Suy niệm thứ Bảy Tuần Thánh & Vọng Phục sinh

Suy niệm thứ Bảy Tuần Thánh & Vọng Phục sinh

 

Thứ Bảy Tuần Thánh

Hôm nay Giáo Hội giúp chúng ta ở bên mộ Chúa Giêsu mà suy niệm về những đau khổ Chúa chịu vì yêu thương chúng ta. Chúng con cảm tạ Chúa đã cứu chúng con ra khỏi những lầm lạc và những bế tắc do tội nguyên tổ gây nên, cho chúng con nhận ra hậu quả nặng nề của tội lỗi và tình thương của Chúa bao la vô cùng. Ngài lãnh lấy hết tội lỗi mà con người đáng phải chịu hậu quả và tình thương của ngài trên Thập Giá mở ngõ dẫn vào sự sống thật đời đời, dẫn chúng con về nhà Cha trên Trời.

Chúa Giêsu đã đến sửa lại thế giới hư hỏng, gánh hết tội lỗi trần gian. Ngài lập Hội Thánh để qui tụ mọi người dẫn đưa về Thiên Quốc. Ngài lo chúng con yếu đuối, chưa đủ sức chịu khó nhọc nên đã ra tay cứu giúp trong những lúc gian nan khốn khó, lập ra các Bí tích để con tiếp nhận được ơn Chúa hàng ngày để có sức vượt qua mọi gian nan khốn khó. Bằng tình yêu, Ngài chỉ cho chúng con biết bám vào Ngài và đón nhận tất cả những gì Chúa Cha ban cho cũng như thực hiện nhiệm vụ con phải làm để xứng đáng là con Chúa. Nhờ công nghiệp và sự Phục sinh của Ngài mà chúng con được hạnh phúc. Những ai tin vào Ngài sẽ được tẩy xoá hết tội lỗi và đưa vào vinh quang Nước Trời.

Chúa chịu an táng vội vàng đơn sơ. Chúa chịu thiệt thòi từ lúc mới sinh cho đến lúc chết để cứu chuộc chúng con. Khi sinh ra Chúa không có nôi hay giường nằm, không có nhà để ở. Khi chết cũng an táng vội vã, chưa kể thời gian đi giảng dạy chịu những nhà lãnh đạo Do Thái tìm đủ cách để làm mất uy tín Chúa tuy họ không làm được. Cuối cùng Chúa chịu kết án oan. Chúa đã sống cuộc đời cho đi tất cả, phục vụ cho đến chết. Khác với vua Chúa trần gian thường hay bắt người khác phục vụ cho mình, tìm sự giàu sang thoải mái, bắt mọi người phục vụ cho mình để rồi cuối cùng cũng chết ra tro. Hôm nay Chúa chịu mai táng trong mồ. xin giúp chúng con biết mai táng với Chúa trong các việc hy sinh hàng ngày, cho chúng con biết cởi bỏ con người cũ, mặc lấy Chúa, sống tinh thần Chúa dạy.

Sự chết của Chúa Kitô gắn liền với những gì Ngài đã nói và làm trước đó, là hành động quyết liệt và cuối cùng của việc Ngài mạc khải về Thiên Chúa và về con người. Thập Giá mang lại vinh quang, nhưng để có vinh quang thì Con Chúa đã phải trải qua đau đớn tủi nhục đến tột cùng. Chúng ta hãy ngắm nhìn và suy niệm ý định cứu độ của Chúa. Khi hai môn đệ đã rửa máu nơi các vết thương Chúa sạch thì lấy thuốc thơm mà xức người và lấy vải trắng mà vấn lấy đoạn đặt vào trong huyệt đá mới làm. Chính vì tội con mà Chúa phải khổ sở cho đến chết như thế. Bao nhiêu là đòn vọt, đinh nhọn, gai dài đâm thủng da thịt Chúa, cả và mình sưng tím đầy những vết thương. Nhìn vào đó chúng con biết tội mình nặng thể nào và lòng Chúa thương chúng con đến mức nào.

