ŒCUM. VAT. I, Const. dogm. sur la foi catholique Dei Filius, chap. 2, De revelatione: DS 3004.

[26] Cf. Proposition 13.
[27] COMMISSION THÉOLOGIQUE INTERNATIONALE, À la recherche d’une éthique universelle: un regard nouveau sur la loi naturelle, n. 39.
[28] Cf. Summa Theologiae, Ia-IIae, q. 94, a. 2.
[29] Cf. COMMISSION BIBLIQUE PONTIFICALE, Bible et morale, Racines bibliques de l’agir chrétien (11 mai 2008), nn. 13, 32 et 109.
[30] Cf. COMMISSION THÉOLOGIQUE INTERNATIONALE, À la recherche d’une éthique universelle: un regard nouveau sur la loi naturelle, n. 102.
[31] Cf. BENOÎT XVI, Méditation à l’occasion de l’ouverture du Synode des Évêques (6 octobre 2008): ASS 100 (2008), 758-761, L’ORf, 14 octobre 2008, p. 11.
[32] CONC. ŒCUM. VAT. II, Const. dogm. sur la Révélation divine Dei Verbum, n. 14.
[33] BENOÎT XVI, Lett. enc. Deus caritas est (25 décembre 2005), n. 1: AAS 98 (2006), pp. 217-218.
[34] “Ho Logos pachynetai (ou brachynetai)”. Cf. ORIGÈNE, Péri Archon, I, 2, 8: Sources Chrétiennes (par la suite SC ) 252, p. 127-129.
[35] BENOÎT XVI, Homélie au cours de la Messe de la Nativité du Seigneur (24 décembre 2006): AAS 99 (2007), p. 12, L’ORf, 2 janvier 2007, p. 2.
[36] Cf. XIIe ASSEMBLÉE GÉNÉRALE ORDINAIRE DU SYNODE DES ÉVÊQUES, Message final, II, 4-6.
[37] SAINT MAXIME LE CONFESSEUR, La vie de Marie, n. 89: CSCO 479, p. 77.
[38] Cf. BENOÎT XVI, Exhort. apost. post-synodale Sacramentum caritatis (22 février 2007), n. 9-10: AAS 99 (2007), pp. 111-112.
[39] Cf. BENOÎT XVI, Audience Générale (15 avril 2009): L’ORf, 21 avril 2009, p. 2.
[40] Cf. BENOÎT XVI, Homélie en la solennité de l’Épiphanie du Seigneur (6 janvier 2009): L’ORf, 13 janvier 2009, p. 6.

[41] CONC. ŒCUM. VAT. II, Const. dogm. Sur la Révélation divine Dei Verbum, n. 4.
[42] Proposition 4.
[43] Cf. SAINT JEAN DE LA CROIX, Montée du Carmel, II, 22.
[44] Proposition 47
[45] Catéchisme de l’Église Catholique, n. 67.
[46] Cf. CONGRÉGATION POUR LA DOCTRINE DE LA FOI, Le message de Fatima, (26 juin 2000): Ench. Vat. 19, n. 974-1021.
[47] Adversus haereses, IV, 7, 4; SC 100, p. 465; V, 1, 3: SC 153, p. 73; V, 28,4: SC 153, p. 361.
[48] Cf. BENOÎT XVI, Exhort. apost. post-synodale Sacramentum caritatis (22 février 2007), n. 12: AAS 99 (2007), pp. 113-114.
[49] Cf. Proposition 5.
[50] Adversus haereses, III 24, 1: SC 34, p. 401.
[51] Homeliae in Genesim, XXI, n. 1; PG 53, 175.
[52] Epistula 120, 10: CSEL 55, pp. 500-506.
[53] Homiliae Ezechielem I. VII. 17: CC 142, p. 94.
[54] “Oculi ergo devotae animae sunt columbarum quia sensus eius per Spiritum sanctum sunt illuminati et edocti, spiritualia sapientes… Nunc quidem aperitur animae talis sensus, ut intellegat Scripturas”: RICHARD DE SAINT-VICTOR, Explicatio in Cantica canticorum, 15: PL 196, 450 B et D.
[55] Sacramentum Serapionis, II (XX), Didascalia et Constitutiones apostolorum, ed. F. X. FUNK II, Paderborn 1906, p. 161.
[56] CONC. ŒCUM. VAT. II, Const. dogm. sur la Révélation divine Dei Verbum, n. 7.
[57] Ibidem, n. 8.
[58] Ibidem.
[59] Cf. Proposition 3.
[60] Cf. XIIe ASSEMBLÉE GÉNÉRALE ORDINAIRE DU SYNODE DES ÉVÊQUES, Message final, n. 5.
[61] Expositio Evangelii secundum Lucam 6, 33: SC 45, p. 240.
[62] CONC. ŒCUM. VAT. II, Const. dogm. sur la Révélation divine Dei Verbum, n. 13.
[63] Catéchisme de l’Église Catholique n. 102. Cf. aussi RUPERT DE DEUTZ, De operibus Spiritus Sancti, I, 6: SC 131, pp. 72-74.
[64] Enarrationes in Psalmos, 103, IV, 1: PL 37, 1378. Affirmations analogues chez ORIGÈNE, In Ioannem V, 5-6: SC 120, pp. 380-384.
[65] Cf. CONC. ŒCUM. VAT. II, Const. dogm. sur la Révélation divine Dei Verbum, n. 21.
[66] Ibidem n. 9.
[67] Cf. Propositions 5 et 12.42
[68] Cf. CONC. ŒCUM. VAT. II, Const. dogm. sur la Révélation divine Dei Verbum, n. 12.
[69] Cf. Proposition 12.
[70] CONC. ŒCUM. VAT. II, Const. dogm. sur la Révélation divine Dei Verbum, n. 11.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top