Thánh lễ an táng ĐGM Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang

Thánh lễ an táng ĐGM Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang

Sáng nay thứ Hai 09/10/2017, sau ba ngày quàn tại Nhà thờ chính toà, linh cữu của Đức cha Phanxixô Xaviê Nguyễn Văn Sang, nguyên Giám mục giáo phận Thái Bình – được Chúa gọi về vào tối thứ Năm, ngày 05/10/2017– đã được rước ra lễ đài phía trước Trung tâm Mục vụ để cử hành Thánh lễ cuối cùng.

Hiện diện trong tang lễ có quý Đức cha: Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng giám mục Huế, Chủ tịch Hội đồng Giám mục (HĐGM) Việt Nam; Đức hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng giám mục Hà Nội; Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, nguyên Đại diện Toà thánh tại Việt Nam; Đức cha Giuse Nguyễn Năng, giám mục Phát Diệm, Phó chủ tịch HĐGM Việt Nam; Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, giám mục Hải Phòng, Phó Tổng thư ký HĐGM; Đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bản, giám mục Ban Mê Thuột; Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, giám mục Đà Lạt; Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, giám mục Xuân Lộc; Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, giám mục Bắc Ninh; Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, giám mục Sài Gòn; Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu, giám mục Bùi Chu; Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, giám mục Vinh; Đức cha Matthêu Nguyễn văn Khôi, giám mục Qui Nhơn; Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, giám mục phụ tá Hưng Hoá; Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, giám mục phó Đà Lạt; Đức cha Laurensô Chu Văn Minh, giám mục phụ tá Hà Nội; Đức cha Giuse Võ Đức Minh, giám mục Nha Trang; Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, giám mục Đà Nẵng; Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân, giám mục phụ tá Xuân Lộc; Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, giám mục Bà Rịa; Đức cha Gioan Maria Vũ Tất, giám mục Hưng Hoá; Đức cha Giuse Trần Văn Toản, giám mục phó Long Xuyên; Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri, giám mục Lạng Sơn; Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, nguyên giám mục Phú Cường; Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, giám mục phụ tá Vinh; Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, nguyên giám mục Phát Diệm.

Mở đầu, Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, thay mặt HĐGM bày tỏ tình huynh đệ linh mục, tinh thần liên đới hiệp thông với Đức cha Phêrô giáo phận Thái Bình. Lời phân ưu chính thức được Đức Tổng giám mục Giuse gửi đến Đức giám mục giáo phận Thái Bình, với đại gia đình giáo phận Thái Bình, với Tổng giáo phận Hà Nội và với các môn sinh của Đức cha Phanxixô Xaviê cũng như với tang quyến, linh tông và huyết tộc của Đức cha Phanxixô Xaviê. Sau đó Đức Tổng giám mục Giuse dâng nén hương kính viếng trước linh cữu của Đức cha Phanxixô Xaviê.

Tiếp theo, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, giám mục Thái Bình giới thiệu quý Đức cha, đồng thời kính chào và cám ơn quý khách cùng cộng đoàn tham dự. Sau đó, cha Tổng đại diện giáo phận Thái Bình Phanxicô Assisi Nguyễn Tiến Tám đọc điện thư phân ưu của Đức Thánh Cha Phanxicô và của Đức hồng y Fernado Filoni, Bộ trưởng Bộ Truyền giáo.

Sau phần đọc tiểu sử Đức cha Phanxixô Xaviê, Đức hồng y chủ tế Phêrô Nguyễn Văn Nhơn bắt đầu Thánh lễ.

Sau đây là bài chia sẻ sau Phúc âm của Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, giám mục giáo phận Hải Phòng:

***

“Thân trắng trong mà lòng trắng trong,
Đêm đêm giọt lệ nhỏ ròng ròng,
Muốn vì nhân thế khơi nguồn sáng
Rút ruột khêu lên ngọn lửa hồng”

Đó là những vần thơ của thi sĩ giám mục Phanxixô Xaviê Nguyễn Văn Sang, bút danh Bạch Lạp, nghĩa là Cây nến trắng. Bạch Lạp cũng là tên của bài thơ này. Đây là một trong những bài thơ tác giả rất tâm đắc; vì thế khi xây dựng Nhà thờ chính toà Thái Bình, Đức cha Phanxixô đã cho khắc trên cung thánh những vần thơ như lời tự sự của tác giả về cuộc đời mình, đồng thời cũng là một triết lý sống Kitô giáo, một trải nghiệm về lý tưởng tông đồ và hành trình của đời dâng hiến.

Bài thơ Bạch lạp như một lời tự sự phác hoạ cuộc đời của tác giả cũng là cuộc đời của mỗi người chúng ta. Những cây nến thường đặt trên bàn thờ để tôn thờ Thiên Chúa, để tôn kính các vị thần linh hoặc ông bà cha mẹ. Ánh sáng của ngọn nến vừa để soi sáng vửa để sưởi ấm và cũng là một cử chỉ tôn thờ.

