Quy chế của Thánh bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống
Ngày 17/08/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Tự sắc Sedula Mater (Người Mẹ Ân cần), ký ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời 15/08/2016, chính thức thành lập Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, đồng thời bổ nhiệm Đức cha Kevin Joseph Farrell, bấy giờ là Giám mục giáo phận Dallas, Hoa Kỳ, làm tân Tổng trưởng của Thánh Bộ mới này. Trong công nghị Hồng y cùng năm được cử hành ngày 19 tháng 11, Đức Thánh Cha đã vinh thăng Đức cha Kevin Joseph Farrell tước vị Hồng y. Thánh bộ này hợp nhất hai Hội đồng Toà Thánh là Hội đồng Toà Thánh về Giáo dân và Hội đồng Toà Thánh về Gia đình.
Ngày 08.05.2018, Tòa Thánh đã công bố bản văn này như là Quy chế chính thức của Thánh bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống.
Sau đây là toàn văn bản dịch tiếng Việt của Quy chế này
Điều 1
Thánh bộ có thẩm quyền trong các vấn đề thuộc Tông tòa về thăng tiến sự sống và hoạt động tông đồ giáo dân, về mục vụ giới trẻ, gia đình và các nhiệm vụ của gia đình theo kế hoạch của Thiên Chúa và về việc bảo vệ và nâng đỡ sự sống con người. Vì những mục tiêu này, đúng theo những nguyên tắc của Giám mục đoàn, Thượng hội đồng và mang tính bổ trợ, Thánh bộ này duy trì các quan hệ với các Hội đồng Giám mục, các Hội thánh địa phương và các bộ phận khác của Hội Thánh, cổ vũ sự trao đổi giữa các cơ cấu ấy, và cộng tác để thăng tiến các giá trị và sáng kiến liên quan đến những vấn đề đã đề cập ở trên.
Điều 2
Thánh bộ được đảm trách bởi Hồng y Bộ trưởng, với sự trợ tá của một thư ký, vị này có thể là giáo dân, và có ít nhất hai phó thư ký cũng là giáo dân phụ tá, và nhiều nhân viên gồm vừa giáo sĩ vừa giáo dân, được tuyển chọn rộng rãi từ những miền khác nhau trên thế giới, đúng với những chuẩn mực hiện hành của Giáo triều Rôma.
Điều 3
§ 1. Thánh bộ có những thành viên riêng bao gồm tín hữu giáo dân nam và nữ, độc thân và có gia đình, từng dấn thân trong các lãnh vực hoạt động khác nhau và từ những miền khác nhau trên thế giới, như vậy mới phản ánh tính cách phổ quát của Hội Thánh.
§ 2. Thánh bộ có các cố vấn riêng.
§ 3. Thánh bộ hoàn toàn tuân theo tất cả những quy tắc đã được Giáo triều Rôma thiết định.
Điều 4
Thánh bộ cổ vũ và tổ chức các hội nghị quốc tế và đưa ra những sáng kiến khác liên quan đến hoạt động tông đồ giáo dân, giới trẻ, định chế hôn nhân, thực tại gia đình và sự sống trong Hội Thánh. Các hoạt động này liên quan đến các điều kiện vừa nhân văn vừa xã hội của giáo dân, giới trẻ, định chế gia đình và sự sống con người trong xã hội.
Điều 5
Thánh bộ có nhiệm vụ cổ vũ, nâng đỡ và khích lệ ơn gọi cũng như sứ mệnh của người tín hữu giáo dân trong Hội Thánh và giữa thế giới, dù đã lập gia đình hay sống độc thân, và với tư cách thành viên thuộc các hội đoàn, các phong trào cũng như các cộng đoàn. Ngoài ra, Thánh bộ cũng cổ vũ những công việc nghiên cứu nhằm đào sâu hiểu biết phù hợp với giáo lý về những đề tài và vấn đề liên quan đến người tín hữu giáo dân.
Điều 6
§ 1. Thánh bộ giúp người tín hữu giáo dân nhận thức rõ hơn tinh thần đồng trách nhiệm của mình, do Bí tích Rửa tội, đối với đời sống và sứ mệnh của Hội Thánh, theo những đặc sủng khác nhau được nhận lãnh để xây dựng Hội Thánh, đặc biệt chú ý đến sứ mệnh riêng của người giáo dân bằng cách làm sáng tỏ và hoàn thiện việc xếp đặt đúng trật tự những công việc trần thế (x. LG, 31).
§ 2. Theo tinh thần của Hiến chế Mục vụ Vui mừng và Hy vọng (số 1), Giáo Hội mời gọi chúng ta đón nhận chia sẻ “những vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay”. Thánh bộ cổ vũ mọi sáng kiến liên quan đế việc loan báo Tin mừng của người giáo dân thuộc mọi lãnh vực hoạt động trần thế, bao gồm các khả năng của các cơ quan liên hệ thuộc Giáo triều Roma trong cùng những lãnh vực này.
