Tài liệu dùng trong Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất và trong cả năm 2011 - Phần IV: Ngày thứ bảy

Tài liệu dùng trong Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất và trong cả năm 2011 - Phần IV: Ngày thứ bảy

PHẦN IV: BẢN VĂN KINH THÁNH, SUY NIỆM VÀ LỜI NGUYỆN CHO TÁM NGÀY
NGÀY THỨ BẢY
Sống trong đức tin vào sự phục sinh
Bản văn Kinh Thánh
Bài đọc I (Isaia 60, 1-3.18-22): Ngươi sẽ gọi thành luỹ ngươi là “ơn cứu độ” và cửa thành là “lời ngợi khen”
Đáp ca (Thánh vịnh 118, 1.5-7): Tôi sẽ không chết, nhưng tôi sẽ sống
Bài đọc II (Rôma 6, 3-11): Vì được dìm vào trong cái chết của Đức Kitô, chúng ta đã cùng được mai táng với Người... nhờ đó chúng ta cũng được sống một đời sống mới
Tin mừng (Matthêô 28, 1-10): Đức Giêsu nói: “Đừng sợ!”
Suy niệm
Việc các Kitô hữu đầu tiên chuyên cần lắng nghe các Tông đồ giảng dạy, sống tình hiệp thông huynh đệ, tham dự lễ nghi bẻ bánh và sốt sắng cầu nguyện được thực hiện trong quyền năng sự sống của Đức Giêsu phục sinh. Ngày hôm nay, quyền năng này vẫn đang hiện hữu, như các Kitô hữu ở Giêrusalem đang làm chứng. Mặc dù có nhiều khó khăn của tình trạng hiện tại, có thể so sánh giống như vườn Giệtsimani và đồi Canvê, họ vẫn xác tín rằng mọi sự được canh tân nhờ việc Đức Giêsu sống lại từ những kẻ chết.
Ánh sáng và niềm hy vọng của sự phục sinh sẽ biến đổi mọi sự. Như ngôn sứ Isaia đã loan báo, bóng tối sẽ trở thành ánh sáng; mọi dân nước sẽ được ánh sáng chiếu soi. Quyền năng của sự phục sinh tỏa sáng từ Giêrusalem, tức là nơi Chúa chịu khổ hình, và lôi cuốn mọi dân tộc về ánh quang của mình. Đó là một cuộc sống mới, là nơi không còn bạo lực. Mọi người sẽ luôn tôn vinh Chúa và được sống trong bình an của ơn cứu độ.
Tác giả Thánh vịnh cho chúng ta thấy một kinh nghiệm cơ bản của Kitô giáo, đó là cuộc vượt qua từ cõi chết đến cõi sống. Đây cũng là dấu hiệu thường hằng của tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu không gì lay chuyển nổi. Cuộc vượt qua này liên hệ đến mọi Kitô hữu, dẫn ta từ sự kinh hoàng của cái chết đến niềm hân hoan của cuộc sống mới. Bởi lẽ, như Thánh Phaolô đã dạy, nhờ Bí tích Thanh tẩy, chúng ta đã được mai táng với Đức Kitô và chúng ta cùng sống lại với Người. Chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô và chúng ta cùng sống để chia sẻ sự sống phục sinh của Người. Như thế, chúng ta có thể nhìn thế giới này một cách hoàn toàn khác –với lòng từ tâm, sự nhẫn nại, tình yêu và niềm hy vọng– vì trong Đức Kitô, những khó khăn của thời hiện tại không bao giờ là tiếng nói sau cùng của lịch sử. Mặc dù còn những chia rẽ, chúng ta, những tín hữu Kitô còn khác biệt nhau, chúng ta biết rằng Bí tích Thanh tẩy quy tụ chúng ta và cho phép chúng ta vác thập giá trong ánh sáng phục sinh.
Theo Tin mừng, sự sống được phục sinh không đơn thuần chỉ là một khái niệm hay một ý tưởng nhằm khích lệ; nhưng đó là sự sống ăn rễ sâu nhờ một biến cố sống động của thời gian và không gian. Đó là biến cố mà bài đọc Tin mừng kể lại cho chúng ta, với một văn phong mang đậm tính nhân loại và diễn cảm. Từ Giêrusalem, Chúa phục sinh vẫn chào thăm các môn đệ của Người trong mọi thời đại, đồng thời kêu gọi hết thảy chúng ta đừng sợ hãi khi theo Người. Người đang đi trước chúng ta.
Lời nguyện
Lạy Chúa là Đấng chở che những người quả phụ, trẻ mồ côi và người ngoại kiều. Trong một thế giới có biết bao người đang thất vọng, Chúa đã làm cho Đức Giêsu Con Chúa sống lại để đem niềm hy vọng cho nhân loại và canh tân trái đất. Xin tiếp tục củng cố và liên kết Giáo hội của Chúa trong cuộc chiến chống lại sức mạnh của thần chết, giữa một thế giới mà bạo lực hoành hành, làm biến dạng công trình tạo dựng và tàn phá nhân loại đến mức làm lu mờ niềm hy vọng vào một cuộc sống mới do Chúa đã hứa. Chúng con cầu xin Chúa, nhân danh Đức Kitô phục sinh, trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Amen.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top