Suy niệm Lời Chúa: CN IV Thường Niên C

Suy niệm Lời Chúa: CN IV Thường Niên C

 

 

 

CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN C
Lời Chúa: Gr 1,4-5.17-19; 1Cr 12,31 - 13,13; Lc 4,21-30

Mục Lục
1. Loại bỏ
2. Con cái trong nhà - Lm. GB Nguyễn Văn Hiếu
3. Tiên tri
4. Điều kiện để đón tiếp Chúa
5. Mở rộng tâm trí
6. Bác ái thì nhân hậu

 

1. Loại bỏ

Phân tích

Đoạn Tin Mừng hôm nay nói về hoạt động của Chúa Giêsu ở Nadarét quê hương Ngài:

1. Ngày Sabát, Ngài vào hội đường, dựa trên đoạn sách Isaia để công bố chương trình hành động của Ngài. Đó là mang Tin Mừng và ơn cứu độ cho những người nghèo khổ.

2. Bài giảng đã gây hứng khởi trong lòng thính giả. Họ thầm mong rằng, vì tình đồng hương, Ngài sẽ ưu tiên làm phép lạ cho họ. Nhưng Ngài đã từ chối, bởi vì Ngài là Đấng cứu độ của mọi người chứ không của riêng ai.

3. Thất vọng, dân Nadarét đã trục xuất Ngài khỏi thành và còn muốn giết Ngài.

Suy niệm

1. Sứ mạng của chúng ta nối tiếp sứ mạng Chúa Giêsu, là mang Tin Mừng và ơn cứu độ cho mọi người. Nếu có ưu tiên cho ai, thì đó là những người nghèo khổ chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, chứ không phải là những người bà con bạn bè thân thuộc của chúng ta.

2. Thế nào là “loan Tin Mừng cho người nghèo khổ”. Những người nghèo khổ quanh tôi là ai? Tôi có quan tâm ưu tiên đến việc loan Tin Mừng cho họ chưa?

3. Hai chuyện Cựu Ước cho thấy các ngôn sứ Êlia và Êlisê ưu ái những người ngoại. Chúa Giêsu cũng thế. Còn tôi, hình như tôi xa lánh người ngoại, tôi e dè với họ, tôi còn giữ nhiều thành kiến về họ, tôi có thái độ tự tôn coi mình hơn họ v.v…

4. Đối với Chúa Giêsu, người dân Nadarét chỉ mong Ngài nễ tình đồng hương mà ưu tiên ban cho họ nhiều đặc ân. Khi ước muốn đó không đạt thì họ quay mặt phản đối và trục xuất Ngài. Đó là một thái độ hoàn toàn vụ lợi. Phải chăng thái độ của tôi đối với Chúa cũng vụ lợi như thế?

5. Bài Tin Mừng này làm tôi nhớ đến quê hương, cha mẹ, anh chị em, bà con, bạn bè v.v. Những người này thực sự là một nguồn an ủi và trợ lực cho tôi. Xin Chúa thay tôi đền ơn vì những điều họ đã làm cho tôi. Xin cho họ luôn là trợ lực chứ đừng bao giờ là trở lực cho sứ mạng Tin Mừng của tôi.

6. Trợ lực và trở lực: Hai thanh niên lớn lên trong gia đình với một người cha nghiện rượu. Vì còn trẻ, mỗi cậu sống theo ý riêng mình.

Nhiều năm sau, một cậu trở nên người nghiện rượu không thể cải thiện. Cậu kia là người chống uống rượu. Một tâm lý gia tìm hiểu hậu quả của việc nghiện rượu gây cho những đứa trẻ trong gia đình hỏi cậu thứ nhất: “Tại sao anh trở nên người nghiện rượu?” và cậu thứ hai: “Tại sao anh trở nên người chống rượu?”
Cả hai có cùng câu trả lời: “Ông có thể mong đợi điều gì khác khi ông có người cha như tôi?”