§ 3. Hơn nữa, Thánh bộ cũng cổ vũ sự tham gia của người tín hữu giáo dân vào việc dạy giáo lý, đời sống phụng vụ và bí tích của Giáo Hội, hoạt động truyền giáo, các việc từ thiện, bác ái và việc thăng tiến con người và xã hội. Thánh bộ cũng ủng hộ và khuyến khích sự hiện diện tích cực và có tinh thần trách nhiệm của người giáo dân trong đời sống giáo xứ và giáo phận, và trong các bộ phận tư vấn về quản trị hiện thời trong Hội Thánh ở cấp độ từ phổ quát đến đặc thù.
§ 4. Thánh bộ sẽ lượng định các sáng kiến của các Hội đồng Giám mục khi yêu cầu Tòa thánh, thể theo các nhu cầu của các Hội Thánh đặc thù, cho thiết lập những tác vụ và những cơ quan mới thuộc Hội Thánh.
Điều 7
§ 1. Trong phạm vi thẩm quyền của mình, Thánh bộ đồng hành với đời sống và sự phát triển của các hiệp hội tín hữu và các phong trào giáo dân; Thánh bộ thành lập các đoàn thể có tính cách quốc tế, phê chuẩn hay thừa nhận quy chế của các đoàn thể ấy, nhưng vẫn tôn trọng thẩm quyền của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh; Thánh bộ cũng giải quyết những khiếu nại hành chánh khả dĩ liên quan tới những vấn đề thuộc quyền tài phán của mình.
§ 2. Liên quan đến các dòng ba tại thế và những tu hội của đời thánh hiến, Thánh bộ chỉ chịu trách nhiệm về những hoạt động tông đồ của họ mà thôi.
Điều 8
Thánh bộ biểu lộ sự quan tâm đặc biệt của Hội Thánh đối với giới trẻ, cổ vũ những tổ chức của họ đang đáp lại những thách đố của thế giới hôm nay. Thánh bộ hậu thuẫn những sáng kiến của Đức Thánh cha về mục vụ giới trẻ và sẵn sàng phục vụ các Hội đồng Giám mục về các phong trào và hiệp hội của giới trẻ trên toàn thế giới, cổ vũ sự cộng tác và tổ chức các cuộc gặp gỡ cho giới trẻ trên cấp độ toàn thế giới. Một sự kiện quan trọng của hoạt động này là công cuộc chuẩn bị những ngày giới trẻ toàn cầu.
Điều 9
Thánh bộ đào sâu suy tư về mối liên hệ giữa người nam và người nữ trong những tính cách đặc thù, hỗ tương và bổ sung cho nhau cũng như tính cách bình đẳng về phẩm giá của họ. Coi trọng các “thiên tài” nữ giới, Thánh bộ đóng góp vào suy tư của Hội Thánh về căn tính và sứ mệnh của người phụ nữ trong Hội Thánh và trong xã hội, thúc đẩy sự tham gia của họ trên cả hai bình diện này.
Điều 10
§ 1. Dưới ánh sáng huấn quyền của Đức Giáo hoàng, Thánh bộ cổ vũ việc chăm sóc mục vụ gia đình, bảo vệ phẩm giá và hạnh phúc gia đình trên nền tảng Bí tích Hôn phối, và tạo điều kiện cho các quyền và trách nhiệm của gia đình trong Hội Thánh cũng như trong xã hội dân sự, để định chế gia đình có thể luôn thực hiện tốt đẹp hơn các chức năng của mình trong cả hai lãnh vực Hội Thánh và xã hội.
§ 2. Cần phân định những dấu chỉ của thời đại để lượng giá những cơ hội có lợi ích cho gia đình, hãy lấy niềm tin và sự khôn ngoan của Tin Mừng mà đương đầu với những thách đố liên quan đến gia đình, thi hành kế hoạch của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình trong xã hội ngày nay và trong lịch sử. Theo quan điểm này, Thánh bộ cổ vũ những hội nghị và sự kiện quốc tế, đặc biệt là những đại hội gia đình thế giới.
§ 3. Thánh bộ giám sát hoạt động của các học viện, hội đoàn, phong trào và tổ chức Công giáo, cấp quốc gia và quốc tế, có mục tiêu phục vụ thiện ích của các gia đình.
Điều 11
§ 1. Thánh bộ quan tâm nghiên cứu giáo lý về gia đình và việc phổ biến giáo lý ấy một cách đầy đủ và thích đáng; nhất là cổ vũ việc nghiên cứu về linh đạo hôn nhân gia đình, cũng như việc huấn luyện theo những linh đạo đó.
