Sứ vụ loan báo Tin Mừng qua bổn phận bảo vệ môi trường sinh thái

Sứ vụ loan báo Tin Mừng qua bổn phận bảo vệ môi trường sinh thái

Xin giới thiệu đến quý độc giả bài tham luận “Sứ vụ Loan Báo Tin Mừng qua bổn phận bảo vệ môi trường tinh thần” của tác giả André Nguyễn Hữu Nghĩa, đã được trình bày trong Công nghị Loan Báo Tin Mừng và Bảo vệ Môi trường, tháng 11, năm 2011.

SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG
QUA BỔN PHẬN
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SINH THÁI

I. NHẬN ĐỊNH

Mục đích của việc Loan Báo Tin Mừng là giúp cho con người được sống và sống dồi dào: “Phần Tôi, Tôi đến để chiên Tôi được sống và sống dồi dào” (Gio-an 10,10b). Cũng chính vì vậy, Chân Phước Gioan Phaolô II luôn động viên các tín hữu nỗ lực bồi đắp nền văn hóa sự sống. Chúng ta quyết tâm phò sự sống, nên nếu thấy một trường hợp nào đó, mà sự sống bị tước đi cách oan uổng và bất công, chúng ta hết sức đau lòng: như vụ giết người cướp vàng tại tỉnh Bắc Giang cách đây không lâu.

Tác nhân giết người hàng loạt

Nhưng điều tệ hại là chúng ta đã không để tâm đúng mức đến một tác nhân giết người hàng loạt, đó là thiên tai dịch họa: vụ sóng thần ở Indonesia năm xưa, cơn sóng thần mới đây ở Nhật, động dất ở Chilê, Brazil, cơn đại hồng thủy ở Thailand, cháy rừng ở Mỹ, đợt nóng khủng khiếp ở Nga …Thiên tai, ngoài việc gây thiệt hại hàng trăm tỉ đôla một năm, đã cướp đi hàng trăm ngàn sinh linh một lúc.

Con người cảm thấy vô can đối với thiên tai

Khi nghe đến những biến cố này, ai cũng biết đó là hậu quả tất yếu của việc biến đổi khí hậu, của việc trái đất ấm dần lên; và chúng ta mau mắn cho đó là những hiện tượng tự nhiên của trời đất: “Trời kêu ai nấy dạ”. Còn mình thì vô can.

Một tư tưởng thần học bị xem nhẹ

Theo cách nghĩ truyền thống lâu nay, quá nhấn mạnh về việc con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên hai chiều kích ngôi vị và xã hội luôn được nhắc tới và đề cao. Do vậy, con người đã lạm dụng sự làm chủ thiên nhiên của mình. Trong khi đó, chiều kích môi trường của con người bị lãng quên. Thực ra, con người còn được tạo dựng từ “đất”, nên là một phần trong tổng thể toàn vẹn của công trình sáng tạo, là một thụ tạo chịu tác động của luật cân bằng sinh thái (tự điển về đạo đức môi trường trang 112).

Bảo vệ môi trường sinh thái phải là một nhân đức của Kitô hữu

Thực tế có nhiều tín hữu đi lễ mỗi ngày, đọc kinh Lòng Chúa thương xót rất đều đặn, nhưng lại cứ đùa rác sang nhà bên cạnh. Và nếu có Đức cha nhặt rác thì cũng không thiếu nhà xứ dơ “tổ cha”.

II. ĐỀ NGHỊ

Gây ý thức

Đã đến lúc phải gây ý thức cho các tín hữu về vấn đề sinh tử này: hãy bảo vệ môi trường sống, và cho đây là sứ vụ LBTM hợp thời nhất. Mời các tín hữu hãy trả lời những vấn nạn: – Ai đã thải khí oxid carbon khiến tầng ozone bị một lổ thủng định mệnh? – Ai đã chặt phá rừng nguyên sinh gây lũ lụt khắp nơi? – Ai là tác nhân gây cái chết của con sông Thị Vải? – Ai là người đã vô tâm dùng điện và chất nổ để đánh bắt cá và đồng thời tận diệt chúng? Từ đầu, Thiên Chúa đã phán, mọi sự đều tốt đẹp kia mà! Đã có bàn tay gây hấn của con người đối với thiên nhiên, mà chắc chắn trong đó, không thiếu chúng ta, những người mang danh Kitô hữu! Nên nhớ, con người là một sinh vật môi trường. Xâm hại môi trường chính là tiêu diệt con người.

Cập nhật thông tin

Ví dụ: ngày 18 tháng 11 vừa qua, Ủy Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo: “Nhiều khí thải carbon hơn, đồng nghĩa với việc có nhiều hiện tượng thời tiết nguy hiểm hơn, có thể biến một số khu vực trở nên không thể sinh sống được…Tần số thiên tai ngày một dầy đặc hơn (Tuổi trẻ ngày 20-11-2011).

Học hỏi Huấn quyền

Ngoài Giáo huấn về xã hội của Giáo Hội Công Giáo, ta nên theo dõi và thực hành những lời khuyên dạy của ĐTC. Trong thông điệp Tình yêu trong chân lý (Caritas in Veritate), Đức Bênêđictô XVI đã nói: “Cần phải tôn trọng sự cân bằng nội tại của công trình sáng tạo…” (số 48). Thật nghịch lý khi chúng ta khuyên các thế hệ tương lai phải tôn trọng môi trường sinh thái, nhưng hệ thống giáo dục và luật pháp của chúng ta lại không giúp chúng biết tôn trọng chính cuộc sống của mình” (số 51). Trong lời nhắn nhủ nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới 2010, ĐTC cũng đã nói: “Muốn gieo rắc hòa bình, hãy tôn trọng công trình sáng tạo”.

Canh tân não trạng, tập quán sống xưa nay

Bài tham luận này có nhã ý gióng lên tiếng chuông của sự canh tân não trạng, cách ăn và nết ở đối với môi trường. Về não trạng: chúng ta ý thức hơn việc cùng tồn tại với thiên nhiên. Về cách ăn: không nên thưởng thức bằng mọi giá những sinh vật quý hiếm đưa đến tuyệt chủng. Về nết ở, chúng ta đừng bao giờ vứt xác chuột ra đường phố, bỏ rác xuống giòng kinh…

Thành lập Ủy Ban Mục Vụ Về Môi Trường

Để thực hiện những đề nghị trên đây, thiết tưởng giáo quyền địa phương nên thành lập UBMV về Môi Trường từ cấp giáo phận đến cấp giáo xứ và phối hợp nhịp nhàng với các đòan thể.

III. THAY LỜI KẾT

Nếu trong quá khứ, hiệu quả của việc Loan Báo Tin Mừng đã đem đến những lời khen ngợi khách quan như: “Chỗ ấy không có trộm cắp vì khu vực ấy gồm toàn người có đạo” (câu này con nghe khoảng nửa thế kỷ trước). Rồi, vào những năm cuối đời, nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt đã từng công nhận: rõ ràng là trong những xứ đạo Công giáo, tệ nạn xã hội giảm thiểu đáng kể… thì ngày hôm nay, chúng ta sẽ không quá lạc quan khi chờ đợi một nhận xét tích cực khác từ những người ngoài Công giáo: Nơi ấy không khí trong lành, môi trường sống tuyệt vời vì phần đông các gia đình ở đó đều là người có đạo “Thiên Chúa”.

Xin cảm ơn quí đại biểu.

Thứ năm, ngày 24-11-2011, Lễ Các Thánh Tuẫn Đạo VN
Anrê Nguyễn Hữu Nghĩa

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top