Phụng vụ Lời Chúa: Lễ suy tôn Thánh giá

Phụng vụ Lời Chúa: Lễ suy tôn Thánh giá

Phụng vụ Lời Chúa: Lễ suy tôn Thánh giá

LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ

Ds 21,4b-9; Pl 2,6-11; Ga 3,13-17

TÌNH YÊU LẠ LÙNG

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một,
để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.
(Ga 3,16)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1

Bài đọc trích từ sách Dân số phần nào phản ánh những khó khăn của cuộc hành trình băng qua sa mạc để vào Đất hứa của dân Israel. Nhưng nhờ những khó khăn này mà dân Chúa xác tín hơn sự hiện diện đầy quyền năng của Thiên Chúa trong đời họ.

Cuộc hành trình của dân Israel về với bến bờ tự do không hề đơn giản. Bỏ lại sau lưng những điều kiện của cuộc sống quen thuộc tại Ai Cập, dân Chúa hành trình trong sa mạc thiếu cả những nhu cầu cơ bản nhất là chuyện ăn, chuyện uống. Họ tỏ ra tiếc nuối cuộc sống nô lệ đã qua, bị cám dỗ từ bỏ con đường đi tìm tự do, mất kiên nhẫn mà kêu trách Thiên Chúa.

Thiên Chúa đáp lời họ, nhưng không phải để chiều theo ý muốn của họ, đáp ứng nhu cầu của họ như Thiên Chúa đã từng ban manna trừ trời và nước từ tảng đá để nuôi sống họ. Cuộc hành trình vào Đất hứa còn dài, còn lắm gian nan và thử thách, nên Thiên Chúa muốn đánh phạt để thanh luyện dân Chúa, để họ có thể có đủ sức bền để vượt qua khó khăn, và hơn hết để họ nhận ra và xác tín về sự hiện diện đầy quyền năng của Thiên Chúa, Đấng đang cùng họ tiến về Đất hứa.

Sự giáo dục nghiêm khắc của Thiên Chúa đã phát huy tác dụng. Dân Chúa nhận ra lỗi lầm của mình khi kêu trách Thiên Chúa, đồng thời xin Chúa ban ơn tha thứ. Dấu chỉ của sự tha thứ lại chính là hình ảnh con rắn đã từng gây chết chóc cho họ: ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống. Hình ảnh con rắn độc, gây ra sự sợ hãi, chết chóc, lại là dấu chỉ của sự tha thứ, của sự sống. Tác giả Tân Ước sẽ dùng hình ảnh này để ám chỉ mầu nhiệm thập giá hoàn tất nơi Đức Giêsu.

2. Bài đọc 2

Bài trích thư gởi tín hữu Philípphê là một bài ca tuyệt vời về mầu nhiệm tự tạ của Đức Giêsu. Chính nhờ sự tự hạ, tự biến mình ra không của Đức Giêsu mà Thiên Chúa có đủ lý do chính đáng để siêu tôn Người trên hết mọi loài mọi vật.

Trước hết, bài thánh thi ca tụng sự tự hạ của Đức Kitô: Từ địa vị của Thiên Chúa, Người hạ mình làm một con người; Giữa bao phận người, Người tự hạ mình để nhận lấy thân phận của một người nô lệ; Trong số những người nô lệ, Người hạ mình chấp nhận cái chết khổ nhục trên thập giá. Quả thế, Đức Giêsu đã khước từ những thuộc tính của Thiên Chúa, không nhận địa vị ngang bằng với Thiên Chúa, khước từ mọi vinh quang, để chấp nhận làm một kiếp người, chia sẻ những yếu đuối của phận người. Người không những vâng phục như một người nô lệ mà còn đi đến chