Suy niệm Lời Chúa: CN 6 Phục Sinh C

Suy niệm Lời Chúa: CN 6 Phục Sinh C

Các bài suy niệm CHÚA NHẬT 6 PS - Năm C
Lời Chúa: Cv 15,1-2.22-29; Kh 21,10-14.22-23; Ga 14,23-29


MỤC LỤC
1. Chơi trò hoà bình
2. Đến và ở lại
3. Trong và ngoài tình yêu
4. Ân huệ Chúa không quan niệm được
5. Hoà bình, hồng ân của Thiên Chúa
6. Ơn bình an
7. Ai yêu mến thấy


1. Chơi trò hoà bình

Một ông nhà văn ngồi trên ghế đá công viên, đưa mắt quan sát nhìn xem mấy em nhỏ đang chơi đùa với nhau nơi thảm cỏ. Ông lên tiếng hỏi:
  - Này các em, các em đang chơi trò gì thế?

Các em trả lời:
  - Chúng cháu đang chơi trò chiến tranh. Chúng cháu đang chơi trò đánh nhau.Nghe thế, ông hơi cau mặt, gọi các em lại và giải thích:
 - Tại sao các em lại cứ thích chơi tró chiến tranh, chơi trò đánh nhau. Chiến tranh và đánh nhau thì có gì là tốt đẹp. Vậy tại sao các em lại không chơi trò hoà bình.

Cả bọn tụm đầu vào nhau và bàn tán. Thấy chúng đón nhận ý kiến của mình, ông nhà văn mỉm cười hài lòng và bước đi. Tuy nhiên, chưa bước đi được bao xa, các em đã đuổi theo và hỏi:
  - Bác ơi! Chơi trò hoà bình là như thế nào? Chúng cháu không biết.

Phải, làm sao các em có thể chơi trò hoà bình, trong khi các em chỉ thấy người lớn chơi trò chiến tranh. Làm sao các em có thể chơi trò hoà bình, trong khi trên báo chí, truyền thanh và truyền hình, các em chỉ thấy hình ảnh những người lớn bắn giết nhau. Làm sao các em có thể chơi trò hoà bình, trong khi tại gia đình các em chỉ thấy các anh các chị và đôi khi ngay cả cha mẹ cũng lớn tiếng cãi cọ và mắng chửi lẫn nhau, nhiều lúc còn thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nhau nữa.

Rồi trong thực tế, bầu khí người lớn tạo ra để cho các em được phát triển, không phải là một bầu khí hoà bình, mà là một bầu khí chiến tranh. Đến bao giờ người lớn mới thực tâm tìm phương thế giải quyết những mâu thuẫn, những bất đồng với nhau. Mỗi ngày trên thế giới, người lớn đã bỏ ra hằng tỷ mỹ kim cho việc nghiên cứu và trang bị vũ khí, đang khi đó có tới tám trăm triệu người sống trong cảnh nghèo đói và túng thiếu, có tới hơn sáu trăm triệu người mù chữ. Chỉ có bốn trong số mười em sinh ra là được cắp sách đến trường cho hết bậc tiểu học. Và cứ mười em được sinh ra trong cảnh cơ hàn, thì đã có hai em bị chết đói trong năm đầu tiên.

Thế giới người lớn phải bắt tay ngay vào việc loại trừ chiến tranh, nếu họ muốn cho các em thiếu nhi noi gương họ mà chơi trò hoà bình. Đồng thời, phương thức để loại trừ chiến tranh và xây dựng hoà bình, không gì hữu hiệu hơn cho bằng sống tinh thần hoà giải.

Thực vậy, hoà bình chỉ là kết quả đương nhiên của việc hoà giải mà thôi. Chúng ta phải hoà giải với Thiên Chúa bằng việc sám hối ăn năn và lãnh nhận ơn tha thứ. Đồng thời chúng ta còn phải hoà giải với anh em bằng việc lấy tình thương xoá bỏ hận thù. Chính vì thế, trong đêm giáng sinh, các thiên thần đã hát vang trên cánh đồng Bêlem:
  - Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
    Bình an dưới thế cho người thiện tâm.

Và sau khi sống lại, lúc hiện ra với các môn đệ, sau lời chào chúc bình an, thì lập tức Chúa Giêsu đã trao ban cho các ông quyền cầm buộc và cởi mở. Hay nói đúng hơn, Ngài đã trao ban cho các ông quyền tha thứ, quyền hoà giải:
  - Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ

Để kết thúc, chúng ta hãy cùng nhau ghi nhớ và suy gẫm lời kinh Hoà bình của thánh Phanxicô Assie:
  - Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.

2. Đến và ở lại

Suy Niệm

Khi được hỏi Đức Kitô hiện diện ở đâu, chúng ta thường nghĩ ngay tới nhà thờ, nhà Tạm. Tiếc thay lắm khi chúng ta dừng lại ở đó. Chúng ta ít nghĩ đến một lối hiện diện khác của Ngài. Không phải chỉ là ở với, ở bên, ở trước mặt, mà còn là ở trong con người yếu đuối của ta. Chúng ta ít nghĩ, vì chúng ta không dám tin vào hồng ân quá đỗi lớn lao đó.

Chính vào lúc sắp chia tay các môn đệ để về với Cha, Đức Giêsu đã long trọng loan báo chuyện Ngài ở lại: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy,Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Chúng ta sẽ đến với người ấy và sẽ làm nhà nơi người ấy” (Ga 14,23).

Đại từ Chúng Ta ở đây để chỉ Chúa Cha và Chúa Con, mà ở đâu có Chúa Cha, Chúa Con thì cũng có Thánh Thần.

Vì yêu Đức Kitô, tôi được đón nhận thế giới Ba Ngôi. Vì yêu tôi, Ba Ngôi muốn đến thăm tôi và cư ngụ tại đó. Trong tình yêu hai chiều này, thiên đàng chớm nở. Thiên đàng thật gần, ngay trong lòng tôi. Thiên đàng ấm áp ở nơi nghèo hèn, bé nhỏ, nơi tâm hồn biết yêu Đức Kitô và tuân giữ lời Ngài.
Đôi khi tôi cần tự hỏi Thiên Chúa có ở trong tôi không. Tôi có cảm nghiệm được chút nào sự hiện diện đó chăng? Có bao giờ tôi thờ lạy sự hiện diện đó của Ngài không?

Kitô hữu không chỉ là bạn hữu của Đức Kitô, mà còn là người có Đức Kitô nơi chính mình. Họ là những cung thánh, những nhà thờ lưu động. Họ không chỉ chứa đựng Đức Kitô như một Nhà Tạm, họ còn nên một với Ngài trong tình yêu.

Các bí tích chúng ta lãnh nhận đều nhằm mục đích làm cho tình yêu giữa ta với Đức Kitô được lớn lên. Trước khi tôi rước lễ, Đức Kitô đã ở trong tôi rồi. Sau khi tôi rước lễ, Ngài cũng chẳng bỏ tôi. Nhưng mỗi lần rước lễ, sự hiện diện Ngài lại tăng trưởng. Ngay cả khi không thể đến nhà thờ, tôi vẫn có thể gặp Đức Kitô nơi cung lòng mình. Chỉ cần để lòng mình lắng xuống, là tôi có thể gặp Ngài và bước vào cuộc đối thoại.

“Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”
Yêu mến Đức Kitô không phải chuyện dễ. Yêu một người ta chưa gặp mặt và sống xa ta 20 thế kỷ.

Giữ lời Đức Kitô chẳng phải chuyện dễ. Lời đòi chúng ta ra khỏi mình và bay lên cao. Chính Thánh Thần sẽ giúp ta thấy Đức Kitô thật gần để có thể say mê Ngài, thấy Lời Tin Mừng trở nên sống động và bừng sáng để giải quyết những vấn đề mới nảy sinh. Hội Thánh của chúng ta sẽ là một Hội Thánh vô hồn, nếu chẳng có sự hiện diện của Chúa nơi lòng các tín hữu.

Cầu Nguyện
  Ngài đã xuống tận đáy lòng con, xin cho con chỉ tập trung vào tận đáy lòng con.
  Ngài là thượng khách của lòng con, xin cho con bước vào nhà là chính đáy lòng con.
  Ngài chọn cư ngụ trong lòng con, xin cho con biết ngồi yên ngay tại đáy lòng con.
  Duy Ngài ở lại trong con, xin cho con biết chìm sâu xuống tận đáy lòng con.
  Duy Ngài hiện diện trong lòng con, xin cho con biết xóa mình khi Ngài ở bên con.
  Khi con đã gặp Ngài, không còn con và Ngài nữa.
  Con chẳng là gì cả, và Ngài là tất cả.


3. Trong và ngoài tình yêu - ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Trong những năm qua, nước ta phải trải qua hai thiên tai khốc liệt. Thiên tai gây nên những thiệt hại trầm trọng về vật chất và tinh thần. Nhưng cũng chính trong thiên tai đã xuất hiện những nét đẹp của tình người.

Qua báo đài, tôi đã thấy nhiều Đức Giám mục, Linh mục mặc quần soọc áo may-ô chèo thuyền đi thăm viếng, khích lệ các nạn nhân. Nhiều cao tăng hoà thượng vận động tín đồ Phật tử tham gia công tác cứu trợ. Nhiều nữ tu đứng ra tổ chức công việc cứu trợ có khoa học và hiệu quả. Nhiều nhà thờ, nhà chùa, tu viện trở thành nơi tiếp đón các gia đình lâm nạn. Biết bao bộ đội, công an xả thân, liều lĩnh vượt qua sóng to gió lớn để cứu hộ các nạn nhân. Cả nước hướng về những nơi hoạn nạn đã đành. Cả những anh chị em ở nước ngoài cũng đau đớn khi khúc ruột trong nước đau đớn. Nên Việt kiều ở nước ngoài cũng đã vận động quyên góp, tổ chức những đoàn cứu trợ về thăm viếng và uỷ lạo các nạn nhân bão lụt. Nhiều cơ quan thiện nguyện nước ngoài cũng nhập cuộc. Tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, màu da, ngôn ngữ, khuynh hướng chính trị, giai cấp đang quy tụ lại để khắc phục thảm hoạ. Toàn cầu hoá với sự bùng nổ thông tin đang làm cho các nước xích lại gần nhau. Gần gũi không chỉ về không gian, nhưng nhất là về tấm lòng. Mọi người liên đới với nhau trong việc chống lại cái ác và cùng nhau đề cao sự thiện, lòng nhân ái. Đó là dấu chỉ cho thấy Lời Chúa đang được thực hiện.

Tuần trước kh Chúa Giêsu nói: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con thương yêu nhau”, Người đã cấp thẻ quốc tịch cho những kẻ thuộc về Người. Căn tính của những kẻ thuộc về Người không phải là mầu da, ngôn ngữ hay phong tục tập quán, nhưng là trái tim. Người ta nhận ra thần dân của Người không phải bằng chiều cao, sức nặng, nhưng bằng tình yêu.

Hôm nay, khi nói: “Ai yêu mến Thầy thì giữ Lời Thầy. Và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy”, Chúa Giêsu đang vẽ nên biên cương Nước Chúa. Biên cương này không xác định bằng rừng núi, sông biển, nhưng bằng tấm lòng. Chúa Giêsu không giới hạn Nước Chúa trong 4 bức tường nhà thờ vì Nước Chúa là Tình Yêu. Vì thế, điều quan trọng không phải là ở trong hay ngoài nhà thờ, nhưng là ở trong hay ở ngoài tình yêu. Ai ở ngoài nhà thờ mà ở trong Tình Yêu thì người ấy đã ở trong Nước Chúa. Trái lại, những ai ở trong nhà thờ mà không có Tình Yêu, thì người ấy vẫn còn ở ngoài Nước Chúa.

Rồi xã hội sẽ chẳng còn phân biệt hữu thần với vô thần. Nhưng sẽ chỉ có một phân biệt duy nhất: hữu tâm và vô tâm. Người hữu tâm là người có trái tim rộng mở, biết chạnh lòng thương xót, biết chia sẻ, phục vụ. Người vô tâm là người lòng chai dạ đá, trái tim khép chặt, chỉ biết trau chuốt bản thân. Người vô thần mà có trái tim nhân ái thì đã thuộc về Chúa. Hữu thần mà tâm hồn tàn nhẫn độc ác thì đã bị loại trừ ra khỏi Nước Chúa rồi.

Nhìn như thế, Nước Chúa thực là rộng lắm. Những người thuộc về Nước Chúa thực là đông đảo. Những người có trái tim yêu thương tạo nên thành Giêrusalem mới như ta nghe trong bài đọc thứ I hôm nay. Thành Giêrusalem mới có cửa mở ra 4 phương tám hướng để đón nhận mọi người từ khắp nơi tuốn về. Thành không có Đền Thờ vì thành được xây bằng yêu thương. Mà ở đâu có yêu thương thì ở đó có Thiên Chúa ngự trị. Thành không cần đèn đuốc vì Thiên Chúa tình yêu là ánh sáng cho thành. Gạch xây thành là những trái tim chan chứa yêu thương nên thành trở nên một khối pha lê trong suốt, như một viên ngọc quý toả ánh sáng tới khắp muôn dân.

Trong số những người có trái tim, xây dựng nên thành Giêrusalem mới ấy, tôi thấy có nhiều người trong anh chị em. Trong những năm qua số người tham gia công tác từ thiện bác ái ngày càng đông. Người âm thầm, kẻ công khai. Người góp của, kẻ dâng công. Tôi thấy rõ là anh chị em đang phấn đấu để ở trong tình yêu. Tôi thấy rõ là anh chị em đang rèn luyện để trở nên người hữu tâm.

Xin tình yêu Chúa thanh luyện trái tim ta không ngừng, để mỗi trái tim chúng ta trở thành một viên gạch trong suốt như pha lê, góp phần xây dựng thành Giêrusalem mới cho tình yêu Thiên Chúa ngự trị. Amen.

4. Ân huệ Chúa không quan niệm được

Đoạn Phúc Âm của thánh Gioan đặt chúng ta vào vị trí vượt khỏi tất cả những quan niệm loài người về Thiên Chúa. Lý trí con người chỉ có thể quan niệm về Thiên Chúa theo hai cách. Hoặc Thiên Chúa là vị thần vô định biểu lộ thần uy trong những sức mạnh vật chất như bão táp, mặt trời, v.v… và con người bày đặt ra nhiều cách thờ phụng. Hoặc quan niệm Thiên Chúa là Thưỡng đế vượt trên mọi hiểu biết mà loài người có được, là Đấng Tối Cao của những nhà hiền triết, quá cao siêu, quá huyền bí, con người vĩnh viễn không thể lý hội được. Đức Giêsu mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa là AI. Chúa nói với chúng ta những điều trí không loài người không bao giờ có thể nghĩ tới. Thiên Chúa là sự Tuyệt đối, nhưng Người là Cha, Người can thiệp nhiều nhất như một sự hiện diện thân thiết và hay thương. Kẻ nào yêu mến Đức Giêsu Kitô, Đấng mạc khải vềtch, nếu kẻ ấy giữ lời, nghĩa là dâng hiến Chúa niềm tin và tuân giữ những điều Chúa dạy, kẻ ấy trở nên ngai toà Chúa ngự. Thiên Chúa đến với kẻ ấy, đối với kẻ ấy Thiên Chúa từ nay không chỉla2 một quyền năng vô biên sáng tạo, Thiên Chúa phát động tình yêu tương giao giữa Người và kẻ ấy. Thiên Chúa đến với con người, nghĩa là Thiên Chúa thức tỉnh lương tri con người về hai điều. Thiên Chúa nói: “Con người kia, ngươi có một bản ngã, Ta là Thiên Chúa, có bản ngã riêng biệt, một Thiên Chúa có Ba Ngôi vị: Cha, Con và Thánh Thần. Giữa ngươi là một con người và Ta là Thiên Chúa, có một sự trao đổi sống động về hiểu biết và ân huệ, tức là có sự trao đổi tình yêu”. Điều ấy phải được Đức Giêsu Kitô mạc khải, chẳng có trí khôn nào của nhân loại ý niệm được.

