Sứ điệp của Thượng Hội đồng Giám mục - Đại hội Ngoại thường lần thứ III
Sứ điệp của Thượng Hội đồng Giám mục
Đại hội Ngoại thường lần thứ III
Ngày 18.10.2014
Chúng tôi, các Nghị phụ Thượng Hội đồng Giám mục, cùng với Đức Thánh Cha đã nhóm họp tại Roma trong Đại hội Toàn thể Ngoại thường của Thượng Hội đồng Giám mục, gửi lời chào đến mọi gia đình khắp các châu lục, và đặc biệt, đến mọi người theo Chúa Kitô, là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chúng tôi bày tỏ niềm ngưỡng mộ và tri ân anh chị em đã mang lại cho chúng tôi và thế giới chứng từ về lòng trung tín, niềm tin, niềm hy vọng và tình yêu.
Mỗi người chúng tôi, các mục tử của Hội Thánh, đều đã lớn lên trong một gia đình, từ một khung cảnh xã hội và cuộc sống rất đa dạng. Là linh mục và giám mục, chúng tôi sống bên các gia đình, được nghe các gia đình kể cho nghe, tỏ cho biết những câu chuyện lý thú về niềm vui và những khó khăn của mình.
Việc chuẩn bị cho Thượng Hội đồng này, khởi sự bằng bản câu hỏi gửi đến các Giáo hội trên khắp thế giới, đã cho chúng tôi cơ hội được lắng nghe những trải nghiệm cuộc sống của nhiều gia đình. Cuộc đối thoại của chúng tôi trong thời gian họp Thượng Hội đồng đã làm cho nhau được phong phú, giúp chúng tôi nhìn vào những hoàn cảnh phức tạp mà các gia đình ngày nay đang đối mặt.
Chúng tôi gửi đến anh chị em lời của Chúa Kitô: “Này Ta đứng bên cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, Ta sẽ vào nhà và ăn tối với người ấy, và người ấy ở cùng Ta” (Kh 3, 20). Trong cuộc hành trình của mình trên những nẻo đường Thánh Địa, hẳn Chúa Giêsu đã từng vào những ngôi nhà làng quê. Còn ngày nay, Người đang tiếp tục đi qua những con đường trong các thành phố của chúng ta. Dưới mái nhà của anh chị em, có ánh sáng và bóng tối. Những thách đố vẫn thường xuất hiện và nhiều khi có cả những thử thách nặng nề. Sự tối tăm có thể cứ tăng thêm đến mức trở thành bóng tối dày đặc khi sự dữ và tội lỗi hoạt động tận trong trái tim gia đình.
Chúng tôi nhìn nhận rằng giữ được lòng trung thành trong tình yêu vợ chồng là cả một thách đố lớn. Sa sút niềm tin và dửng dưng đối với những giá trị đích thực, chủ nghĩa cá nhân, các mối tương quan trở nên nghèo nàn, sống căng thẳng mất hết tỉnh táo, tất cả đang để lại dấu ấn trên đời sống gia đình. Đời sống hôn nhân thường gặp khủng hoảng và thường giải quyết những khủng hoảng này một cách vội vã, thiếu can đảm để biết kiên nhẫn và tỉnh táo, biết hy sinh và tha thứ cho nhau. Những thất bại này sẽ làm xuất hiện những quan hệ mới, những đôi vợ chồng mới, những cuộc kết hợp mới về phần đời, rồi những cuộc hôn nhân mới, sinh ra những hoàn cảnh gia đình vừa phức tạp, vừa có vấn đề nếu muốn chọn sống cuộc đời người Kitô hữu.
Trong những thách đố này, chúng tôi muốn nói đến những thử thách của chính cuộc sống. Chúng tôi nghĩ đến gánh nặng cuộc sống chất lên qua những đau khổ khi có đứa con tật nguyền, lúc mắc bệnh nặng, khi tuổi già không còn minh mẫn, hoặc khi có người thân yêu qua đời. Chúng tôi ngưỡng mộ sự trung tín của rất nhiều gia đình đã chịu đựng thử thách với lòng can đảm, với niềm tin và tình yêu. Họ thấy những đau khổ này không phải là gánh nặng chất lên mình, nhưng là điều gì đó họ được trao ban và đã dâng lên, nên họ thấy được Chúa Kitô đang chịu đau khổ nơi thân xác mỏng giòn này.
Chúng tôi nhắc lại những khó khăn phát sinh từ các hệ thống kinh tế tồi tệ, từ “sự tôn sùng ngẫu tượng tiền bạc và sự chuyên chế của nền kinh tế phi nhân không hề đếm xỉa mục tiêu đích thực vì con người” (Evangelii gaudium, 55) đang xói mòn phẩm giá con người. Chúng tôi nhớ đến những người cha người mẹ thất nghiệp, họ bất lực trước những nhu cầu căn bản nhất của gia đình, và nhớ đến giới trẻ đang thấy trước mặt là những ngày tháng chẳng có gì để kỳ vọng, họ đang là mồi ngon cho ma túy và tội ác.
Chúng tôi nghĩ đến rất nhiều gia đình nghèo khổ, đến những người đang bám theo các con tàu mong đến được bến bờ bên kia để sống sót, đến những người tị nạn lang thang vô vọng trong sa mạc, đến những người đang bị bách hại vì niềm tin và vì những giá trị nhân bản và tâm linh của mình, đến những người chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh và áp bức. Chúng tôi nhớ đến các phụ nữ bị bạo hành và khai thác, các nạn nhân của nạn buôn người, trẻ em bị lạm dụng bởi chính những người lẽ ra phải bảo vệ và lo cho em được phát triển, và các thành viên của rất nhiều gia đình đã bị làm nhục và chất chồng những khốn khó. “Nền văn hóa chuộng sự giàu sang đang mê hoặc chúng ta… tất cả những cảnh đời héo hắt vì không có cơ hội dường như chỉ là một lớp kịch trên sân khấu, không hề chạm đến chúng ta” (Evangelii gaudium, 54). Chúng tôi kêu gọi các chính phủ và các tổ chức quốc tế hãy vì lợi ích chung mà cổ võ các quyền của gia đình.
Chúa Kitô đã muốn Giáo hội của Người là một ngôi nhà cửa luôn rộng mở chào đón mọi người. Chúng tôi chân thành cảm ơn các mục tử, giáo dân và các cộng đoàn của chúng ta đang đồng hành với các đôi vợ chồng và gia đình, đồng thời đang săn sóc những vết thương của họ.
* * *
Tuy nhiên, đằng sau ô cửa sổ những ngôi nhà trong thành phố, trong những nếp nhà khiêm nhường nhất ở ngoại ô, nơi làng quê, kể cả trong những túp lều, vẫn bừng lên ánh đèn buổi tối, chiếu tỏa và sưởi ấm thân xác và linh hồn. Ánh sáng này, thứ ánh sáng tỏa ra từ câu chuyện đám cưới, kể lại hai vợ chồng lấy nhau từ sự gặp gỡ lứa đôi, đã nói lên đó chính là một quà tặng, một ân sủng, như sách Khởi nguyên đã nói đến (Kn 2, 18), khi hai người “diện đối diện”, trở nên hai người cùng trợ tá cho nhau, bình đẳng với nhau. Tình yêu của người nam và người nữ dạy chúng ta biết rằng người nọ cần đến người kia để trở nên chính mình, dẫu vậy mỗi người vẫn giữ căn tính khác biệt của mình so với người kia, một căn tính luôn mở ra và bộc lộ khi tự hiến cho nhau. Điều đó đã được cô dâu trong sách Diễm ca hát lên trong bài ca của nàng: “Người tôi yêu thuộc về tôi và tôi thuộc về chàng… Tôi thuộc về người tôi yêu và người tôi yêu thuộc về tôi” (Dc 2, 16; 6, 3).
Cuộc gặp gỡ đích thực này bắt đầu bằng sự đính ước, là thời gian chờ đợi và chuẩn bị. Nó được hiện thực hóa trong bí tích Chúa đã đặt vào đó dấu ấn, sự hiện diện và ân sủng của Ngài. Lộ trình này cũng bao gồm tính dục, sự âu yếm, vẻ đẹp có thể lâu bền hơn sinh lực và sự tươi tắn của tuổi trẻ. Tự bản chất, tình yêu có xu hướng tồn tại mãi mãi đến mức sẵn sàng hy sinh mạng sống cho người mình yêu (x. Ga 15, 13). Do đó, tình yêu vợ chồng, vốn duy nhất và bất khả phân ly, vẫn bền bỉ trước những khó khăn dù nhiều đến mấy đi nữa. Đó là một trong những phép lạ kỳ diệu nhất, dù cũng là phép lạ quen thuộc nhất.
Tình yêu này lan tỏa qua sự sinh sản và lưu truyền nòi giống, không chỉ gồm việc sinh con cái mà còn đưa con cái lãnh nhận quà tặng sự sống thần linh trong bí tích Thánh tẩy, dạy giáo lý vào giáo dục chúng. Cũng còn gồm việc tập cho con cái khả năng dâng hiến sự sống, yêu thương và các giá trị. Những người không có con cái cũng có thể sống những điều đó. Các gia đình đang sống cuộc lữ hành tràn đầy ánh sáng này sẽ trở nên một chứng từ đối với mọi người, nhất là giới trẻ.
Cuộc lữ hành này có khi phải vượt qua núi non hiểm trở và những lần vấp ngã. Nhưng Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta. Gia đình cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa qua tình yêu thương và đối thoại giữa chồng với vợ, cha mẹ và con cái, anh chị em với nhau. Họ nhìn thấy Thiên Chúa khi gia đình cùng nhau cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa –ốc đảo nhỏ bé hằng ngày cho tinh thần. Họ khám phá Thiên Chúa mỗi ngày khi dạy dỗ con cái trong đức Tin và trong vẻ đẹp cuộc đời sống theo Tin Mừng, một cuộc sống thánh thiện. Trách nhiệm này còn thường được những người ông người bà hết lòng và hết sức chia sẻ. Như vậy, gia đình là Hội Thánh tại gia đích thực, cùng các gia đình khác tạo nên cộng đoàn Giáo hội. Đồng thời các đôi vợ chồng Công giáo được kêu gọi trở nên thầy dạy đức Tin và tình yêu cho những đôi vợ chồng trẻ.
