Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 3 Thường Niên C

Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 3 Thường Niên C

CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN C
Lời Chúa: Nkm 8,2-4a.5-6.8-10; 1Cr 12,12-30; Lc 1,1-4; 4,14-21

Mục Lục
1. Sứ mạng
2. Những lời Tiên tri được ứng nghiệm
3. Ứng nghiệm Lời Chúa - ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
4. Đường nẻo Chúa - Lm. GB. Nguyễn Văn Hiếu
5. Này là thân mình của Đức Kitô
6. Lời Tiên Tri Ứng Nghiệm

 

1. Sứ mạng

Phân tích

Sau một thời gian hoạt động, Chúa Giêsu trở về rao giảng tại chính quê hương mình là Nadarét miền Galilê. Tại đây, trong một bối cảnh trang nghiêm và chính thức (ngày Sabbat, trong hội đường), Chúa Giêsu công bố chương trình hoạt động của Ngài: Với tư cách là Messia vừa được tấn phong, Ngài được sai đi loan Tin Mừng cho những người nghèo hèn, khốn khổ. Như thế là Ngài thực hiện điều mà Thiên Chúa đã hứa từ xưa qua lời ngôn sứ Isaia.

Suy gẫm

“Thần khí Chúa ngự trên tôi... sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”. Thời Chúa Giêsu và thời các tông đồ, những kẻ nghèo hèn quả thực đã được nghe Tin Mừng. Nhưng những kẻ nghèo hèn thời nay có được như thế chưa?

Chuyện xảy ra trong một đêm trình diễn văn nghệ Giáng sinh: một thanh niên hóa trang thành một người ăn mày để diễn nhạc cảnh Chúa đến với người nghèo. Nhưng thanh niên này không thể nào bước lên sân khấu được, vì khi anh tới gần đó thì bị những người trong ban trật tự đuổi đi. Họ tưởng anh là một tên ăn mày thật, và họ sợ anh phá rối buổi trình diễn. Xét về mặt hóa trang thì ban tổ chức văn nghệ đã thành công. Tuy nhiên xét về tinh thần thì họ đã tự mâu thuẫn: họ muốn nói cho khán giả biết Chúa đến với người nghèo, nhưng khi gặp người nghèo, dù chỉ là một người giả nghèo, thì họ đã xua đuổi. Tin Mừng đã không thấm nhập vào lòng những kẻ trình diễn Tin Mừng.

“Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18)
Một người bạn kể lại: “… Trong lớp tôi dạy, có một em bị khuyết tật bẩm sinh: sứt môi và điếc một tai trái. Bị các bạn chế diễu, em luôn cảm thấy bị bỏ rơi, thua thiệt. Em trở nên khép kín và xa lánh mọi người. Một hôm, tôi cho các em được tự do đi lại trong lớp và có thể nói nhỏ vào tai bất kỳ một người bạn nào những gì mình thích. Bi ngồi đó, không tham gia, cũng không chờ đợi. Và chính lúc đó, tôi đã đến nói nhỏ vào tai em “Ước gì Bi là đứa em nhỏ của cô!”. Bi ngước mắt ngạc nhiên như dò hỏi “Có thật không cô?” Và tôi đã ôm chầm lấy em.”

Kỳ diệu thay luồng gió của Thánh Thần! Ngài vẫn tác động trên tâm hồn con người, ngay trên người bạn của tôi, để luôn biết cảm thông và trao tặng… Hành vi ấy đang tiếp nối những hành vi của Chúa Giêsu, Đấng đã được Thánh Thần thúc đẩy để đem Tin Mừng cho người nghèo khó.

Lạy Chúa, khi con đói, xin gởi đến con người cần của ăn. Khi con cô đơn, xin gởi đến con người cần được thông cảm. (Epphata)

2. Những lời Tiên tri được ứng nghiệm

Bác sĩ Daniel Rose là khoa trưởng phân khoa Do thái trong học viện Kinh thánh ở Los Angeles, một bữa kia ông nói với người bạn: “Tôi sẽ đọc cho anh một đoạn kinh thánh và anh sẽ cho tôi biết đoạn kinh thánh tôi đọc thuộc phần nào của thánh kinh”. Ông đọc lời tiên báo của Isaia về Chúa Kitô từ câu 13 đoạn 52 tới đoạn 53 . Đoạn này được gọi là “Tin Mừng của Cựu ước” vì nó nói về cuộc đời đức Kitô hàng trăn năm trước khi đức Kitô sinh ra. Khi đọc xong, người bạn tuyên bố: “Đoạn này trích từ Tân ước và nói về đức Giêsu Nazareth”. Bác sĩ Rose mới chỉ cho ông bạn hay đoạn đó thật sự trích dẫn từ Cựu ước.

