Phụng vụ Lời Chúa ngày 02/11: Cầu cho các tín hữu đã qua đời
G 19,1.23-27a; Rm 5,5-11; Ga 6,37-40
TIN VÀO ĐỨC GIÊSU KITÔ
ĐỂ ĐƯỢC SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
“Ai thấy và tin vào Người Con,
thì được sống muôn đời.”
(Ga 6,40)
Giáo Hội dành riêng tháng 11 hàng năm để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Đây là dịp để chúng ta tưởng nhớ và tỏ lòng tri ân đến những người thân đã lìa thế. Dâng Thánh lễ hôm nay, Giáo Hội không chỉ muốn chúng ta sống mầu nhiệm các thánh thông công, là cầu thay nguyện giúp cho những người đã khuất sớm được hưởng hạnh phúc cùng các Thánh ở bên Chúa, mà còn nhắc chúng ta nhớ rằng cuộc sống trần gian chỉ là tạm thời, cuộc sống đời sau mới là vĩnh cửu mà chúng ta cần hướng về đó.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I: G 19,1.23-27a
Vào thời của Gióp, niềm tin về sự sống đời sau vẫn con rất mơ hồ. Quan niệm thời đó cho rằng thưởng phạt xảy ra ngay ở đời này mà thôi. Người công chính sẽ được Thiên Chúa ân thưởng bằng gia đình hạnh phúc, con đông cháu đàn, giàu có, khỏe mạnh và bình an. Chính vì thế, khi ông Gióp được xem là người công chính mà lại bị đau khổ thì người ta bế tắc. Ba người bạn đến an ủi ông, nhưng thay vì giúp ông bình an, lại lên án ông. Ngay cả người vợ của Gióp cũng lên án rằng “Ông còn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của ông nữa hay thôi ? Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi!” (G 2,9). Ngay cả Gióp là người trong cuộc nhưng ông không hiểu được tại sao lại bị phạt, vì biết mình sống công chính trước mặt Chúa.
Dù đang ở trong tình cảnh đau khổ tột cùng đó, nhưng “trong tất cả những chuyện ấy, ông Gióp không hề phạm tội cũng không buông lời trách móc phạm đến Thiên Chúa” (G 1,22), vì ông vẫn kính sợ Thiên Chúa, vẫn vững tin vào sự công minh của Thiên Chúa. Do đó, Gióp ước mong có người ghi chép lời tuyên xưng của ông vào trong sổ sách, được ghi tạc bằng sắt, bằng chì, tạc vào đá để lưu lại đến muốn đời làm bằng chứng cho sự trung tín của ông. Sở dĩ Gióp ước mong như thế, vì ông biết rằng có một “Đấng bênh vực ông” vẫn sống. Đấng ấy sẽ dựa vào lời tuyên xưng niềm tin của Gióp để bênh đỡ ông. Nhờ Đấng bênh vực ấy, ông sẽ được “ngắm nhìn Thiên Chúa”.
Lời xác tín này của ông Gióp đã khơi dậy niềm tin vào sự sống đời đời. Đó mới là hạnh phúc và phần thưởng đích thực cho người công chính trước mặt Thiên Chúa. Đồng thời, lời tuyên xưng của ông Gióp về một “Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng người sẽ đứng lên trên cõi chết” (G 19,25) phần nào hướng đến Đức Giêsu Kitô, Người là sự sống lại và là sự sống, sẽ bênh vực người tin trong ngày chung thẩm và ban cho họ sự sống đời đời.
2. Bài đọc II: Rm 5,5-11
Bài đọc I hướng về “một Đấng bênh vực” cho người vững tin được “nhìn ngắm Thiên Chúa. Trong bài đọc II trích thư Rôma, chúng ta thấy Đấng mà ông Gióp vẫn hàng mong đợi nay đã đến. Đó là Đức Giêsu Kitô. Thánh Phaolô cho biết Đức Giêsu làm cho người tin được nhìn ngắm Thiên Chúa, bằng cách ban cho họ sự sống đời đời, nhờ máu Đức Giêsu đổ ra qua cái chết của Người. Đức Giêsu làm như thế vì yêu thương chúng ta. Người yêu thương đến nỗi đã chết thay cho chúng ta ngay cả khi chúng ta đang bị kết án vì tội lỗi. Thánh Phaolô lập luận nếu chúng ta đều là người vô tội, lương thiện, được nghĩa với Chúa, thì cái chết của Đức Giêsu Kitô vì chúng ta chưa diễn tả hết được tình yêu Thiên Chúa. Đằng này chúng ta là những kẻ dang ở trong tinh trạng tội lỗi, thù nghịch với Thiên Chúa, mà Đức Giêsu vẫn chết thay cho chúng ta, thì cái chết của Người diễn tả được hết mức độ cao sâu dài rộng của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Thánh Phaolô còn làm nổi bật vinh dự của các Kitô hữu: khi chúng ta còn là thù địch mà đã được Thiên Chúa yêu thương như thế, thì phương chi bây giờ chúng ta đã được hòa giải và được gọi là con cái Thiên Chúa, được gia nhập vào Giáo Hội của Người, thì lại được Thiên Chúa và Đức Giêsu yêu thương biết mấy, để ban cho chúng ta được sự sống đời đời. Hình ảnh Đức Giêsu Kitô ở đây chính là Đấng mà Gióp đã mong ước “Đấng Bênh vực tôi vẫn sống”. Người sẽ đến hòa giải những người đang gặp cảnh bi đát như Gióp với Thiên Chúa, để cho họ “được ngắm nhìn Thiên Chúa”. Đây là niềm hy vọng cho những kẻ đã qua đời nhưng chưa được hòa giải trọn vẹn với Thiên Chúa nên đang phải thanh luyện. Đây cũng là niềm hy vọng cho mỗi Kitô hữu chúng ta.
3. Bài Tin Mừng: Ga 6,37-40
Nếu bài đọc II nhấn mạnh đến chủ thể và phương thức ban sự sống đời đời, thì bài Tin Mừng lại nhấn mạnh đến đối tượng đón nhận: ai tin vào Người Con thì được sự sống đời đời, và đó cũng là chủ đích của Tin Mừng Gioan (x. Ga 20,31). Bài Tin Mừng này được đặt trong bối cảnh trình thuật sau khi Đức Giêsu làm dấu lạ hóa bánh ra nhiều cho đám đông ăn no, có nhiều kẻ đi theo Người. Tuy nhiên, người ta có thể theo Đức Giêsu vì nhiều lý do: vì tìm của ăn, vì hiếu kỳ, vì kính nể…, chứ không phải hoàn toàn vì tin (Ga 6,36). Đối với Đức Giêsu, chỉ những ai được Chúa Cha thúc đẩy thì mới có thể đến với Người. Vì những người đó đến vì đức tin, chứ không phải vì một động cơ nào khác. Mà hễ ai tin thì thuộc về ân ban của Chúa Cha (x. Ga 6,37) nên Đức Giêsu sẽ đón nhận và ban cho họ sự sống đời đời. Đó là mục đích duy nhất của sứ vụ Đức Giêsu, vì Người đến để làm theo ý Thiên Chúa, Đấng đã sai phái Người (Ga 6,38). Đức Giêsu cho chúng ta biết rõ: “Ý của Đấng đã sai phái tôi là hết thảy những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,39).
Như vậy, Chúa Cha muốn cho chúng ta được sống lại trong ngày sau hết, và Đức Giêsu đến để ban cho chúng ta sự sống đời đời. Phần chúng ta, chúng ta có được như thế hay không là tùy thuộc thái độ tin của chúng ta. Nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, thì hãy tuân giữ các giáo huấn của Người được ghi lại trong Tin Mừng, được triển khai qua các giáo huấn và giáo lý của Giáo Hội,… thì chúng ta sẽ được sự sống đời sau.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Tôi biết rằng Ðấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa.” Ông Gióp tin tưởng có một Đấng bênh vực ông, để cuối cùng cho ông được ngắm nhìn Thiên Chúa. Niềm tin đó giúp Gióp vượt qua những đau khổ hiện tại, dù xét theo quan niệm của người đời, ông là người công chính nên không đáng chịu những đau khổ như thế. Chúng ta có biết có khi đau khổ hiện tại giúp chúng ta thanh luyện đức tin để sau đó, đáng được Chúa ân thưởng ngay cả ở đời này như trường hợp của ông Gióp, và cả đời sau nữa hay không ?
2. “Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hòa giải với Người”. Cái chết của Đức Giêsu Kitô nối linh thiêng vào đời và nối đời vào cõi linh thiêng. Dâng lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời không chỉ đem lại lợi ích cho các ngài mà cho cả những người xin là chúng ta. Công Đồng Vaticanô II nhắc nhở chúng ta: “Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh” (LG 50), và “khi được về quê trời và hiện diện trước nhan Chúa, nhờ Người, với Người và trong Người, các thánh lại không ngừng cầu bầu cho chúng ta bên Chúa Cha” (LG 49). Chúng ta có ý thức rằng khi dâng lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời là chúng ta sống mầu nhiệm các thánh thông công, là cầu thay nguyện giúp cho những người đã khuất sớm được hưởng hạnh phúc cùng các Thánh ở bên Chúa, và cũng là dịp nhắc chúng ta nhớ rằng cuộc sống trần gian chỉ là tạm thời, cuộc sống đời sau mới là vĩnh cửu mà chúng ta cần hướng về đó ?
3. “Ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết”. Vậy tôi có đến với Chúa Giêsu không ? Đến với Người do động cơ nào, có phải vì tin ? Tôi có tin Đức Giêsu là Đấng duy nhất có quyền ban cho tôi sự sống đời đời, và nếu như thế, tôi cần phải thể hiện niềm tin đó bằng lối sống Tin Mừng như Chúa đòi hỏi, qua việc tuân giữa các giới răn của Chúa và Giáo Hội trong cuộc sống hằng ngày ?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa Cha đã cho Đức Kitô sống lại từ trong cõi chết, và cũng sẽ cho thân xác yếu hèn của chúng ta được phục sinh vào ngày sau hết. Với niềm tin tưởng và hy vọng vào sự sống đời dời, chúng ta cùng dâng lời cầu xin.
1. Đức Kitô Phục Sinh là nguồn hy vọng cho toàn thể nhân loại. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo hoàng Phanxicô, các Đức Giám mục và hàng linh mục luôn hăng hái nhiệt thành và có những phương thế hữu hiệu để loan báo Mầu nhiệm Phục sinh cho con người trong thế giới hôm nay.
2. “Tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người đang sống trong xã hội chịu nhiều ảnh hưởng bởi chủ nghĩa duy vật và hưởng thụ hôm nay, biết khao khát và tìm kiếm sự vĩnh cửu nơi Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô.
3. “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi tín hữu đã qua đời, trong đó có thân bằng quyến thuộc và bạn hữu của chúng ta, được Chúa thương thanh tẩy mọi lỗi lầm và đón nhận vào nước trời hưởng vinh quang bất diệt cùng các thánh.
4. “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống với Người.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, hôm nay tưởng nhớ các tín hữu đã ly trần, cũng nhận ra thực trạng đời mình để luôn trung thành theo bước Đức Kitô ở đời này, hầu ngày sau được hạnh phúc với Người nơi quê trời.
Chủ tế: Lạy Cha là Thiên Chúa hằng sống, Cha đã thương ban sự sống và hứa ban phúc trường sinh cho tất cả những ai trọn niềm tin tưởng nơi Cha, xin nhận lời chúng con tha thiết cầu nguyện, và giúp chúng con trong cuộc đời lữ khách luôn biết hướng lòng về quê trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 Thường niên năm C
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Chúa Hiển Linh -
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Chúa Hiển Linh -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Thánh Gia Thất năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - Chúa nhật Truyền giáo -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm A