Tài liệu dùng trong Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất và trong cả năm 2011 - Phần IV: Ngày thứ tư

Tài liệu dùng trong Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất và trong cả năm 2011 - Phần IV: Ngày thứ tư

PHẦN IV: BẢN VĂN KINH THÁNH, SUY NIỆM VÀ LỜI NGUYỆN CHO TÁM NGÀY
NGÀY THỨ TƯ
Biểu lộ sự hiệp nhất qua việc chia sẻ
 Bản văn Kinh Thánh
Bài đọc I (Isaia 58, 6-10): Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là chia cơm cho người đói?    
Đáp ca (Thánh vịnh 37, 1-11): Cứ tin tưởng vào Chúa và làm điều thiện
Bài đọc II (Công vụ Tông đồ 4, 32-37): Họ đặt mọi sự làm của chung
Tin mừng (Matthêô 6, 25-34): Trước tiên hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa
 Suy niệm
Giáo hội hôm nay vẫn tiếp nối cộng đoàn Giáo hội Giêrusalem thời các Tông đồ ngày xưa trong việc chuyên cần lắng nghe lời giáo huấn của các Tông đồ, hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Tuy nhiên cộng đoàn Giáo hội tại Giêrusalem hiện nay muốn nhắc nhớ chúng ta ý thức hơn rằng việc chuyên cần đó phải đi đến kết quả thực tế là sự chia sẻ. Sách Công vụ Tông đồ khẳng định điều ấy một cách rất giản dị: “Tất cả các tín hữu hiệp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu” (Công vụ Tông đồ 2,44-45). Bài đọc II hôm nay, trích trong Công vụ Tông đồ, gắn liền việc chia sẻ căn bản này với “việc các Tông đồ làm chứng về sự sống lại của Đức Giêsu và việc tất cả các ông được dồi dào ân sủng”. Sau này, chính những người bách hại Giáo hội trong Đế quốc Rôma đã nhận xét cách khách quan rằng: “Kìa xem họ yêu thương nhau là dường nào”.
Các Kitô hữu ở Giêrusalem hiện nay cũng cần phải thực hiện những nghĩa cử chia sẻ tài sản tương tự như vậy trong cuộc sống. Vì đó là dấu hiệu chứng tỏ chúng ta vẫn tiếp nối truyền thống các Kitô hữu tiên khởi; đó là dấu hiệu và cũng là thách đố cho toàn thể Giáo hội. Bài đọc trích từ sách Công vụ Tông đồ cũng liên kết việc loan báo Tin mừng, cử hành Thánh Thể và hiệp thông huynh đệ trong cộng đoàn với việc bảo đảm bình đẳng và công lý căn bản cho tất cả mọi người. Trong hoàn cảnh đó, sự chia sẻ trở thành chứng từ sống động cho sự phục sinh của Đức Giêsu và chứng minh rằng Giáo hội ngày nay vẫn tiếp nối cộng đoàn Giáo hội Giêrusalem của các Tông đồ xưa. Và đó cũng là dấu hiệu chứng tỏ chúng ta hiệp nhất với nhau.
Có nhiều hình thức chia sẻ. Chia sẻ cách căn bản như trong Giáo hội thời các Tông đồ là không để ai bị lãng quên. Chia sẻ với nhau những gánh nặng, những tranh đấu, những đau khổ. Chia sẻ với nhau niềm vui và thành công, những lời chúc phúc và sự chữa lành. Những truyền thống khác nhau trong Giáo hội cũng có thể chia sẻ cho nhau những đặc sủng và sự hiểu biết lẫn nhau bất chấp những khác biệt và chia cắt và khi làm như thế là chúng ta đang chia sẻ và trao đổi đại kết với nhau về ân sủng. Sự chia sẻ quảng đại này là kết quả cụ thể của việc chúng ta chuyên cần lắng nghe lời giáo huấn của các Tông đồ, hiệp thông huynh đệ. Đó cũng là kết quả cụ thể của lời cầu nguyện cho các Kitô hữu được hiệp nhất.
 Lời nguyện
Lạy Thiên Chúa công bình, ân sủng của Chúa quả vô cùng vô tận. Chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống hằng ngày. Xin giữ chúng con khỏi tội ích kỉ chỉ biết thu tích cho mình và xin thúc đẩy chúng con trở thành khí cụ của tình yêu Chúa bằng cách chia sẻ những gì Chúa ban để chúng con trở thành nhân chứng cho lòng quảng đại và công bình của Chúa. Vì chúng con là môn đệ Đức Kitô, xin cho chúng con biết cùng nhau dấn thân vào những nơi đang cần đến chúng con: nơi những người đang bị đẩy ra khỏi nhà của chính mình, nơi những người yếu thế đang bị những kẻ quyền thế áp bức khổ đau, nơi mà nghèo đói và thất nghiệp đang hủy hoại những con người. Chúng con cầu xin Chúa nhờ Đức Giêsu trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần. Amen.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top