Hôm nay chúng ta nghe chính Chúa Giêsu đọc lời tiên tri Isaia đó và Người thêm: “Hôm nay bài Kinh thánh đã ứng nghiệm”.

Vâng, Chúa Giêsu đã làm ứng nghiệm mọi lời tiên tri nói về Người hàng trăm năm trước. Nắm vững sự kiện này như nghĩ tưởng đến Chúa chúng ta là điều quan trọng, và đó là một bằng chứng đức Kitô là Con Thiên Chúa đã hứa ban, Đức Kitô là Con Thiên Chúa thật. Một bằng chứng khác nữa là những phép lạ người làm có rất nhiều lời tiên tri về đức Giêsu trong Cựu ước đã loan báo, trước khi Người sinh ra hàng trăm năm và đã ứng nghiệm từng chữ trong đời sống của Người. Đây xin chỉ nêu lên một vài lời tiên tri đó:

Lời giảng của Gioan tẩy giả, sự ra đời của đức Kitô bởi Đức Trinh nữ ở Belem, việc Chúa trốn sang Ai cập, Chúa nhật lễ Lá, các chi tiết cuộc khổ nạn và cái chết của Người. Người bị bán với giá 30 đồng bạc. Lời cầu nguyện của Người cho lý hình. Người ta cho Người uống dấm chua, mật đắng; sự sống lại của Người.
Một lời tiên tri là một lời nói trước quyết đoán về một biến cố trong tương lai liên quan đến hành động tự do của Thiên Chúa hay của loài người. Những lời tiên tri về Đức Kitô đã được Thiên Chúa tỏ bày cho những ngôn sứ để họ công bố lời tiên tri từ nhiều trăm năm trước khi đức Kitô đến. Hiển nhiên Thiên Chúa đã chuẩn bị thế giới cho con của Người Đấng cứu thế sẽ đến với những ai biết suy tư, đây là một bằng chứng rõ ràng Đức Kitô là Thiên Chúa. Như trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu thường dẫn chứng những lời tiên tri đó để chứng minh rằng: Người là Thiên Chúa, chính người cũng nói tiên tri về những điều sẽ xẩy đến cho Người và tất cả đều đã ứng ghiệm.

Có nhiều lời tiên tri trong Cựu ước cũng như Tân ước chúng ta đọc trong ngày Chúa nhật. Nhưng quan trọng hơn, mỗi ngày Chúa nhật, vâng, chính trong giờ phút này chúng ta làm sống lại những biến cố đã ứng nghiệm lời tiên tri: thánh lễ là sự Giáng sinh, sự sống, sự chết và sự sống lại của đức Kitô được lập lại trên bàn thờ này. Hy tế Thánh lễ là tổng hợp lời Chúa là thần trí và là sự sống với sự thực hiện lời Chúa trong hành động.

Điều này phải làm vững mạnh đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu, làm chúng ta quyết tâm học biết Chúa hơn, yêu mến và phụng sự Chúa nhiều hơn. Amen.

3. Ứng nghiệm Lời Chúa - ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Chúa Giêsu luôn sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Tin Mừng nhiều lần đề cập đến điều này. Chẳng hạn như: được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Người vào sa mạc ăn chay cầu nguyện. Hôm nay được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Người đi rao giảng khắp miền Galilê. Trở về Nagiaréth, Người đọc Sách Thánh trong hội đường đúng đoạn nói về Ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Nhiều lần Tin Mừng nói Chúa Giêsu tràn đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần. Nhờ đâu được như thế? Một phần nhờ việc đọc Sách Thánh.

Chúa Giêsu thường xuyên đọc Sách Thánh. Tim hôm nay diễn tả: “Rồi Chúa Giêsu đến Nagiaréth, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabbat, và đứng lên đọc Sách Thánh”. Yêu mến và gắn bó với hội đường, nên Chúa Giêsu thường xuyên đến sinh hoạt với mọi người trong hội đường. Yêu mến và gắn bó với Sách Thánh nên Chúa Giêsu thường xuyên đọc Sách Thánh. Còn hơn thế nữa, sau khi đọc, Người đứng ra giải nghĩa cho mọi người. Đó là nếp sinh hoạt bình thường của Người. Nếp sinh hoạt này đã thành thói quen từ khi Người còn nhỏ bé. Nên ngay từ khi lên 12 tuổi, Người đã có thể đối đáp với các bậc tiến sĩ trong Đền Thờ Giêrusalem.

Chúa Giêsu kính cẩn đọc Sách Thánh. Chúa Giêsu không đọc Sách Thánh theo thói quen. Người đọc một cách trịnh trọng kính cẩn. Ta hãy chiêm ngắm thái độ của Người theo lời diễn tả của thánh Luca: “Họ trao cho Người cuốn sách tiên tri Isaia. Người mở ra và đọc… Người cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ”. Thật là trang nghiêm kính cẩn. Thái độ của Người ảnh hưởng đến cả hội đường. Nên khi Người đọc mọi người chăm chú nhìn Người. Chúa Giêsu trân trọng việc đọc Sách Thánh vì Người luôn thao thức tìm thánh ý Chúa Cha. Người đọc Sách Thánh để tìm hướng dẫn cho cuộc đời. Người đọc Sách Thánh để mong chu toàn thánh ý Chúa Cha. Người nhận biết thánh ý Chúa Cha qua những trang Sách Thánh. Người cố đọc giữa những hàng chữ để tìm thánh ý Chúa Cha.

Chúa Giêsu nghiêm túc thực hành lời Sách Thánh. Khi nói với mọi người rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”, Chúa Giêsu muốn nói đến hai điều. Điều thứ nhất: Người tìm thấy thánh ý Chúa Cha qua đoạn Sách Thánh. Với thái độ kính cẩn, với lòng khiêm tốn hiếu thảo lắng nghe, Chúa Giêsu đã đọc được thánh ý Chúa Cha qua đoạn sách tiên tri Isaia. Biết lời tiên tri Isaia ứng nghiệm vào sứ mạng của mình. Điều thứ hai: Biết được thánh ý Chúa Cha rồi, Chúa Giêsu cương quyết thực hành. Người coi đó là chương trình hành động. Người coi đó là chỉ nam hướng dẫn. Dù sứ mạng của Người vừa mới khởi đầu, Người cũng cương quyết hoàn thành. Suốt đời Người sẽ thực hành chương trình này. Vì thế đoạn sách Isaia ứng nghiệm vừa do thánh ý Chúa Cha vừa do ý chí của Chúa Giêsu quyết tâm thực hành thánh ý Chúa Cha.

Đây là mẫu gương cho ta. Đó là kết quả của Ơn Chúa Thánh Thần. Hãy thường xuyên đọc Kinh Thánh để ta luôn được tiếp xúc với Thiên Chúa. Hãy kính cẩn tìm thánh ý Chúa trong Kinh Thánh chắc chắn ta sẽ được ơn Chúa soi sáng cho biết đường đi. Nhất là hãy quyết tâm thực hành Lời Chúa mà ta đã đọc. Ta sẽ được tràn đầy Ơn Chúa Thánh Thần. Thật vậy, chẳng ai có thể say mê Kinh Thánh nếu không được Ơn Chúa Thánh Thần lôi cuốn. Chẳng ai tìm được thánh ý Thiên Chúa nếu không được Ơn Chúa Thánh Thần soi sáng. Chẳng ai có thể thực hành Lời Chúa nếu không được Ơn Chúa Thánh Thần nâng đỡ. Như một phản hồi hai chiều. Càng được Ơn Chúa Thánh Thần ta càng say mê Kinh Thánh. Càng say mê Kinh Thánh ta lại càng để Chúa Thánh Thần hướng dẫn cuộc đời. Cuộc đời sống theo Ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn sẽ hoàn toàn ứng nghiệm ý định của Thiên Chúa cho bản thân và cho tha nhân. Đó chính là cuộc đời đạt được mục đích cao quý nhất.

4. Đường nẻo Chúa - Lm. GB. Nguyễn Văn Hiếu

Chúa Giê-su hiện diện trong hội đường Do-thái giáo loan báo Tin Mừng ơn cứu độ nhân loại bắt đầu hiện thực. Người đến để thi hành sứ vụ đó. Dân chúng đã vui mừng vì Lời Chúa loan báo. Ngày hôm nay Chúa cũng đang hiện diện giữa cộng đoàn chúng ta. Người đang nói với chúng ta. Người hiệp nhất chúng ta. Ơn cứu độ của Chúa đã được ban xuống, nhưng chúng ta có vui mừng và đón nhận Tình Yêu của Chúa và sống hiệp nhất với nhau không?

- Lạy Chúa, Chúa đến để giải thoát chúng con, nhưng chúng con lại tự trói buộc mình bằng xiềng xích tội lỗi, đồng thời xiềng xích cả anh em. Xin Chúa thương xót …

- Lạy Chúa, Chúa đã ban Thánh Thần là Tình Yêu và là Sức Sống duy nhất nối kết chúng con trong Chúa. Xin Chúa Ki-tô …

- Lạy Chúa, Chúa sai chúng con đi loan báo Tin Mừng tình thương liên kết trong Chúa cho mọi người. Xin Chúa thương xót …

Chúng ta không bàn về vấn đề chính trị, nhưng một thực tế cho thấy rõ ràng thế giới ngày nay có nhiều người muốn dùng sức mạnh để thiết lập một liên bang hùng mạnh, chi phối người khác, thế nhưng những liên bang đó ngày càng có khuynh hướng thu hẹp, chỉ còn lại là những thế nước độc lập. Dường như người ta thích sống cá thể hơn liên kết. Chính vì thế, để tạo thành thế độc lập, người ta lại dùng chính những sức mạnh đã tạo thành liên bang, để phá vỡ liên bang và tách ra những nước nhỏ độc lập!

Chúng ta đang cùng toàn thể Giáo Hội cầu nguyện cho Giáo Hội được hiệp nhất. Tại sao Giáo Hội lại phải cầu nguyện cho được hiệp nhất? – Vì Giáo Hội đang có tình trạng phân hoá: Công Giáo, Chính Thống, Anh Giáo, Tin Lành… Đó là chưa kể tới những người cùng thờ phượng một Thiên Chúa, thậm chí cùng tin một Chúa, mà lại đang có nhiều xâu xé, phá vỡ tình hiệp nhất trong Giáo Hội! Tại sao vậy?

Con người ai cũng có khuynh hướng sống tập thể. Nhưng trong đời sống tập thể như thế, người ta lại muốn bảo vệ cái tôi riêng tư của mình, muốn cái tôi của mình phải nổi bật hơn những người khác, dù rằng đôi khi cũng thích đồng hoá cái tập thể thành cái riêng tư, khi khám phá ra nguồn lợi cá nhân trong tập thể! Chính tính chất công tư lẫn lộn đó đã tạo nên mối mâu thuẫn trong mỗi con người, đồng thời tạo nên nỗi bất đồng nơi tập thể!

Thánh Phao-lô nói: Nếu tất cả đều là một chi thể thì còn đâu là thân xác? “Thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể” (1Cr 12,12). Thánh nhân vẫn công nhận có những cái riêng tư, nhưng cái riêng tư không thể sống cô lập, cần phải quy chung vào một mối và bổ túc cho nhau: “Mắt không thể bảo tay: Tao không cần đến mày. Đầu cũng không thể bảo hai chân: Tao không cần chúng mày” (c.21). Nhưng cuộc sống phải là: “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (c.26). Nếu như các chi thể trong thân xác được nối kết với nhau bằng một sức sống, một tình yêu duy nhất, thì dù là Giáo Hội Chúa Ki-tô, hay cuộc sống xã hội, cuộc sống gia đình, cũng phải được chi phối do một sức sống duy nhất, một tình yêu duy nhất.

Ngày xưa, khi dân Do-thái vì bất trung với minh ước của Thiên Chúa, nên đã phải chia rẽ làm hai vương quốc, để mỗi vương quốc cậy dựa vào một thế lực chính trị, quân sự ngoại bang và xâm lăng, gây hấn với chính anh em mình, để sau cùng chính đế quốc mình cậy dựa lại trở thành kẻ xâm lăng đánh phá mình. Cuối cùng, cả hai vương quốc Bắc Nam đều phải lưu đày xa quê hương, mất tổ quốc, không vua, không tư tế, không Đền Thờ! Cho nên, khi được hồi hương trở về, tổng trấn Nơ-khe-mi-a và tư tế Ét-ra đứng lên triệu tập dân chúng cử hành buổi phụng vụ công bố Lời Chúa. Toàn dân tung hô và “sấp mặt sát đất mà thờ lạy Đức Chúa” (Nk 8,6). Thiên Chúa đã nên Đấng quy tụ dân trở về và Lời Chúa trở thành tiếng quyền uy thế giá liên kết dân Chúa.

Tuy nhiên, Thiên Chúa và Lời Chúa không chỉ đóng khung trong Sách Luật. Thiên Chúa đã đến trong con người Đức Giê-su Ki-tô và Đức Giê-su Ki-tô đã nên Lời, nên Đấng Ki-tô của Thiên Chúa. Ngôn sứ I-sai-a tiên báo: “Thần Khí Chúa ngự trên Tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong Tôi, để Tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn ... công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 1,18-19). Chúa Giê-su xác nhận lời tiên báo được thực hiện nơi chính bản thân Người: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (c.21).

Bởi chính Người là Đấng Ki-tô, là Lời của Thiên Chúa, nên khi Người giảng dạy, “ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người” (c.20b). Nói cách khác, Chúa Giê-su đã trở nên trung tâm thu hút, lôi cuốn, tập trung, hiệp nhất mọi người. Vậy nếu nhân loại phải đối diện với tình trạng phân rẽ nhau, không phải là do người ta đã không biết lấy Chúa Giê-su làm trung tâm đời sống của mình sao? Bao lâu còn gạt bỏ Chúa Giê-su ra khỏi cuộc sống, con người sẽ còn mãi mãi chia rẽ, phân hoá nhau.

Thánh Lễ chúng ta đang cử hành, Chúa Giê-su là trung tâm vì Người vừa là chủ tế, vừa là lễ phẩm. Trong Thánh Lễ chúng ta phải đồng tâm hiệp nhất với Người, quy hướng về Người. Và vì cùng một Chúa, một phép Rửa, một đức tin, nên tất yếu chúng ta cũng phải hiệp nhất với nhau. Xin Chúa Giê-su mãi mãi là trung tâm nối kết chúng con. A-men.

5. Này là thân mình của Đức Kitô

Một số người Công Giáo đã thất vọng nơi những cấu trúc gần đây của những nhà thờ, họ nhìn thấy chúng quá tiêu điều, không trang trí những đồ dùng sốt sắng và thiếu đi vẻ đẹp. Một số khác thì nhắm đến những nhà thờ cổ hơn thì quá cầu kỳ. Chúng ta hãy hướng đến bài đọc thứ hai ngày hôm nay. Đúng hơn là hãy quan sát những cấu trúc và trang trí của tòa nhà, hãy nhìn xem những người ở bên trong nhà thờ. Với đôi mắt đức tin Công Giáo của bạn hãy nhìn họ như họ thật sự là: Thân Mình của Đức Kitô, được làm nên bởi nhiều phần tử khác nhau. Bên trong mỗi con người là ánh sáng rực rỡ của con người Đức Kitô, Đầu của thân mình là Giáo Hội. Ánh sáng rực rỡ ấy chiếu sáng không chỉ trên những người mà đôi mắt của họ được soi sáng bởi chân lý và những người của Giáo Hội thật sự là thân mình của Đức Kitô, bên trong mỗi người là một vẻ đẹp đặc biệt và lạ lùng. Lúc ấy tôi ước ao, chúng ta có một cái nhìn quang tuyến X thiêng liêng cho phép chúng ta trong suốt Thánh Lễ nhìn xuyên được vẻ đẹp bên trong. Và tiếp theo chúng ta sẽ thấy đôi hôn phối ở gần chúng ta thì phải tranh đấu để giữ cho cuộc hôn nhân của họ được tồn tại, họ phải cầu nguyện nồng nhiệt biết bao để nắm bắt lại ân sủng thời họ mới cưới, tất cả bởi vì họ thật sự tin đó là ý muốn của Thiên Chúa, họ là hai trong một xác thịt. Đức tin của họ thì rất xinh đẹp.

Chúng ta thấy một người thanh niên ăn mặc lịch lãm. Với một cái nhìn đặc biệt chúng ta có thể biết anh ta đang nài xin Chúa giải thoát anh ta khỏi ách nô lệ của một đam mê đang đe dọa phá hủy đời sống của anh. Kế bên anh là một người thanh niên khác cũng đang cảm tạ Chúa vì những ân phúc trong đời sống của anh và xin Chúa hãy cho anh biết anh phải làm gì, để dâng mình cho Giáo Hội như là một linh mục. Bên trong cả hai con người đều rực lên ánh sáng xinh đẹp của đức tin. Chung quanh chúng ta, chúng ta nghe nhiều người đang nhiệt tình đọc kinh hoặc hát những bài hát sốt sắng. Họ là những thành phần rất khác biệt nhau trừ sự kiện họ là những người trưởng thành trẻ đã không còn đến với Thánh Lễ nữa. Tất cả bọn họ đều đã xa rời Giáo Hội Công giáo, một số khác đã kết hợp vời các tôn giáo khác, một số người nghĩ cuộc sống sẽ rất đẹp nếu Thiên Chúa không hiện hữu. Tiếp đó, một điều gì đã xảy ra, điều gì khác cho mỗi một người, làm cho họ nhận biết rằng họ cần có Thiên Chúa và Giáo Hội của Người biết bao. Bởi vì họ có hạt giống đức tin gieo bên trong họ, họ biết phải trở lại tìm kiếm Thiên Chúa ở đâu. Họ trở lại để nâng niu Giáo Hội với một sự nhiệt tình, cũng giống như những người mới gia nhập Giáo Hội vào ngày lễ Phục Sinh. Chúng ta chú ý đến những đứa trẻ. Nếu không có tia X quang, chúng ta vẫn có thể thấy sự đơn sơ và khiêm nhường của chúng. Chúng ta được nhắc nhở khi Chúa Giêsu cảnh cáo chúng ta: “Nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ thì các con sẽ không được vào Nước Thiên Chúa”. Trẻ em là một cuốn Phúc Âm sống động và chúng thì giống như những bông hoa đáng yêu trang trí cho Giáo Hội.

Thánh Phaolô đã suy niệm về sự hiệp nhất Đức Kitô với dân Người là Giáo Hội. Thánh nhân đã viết cho các tín hữu thành Corintho rằng: “Thân Mình của Đức Kitô thì có nhiều chi thể, tất cả những chi thể mặc dù chúng có nhiều nhưng chỉ là một Thân Thể, đó là Đức Kitô”. Bài học đầu tiên nói với chúng ta, dân chúng đã hạnh phúc biết bao khi họ tái khám phá cuốn sách Luật (ở đây có thể là Đệ nhị luật). Chúng ta sẽ hạnh phúc trong ngày của Chúa đã khám phá Thân Mình của Đức Kitô ở giữa chúng ta. Trong bài đọc của thánh Phaolô nơi Thánh Lễ ngày Chúa Nhật ngày hôm nay đã ứng nghiệm giữa chúng ta. Hãy nhìn chung quanh bạn. Hãy chiêm ngắm Thân mình của Đức Kitô. Vẻ đẹp thật của ngôi nhà thờ. Chân lý lớn lao này đã cho chúng ta một tiếng Amen sốt sắng.

