Thư của Đức Thánh cha Phanxicô nhân kỷ niệm 100 năm Tông thư Maximum Illud về hoạt động truyền giáo trên thế giới
WHĐ (18/11/2024) - Vào ngày 22/10/2017, Đức Thánh cha Phanxicô đã viết thư gửi Đức Hồng y Fernando Filoni, Bộ trưởng Bộ Loan báo Tin mừng cho các Dân tộc, nhân kỷ niệm 100 năm ngày Đức Thánh cha Bênêđictô XV công bố Tông thư Maximum illud (ngày 30/11/1919 – 30/11/2019). Qua bức thư, Đức Thánh cha Phanxicô muốn khuyến khích và tạo nên một sức thúc đẩy mới cho công việc truyền giáo. Sau đây là toàn văn bức thư của Đức Thánh Cha Phanxicô.
THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
Nhân kỷ niệm 100 năm Tông thư Maximum Illud về hoạt động truyền giáo trên thế giới
Kính gửi Hiền huynh
Hồng y Fernando Filoni
Bộ Trưởng Bộ Loan Báo Tin Mừng cho các Dân Tộc
Ngày 30 tháng 11, 2019, chúng ta sẽ cử hành Kỷ Niệm 100 Năm Đức Thánh Cha Bênêđictô XV công bố Tông Thư Maximum illud, qua đó ngài muốn tạo một sức thúc đẩy mới cho công việc truyền giáo là loan báo Tin Mừng. Năm 1919, trong bối cảnh cả thế giới vừa ra khỏi một cuộc xung đột bi thảm mà ngài gọi là một “cuộc tàn sát vô ích,”[1] Đức Thánh Cha nhận thấy cần phải có một phương thức mới cho hoạt động truyền giáo trên thế giới, để hoạt động này được tẩy sạch mọi âm hưởng của chủ nghĩa thuộc địa và tránh xa các mục tiêu của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bành trướng, vốn đã tỏ ra tai hại như thế nào. “Hội Thánh của Thiên Chúa có tính phổ quát, không xa lạ với bất cứ dân tộc nào,”[2] ngài viết, đồng thời mạnh mẽ kêu gọi loại trừ mọi hình thức tư lợi, vì mục đích duy nhất của hoạt động truyền giáo là làm cho lời rao giảng và tình yêu của Chúa Giêsu được lan rộng nhờ đời sống thánh thiện và các việc lành của người truyền giáo. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô nhấn mạnh missio ad gentes, “sứ mạng đến với muôn dân”, ngài dùng các khái niệm và ngôn ngữ của thời ngài để tìm cách làm sống lại, đặc biệt giữa hàng giáo sĩ, một ý thức bổn phận đối với các công cuộc truyền giáo.
Bổn phận này là một lời đáp cho lệnh truyền ngàn đời của Chúa Giêsu, “hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Tuân theo mệnh lệnh này của Chúa không phải là tùy Hội Thánh muốn chọn hay không: nói theo lời của Công Đồng Vaticanô II, nó là “nhiệm vụ cơ bản” của Hội Thánh”,[3] vì Hội Thánh “tự bản chất là truyền giáo.”[4] “Loan báo Tin Mừng thực sự là ân sủng và ơn gọi riêng của Hội Thánh, là căn tính sâu xa nhất của Hội Thánh; Hội Thánh tồn tại là để loan báo Tin Mừng.”[5] Công Đồng còn nói rằng, nếu Hội Thánh muốn trung thành với chính mình và rao giảng Đức Giêsu chịu đóng đinh và sống lại vì mọi người, là Đấng Cứu Thế hằng sống và giàu lòng thương xót, thì Hội Thánh, “được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, phải đi cùng một con đường như Đức Kitô đã đi: con đường của nghèo khó và vâng phục, của phục vụ và hi sinh.”[6] Bằng cách này, Hội Thánh sẽ hiệu quả trong việc rao giảng Chúa Kitô, “mẫu mực của nhân loại đã được cứu chuộc, được thấm nhuần tình thương huynh đệ, sự chân thành và tinh thần hòa bình mà mọi người đều ước nguyện.”[7]
Điều mà Đức Bênêđictô từng ước muốn hết sức thiết tha gần một thế kỷ qua, và Công Đồng cũng đã lặp lại khoảng 50 năm trước đây, ngày nay vẫn còn hợp thời. Ngay cả bây giờ, cũng như trong quá khứ, “Hội Thánh được Chúa Kitô sai đi trình bày và thông ban tình yêu Thiên Chúa cho hết mọi người và mọi dân tộc, nhận thức rằng mình còn phải thực hiện một công việc truyền giáo bao la.”[8] Về điểm này, Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II nhận định rằng “sứ mạng của Đức Kitô Cứu Thế được ủy thác cho Hội Thánh vẫn còn lâu mới được hoàn thành”, và “một cái nhìn tổng quan về loài người cho thấy rằng sứ mạng này vẫn còn chỉ đang bắt đầu và chúng ta phải toàn tâm toàn ý dấn thân để phục vụ nó.”[9] Do đó, bằng những lời mà bây giờ tôi muốn một lần nữa mời gọi mọi người chú ý, Thánh Gioan-Phaolô khuyên nhủ Hội Thánh thực hiện một “sự dấn thân mới cho truyền giáo”, với niềm xác tín rằng hoạt động truyền giáo “canh tân Hội Thánh, làm sống dậy đức tin và căn tính Kitô hữu, và cống hiến niềm phấn khởi mới và động lực mới. Đức tin được kiện cường khi nó được trao ban cho người khác! Chính trong sự dấn thân cho sứ mạng truyền giáo phổ quát của Hội Thánh mà việc tân phúc âm hóa của các dân tộc Kitô giáo sẽ tìm được nguồn cảm hứng và nâng đỡ.”[10]
Trong Tông Huấn Evangelii Gaudium của tôi, lấy từ kỷ yếu của Hội Nghị Toàn Thể Thường Kỳ lần thứ XIII của Thượng Hội Đồng Giám Mục, là hội nghị được tổ chức để suy tư về việc tân phúc âm hóa cho việc loan truyền đức tin Kitô giáo, một lần nữa tôi đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp này trước toàn thể Hội Thánh. Trong Tông Huấn tôi đã viết, “Đức Gioan Phaolô II xin chúng ta nhận ra rằng ‘không được giảm bớt nỗ lực rao giảng Tin Mừng' cho những người ở xa Đức Kitô, ‘bởi vì đây là nhiệm vụ hàng đầu của Hội Thánh'. Thật vậy, ‘hoạt động truyền giáo hôm nay vẫn là thách thức lớn nhất cho Hội Thánh', và ‘nhiệm vụ truyền giáo phải là nhiệm vụ hàng đầu'. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta hiểu nghiêm túc những lời này? Chúng ta sẽ thấy rằng việc vươn ra truyền giáo là một hệ hình cho mọi hoạt động của Hội Thánh.”[11]
Tôi tin chắc rằng thách thức này vẫn còn cấp bách như trước. “[Nó] mang ý nghĩa của một kế hoạch và có những hệ quả quan trọng. Tôi hy vọng tất cả các cộng đoàn sẽ dành những cố gắng cần thiết để tiến tới theo con đường của một sự hoán cải mục vụ và truyền giáo, không thể để tình hình tiếp tục như hiện tại. Việc ‘quản trị thuần tuý' đã trở nên bất cập. Trên khắp thế giới, chúng ta phải ‘thường xuyên trong trạng thái truyền giáo.'”[12] Với lòng tin tưởng vào Thiên Chúa và can đảm, chúng ta đừng sợ thực hiện “một chọn lựa truyền giáo có khả năng biến đổi mọi sự, để các thói quen, các cách hành động, các giờ giấc và chương trình, ngôn ngữ và các cơ cấu của Hội Thánh có thể được khai thông thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay, hơn là cho sự bảo tồn của Hội Thánh. Việc đổi mới các cơ cấu theo đòi hỏi của sự hoán cải mục vụ chỉ có thể được hiểu trong ánh sáng này: như một phần của cố gắng làm cho chúng có định hướng truyền giáo hơn, làm cho hoạt động mục vụ thông thường ở mọi cấp mang tính bao gồm và mở rộng hơn, khơi dậy nơi những người làm mục vụ một ước muốn không ngừng đi ra và nhờ đó kích thích một đáp ứng tích cực từ tất cả những người được Đức Kitô mời gọi đi vào tình bạn với Ngài. Như Đức Gioan Phaolô II có lần nói với các Giám Mục vùng Châu Đại Dương: ‘Mọi sự canh tân của Hội Thánh phải lấy truyền giáo làm mục tiêu để tránh rơi vào nguy cơ của một Hội Thánh quy vào chính mình.”[13]
Tông thư Maximum Illud kêu gọi vượt lên trên những ranh giới quốc gia và làm chứng, bằng tinh thần ngôn sứ và sự bạo dạn Tin Mừng, cho ý muốn cứu độ của Thiên Chúa nhờ sứ mạng phổ quát của Hội Thánh. Chớ gì dịp kỷ niệm Bách Chu Niên Tông Thư ấy là một động lực cho chúng ta phấn đấu chống lại cơn cám dỗ dai dẳng luôn ẩn nấp dưới mỗi hình thức tự quy của Hội Thánh, sự thu mình lại của Hội Thánh để ẩn mình trong vùng an toàn, thái độ bi quan mục vụ và mối hoài cổ vô bổ về quá khứ. Trái lại, chớ gì chúng ta biết mở lòng mình ra cho niềm vui luôn mới mẻ của Tin Mừng. Trong thời đại đầy rối loạn này, bị xé nát bởi những thảm kịch của chiến tranh và bị đe dọa bởi khuynh hướng độc hại quá tập trung vào những khác biệt và kích động những xung đột, chớ gì Tin Mừng mà trong Chúa Giêsu sự tha thứ chiến thắng tội lỗi, sự sống chiến thắng tử thần và tình yêu chinh phục sợ hãi, chớ gì Tin Mừng ấy được rao giảng cho thế giới với sự nhiệt tình mới, và làm cho niềm tin tưởng và hy vọng thấm nhuần dần dần vào mọi người.
Dưới sự soi dẫn này, tôi chấp nhận đề nghị của Bộ Loan Báo Tin Mừng cho các Dân Tộc, và bằng lá thư này tôi yêu cầu cử hành một Tháng Đặc Biệt Truyền Giáo vào tháng Mười năm 2019, nhằm thúc đẩy việc gia tăng ý thức về missio ad gentes và hăng say tiếp tục sự biến đổi truyền giáo trong đời sống và hoạt động mục vụ của Hội Thánh. Có thể coi Tháng Truyền Giáo của Tháng Mười năm 2018 là một sự chuẩn bị tốt cho việc cử hành này bằng cách làm cho mọi tín hữu quan tâm tới việc rao giảng Tin Mừng và giúp các cộng đoàn của họ gia tăng nhiệt tình truyền giáo và phúc âm hóa. Ước gì tình yêu đối với việc truyền giáo của Hội Thánh, cũng là một “niềm say mê Đức Giêsu và say mê dân của Người,”[14] ngày càng lớn mạnh hơn!
Hiền huynh đáng kính, tôi ủy thác cho Hiền Huynh, cho Bộ mà Hiền Huynh lãnh đạo, và cho các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, công việc chuẩn bị cho sự kiện này, đặc biệt bằng việc gây ý thức nơi các giáo hội địa phương, các Tu Hội Thánh Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ, cũng như nơi các hiệp hội, các phong trào, các cộng đoàn và các đoàn thể khác của Hội Thánh. Ước gì Tháng Truyền Giáo Đặc Biệt là một cơ hội mạnh mẽ và hiệu quả của ân sủng, và thúc đẩy các sáng kiến và trên hết là việc cầu nguyện, linh hồn của mọi hoạt động truyền giáo. Ước gì nó cũng tạo sự tiến triển trong việc rao giảng Tin Mừng, việc suy tư Kinh Thánh và thần học về sứ mạng của Hội Thánh, các công việc bác ái Kitô giáo, và các hoạt động thực tiễn của sự cộng tác và liên đới giữa các Giáo Hội, để nhiệt tình truyền giáo được thêm sức sống mới và không bao giờ thiếu giữa chúng ta.[15]
Từ Điện Vaticanô, 22 tháng Mười, 2017
Chúa Nhật XXIX Mùa Thường Niên
Tưởng nhớ Thánh Gioan-Phaolô II
Chúa Nhật Truyền Giáo Thế Giới
PHANXICÔ
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 114 (Tháng 09 & 10 năm 2019)
_______
[1] Thư gửi các Lãnh Đạo của các nước tham chiến, 1 tháng 8, 1917: AAS IX (1917), 421-423.
[2] Bênêđictô XV, Tông Thư Maximum Illud, 30 tháng 11, 1919: AAS 11 (1919), 445.
[3] Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Hội Thánh Ad Gentes, 7 tháng 12, 1965, 7: AAS 58 (1966), 955.
[4] Ibid., 2: AAS 58 (1966), 948.
[5] Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, 8 tháng 12, 1975, 14: AAS 68 (1976), 13.
[6] Sắc Lệnh Ad Gentes, 5: AAS 58 (1966), 952.
[7] Ibid., 8: AAS 58 (1966), 956-957.
[8] Ibid., 10: AAS 58 (1966), 959.
[9] Gioan-Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris Missio, 7 tháng 12, 1990, 1: AAS 83 (1991), 249.
[10] Ibid., 2: AAS 83 (1991), 250-251.
[11] Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium 15: AAS 105 (2013), 1026.
[12] Ibid., 25: AAS 105 (2013), 1030.
[13] Ibid., 27: AAS 105 (2013), 1031.
[14] Ibid., 268: AAS 105 (2013), 1128.
[15] Ibid., 80: AAS 105 (2013), 1053
bài liên quan mới nhất
- Đâu là địa điểm thật sự diễn ra việc Chúa Giêsu chịu phép rửa?
-
Giáo hội, Thân thể của Chúa Kitô, điều đó muốn nói gì cụ thể hôm nay? -
Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo tại Việt Nam: Thư mời tham dự chương trình hồi tâm hằng tháng năm 2025 -
Giới thiệu chương trình thường huấn dành cho giáo dân năm 2025 -
Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 01/2025: Nguồn cội và sức năng động của sứ mạng loan báo Tin mừng -
Chầu Thánh Thể cho LBTM tháng 1/2025 -
Ủy ban Loan báo Tin mừng gợi ý suy niệm chầu Thánh Thể tháng 12/2024 - Khởi đầu sứ vụ trong Thánh Thần -
Lời giới thiệu sách: Ý nghĩa và lịch sử của hành hương -
Thư gửi anh chị em giáo chức Công giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024 -
Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 11/2024: Giáo hội trong thế giới hiện đại
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Thánh Cha nhắc lại lời mời cầu nguyện cho Thượng Hội đồng
-
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng -
Suy tư về Ngày Thế giới Người nghèo năm 2023 -
Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu năm 2024 -
Giáo dân truyền giáo -
Truyền giáo Việt Nam hiện nay: Ánh sáng và bóng tối -
Canh tân hoạt động loan báo Tin Mừng tại Việt Nam ngày nay -
Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp khai giảng năm học 2024 - 2025 -
Lời Chúa sống động nơi một cuộc đời cụ thể -
Rao giảng Lời Chúa: lịch sử và thần học