Tài liệu dùng trong Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất và trong cả năm 2011 - Phần IV: Ngày thứ năm

Tài liệu dùng trong Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất và trong cả năm 2011 - Phần IV: Ngày thứ năm

PHẦN IV: BẢN VĂN KINH THÁNH, SUY NIỆM VÀ LỜI NGUYỆN CHO TÁM NGÀY
NGÀY THỨ NĂM
Cử hành lễ bẻ bánh trong niềm hy vọng
 Bản văn Kinh Thánh
Bài đọc I (Xuất hành 16, 13b-21a): Đó là bánh Đức Chúa ban cho anh em làm của ăn!
Đáp ca (Thánh vịnh 116, 12-14.16-18): Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ
Bài đọc II (1 Corinthô 11, 17-18.23-26): Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy
Tin mừng (Gioan 6, 53-58): Đây là bánh từ trời xuống
 Suy niệm
Ngay từ thời cộng đoàn Giêrusalem nguyên thuỷ, nghi lễ “bẻ bánh” vẫn luôn là trọng tâm của đời sống Kitô hữu. Đối với các Kitô hữu Giêrusalem hôm nay, nghi lễ này vẫn là biểu tượng truyền thống của tình huynh đệ, sự tha thứ và dấn thân phục vụ tha nhân. Nghi lễ bẻ bánh thúc bách chúng ta tìm kiếm sự hiệp nhất để sự hiệp nhất này trở thành lời kêu gọi thế giới đang bị chia rẽ hôm nay sống thân thiện với nhau. Chính thế giới này, cách này hay cách khác, đã tạo nên chúng ta. Qua nghi lễ bẻ bánh, các Kitô hữu được tái tạo, phát huy vai trò ngôn sứ để loan báo niềm hy vọng cho toàn nhân loại.
Ngày nay, chúng ta cũng đang bẻ bánh “với một tâm hồn rộng lớn và quảng đại”; nhưng mỗi cử hành Thánh Thể đều lưu ý chúng ta rằng hiện tại đang còn những chia rẽ đau thương nơi chúng ta. Trong ngày thứ năm của Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất này, các Kitô hữu ở Giêrusalem qui tụ nơi “Phòng cao”, nơi diễn ra bữa Tiệc ly của Chúa. Ở đó, dù họ không cử hành Thánh Thể nhưng họ vẫn bẻ bánh trong niềm hy vọng.
Ngay chính giữa hoang mạc của thất vọng hôm nay, Chúa đến gặp gỡ chúng ta để dạy cho chúng ta niềm hy vọng. Sách Xuất hành cho thấy Thiên Chúa đã phản ứng thế nào trước những lời trách móc lẩm bẩm của Dân mà chính Ngài đã giải phóng: Ngài đã đáp ứng đầy đủ những thứ họ cần - không nhiều hơn, không ít hơn. Bánh Manna trong sa mạc là một quà tặng của Chúa. Người ta không thể để dành, cũng không thể hiểu hết ý nghĩa của quà tặng này. Như trong Thánh vịnh mà chúng ta vừa đọc, biến cố Manna mời gọi chúng ta dâng lời tạ ơn Chúa, vì Ngài đã “tháo gỡ những mối giây trói buộc chúng ta”.
Theo Thánh Phaolô, việc bẻ bánh không chỉ có nghĩa là cử hành Thánh Thể, nhưng còn làm cho chúng ta thành một dân tộc Thánh Thể, tức là trở nên thân mình Đức Kitô trong thế giới hôm nay. Trong bối cảnh đó, bài đọc ngắn chúng ta vừa nghe (1 Côrinthô 10,11) cho thấy cộng đoàn Kitô hữu phải cố gắng sống thế nào: sự hiệp thông với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một lối sống đúng đắn, giữa bối cảnh thế giới khó khăn này, đồng thời xây dựng đời mình trong Đức Kitô. Chúng ta đang sống “trong sự tưởng nhớ đến Người”.
Vì chúng ta là một dân thực hiện nghi thức bẻ bánh, nên chúng ta được tham dự vào sự sống đời đời –sự sống viên mãn– như bài đọc trích từ Tin mừng thánh Gioan đã dạy chúng ta. Dù chúng ta sống trong khó khăn hay hy vọng, những cử hành Thánh Thể phải giúp chúng ta suy tư với cách thức mà hồng ân sự sống đang thể hiện cách dồi dào. Tuy phải đối diện với những thách đố thường ngày, các tín hữu Giêrusalem vẫn chứng tỏ cho thấy họ vẫn có thể sống an vui và hy vọng.
 Lời nguyện
Lạy Thiên Chúa là nguồn hy vọng, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con quà tặng mà chính Chúa đã thương ban trong bữa tiệc thánh, tức là Thánh Thể. Chính trong bữa ăn này, nhờ Chúa Thánh Thần, chúng con tiếp tục được gặp gỡ Con Một Chúa là Đức Giêsu Kitô, bánh hằng sống từ trời xuống. Xin tha thứ cho chúng con vì chúng con đã bất trung với quà tặng cao quý này, khi chúng con tiếp tay cho những bất bình đẳng và đã thỏa hiệp với chia rẽ. Lạy Chúa, chúng con xin Chúa làm cho ngày toàn thể Giáo hội qui tụ để cùng nhau bẻ bánh được mau đến. Trong khi chúng con chờ đợi ngày này, xin cho chúng con ngày càng cố gắng để trở nên một dân tộc khơi nguồn từ Thánh Thể, nhằm phục vụ thế giới hôm nay. Chúng con cầu xin Chúa, nhờ Đức Giêsu, Chúa chúng con. Amen.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top