Hôm nay chúng con theo chân Mẹ Maria đứng dưới chân Thánh Giá, Mẹ đã can đảm nhận lấy khổ đau Chúa trao theo gương con Mẹ. Chúng con xin hiệp cùng những đau khổ của Mẹ và của Con Mẹ bằng những việc hy sinh hàng ngày, những khó nhọc thiếu thốn của gia đình chúng con. Xin Chúa cho chúng con biết tránh xa tội lỗi và bỏ mọi tính mê nết xấu để xứng đáng là đền thờ cho Chúa ngự hàng ngày. Xin Chúa ban cho chúng con ơn bền đỗ, biết giữ lòng sạch tội như ngôi mộ mới. Xin ban cho chúng con lòng mến yêu Chúa mỗi khi rước Mình Thánh Chúa vào lòng. Xin cho chúng con biết vác Thánh Giá hàng ngày là những công việc bổn phận con phải làm và khó khăn trong cuộc sống cho ngày sau được xem thấy Chúa và hưởng vinh phúc cõi trời.


 Suy niệm Vọng Phục sinh

Ngày thứ bảy Tuần Thánh không có thánh lễ, cũng không có Phụng Vụ Lời Chúa, mà chỉ có các Giờ kinh Phụng vụ. Tuy vậy, hôm nay không phải chỉ là ngày chờ mong đại lễ. Chúng ta không họp nhau và chúng ta chỉ hồi tâm nhớ đến Chúa Kitô chôn trong mồ, nhưng chúng ta cũng đặt niềm tin vào một mầu nhiệm, như chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô xuống ngục tổ tông.” Mầu nhiệm Chúa Kitô xuống ngục tổ tông nằm ở trung tâm mầu nhiệm Vượt Qua. Việc Chúa đi xuống tiếp nối việc Người tự hạ khi chết trên Thập Giá, và cho thấy rõ Người thật sự đã chết: linh hồn Người đã thật sự lìa khỏi xác và đến với linh hồn các người công chính khác. Nhưng việc Chúa xuống ngục tổ tông cũng biểu lộ tính cách lớn lao của cuộc chiến thắng của Người: Người đã từ đáy vực thẳm bước lên sự sống. Đồng thời mầu nhiệm này cũng mở đầu cho cuộc chiến thắng ấy: Chúa Kitô xuống với những kẻ đang mong đợi Người đến báo tin họ sắp được giải phóng. Việc xuống âm phủ là khởi điểm của một cuộc đi lên sẽ đưa Chúa Kitô tới vinh quang Phục sinh và Thăng Thiên: “Đấng đã xuống cũng là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời” (Ep 4,10).

Trong các Giờ Kinh Phụng Vụ ngày hôm nay, chúng ta cầu nguyện như sau: “ Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Con Một Chúa đã chịu chôn vùi trong lòng đất, nhưng đã chiến thắng tử thần và khải hoàn chỗi dậy. Vậy tất cả chúng con là những Tín hữu đã cùng được mai táng với Người khi lãnh nhận phép Rửa, xin cũng được nhờ ơn Người Phục sinh mà đạt tới nguồn sống muôn đời. ”


Thiên Chúa vẫn hằng sống


Đã có một thời người ta tưởng rằng: “Thiên Chúa đã chết.” Đã có một lần người ta lên tới cung trăng rồi bảo rằng: “Chẳng có Thiên Chúa đâu cả!” Và cũng có một thời người ta cho rằng: khoa học tiến bộ sẽ là nấm mồ chôn vùi Thiên Chúa. Nhưng rồi cho dù nhân loại có tốn bao nhiêu giấy mực, có tốn bao nhiêu công sức bỏ vào các công trình nghiên cứu đồ sộ để loại trừ Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn hiện diện. Thiên Chúa vẫn hằng hữu. Thiên Chúa vẫn hiện diện trong thế giới quanh ta và trong lòng mỗi người chúng ta. Thiên Chúa vẫn hiện diện như là một sự thật hiển nhiên mà chẳng có gì có thể che lấp được. Sự thật hiển nhiên đó được chứng tỏ qua các tôn giáo, qua các lễ nghi thờ tự phong phú nơi các dân tộc qua mọi thời đại. Có thể nói “nơi nào có con người là nơi đấy có những cách biểu lộ niềm tin vào Thiên Chúa khác nhau.” Thế nên, niềm tin vào Thiên Chúa đã gắn liền với bản tính con người. Con người là loài vật duy nhất có khả năng nhìn nhận Thiên Chúa và bày tỏ những hình thức tôn thờ Ngài. Đó là một chân lý mà không ai có quyền bác bỏ nơi anh em của mình. Đó là quyền tự do bất khả xâm phạm của con người mà những ai có lương tri đều phải nhìn nhận và tôn trọng.

Cách đây hơn hai ngàn năm, những quan chức Do Thái đạo lẫn đời đã từng tưởng rằng: cái chết của Chúa Giêsu sẽ kết thúc mọi lời rao giảng của Ngài, kết thúc mọi công trình mà Ngài đã xây dựng trong suốt ba năm rao giảng Tin Mừng. Chính những người Do Thái tưởng rằng sau cái chết của Giêsu thì mọi sự sẽ tan rã như thân xác của Ngài cũng sẽ tan rã theo quy luật của thiên nhiên. Thế nhưng điều đó đã không xảy ra. Cửa huyệt đã bị bật tung. Huyệt lạnh chỉ còn tấm khăn liệm. Thân xác của Ngài không tan rã nhưng đã phục sinh và hiện ra với nhiều người. Sự Phục sinh của Ngài đã quy tụ lại tất cả các môn đệ trở về với mái nhà xưa, mái nhà tiệc ly, mái nhà của tình thầy trò, của tình hiệp nhất bằng hữu. Các tông đồ hôm qua đang tan nát cõi lòng vì Thầy đã chết hôm nay họ lại bừng lên một sức sống mới khi nghe tin Chúa đã sống lại. Sức sống mới đó càng trào dâng khi chính các ngài đã nhìn xem thấy Thầy sống lại và hiện ra với họ. Sức sống mới đó càng mãnh liệt hơn khi chính họ được nghe Chúa nói: “Tại sao các ngươi lại đi tìm kẻ sống nơi kẻ chết. Chúa đã sống lại.”

Vâng, Chúa đã sống lại, chúng ta hãy vui lên. Ưu sầu hãy đổi thành niềm vui. Thất vọng hãy nhường lối cho hy vọng được trồi sinh. Các tông đồ sau khi nhìn thấy nấm mồ đã bị bật tung, các ngài đã quên đi sợ hãi, quên đi ưu phiền để đem niềm vui Phục sinh đến cho anh em của mình. Lời rao giảng:”Chúa đã chết và đã sống lại” đã trải rộng khắp muôn nơi và đến tận cùng trái đất. Bất chấp mọi hiểm nguy, mọi đe doạ của các thế lực bạo quyền, các tông đồ vẫn trung thành với lời rao giảng về Chúa đã sống lại. Thánh Phêrô thì bảo rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hay vâng lời vua quan trần thế?” Thánh Phaolô thì nói rằng: “Tôi sống không còn là tôi sống mà là Đức Kitô đang sống trong tôi.” Chính vì những xác tin đó mà các ngài đã vượt qua mọi sợ hãi, mọi gian nguy kể cả phải đi vào phong ba bão táp, tù đầy và bị giết, các ngài vẫn hiên ngang, vì tin rằng Chúa đã sống lại đó là niềm hy vọng và vui mừng của chúng ta, vì nếu chúng ta cùng chịu đóng đinh với Người, chúng ta cũng sẽ được sống lại với người.

Ước gì niềm tin Phục sinh sẽ thay đổi đời sống chúng ta như đã từng thay đổi lối nghĩ, cách sống của các môn đệ. Ước gì niềm vui Phục sinh sẽ giúp chúng ta dám vượt qua những cám dỗ thấp hèn để sống một cuộc đời cao đẹp hơn. Xin cho chúng ta dám làm chứng cho Tin Mừng Phục sinh của Chúa bằng đời sống lắng nghe và thực thi lời Chúa trong cuộc sống thường ngày. Amen.

Lm. Giuse Tạ duy Tuyền

 Thứ Bảy Vọng Phục sinh


Đối với chúng ta, ánh sáng và bóng tối quả thật là 2 khái niệm, 2 đối lực luôn luôn như chống nghịch lại với nhau. Bóng tối bao giờ cũng đưa chúng ta tới chỗ buồn thảm, hoặc chết chóc. Chỉ khi có ánh sáng, mọi sự mới thấy hiện hữu, sắc màu và sống động. Thế giới khởi đầu chưa có ánh sáng, thì cũng chưa có vật thể gì hiện hữu. Tất cả còn im lìm, thụ động. Kinh Thánh nói: “Bóng tối còn bao trùm vực thẳm” (St 1,2).

Nhưng Thiên Chúa là Chúa của sự sống. Nơi Người không thể có bóng dáng sự chết, thì nơi Người cũng chẳng hề có lảng vảng bóng tối. Thánh Gioan Tông Đồ viết trong Thư của Ngài: “Thiên Chúa là Ánh Sáng; nơi Người, không có một chút bóng tối nào” (1Ga 1,5). Thiên Chúa đã xé toạc màn đêm, ban sự sống cho thế giới, cho muôn vật được hiện hữu, được sống động. “Thiên Chúa phán: Phải có ánh sáng. Liền có ánh sáng. Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp” (St 1,3-4). Vạn vật được thông hưởng ánh sáng của Thiên Chúa, vạn vật cũng được thông chia sự sống của Người. Chính vì thế, tác giả sách Khôn Ngoan đã cho chúng ta thấy Thiên Chúa tạo dựng vạn vật trong chiều hướng tích cực: “Thiên Chúa sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu, mọi loài thọ tạo trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh, chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại. Âm phủ không thống trị địa cầu” (Kn 1,14).

Âm phủ không thể thống trị địa cầu, thì âm phủ cũng không có khả năng cầm giữ Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa trong mộ đá. Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Người là Chúa của kẻ sống, cũng như Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống (x.Mt 22,32). Chính vì thế, 2 thiên thần trong dáng “2 người đàn ông y phục sáng chói” mới nói với các phụ nữ sáng sớm ra thăm mộ Chúa: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết ?” (Lc 24,5).

Ông Ađam vì lỗi tội, đã dẫn đưa chúng ta là con cháu vào bóng tối, vào cõi chết, phải trở về thân phận cát bụi. Chúa Giêsu Con Thiên Chúa đã làm người. Người tự nguyện vâng phục Thiên Chúa Cha và yêu thương nhân loại để đi vào cõi chết, lần mò vào trong bóng tối, lôi kéo chúng ta, những người đang ở trong bóng tối và đã chết vì tội ra khỏi bóng tối, ra khỏi cái chết, để được lên trời cùng với Chúa, để được hưởng vinh quang Phục sinh với Người trong Vương Quốc Thiên Chúa Cha ban cho Người.

Tuy nhiên, để được sống lại và hưởng vinh quang với Chúa Giêsu như vậy, chúng ta phải hiệp nhất, trở nên một với Người; nên một với Người trong cái chết, để được nên một với Người trong cái sống. Xin cho chúng ta biết sống vâng phục và đầy tràn tình yêu như Chúa mà từ bỏ bóng tối tội lỗi của mình, để bước vào thế giới ánh sáng và cõi sống với Chúa. A-men.

Lm. Stephano Huỳnh Trụ

Top