Để chấp nhận một mạc khải trọng đại như vậy, một điều dạy dỗ từ ngoại giới có đủ không? Chúng ta thấy ngay rằng không đủ. Đức Giêsu nói với các tông đồ: Ta nói với các ngươi lúc còn lưu lại giữa các ngươi, nhưng Thánh Thần sẽ dạy các ngươi mọi sự… Các tông đồ chung sống với Đức Giêsu nhiều năm tháng. Các ông thừa thì giờ để thấm đượm giáo huấn khi nghe Người giảng dạy và quan sát cách cư xử của Người. Các ông có được một sự hiểu biết do tri thức, ở tầm các ông, nhưng sự hiểu biết do hành vi tin thì chưa có. Thật ra, điều sau đây có thể đối với chúng ta là không ngờ được: trong bữa Tiệc Ly các tông đồ chưa có được niềm tin đích thật vào Đức Giêsu. Muốn cho các ông có được hành vi tin ấy, thì phải có biến cố Phục Sinh, phải có Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Chúng ta tự chất vấn:

  Sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa là gì? Nếu ngày nay chúng ta không dễ theo cám dỗ thờ thần tượng, có thể dễ ngà vào một thứ chủ nghĩa tri thức thúc giục chúng ta đại khái xếp Thiên Chúa vào một ý thức hệ thuộc trật tự triết lý, chính trị, xã hội, v.v… hoặc đơn giản thuộc trật tự thực tiễn giữa những tiện nghi phàm tục của chúng ta. Chúng ta có tìm biết Thiên Chúa như Đức Giêsu Kitô mạc khải cho chúng ta, một Thượng đế thân thiết ở giữa cuộc đời chúng ta không?

  Chúng ta có chú ý đến Chúa Thánh Thần không? Năng đọc năng nghe Phúc Âm không đủ giúp chúng ta biết Đức Giêsu Kitô. Chúng ta phải chú ý trong thâm tâm, một cách ngay thẳng, để nhận lấy giáo huấn của Ngôi Ba Thiên Chúa. Một phương thế tốt để làm công việc đó là khi gặp một đoạn Phúc Âm cho chúng ta thấy một chân lý, chúng ta hãy cố gắng ứng dụng tức khắc. Hành động này cũng phải kể là sự thành thật ngay thẳng trong tình yêu.

5. Hoà bình, hồng ân của Thiên Chúa

Tháng 2 năm 1991 sau khi quân đội đồng minh đổ bộ lên Kouweit được ba ngày, thế giới đã thở phào một cái nhẹ nhõm vì mối đe dọa của một cuộc chiến tranh nguyên tử đã qua đi và nền hòa bình đã trở lại với thế giới. Hiểu như thế thì hòa bình hay bình an là không có chiến tranh. Nhưng không có chiến tranh chưa chắc là đã có hòa bình.

Sau thế chiến thứ hai, thế giới đã chia làm hai phe: Tư Bản và Cộng Sản. Trong khoảng từ năm 1945 đến năm 1990 không có một cuộc chiến tranh nào với tính cách quy mô giữa hai phe Tư Bản và Cộng Sản. Vậy mà thế giới vẫn nơm nớp lo sợ một cuộc chiến tranh. Lý do là vì cả hai phe đều chạy đua vũ trang. Tình trạng đó được gọi bằng một cái tên là “chiến tranh lạnh”. Năm 1989 sau khi khối Cộng Sản sụp đổ ở Đông Âu, người ta đã họp nhau lại tại Paris để tuyên bố cuộc chiến tranh lạnh đã kết thúc.

Như vậy trong gần một nửa thế kỷ, tuy thế giới không có một cuộc chiến tranh nào trên quy môn lớn, nhưng con người vẫn phải sống trong sự bất an. Mới đây (ngày 8/5/1995) thế giới vừa mừng kỷ niệm 50 năm chiến thắng phát xít Đức và kết thúc thế chiến thứ hai. Nhưng người ta lại lo sợ trước chủ nghĩa “Phát xít mới”, trước nạn khủng bố lan tràn và các cuộc xung đột chủng tộc… Người ta nói nhân loại đang sống trong một nền “hòa bình nóng”!

Thưa anh chị em, Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta hòa bình của Ngài từ gần hai ngàn năm nay rồi. Vậy mà tại sao loài người lại không được sống trong hòa bình?
“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban bình an của Thầy cho anh em. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng”.

Chúa Giêsu đã coi sự bình an như một ân huệ Ngài để lại. Ngài ban bình an của Ngài cho các môn đệ. Ngài không cầu chúc, nhưng Ngài để lại, Ngài ban tặng bình an. Ngài không ban như người ta, vì người ta không thể ban cho ai bình an, chỉ có thể cầu chúc, ước muốn được bình an mà thôi.

Vậy thì bình an của Chúa Kitô là gì? Bình an của Chúa Kitô không phải là tình trạng yêu ổn không bị khuấy động vì chống đối, vì chiến tranh. Bình an ở đây là sự sống trọn đầy, là ân huệ gồm tóm mọi ân huệ của thời đại Chúa Cứu Thế. Chính vì vậy, bình an nầy gắn liền vớ Chúa Giêsu và sự hiện diện của Ngài: “Chúa Giêsu là sự bình an của chúng ta” (Ep 2.14). Sự bình an mà Chúa Giêsu trối lại hay là chia sẻ cho chúng ta là sự bình an mà Ngài thực sự có được và nghiệm thấy một cách trọn vẹn, khi Ngài đã chiến thắng được sợ hãi đứng trước tử thần. Đó là sự bình an của Đấng đã yêu thương đến cùng (Ga 13,1), nghĩa là chấp nhận hy sinh mạng sống cho những kẻ mình yêu thương (Ga 15,13). Nói khác đi, đó là bình an mà Chúa Giêsu đã có thể chia sẻ cho chúng ta, sau khi Ngài đã thực sự chia sẻ chính thân mình Ngài cho chúng ta.

Thánh Phaolô gọi sự bình an đó là “bình an của thập giá”: “Nhờ máu Chúa Giêsu đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trởi” (Cl 1,24). Bình an của thập giá là bình an mà Chúa Giêsu đã phải trả bằng chính máu của Ngài để giao hòa nhân loại với Ngài và nhân loại với nhau. Nói khác đi, Chúa Giêsu đã lấy cái chết của mình để xóa bỏ tội lỗi nhân loại, đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét, khiến cho nhân loại từ nay được hòa giải với Thiên Chúa và trở nên một thân thể duy nhất. Bởi vậy mà Chúa Giêsu xứng đáng được gọi là “Bình an của chúng ta” (Ep 2,14-18).

Anh chị em thân mến,
Bình an là khát vọng của mọi người, ở mọi nơi và mọi thời. Nhưng thực ra có lẽ chưa bao giờ nhân loại được hường một sự bình an toàn diện và phổ quát. Người ta có thể dập tắt ngọn lửa chiến tranh, có thể áp đặt một nền hòa bình, ký kết những bản hòa ước. Nhưng không ai có thể hiểu thấu lòng người để có thể đem lại được sự bình an vào tận cõi sâu thẳm bên trong; bởi vì ít có ai có được bình an thực sự trong lòng mình để có thể chia sẻ cho người khác. Con người chỉ có thể xây dựng hòa bình bên ngoài, nhưng không có khả năng chế ngự, điều khiển được những đợt sóng ngầm vẫn luôn sôi sục trong đáy lòng của mỗi cá nhân. Bởi vậy, hòa bình trên thế giới từ trước đến nay thường chỉ là những nền hòa bình giả tạo, mong manh, tạm thời. Dĩ nhiên có được hòa bình đó vẫn còn tốt hơn là không.

Người Kitô hữu phải là những người tác tạo và tái tạo hào bình, những người làm chứng cho hoàn bình trong thế giới bằng cuộc sống không bạo lực và bằng cách sống đồng tâm nhất trí với nhau. Điều kiện cần thiết là phải tin vào Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Lời được Cha sai đến loan báo Tin Mừng bình an (Cv 10,36), phải tuân giữ Lời Chúa, và như vậy chúng ta sẽ có được sự hiện diện của Chúa trong chúng ta, như Chúa Giêsu đã tỏ cho biết: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến ở trong người ấy” (Ga 14,23). Có Chúa hiện diện trong chúng ta, chúng ta sẽ không còn lý do nào để phải lo lắng, sợ hãi. Sợ hãi, lo lắng, chứng tỏ một tâm hồn xao xuyến, chưa được ổn định, chưa được bình an và là một tâm hồn không có Chúa ngự trị.

Muốn xây dựng hòa bình của Chúa, chúng ta phải là những con người hiếu hòa, đã được ổn định và bình an trong tâm hồn. Nếu chúng ta còn để cho dục vọng làm chủ mình; nếu chúng ta còn khư khư bám víu sự sống mình một cách ích kỷ; nếu chúng ta còn có sợ mất mát những của cải, hoặc phải bảo vệ chúng để hưởng thụ; nếu chúng ta còn muốn thống trị kẻ khác, làm sao chúng ta có thể gieo rắc bình an và xây dựng được hòa bình? Muốn xây dựng hòa bình ở bình diện lớn, thiết tưởng phải bắt đầu từ những bình diện nhỏ, vừa tầm tay, từ cá nhân, trong gia đình, đến xã hội, đất nước và lan tỏa đến toàn thế giới.

Cuối cùng, phải chăng Thánh lễ là một lời cổ vũ mạnh mẽ cho hòa bình và là một sự thúc đẩy người Kitô hữu dấn thân xây dựng hòa bình? Khi chúng ta chia sẻ bình an của Chúa cho anh chị em, chúng ta cam kết sống an hòa, yêu thương và dấn thân đem lại hòa bình, an vui, hạnh phúc cho mọi người. Và lời chúc cuối lễ của vị chủ tế là chúc anh chị em ra đi với sự bình an của Chúa Kitô, ra đi mang theo một cái gì đó của Nước Thiên Chúa cho mình và cho kẻ khác.

6. Ơn bình an

Suy Niệm 1. BÌNH AN Ở GIỮA SỰ RỐI LOẠN

Trong cuốn sách Go Down to the Potter’s House của Donagh O’Shea, ông có một câu chuyện về một ông vua có hai hoạ sĩ trong triều là hai đối thủ gay gắt. Một ngày nọ, nhà vua nói: “Trẫm quyết định một lần này cho xong để biết ai trong hai khanh là hoạ sĩ giỏi nhất. Hai khanh phải vẽ cùng một đề tài và như vậy, trẫm sẽ ở giữa để phán xét. Và đề tài là bình an”.

Hai người hoạ sĩ đồng ý, và một tuần sau trở lại với các bức tranh của họ.
Hoạ sĩ thứ nhất giới thiệu bức tranh của mình. Nó cho thấy một phong cảnh thơ mộng với những ngọn đồi đều đặn kề bên nhau và một mặt hồ không gợn sóng. Toàn bộ phong cảnh nói lên sự hài lòng, bình an, tĩnh lặng. Tuy nhiên, khi nhà vua nhìn vào bức tranh, ngài không thể giữ cho mình khỏi ngáp. Rồi quay lại hoạ sĩ, ngài nói; “Bức tranh của khanh đẹp, nhưng nó làm ta buồn ngủ”.

Kế đó, hoạ sĩ thứ hai đã trình bày công trình của mình. Nó cho thấy một thác nước chảy ầm ầm. Lối vẽ hiện thực làm cho người ta như nghe thấy tiếng gầm của nước khi va vào các tảng đá ở bên dưới hàng trăm thước.

“Nhưng đây không phải là một cảnh bình an như trẫm đã ra lệnh”, nhà vua tức giận nói. Hoạ sĩ không đáp lại nhưng xin nhà vua tiếp tục xem. Rồi nhà vua nhận ra một chi tiết mà trước đó ngài không để ý: ở giữa các tảng đá bên dưới thác nước, có một bụi cây mọc lên với một tổ chim trên cành. Khi nhìn kỹ, nhà vua thấy có một con chim trong tổ: một con se sẻ đang ấp trứng, đôi mắt lim dim. Nó đang chờ các con nó được sinh ra, một hình ảnh bình an hoàn hảo.

Nhà vua rất thích thú khi nhìn vào điều đó. Quay lại người hoạ sĩ thứ hai, ngài nói: “Trẫm rất thích bức tranh khanh đã chuyển tải một điều rất quan trọng về bình an, đó là có thể sống trong bình an cả khi ở giữa cảnh ồn ào hỗn loạn của đời sống”.

Đức Giêsu đã nói về sự bình an trong suốt bữa Tiệc Ly. Người nói với các tông đồ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi”.

Quả là một thời điểm lạ lùng để nói về sự bình an vì mọi sự đang rối loạn ở xung quanh Người. Làm thế nào mà lúc đó Người có thể nói về sự bình an? Bởi lẽ bình an là hiệp thông với Thiên Chúa. Và Đức Giêsu đã ở trong sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Vì thế, Người có thể nói về sự bình an cả khi các kẻ thù đang siết chặt vòng vây xung quanh Người và cái chết đang ở một góc tối nào đó.

Bình an không giống như sự yên tĩnh. Yên tĩnh thuộc về ngoại giới. Bình an chủ yếu thuộc về nội giới. Bình an là một tình trạng của sự tĩnh lặng nội tâm và chỉ rõ những mối quan hệ đúng đắn với Thiên Chúa và với những người khác. Một thành phần chủ yếu của bình an là sự chính trực. Vì thế đối với kẻ xấu, không có sự bình an.

Bình an là kết quả của việc người ta tín thác vào Thiên Chúa và khi ước muốn làm vui lòng Người là việc quan trọng nhất trong đời sống của người ấy. Đó là điều mà người ta có thể có cả khi ở giữa sự xáo trộn, xung đột và những vấn đề chưa giải quyết được.
Đức Giêsu ban bình an của Người cho chúng ta: “Thầy để lại bình an cho anh em”. Bình an mà Người ban cho chúng ta không phải là thứ bình an để chúng ta trốn tránh thực tại. Nó là một điều rất thâm sâu và độc lập với những hoàn cảnh bên ngoài. Bình an ấy vượt qua mọi sự hiểu biết, bình an mà thế gian này không thể ban cho và không một ai có thể lấy mất của chúng ta.

Suy Niệm 2. ĐỂ NGƯỜI RA ĐI

Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu nói về sự ra đi của Người. Không bị bất ngờ, các Tông đồ chìm sâu vào sự đau buồn trước viễn cảnh mất Người. Họ không muốn Người đi, họ muốn giữ Người lại. Bạn không dễ dàng chấp nhận Người mà bạn yêu thương ra đi. Ngay cả một đồ vật hoặc một con thú cưng của bạn cũng thế.

Một ngày nọ, một cậu trai trẻ thấy một con chim nhỏ run lẩy bẩy nằm dài trên mặt đất, bên dưới một cái tổ. Cảm thấy xót xa trong lòng vì chim, cậu đem chim và nhà và đặt gần lò sưởi, ở đó chim từ từ hồi sinh. Tuy nhiên, thay vì trả chim về tổ, cậu làm một cái lồng cho chim. Trong lồng, cậu cho chim nhiều thức ăn, nước uống và hơi ấm.

Chim nhỏ mau lớn và bắt đầu bay quanh lồng. Kế đó, nó bắt đầu hót. Cậu trai run lên vì sung sướng. Nhưng một ngày kia nó bắt đầu đập cánh vào cạnh lồng. Cậu liền hỏi ông cậu điều đó có nghĩa gì.
  “Nó không hạnh phúc”, ông cậu đáp.
  “Cháu không hiểu”, cậu trai hỏi: “Nó không có mọi thứ nó cần trong lồng hay sao?”.
  “Mọi thứ ngoại trừ một điều mà chim nào cũng mong ước?”.
  “Điều đó là điều gì?”
  “Tự do” ông cậu đáp.
  “Ông muốn nói là cháu phải cho nó tự do, nó muốn rời bỏ cháu”.
  “Nó chỉ muốn được tự do, vì thế nó mới có thể giống như những con chim khác”.
  “Nhưng làm sao cháu có thể để nó đi?” Cậu khẩn khoản. “Nó không biết gì về những nguy hiểm đang chờ nó trong thế gian. Nó có thể bị giết chết hoặc chết đói”.
  “Đó là một sự liều lĩnh mà cháu phải có”.
  “Nhưng cháu yêu nó nhiều đến nỗi cháu không thể để nó đi”.
  “Nếu cháu thật sự yêu nó, cháu phải để nó đi”.

Cậu bé trở nên thinh lặng. Nó nhìn con chim và con chim vẫn tiếp tục vỗ cánh vào lồng. Và với mỗi cái đập cánh, nó dường như muốn nói: “Trả tự do cho tôi! Trả tự do cho tôi!”. Không thể chịu nổi nữa, cậu quyết định để chim đi.

Khi nó bay ra ngoài cửa số, nó mang theo nó một mảnh hồn của cậu. Cậu nhìn theo qua cửa sốt mở rộng một lúc lâu. Rồi thình lình, cậu nghe tiếng chim hót ở một cây gần đó. Tiếng hót này dường như vui tươi và ngọt ngào hơn trước đây. Và đây là lần đầu tiên trong nhiều tháng, cậu cảm thấy tự do: hạnh phúc và bình an.

Các tông đồ không muốn để Đức Giêsu ra đi. Nhưng khi làm thế, họ không nghĩ đến Người mà nghĩ đến họ. Người đã nói với họ như thế. Người nói: “Nếu anh em yêu mến Thầy thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14,28). Đối với Đức Giêsu, trở về với Chúa Cha là mục đích của đời sống Người. Cố giữ Người ở lại là tỏ ra không yêu mến Người.

Tình yêu chiếm hữu rất thường gặp. Một số cha mẹ có tinh thần chiếm hữu rất mạnh trong tình yêu đối với con cái họ. Đã ban cho con cái họ đời sống, họ từ khước để cho chúng sống đời sống ấy theo cách của chúng. Sự việc tương tự cũng xảy ra trong một số cuộc hôn nhân. Người ta không sẵn lòng để cho người phối ngẫu có đời sống riêng của họ.

Tình yêu chiếm hữu gây ra nhiều đau khổ và thiệt hại. Mặt khác tình yêu không chiếm hữu làm nên điều kỳ diệu cho cả đôi bên.

Sự trưởng thành, tiến bộ, thay đổi đòi hỏi một sự để cho đi, một sự buông bỏ điều gì đó mà chúng ta đang có và coi là thân thiết. Nhưng sự buông bỏ ấy là để đạt được một điều mới mẻ và tốt đẹp hơn.

Khi rời xa các Tông đồ, Đức Giêsu xác nhận rằng Người không bỏ rơi họ. Người nói với họ: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16,7). Và Người làm đúng như lời Người đã nói. Khi chúng ta sẵn lòng để Người khác ra đi, người ấy có thể rời xa chúng ta mà không làm cho chúng ta cảm thấy bị bỏ rơi. Và chúng ta cởi mở lòng mình để đón nhận một điều mới mẻ mà nếu không ra đi người ấy sẽ không đem lại cho chúng ta.

7. Ai yêu mến thầy - Lm. GB. Nguyễn Văn Hiếu

Phân tích

Với thời gian, biết bao nền văn minh xán lạn, bao nhà cai trị khét tiếng, nay còn đâu!? Thế nhưng Giáo Hội Chúa chỉ khởi đầu với 12 con người yếu đuối, hèn kém, cộng thêm biết bao bắt bớ, thử thách cam go, lại càng ngày càng phát triển, càng đông người tin theo và càng có uy tín đối với mọi người. Động lực đó từ đâu, nếu không phải từ sức mạnh và quyền năng dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, mà Chúa Giêsu Phục Sinh đã ban cho Giáo Hội?

  - Lạy Chúa, Chúa đã ban Chúa Thánh Thần cho chúng con, để chúng con được sống tự do.
  - Lạy Chúa, Chúa đã ban Chúa Thánh Thần cho Giáo Hội, để Giáo Hội trở nên Thành Thánh đáng quý đáng trọng.
  - Lạy Chúa, Chúa đã ban Chúa Thánh Thần, để dạy dỗ và nhắc nhở chúng con. 

