Thường huấn các linh mục trẻ liên giáo phận Bà Rịa–Đà Lạt–Nha Trang–Phan Thiết
WHĐ (23.04.2012) – Trong hai ngày 17 và 18 tháng Tư 2012, các linh mục trẻ (chịu chức linh mục trong vòng 7 năm qua, từ 2006 đến 2012) thuộc 4 giáo phận Bà Rịa, Đà Lạt, Nha Trang và Phan Thiết đã tham dự Khóa Thường huấn linh mục trẻ liên giáo phận tổ chức tại Tòa giám mục Phan Thiết với chủ đề “Sứ vụ truyền giáo”.
Thường huấn linh mục trẻ liên giáo phận là sáng kiến của Đức cha Giuse Võ Đức Minh, giám mục giáo phận Nha Trang, nhằm bồi dưỡng về đời sống và sứ vụ linh mục cho các linh mục trẻ. Khóa Thường huấn lần đầu tiên được tổ chức tại Tòa giám mục Nha Trang vào tháng Tám 2011 với 210 linh mục thuộc 9 giáo phận (Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Kon Tum, Ban Mê Thuột, Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt và Bà Rịa).
Khóa thường huấn lần thứ II vừa được tổ chức tại Tòa giám mục Phan Thiết có 116 linh mục thuộc các giáo phận Đà lạt (39), Nha Trang (32), Phan Thiết (27) và Bà Rịa (18).
Hiện diện trong buổi khai mạc có Đức cha Giuse, giám mục giáo phận Phan Thiết, hai cha Tổng đại diện của giáo phận Phan Thiết và giáo phận Bà Rịa. Trong bài huấn từ khai mạc, Đức cha Giuse nhấn mạnh đến chủ đề “Sứ vụ truyền giáo” với ba chữ C: Cội nguồn, Công bình và Cấp bách. Sứ vụ truyền giáo là cội nguồn của Giáo Hội; “Anh em đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không” nên sứ vụ truyền giáo phải mang tính công bình và cuối cùng Tin Mừng cần thiết phải được loan báo nên sứ vụ truyền giáo còn mang tính cấp bách.
Chủ đề Khóa Thường huấn tuy quen thuộc nhưng vẫn luôn hợp thời vì năm nay kỷ niệm 50 năm Sắc lệnh Truyền giáo Ad Gentes của Công đồng Vatican II và vào tháng Mười sẽ diễn ra Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về về công cuộc Tân Phúc âm hóa và việc truyền bá đức tin. Các thuyết trình viên đã khai triển chủ đề “Sứ vụ truyền giáo” với các đề tài:
1- Linh mục và sứ vụ truyền giảng Tin Mừng (Đức ông Giuse Đinh Đức Đạo)
2- Truyền giáo cho xã hội hôm nay (Đức ông Giuse Đinh Đức Đạo)
3- Thánh Phaolô, Tông đồ dân ngoại (Đức cha Giuse Võ Đức Minh)
4- Truyền giáo của Giáo Hội qua các thời đại (cha Phêrô Nguyễn Thiên Cung)
5- Sứ vụ truyền giáo qua lăng kính Công vụ Tông đồ (cha Gioan B. Hoàng Văn Khanh)
Không chỉ trao đổi thảo luận về chủ đề học hỏi, các linh mục tham dự còn có dịp chia sẻ tình huynh đệ với nhau qua những sinh hoạt bên lề như giao lưu bóng chuyền.
Sáng 19-04, Khóa Thường huấn linh mục trẻ liên giáo phận lần thứ II đã kết thúc với thánh lễ tạ ơn tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao. Thánh lễ do Đức giám mục giáo phận Nha Trang chủ tế cùng với hai cha Tổng đại diện giáo phận Phan Thiết và giáo phận Bà Rịa và các linh mục tham dự thường huấn.
Mở đầu bài giảng, Đức cha chủ tế hướng tâm hồn mọi người về với Chúa Giêsu, vị Linh Mục toàn hảo nhất. Các linh mục phải ý thức mình là người được thánh hiến vì đã hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu và phải luôn sống xứng đáng. Đức cha cũng nhớ đến ngày thụ phong linh mục của ngài 41 năm trước, và đã chọn Đức Mẹ làm Mẹ tinh thần vì không có mẹ ruột ở bên, từ đó Mẹ Maria đã luôn đỡ nâng ngài trong sứ vụ. Ngài mời cộng đoàn chiêm ngắm Mẹ Maria, người Mẹ của lắng nghe, nguyện cầu và thực thi lời Chúa và nhất là người Mẹ hằng chuyển cầu cho con cái mình. Các linh mục hãy yêu mến Mẹ Maria bởi Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu thì Mẹ cũng là Mẹ của mình; cộng đoàn hãy yêu thương và cầu nguyện nhiều cho các linh mục, hãy dâng các linh mục cho Đức Mẹ hướng dẫn bảo vệ để các linh mục làm vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn.
Khóa Thường huấn đã thực sự đem lại cho mỗi linh mục tham dự một thời gian học tập, một không gian huynh đệ và một bầu khí hiệp thông – như ghi nhận của Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, giám mục giáo phận Phan Thiết.
Sau đây xin giới thiệu bài thuyết trình của Đức cha Giuse Võ Đức Minh trong Khóa Thường huấn này.
***
Thánh Phaolô, Tông đồ dân ngoại
– Vào năm 67, tại địa điểm Tre Fontane ở Roma, Italia, Phaolô đã bị kết án tử hình bằng hình phạt chém đầu, với tội danh là tín hữu Kitô, giáo trưởng trong Đạo Kitô. Ngài hưởng thọ 60 tuổi.
– Sinh tại Tarsô vào năm 7, ở vùng Tiểu Á, trong một gia đình gốc Do Thái. Ngoài gốc gác là Do Thái, ngài còn mang quốc tịch Roma.
– Năm 15 tuổi đến 25 tuổi (năm 22 đến 32), Phaolô theo học về Kinh Thánh và truyền thống của tổ tiên tại Giêrusalem, đặc biệt với vị rabbi danh tiếng thời bấy giờ là Gamaliel. Trong thời gian này, tại Giêrusalem, có xảy ra hai biến cố lớn: vụ án đóng đinh Đức Giêsu người Nadarét vào năm 30 và vụ án ném đá phó tế Stêphanô vào năm 31.
– Năm 25 tuổi (năm 32), Phaolô thị kiến gặp Đức Giêsu Nadarét trên đường đi Đamas.
– Năm 25 tuổi đến 39 tuổi (năm 32 đến 46), Phaolô trải qua thời gian “sa mạc “trong cuộc đời mình: ở Đamas, ở hoang địa Arabia, ở Giêrusalem và đặc biệt ở quê nhà tại Tarsô. Chắc chắn đây là khoảng thời gian Phaolô có dịp “đọc lại “toàn bộ Kinh Thánh, truyền thống của các tổ tiên dưới ánh sáng của nhân vật Giêsu Nadarét trong sự kiện tử nạn và phục sinh.
– Năm 39 tuổi, nhờ sự giới thiệu của Barnaba, Phaolô đã ra khỏi tình trạng ẩn dật ở Tarsô, để xuất hiện và rao giảng công khai về Đức Giêsu Kitô tại Antiokia. Chính trong thời gian này, xuất hiện tại Antiokia hai sự kiện lịch sử: danh xưng “Kitô hữu” (Cv 11,26) cũng như dấu hiệu “Thiên Chúa đã mở cửa đức tin (porta fidei) cho các dân ngoại” (Cv 14,27).
– Năm 42 tuổi (năm 49), Phaolô cùng Barnaba lên Giêrusalem tham dự hội nghị với các Tông đồ và môn đệ (= Công đồng Giêrusalem). Hội nghị quyết định mở rộng cánh cửa đức tin (porta fidei) cho muôn dân, chỉ định Phaolô và Barnaba chuyên việc rao giảng Tin mừng cho Dân ngoại.
– Năm 42 đến 45 tuổi (năm 49 đến năm 52), Phaolô hăng say rao giảng Tin mừng và thiết lập các giáo đoàn mới (1+2 Tx; Gl)
– Năm 46 đến 51 tuổi (năm 53 đến năm 58), Phaolô đẩy mạnh cuộc hành trình đến với Dân ngoại (1+2 Cr)
– Năm 52 tuổi (năm 59), Phaolô bị bắt và bị giam giữ tại Giêrusalem đến năm 53 tuổi (Rm)
– Năm 54 tuổi (năm 61), với tư cách công dân Roma và vì nại đến Hoàng đế, nên tù nhân Phaolô được chuyển đến Roma. Cuộc hành trình trên biển Địa Trung Hải kéo dài hơn 1 năm.
– Tới Roma lúc đã được 55 tuổi, Phaolô bị giam đến năm 56 tuổi (năm 62 đến 63) (Cl; Plm; Ep; Pl; 1 Tm.; Tt; Dt)
– Trong vòng 3 năm, ở tuổi 56 đến 59 (năm 63 đến 66), Phaolô được tự do ở Roma. Ý hướng đem Tin mừng cho Dân ngoại đến tận cùng trái đất đã thúc đẩy Phaolô làm cuộc hành trình truyền giáo đến Tây Ban Nha, phần đất tận cùng của Roma thời bấy giờ.
– Vào năm 67, khi được 60 tuổi, Phaolô đã lãnh án tử hình vì Danh Chúa Giêsu Kitô (2 Tm). Phaolô được phúc tử vì đạo tại Roma.
Như vậy, Phaolô là tín hữu của Chúa Kitô trong thời gian 35 năm, trong đó 14 năm ở ẩn, 5 năm ở tù và 16 năm hoạt động tông đồ, đặc biệt nơi Dân ngoại.
1. Con nguời và nhân cách của Phaolô
– Phaolô trước hết là người con của dân tộc Israel. (x. Gl 1,13-14; 2 Cr 11,22; Rm 9,1-5; 11,1; Pl 3, 4-6). Ngài hãnh diện về nguồn gốc của mình, nguồn gốc của đoàn dân ưu tuyển của Thiên Chúa trong lịch sử loài người. Phaolô xác tín: “Ơn cứu độ đến từ người Do Thái” (x. Ga 4, 22). Phaolô tự hào về quá khứ oai hùng của tổ tiên, cách riêng của chi tộc Bengiamin của mình; Phaolô hãnh diện về việc tuân giữ luật Thiên Chúa và truyền thống của cha ông, về vị thầy danh tiếng của mình là rabbi Gamaliel. Phaolô không bao giờ thù ghét hay ân hận về quê hương, dân tộc mình, dầu nhiều lần Phaolô bị đối xử bất công bởi các đồng hương (x. 1 Tx 2,14-16). Phaolô một niềm tôn kính và thảo hiếu đối với đoàn dân có chung một truyền thống từ tổ phụ Abraham, Môsê và các Tiên tri. Phaolô đau khổ về sự cứng lòng của đồng hương mình, nhưng Phaolô yêu thương họ cho đến độ ngài sẵn sàng chấp nhận đánh đổi mạng sống mình để cho họ lãnh nhận được ơn cứu độ; trong niềm tin vào sự hoán cải của đoàn dân ưu tuyển, ngài đã thoáng thấy một ánh sáng hy vọng dành cho dân tộc của mình trong tương lai (x. Rm 9-11).
– Phaolô được đào tạo để trở nên một rabbi Do Thái giáo. Ngay từ thời niên thiếu, dầu được sinh ra tại Tarsô, một địa danh thuộc vùng đất Dân ngoại, Phaolô đã được gia đình gửi đến đào tạo tại trung tâm tôn giáo và truyền thống của Israel là Giêrusalem. Phaolô may mắn gặp được vị thầy danh tiếng là rabbi Gamaliel, một trong những khuôn mặt rabbi danh tiếng vào bậc nhất của Do Thái giáo thời bấy giờ. Phaolô thụ huấn về Kinh Thánh và Truyền thống của Tổ tiên. Phaolô thông thạo về Kinh Thánh và cách chú giải Kinh Thánh theo truyền thống của dân tộc mình. Có thể nói, Phaolô tinh thông về Thần học, về Lề Luật trong Đạo Do Thái và về Kinh Thánh. Phaolô đã được đào tạo để trở nên một rabbi hoàn hảo.
– Phaolô còn có một lợi thế khác nữa, đó là công dân Roma do nguyên quán ở Tarsô. Chính lợi thế này giúp Phaolô dễ vượt ra khỏi khung cảnh của một rabbi truyền thống để vươn tới thế giới Dân ngoại và vươn tới các nền văn minh khác Do Thái giáo và ngay cả vươn tới tầm vóc vũ hoàn (= ảnh hưởng nền văn minh Hy-La). Bài diễn văn của Phaolô tại Arêôpagô ở thủ đô Athen của Hy Lạp là một ví dụ (x. Cv 17,16-34).
– Nhưng điều độc đáo làm nên con người và nhân cách thật sự của Phaolô, chính là yếu tố Phaolô, tín hữu, tông đồ và tôi tớ của Đức Kitô. Trên đường đi Đamas, Đức Kitô trong quyền năng vinh hiển của mình đã xâm chiếm trọn vẹn con người của Phaolô. Cuộc gặp gỡ này khiến Phaolô phải thốt lên: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Phaolô đã chuyển từ một rabbi Do Thái giáo để trở nên một tín hữu Kitô. Từ đó, tất cả những vốn liếng, hành trang, kiến thức và cả con người của mình, Phaolô hoàn toàn cống hiến cho Đức Kitô và sự nghiệp của Đức Kitô (= đem Tin Mừng cứu độ đến cho muôn dân) x. Pl 3,8-9: “… mà chẳng những thế, tôi còn coi mọi sự hết thảy là thua lỗ bất lợi cả, vì cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự và coi là phân bón cả, để lợi được Đức Kitô, và được thuộc về Ngài”. Mà vì con người của Phaolô vô cùng phong phú, nên những cống hiến của Phaolô cho Đức Giêsu Kitô cũng hết sức đa dạng. Có học giả chuyên nghiên cứu về Thánh Phaolô đã dùng một hình ảnh vô cùng thi vị để diễn tả điều này: “Phaolô là một cây đàn tốt đã để cho vị nhạc sĩ tài danh là Đức Kitô làm vang lên mọi âm điệu tuyệt vời”. Thật vậy, nơi con người của Phaolô, chúng ta gặp thấy những nét phong phú lạ kỳ, vì hội tụ những tư chất xem ra rất mâu thuẫn với nhau: vừa là nhà chiêm niệm thần bí, đồng thời cũng là con người hoạt động; vừa là nhà lữ hành truyền giáo, đồng thời cũng là nhà suy tư thần học; vừa là người sáng lập, đồng thời cũng là người tổ chức; vừa là người có óc mạo hiểm khai phá, đồng thời cũng là vị mục tử bình lặng ổn định; vừa là người thuyết giảng giáo điều, đồng thời cũng là nhà linh hướng nhân hậu; vừa là người hăng say tranh luận, đồng thời cũng là nhà hùng biện lôi cuốn đám đông; ngoài ra, nơi Phaolô cũng hội tụ những tâm tình rất khác biệt nhau: rất tự tin, nhưng cũng bộc lộ sự khiêm tốn; nhiều khi xông pha táo bạo, nhưng cũng không ít lần phơi bày sự nhút nhát; có tinh thần tự lập mà lại sợ sự cô đơn; tiếp xúc niềm nở với tha nhân, nhưng vẫn không khỏi những cộc cằn thô thiển; thường xuyên lịch thiệp trong ứng xử, nhưng cũng không thiếu những quyết đoán cứng cỏi; có tâm hồn quảng đại bao dung của một người cha, nhưng cũng xen lẫn những chua cay của người bạn khi bị hiểu lầm và bị phản bội; hành động khôn ngoan, cẩn thận, nhưng cũng bộc lộ những huênh hoang phù phiếm. Quả đúng “Phaolô là một cây đàn tốt đã để cho vị nhạc sĩ tài danh là Đức Kitô làm vang lên mọi âm điệu tuyệt vời”.
2. Ơn gọi của Phaolô
– Ở khoảng tuổi 40, sau một khoảng thời gian dài chờ đợi trên 15 năm kể từ ngày được thị kiến gặp Đức Kitô, khi bắt đầu được trọng dụng và đang hăng say trong công việc rao giảng Đức Kitô và Tin mừng của Ngài, Phaolô đã nhớ lại và viết về ơn gọi của mình như sau: “Nhưng khi Đấng đã tách riêng tôi ngay từ lòng mẹ, và kêu gọi tôi nhân bởi ân huệ của Người, đã có nhã ý mạc khải Con của Người trong tôi, để tôi giảng Tin mừng về Ngài nơi các dân ngoại” (Gl 1,15-16); và ở một đoạn khác, Phaolô tâm sự: “… bởi chưng tôi đã được Đức Kitô Giêsu chụp lấy chiếm đoạt rồi” (Pl 3,12). Những chia sẻ chân tình này giúp chúng ta hiểu thêm về ơn gọi của Phaolô. Như chúng ta biết, Phaolô xuất thân là vị rabbi uyên thâm Kinh Thánh, nên những từ ngữ và kiểu nói về “ơn gọi “của Phaolô khiến chúng ta cần lưu ý.
– Trước hết, Phaolô đang muốn giới thiệu ơn gọi của mình theo truyền thống của các Tiên tri trong lịch sử Dân Thiên Chúa, đồng thời mời gọi mọi người nhận ra ơn gọi của Phaolô như một tiếp nối ơn gọi của các Tiên tri (x. Gr 1,5: “Trước khi Ta nắn ra ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi; và trước khi lọt dạ mẹ, Ta đã tác thánh ngươi”; x. Is 49,1-5: “Đức Chúa đã gọi tôi từ dạ mẹ, từ lòng mẹ, Người đã nhắc đến tên tôi”.
– Phaolô còn cho chúng ta thấy ơn gọi của ngài là hoàn toàn do thánh ý của Thiên Chúa, trong sự ngỡ ngàng của bản thân người được gọi: “Bởi chưng tôi đã được Đức Kitô Giêsu chụp lấy chiếm đoạt rồi” (Pl 3,2) x. Gr 20,8: “Người đã dụ dỗ tôi, lạy Đức Chúa, và tôi đã để mình bị dụ. Người đã uy hiếp tôi và đã thắng”; x. Am 7,15: “Tôi làm nghề nuôi bò và châm quả sung. Nhưng tự sau đàn cừu, Đức Chúa đã chụp lấy tôi đem đi”. Quảng diễn hành động này của Đức Chúa, tiên tri Amos đã dùng những hình ảnh vô cùng sống động: “Phải chăng sư tử gầm lên trong lùm rậm, mà nó lại không mồi? Phải chăng từ trong ổ, hùm tơ lên tiếng mà nó lại không chụp được gì? Phải chăng chim rơi xuống đất, mà nó lại không sa tròng? Phải chăng bẫy bật lên khỏi đất mà lại không chụp được gì? Há tù và rúc lên trong thành mà dân chúng lại không run sợ? Há họa tai xảy đến cho thành mà lại không phải Đức Chúa làm ra? Quả thế, Đức Chúa không làm điều gì mà Người lại không tỏ bày bí mật của Người cho các tôi tớ Người là các Tiên tri. Sư tử gầm lên, ai lại không sợ? Đức Chúa đã phán, ai lại không nói tiên tri”. (Am 3,4-8). Có thể đối chiếu thêm về ơn gọi của các Tiên tri cũng như các nhân vật trong lịch sử Dân Chúa.
– Có lẽ điểm chính yếu và trọng tâm ơn gọi của Phaolô trình bày trong câu: “(Thiên Chúa) đã có nhã ý mạc khải Con của Người trong tôi, để tôi giảng Tin mừng về Ngài nơi các dân ngoại”. Nguyên ngữ Hy lạp:apokalupsai ton huion autou en emoi. Như vậy, ơn gọi này không phải chỉ là một lời mời gọi môn đệ đi theo thầy, cũng không phải là một thông tri cho Phaolô biết ngài đã được chấp thuận và trọng dụng, nhưng là một dấu ấn đóng vào nội tâm của Phaolô, bên trong con người của Phaolô; dấu ấn này chính là “Con của Thiên Chúa” là Đức Giêsu Kitô. Ơn gọi này không phải là một thông điệp, một lời nói, một văn bằng công bố cho ngài, hoặc chạm tới bên ngoài của ngài như là một vật gì đó người ta trao cho ngài; nhưng ơn gọi này chạm tới thâm sâu trong con người của ngài. Nếu như dấu ấn đóng ở bên ngoài, thì sẽ lu mờ đi với thời gian; nhưng dấu ấn này được đóng bên trong con người của Phaolô; vì thế Thiên Chúa xác nhận, qua ơn gọi này, Phaolô thuộc về Đức Giêsu Kitô, của Đức Giêsu Kitô, sứ giả chính danh của Đức Giêsu Kitô. Chúng ta có thể đối chiếu ơn gọi này với kiểu nói của Tiên tri Giêrêmia và Tiên tri Ezêkiel khi các ngài đề cập đến Giao Ước mới. x. Gr 31,31-34: “…. Ta sẽ đặt luật Ta vào bên trong chúng và Ta sẽ viết trên tim lòng chúng; và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng, chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn, mỗi người, phải dạy bảo nhau, mỗi người phải nói với anh em mình: “Hãy biết Đức Chúa!” Vì hết thảy chúng đều biết Ta, từ kẻ bé đến người lớn, - sấm của Đức Chúa – bởi Ta sẽ tha tội cho chúng và sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng”. Lời sấm này của tiên tri Giêrêmia loan báo sẽ đến ngày Đức Chúa ký kết Giao Ước mới bằng cách ban luật của Ngài, luật không còn được khắc trên bia đá như thời Giao Ước Sinai năm xưa, nhưng sẽ được ghi trong nội tâm dân Chúa; luật Chúa sẽ không phải như một lệnh truyền áp đặt từ bên ngoài, nhưng như tiếng nói đầy yêu thương bên trong; điều đó đem đến cho dân Chúa hai ân huệ này: biết Đức Chúa và được tha thứ mọi tội lỗi. Lời sấm này sẽ được Tiên tri Ezêkiel quảng diễn thêm: “Ta sẽ ban cho các ngươi một tấm lòng mới. Bên trong các ngươi, Ta sẽ ban xuống một Thần khí mới. Ta sẽ cất tấm lòng đá khỏi thịt mình các ngươi. Ta sẽ ban cho các ngươi tấm lòng thịt. Bên trong các ngươi, Ta sẽ ban xuống Thần khí của Ta” (Ed 36,26-27). Chính Đức Giêsu Kitô thực hiện tròn đầy tất cả những gì về Giao Ước mới mà các Tiên tri Giêrêmia và Ezêkiel đã công bố: “Vì chưng, chính tôi đã chịu lấy nơi Chúa điều tôi truyền lại cho anh em, là: Chúa Giêsu, trong đêm Ngài bị nộp, Ngài đã cầm lấy bánh và tạ ơn xong, Ngài đã bẻ ra và nói: Này là Mình Ta, vì các ngươi, hãy làm sự này mà nhớ đến Ta. Cũng vậy về Chén, sau khi đã dùng bữa tối xong, Ngài nói: Chén này là Giáo Ước mới trong Máu Ta, các ngươi hãy làm sự này mỗi khi uống mà nhớ đến Ta. Vì mỗi lần anh em ăn Bánh ấy và uống Chén ấy, anh em loan báo sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến” (1 Cr 11,23-26). Vì thế, Phaolô cảm nhận Đức Giêsu Kitô chính là quà tặng thân thương mà Thiên Chúa đặt vào trái tim của mình, bên trong con người của mình. Đó cũng là lý do mà sau này, trong cuộc hành trình đầy gian khổ và thử thách của đời tông đồ Dân ngoại, Phaolô đã thốt lên: “Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù là hiện tại hay tương lai, dù là chiều cao hay chiều sâu, hay bất cứ tạo vật nào khác, không gì sẽ có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,39).
3. Phaolô, Tông đồ Dân ngoại
– Ngay khi tường thuật về ơn gọi của mình, Phaolô đã cho biết sứ vụ tông đồ mà Thiên Chúa ủy thác cho ngài:“Nhưng khi Đấng đã tách riêng tôi ngay từ lòng mẹ, và kêu gọi tôi nhân bởi ân huệ của Người, đã có nhã ý mạc khải Con của Người trong tôi, để tôi giảng Tin mừng về Ngài nơi các dân ngoại” (Gl 1,5-16). Theo nguyên ngữ Hy lạp: hina evangêlizômai auton en tois ethnesin. Theo Kinh Thánh và giáo huấn cũng như truyền thống ngàn đời của người Do Thái, cần phải phân biệt rõ hai hạng người sau đây: Dân Chúa = Am(tiếng Do Thái); = Laos (tiếng Hy lạp) và Dân ngoại = Gôyim (tiếng Do Thái); = Ethnê (tiếng Hy lạp). Sự phân biệt này không những có tầm quan trọng về tính Dân tộc, mà đặc biệt về khía cạnh tôn giáo. Rất khó có khái niệm trong Dân ưu tuyển, Dân Giao ước Sinai về sự giao lưu với Dân ngoại, nhất là khi đề cập đến vấn đề tôn giáo với Dân ngoại. Những tâm tình này được ghi đậm nét trong các Thánh Vịnh (x. Tv 137). Hầu như Dân Chúa không nghĩ đến việc công bố và chia sẻ Luật Chúa (Torah), sứ điệp các Tiên tri (Nebiim) và giáo huấn của những bậc Hiền nhân (Ketubim) cho Dân ngoại. Torah, Nebiim va Ketubim là nội dung của Kinh Thánh (Cựu Ước).