7. “Ngài đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19)

Tôi lênh đênh trên chiếc xuồng máy vào các xã vùng sâu của miền Đồng Tháp đã được nửa ngày. Là thành viên của đoàn công tác xã hội cứu trợ lũ lụt, hơn chục lần tôi phải leo lên bờ đất trơn tuột, sình lầy để vào những căn chòi phong phanh cũ nát. Không khí oi nồng và cảm giác chênh vênh trên mặt nước làm tôi nuốt không trôi mẫu bánh mì ăn trưa. Còn nửa trái quít, cảm thấy ăn không nổi nữa, tôi lén nhét vào tay một cậu bé ốm nhách, đen thui như cục than. Không hiểu vì vị ngọt không thể tìm thấy ở vùng đất khắc nghiệt ấy hay vì điều gì khác mà ánh mắt em nhìn tôi vui vui, thật lạ.

Một niềm vui bé con được thắp lên chỉ từ một hành động vô tình. Niềm vui ấy có lẽ sẽ được nhân lên gấp đôi trong tôi nếu tôi biết san xẻ cho em phần ăn với tất cả tấm lòng yêu thương, nhân ái.

Lạy Cha, xin cho con biết luôn luôn đem niềm vui đến mọi người, để niềm vui được nhân lên và trở thành hồng ân Chúa tuôn tràn trên nhân loại trong từng phút giây.

8. “Tôi bảo thật các ông : không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4,24)

“Nếu bị đau bao tử, bạn đừng uống thuốc này, sẽ có nhiều tác dụng xấu…” Phụng chỉ dẫn cho tôi cách cặn kẽ, tự tin.

Không ai nhận ra Phụng với phong thái tự tin, vững vàng đó. Năm lớp 9, Phụng chỉ là cô bé nhút nhát có phần chậm hiểu nữa. Có những lần tôi đã phải mất hàng giờ để giảng cho Phụng một bài toán đơn giản. Vậy mà trong lần gặp gỡ này, Phụng lại khác hẳn.

Chúng tôi thực sự ngạc nhiên vì Phụng có một kiến thức thực phong phú, sâu rộng. Có nhiều điểm trong học tập tôi chiếm ưu thế ; thế mà bây giờ chưa chắc tôi đã hiểu được chuyên môn cách sâu sắc như vậy. Tự nhiên tôi cảm thấy tức tối. Thay vì biết xấu hổ, tôi lại tự mãn nghĩ rằng “Dẫu sao nó cũng chỉ học đến Trung cấp y tế thôi”.

Với kiểu suy nghĩ theo quán tính như thế, tôi luôn là kẻ hẹp hòi, bảo thủ và lạc hậu.

Lạy Cha, xin cho con biết vượt lên mọi thành kiến, để có thể đón nhận anh em với tất cả khả năng và giá trị của họ.

2. Con cái trong nhà - Lm. GB Nguyễn Văn Hiếu

Được sinh ra làm người, không phải vì chúng ta chọn lựa; được trở thành con cái của Thiên Chúa, cũng không hẳn vì chúng ta chủ động đi bước trước! Tất cả chỉ là Tình Yêu Thương của Thiên Chúa. Đến Thánh Đường, cùng nhau dâng Thánh Lễ, cũng chính là bởi Tình Thương Thiên Chúa mời gọi. Chúng ta được mời gọi làm chứng tá, làm ngôn sứ cho Thiên Chúa trong cuộc sống mình.
  - Lạy Chúa, Chúa đã chọn gọi chúng con làm con cái Chúa. Xin Chúa thương xót ...
  - Lạy Chúa Ki-tô, Chúa đã ban lời chỉ huấn cho chúng con. Xin Chúa Kitô ...
  - Lạy Chúa, Chúa là niềm hy vọng của chúng con. Xin Chúa ...

Con người thích cái đẹp, trước tiên không phải vì con người đã nhận thức được cái đẹp, nhưng chính vì cái đẹp đã cuốn hút, lôi kéo con người. Con người nhận biết được Thiên Chúa, cũng không phải vì con người đã biết về Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta. Đó là ơn gọi của mỗi người. Tất nhiên nơi Thiên Chúa trọn vẹn mọi hoàn mỹ và toàn thiện, nên con người đến với Thiên Chúa cũng qua nhiều con đường kêu gọi, để mỗi người làm chứng tá, tôn vinh Thiên Chúa qua ơn kêu gọi của mình: "Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân" (Gr 1,5). Như vậy, chúng ta được sinh ra làm người, được trở thành con cái Thiên Chúa, là đàn ông hay đàn bà, sinh sống bằng nghề nghiệp này hay nghề nghiệp khác, tất cả đều là ơn gọi của Thiên Chúa thương ban, để trong hoàn cảnh, địa vị, bản thân, mỗi người đều được trở nên những chứng tá sống động cho tính phong phú, sống động của Thiên Chúa; chúng ta tôn vinh Thiên Chúa qua chính cuộc sống của mình.

Ơn gọi Thiên Chúa ban cho mỗi người, tuy có khác biệt, nhưng qui chung vẫn là tôn vinh Thiên Chúa. Tôn vinh Thiên Chúa là đề cao Tình Yêu Thương của Người. Tuy nhiên, không phải rao giảng Tình Thương của Thiên Chúa là sẽ được người ta đón nhận, bởi vì có những người không lấy Thiên Chúa làm Đích Điểm hay Trung Tâm; họ chỉ lấy con người, ý thích của họ làm chúa! Do đó, họ sẽ chống đối! Ngôn sứ Giê-rê-mi-a phải đối đầu với cả một cơ cấu triều đình do các kẻ giả mạo tiên tri khuynh đảo. Thừa hành lệnh Chúa, ông tuyên sấm. Những Lời Chúa ông tuyên sấm, luôn đi ngược lại ý muốn của những con người ấy. Không những các tiên tri giả, mà cả vua tới quan, đều muốn trục xuất, hành hạ, giết chết ông! Đức Giê-su ~dù đã nổi danh khắp nơi~ về Na-da-rét xứ nhà, công bố sự thật của Thiên Chúa. Thế là đụng chạm lòng tự ái của người đồng hương! Họ âm mưu "kéo tuốt Người lên đỉnh đồi, để xô Người xuống vực" (Lc 4,29b). Tuy nhiên Lời Chúa đã hứa: "Chúng sẽ tấn công ngươi, nhưng sẽ không làm gì nổi, vì có Ta ở với ngươi để độ trì ngươi" (Gr 1,19).

Ơn gọi của Ki-tô hữu là làm ngôn sứ, làm chứng tá cho Tình Thương Yêu của Thiên Chúa. Chắc chắn cuộc sống của các Ki-tô hữu chân thực sẽ gặp nhiều chống đối. Nhưng người sống yêu thương thật, sẽ vẫn cứ thể hiện lòng yêu thương. Tình Yêu Thương lớn lao nhất, chính là Thiên Chúa. Người sẽ yêu thương nâng đỡ những ai phó thác đời sống tin yêu nơi Người.

Xin Chúa Thánh Thần là Nguồn Mạch yêu thương soi sáng, ban cho chúng con thấm nhuần tình yêu thương và thể hiện tình yêu thương đó, hầu làm chứng cho Tình Yêu Thương của Chúa trước mặt mọi người.