6. Lời Tiên Tri Ứng Nghiệm

Nhiều tu sĩ cao niên đến gặp thầy Antôn. Ở giữa là thầy Giuse. Muốn thử họ, thầy Antôn đưa ra cho họ một lời Thánh Kinh, và bắt đầu từ tu sĩ trẻ nhất, thầy hỏi ý nghĩa của lời ấy. Mỗi tu sĩ đều nói theo khả năng của mình. Nhưng với tu sĩ nào thì thầy Antôn cũng nói: “Anh chưa tìm ra ý nghĩa”.

Tu sĩ cuối cùng nói với thầy Giuse:
  “Còn thầy, thầy giải thích lời đó ra sao?”

Thầy Giuse đáp:
  “Tôi không biết”.

Lúc ấy thầy Antôn nói:
  “Đúng, thầy Giuse đã tìm được giải đáp, vì Thầy nói: tôi không biết”.

Trước lời giải đáp của những vị tu sĩ cao niên đã nhiều năm sống đời tu hành trong hoang địa, ngày đêm không ngừng suy niệm Lời Chúa, thầy Antôn vẫn nhất mực nói: “Anh chưa tìm ra ý nghĩa”. Nhưng với thầy Giuse người có uy tín nhất, người đã trả lời “tôi không biết”, thầy Antôn lại bảo: “Chính thầy Giuse đã tìm được giải đáp”.

Thưa anh chị em,

Phải chăng có một nghịch lý trong giai thoại trên đây?

Trước mầu nhiệm của Thiên Chúa, trí khôn con người làm sao có thể hiểu nổi và ngôn ngữ của con người làm sao có thể diễn tả được? Bởi vậy, cách giải thích Lời Chúa trung thực nhất là thú nhận rằng mình không giải thích nổi. Chỉ Thiên Chúa mới hiểu biết Lời Ngài và nói Lời Ngài cách thích đáng và xứng hợp. Hôm nay chúng ta được nghe chính Chúa Giêsu đọc lại lời tiên tri Isaia và giải thích cho chúng ta:

“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, tuyên cáo lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, loan tin cho người mù biết họ sẽ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”. Đọc xong, Ngài ngồi xuống. Mọi người nhìn thẳng vào Ngài mà chờ đợi. Trong khung cảnh im lặng linh thiêng ấy, Chúa Giêsu bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà quý vị vừa nghe”.

Phải, Chúa Giêsu đã làm ứng nghiệm mọi lời tiên tri nói về Ngài từ hàng trăm năm trước. Đó là bằng chứng Đức Kitô là Đấng Thiên Chúa sai đến, Ngài thật là Con Thiên Chúa. Một bằng chứng khác nữa là những phép lạ Ngài làm đã có rất nhiều lời tiên tru trong Cựu ước tiên báo, trước khi Ngài sinh ra hàng trăm năm và đã ứng nghiệm từng chữ trong đời sống của Ngài.

Thật vậy, suốt thời gian Chúa Giêsu sống và rao giảng, Ngài đã thực hiện lời tiên tri tiên báo: Ngài công bố Tin Mừng cho người nghèo. Ngay lúc mới sinh ra, những mục đồng nghèo khó là những người đầu tiên được loan báo Tin Mừng. Sau nầy, khi các môn đệ của Gioan Tẩy Giả đến hỏi Ngài có phải Ngài là Đấng Cứu Thế không, Ngài đã bảo họ về kể lại cho ông Gioan biết những gì Ngài đã làm: người mù được thấy, người què được đi, người điếc được nghe, người câm nói được v.v… đúng như lời tiên tri Isaia tiên báo.

Hôm nay, trong hội đường ở Nagiarét, giữa đồng bào đồng hương của Ngài, Chúa Giêsu đã tuyên bố: Ngài đến để thực hiện những lời tiên tri Isaia mà họ vừa nghe Ngài đọc. Ngài có sứ mạng đem ơn cứu độ đến cho những người nghèo đói, bệnh tật, kẻ bị tù đầy, bị áp bức, qua lời giảng dạy và những phép lạ Ngài làm. Nói như thế có nghĩa là Chúa Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai đến công bố năm hồng ân cho những người nghèo khổ; Ngài quan tâm đến những khổ đau của những con người đau khổ; Ngài lấy việc giải thoát họ làm sứ mạng của mình, và ơn cứu độ, trước mắt Ngài, là tái lập trật tự trong xã hội con người và trong thế giới, nơi đó, công lý, yêu thương và hòa bình phải ngự trị.