– Sau kinh nghiệm lưu đày ở Babilon, khi đã hồi hương, xây dựng lại đời sống tôn giáo, đã xuất hiện trong Dân Chúa sứ điệp thần bí về “Người tôi tớ của Đức Chúa”, được ghi lại trong tiên tri Isaia (Is 42,1-9; Is 49,1-6; Is 50,4-9; Is 52,13–53,12). Tại đây, hình ảnh “Người tôi tớ của Đức Chúa” là người được Thiên Chúa tuyển chọn, “được đặt làm ánh sáng các dân tộc để ơn cứu độ của (Thiên Chúa) đạt thấu mút cùng cõi đất” (Is 49,6) (eis phôs ethnôn tou einai se eis sôtêrian heôs eskhatou tês gês); “người tôi tớ của Đức Chúa” phải là người môn sinh chuyên cần và tinh thông Lời Chúa, để rao truyền Lời Chúa cho muôn dân; và để thi hành những điều đó, “người tôi tớ của Đức Chúa” phải cống hiến cả cuộc đời và ngay cả mạng sống của mình trong gian truân và thử thách đầy đau thương. Có thể đây là lần đầu tiên trong Dân Chúa có đề cập đến mối tương quan giữa Dân Chúa với Dân ngoại: “được đặt làm ánh sáng các dân tộc để ơn cứu độ của (Thiên Chúa) đạt thấu mút cùng cõi đất”.
– Ngoài ra, một yếu tố cần lưu ý: đó là khi nói đến Dân Chúa và Dân ngoại thì chúng ta ghi nhận từ ngữ Dân Chúa luôn ở số ít, còn từ ngữ Dân ngoại thường ở số nhiều. Vậy mà Thánh Luca, người bạn đồng hành truyền giáo của Phaolô, đã ghi lại lời tiên tri của cụ già Simêon tại đền thờ Giêrusalem, khi ông được ẵm Hài nhi Giêsu trong vòng tay của mình như sau: “… Bởi chưng mắt tôi đã thấy ơn Người cứu độ (to sôtêrion sou), Người đã dọn sẵn trước mặt muôn dân (pantôn tôn laôn), ánh sáng mạc khải cho dân ngoại (ethnôn) và vinh quang của Israel Dân Người” (Lc 2,30-32). Tại đây, lần đầu tiên từ ngữ Dân Chúa (= Laos) được viết ở số nhiều (pantôn tôn laôn) và để thực hiện điều này, vẫn cần vai trò của “người tôi tớ của Đức Chúa” là trở nên “ánh sáng mạc khải cho dân ngoại” (ethnôn).
– Những phân tích trên giúp chúng ta hiểu ơn gọi và sứ vụ “Tông đồ Dân ngoại” của Phaolô: trải qua biết bao gian truân, thử thách như hình ảnh “người tôi tớ của Đức Chúa” hầu trở nên “ánh sáng soi chiếu cho dân ngoại” (ethnê) và biến đổi tình trạng trước kia gọi là “dân ngoại” (ethnê) trở nên “Dân Chúa” (pantôn tôn laôn), đối tượng được hưởng ơn Thiên Chúa cứu độ và vinh quang dành sẵn cho Dân Thiên Chúa.
– Hiểu rõ những điều này, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi lắng nghe và bắt gặp những gian truân, đau khổ, thử thách, sỉ nhục trong cuộc đời truyền giáo cho Dân ngoại của Phaolô; chúng ta cũng thấm thía điều mà Phaolô đã quả quyết: “về phần tôi, ước gì tôi đừng có vênh vang nơi một điều gì trừ phi là nơi Thập giá của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, nhờ đó, thế gian đã bị đóng đinh cho tôi và tôi cho thế gian” (Gl 6,14). “Vì chưng, trong khi Do Thái đòi dấu lạ và Hy Lạp tìm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Vì Kitô đã bị đóng đinh Thập giá, cớ vấp phạm cho Do Thái, sự điên rồ đối với Dân ngoại; nhưng đối với những ai được kêu gọi, dù là Do Thái hay Dân ngoại, thì lại là chính Đức Kitô, quyền năng của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Bởi vì, sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn loài người” (1 Cr 1,22-25).
