Suy niệm Lời Chúa: CN 15 Thường Niên C

Suy niệm Lời Chúa: CN 15 Thường Niên C

 

 

 

 

Các bài suy niệm CN 15 Thường Niên - C
Lời Chúa: Đnl. 30, 10-14; Cl. 1, 15-20; Lc. 10, 25-37

MỤC LỤC
1. Nhớ mang theo trái tim
2. Yêu người
3. Ai là người thân cận
4. Hãy đi và làm như vậy 
5. Ai là người Samaria tốt nhất?
6. Người Samaritanô nhân hậu
7. Yêu rồi làm
8. Ngươi hãy đi làm như vậy

------------------------------------------------------------
 

1. Nhớ mang theo trái tim - ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Trường sinh bất tử, muốn được hạnh phúc vĩnh viễn, muốn được sống đời đời, đó là mơ ước muôn đời của mọi người. Hôm nay, một thày thông luật nói lên mơ ước đó khi ông hỏi Chúa “làm cách nào để được hưởng sự sống đời đời”.

Để trả lời ông, Chúa Giêsu kể câu chuyện, một câu chuyện bình thường xảy ra hằng ngày: Một người đi đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị cướp trấn lột, đánh nhừ tử, dở sống dở chết nằm rên rỉ bên vệ đường. Thày tư tế đi ngang thấy thế tránh qua bên kia đường mà đi. Thày Lêvi cũng thế. Nhưng một người xứ Samaria, một người ngoại đạo, đã chạnh lòng thương, dừng lại băng bó cho nạn nhân. Chưa hết, ông còn chở nạn nhân đến quán trọ. Hơn thế nữa, ông gửi tiền để nhờ chủ quán chăm sóc nạn nhân cho đến khi bình phục.

Qua câu chuyện người xứ Samaria nhân hậu, Chúa Giêsu chỉ cho ta con đường dẫn đến sự sống đời đời.

Đường Giêrikhô tượng trưng cho con đường về Nước Trời. Đó là con đường gập ghềnh khó đi. Đó là con đường nguy hiểm vì có trộm cướp rình rập. Đó là con đường thử thách. Để vượt qua thử thách, vũ khí duy nhất hữu ích là trái tim. Trái tim chiến thắng có những phẩm chất như sau:

Đó phải là một trái tim nhạy bén.

Người xứ Samaria nhân hậu có một trái tim nhạy bén. Dù đang bận việc riêng, dù vó ngựa phi nhanh, ông vẫn nhìn thấy người bị nạn nằm bên vệ đường. Dù tiếng gió vù vù xen lẫn tiếng vó ngựa lộp cộp, ông vẫn nghe được tiếng rên rỉ rất yếu ớt của người bị nạn. Trong khi đó, thầy Tư Tế và Thầy Lêvi chỉ đi bộ lại không thấy, không nghe. Hay nói đúng hơn, các thầy có nghe, có thấy nhưng trái tim các thầy đóng kín, nên các thầy chẳng động lòng. Trái tim các thầy bị đóng kín vì những cánh cửa lề luật: Sợ đụng chạm vào máu, vào người bị thương, sẽ trở thành ô uế không được tới đền thờ dâng lễ vật. Người xứ Samaria không nghe bằng đôi tai, không nhìn bằng đôi mắt, nhưng nghe và nhìn bằng trái tim. Trái tim nhạy bén có đôi tai thính lạ lùng. Có thể nghe rõ tiếng rên rỉ thì thầm tận đáy lòng. Trái tim nhạy bén có đôi mắt sáng lạ lùng. Có thể nhìn thấy cả những nỗi đau âm thầm trong tâm khảm.

Đó phải là một trái tim quan tâm.

Trái tim quan tâm đưa ta đến gần gũi anh em. Trái tim quan tâm biết làm tất cả để phục vụ anh em. Các thầy Tư Tế và Lêvi không có trái tim quan tâm nên khi thấy người bị nạn đã tránh sang bên kia đường mà đi. Người xứ Samaria có một trái tim quan tâm nên ông lập tức đến gần nạn nhân. Vì có trái tim quan tâm nên ông có thể làm tất cả để giúp nạn nhân. Vì quan tâm nên ông đã mang sẵn bên mình nào là dầu, nào là băng vải. Chẳng học nghề thuốc mà ông săn sóc vết thương một cách thành thạo. Chẳng luyện tập mà ông đã lấy dầu xoa bóp rất nhanh, băng bó rất khéo. Chẳng có kỹ thuật mà ông biết cách đưa được bệnh nhân lên lưng ngựa. Ông đã làm tất cả theo sự hướng dẫn của trái tim. Với trái tim, ông đã làm tất cả với sự chuẩn xác và nhất là với nhiệt tình để cứu nạn nhân.

Đó phải là một trái tim chung thuỷ.

Trái tim chung thuỷ không làm việc nửa vời, nhưng làm đến nơi đến chốn. Trái tim chung thuỷ không mỏi mệt buông xuôi, nhưng theo dõi giúp đỡ cho đến tận cùng. Người xứ Samaria bận rộn công việc, nhưng vẫn lo lắng cho nạn nhân đầy đủ, gửi gắm chủ quán tiếp tục thuốc thang. Và khi xong việc ông sẽ trở lại thăm hỏi để tiếp tục săn sóc cho đến khi khỏi hẳn. Ông làm tất cả với một trái tim chung thuỷ vẹn toàn.

Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu dạy ta hiểu rằng: đường đến sự sống đời đời là con đường mọi người vẫn đang đi. Nhưng chỉ người đi với trái tim mới mong đến đích. Thầy Tư Tế và Thầy Lêvi đã rẽ sang hướng khác vì các thầy không mang theo trái tim. Người xứ Samaria đã đi đến nơi vì ông đi đường với trái tim nhân hậu, trái tim rất nhạy bén, rất quan tâm và rất chung thuỷ. Với trái tim ấy, ông đã yêu người thân cận như chính mình ông. Với trái tim ấy, ông đã mở đường đi đến sự sống đời đời.

Chúa Giêsu dạy tôi bắt chước người xứ Samaria nhân hậu. Hãy lên đường với trái tim. Hãy lắng nghe với trái tim. Hãy hành động với trái tim. Hãy đi trên đường của trái tim. Hãy để trái tim tham dự vào mọi lời nói, mọi cử chỉ, mọi suy nghĩ. Hãy mang theo trái tim theo trên khắp mọi nẻo đường. Con đường đi với trái tim chính là con đường dẫn đến sự sống đời đời.

Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen.

2. Yêu người

Ai là người thân cận của tôi? Câu hỏi mới nghe như đơn giản nhưng thực ra đó lại là mấu chốt để giải thích cho đúng đắn lề luật Maisen. Vì lẽ luật này đòi hỏi chúng ta phải yêu người thân cận như chính mình.

Theo lẽ thường của người Do Thái thời bấy giờ thì quan niệm về người thân cận bị thu hẹp vào các thành phần Israel. Như vậy hạng ngoại kiều không có chỗ đứng trong những hoạt động bác ái, thành ra dụ ngôn Chúa Giêsu kể về người Samaria nhân hậu có hiệu quả như một trái bom hay như một cú đấm vào lương tâm của những kẻ tự ru ngủ bằng điệp khúc bình an vì đã làm tròn bổn phận tối thiếu của mình.

Quả thực qua dụ ngôn Chúa Giêsu đã chỉ trích gương xấu cần phải tránh mà điển hình là ông tư tế và thầy Lêvi, hai ông viên chức của phụng vụ đền thờ và được coi như là hàng đạo đức bởi đã giữ đúng lề luật. Đồng thời Ngài cũng nêu lên gương tốt phải theo mà cái khuôn mẫu là người Samaria, một ngoại kiều, một địch thủ, một tên lạc đạo. Bất chấp mọi thứ rào cản xã hội hay tập tục truyền thống, ông ta đã xông xáo tiến lại người xấu số để giúp đỡ anh ta đang bị bỏ dở sống dở chết trên đường. Chắc hẳn tình người của ông đã phát xuất từ lòng nhân từ rộng rãi của ông chứ không phải từ những bộ luật rườm rà phiền toái.

Đưa ra những nhân vật điển hình trên, chắc hẳn Chúa Giêsu nhằm giải thích một cái gì đó thiết yếu trong giáo huấn của Ngài, điều mà con người mọi thời, nhất là chúng ta ngày nay, trong hoàn cảnh cụ thể của mình, cần được soi sáng. Cái thiết yếu chính là ý nghĩa của câu hỏi lật ngược: Không còn hỏi ai là thân cận của tôi, mà hỏi tôi là người thân cận của ai?
Đó là tinh thần cách mạng của Tin Mừng mà không bao giờ chúng ta múc cạn được chiều sâu của nó. Bởi vì vấn đề không còn là ngồi đó mà xem ai là kẻ thân cận của mình, như thể một số người nào đó được chỉ định trước để chúng ta sử dụng như là phương tiện làm chiếu sáng đức yêu người của chúng ta, trong khi một số những người khác có thể thoát ra ngoài những hoạt động yêu thương ấy mà không gây ra một nguy cơ nào cho lương tâm. Chúng ta đi tìm những người thân cận trong một danh sách đã lập trước. Trong khi đó chính tình yêu đòi buộc chúng ta phải đi tìm gặp những người thân cận ở trong một giới hạn vô biên vì giới hạn của tình yêu là yêu không giới hạn. Khi đó mọi người đều có thể là người thân cận, là người anh em của chúng ta, đặc biệt là những kẻ đau khổ, nghèo túng và bị ruồng bỏ. Người chúng ta phải yêu thương trước nhất phải là người chúng ta thương không nổi, phải là người sống bên lề xã hội, tức là hạng người tội lỗi, yếu đuối và bị khinh khi. Bao lâu chưa đạt tới đó, thì chúng ta hãy còn ở trong cái mức của ông tư tế, cái mức của thầy Lêvi là những người đã cố tạo khoảng cách cho đủ xa những kẻ bất hạnh.

Đừng giả đui giả điếc trước tiếng gọi của những người anh em đó, dù họ là ai, dù họ ở đâu, thì họ vẫn là những người thân cận của chúng ta, nếu chúng ta biết tiến lại gần họ với một con tim bằng hữu và với những cánh gay giơ ra để giúp đỡ như người Samaria và như Đức Kitô ngày xưa.

3. Ai là người thân cận

Suy Niệm

Bài Tin Mừng hôm nay có bốn động từ làm.

Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời (c.25)? - Cứ làm như vậy, ông sẽ được sống (c.28). - Kẻ đã thực thi (làm) lòng thương xót... (c.37). - Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy (c.37).

Tình yêu đòi thể hiện bằng việc làm cụ thể.

Người Samari đã chạnh lòng thương trước nạn nhân, nhưng anh không dừng lại ở tình cảm suông. Anh đã thể hiện lòng thương xót qua hành động.

Từ trái tim đến đôi tay là một con đường dài.

Mẹ Têrêsa Calcutta đề nghị mỗi tối trước khi đi ngủ, ta chỉ cần xét mình nhờ nhìn vào hai bàn tay. Hôm nay tôi đã làm gì cho Giêsu và với Giêsu?

Yêu bằng hành động đòi ta nhiều can đảm.

Người Samari phải vượt qua những nỗi sợ tự nhiên. Sợ bị nhơ uế bởi đụng vào xác chết. Sợ bọn cướp còn quanh quẩn đâu đây. Sợ cuộc hành trình bị chậm trễ. Sợ những phiền lụy phức tạp cho mình. Những nỗi sợ rất khôn ngoan và hợp lý.

Nỗi sợ khiến người ta tránh qua bên kia mà đi, khi nỗi sợ ấy lớn hơn lòng thương người bị nạn. Chỉ ai thắng được nỗi sợ mới dám ngừng lại, đến gần và cúi xuống.

Chỉ ai không sợ mới thấy thực sự. Thầy tư tế và thầy Lêvi đều thấy nạn nhân. Nhưng nỗi sợ đã khiến họ nhắm mắt làm ngơ và biến họ trở thành người không thấy.

Người không thấy điều đã thấy thì chẳng thể nào là người thân cận. Người Samari dám đến gần, gần hơn qua cử chỉ săn sóc, và anh đã trở nên người thân cận của kẻ bị nạn.

"Ai là người thân cận của tôi?"

Đó là người đồng bào, đồng đạo, thuộc dân Thiên Chúa. Người Do Thái thời Đức Giêsu dễ trả lời như thế.

Ở cuối dụ ngôn, Đức Giêsu đã lật ngược câu hỏi trên:

"Ai là người thân cận của kẻ bị cướp?"

Chỉ cần đổi lối đặt câu hỏi, tất cả cánh cửa như mở tung, mọi hàng rào bị phá đổ.

Tôi không chỉ phục vụ cho người thân cận của tôi.

Khi tôi đến gần ai mà phục vụ thì tôi trở thành người thân cận với kẻ ấy, và kẻ ấy trở thành người thân cận với tôi. Như thế ai cũng có thể thành người thân cận của tôi, miễn là tôi dám yêu họ như chính mình.

Người Samari bị dân Do Thái khinh miệt, nhưng họ có thể sống luật yêu thương cách tuyệt vời.

Hôm nay vẫn có các Kitô hữu đi dự lễ về, nhưng sống xa lạ với đức ái Kitô giáo.

Ước gì chúng ta đơn sơ và hồn nhiên hơn khi yêu.

Cầu Nguyện
Lạy Chúa, lúc đầu chúng con chỉ muốn cầm tay nhau để làm thành một vòng tròn khép kín. Sau đó chúng con hiểu rằng cần phải buông tay nhau để nhận những người bạn mới, để vòng tròn được mở rộng đến vô cùng và trái tim được lớn lên mãi.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng cần phải nối vòng tay lớn xuyên qua các đại dương và lục địa. vòng tay người nối với người, vòng tay con người nối với Tạo Hoá.

Chúng con thích Chúa đứng chung một vòng tròn với tất cả loài người chúng con, nắm lấy tay chúng con và đưa chúng con lên cao.

Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau và nhận nhau là anh em.

4. Hãy đi và làm như vậy

Suy Niệm

Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?

Phải yêu, yêu hết mình, yêu Thiên Chúa và yêu người thân cận.

Đức Giêsu khen câu trả lời của người luật sĩ và bảo: "Hãy làm như vậy và ông sẽ có sự sống." Để có sự sống, cần phải yêu, nghĩa là ra khỏi mình và trao hiến.

Ai không yêu là huỷ hoại chính mình và người khác.

Con người được dựng nên bởi Đấng là Tình Yêu, được khuôn đúc theo hình ảnh của Tình Yêu đó, nên con người hướng về Tình Yêu như hoa hướng dương quay về phía mặt trời.

Con người chỉ thật là mình khi biết yêu thương.

Hãy yêu người thân cận như chính mình.

Nhưng ai là người thân cận của tôi? Đức Giêsu giúp ta tìm thấy câu trả lời bất ngờ qua dụ ngôn người Samari nhân hậu.

Người thân cận của tôi là mọi người đang cần đến tôi, là người hôm nay tình cờ tôi gặp trên đường.

- Người thân cận là người gần tôi vì tôi đã đến gần người ấy, đã cúi xuống và phục vụ.

- Không phải vì người đó là thân cận của tôi nên tôi đến gần mà phục vụ. Nhưng khi tôi đến gần bất cứ ai mà phục vụ, tôi biến mình thành người thân cận của họ.

- Chẳng ai là người xa lạ với tôi, nếu tôi không tránh họ như hai thầy Lêvi và tư tế.

- Người thân cận với tôi không chỉ là người cùng nhà, cùng nhóm, cùng tôn giáo, cùng quê hương, cùng lý tưởng.

Người thân cận với tôi không phải là một ý niệm trừu tượng nhưng là bà mẹ già gần bên, là người bạn chung phòng, là người hàng xóm mà tôi phải chịu đựng, là tất cả những ai đã và đang làm tôi đau khổ.

Tất cả đều có thể được tôi yêu thương và đều có thể trở nên người thân cận của tôi.

Tình yêu là một phép mầu, chỉ cần tôi dám bước tới, xích lại và cúi xuống là người lạ nên quen, người xa nên gần, kẻ thù nên bạn.

Những khoảng cách được lấp đầy, những rào chắn phút chốc sụp đổ.

Nhưng yêu không phải là chuyện dễ dù con người hôm nay cứ tưởng mình đã biết yêu.

Lúc nào cũng có cớ để người ta né tránh yêu thương. Thầy tư tế và Lêvi đều tránh qua một bên mà đi. Phải chăng họ sợ bị ô nhơ nếu đụng nhằm xác chết? Phải chăng họ sợ bọn cướp vẫn còn ở đâu đây? Những nỗi sợ làm người ta bỏ đi.

Chấp nhận là đến gần và cúi xuống là chấp nhận liều lĩnh và trả giá. Cuộc hành trình bị chậm lại, chương trình phải thay đổi. Tiền bạc, thời giờ, công sức là những điều phải trao đi. Tất cả chỉ vì chạnh lòng thương, vì con tim biết nhói đau trước nỗi khổ của người khác.

Tình yêu thực sự bao giờ cũng cụ thể: chấp nhận cả tay và người bị dơ bẩn lấm lem, chấp nhận gặp rắc rối, xáo trộn và nguy hiểm, vì Tình Yêu đòi hiến trọn con người.

Chúng ta cần thành thật nhận mình chưa biết yêu, vì yêu như thế thì vượt quá sức con người. Cần đón lấy nguồn Tình Yêu Thiên Chúa đổ vào tim ta (Rm 5,5) để tim ta trở nên mênh mông và quảng đại, để ta thi hành được điều Chúa nói:

"Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy."

Cầu Nguyện

Lạy Chúa, lúc đầu chúng con chỉ muốn cầm tay nhau để làm thành một vòng tròn khép kín. Sau đó chúng con hiểu rằng cần phải buông tay nhau để nhận những người bạn mới, để vòng tròn được mở rộng đến vô cùng và trái tim được lớn lên mãi.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng cần phải nối vòng tay lớn xuyên qua các đại dương và lục địa. vòng tay người nối với người, vòng tay con người nối với Tạo Hoá.

Chúng con thích Chúa đứng chung một vòng tròn với tất cả loài người chúng con, nắm lấy tay chúng con và đưa chúng con lên cao. Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau và nhận nhau là anh em.

5. Ai là người Samaria tốt nhất? - Charles E. Miller

Chúa Giêsu thích kể các dụ ngôn khi Ngài rao giảng, điều đó thì không có gì ngạc nhiên khi có người đặt câu hỏi: “Ai là người láng giềng của tôi?”. Chúa Giêsu đã không cho một câu trả lời trực tiếp. Thay vào đó, Ngài đã kể một câu chuyện dụ ngôn.

Dụ ngôn này thì quen thuộc và để lại ấn tượng mạnh mẽ khi được diễn tả trong một ngôn ngữ. Nói với một người nào là Samaria nhân lành có nghĩa là nói rằng ông ta đã giúp đỡ người khi cần. Trong câu chuyện, người Samaria đã dừng lại và giúp đỡ người đàn ông bị bọn trộm cướp đánh đập và tước lột tất cả, minh chứng chính ông là người láng giềng tốt mà Chúa Giêsu muốn nói đến, ngay cả khi người Samaria này đã không biết nạn nhân xấu số và nạn nhân xấu số cũng không hề biết người Samaria.

Trong câu chuyện dụ ngôn của mình, Chúa Giêsu thường đưa ra một đường vòng không ngờ. Và đường vòng cho câu chuyện dụ ngôn này là ý nghĩa mà Chúa Giêsu trao cho từ”láng giềng”. Sự kiện anh hùng là một người Samaria. Hãy nhớ rằng câu chuyện này được nói với người Do Thái, những người khinh bỉ người Samaria. Những người Do Thái nhìn người Samaria như là những kẻ phản bội, những kẻ thờ tà thần. Những thính giả đang nghe Chúa Giêsu phải bị sốc rất nặng. Họ phải giận dữ khi Ngài đề nghị với họ một mẫu gương là một người Samaria anh hùng.

Một số giáo phụ tiên khởi của Giáo Hội đã đặt một đường vòng khác vào câu chuyện. Các Giáo phụ thấy người mà chúng ta gọi là người Samaria nhân lành là hình ảnh của chính Chúa Giêsu. Nói cách khác, các giáo phụ nghĩ rằng ít nhất một con người đã được giới thiệu với chúng ta là người luôn giúp đỡ và Chúa Giêsu đã luôn làm điều đó.

Nòi giống con người bị thoái hoá đi bởi tội lỗi. Tội lỗi đã tước bỏ nơi chúng ta mọi giá trị như là con người. Nó đã đánh cặp của chúng ta để lấy đi khỏi chúng ta những ân sủng của Thiên Chúa. Nó đã tấn công chúng ta một cách khốc liệt khiến tất cả chúng ta đều giống như là một người dở sống dở chết. Chúa Giêsu đã nâng chúng ta dậy, không chỉ là trên một con vật, nhưng là trên chính đôi vai của Ngài và mang chúng ta đến với Giáo Hội, để chúng ta có thể được chăm sóc cho đến khi Ngài trở lại trong vinh quang, ngày Phục Sinh của chúng ta.

Nhưng sau đó, Chúa Giêsu đã mang chúng ta vào trong Giáo Hội, Ngài đã không để mặc chúng ta đi trên con đường của Ngài. Ngài ở với Giáo Hội mọi ngày và cho đến tận thế. Qua sứ vụ của Giáo Hội, trong phép rửa Chúa Giêsu đã chữa lành mọi vết thương tội lỗi, phục hồi sự sống của ân sủng và ban cho chúng ta giá trị là con cái của Thiên Chúa. Và trong phép Thêm sức, Chúa đã tăng sức cho đời sống ân sủng bên trong chúng ta, Ngài đã củng cố căn tính của chúng ta như là con cái của Thiên Chúa và thừa tự Nước Trời. Chúa Giêsu đã đến với chúng ta trong Giáo Hội, qua Lời và các bí tích: Lời của Thánh Kinh và bí tích Thánh Thể là chính Mình và Máu Người nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của chúng ta.

Từ”láng giềng” theo nghĩa chữ là một người ở gần bên chúng ta. Chúa Giêsu đã minh chứng chính Người còn hơn là một láng giềng nữa, hơn là một người nào đó ở gần chúng ta, Ngài đã làm cho chúng ta trở nên thành phần của thân thể mầu nhiệm của Ngài là Giáo Hội. Trong Ngài chúng ta tiếp tục hiện hữu, như bài đọc II đã dạy chúng ta: “Ngài là Đầu của thân thể là Giáo Hội”.

Khi chúng ta bước đi trong đời sống, tội lỗi vẫn còn tiếp tục tàn phá và làm tổn hại chúng ta, chúng đang chờ đợi một khoảnh khắc bất ngờ, chểnh mảng để chúng có thể tấn công chúng ta vào lúc chúng ta yếu đuối. Nhưng chúng ta không bao giờ đơn độc trong cuộc chiến đấu của mình. Thật sống động khi chúng ta họ bài học của bài Thánh Vịnh ngày hôm nay: “Hãy hướng về Chúa những khi bạn cần và bạn sẽ sống”. Khi chúng ta hướng về Chúa sẽ nhận thấy rằng Ngài không quá mầu nhiệm và xa xôi khỏi chúng ta. Chúa Giêsu không quá đơn giản là một người Samaria nhân lành. Ngài là một người tốt nhất.

6. Người Samaritanô nhân hậu

Một đạo sĩ Ấn giáo nọ hỏi các đệ tử của ông như sau

- “Làm thế nào để biết được đêm đã tàn và ngày bắt đầu?”

Sau vài phút suy nghĩ, một đệ tử giơ tay xin trả lời:

- “Tôi biết được khi nào là đêm tàn và ngày bắt đầu, đó là khi ta trông thấy một con thú từ xa mà ta phân biệt được nó là con bò hay là con ngựa”,

Câu trả lời đã không làm cho nhà đạo sĩ ưng ý chút nào… một đệ tử khác lên tiếng:

- “Ta biết được khi nào là đêm tàn và ngày bắt đầu, đó là khi ta thấy một cây lớn từ đàng xa mà ta phân biệt được đó là cây xoài hay cây mít”,

Vị đạo sĩ lắc đầu không đồng ý. Khi các đệ tử nhao nhao muốn biết giải đáp, ông mới ôn tồn nói như sau:

- “Khi ta nhìn vào gương mặt bất cứ người nào mà nhận ra người đó là người anh em của ta thì đó là lúc đêm tàn và ngày mới bắt đầu. Nếu ta không phân biệt được như thế, thì cho dù đêm có tàn, ngày có bắt đầu, tất cả mọi sự không có gì thay đổi”.

Thưa anh chị em,

Nhân loại đã chìm ngập trong đêm tối của tội lỗi, đêm tối của trốn chạy khỏi Thiên Chúa và chối bỏ lẫn nhau giữa người với người. Chúa Giêsu đã đến để xoá tan ĐÊM tối và khai mở NGÀY mới, trong đó người nhận ra người là anh em, người trở về với Thiên Chúa.

Như nhà đạo sĩ đã giải đáp: “khi ta nhìn vào gương mặt của bất cứ người nào mà nhận ra người anh em của ta trong người đó, là lúc đêm tàn và ngày mới bắt đầu”. Nhận ra người anh em nơi một người nào, đó chính là nhìn thấy hình ảnh của Thiên Chúa nơi mọi người cũng như phẩm giá vô cùng cao quý của người đó. Nhận ra người anh em nơi một người nào, đó là nhìn thấy niềm vui, nỗi khổ, sự bất hạnh và ngay cả lỗi lầm của người đó như của chính mình.

Nhận ra người anh em nơi một người nào, đó là sẵn sàng tha thứ cho người đó ngay cả khi người đó xúc phạm đến ta và không muốn nhìn mặt ta. Nhận ra người anh em nơi một người nào, đó cũng có nghĩa là không thất vọng về khả năng hướng thiện của người đó. Nhận ra người anh em nơi một người nào, đó cũng có nghĩa là muốn nói với người đó rằng, cách nầy hay cách khác, ta cần người đó để được sống xứng đáng với ơn gọi làm người hơn.

Trái lại, nếu ta không nhận ra người khác là người anh em của mình thì mình vẫn ở trong bóng tối đêm đen. Chỉ khi nhận ra được người khác là người anh em của mình, thì mình mới bước vào ánh sáng ban ngày. Người khác đó là bất cứ ai, không phân biệt màu da, chủng tộc, ngôn ngữ, ý thức hệ. Tất cả mọi người là anh em của tôi.

Thế nhưng, thưa anh chị em, trong Tin Mừng hôm nay, một luật sĩ đã hỏi Chúa: “Ai là anh em tôi?”. Để trả lời, Chúa Giêsu đã kể cây chuyện người Samari nhân hậu. Người Samari nầy đã nhận ra nạn nhân đang năm lây lất bên đường là người anh em gần gũi của mình, đang khi thầy Tư tế và thầy Lêvi lại không nhận ra nạn nhân nằm bên vệ đường kia là người anh em, mặc dầu nạn nhân ấy cũng là người Do Thái đồng bào và đồng đạo với mình. Nạn nhân đã trở thành kẻ xa lạ, chỉ vì rơi vào hoàn cảnh bất hạnh.

Câu chuyện muốn làm nổi bật thái độ dễ thương của người Samari nhân hậu. Chúng ta thấy ông xuống ngựa và đến cúi xuống trên con người đang quằn quại ở vệ đường. Ông chẳng để ý xem kẻ bất hạnh là ai? Là người Do Thái hay Samari – hai dân nầy vẫn coi nhau như thù địch- ông chỉ thấy đây là một kẻ bất hạnh, một con người như mình, nhưng lại không được như mình. Thế nên ông đã săn sóc, băng bó vết thương và chở đến quán trọ gần nhất cấp cứu, rồi còn sẵn sàng trang trải mọi phí tổn nữa.

Như vậy, người Samari nhân hậu nầy đã trở nên người anh em thân cận, gần gũi với người bị nạn, mặc dù ông không cùng chủng tộc và tôn giáo, hơn nữa ông còn bị coi như kẻ thù của người Do Thái bị nạn nầy, đang khi hai thầy Tư tế và Lêvi vừa là người Do Thái vừa là bậc thầy dạy đạo, tế lễ, lại coi kẻ đồng đạo, đồng bào xa lạ. Chính những hành động bác ái thương người cụ thể như tế mới làm chứng ai thật là người có đạo, ai thật là người, vì có lòng nhân ái.

Anh chị em thân mến,

Ngày 11 tháng 2 năm 1984, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành một Tông thư mang tựa đề: “Salvifici doloris” nói về “ý nghĩa đau khổ của người theo Kitô giáo” để toàn thể Giáo Hội suy tư trong Năm Thánh Cứu Độ 1984. Đức Giáo Hoàng đã nhắc lại dụ ngôn “người Samari nhân hậu”, không phải chỉ để gởi tới các bệnh nhân, những người phải chịu đau khổ, mà còn gởi tới mọi người. Bởi vì đau khổ vẫn ở ngay bên đường đi của chúng ta, đến nỗi con người rất dễ bị cám dỗ ‘bỏ đi qua”một cách dửng dưng. Sự dửng dưng nầy là một nét đặc trưng của thời đại chúng ta. Chắc chắn rằng dụ ngôn “Người Samari nhân hậu” đã trở nên yếu tố thiết yếu của nền văn hoá đạo đức cũng như nền văn minh phổ quát của nhân loại. Nhưng “khi đến với đau khổ của người khác, không một tổ chức nào, tự nó, có thể thay thế người”. Và vào ngày phán xét, Chúa sẽ nói với mỗi người chúng ta rằng: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đâu, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (x. Tông thư SD. Số 28-30).

Chúa Giêsu đã bảo luật sĩ: “Cả ông nữa, hãy đi và làm như vậy”. Hôm nay, chính với chúng ta, Chúa Giêsu ban huấn lệnh cấp bách nầy: “Hãy đi và làm y như vậy”. Chúng ta hãy đi và làm như người Samari đã làm. Tất cả chúng ta phải tiếp tục nhiệm vụ của người Samari nhân hậu bên cạnh tất cả những ai chúng ta gặp và chân tình giúp đỡ, băng bó các vết thương của họ, nhưng vết thương, nghèo đói, đau yếu, bệnh tật, cô đơn, chết chóc… Đừng ngồi đặt vấn đề: “Ai là anh em tôi?”, nhưng hãy đi và tỏ ra “mình là anh em của mọi người”. Đừng dừng lại tìm xem người đó là ai, có đạo hay không có đạo. Nhưng hãy đi và làm như người Samari kia, nhìn thấy vết thương thì băng bó, nhìn thấy người đau khổ thì cứu giúp. Phải vượt qua quan niệm hẹp hòi của người Do Thái, để đi đến tình huynh đệ phổ quát, đại đồng.

Yêu mến Chúa trong nhà thờ, không đủ, nếu không yêu mến Chúa trên đường đi và trong người anh em đồng bào, đồng loại. Chúng ta phải sống đạo chứ không phải chỉ biết luật day mến Chúa yêu người trong sách vở. Thánh Gioan Tông đồ đã nói: “Anh em đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương thực sự bằng việc làm”. Ngài còn nói: “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối. Ai yêu thương anh em mình thì sống trong ánh sáng. Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối đã làm cho người ấy ra mù quáng” (1Ga 2,9-11).

Hãy nhận ra khuôn mặt của tất cả mọi người là người anh em. Chỉ khi đó chúng ta mới ra khỏi bóng tối đang bao trùm chúng ta và được tràn ngập ánh sáng vinh quang của Chúa.

7. Yêu rồi làm

Một vị ẩn sĩ sống trong một khu rừng luôn bị một cô gái chơi đến cám dỗ. Ngạc nhiên trước sự thanh thản của vị tu hành, nhưng đồng thời cũng nghi ngờ sự bất bình thường của người đàn ông, cô liền hỏi một câu chế nhạo:

- Thầy không biết yêu sao?

Vị ẩn sĩ trả lời:

- Chưa đến giờ đó thôi?

Câu chuyện bỏ lửng tại đó. Một lần kia, trong lúc đi khất thực, vị tu hành phát hiện người con gái hay đến phá phách mình đó bị bọn cướp trấn lột và đánh cho thừa sống thiếu chết bên lề đường. Ông bèn dừng chân lại săn sóc cô ta, chữa các vết thương và đưa cô về thành phố điều trị. Cô gái sững sờ nhìn vị ân nhân mà chưa biết mở lời ra sao, thì vị ẩn sĩ mỉm cười nói:

- Đã đến giờ rồi đấy, giờ của lòng thương xót!

Người thông luật trong bài Tin mừng hôm nay hỏi Chúa Giêsu: “Ai là người thân cận của tôi?” Thay vì trả lời, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn người Samaria tốt lành: Một khách bộ hành đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, bị bọn cướp đánh nhừ tử, trấn lột, rồi bỏ nằm nửa sống nửa chết bên lề đường. Trong khi hai thầy tư tế và Lêvi “tránh qua bên kia mà đi”, thì người Samaria ngoại đạo lại dừng chân, băng bó vết thương, đem nạn nhân về nhà trọ săn sóc.

Chúa Giêsu hỏi lại người thông luật: “Vậy ai là người thân cận của kẻ bị cướp?” Hỏi tức là trả lời. Và người thông luật đáp: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót”. Chúa Giêsu bảo: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.

Vị ẩn sĩ trong câu chuyện trên đây và người Samaria nhân hậu đã sống luật yêu thương một cách tuyệt vời, đó là “yêu bằng việc làm”. Yêu không chỉ trên đầu môi chót lưỡi, rồi phủi tay không làm gì cả, mà yêu chính là “miệng nói tay làm”, làm thực sự với hết khả năng của mình. Những việc làm cụ thể thường hùng hồn hơn những lời nói suông. Con đường dài nhất là con đường từ trái tim đến đôi tay. Chúa Giêsu muốn chúng ta đi hết con đường đó: “Hãy đi và làm như vậy”. Pascal đã nói: “Khuyết tật lớn nhất của một người là phục vụ quá ít cho những kẻ họ yêu thương”.

Sở dĩ người ta không dám làm một cái gì đó cho những người anh em, là vì họ không có can đảm vượt qua nỗi sợ.

Sở dĩ thầy tư tế và thầy Lêvi “tránh qua bên kia mà đi” là vì các thầy sợ ô uế khi đụng vào xác chết, sợ bọn cướp còn ẩn nấp đâu đây, sợ rắc rối phiền hà đến bản thân.

Sở dĩ chúng ta không dám làm một cái gì đó cho người anh em khi họ cần giúp đỡ, là vì chúng ta sợ phải thiệt thòi, sợ tốn công sức, sợ mất thời gian, sợ phải trả giá, sợ đụng đến sự an toàn, tiện nghi của mình. Chúng ta muốn được yên thân! Thầy tư tế và thầy Lêvi đã tự hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra cho tôi, nếu tôi dừng lại và săn sóc người anh em bị đánh nhừ tử?” Trái lại, người Samaria đã đảo ngược câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra cho người anh em bị đánh nhừ tử, nếu tôi không dừng lại và chăm sóc người ấy?” Người Samaria tốt lành đã xả thân vào một hành động vị tha đầy nguy hiểm.

Yêu thương không phải là cho đi một cái gì, nhưng là cho đi chính bản thân. Yêu thương là hy sinh, là quên mình, là hiến thân phục vụ tha nhân: Kahil Gibram có một câu nói chí tình: “Bạn cho đi quá ít khi chỉ cho đi của cải. Chỉ khi nào cho đi chính mình, bạn mới thực sự cho đi”. Càng đi tìm bản thân, con người càng đánh mất chính mình. Càng co cụm trong vỏ ốc ích kỷ của mình, con người càng chết dần mòn trong nỗi cô đơn. Càng muốn được yên thân, con người càng vong thân.
Nỗi khát khao hạnh phúc của con người chỉ có thể được lấp đầy khi họ biết đến gần, cúi xuống phục vụ tha nhân.

Con người chỉ thành đạt thực sự, con người chỉ thực sự là người khi họ dám sống chết cho anh em.
Người tín hữu Kitô chỉ thực sự là con Chúa khi họ dám tiêu hao vì người khác. Mẹ Têrêxa Calcutta nói: “Kitô hữu là người trao ban chính bản thân mình”.

Yêu rồi làm. Khi đã yêu rồi chúng ta sẽ biết phải làm gì cho người anh em. Khi đã yêu rồi chúng ta sẽ có sáng kiến để xả thân vì mọi người, nhất là những người nghèo hèn đau khổ. Khi đã yêu rồi, chúng ta sẽ biết cách làm cho kẻ xa lạ nên người thân cận, kẻ thù địch nên người bạn tốt, chỉ cần chúng ta dám dừng lại, đến gần và cúi xuống trước anh em.

Lạy Chúa, cuộc sống đạo của chúng con sẽ trở nên phù phiếm nếu cái cốt lõi của đạo là yêu thương chỉ là điều phụ thuộc. Xin đừng để chúng con loay hoay với những tính toán ích kỷ; chai đá, dửng dưng trước những khổ đau của anh em. Nhưng xin dạy chúng con biết chạnh lòng xót thương và giúp đỡ những ai đang cần đến chúng con. Amen.

8. Ngươi hãy đi làm như vậy - William Barclay

Chúa kể dụ ngôn về người Samari nhân hậu nhân dịp một luật sĩ kia cậy mình hiểu biết Kinh Thánh và những lối diễn dịch khéo léo của các rabi đến để đối chất với Chúa với ý định đánh hạ Ngài. Trong cuộc tranh luận, ông hỏi Chúa câu này: “Tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” Chắc ông tưởng rằng Chúa sẽ kể ra một lô những nghi lễ, những quy tắc mới lạ và sẽ làm giảm giá trị của Luật pháp. Nhưng ông ta giật mình khi nghe Chúa hỏi ngược lại: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Câu trả lời dưới hình thức hỏi lại đã tước mất khí giới của đối phương. Tuy nhiên ông ta cũng khôn khéo trả lời rằng Luật pháp gồm tóm trong đòi hỏi kính Chúa yêu người. Chúa bảo: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”. Không có gì mờ ám, né tránh hay lường gạt trong câu nói của Chúa Giêsu. Lòng yêu mến vẹn toàn đối với Thiên Chúa và loài người nhất định là con đường sự sống. Nhưng ai có thể bày tỏ ra tình yêu vẹn toàn ấy? Chúa Giêsu đến không phải để phá hỏng điều răn ấy mà để làm ứng nghiệm trọn vẹn, đem lại ơn tha tội cho những kẻ vi phạm luật ấy và ban quyền năng cho những kẻ cảm biết mình cần thiết. Câu trả lời của Chúa đánh hạ luật sĩ, nó còn đụng đến lương tâm ông nữa. Ông tự biết mình không thể làm trọn những đòi hỏi của những điều luật mà ông biết rất rõ. Bởi vậy ông cố tự biện minh bằng cách thâu hẹp địa hạt mà luật tình yêu áp dụng. Đó luôn luôn là kinh nghiệm của những kẻ tìm cách tự cứu mà từ chối sự cứu rỗi của Chúa Kitô. Không ai có thể dùng sức mình để làm trọn vẹn những đòi hỏi của Luật pháp, hoặc là chúng ta phải tìm cầu sự giúp đỡ từ bên ngoài nơi Chúa Giêsu từ ái, hoặc phải tìm cách giảm thiểu những đòi hỏi của luật. Ý của luật sĩ là không thể nào chu toàn được luật yêu mọi người, dầu là điều răn yêu người lân cận. Để tự biện minh, ông hỏi: “Ai là người thân cận?” Chúa Giêsu đáp lại bằng một câu chuyện một người Do Thái gặp nạn trên đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô. Con đường này nổi tiếng là nguy hiểm, Giêrusalem có độ cao 766 mét cao hơn mặt biển. Chỉ trong một khoảng hơn 32 cây số, con đường này đổ dốc sâu tới 1200 mét. Đó là con đường chật hẹp, qua nhiều đèo hiểm trở, có nhiều khúc ngoặt bất ngờ, thuận tiện cho những bọn cướp rình rập. Đến thế kỷ thứ V, thánh Hiêrônimô cho chúng ta biết con đường đó còn mang tên là “Con đường đỏ hay con đường máu”. Đến thế kỷ thứ XIX, ai muốn đi con đường đó phải trả trước tiền an ninh cho những quận trưởng Ả rập địa phương. Đầu năm 1930, H. Morton cho biết ông được cảnh cáo, nếu ông định đi con đường đó thì phải về nhà trước khi trời tối, vì có tên cướp Aben Jidah chuyên cướp ô tô và trấn lột hành khách, du khách, rồi trốn vào núi trước khi cảnh sát kịp tới. Khi kể chuyện này, Chúa Giêsu nói về một việc thường xảy ra trên con đường từ Giêrusalem tới Giêrikhô. Chúng ta thử quan sát các nhân vật được nêu ra. Khách bộ hành: đây là người bất cẩn, liều lĩnh. Ít ai mang hành lý hay tư trang quý mà dám đi một mình trên đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô. Bao giờ họ cũng trẩy đi thành đoàn, thành toán, để được an ninh. Người này không thể quy lỗi cho ai hết ngoài chính mình trong thảm hoạ đã xảy ra.

