Suy niệm Lời Chúa: CN 3 Mùa Chay C

CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY C
Lời Chúa: Xh 3,1-8a.13-15; 1Cr 10,1-6.10-12; Lc 13,1-9
MỤC LỤC
1. Cái nhìn nội tâm - ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
2. Hãy sám hối - Lm. GB Nguyễn Văn Hiếu
3. Lời mời gọi sám hối- Lm. Phạm Thanh Liêm
4. Đất của những lời kêu gọi
5. Mùa chay, mùa đổi mới
1. Cái nhìn nội tâm - ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Mùa Chay là mùa sám hối. Sám hối là đổi mới tâm hồn. Muốn đổi mới tâm hồn, phải đổi mới cách nhìn về con người và cuộc đời, về bản thân và tha nhân. Hôm nay, Chúa Giêsu dạy ta những cách nhìn thời cuộc và biến cố theo tinh thần của Người.
Thông thường, trước một biến cố, ta dê có cái nhìn chính trị. Hôm nay, người ta thuật lại việc Philatô giết những người Do Thái trong Đền Thờ. Thời ấy, đế quốc Rôma đang thống trị nước Do Thái. Philatô là viên tổng trấn của Rôma. Tường thuật biến cố đau thương này, người ta mong Chúa Giêsu có cái nhìn chính trị, dấn thân vào chính trị. Người ta mong Chúa Giêsu kết án Philatô. Không bàn chính trị, không làm chính trị, cho dù sau này Chúa Giêsu vẫn bị kết án vì một tội chính trị. Không kết án Philatô, dù sau này chính Người bị viên tổng trấn này kết án.
Trước mọi biến cố, Chúa Giêsu muốn ta có một cái nhìn tôn giáo, vượt lên trên lĩnh vực chính trị. Từ một câu hỏi thuộc bình diện chính trị, Chúa Giêsu đã đưa ra một giải đáp thuộc bình diện tôn giáo. Từ một biến cố gây xôn xao dư luận, Chúa Giêsu mời gọi ta hãy ăn năn sám hối. Từ cái chết của thể xác, Chúa Giêsu hướng suy nghĩ ta tới cái chết của linh hồn: “Các ông tưởng mấy người Galilê đó bị như vậy là vì họ tội lỗi hơn những người Galilê khác sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy”.
Đối với người khác, ta dễ có cái nhìn kết án. Khi gặp một người mù từ thuở mới sinh, người ta hỏi Chúa Giêsu: “Đây là do tội nó hay tội của cha mẹ nó?”. Gặp người phụ nữ phạm tội ngoại tình, người ta muốn kết án chị. Nga có thói quen cho rằng thành công là một ân huệ Chúa thưởng cho người đạo đức, còn tai hoạ là hình phạt Chúa dành cho kẻ tội lỗi. Hôm nay, chứng kiến những nạn nhân bị thiệt mạng, những người tường thuật đều nghĩ rằng những nạn nhân ấy chết vì họ tội lỗi, còn tôi vô sự, điều đó chứng tỏ tôi vô tội. Chúa Giêsu lên tiếng cảnh báo họ: Các ông cũng là kẻ tội lỗi. Nếu các ông không ăn năn hối cải, các ông sẽ chết thảm khốc hơn những nạn nhân kia nữa. Chúa Giêsu dạy ta có cái nhìn bao dung. Nếu có phải xét đoán, hãy xét mình trước khi xét người. Nếu có phải lên án, hãy lên án chính bản thân mình trước khi lên án người khác: “Hãy lấy cái đà ra khỏi mắt ngươi trước, rồi ngươi sẽ thấy rõ để lấy cái rác ra khỏi mắt anh em”. “Ai trong các ông vô tội hãy ném đá chị này trước đi”.
Sau cùng, ta thường có cái nhìn ảo tưởng. Ta xây dựng những chương trình to lớn, những tham vọng đổi mới xã hội. Chúa Giêsu dạy ta hãy có cái nhìn thực tế: Đừng ảo tưởng với những chương trình to tát, lấp biển vá trời. Hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ bé. Đừng có ảo tưởng đổi mới xã hội, cải tạo thế giới. Trước hết, hãy đổi mới chính mình, cải tạo bản thân mình. Tục ngữ Trung quốc có câu: Nếu mỗi người trông hoa trước cửa nhà mình, cả thế giới sẽ biến thành một vườn hoa đẹp. Đổi mới chính mình đó là góp phần vào đổi mới thế giới.
Với những bài học ấy, Chúa Giêsu hướng ánh mắt ta lên cao, vượt thoát lĩnh vực tự nhiên để vươn tới lĩnh vực siêu nhiên. Với những bài học ấy, Chúa Giêsu hướng cái nhìn của ta xuyên qua những lớp bì phủ bên ngoài để soi chiếu vào chiều sâu nội tâm. Với những bài học ấy, Chúa Giêsu hướng cái nhìn của ta ra khỏi những ảo tưởng, đối diện với thực tế bản thân để trước mỗi biến cố ta tự xét và đổi mới chính mình. Lạy Chúa, xin đổi mới trái tim con. Amen.
2. Hãy sám hối - Lm. GB Nguyễn Văn Hiếu
Phân tích
Cha mẹ nào chẳng yêu thương con cái; nhà sáng tác nào chẳng yêu tác phẩm của mình; huống hồ là Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu và vì yêu thương mà đã tạo sinh nên con người, lẽ nào Người chẳng yêu thương chúng ta? Người chỉ muốn chúng ta được yêu thương và được hạnh phúc.
- Lạy Chúa, Chúa “đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Chúa” (Xh 3,7). Xin Chúa thương xót chúng con.
- Lạy Chúa Ki-tô, Chúa đã từng biểu lộ tình yêu thương dân Chúa (x.1Cr 10,1-4). Xin Chúa Ki-tô …
- Lạy Chúa, Chúa vẫn chờ đợi chúng con sám hối hoán cải trở về với Chúa (x.Lc 13,7-9). Xin Chúa thương xót …
Suy gẫm
Thiết nghĩ phản ứng của những người Do Thái thời Chúa Giêsu với những biến cố chết người, như chúng ta vừa nghe trong đoạn Tin Mừng hẳn không phải là cá biệt. Ngày hôm nay, trước những tai hoạ của những người sống chung quanh, chúng ta vẫn có thể có những suy nghĩ tương tự. Nếu họ là những kẻ mà chúng ta không hài lòng, hoặc vì đã có tì vết nào đó, chúng ta sẽ dễ có kết luận không hay khi họ gặp tai nạn: ‘Đáng đời!’; nghĩa là chúng ta dễ dàng trở thành vị thẩm phán hoặc công tố viên gay gắt với họ, hiếm khi nào chúng ta biết nhân biến cố đó mà hồi tâm suy xét đời sống của chính mình.
Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện vua Đa-vít sau khi phạm tội ngoại tình với bà Bát-Se-va và tìm cách giết chồng bà ngoài mặt trận, ông vẫn ung dung tự tại như không có chuyện gì xảy ra. Thế là ngôn sứ Na-than được Thiên Chúa sai đến. Ngôn sứ kể chuyện một anh hàng xóm giàu có nhưng bất lương đối xử bất công với người nhà nghèo bên cạnh. Chưa chấm dứt câu chuyện, nhà vua đã bừng bừng nổi giận, nguyền rủa, đòi trừng phạt anh nhà giàu có đó. Ngôn sứ bình tĩnh, chậm rãi nói với nhà vua: “Kẻ đó chính là ngài!” (2Sm 12,7).
Cũng như vua Đa-vít, chúng ta rất dễ nhạy cảm, khe khắt trước những yếu đuối, bất công của người khác, nhưng lại rất dễ tha thứ và mù quáng về chính bản thân! Chúng ta thích kết tội, hơn tạo cơ hội cho người có lỗi sửa đổi; thích nuôi lòng thù hận, hơn tha thứ bao dung!