Suy niệm

Nhiều người đã lấy làm lạ không hiểu tại sao, cho đến giờ phút này, Giáo Hội Chúa vẫn có thể tồn tại và phát triển; càng ngày càng phát triển, cho dù ngay từ bản thân Đức Giêsu, Giáo Hội Chúa đã bị bách hại, bị người đời tính toán tiêu diệt. Thử thách như theo gót phát triển của Giáo Hội : Thời kỳ đầu ở Giêrusalem, khởi sự với cuộc tử đạo của Thánh Têphanô, Thánh Giacôbê và các Thánh Tông Đồ khác, đến nỗi Giáo Hội phải phân tán khắp nơi; 300 năm cấm đạo ở Rôma và các Giáo Hội địa phương cũng chịu cùng cảnh ngộ. Giáo Hội có mặt ở đâu là bị bách hại ở đó; ngay tại Việt Nam, thời chế độ phong kiến, Giáo Hội cũng phải chịu hơn trăm năm ruồng rẫy, bắt bớ, hàng trăm ngàn người hy sinh vì Chúa. Bên ngoài Giáo Hội bị bách hại đã vậy, bên trong Giáo Hội cũng không kém phần thử thách: Nhiều người thế giá sống tội lỗi; nội bộ chia rẽ, nhiều giáo phái nổi lên gieo những điều sai lạc và làm ly tán Giáo Hội. Thế nhưng, Giáo Hội vẫn đứng vững trước các thử thách; ngày càng có nhiều người tin nhận, gia nhập Giáo Hội bằng con đường này hay con đường khác. Tất nhiên, chúng ta không lấy số lượng làm mục đích phát triển Giáo Hội, nhưng việc phát triển số lượng đó vẫn cho chúng ta thấy một sức sống mãnh liệt đang tiềm tàng hoạt động trong Giáo Hội. Sức sống đó là gì và ở đâu?

Thời Giáo Hội sơ khởi, nhiều tín hữu từ Giêrusalem -tất nhiên gốc là Dothái giáo, đã thấm nhiễm tinh thần, luật lệ và các buổi phụng vụ Dothái- đến Antiôkia buộc các Kitô hữu gốc lương dân phải thi hành các luật lệ của ông Môsê, theo thói quen của Dothái giáo, làm các tín hữu tân tòng hoang mang, vì chẳng lẽ ơn cứu độ của Chúa Giêsu không giá trị bằng luật lệ của Cựu Ước? Nhiều cuộc tranh cãi đã nổ ra. Nhưng những bất đồng ý kiến, nếu không được hoà giải, sẽ đưa tới việc phân hoá Giáo Hội. Kinh nghiệm cho biết: Những đảng phái, phe nhóm do con người thiết lập, sẽ dễ dàng phân hoá, bất đồng ý kiến và phản bội nhau chỉ vì quyền lợi vật chất, địa vị, danh vọng trần thế như vậy. Rất may là các Tông Đồ đã gặp gỡ nhau, triệu tập công đồng đầu tiên trong Giáo Hội. Nhờ ngày phục sinh được Chúa Giêsu trao ban Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ đã nhận ra vai trò và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội: "Thánh Thần và chúng tôi quyết định..." (Cv 15,28). Chúa Thánh Thần đứng trước các Tông Đồ và chủ động việc hướng dẫn giúp đỡ các Tông Đồ. Chính nhờ Chúa Thánh Thần, Giáo Hội đã tránh được tình trạng đổ vỡ và ngày càng hiểu sâu hơn giáo huấn của Chúa Giêsu, như chính Chúa Giêsu đã nói: "Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần, Chúa Cha sẽ phái đến nhân Danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em" (Ga 14,26). Tất cả mọi sinh hoạt trong Giáo Hội đều có bàn tay can thiệp của Chúa Thánh Thần. Chính vì vậy, đứng trước những nguy cơ mà Giáo Hội phải đương đầu, nếu sống trong đức tin, chúng ta sẽ luôn luôn khám phá ra được những dấu ấn hoạt động của Thánh Thần Thiên Chúa và bao giờ chúng ta cũng cảm nhận được bình an, đúng như lời Chúa hứa: "Thầy để lại bình an cho anh em" (14,27).

Chúa Giêsu Phục Sinh đã ban Chúa Thánh Thần của Người cho Giáo Hội. Chưa ai thấy Chúa Thánh Thần, nhưng qua những hiệu quả công việc của Người, chúng ta cảm nhận được Người luôn sống trong Giáo Hội. Chúa Giêsu đã từng nói với ông Nicôđêmô về hoạt động của Chúa Thánh Thần: "Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu" (3,8). Chúa Thánh Thần luôn hoạt động theo tự do của Người. Qua những sinh hoạt và tính tồn tại, phát triển của Giáo Hội, bất chấp các thế lực chống đối, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta khám phá ra Chúa Thánh Thần đang hiện diện trong Giáo Hội và qua Giáo Hội, Chúa Thánh Thần đang hiện diện trong cuộc sống mỗi người, để ta luôn cảm nghiệm được bình an của Chúa.

Top