3. Tiên tri

Có người đã mô tả các tiên tri trong Cựu Ước là những kẻ an ủi những ai phiền não, nhưng đồng thời cũng là những kẻ gây phiền não cho những ai tự mãn.
Chẳng hạn như tiên tri Giêrêmia. Ông sống vào thời kỳ dân Do Thái đang bị băng hoại từ bên trong và bị quân đội ngoại bang đe doạ từ bên ngoài. Tình thế như vậy làm cho ông rất đau xót vì ông yêu mến tổ quốc và đồng bào của mình. Có lẽ vì thế, Chúa đã kêu gọi ông làm tiên tri cho quê hương mình. Thế nhưng lần nào được kêu gọi ông cũng đáp lại một cách miễn cưỡng vì ông biết rằng làm tiên tri nơi xứ sở mình là điều rất khó. Nhưng rồi ông cũng phải rao giảng cho dân chúng con đường sống còn duy nhất là phải canh tân đời sống, quay trở lại với Ngài. Nghe ông rao giảng như thế, dân chúng đã nổi giận và căm ghét ông, đến ỗi co lần ông đã bị đánh đòn, có lần ông đã bị cột vào trong bao, có lần ông đã bị xô vào đống phân.

Chúa Giêsu cũng đã cảm nhận được những khó khăn khi lãnh nhận sứ mệnh làm tiên tri ngay trên quê hương mình. Ngài đã từng bị bà còn lối xóm ruồng rẫy, họ định xô Ngài xuống vực thẳm cho chết luôn.

Suy nghĩ về thái độ của dân làng Nagiarét, chúng ta bỗng nhớ tới lời tiên báo của ông già Simêon:

Trẻ nhỏ này sẽ nên như dấu chỉ cho người ta chống đối.

Lời tiên báo này đã trở thành sự thật. Nếu dân làng Nagiarét đã từng đòi Chúa Giêsu trưng ra bằng chứng xác minh Ngài là tiên tri thế nào, thì các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái cũng buộc Ngài phải xác minh Ngài là Con Thiên Chúa như vậy.

Nếu dân làng Nagiarét đã từng tố cáo Ngài là kẻ lộng ngôn thế nào, thì bọn biệt phái cũng đã kêt án Ngài là dụng cụ của ma quỷ như vậy.

Nếu dân làng Nagiarét đã từng tìm cách giết Ngài thế nào, thì đám đông dân thành Giêrusalem cũng hò hét:
  Đóng đinh nó đi, đóng đinh nó vào cây thập giá.
  Chúa Giêsu quả là đã bị chống đối và bị khích bác. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta hãy nhớ lại lời Chúa đã nói với các môn đệ:
  Nếu thế gian đã ghét Thầy, thì họ cũng sẽ ghét các con.

Bất cứ ai cố gắng sống đúng danh hiệu người Kitô hữu sẽ hiểu được những lời nói trên có giá trị như thế nào? Tuy nhiên, cho dù chúng ta có bị ghét bỏ, có bị nhạo cười, nhưng cũng đừng vì thế mà từ bỏ nếp sống lương thiện và trong sạch của mình. Lý do thật đơn giản vì Chúa đã từng nói với chúng ta:

  Các con là muối đất. Các con là ánh sáng. Người ta không đốt đèn rồi để dưới đáy thùng nhưng đặt trên giá đèn. Cũng thế, ánh sáng của các con phải toả ra trước mặt mọi người để họ nhìn thấy việc thiện các con làm mà ngợi khen Cha các con ở trên trời.

Hay như lời thánh Phaolô: Là Kitô hữu, chúng ta được Chúa mời gọi để toả sáng như những vì sao giữa lòng một thế giới đầy tăm tối.

4. Điều kiện để đón tiếp Chúa

Sau khi rao giảng một thời gian, Chúa Giêsu trở về làng cũ. Thoạt nghe Chúa rao giảng, họ khâm phục tán thành. Nhưng sau đó họ lại xua đuổi và muốn giết Chúa. Thật là đáng buồn. Đúng như lời thánh Gioan đã viết: “Người đã đến nhà nhưng người nhà không nhận biết Người”. Tại sao có cảnh trái ngang đau lòng như thế? Thưa vì tư tưởng của Thiên Chúa khác với tư tưởng của họ.

Chúa đi tìm đức tin còn họ đi tìm lợi lộc. Khi đi rao giảng, Chúa muốn đem cho ta niềm tin. Niềm tin đã là khởi điểm của nhiều phép lạ. Chúa chỉ làm phép lạ khi người ta có niềm tin. Niềm tin đã là kết quả của nhiều phép lạ. Chúa chỉ làm phép lạ khi phép lạ dẫn đến niềm tin. Nhưng dân làng Nazareth không nhìn thấy điều đó. Họ không tin Người là Đấng Cứu Thế. Lời giảng của Người không đưa họ tới đức tin và Thiên Chúa, vào Nước Trời. Họ chỉ mong được có phép lạ. Vì họ chỉ mong được lợi lộc vật chất: được khỏi bệnh; được ăn no. Mong ước của họ không gặp được mong ước của Chúa.

Chúa sống trong khiêm nhường nhưng họ sống trong kiêu căng. Chúa không bao giờ làm phép lạ với mục đích biểu diễn. Chúa chỉ làm phép lạ đê giải nghĩa mầu nhiệm Nước Chúa. Chúa không làm phép lạ khi ma quỷ cám dỗ Chúa trong hoang địa. Chúa không xuống khỏi thập giá khi dân chúng thách thức Chúa trên Núi Sọ. Nên hôm nay Chúa cũng không làm phép lạ để thoả mãn tính hiếu kỳ và tính kiêu căng của dân làng Nazareth. Họ mong Chúa làm phép lạ để làng họ được vinh dự có người đồng hương quyền phép. Họ mong Chúa làm phép lạ để làng họ cũng được nở mày nở mặt với Capharnaum. Suy nghĩ của họ rất khác với suy nghĩ của Chúa.

Chúa có tâm hồn mở rộng trong khi tâm hồn họ hẹp hòi. Họ mong ước Chúa là người làng Nazareth thì phải dành mọi ưu tiên cho dân làng từ việc rao giảng cho đến việc làm phép lạ. Tất cả phải bắt đầu và bó gọn trong làng. Nhưng Chúa Giêsu, khi trích dẫn chuyện tiên tri Elia ở nhà bà goá Sarepta trong thời hạn hán, làm cho bình dầu và hũ bột của gia đình bà không bao giờ vơi và chuyện tiên tri Elisa chữa tướng Naaman, người Syria khỏi bệnh phong, đã cho thấy Nước Chúa không chỉ bó hẹp lại trong phạm vi người thân thuộc nhưng phải mở rộng tới tất cả mọi người. Không chỉ những người trong đạo Do Thái mà cho cả những người ngoại đạo nữa. Hai nhãn quan khác hẳn nhau.

Tôi là người có đạo. Nhưng biết đâu tôi không đón nhận được Chúa vì tôi cũng giống như dân làng Nazareth, đến với Chúa chỉ mong được lợi lộc vật chất, đến với Chúa chỉ vì hư danh, đến với Chúa với tâm hồn hẹp hòi. Hôm nay tôi xin Chúa thanh tẩy tâm hồn tôi khỏi thói ham mê lợi lộc, thói phô trương bề ngoài và thói hẹp hòi khép kín, để tôi được đón nhận Chúa và để tôi trở nên tông đồ của Chúa.