Thiên Chúa thì khác. Cây vả đã 3 năm trong vườn, không sinh hoa trái, trong cơn thịnh nộ của chủ, nó đáng bị chặt bỏ. Nhưng nhờ lời can thiệp, nó đã được gia hạn, được chờ đợi. Phải chăng số phận con người, mỗi người đều đáng bị chặt bỏ như cây vả không trái kia, nhưng nhờ công trình cứu thế của Đức Giêsu "Con Thiên Chúa" can thiệp mà Thiên Chúa đã khoan giãn ngày đáng lãnh phần phạt của con người? Lòng khoan dung ấy không phải là lời mời gọi con người biết nghĩ đến thân phận yếu hèn của mình, để đừng mạnh miệng lên án ai, nhưng cần biết hồi tâm nghĩ đến chính cuộc sống mình, hầu canh tân sửa đổi cho kịp lúc sao?
Thiên Chúa không chỉ khoan dung. Người còn rất xót thương trước những cảnh khốn cùng của con người. Người đã tìm mọi cách thúc ép ông Môsê cộng tác với Người để cứu dân thoát cảnh nô lệ bên Ai-cập. Người dùng cột lửa cột mây hướng dẫn dân đi vào vùng Đất Hứa. Người dẫn đưa họ vượt qua Biển Đỏ. Người cung cấp lương thực hằng ngày cho họ trên đường lữ hành. Nghĩa là Người đồng hành với họ trên mọi bước đường, bởi vì Người thương yêu dân Người. Người sai ngôn sứ Na-than đến cảnh tỉnh vua Đa-vít khỏi mê lầm trong tội ác. Nhân những biến cố đau thương đang xảy ra cho dân tộc, Chúa Giêsu cũng hướng lòng đồng bào, những người đồng hương của Người cần cảnh tỉnh hoán cải; bằng không sẽ phải lãnh nhận hậu quả bất hạnh. Tuy nhiên, một điều chúng ta cần nhớ: Bất hạnh ở đây không phải do Thiên Chúa đã đẩy đưa con người bước vào, nhưng chính những hành động, nếp sống của con người đã đưa họ vào nỗi bất hạnh ấy. Tạo dựng nên chúng ta, Thiên Chúa chỉ mong muốn chúng ta được hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc này chỉ có thể có được khi chính chúng ta biết luôn ý thức về bản thân, để sám hối, để hoán cải, để canh tân. Chỉ khắt khe kết án người khác mà không hoán cải tự tân, chúng ta đã bước vào con đường huỷ hoại, giết chết chính mình.
Lạy Chúa, từng biến cố của cuộc đời, dù là mừng vui hay buồn tủi, đều là những lời Chúa đang nhắc nhở, mời gọi chúng con. Xin cho chúng con luôn ý thức cách sống, để biết sám hối canh tân, hầu được sống hoà hợp trong Chúa. A-men.
3. Lời mời gọi sám hối - Lm. Phạm Thanh Liêm
Lời Chúa hôm nay mời gọi mọi người sám hối, vì Thiên Chúa là Đấng luôn nhân từ hay thương xót, Ngài luôn động lòng trước nỗi thống khổ của con người, Ngài luôn thương và cứu giúp con người.
Thiên Chúa giải phóng dân Người
Dân Do Thái bị bóc lột, bị đàn áp và bị tiêu diệt từng ngày. Trong cùng quẫn, họ đã kêu lên Thiên Chúa, và Ngài đã giải phóng họ bằng việc sai gởi Môsê tới lãnh đạo dân, thương lượng với vua Pharaô, đưa dân ra khỏi Ai-cập.
Thiên Chúa động lòng trước nỗi khổ của dân Do Thái, trước nỗi khổ của Môsê lang bạt trong hoang địa khi trốn chạy Pharaô. Thiên Chúa đã hiện ra cho Môsê qua bụi gai bốc cháy mà không tàn, để sai Môsê đi giải phóng dân. Môsê lãnh đạo giải phóng dân, nhưng không phải Môsê lãnh đạo giải phóng dân, mà chính là Thiên Chúa giải phóng dân. Đây chính là điều dân Do Thái cần ghi nhớ để dạy lại cho con cháu. Thiên Chúa, Đấng tự hữu, luôn yêu thương và cứu trợ dân người.
Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người
Người đời cho rằng những người bị tai hoạ là những người tội lỗi, nên bị Chúa phạt. Nhưng Đức Giêsu lại không cho rằng những người bị Philatô sát hại cũng như những người bị thác Siloê đổ đè chết, là những người tội lỗi hơn những người còn đang sống. Đức Giêsu nói: “Không đâu! Nhưng nếu các người không sám hối, các người sẽ bị như vậy”. Những người bị nạn đó, trở thành tấm gương, là bài học để con người hôm nay nhìn vào, hầu thay đổi cách sống. Thiên Chúa vì yêu thương những người còn đang sống, hôm nay vẫn dùng bao biến cố, như những tấm gương, để răn dạy con người.
Dụ ngôn cây vả không sinh trái, và người làm vườn đã xin ông chủ khoan nhượng để bón phân tưới nước, hy vọng cây vả sẽ ra trái vào năm sau, bằng không thì sẽ chặt nó sau, cũng là dụ ngôn cho thấy Thiên Chúa vẫn luôn nhân từ và kiên nhẫn đối với con người tội lỗi.
Xin cho con người hôm nay, cụ thể là mỗi người chúng ta, được cảm nhận lòng yêu thương nhân từ kiên nhẫn của Thiên Chúa, để mỗi người chúng ta trở về với Ngài, và sinh hoa kết trái trong đời sống.
Dân Do Thái là bài học cho mọi người mọi dân tộc Dân Do Thái là dân riêng của Thiên Chúa, được Thiên Chúa thương yêu với bao đặc ân. Nhưng Thiên Chúa cũng thương mọi dân tộc như thương dân Do Thái. Họ được chọn để trở thành “tấm gương tầy liếp” (tấm gương to), cho tất cả mọi người, mọi dân tộc nhìn vào để soi, để thấy tình yêu của Thiên Chúa với dân Do Thái, và qua dân Do Thái đối với các dân tộc khác, với mọi người trên trần gian.
Dân Do Thái được Thiên Chúa đưa ra khỏi Ai-cập, được Ngài nuôi ăn bằng manna, được uống nước từ tảng đá. Nhưng tất cả những điều đó, cũng là dấu chỉ, là hình bóng, cho thấy Thiên Chúa vẫn luôn nuôi sống con người qua cơm bánh họ có từng ngày. Hơn nữa, con người hôm nay còn được nuôi sống bằng mình máu Đức Giêsu nơi bí tích Thánh Thể.
Cả lịch sử dân tộc Do Thái thành bài học cho con người của mọi thời đại sau này. Xin cho mỗi người cũng như mỗi dân tộc biết nhìn lịch sử dân Do Thái để nhận ra tiếng Chúa nói với mình, nhận ra tình yêu Thiên Chúa dành cho mình.
Không gì cắn rứt lương tâm.
Dường như Tin mừng hôm nay ngỏ lời với những người có khuynh hướng không quá lo lắng, không thấy áy náy lương tâm, cảm thấy chắc chắn về mình và có vẻ hài lòng về cuộc sống của họ nữa. Ta đễ dàng cho rằng những người này có tiếng tốt và tự hào là mình không làm hại ai cả: Họ không trộm cắp, dĩ nhiên rồi. Họ không bóc lột đồng loại. Trung thành với bạn đời, họ giáo dục con cái đàng hoàng. Mỗi ngày sabat, họ lên hội đường cầu nguyện. Đó là những người đạo đức! Những người Israel tốt lành, chăm lo tuân giữ lề luật.
Những lời Chúa Giêsu nói với họ thật là gay gắt: "Nếu anh em không hoán cải thì anh em sẽ chết hết". Khi nghe lời cảnh báo này, ta nhận ra một Chúa Giêsu muốn thức tỉnh thính giả của mình, muốn mở mắt cho họ nhìn ra tình trạng của họ, làm cho họ ý thức về điều quan trọng là thay đổi đời sống và cho họ thấy rằng đó là điều cấp bách: "Hãy hoán cải ... và nhanh lên ! Không được mất thì giờ ". Bao giờ cũng hơi khó coi trọng một lời mời gọi như thế. Và càng khó hơn nữa để ý thức rằng lời ấy được nói với chúng ta. Tuy nhiên! Đời sống của chúng ta có thực sự Ki tô không ? Chúng ta có thực sự và nghiêm túc thi hành tất cả những điều Chúa Ki tô dạy không ? Trong môi trường bé nhỏ của chúng ta, chúng ta có phải là muối và ánh sáng, là mẫu mực cho kẻ khác không ? Khi nhìn chúng ta sống, người ta có thể nói "đây là một ki tô hữu chân chính" không?
Những lời mời gọi.
"Anh em hãy hoán cải! " Câu này đã cũ rích, đã nhàm tai và có lẽ đã mất hết ý nghĩa rồi. Nó gây bực tức. Tuy nhiên, nó gợi lên một thực tại luôn luôn có tính thời sự: sự cần thiết phải thay đổi cái gì đó trong cách suy tư và cách sống của chúng ta cho am hợp hơn với những đòi hỏi của Tin mừng.
Tin mừng tuyên bố rằng thỏa thích trong những tiện nghi của mình khi kẻ khác phải thiếu thốn là không hợp tinh thần Ki tô. Khắp nơi, người ta kêu gọi giúp đỡ vì họ thiếu cả những cái tối cần nữa. Trong mùa chay này chúng ta muốn chia sẻ bao nhiêu những gì ta sở hữu ?
Tin mừng tuyên bố là không hợp với tinh thần Ki tô khi ta không quan tâm đến những kẻ xung quanh, khi ta xét đoán họ, gán cho họ những ý xấu, gây tổn thương cho họ bằng lời nói hoặc cử chỉ của ta, khi ta phá hoại thanh danh của họ ... Nhưng những người rất gần chúng ta ..., ngay trong nhà chúng ta, đang cần được thông cảm hơn và yêu thương hơn. Họ chờ đợi nơi chúng ta một chút ưu ái. Họ hy vọng chúng ta sẽ biết trở nên thực sự là cha, là mẹ, là anh em, là chị em của họ. Trong mùa chay này, chúng ta có chịu lắng nghe tiếng kêu của họ không? Chúng ta sẽ làm gì để yêu thương họ hơn?
Tất cả giáo huấn của Chúa Giêsu đều tuyên bố rằng ta không thể sống đạo thực sự nếu không quên mình, không quan tâm đến hạnh phúc của kẻ khác, không thiếu dịp sống cho kẻ khác. Trong xã hội chúng ta và có lẽ trong giáo xứ chúng ta nữa, có nhiều tổ chức, những cơ quan mời gọi chúng ta tham gia để góp phần lâm cho cuộc sống của nhiều người được khá hơn. Những cơ quan tổ chức giải trí, hoạt động mục vụ, những nhóm xã hội đủ loại ... Trong mùa chay này, chúng ta đang sống thế nào, chúng ta có thờ ơ trước những tiếng kêu giúp đỡ và nâng đỡ lan nhau được ngỏ với chúng ta không?
"Anh em hãy hoán cải!" Một lời kêu gọi dành cho kẻ khác mà thôi ... hay cũng liên quan đến cả chúng ta nữa?
Một thảm kịch kéo dài
Khi Chúa Giêsu xuống thế, thảm kịch xảy ra là đa số những kẻ gặp Ngài và nghe Ngài đã không tin Ngài. Những lời Ngài mời gọi sống tốt hơn đã không lay chuyển được họ.
Hôm nay, thảm kịch là chính những lời mời gọi dó tiếp tục vang lên và chúng ta vẫn tiếp tục làm ngơ, và chúng ta vẫn tiếp tục con đường của mình với một lương tâm bình yên."Nếu anh em không hoán cải thì anh em sẽ chết hết!"
Chúng ta sẽ làm gì trước lời cảnh báo này trong mùa chay mà chúng ta đang sống đây?
Một triết gia Ấn Độ đã nhìn lại quãng đời đi qua của mình như sau:
- Lúc còn trẻ, tôi là một người có đầu óc cách mạng. Lời cầu nguyện duy nhất mà tôi dâng lên Thượng Đế là: Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để thay đổi thế giới.
Đến tuổi trung niên, tôi mới nhận thấy rằng, một nửa đời tôi đã qua đi mà tôi chưa thay đổi được một người nào. Lúc đó, tôi mới cầu nguyện với Thượng Đế: Lạy Chúa, xin ban cho con ơn được biến cải tất cả những người con gặp gỡ hằng ngày, nhất là gia đình còn, bạn bè con. Và như vậy là đủ cho con rồi.
Nhưng giờ đây, tóc đã bạc, răng đã long, ngày tháng còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, tôi mới nhận ra rằng, tôi đã khờ dại biết chừng nào. Giờ nầy, tôi chỉ biết cầu nguyện như sau: Lạy Chúa, xin ban cho con được ơn thay đổi chính bản thân con.
Nếu tôi biết cầu nguyện như thế ngay từ lúc đầu, thì tôi đã không phí phạm quãng đời đã qua.
Người xưa đã có lý khi dạy chúng ta: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ… Theo trật tự của cuộc cách mạng, thì cách mạng bản thân – tu thân – là điều tiên quyết.
Một nhà cách mạng nào đó đã nói: Chỉ cần mười người như thánh Phanxicô thành Assisi thì cuộc diện thế giới sẽ thay đổi. Cuộc cách mạng đầu tiên mà bất cứ vị thánh nào cũng khởi sự, đó là cách mạng bản thân.
Chúa Giêsu đã chuẩn bị ba năm sống công khai bằng 30 năm âm thầm, 40 đêm ngày ăn chay cầu nguyện… Và lời kêu gọi đầu tiên của Ngài là: Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.
Hôm nay, Ngài lại kêu gọi chúng ta: “Hãy ám hối, nếu không chúng ta cũng sẽ bị tiêu diệt như những nạn nhân của biến cố tháp Silôê đổ, hay như những người bị thảm sát dưới thời Tổng trấn Philatô”.
Đến bây giờ vẫn còn không ít người quan niệm “ác giả ác báo” theo lối suy luận từ hậu quả đến nguyên nhân. Lời Chúa hôm nay dạy ta không được suy nghĩ như thế, phần vì ta không có quyền xét đoán tha nhân, phần vì thường chúng ta xét đoán theo chủ quan và phiến diện nên dễ sai lầm.
Mùa Chay là mùa sám hối, mùa đổi mới. Thiên Chúa nhân từ, kiên nhẫn chờ đợi. Ngài còn hoãn lại cho chúng ta một kỳ hạn nữa. Hãy khẩn trương sám hối kịp thời. “Đừng để đến ngày mai việc gì bạn có thể làm được hôm nay”.
Tục ngữ Pháp có câu: “Nếu trẻ mà hiểu ra, nếu già mà làm được” (Lúc trẻ thì không hiểu để làm, đến lúc già muốn làm thì không còn sức để làm nữa). Việt Nam chúng ta cũng có câu: “Lão lai tài tận” (Đến tuổi già thì tài năng cũng hết). Thế là bị rơi vào luật đào thải, như cây cằn cỗi, không sinh trái đã lâu, phải chặt đi thôi. Bao lâu còn sống, là như cây còn xanh tươi. Hoán cải, đổi mới, không bao giờ là quá trễ. Hãy tin tưởng, bắt đầu ngay hôm nay, kẻo không kịp nữa. Hằng ngày, báo chí, truyền hình, radio, đưa tin trong cũng như ngoài nước, bao nhiêu tai nạn chết người: xe đụng, tàu chìm, phi cơ rớt, động đất, hoả hoạn, đó là chưa kể đến nạn khủng bố đe doạ biết bao người trên thế giới…
Tại sao những người kia gặp nạn, chứ chưa phải là tôi? Đừng dựa vào những may mắn trong cuộc sống, để yên trí rằng mình sống trong sạch, tốt lành; để tạo cho mình mối an tâm được Chúa ưu đãi hơn những người khác; để không lo hoán cải, đổi mới.
