Tổng giáo phận Hà Nội mừng đại lễ Thăng Thiên
Theo niên lịch phụng vụ của Tổng giáo phận Hà Nội, hôm nay Thứ Năm ngày 2 tháng 6 năm 2011, toàn thể cộng đoàn dân Chúa trong TGP hân hoan mừng đại lễ Thăng Thiên, khởi đầu Tuần Cửu Nhật mừng đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Vào lúc 10g00, tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội đã diễn ra thánh lễ đại triều mừng trọng thể biến cố Chúa Giêsu lên trời sau 40 ngày Phục Sinh. Đức Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn chủ sự thánh lễ đồng tế cùng với 17 linh mục thuộc giáo hạt Chính Tòa, Dòng Chúa Cứu Thế và Dòng Salêriêng Don Bosco. Tham dự thánh lễ còn có sự hiện diện của quý nam nữ tu sỹ thuộc Dòng Mến Thánh Giá, Dòng Phaolô và đông đảo anh chị em giáo dân của giáo xứ Chính Tòa và các giáo xứ trong giáo hạt.
Bước vào thánh lễ, Đức Tổng Phêrô đã nói lên ý nghĩa của ngày lễ Thăng Thiên qua việc nhấn mạnh rằng hạn từ "lên trời" không hiểu theo nghĩa không gian "lên trời" hoặc "xuống đất" nhưng là sự kiện đánh dấu việc Chúa Giêsu được tôn vinh và bước vào vinh quang của Thiên Chúa Cha sau khi hoàn tất sứ mạng của Ngài nơi trần thế. Việc Chúa Giêsu bước vào vinh quang của Thiên Chúa Cha là một niềm hy vọng lớn lao cho người kitô hữu, bởi vì chính họ cũng sẽ được chung hưởng vinh quang với Chúa Giêsu là đầu của Thân Thể Mầu Nhiệm là Giáo Hội.
Trong bài giảng lễ, Đức Tổng Phêrô khai triển các bài đọc của ngày lễ để nói lên các khía cạnh thần học của Lời Chúa, qua đó mỗi người kitô hữu có thể kín mục được nguồn sống dồi dào từ Mầu Nhiệm Thăng Thiên mà hôm nay Giáo Hội cử hành.
Trước hết, bài đọc sách Công Vụ Tông Đồ cho biết : Chúa Giê-su lên trời trước mặt nhiều môn đệ vào ngày thứ 40 sau phục sinh sau nhiều lần hiện ra với họ, và trong khoảng thời gian 40 ngày, kể từ ngày phục sinh, Chúa Giê-su không ở liền với các môn đệ mọi giây phút, nhưng chỉ thỉnh thoảng mới hiện ra với các ông. Vậy thì thời gian 40 ngày này Chúa Giêsu ở đâu ? Thực ra, sau khi phục sinh, Ngài đã được tôn vinh nơi Chúa Cha ngay lập tức. Tức là Chúa Giêsu phục sinh lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Tuy nhiên, thời gian 40 ngày ở trần gian là thời gian Chúa Giêsu củng cố đức tin của các môn đệ để các ông vững tin ra đi rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa trong niềm vui mừng và hân hoan. Đó cũng chính là điều mà Thánh Luca muốn diễn tả trong sách Tin mừng của ngài: khi Chúa Giêsu lên trời, các Tông đồ đã « bái lạy Ngài, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa » (Lc 24, 51-53).
Tiếp đến, qua bài Tin mừng của Thánh Mat-thêu, Đức Tổng Phêrô nói tới ý nghĩa của Mầu Nhiệm Thăng Thiên khi nhấn mạnh rằng việc Chúa Giêsu phục sinh đã lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, nhưng Ngài vẫn còn hiện diện với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Chúa Giê su lên trời là một cuộc chuyển tiếp từ việc hiện diện hữu hình sang hiện diện thiêng liêng. Dấu chỉ của việc hiện diện thiêng liêng này được chứng minh bằng việc Ngài ban Thánh Thần xuống trên các Tông đồ. Như thế, Giáo Hội hôm nay vẫn đang tiếp tục tồn tại và còn tồn tại mãi mãi cho tới ngày tận thế, bởi vì như lời Chúa Giêsu nói « và này đây Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế » đã minh chứng điều đó.
Như thế, Chúa Giêsu vẫn đang hiện diện trong Giáo Hội qua Chúa Thánh Thần và trên đường hướng về quê hương đích thật, Giáo Hội tiếp tục sứ mạng của các Tông đồ khi xưa là thực thi lệnh truyền của Chúa giữa lòng thế giới hôm nay. Quả vậy, trước khi lên trời, Chúa đã ra lệnh cho các Tông Đồ: "Mọi quyền hành trên Trời, dưới đất, được trao ban cho Thầy, chúng con hãy ra đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Giảng dạy và tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con, và Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28, 18-20)
Rao giảng Tin mừng cho muôn dân, giảng dạy và tuân giữ mọi điều Chúa Giêsu truyền dạy là những lệnh truyền đòi buộc mỗi người kitô hữu là những chi thể trong Giáo Hội cần sống với Chúa, cảm nghiệm về Chúa để có thể ra đi làm chứng cho Tin mừng. Tuân giữ lệnh truyền của Chúa và sống với Chúa qua đời sống cầu nguyện và cử hành bí tích Thánh Thể là phương thế hữu hiệu để Chúa hiện diện và để Chúa thực hiện chương trình cứu độ của Ngài trong Giáo Hội cho tới ngày Ngài lại đến trong vinh quang.
Cuối bài giảng, Đức Tổng Phêrô kết luận rằng Thăng Thiên là một biến cố khai mạc giai đoạn mới, giai đoạn của một sự hiện diện mới của Chúa trong Giáo Hội và của sự dấn thân mới của mỗi người kitô hữu để làm chứng cho Chúa giữa dòng đời tràn đầy khó khăn và thử thách hôm nay. Chính vì thế, mỗi người cần sống với Chúa, lắng nghe Lời Chúa và trân trọng tuân giữ Lời Chúa vì chỉ có Chúa Giêsu mới chính là Đường là Sự thật và là sự Sống cho nhân loại.
Thánh lễ tạ ơn tiếp tục diễn ra trong bầu khí trang nghiêm và sốt sáng. Phép lành mà Đức Tổng Phêrô ban trọng thể cuối thánh lễ là lời sai đi mà Giáo Hội gửi đến cho mọi thành phần dân Chúa, đặc biệt trong ngày mừng lễ hôm nay mọi thành phần dân Chúa trong TGP cần cảm nghiệm sâu xa hơn lệnh truyền của Chúa để tiếp tục ra đi làm chứng cho Tin mừng của Chúa trong thế giới hôm nay.
bài liên quan mới nhất
- Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski gặp gỡ chủng sinh Tổng Giáo phận Hà Nội
-
Thánh lễ An táng Đức cố Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể -
Trực tiếp Thánh lễ An táng Đức cố Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể lúc 08G00 Ngày 20/12/2024 -
Hành trình cuộc đời và con đường sứ mạng của Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể -
Toà Tổng Giám mục Huế kính báo: Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể đã an nghỉ trong Chúa -
Hội đồng Giám mục Việt Nam dựng bia ghi ơn Hội Thừa sai Paris -
Thánh lễ truyền chức Giám Mục cho Đức Cha Tân Cử Giuse Vũ Công Viện Ngày 28/11/2024 -
Trực tiếp Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Giuse Vũ Công Viện ngày 28/11/2024 -
Nghi thức Tuyên xưng Đức tin của Đức Giám mục tân cử Giuse Vũ Công Viện -
Kỳ họp Thường niên Ủy ban Công lý - Hòa bình 2024: Trái đất và môi sinh
bài liên quan đọc nhiều
- Tiểu sử Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng
-
Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM -
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa các giáo phận Hà Tĩnh và Phát Diệm, Giám mục phó giáo phận Cần Thơ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng -
Đoàn Việt Nam sẽ hành hương và mừng đón Đức Thánh Cha tông du Mông Cổ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa về Giáo hội tham gia -
Thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I/2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang: Giám mục Chính tòa giáo phận Bắc Ninh -
Giáo hội Việt Nam gửi Thư đến Đức Thánh Cha Phanxicô