Sắc lệnh về Phương tiện Truyền thông

Sắc lệnh về Phương tiện Truyền thông

Sắc lệnh về Phương tiện Truyền thông

SẮC LỆNH VỀ CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI

(INTER MIRIFICA)

 

 

       Lời Giới Thiệu

 Mục đích của Công Ðồng Vaticanô II là "chiếu giãi ánh sáng Chúa Kitô tới muôn dân... bằng việc rao giảng Phúc Âm" (Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 1). Công Ðồng đã làm một cố gắng để rao giảng Phúc Âm và đối thoại với thế giới. trong số các phương tiện đắc lực nhất để rao giảng Phúc Âm và đối thoại với thế giới, chúng ta phải kể tới phương tiện truyền thông xã hội. Vì thế Công Ðồng, do Chúa Thánh Thần thúc đẩy và soi sáng, đã đề cập tới vấn đề truyền thông xã hội một cách long trọng.

Một tài liệu mới mẻ

Từ xưa tới nay, ngoài một số văn kiện của các Ðức Giáo Hoàng về vấn đề liên quan đặc biệt đến các phương tiện, Giáo Hội chưa bao giờ đề cập tới vấn đề truyền thông xã hội một cách đầy đủ và bao quát. Ðây là tài liệu đầu tiên trình bày lập trường của Giáo Hội. Chính vì là tài liệu đầu tiên, nên có lẽ nó không được hoàn hảo và đầy đủ như một số người công giáo có thẩm quyền trong ngành truyền thông xã hội mong muốn.

Lược trình Sắc Lệnh

Tháng 2 năm 1962 một tài liệu tựa đề "Lược đồ Hiến Chế về các phương tiện truyền thông xã hội" được gởi tới các Nghị Phụ khắp thế giới. Cuối tháng 11 năm 1962, các Nghị Phụ họp nhau lại để thảo luận về tài liệu này. Tất cả có tới 57 Nghị Phụ góp ý kiến, và vài hôm sau, phần đông đã bỏ phiếu chấp nhận sắc lệnh, rồi kỳ họp thứ nhất của Công Ðồng bế mạc.

Căn cứ theo đề nghị của các Nghị Phụ, lược đồ đã được sửa đổi, bớt phần lý thuyết, và được gọi là Sắc Lệnh thay vì Hiến Chế, vì nó ngắn hơn vì có tính cách mục vụ cụ thể.

Trong kỳ họp thứ hai, tháng 11 năm 1963 các Nghị Phụ bỏ phiếu một lần nữa và đã chấp nhận Sắc Lệnh, nhưng lần này có 503 nghị Phụ bỏ phiếu "chống". Một số ký giả và Nghị Phụ đã chỉ trích Sắc Lệnh là nông cạn, tiêu cực và khô khan. Họ cố gắng gây dư luận chống đối Sắc Lệnh. Nhưng đầu tháng 12 năm 1963 Sắc Lệnh được phê chuẩn và công bố.

Ðặc tính của Sắc Lệnh

Mục đích của Sắc Lệnh không phải là xác định và giải thích những nguyên tắc tín lý về việc truyền thống xã hội. Trái lại Sắc Lệnh mang tính chất cụ thể và mục vụ. Tất cả được gồm tóm trong hai phần chính: phần thứ nhất nói về các nguyên tắc luân lý để sử dụng và kiểm soát các phương tiện; phần thứ hai hướng dẫn cách tổ chức công việc dùng những phương tiện này trong các hoạt động tông đồ của Giáo Hội. Phải công nhận Sắc Lệnh hơi nặng nề về phần luân lý, cảnh cáo và đề phòng.

Ðây là một tài liệu kết thúc một giai đoạn lịch sử Giáo Hội, tức là giai đoạn ý thức về sự lợi hại của các phương tiện, và mở ra một giai đoạn lịch sử mới, là giai đoạn tổ chức lại những nỗ lực của tất cả những người và những cơ quan Công Giáo đang hoạt động trong lãnh vực truyền thông.

Sắc Lệnh với Giáo Hội Việt Nam

Giáo Hội Việt Nam từ hơn ba thế kỷ nay đã rao giảng Phúc Âm bằng máu của các vị tử đạo, bằng gương sáng của mọi tín hữu, bằng lời cầu nguyện thiết tha, bằng những ngôi nhà thờ dựng lên từ Bắc chí Nam. Nhưng có lúc sự rao giảng đó ở Việt Nam, cũng như ở bao quốc gia Tây Phương khác, có tính cách hạn hẹp và thiếu cởi mở.

Công Ðồng Vaticanô II đã khai sinh một chiều hướng mới một chiều hướng cởi mở thay cho thái độ tự vệ, và đối thoại với các tôn giáo bạn thay vì coi họ như "lương dân".

Các phương tiện truyền thông xã hội, vì có khả năng đạt tới mọi người, nên có thể là những dụng cụ rất thích hợp để rao giảng Phúc Âm trong tinh thần phổ quát và thông cảm của đức bác ái công giáo.

 

LỜI MỞ ĐẦU

1. (Ý nghĩa từ ngữ)

Với sự trợ giúp của Thiên Chúa, con người đầy tài năng, đặc biệt trong thời đại chúng ta, đã có những khám phá kỳ diệu về mặt kỹ thuật. Trong số những khám phá này, Mẹ Giáo Hội đặc biệt quan tâm chào đón và dõi theo những phát minh liên quan đặc biệt tới tinh thần con người, và những phát minh giúp cho việc thông truyền tin tức, quan điểm và giáo huấn đủ lọai trở nên hết sức dễ dàng. Giữa những phát minh này, trổi vượt quan trọng hơn cả là những phương tiện truyền thông [1] như sách báo, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình và các phương tiện tương tự. Những phương tiện truyền thông này, tự bản tính, không chỉ liên hệ và ảnh hửơng đến cá nhân, mà còn đến cả đại chúng và tòan thể xã hội nhân lọai, và như thế đáng được gọi là phương tiện truyền thông xã hội.

2. (Lý do thúc đẩy Công Đồng quan tâm đến vấn đề này)

Mẹ Giáo Hội cũng biết rằng những phương tiện đó, nếu được sử dụng đúng đắn sẽ mang lại những lợi ích lớn lao cho nhân loại vì chúng đóng góp rất nhiều vào việc giải trí, huấn luyện cũng như mở mang và củng cố Nước Chúa. Giáo Hội cũng biết rằng con người có thể sử dụng chúng ngược với đường lối của Đấng Tạo Hoá, và làm nguy hại cho chính mình. Quả vậy, Giáo Hội đã từng rất đỗi đau lòng vì những thiệt hại quá thường xảy ra [2] cho xã hội con người do việc cố ý dùng sai những phương tiện này.

Vì vậy, khi lưu tâm đến mối quan ngại mà các Đức Giáo Hoàng và các Đức Giám Mục đã bộc lộ về vấn đề rất quan trọng như thế, Thánh Công Đồng cho rằng mình có nhiệm vụ nghiên cứu những vấn nạn chính yếu liên quan tới những phương tiện truyền thông xã hội. Hơn nữa, Thánh Công Đồng cũng tin tưởng rằng giáo thuyết và chỉ thị được trình bày sau đây, không những sẽ làm gia tăng hạnh phúc vĩnh cửu của các Kitô hữu, mà còn thúc đẩy sự phát triển của toàn thể nhân loại.

 

CHƯƠNG I: GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI

3. (Nhiệm vụ của Giáo Hội)

Vì được Chúa Kitô thiết lập để mang lại ơn cứu độ cho hết mọi người và do đó có nhiệm vụ phải rao giảng Phúc Âm, Giáo Hội Công Giáo nhận thấy mình cũng có bổn phận dùng phương tiện truyền thông xã hội để loan báo Tin Mừng và dạy con người biết sử dụng chúng cách đúng đắn.

Do đó, Giáo Hội đương nhiên có quyền sở hữu theo ý mình và sử dụng bất cứ loại nào trong những phương tiện truyền thông xã hội đó, tuỳ theo sự cần thiết hay lợi ích cho việc giáo dục Kitô hữu và cho việc mưu cầu phần rỗi các linh hồn. Các vị mục tử có nhiệm vụ huấn luyện và hướng dẫn các tín hữu biết dùng những phương tiện truyền thông để giúp nhiều hơn cho mình và tòan thể gia đình nhân lọai đạt được ơn cứu độ và sự toàn thiện.

Ngoài ra, giáo dân đặc biệt có bổn phận làm cho các phương tiện này thấm nhuần giá trị nhân bản cũng như giá trị Kitô giáo, để chúng đáp ứng đầy đủ niềm mong đợi lớn lao của xã hội nhân loại và đúng với ý định Thiên Chúa.

4. (Luật luân lý)

Để sử dụng đúng đắn những phương tiện này, mọi người khi sử dụng cần phải hiểu biết những nguyên tắc luân lý và trung thành áp dụng những nguyên lý đó vào lãnh vực này. Nên họ phải cân nhắc nội dung của những gì được truyền thông theo bản tính riêng của mỗi phương tiện.

Đồng thời họ cũng phải chú ý đến mọi hoàn cảnh, tức là mục đích, khán thính giả, địa điểm, thời gian v.v… ảnh hưởng đến việc truyền thông này: chính những hoàn cảnh đó có thể biến cải hoặc thay đổi hoàn toàn tính luân lý của sự truyền thông.

Trong số các hoàn cảnh đó, phải kể đến cách thức tác động đặc biệt của các phương tiện truyền thông, tức là sức ảnh hưởng của chúng, có thể mãnh liệt đến nỗi, con người - nhất là nếu không được chuẩn bị - khó có thể nhận thức, chế ngự hoặc khước từ.

5. (Quyền thông tin)

Tuy nhiên, điều tuyệt đối cần thiết là tất cả những người liên hệ đến truyền thông cần phải tự đào luyện cho có một lương tâm ngay thẳng trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông, nhất là đối với nhiều vấn đề đang được bàn cãi sôi nổi trong thời đại của chúng ta.

Vấn đề thứ nhất là về việc mà người ta gọi là “thông tin”, tức là việc thu thập và phổ biến tin tức. Rõ ràng là việc thông tin đã trở nên cực kỳ hữu ích và thường khi là rất cần thiết cho sự tiến bộ của xã hội ngày nay và cho mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa các phần tử trong xã hội. Thật vậy, việc thông tin mau lẹ các sự việc và các biến cố giúp cho mọi cá nhân nắm bắt thông tin [3] liên tục đầy đủ hơn, và như thế, họ có thể tham gia vào công ích một cách hữu hiệu hơn, và mọi người có thể đóng góp một cách dễ dàng hơn cho sự thịnh vượng và tiến bộ của toàn thể xã hội. Do đó, tuỳ theo hoàn cảnh của từng trường hợp, mỗi người trong xã hội có quyền được thông tin về những vấn đề liên quan đến cá nhân hay tập thể. Tuy nhiên, việc thực thi đúng đắn quyền này đòi việc truyền thông phải luôn chính xác và đầy đủ theo đòi hỏi của công lý và tình thương. Ngoài ra cách thức truyền thông cũng phải lương thiện và thích hợp, nghĩa là cả việc săn tin lẫn loan tin đều phải tuyệt đối tôn trọng luật luân lý, tôn trọng các quyền lợi chính đáng và phẩm giá con người. Thực vậy, không phải mọi kiến thức đều hữu ích, “nhưng chính tình thương sẽ xây dựng” (1Cor 8,1).

6. (Luân lý và nghệ thuật)

Vấn đề thứ hai là về điều mà người ta thường gọi là mối tương quan giữa quyền của nghệ thuật và chuẩn mực luân lý. Vì những cuộc tranh luận thường xuyên gia tăng về vấn đề này nhiều khi bắt nguồn từ những học thuyết sai lầm về luân lý và thẩm mỹ, nên Thánh Công Đồng tuyên bố rằng mọi người phải tuân giữ quyền ưu tiên tuyệt đối của luật luân lý khách quan, bởi vì, tuy có phẩm chất cao cả, luật này tự bản chất trổi vượt nhưng lại phù hợp thích đáng với mọi hoạt động của con người, kể cả nghệ thuật. Chỉ có luật luân lý mới liên hệ đến toàn diện bản tính con người, một tạo vật được Thiên Chúa ban cho có lý trí và được Ngài mời gọi theo đuổi vận mạng siêu nhiên. Đằng khác, chính khi trung thành tuân giữ trọn vẹn luật luân lý, con người sẽ đạt tới sự hoàn thiện [4] và có được hạnh phúc tròn đầy.

7. (Khi phải trưng bày tội ác)

Vấn đề thứ ba là, việc tường thuật, trình bầy hay mô tả điều xấu về phương diện luân lý, bằng những phương tiện truyền thông xã hội, quả thực có thể giúp nhận biết và khám phá con người cách sâu rộng hơn, giúp bày tỏ và biểu dương vẻ huy hoàng của điều Chân, điều Thiện, nếu người ta khéo trình bày những hậu quả bi thảm của điều ác. Tuy nhiên, để khỏi làm hại hơn là làm ích cho các tâm hồn, các hoạt động trên vẫn phải tuyệt đối tuân theo luật luân lý, nhất là khi đề cập đến những vấn đề đòi phải thận trọng, hay đến những gì dễ khơi dậy dục vọng xấu xa của con người vốn đã mang thương tích của tội tổ tông [5].