Khoa học kỹ thuật càng tiến bộ, con người càng thấy rõ hơn nỗi cô đơn trước những giới hạn của mình… nhất là nỗi sợ hãi trước cái chết, thân phận bi đát nhất của kiếp người. Khát vọng được sống và sống đời đời không ngừng đòi hỏi con người đổi mới để khỏi phải thấy sức sống tắt lịm trong tay của mình. Vì vậy, hoán cải là vấn đề tức thời và cấp bách.
Mỗi người chúng ta đều là kẻ tội lỗi, đều có thể phải đối diện với Đấng phán xét bất cứ lúc nào. Bởi vậy, ngày nào, giờ nào, phút nào cũng mang tính khẩn trương: đây có thể là ngày cuối, giờ cuối, phút cuối… trước khi ra mắt Đấng phán xét. Lời Chúa hôm nay phải thức tỉnh chúng ta. Đừng đấm ngực người khác, hãy đấm ngực mình mà sám hối cho thật, cho mau kẻo hối hận cũng không còn kịp nữa.
Có thể chúng ta nghĩ rằng: mình là người tín hữu đạo đức, sốt sắng, mình đi dự lễ, rước lễ đều đặn, mình cũng làm việc bác ái, cũng đi xưng tội, vì thế lời kêu gọi sám hối không có liên hệ gì đến mình. Chính những người nghĩ như thế mới là người cần phải sám hối. Thánh Phaolô hôm nay đã nói: “Ai tưởng mình đứng vững thì hãy coi chừng kẻo ngã”. Việc sám hối trở lại không bao giờ chỉ làm một lần là xong.
Quả thực, lời kêu gọi hoán cải sám hối trong Tin Mừng hôm nay liên hệ đến tất cả mọi người: bởi vì mỗi người chúng ta đều phải sống cuộc sống mới và vượt lên trên tất cả những gì cản trở chúng ta sống cuộc sống mới nầy, một cuộc sống hữu ích cho gia đình, cho xã hội và cho nhân loại.
Hành trình Mùa Chay không chỉ nhằm dẫn chúng ta quay trở lại quá khứ để ăn năn khóc lóc tội lỗi mình hay đến toà giải tội xưng thú tội lỗi mình… nhưng còn muốn dẫn chúng ta đến cuộc sống mới dồi dào hơn. Mùa Chay phải trở thành mùa đổi mới con người và xã hội, mùa nở hoa kết trái tình thương, mùa thực thi việc lành phúc đức… nếu không, chúng ta cũng sẽ bị tiêu diệt y như vậy hoặc có thể “năm tới sẽ bị chặt đi”.
“Đổi mới hay là chết”. Có một thời người ta đã hô lớn khẩu hiệu này. Và đây cũng là đòi hỏi của Lời Chúa hôm nay. Xin cho thánh lễ nầy kết hiệp chúng ta mật thiết với Chúa Giêsu, để giúp chúng ta tiêu diệt dần dần đời sống cũ kỹ nhem nhuốc của mình, đồng thời chúng ta cũng dần dần trở nên thánh thiện phong phú hơn trong Chúa Giêsu. Ước gì mệnh lệnh hoán cải cấp bách sẽ được chúng ta thực hiện không chỉ ngay bây giờ mà còn kéo dài trong từng phút sống của cuộc đời ta.
bài liên quan mới nhất

- Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm C
-
Bài giảng trong thánh lễ kỷ niệm 50 năm thụ phong Linh Mục 1975/15-6/2025 - linh mục Tổng Đại diện Ignatio Hồ Văn Xuân -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật Chúa Ba Ngôi năm C -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 7 Phục sinh năm C - Chúa Thăng Thiên -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 6 Phục sinh năm C -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 5 Phục sinh năm C -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 4 Phục sinh năm C -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 3 Phục sinh năm C -
Hiệp sống tin mừng: Chúa nhật 2 Phục sinh
bài liên quan đọc nhiều

- Tâm tình Mùa Chay
-
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 13 Thường niên năm B -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 14 Thường niên năm A -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 5 Phục sinh năm C -
Hiệp sống Tin mừng ngày 29/06: thánh Phêrô và thánh Phaolô tông đồ -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Hiệp sống Tin mừng ngày 02/11: Cầu cho các đẳng linh hồn -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 27 Thường niên năm B -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 29 Thường niên năm B