Thân trắng trong mà lòng trắng trong: màu trằng của cây nến diễn tả sự thanh tịnh, đơn sơ và thánh thiện. Sống như hình ảnh của cây nến cũng là ơn gọi của người Kitô hữu chúng ta. Khi chúng ta lãnh nhận bí tích Thanh tẩy, vị chủ sự lễ nghi trao cho chúng ta một cây nến sáng với lời dặn dò: hãy cố gắng sống như con cái sự sáng để góp phần chiếu sáng thế gian bằng lòng đạo hạnh và bằng những nhân đức của mình. Cây nến trắng là lời mời gọi mỗi người chúng ta hãy trở nên tinh tuyền thánh thiện trong lời nói, tư tưởng và việc làm của mình.

Bài thơ Bạch lạp cũng diễn tả triết lý sống Kitô giáo. Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi con người biết sống vì tha nhân, sống cho người khác và vì người khác. Như cây nến thắp sáng âm thầm chấp nhận hao mòn mỗi ngày để đem nguồn sáng cho đời, người Kitô hữu cũng phải dấn thân phục vụ anh chị em mình. Trong Tin Mừng thánh Gioan, Chúa Giêsu đã khẳng định với chúng ta: Người là hạt lúa mì gieo xuống lòng đất, chấp nhận mục nát để nảy mầm sinh hoa kết trái. Hạt lúa gieo xuống đất không chấp nhận mục nát sẽ trơ trọi vô nghĩa. Ngọn nến không đón nhận lửa để thắp sáng sẽ trở nên vô dụng. Chúa Giêsu nói về hạt lúa trong bối cảnh của cuộc thương khó mà Người sắp phải trải qua, đồng thời qua đó Người khẳng định: qua cái chết Người sẽ được tôn vinh. Qua những lời này Chúa Giêsu mời gọi chúng ta, những ai muốn theo Chúa phải học nơi Người bài học hy sinh, sống vì hạnh phúc của tha nhân, của anh chị em mình. Những ai cố tìm mạng sống mình, cố giữ mạng sống mình ở đời này thì sẽ mất mạng sống ấy. Và những ai sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Nước Trời, vì tha nhân, vì hạnh phuc của đồng loại, sẽ tìm lại được sự sống ấy nơi hạnh phúc vĩnh cửu.

Bài thơ Bạch lạp cũng diễn tả với chúng ta ý nghĩa của đời dâng hiến và lý tưởng tông đồ: “Muốn vì nhân thế khơi nguồn sáng”. Cũng như cây nến chấp nhận hao mòn để toả sáng cho đời, người tông đồ phải lên đường mang ánh sáng của Chúa đến cho muôn dân. Công cuộc mang ánh sáng là một chuỗi những gian truân và gắn liền với thập giá, vì thế mà thân phận cây nến phải “đêm đêm giọt lệ nhỏ ròng ròng” .

Như Đức Giêsu đã rảo khắp nẻo đường xứ Palestina để rao giảng Tin Mừng, người tông đồ cũng phải đi đến những vùng ngoại ô theo kiểu nói của Đức giáo hoàng Phanxicô để đem tình thương của Chúa đến với con người thuộc mọi tầng lớp xã hội nhất là những người bị quên lãng và loại trừ. Chẳng có cuộc lên đường nào mà không đòi hỏi phải hy sinh, không có con đường nhung lụa dành cho nhà truyền giáo. Tác giả bài thơ đã diễn tả những hy sinh qua đó qua những hình ảnh rất sinh động: Rút ruột khêu lên ngọn lửa hồng. Đó là những lao nhọc chông gai vất vả. Đó cũng là những trải nghiệm thực tế về những hy sinh trong trách nhiệm của một người mục tử. Những hy sinh ấy không rơi vào quên lãng nhưng được khắc ghi trong trái tim của Thiên Chúa và trong lòng Giáo hội.

Cây nến trắng có tên là Phanxixô Xaviê Nguyễn Văn Sang sau 86 năm toả sáng, nay đã ngừng cháy. Cây nến ấy đã chiếu sáng ở nhiều cương vị khác nhau, nhiều nẻo đường đời: Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Hà Nội, Giám đốc và giáo sư Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội, Tổng thư ký HĐGMVN, Phó chủ tịch HĐGMVN, Chủ tịch Uỷ ban Giáo dân. Với những cương vị ấy, Đức cha Phanxixô đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người đủ mọi tầng lớp, nhất là đến với những người nghèo để đem cho họ ánh sáng Tin Mừng và tình thương của Thiên Chúa. Trong 86 năm cuộc đời của Đức cha Phanxicô có 59 năm đời linh mục, 36 năm giám mục – trong đó 19 năm là Giám mục chính toà giáo phận Thái Bình. Với tâm niệm đời giám mục “Chân lý trong Tình yêu” và noi gương thánh bổn mạng của mình, Đức cha Phanxicô Xaviê đã vượt qua nhiều ranh giới để đối thoại với mọi tầng lớp, không phân biệt tôn giáo hay chính kiến, giàu hay nghèo, học thức hay bình dân, với thao thức trình bày giáo huấn của Tin Mừng, tạo một nhịp cầu cảm thông giữa Giáo hội và các tổ chức xã hội.

Trong tinh thần đức tin, chúng ta xác tín rằng cây bạch lạp mang tên Phanxixô Xaviê không ngừng cháy nhưng không rơi vào quên lãng và không đi về cõi hư vô. Tác giả sách Khôn ngoan đã khẳng định với chúng ta như thế bởi vì: linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa và nỗi thống khổ của sự chết không đụng tới các ngài. Dưới cái nhìn của người đời có vẻ như họ ra đi vĩnh viễn nhưng thực ra các ngài đang hưởng bình an: đức tin khẳng định với chúng ta điều ấy. Vâng, ngọn nến trắng ấy ngừng cháy trong cõi tàn để khởi đầu một giai đoạn mới bừng cháy trong cõi ngàn thu, để hoà mình vào niềm vui bất diệt, nơi phụng vụ thiên quốc cùng với muôn cơ binh thiên thần ca tụng Chúa không cùng. Cuối thánh lễ này chúng ta sẽ gửi thi hài của Đức cha Phanxixô Xaviê trong lòng đất như hạt lúa gieo xuống chờ ngày nảy mầm và sinh hoa kết trái. Chúng ta cảm tạ Chúa đã ban cho Giáo hội Việt Nam nói chung và giáo phận Thái Bình nói riêng một vị chủ chăn đã hết mình vì đoàn chiên, đầy tâm huyết như ngọn nến cháy để đem nguồn sáng cho đời.

Xin cho chúng ta noi gương Đức cha Phanxixô Xaviê bước đi trong ánh sáng chính là Thiên Chúa nhờ đó chúng ta trở nên thánh thiện và tinh tuyền giữa bao gian nan thử thách của cuộc đời. Đức Kitô là ánh sáng thế gian. Tin vào Chúa là tin vào ánh sáng chân lý và đi theo chân lý ấy. Đi theo ánh sáng ngàn đời là Đức Giêsu Kitô chúng ta không sợ bị lầm lạc, không còn sống trong tối tăm và tội lỗi; đó cũng là điều thánh Gioan tông đồ khuyên nhủ chúng ta trong bài đọc 2 mà chúng ta vừa nghe. Một khi bước theo ánh sáng, chúng ta cũng sống tình hiệp thông với anh chị em mình và cùng với họ góp phần làm cho ánh sáng lan toả nơi trần gian. Khi sánh ví đời mình với cây nến trằng, thi sĩ Bạch Lạp cũng gửi gắm niềm hy vọng nơi Đức Giêsu phục sinh. Người là ánh sáng bừng lên trong đêm tối. Hình ảnh này được diễn tả trong Đêm Phục sinh với cây nến Phục sinh toả sáng. Đức Giêsu đã vượt qua cái chết để đến với sự sống, đã vượt qua tăm tối để đến với ánh sáng, đã vượt qua đau khổ để đến với vinh quang. Cây nến Phục sinh được đặt bên cạnh thi hài của người tín hữu như lời tuyên xưng đức tin vào sự Phục sinh và vào sự sống đời đời. Trong thánh lễ này, cùng với của lễ trên bàn thờ là bánh và rượu, chúng ta dâng lên Chúa cuộc đời và sứ mạng của Đức cha Phanxixô Xaviê như một lời tạ ơn và như một cây nến trắng với ước nguyện cây nến ấy toả sáng trong Nhà Chúa Cha như phần thưởng dành cho người tôi tớ trung thành.

***

Sau lời nguyện hiệp lễ, Đức Tổng giám mục Girelli phân ưu với Đức cha Phêrô giám mục giáo phận Thái Bình và đại gia đình giáo phận Thái Bình.

Tiếp theo, cha Tổng đại diện giáo phận Thái Bình thay lời cho mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận bày tỏ những tâm tình cuối cùng với Đức cha Phanxixô Xaviê, nguyên Giám mục giáo phận.

Sau lời cám ơn của vị đại diện gia đình Đức cha Phanxixô Xaviê và của đại diện Ban tổ chức tang lễ, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, giám mục Thái Bình, chủ sự nghi thức tiễn biệt; sau đó linh cữu Đức cha Phanxixô Xaviê được di quan đến phần mộ trong Nhà thờ chính toà và Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân chủ sự nghi thức tại phần mộ.  

(Xem thêm hình tại đây)

(Nguồn: WHĐ)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top