8. (Công luận)

Ngày nay công luận tạo nên uy lực rất lớn trên đời sống cá nhân cũng như cộng đồng của mọi tầng lớp dân chúng, nên mọi thành phần xã hội cần phải đáp ứng mọi đòi hỏi công bình và bác ái trong lãnh vực này. Từ đó, họ phải cố gắng dùng những phương tiện truyền thông xã hội để tạo ra và phổ biến những công luận ngay chính.

9. (Bổn phận của khán thính giả)

Tuỳ theo sự lựa chọn tự do của mình, mọi người, khi sử dụng các phương tiện truyền thông với tư cách là độc giả, khán giả hoặc thính giả, đều có những bổn phận đặc biệt. Sự lựa chọn đúng đắn đòi họ cổ võ những gì có giá trị thực sự về mặt đạo đức, văn hoá và nghệ thuật. Họ phải tránh những gì nên cớ hay làm dịp cho chính họ phải thiệt hại về phần thiêng liêng, hoặc khiến cho người khác phải nguy hiểm do gương xấu, hoặc ngăn cản những truyền thông tốt và cổ võ những truyền thông xấu. Điểm sau này thường xảy ra khi người ta trả tiền cho những người khai thác những phương tiện này chỉ vì lý do lợi nhuận [6].

Vì thế để chu toàn luật luân lý, chính những người sử dụng không nên quên bổn phận phải tìm hiểu đúng lúc những nhận định của cơ quan có thẩm quyền về những vấn đề này. Họ cũng phải tuân theo những nhận định đó theo tiêu chuẩn lương tâm ngay thẳng. Hơn nữa để chống lại cách dễ dàng hơn những quyến rũ thiếu ngay chính, và cổ vũ những ảnh hưởng tốt, họ phải chú tâm hướng dẫn và đào luyện lương tâm mình bằng những phương thế thích hợp.

10. (Bổn phận của thanh thiếu niên và phụ huynh)

Những người sử dụng, nhất là thanh thiếu niên, phải tập thói quen điều độ và giữ kỷ luật trong việc dùng những phương tiện này. Ngoài ra họ phải cố gắng tìm hiểu sâu xa hơn những điều họ thấy, nghe và đọc. Họ phải thảo luận với các nhà giáo, các chuyên viên về các vấn đề được thông tin và phải tập phán đoán cho đúng đắn. Còn các bậc phụ huynh thì nên nhớ rằng họ có bổn phận tối quan trọng trong việc cẩn thận coi sóc đừng để lọt vào ngưỡng cửa nhà mình những phim ảnh, sách báo và những thứ cùng loại trái ngược với đức tin hoặc nghịch lại với phong hoá, cũng đừng để những thứ đó ảnh hưởng trên con cái mình ở những nơi khác.

11. (Bổn phận của tác giả)

Trách nhiệm luân lý chính yếu đối với việc sử dụng đúng đắn những phương tiện truyền thông xã hội qui về các nhà báo, nhà văn, diễn viên, nhà dàn cảnh, nhà sản xuất, người dựng chương trình, người phân phối, các quản đốc, thương gia, nhà phê bình, tóm lại là tất cả những ai, bằng cách này hay cách khác, góp phần vào việc thực hiện hay phổ biến việc truyền thông. Trong hoàn cảnh hiện tại của nhân loại, thật quá rõ là những người đó mang những trách nhiệm quan trọng biết bao, vì chính họ trong khi thông tin và cổ động, có thể dẫn đưa nhân loại đến điều tốt hay điều xấu.

Bởi thế họ có bổn phận điều chỉnh những yếu tố kinh tế, chính trị hay nghệ thuật cho khỏi nghịch lại với lợi ích chung. Nhằm đạt tới điều này cách dễ dàng hơn, họ nên gia nhập những hiệp hội liên quan đến nghề nghiệp mình, những hiệp hội mà, nếu cần, dưới hình thức một bản luật mang tính luân lý lành mạnh, buộc các hội viên tôn trọng luân lý tính trong những vấn đề và những hoạt động nghề nghiệp [7].

Họ cũng phải luôn nhớ rằng phần lớn các độc giả và khán giả là giới trẻ, lớp người này cần các ấn phẩm và các tiết mục trình diễn để giải trí lành mạnh và nâng cao tâm hồn. Hơn nữa, họ phải liệu thế nào để việc truyền thông những điều liên quan đến tôn giáo được uỷ thác cho những người chuyên môn xứng đáng và việc truyền thông đó được thực hiện với tất cả sự tôn trọng xứng hợp.

12. (Bổn phận của chính quyền)

Trong vấn đề này, chính quyền mang một trách nhiệm đặc biệt vì lý do công ích mà những phương tiện này nhằm tới. Thật vậy, vì nhiệm vụ của mình, chính quyền có bổn phận phải bênh vực và bảo đảm sự tự do đích thực và chính đáng của việc thông tin, nhất là những gì thuộc về báo chí, sự tự do mà xã hội ngày nay rất cần để tiến bộ. Chính quyền cũng có bổn phận cổ võ những giá trị tôn giáo, văn hoá, nghệ thuật chân chính, và phải bảo vệ quyền tự do của những người muốn sử dụng những phương tiện này. Ngoài ra chính quyền cũng có bổn phận giúp đỡ những dự án không thể thực hiện được nếu không có sự trợ giúp của chính quyền, nhất là những dự án đặc biệt hữu ích cho giới trẻ.

Sau cùng chính quyền, là cơ quan theo luật định phải lo lắng cho sự an toàn của dân chúng, có bổn phận xem xét cẩn thận thích đáng, qua việc ban hành và thi hành luật lệ cách nghiêm chỉnh, không để cho những phương tiện truyền thông bị lạm dụng gây thiệt hại nặng nề cho thuần phong mỹ tục và sự tiến bộ xã hội. Đối với những người thiếu sự thận trọng cần thiết khi dùng những phương tiện này trong lãnh vực nghề nghiệp thì sự can thiệp của chính quyền [8] dành cho họ không phải là sự xâm phạm đến quyền tự do của cá nhân hay tập thể.

Chính quyền cũng phải có những phương pháp đặc biệt để bảo vệ thanh thiếu niên khỏi những ấn phẩm và những màn trình diễn có hại cho lứa tuổi của chúng.

 

CHƯƠNG II: PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI VÀ VIỆC TÔNG ĐỒ

13. (Hoạt động của mục tử và tín hữu)

Mọi con cái của Giáo Hội không được trì hoãn mà phải cố gắng hết sức để đồng tâm hiệp lực sử dụng ngay những phương tiện truyền thông xã hội cách hữu hiệu vào các công việc tông đồ khác nhau tuỳ theo những đòi hỏi cụ thể của hoàn cảnh và thời gian. Họ cũng phải lưu tâm ngăn ngừa những dự án tai hại, nhất là ở những miền đang cần có những nỗ lực khẩn cấp để nâng cao nền luân lý và tôn giáo.

Do đó các vị mục tử phải cấp tốc chu toàn phận sự mình trong lãnh vực này, vì nó liên hệ mật thiết với nhiệm vụ giảng dạy thông thường của các ngài. Những giáo dân do nghề nghiệp mà dấn thân trong ngành truyền thông cũng phải cố gắng làm chứng cho Chúa Kitô, trước hết bằng cách chu toàn bổn phận hay chức vụ cá nhân của mình cho thành thạo với tinh thần tông đồ, rồi tuỳ tài năng về kỹ thuật, kinh tế, văn hoá và nghệ thuật mà trực tiếp trợ giúp hoạt động mục vụ của Giáo Hội với hết khả năng của mình.

14. (Sáng kiến của người công giáo)

Trước hết phải cổ võ báo chí lành mạnh. Tuy nhiên để độc giả thấm nhuần đầy đủ tinh thần Kitô giáo, cũng cần phải thúc đẩy việc ấn hành và phát triển báo chí chính thức của công giáo [9], nghĩa là báo chí - hoặc do chính giáo quyền hoặc do những người công giáo trực tiếp đề xướng và điều hành - được công khai xuất bản với mục đích xây dựng, củng cố và cổ võ những công luận phù hợp với luật tự nhiên, với giáo huấn và quy luật công giáo, và để phổ biến cùng giải thích đúng đắn những tin tức liên quan đến đời sống Giáo Hội. Hơn nữa, nên khuyên nhủ để các tín hữu thấy được sự cần thiết của việc đọc và phổ biến báo chí công giáo hầu biết phán đoán mọi biến cố theo quan điểm Kitô giáo.

Phải dùng mọi phương thế hữu hiệu để cổ võ nâng đỡ việc sản xuất và trình chiếu những phim ảnh có giá trị giải trí lành mạnh, có tính nhân văn trong văn hoá và nghệ thuật, nhất là những phim ảnh dành cho giới trẻ. Công việc này được thực hiện bằng cách nâng đỡ và tham gia vào những dự án, kinh doanh để sản xuất, phân phối những phim ảnh lành mạnh; phải dùng việc điểm phim khen ngợi hay giải thưởng mà hỗ trợ quảng bá những phim có giá trị; và phải bảo trợ hoặc liên kết đỡ đầu những rạp hát do người công giáo và những nhà quản lý có tinh thần trách nhiệm điều hành.

Cũng thế, phải hỗ trợ hữu hiệu những chương trình phát thanh, phát hình lành mạnh, nhất là những chương trình thích hợp với gia đình. Phải cổ võ những chương trình công giáo, mà nhờ đó thính giả và khán giả được dẫn đưa vào tham dự đời sống Giáo Hội và thấm nhuần những chân lý tôn giáo. Nếu cần cũng phải cố gắng thành lập các đài phát sóng công giáo.Tuy nhiên, trong những trường hợp này, phải cẩn thận lo liệu để chương trình các đài này được nổi bật về tính ưu tú và hoàn chỉnh.

Hơn nữa nên cố gắng làm cho nền kịch nghệ cao quý và cổ truyền, hiện đang được phổ biến sâu rộng nhờ phương tiện truyền thông xã hội, biết hướng về việc huấn luyện nhân bản và luân lý cho khán giả.

15. (Huấn luyện các tác giả, soạn giả, nhà sản xuất…)

Để đáp ứng nhu cầu vừa trình bầy, phải đào tạo ngay lập tức các linh mục, tu sĩ và giáo dân để họ được trang bị đầy đủ kỹ năng thích đáng trong việc sử dụng những phương tiện này vào mục đích tông đồ.

Trước tiên là phải giúp cho giáo dân được huấn luyện về kỹ thuật, giáo thuyết và phong hoá, bằng cách tăng thêm số trường học, phân khoa và học viện, để các nhà báo, nhà soạn kịch bản phim ảnh, soạn chương trình phát thanh phát hình và những người liên hệ, có thể được huấn luyện đầy đủ, thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, nhất là học thuyết xã hội của Giáo Hội. Cũng phải huấn luyện và giúp đỡ các diễn viên để họ dùng tài nghệ của mình mà phục vụ xã hội nhân loại cách thích hợp. Sau cùng phải chăm lo chuẩn bị sao cho các nhà phê bình văn chương, phim ảnh, phát thanh, phát hình v v…được trang bị những kỹ năng tốt nhất trong nghề nghiệp của họ; đồng thời huấn luyện và khuyến khích họ đưa ra những nhận định trong đó những vấn đề luân lý được soi sáng đúng mức.

 

16. (Huấn luyện người sử dụng, thụ hưởng…)

Để sử dụng đúng đắn những phương tiện truyền thông xã hội, những người sử dụng thuộc tuổi tác và văn hoá khác nhau cần phải được huấn luyện về lý thuyết cũng như về thực hành, huấn luyện thích hợp với người sử dụng và chuyên biệt cho từng phương tiện truyền thông. Vì thế, trong các trường công giáo thuộc mọi cấp, trong chủng viện và trong cả những nhóm tông đồ giáo dân, cần phải gia tăng việc huấn luyện theo nguyên tắc luân lý kitô giáo, đặc biệt là khi việc huấn luyện được dành cho giới trẻ.

Để sớm đạt kết quả, các thủ bản giáo lý phải trình bày và giải thích giáo huấn và điều luật của công giáo về vấn đề ấy.

17. (Phương tiện và trợ giúp)

Thật đáng hổ thẹn cho con cái Giáo Hội khi họ thờ ơ để cho việc rao giảng Lời Cứu Độ bị trì trệ, bị cản trở vì những khó khăn kỹ thuật hay thiếu phương tiện tài chánh, mà thực ra thì rất tốn kém do chính bản chất của các phương tiện truyền thông cần được sử dụng. Vì thế Thánh Công Đồng khuyên nhủ con cái Giáo Hội nhớ bổn phận phải duy trì và trợ giúp các nhật báo công giáo, các tạp chí, các dự án phim ảnh, các đài và các chương trình phát thanh, phát hình có mục tiêu chính yếu là phổ biến và bảo vệ sự thật, gia tăng ảnh hưởng Kitô giáo cho xã hội loài người. Đồng thời Thánh Công Đồng khẩn khoản mời gọi các đoàn thể và cá nhân có khả năng tài chánh và kỹ thuật, hãy tự nguyện và quảng đại dùng tài nguyên và kỹ năng của mình mà hỗ trợ những phương tiện này khi chúng góp phần phục vụ nền văn hoá đích thực và việc tông đồ.