Thầy tư tế trông thấy nạn nhân, ông vội vàng bước qua. Chắc ông đang nhớ rằng kẻ nào sờ vào mình người chết thì sẽ bị ô uế bảy ngày (Ds 19,11). Ông không dám khẳng định, nhưng ông e ngại người đó đã chết và nếu ông chạm vào người đó, ông sẽ mất phiên phục vụ trong Đền Thờ, ông không muốn liều lĩnh như vậy. Ông là người đặt lễ nghi lên trên tình yêu thương. Đề thờ và các nghi lễ tại đó có ý nghĩa đối với ông hơn là sự đau khổ của con người.

Thầy Lêvi mà chức vụ là người giúp đỡ thầy tư tế, một người nhẹ bổn phận hơn và chắc có nhiều thời giờ hơn để có thể cứu trợ. Hình như ông này đã lại gần nạn nhân trước khi ông bỏ đi. Quân cướp thường dùng mồi nhử bằng cách cho một tên trong bọn chúng giả làm nạn nhân, và khi có ai đó vô tình dừng lại bên cạnh nạn nhân, thì cả bọn liền ập đến bắt trói hành khách đó. Người Lêvi này sống với khẩu hiệu “an toàn trước hết”, ông không muốn liều để giúp đỡ ai hết.

Người Samari: Người nghe chuyện lúc bấy giờ chắc tưởng là người này tới là tai hoạ rồi đó. Có thể người này không có dòng máu Samari. Người Do thái không giao thiệp với người Samari, nhưng người này có lẽ thuộc hạng thương gia lưu hành thường quen lui tới nhà quán. Trong Gioan 8,48, người Do thái gọi Chúa Giêsu là người Samari. Danh từ đó đôi khi được dùng để chỉ một tên rối đạo hay một kẻ không tuân phục nghi lễ. Có lẽ người này chỉ là người Samari theo nghĩa một người mà giới chính thống ngoan đạo khinh bỉ. Chúng ta nhận xét hai điều về người này:

- Anh là người được tín nhiệm: rõ ràng chủ quán sẵn lòng tin lời anh. Có thể là anh không đi đúng thần học, nhưng anh là người tốt.

- Chỉ có anh là người sẵn sàng giúp đỡ. Anh có thể bị xem là người rối đạo, nhưng tình thương của Thiên Chúa chan chứa trên tâm hồn anh. Người ta dễ gặp những người ngoan đạo thích giáo lý hơn thích giúp đỡ và cũng gặp người mà giới ngoan đạo khinh bỉ lại biết yêu thương đồng loại. Cuối cùng, chúng ta sẽ bị Chúa phán xét, không phải vì giáo lý trong đầu óc chúng ta, song vì cách chúng ta đã sống.

Chúng ta thử tìm sự dạy dỗ của dụ ngôn người luật sĩ đặt câu hỏi lòng đầy hăng hái. Chúa hỏi lại ông đọc gì trong luật. Luật sĩ đáp theo như đã ghi: “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi.” (Đnl 6,3), và thêm “Phải yêu người thân cận như mình.” (LV 18,19). Nhưng giới đạo sĩ Do thái vốn ưa thích định nghĩa, họ ra sức định nghĩa người thân cận là ai, và với tư tưởng hẹp hòi của họ, họ đã thu hẹp người thân cận vào đồng bào Do thái của họ thôi. Vậy câu hỏi của luật sĩ “ai là người thân cận của tôi” là câu hỏi thích đáng. Và câu trả lời qua dụ ngôn dạy ta ba điều:

1. Ta phải giúp đỡ kẻ khác dầu khi kẻ đó tự gieo hoạ cho mình, như người hành khách bất cẩn liều lĩnh này.

2. Dù người thuộc quốc tịch nào, khi lâm nạn, đều là người thân cận của chúng ta, sự giúp đỡ của chúng ta phải rộng lớn như tình yêu Thiên Chúa.

3. Sự giúp đỡ phải thực tế chứ không dừng lại ở cảm xúc. Hẳn thầy tư tế cũng như thầy Lêvi cũng cảm thấy xót xa cho người lâm nạn, nhưng không hành động gì. Sự cảm thương thành thực phải đi đôi với hành động thiết thực.

Điều Chúa Giêsu phán với thầy dạy luật thì Ngài cũng nói với chúng ta “Ngươi hãy đi làm như vậy”.

Top