5. Mở rộng tâm trí

Đức Giêsu ám chỉ Người đến khai mạc thời cứu độ muôn dân hằng mong đợi. Chúa thừa biết những phản ứng ít nhiều công khai của đám thính giả. Chúa nói lớn ra điều họ nghĩ thầm và lẩm bẩm trong miệng. Có hai khó khăn làm họ bực mình. Nặng óc địa phương, họ bất bình thấy Chúa làm những phép lạ tại những miền khác được dư luận rộng rãi đồn đại. Họ nghĩ, công cuộc cứu nhân độ thế thần kỳ của Chúa phải khởi đầu tại nơi sinh quán mới phải. Họ đâm ra ngờ vực con người mà họ biết rõ lai lịch, tuy họ quý mến, nhưng trong con ông Giuse và bà Maria họ không nhận ra hình ảnh Đấng Messia. Chúa cho họ thấy một tâm tình khô cứng như thế thật nghèo nàn. Tâm hồn không thuần khiết, trí óc mắc bệnh thiên kiến thì sao hiểu được ý nghĩa một dấu chỉ, cho dù là dấu chỉ phi thường tới mức nào. Người xung quanh có thể đem đến cho chúng ta một sứ điệp, nếu chúng ta không biết đến hoặc không thừa nhận giá trị của họ chẳng phải là thái độ hẹp hòi ư? Than ôi, ngoại trừ vài ba trăm người, toàn dân Do Thái đều giống người Galilê và không biết nhận diện được Đấng Messia đã sinh ra giữa lòng dân tộc. Từ đó xảy ra hiện tượng Tin Mừng lan tràn tới các dân tộc ngoại chủng, nghĩa là trên khắp hoàn vũ.

Đoạn Phúc Âm gợi ra hai câu hỏi:

1) Chính chúng ta chẳng mắc cái bệnh thành kiến như người Galilê sao?

Gặp dịp, chúng ta cũng dễ dàng đưa ra một nhận xét: “Ông này, ông nọ, tôi biết lắm?”. Cách suy nghĩ cư xử ấy là bằng chứng rằng chúng ta thật sự chẳng biết gì về người ấy. Trong trường hợp này, sự hiểu biết của chúng ta về tha nhân không phải là một sự hiểu biết thông cảm, khả năng đón tiếp của chúng ta giống như một động mạch bị cứng lại, tắc nghẽn. Vậy mà sự hiểu biết của Thiên Chúa về chúng ta thì khác xa biết chừng nào. không bao giờ Thiên Chúa nghĩ rằng chúng ta mãi mãi ở trong một trạng thái nào đó, giữ mãi nguyên trạng đó. Dưới mắt Thiên Chúa, chúng ta bao giờ cũng có khả năng cải tiến, có thể trở nên tốt hơn, và Thiên Chúa giúp đỡ chúng ta tiến bộ. Như vậy, phải chăng chúng ta nên cố gắng có một nhận định về kẻ khác giống như Chúa nghĩ về chúng ta?

2) Chúng ta có phòng ngừa bệnh thiên kiến không, vì nó cản trở sự phát triển đức tin của chúng ta?

Dân chúng Galilê tin vào Thiên Chúa và mong đợi Đấng Messia. Thiên kiến làm mờ mắt họ, không nhận ra Đức Giêsu đến thành toàn niềm tin và mong đợi của họ. Vậy mà chúng ta biết rằng tiến trình của đức tin luôn luôn vấp phải những bất ngờ khiến người ta bối rối. Đức tin sống động không ưa thứ tư tưởng đặt thành hệ thống và những việc làm theo thói quen máy móc. Thanh luyện tâm trí, chuẩn bị tâm trí sẵn sàng nghênh tiếp Thiên Chúa là một trong những yêu cầu chủ yếu của sự tiến bộ trong đức tin. Theo quan điểm ấy, điều cực kỳ quan trọng là ngày nay người Công giáo phải chuẩn bị tâm trí đón nhận những ân huệ chưa hề có trước nay, phát xuất từ Công đồng Vaticanô II. Trong niềm tuân phục nghiêm cẩn và triệt để những huấn lệnh của Giáo Hội, người Công giáo phải cầu nguyện, hành động và suy nghĩ theo những chiều hướng Công đồng mở ra cho các tín hữu.