18. (Ngày Truyền Thông)

Ngoài ra, để việc tông đồ dưới nhiều hình thức của Giáo Hội được hữu hiệu hơn trong lãnh vực truyền thông xã hội, mọi giáo phận trên thế giới, tuỳ theo quyết định của các Giám Mục, hằng năm phải cử hành một ngày lễ [10] nhằm chỉ dẫn các tín hữu về bổn phận của họ đối với vấn đề này. Họ được mời gọi cầu nguyện và góp quỹ cho mục đích này. Quỹ này sẽ được sử dụng cách riêng cho việc khuyến khích, duy trì và phát triển các cơ sở và các công việc của Giáo Hội trong vấn đề này theo nhu cầu của giáo hội công giáo toàn cầu.

19. (Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông)

Để thi hành bổn phận mục vụ tối cao về những phương tiện truyền thông xã hội. Đức Giáo Hoàng có một Uỷ ban đặc biệt của Toà Thánh [11].

 20. (Thẩm quyền của giám mục)

Các giám mục có bổn phận lưu tâm đến các công trình và sáng kiến thuộc ngành này trong giáo phận mình. Các ngài phải cổ võ [12] và nếu liên quan đến việc tông đồ chung, thì phải phối hợp chúng, kể cả những gì thuộc quyền điều khiển của các tu sĩ miễn trừ.

21. (Uỷ ban Giám Mục về Truyền thông Quốc gia)

Tuy nhiên trên bình diện quốc gia, muốn cho việc tông đồ đem lại kết quả, cần phải thống nhất mục tiêu và nỗ lực. Vì thế Thánh Công Đồng quyết định và truyền phải thiết lập khắp nơi các cơ quan quốc gia về báo chí, điện ảnh, truyền thanh và truyền hình và phải dùng mọi phương thế giúp đỡ các cơ quan đó. Các cơ quan này có bổn phận trước tiên là tìm cách đào tạo đúng đắn lương tâm tín hữu trong việc sử dụng những phương tiện truyền thông, cùng cổ võ và phối trí mọi công cuộc của người công giáo trong lãnh vực này.

Trong mỗi quốc gia, việc điều khiển các tổ chức trên phải được uỷ thác cho một Uỷ Ban Giám Mục đặc biệt hoặc cho một Giám Mục đặc trách; tuy nhiên những giáo dân thông thạo giáo lý công giáo và các nghệ thuật hay kỹ thuật đó phải được tham dự vào những Uỷ Ban này.

22. (Hiệp hội Truyền Thông Quốc Tế)

Sau cùng, vì những phương tiện truyền thông có hiệu lực vượt khỏi ranh giới quốc gia và biến mỗi người trở thành công dân của toàn nhân loại, nên các cơ quan quốc gia phải hợp tác với nhau trên bình diện quốc tế. Các cơ quan vừa kể ở số 21 phải tích cực cộng tác với các hiệp hội công giáo quốc tế thuộc ngành mình. Các hiệp hội công giáo quốc tế này chỉ được chính thức chuẩn nhận do một mình Toà Thánh và tuỳ thuộc Toà Thánh.

­­KẾT LUẬN

23. (Chỉ dẫn mục vụ)

Để mọi nguyên tắc và tiêu chuẩn về những phương tiện truyền thông xã hội của Thánh Công Đồng này được thi hành, Thánh Công Đồng trực tiếp uỷ nhiệm cho cơ quan của Toà Thánh đã nói đến ở số 19, với sự giúp đỡ của những nhà chuyên môn thuộc các quốc gia khác nhau, lo xuất bản một tập sách chỉ dẫn mục vụ.

24. (Lời khuyên kết thúc)

Sau cùng, Thánh Công Đồng tin rằng mọi con cái Giáo Hội sẽ vui vẻ đón nhận và cẩn thận tuân giữ những giáo huấn và tiêu chuẩn trong Sắc Lệnh này. Như thế, khi sử dụng những phương tiện truyền thông, họ không bị thiệt hại, trái lại, như muối và ánh sáng, họ ướp mặn trái đất và soi sáng thế gian. Ngoài ra, Thánh Công Đồng mời gọi mọi người thiện chí, nhất là những người điều khiển các phương tiện trên, hãy chăm lo qui hướng chúng về mục tiêu duy nhất là giúp ích cho xã hội loài người, vì vận mệnh của xã hội nhân loại ngày càng lệ thuộc vào việc sử dụng đúng đắn những phương tiện truyền thông. Nhờ vậy, cũng như xưa Danh Chúa đã được tôn vinh qua những công trình nghệ thuật cổ kính, nay Người cũng được vinh danh qua những phát minh mới, đúng như lời Thánh Tông Đồ: “Chúa Giêsu Kitô hôm qua cũng chính là Chúa Giêsu Kitô hôm nay và cho đến muôn đời” (Dth 13,8).

Tất cả và từng điều đã được ban bố trong Sắc Lệnh này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Đồng chấp thuận. Và dùng quyền Tông Đồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, chúng tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những gì đã được Thánh Công Đồng quyết nghị, chúng tôi truyền công bố cho Danh Chúa được vinh quang.

Roma, tại Đền Thánh Phêrô, ngày 4 tháng 12 năm 1963

Tôi, PHAOLÔ, Giám Mục Giáo Hội Công Giáo

Tiếp theo là những chữ ký của các Nghị Phụ

 

 

 

 [1] Giữa những phương tiện truyền thông do nhân loại phát minh, Giáo Hội lưu ý tới những phương tiện trổi vượt và có ảnh hưởng lớn lao đến con người như các vệ tinh nhân tạo dùng để thu phát tín hiệu điện tín, điện thoại, phát thanh và truyền hình khắp thế giới.

[2] Chúng ta có thể nghĩ đến Đức Quốc Xã: trước thế chiến thứ hai họ đã dùng các phương tiện rất nguy hại để gieo thù oán nơi các dân tộc Âu Châu.

[3] Các phương tiện xã hội là những dụng cụ đắc lực nhất giúp các dân tộc quen biết nhau, hiểu nhau và đi đến hiệp nhất.

[4] Cả luân lý lẫn mỹ thuật đều phát xuất bởi Đấng Tạo Hoá, nên không thể mâu thuẫn nhau. Nếu có mâu thuẫn thì lỗi ở việc không hiểu những nguyên tắc đúng đắn đó thôi.

[5] Công Đồng rất thực tế: vì con người dể hướng về tội lỗi và ích kỷ, nên nếu tự do không kỷ luật, con người sẽ trở thành phóng đãng và gây nhiều tai hoạ.

[6] Thoả mãn thị hiếu công chúng để làm tiền là một cách bóc lột vật chất và phá hoại tinh thần.

[7] Là một số những luật lệ do chính những nhà sản xuất vạch ra để tránh cho khán giả, thính giả và độc giả những nội dung xấu xa vô bổ.

[8] Vấn đề kiểm duyệt của chính quyền và sự tự do ngôn luận là một vấn đề rất khó giải quyết, nhưng trên nguyên tắc, phải chấp nhận. Trong nhiều trường hợp, việc kiểm duyệt không thể tránh được vì một vài cá nhân có thế lực đôi khi để quyền lợi riêng làm hại đến quyền lợi chung.

[9] Chúng ta phải công nhận tại nhiều quốc gia, báo chí rất kém vì thiếu chuyên viên giỏi, thiếu phương tiện và tổ chức. Có lẽ người công giáo vẫn còn thành kiến cho rằng làm việc tông đồ thì không cần chú trọng tới kỹ thuật tổ chức, vì thế nào Chúa cũng giúp đỡ. Lập luận đó không khác gì việc một tu sĩ nọ nhất định đổ nước thánh vào bình xăng xe hơi thay cho dầu xăng, vì xe đó chỉ dùng để làm việc tông đồ mà thôi.

[10] Mục đích “ngày thế giới” này là để người công giáo ý thức sâu xa hơn về bổn phận của họ trong lãnh vực truyền thông. Chỉ trích và chê bai các phương tiện đó như là dụng cụ ma quỷ để phá đạo không còn là thái độ đúng đắn; nhưng đứng trước những phát minh đó, người nhiệt thành thực sự với đạo phải có tinh thần tích cực hơn.

[11] Các Nghị Phụ Công Đồng vui lòng nhận lời thỉnh cầu của “Văn Phòng Báo Chí và Kịch Ảnh” thành kính xin Đức Giáo Hoàng nới rộng nhiệm vụ và thẩm quyền của uỷ ban này đến tất cả các phượng tiện truyền thông xã hội, kể cả báo chí, với sự trợ giúp của những người chuyên môn – trong số đó có cả giáo dân - thuộc các quốc gia khác nhau.

[12] Từ xưa đến nay, tại nhiều nơi những người công giáo hoạt động trong lãnh vực truyền thông xã hội không những không được nâng đỡ, lại có khi còn bị coi là những người mạo hiểm và bê bối nữa. Bây giờ não trạng này phải được thay đổi hoàn toàn.

Top