Anh chị em thân mến,

Chúa Kitô đã trao sứ mạng của Ngài cho Giáo Hội. Và Giáo Hội luôn ý thức về sứ mạng của mình trong thế giới. Qua suốt chiều dài lịch sử, Giáo Hội luôn nỗ lực thực hiện sứ mạng của Chúa Kitô là đem Tin Mừng cho người nghèo khó. Chính Giáo Hội đã khai sinh ra các bệnh viện, các trường học, các cô nhi viện, các trại cùi, trại tế bần, nhà dưỡng lão… Những công việc từ thiện, bác ái, xã hội, văn hóa, Giáo Hội đã làm ngày nay vẫn còn giá trị. Và hôm nay sứ mạng của Giáo Hội có lẽ còn khẩn trương hơn nữa, vì sứ mạng rao giảng Tin Mừng cứu độ ngày nay phải bao gồm cả những vấn đề hết sức quan trọng và cấp bách nhất, liên quan đến công lý, giải phóng, phát triển và hòa bình.

Mẹ Têrêsa Calcutta trong những ngày đầu khi mới khởi sự làm việc cho những người cùng khổ nhất trong vùng ngoại ô. Mẹ đã bị sốt liệt giường. Trong cơ mê sảng, Mẹ bỗng thấy mình được đến trình diện trước mặt Thánh Phêrô, người giữ cửa Thiên đàng. Nhưng Thánh Phêrô chận lại không cho Mẹ Têrêsa vào Thiên đàng. Thánh Phêrô nói: “Không để cho một người ở khu ổ chuột được vào Thiên đàng: Thiên đàng không có nơi cùng khổ”.

Mẹ Têrêsa tức giận nói với Thánh Phêrô: “Thế ư? Vậy thì con sẽ làm mọi cách để làm cho Thiên đàng đầy dẫy dân cư của các khu ổ chuột và lúc đó, Ngài bị bắt buộc sẽ để cho con vào Thiên đàng”.

Tội nghiệp Thánh Phêrô. Kể từ sau giấc mơ đó, Mẹ Têrêsa và các nữ tu của Mẹ đã không để cho ngài được ở yên phút nào. Không biết bao nhiều người cùng khổ và cô dơn đã qua đời trong vòng tay ôm ấp của Mẹ và các nữ tu. Thiên đàng đã trở thành nơi cư trú của những người cùng khổ.

Ngày nay với gần 3000 nữ tu đang dấn thân với danh nghĩa là “thừa sai bác ái” trong 350 cơ sở xã hội, thuộc gần 100 quốc gia, những thừa sai bác ái ấy là những nhân chứng cho Chúa Kitô, cho sức mạnh của Tin Mừng, sức mạnh giải phóng những người nghèo khổ trên thế giới.

Nhắc lại thành quả của Mẹ Têrêsa, không nhằm làm chúng ta hãnh diện cho bằng thúc giục chúng ta, mỗi người trong phạm vi của mình, không được nản chí, đừng chê việc nhỏ, vì hành động của tình yêu không có gì là nhỏ, là không đáng kể. Còn biết bao người nghèo đói, khốn cùng chung quanh chúng ta. Đến bao giờ chúng ta mới có thể nói được như Chúa Giêsu: “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh anh chị em vừa nghe”. Mỗi người hãy tiếp nối công việc của Chúa Kitô chung quanh mình, bằng cách chia sẻ niềm vui và ánh sáng, nâng đỡ người đau khổ thể xác và tinh thần, tẩy trừ sợ hãi, giải thoát người dốt nát, xoa dịu các oán hơn, an ủi kẻ cô đơn, biểu lộ sự hiện diện tích cực của Chúa bằng hoạt động của mình.

Nếu chúng ta trung thành thực thi nhiệm vụ của người môn đệ Chúa Kitô như trang Tin Mừng nêu lên, thì lời tiên tri Isaia hôm nay cũng được ứng nghiệm, năm hồng ân của Chúa hôm nay đã được công bố và nước Thiên Chúa đã hiện diện giữa chúng ta ngay từ bây giờ.

Top