6. Bác ái thì nhân hậu

Vị tử đạo đầu tiên trên đất Mỹ là Cha Yoan Padilla, một vị thừa sai dòng Phanxicô, cha đến Cansas với Coronadô vào năm 1541 từ Mexicô. 80 năm trước những người thuộc giáo phái Pilgrim đến vùng Plymonth Rock, cha đã giúp cho nhiều người da đỏ tin Chúa mặc dầu có nhiều người chẳng muốn nghe người giảng: khi Coronadô trở về Mexicô, vị linh mục nhiệt thành này ở lại với một ít bạn đồng hành tiếp tục rao giảng, rửa tội và dâng thánh lễ. Một ngày kia, cha và một số người đem Chúa Kitô đế cho một bộ lạc lân cận, một toán người da đỏ đã tấn công. Không sợ hãi, cha bảo các bạn đồng hành chạy trốn còn cha, cha quì bên bãi cỏ Cansas làm bia đỡ những mũi tên và trở nên người đầu tiên đổ máu đào vì Chúa Kitô.

Câu chuyện của cha là câu chuyện của Kitô giáo. Đó là câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay, và buồn mà nói, đó là câu chuyện trong rất nhiều cộng đồng Do thái.

Khi Chúa Giêsu sống trên mặt đất, nhiều người tiếp nhận Chúa, nhiều người từ chối Chúa, một số người đồng hương đã cố tâm xô Người xuống triền núi dốc như chúng ta vừa nghe đọc, vì Chúa nói cho họ những chân lý không vừa ý họ, cuối cùng họ đã thành công khi đóng đinh Chúa vào thập giá. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng những người theo Chúa cũng sẽ chịu như Người: “Họ bắt bớ thầy, họ cũng sẽ bắt bớ các con”. Hàng triệu người đã chịu khổ cực và chết vì yêu Chúa Kitô - bị giết chết bởi những kẻ ghét Chúa Kitô. Chúng ta có thể chịu đựng những sự tàn bạo do những người không tin Chúa Kitô, nhưng có khi sự tàn bạo lại do những người mệnh danh Kitô hữu thì sao ?

Hầu như khó tin, nhưng lại có những người Kitô hữu bách hại anh em Kitô khác: họ lợi dụng người nghèo, người yếu đuối, kẻ mồ côi, góa bụa. Họ mất bình an trong tâm hồn và thanh danh của Người lối xóm bằng những mẩu chuyện ngồi lê đôi mách, họ khinh dể những người khác màu da, khác địa vị xã hội và kinh tế, họ không cố gắng giúp kẻ thiếu thốn, họ sống như thể chưa bao giờ nghe Chúa nói: “hãy yêu mến người thân cận” như thể họ chưa bao giờ nghe thánh tông đồ Phaolô nói: “Tình yêu thì nhân hậu” trái lại họ sống quá tàn nhẫn.

Cảm tạ Chúa, hầu hết các bạn đang cố gắng tực hành những gì Chúa Giêsu và các tông dồ của Người nói với chúng ta. Nếu chẳng hay bạn là nạn nhân bị bách hại, bạn hãy đọc những câu đáp ca hôm nay: “Trong sự công chính của Chúa, xin hãy cứu con, xin giải thoát con”.

“Ôi lạy Chúa của con, xin cứu con khỏi bàn tay kẻ ác”, bạn hãy dâng lời kinh này cho những người bị bách hại trên thế giới.

Nếu bạn đối xử bất công với một ai khác, ban hãy đọc kỹ bài ca tình yêu mà thánh Phaolô hát cho chúng ta trong bài đọc hôm nay.

Ước gì các bạn đừng tiếp tay với những kẻ muốn xô đẩy đức Kitô xuống vực thẳm bởi hành vi tàn bạo với người lân cận. Ước gì nhờ sự chết của Người vì chúng ta được lặp lại bây giờ và nơi đây cảm hứng chúng ta, cũng cố chúng ta, để chúng ta có thể quyết tâm sống theo lòng nhân hậu của Chúa Kitô. Amen.

Top