Một biểu hiện khác của sự hiệp thông huynh đệ là bác ái, trao tặng, là đến với những người thấp cổ bé miệng, người bị bỏ rơi, nghèo khổ, cô độc, bệnh tật, khách lạ và các gia đình đang gặp khủng hoảng, ý thức Lời Chúa nói: “Cho thì có phúc hơn nhận” (Cv 20, 35). Đó là biết chia sẻ của cải mình có, chia sẻ tình thân ái, tình yêu và lòng từ tâm, cũng là biết làm chứng cho sự thật, cho ánh sáng và ý nghĩa của sự sống.
Tột đỉnh thu tóm mọi mối dây hiệp thông với Chúa và với tha nhân là cử hành Thánh Thể ngày Chúa nhật, qua đó, gia đình và toàn thể Hội Thánh được ngồi đồng bàn với Chúa. Chúa hiến mình cho tất cả chúng ta, những người đang hành hương qua lịch sử hướng đến cuộc gặp gỡ sau hết, khi “Đức Kitô là mọi sự và ở trong mọi người” (Cl 3, 11). Vì vậy, trong giai đoạn một của Thượng Hội đồng, chúng tôi đã suy nghĩ làm thế nào đồng hành với những người đã ly dị và tái hôn, và về việc họ lãnh các bí tích.
Chúng tôi, các Nghị phụ Thượng Hội đồng Giám mục, mời anh chị em đồng hành với chúng tôi tiến đến Thượng Hội đồng sắp tới. Xin Thánh gia Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse từng quây quần trong căn nhà rất khiêm tốn của các ngài, luôn ở cùng anh chị em. Hiệp cùng Thánh gia, chúng ta dâng lên Chúa Cha lời khẩn nài cho các gia đình trên khắp thế giới:
Lạy Cha, xin ban cho mọi gia đình được sự hiện diện của đôi vợ chồng sống can đảm và khôn ngoan, tạo nên một gia đình tự do và hiệp nhất.
Lạy Cha, xin ban cho những người cha người mẹ có một mái nhà để họ cùng với gia đình được sống trong bình an.
Lạy Cha, xin cho mọi con cái trở nên dấu chỉ của niềm tin tưởng và hy vọng, và cho những người trẻ được can đảm dấn thân một cách kiên trì và trung tín.
Lạy Cha, xin ban cho mọi người có thể kiếm được miếng cơm manh áo bằng đôi bàn tay của mình, xin ban cho họ được hưởng sự thanh thản trong tâm hồn và giữ ngọn đuốc đức Tin được luôn bừng cháy, ngay cả trong những thời khắc đen tối.
Lạy Cha, xin ban cho mọi người chúng con được thấy một Giáo hội ngày càng trung thành và khả tín, một thành đô chính trực và nhân văn, và một thế giới yêu chuộng chân lý, công bằng và lòng thương xót.
* * *
(Nguồn: press.vatican.va
–Dịch theo bản tiếng Anh,
–Dịch theo bản tiếng Anh,
tham khảo bản tiếng Ý và tiếng Pháp)
bài liên quan mới nhất
- Hội thảo Sứ điệp Truyền giáo của Đức Thánh Cha Phanxicô năm 2024
-
Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2024 - Hãy đi và mời mọi người đến dự tiệc -
Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi giới trẻ nhân kỷ niệm 5 năm Tông huấn Christus Vivit -
Sứ điệp gửi người Muslim nhân Tháng Ramadan và Đại lễ ‘Id al-Fitr năm 1445 H. / 2024 A.D -
Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi tới tham dự viên Hội thảo nhân kỷ niệm 750 ngày mất của Thánh Tôma Aquino -
Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới Trẻ em lần thứ I, năm 2024: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5) -
Đức Thánh Cha: Giáo dục là một quyền, không ai bị loại trừ -
Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Phiên họp thứ 47 của Quỹ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp năm 2024 -
Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày thế giới cầu nguyện và suy tư chống nạn buôn người năm 2024 -
Sứ điệp của ĐTC Phanxicô cho Mùa Chay 2024
bài liên quan đọc nhiều
- Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới Trẻ em lần thứ I, năm 2024: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5)
-
Hội thảo Sứ điệp Truyền giáo của Đức Thánh Cha Phanxicô năm 2024 -
Toàn văn Sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân thứ 28 -
Sứ điệp của ĐTC Phanxicô cho Mùa Chay 2024 -
Toàn văn Sứ Điệp của ĐGH nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới 1-1-2019 -
Sứ điệp Mùa Chay 2019 của ĐTC Phanxicô -
Sứ điệp của Đức thánh cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 53 (năm 2019) -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 27 -
Sứ điệp ĐTC nhân Ngày Cầu nguyện cho Ơn Gọi lần thứ 56 -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội