Tài liệu dùng trong Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất và trong cả năm 2011 - Phần IV: Ngày thứ nhất

Tài liệu dùng trong Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất và trong cả năm 2011 - Phần IV: Ngày thứ nhất

 

PHẦN IV: BẢN VĂN KINH THÁNH, SUY NIỆM VÀ LỜI NGUYỆN CHO TÁM NGÀY
NGÀY THỨ NHẤT
Cộng đoàn Giáo hội Giêrusalem
Bản văn Kinh Thánh
Bài đọc I (Jôel 2, 21-22; 3, 1-2): Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm
Đáp ca (Thánh vịnh 46): Thiên Chúa ở giữa thành
Bài đọc II (Công vụ Tông đồ 2, 1-12): Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần   
Tin mừng (Gioan 14, 15-21): Đó là Thần Khí sự thật
Suy niệm
Tiến trình của Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất được khởi đi từ Giêrusalem, từ ngày lễ Ngũ Tuần, tức là thời điểm mà Giáo hội chính thức được bắt đầu hình thành. Chủ đề của tuần cầu nguyện này là: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng”. “Các tín hữu” được nói đến ở đây chính là cộng đoàn Giáo hội Giêrusalem tiên khởi, một cộng đoàn được sinh ra trong ngày Lễ Hiện Xuống, ngày mà Đấng Bảo Trợ, Thần Khí sự thật, được ban xuống cho các tín hữu, như Thiên Chúa đã hứa qua tiên tri Jôel và như Đức Giêsu đã hứa vào buổi chiều hôm trước Ngài chịu thương khó và chịu chết.
Tất cả những người hiện diện trong ngày lễ Hiện xuống, đều tiếp tục sống trong cộng đoàn Giáo hội Giêrusalem tiên khởi, một cộng đoàn do thánh Giacôbê Tông đồ coi sóc. Cộng đoàn Giáo hội này là mẹ sinh ra tất cả các Giáo hội khác. Cộng đoàn này cho chúng ta thấy rõ hơn hình ảnh về sự hiệp nhất các Kitô hữu, là điều mà chúng ta cầu nguyện trong tuần lễ này.
Theo một truyền thống cổ xưa tại Á đông, chính nhờ được tiếp nối với cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi ở Giêrusalem mà Giáo hội được tiếp tục lưu truyền. Cộng đoàn Giáo hội Giêrusalem thời các Tông đồ được liên kết với Giáo hội Giêrusalem trên trời và trở thành kiểu mẫu cho mọi Giáo hội Kitô. Và vì là sự tiếp nối cộng đoàn Giáo hội Giêrusalem nên tất cả các cộng đoàn Giáo hội phải duy trì những “nét” đặc trưng của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi như chuyên cần “nghe lời giảng dạy của các Tông đồ, hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng”.
Cộng đoàn Giáo hội Giêrusalem hiện nay còn là sự tiếp nối cộng đoàn Giáo hội Giêrusalem thời các Tông đồ một cách đặc biệt khi chấp nhận phải trả giá thương đau để làm chứng cho chân lý. Những chứng từ mà cộng đoàn Giáo hội Giêrusalem đang sống để loan báo Tin mừng, nhằm xoá đi những bất công, bất bình đẳng cho chúng ta thấy rằng không thể cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất mà lại không cầu nguyện cho hòa bình và công lý.
Lời nguyện

Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, với quyền năng mạnh mẽ, Chúa đã sai Chúa Thánh Thần đến để qui tụ các Kitô hữu tiên khởi tại Giêrusalem, bất chấp sự hùng mạnh của đế quốc trần gian Rôma. Xin hãy qui tụ chúng con. Xin cho chúng con luôn biết tự hào sống và lên đường rao giảng Tin mừng bình an và hòa giải tại những nơi mà bất công và bất bình đẳng đang hoành hành. Chúng con cầu xin Chúa nhân danh Đức Giêsu Kitô, Đấng đã giải thoát chúng con khỏi những ràng buộc của tội lỗi và sự chết. Amen.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top