Kết luận
Trong thư thứ hai gửi môn đệ yêu quý là Timôthê, khi đối diện với cái chết sắp gần kề vì Đạo thánh Chúa Giêsu Kitô, Phaolô để lại những lời tâm huyết như bản di chúc thiêng liêng của mình: “Về phần tôi, tôi là tửu tế đã tiến, buổi ra đi đã đến gần. Tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa; tôi đã chạy đến cùng đường; tôi đã kiên giữ lòng tin. Kỳ dư, triều thiên công chính đã được dành sẵn cho tôi; và Chúa, Đấng phán xét chí công, sẽ hoàn lại cho tôi trong Ngày ấy, không chỉ cho tôi mà thôi, nhưng còn cho hết mọi người đã đầy lòng mến yêu trông đợi cuộc Hiển linh của Ngài” (2 Tm 4,6). Với những dòng này, khi nhìn lại trọn cuộc đời của mình, cuộc đời của “người tôi tớ của Đức Chúa”, của “người Tông đồ của Đức Giêsu Kitô”, cuộc đời của “vị Tông đồ Dân ngoại”, Phaolô gợi lên hai hình ảnh đậm nét Kinh thánh: “tửu tế “và “ra đi”. Máu của Phaolô sẽ đổ ra làm chứng cho Đức Giêsu Kitô như chén rượu lễ tế tiến dâng lên Thiên Chúa và cuộc ra đi của Phaolô như người lính chiến rời bến cảng trong an bình, mãn nguyện, sau khi đã chu toàn bổn phận, để ra khơi đến một vùng đất mới. Phaolô để lại lời chào tạ từ đối với các môn đệ, các bạn hữu, các cộng sự viên trong việc truyền giáo. Điều đó, chứng tỏ trong sự nghiệp truyền giáo của mình, Phaolô đã có rất nhiều môn đệ, rất nhiều người bạn, người cộng tác cũng như ân nhân. Phaolô đã không làm việc một mình trên cánh đồng truyền giáo. Do đó, sự nghiệp “Tông đồ Dân ngoại” của Phaolô không chấm dứt với cuộc tử đạo của Phaolô; nhưng được tiếp nối một cách đầy xác tín và phong phú bởi các thế hệ “tôi tớ của Đức Chúa”, ở mọi nơi và mọi thời, đáp lại tiếng gọi tuyệt vời của Phaolô: “Anh em hãy theo gương tôi, cũng như tôi đối với Đức Kitô” (1 Cr 11,1).
WHĐ tổng hợp
bài liên quan mới nhất
- Khai mạc Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh miền Bắc lần thứ XX
-
Khẩu hiệu và huy hiệu Đức Giám mục Phụ tá tân cử Giuse Vũ Công Viện -
Thông báo về Thánh lễ Truyền chức Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội -
Giờ Chầu Thánh Thể tạ ơn và cầu nguyện cho Đức cha tân cử Giu-se Vũ Công Viện -
Bổ nhiệm Giám mục Phụ tá tổng giáo phận Hà Nội -
Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh ngày 09/10/2024 -
Nghi thức Tuyên Xưng Đức Tin của Đức Giám Mục Tân Cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh - ngày 08/10/2024 -
Trực tiếp Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh ngày 09/10/2024 -
Trực tiếp Nghi thức Tuyên Xưng Đức Tin của Đức Giám mục tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh ngày 08/10/2024 -
Caritas Việt Nam: Hội Nghị Thường Niên 2024 - Ngày I
bài liên quan đọc nhiều
- Tiểu sử Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng
-
Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM -
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa các giáo phận Hà Tĩnh và Phát Diệm, Giám mục phó giáo phận Cần Thơ -
Đoàn Việt Nam sẽ hành hương và mừng đón Đức Thánh Cha tông du Mông Cổ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng -
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa về Giáo hội tham gia -
Thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I/2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang: Giám mục Chính tòa giáo phận Bắc Ninh -
Giáo hội Việt Nam gửi Thư đến Đức Thánh Cha Phanxicô