§ 2. Thánh bộ đưa ra những chỉ dẫn về các chương trình huấn luyện chuẩn bị hôn nhân dành cho những cặp đính hôn, và những cặp vợ chồng trẻ. Thánh bộ cũng biểu lộ việc chăm sóc mục vụ của Hội Thánh trong cả những hoàn cảnh “ngăn trở” (x. AL, 296-306).
§ 3. Thánh bộ cũng đưa ra những chỉ dẫn về các chương trình chăm sóc mục vụ nhằm nâng đỡ các gia đình trong việc huấn luyện cho giới trẻ về đức tin và đời sống Hội Thánh cũng như đời sống dân sự, với sự quan tâm đặc biệt đối với người nghèo và người sống bên lề xã hội, cũng như quan tâm đến sự đối thoại giữa các thế hệ.
§ 4. Thánh bộ cổ vũ các gia đình quảng đại nhận con nuôi và nhận nuôi trẻ em cũng như chăm sóc những người cao tuổi, cộng tác với các cơ sở dân sự để nâng đỡ các hoạt động này.
Điều 12
Thánh bộ trực tiếp liên kết với “Giáo hoàng Học viện Thần học Hôn nhân và Gia đình Gioan Phaolô II”, cả hai đều có các văn phòng chính và những học viện trực thuộc, cùng nhằm cổ vũ mục tiêu chung trong các khoa nghiên cứu hôn nhân, gia đình và sự sống.
Điều 13
§ 1. Thánh bộ hỗ trợ và điều phối những sáng kiến thuận lợi cho việc sinh con có trách nhiệm, cũng như cho việc bảo vệ sự sống con người từ khi bắt đầu thụ thai cho đến lúc kết thúc tự nhiên, lưu ý đến nhu cầu của con người trong những giai đoạn tiến triển khác nhau.
§ 2. Thánh bộ thăng tiến và khuyến khích các tổ chức và hội đoàn chuyên giúp đỡ phụ nữ và các gia đình đón nhận và bảo vệ tặng phẩm sự sống, nhất là trong các trường hợp mang thai khó khăn, và ngăn ngừa việc phá thai. Thánh bộ cũng ủng hộ những chương trình và những sáng kiến nhằm nâng đỡ những phụ nữ đã từng phá thai.
Điều 14
Trên nền tảng giáo lý Công giáo về luân lý và Huấn quyền Hội thánh, Thánh bộ nghiên cứu và cổ vũ việc đào tạo, huấn luyện liên quan đến những vấn đề chính yếu của y sinh học và luật lệ liên quan đến sự sống con người, và về những ý thức hệ đang phát triển liên quan đến chính sự sống con người và thực tại nhân loại.
Điều 15
Hàn lâm viện Giáo hoàng về Sự Sống được liên kết với Thánh bộ này, nên trong những vấn đề và đề tài được nói đến trong các Điều 13 và 14, Thánh bộ sẽ dùng thẩm quyền của Hàn lâm viện
Quy chế này được phê chuẩn để áp dụng thử nghiệm. Tôi truyền lệnh quy chế này phải được công bố trên L’Osservatore Romano và sau đó cũng được đăng trên Công báo Tông tòa, có hiệu lực từ ngày 13 tháng 5 năm 2018.
Đức Giáo hoàng Phanxicô
bài liên quan mới nhất
- Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân dịp mở cửa lại Nhà thờ Đức Bà Paris ngày 07/12/2024
-
Hội thảo Sứ điệp Truyền giáo của Đức Thánh Cha Phanxicô năm 2024 -
Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2024 - Hãy đi và mời mọi người đến dự tiệc -
Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi giới trẻ nhân kỷ niệm 5 năm Tông huấn Christus Vivit -
Sứ điệp gửi người Muslim nhân Tháng Ramadan và Đại lễ ‘Id al-Fitr năm 1445 H. / 2024 A.D -
Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi tới tham dự viên Hội thảo nhân kỷ niệm 750 ngày mất của Thánh Tôma Aquino -
Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới Trẻ em lần thứ I, năm 2024: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5) -
Đức Thánh Cha: Giáo dục là một quyền, không ai bị loại trừ -
Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Phiên họp thứ 47 của Quỹ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp năm 2024 -
Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày thế giới cầu nguyện và suy tư chống nạn buôn người năm 2024
bài liên quan đọc nhiều
- Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới Trẻ em lần thứ I, năm 2024: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5)
-
Hội thảo Sứ điệp Truyền giáo của Đức Thánh Cha Phanxicô năm 2024 -
Toàn văn Sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân thứ 28 -
Toàn văn Sứ Điệp của ĐGH nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới 1-1-2019 -
Sứ điệp của ĐTC Phanxicô cho Mùa Chay 2024 -
Sứ điệp Mùa Chay 2019 của ĐTC Phanxicô -
Sứ điệp của Đức thánh cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 53 (năm 2019) -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 27 -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội -
Sứ điệp ĐTC nhân Ngày Cầu nguyện cho Ơn Gọi lần thứ 56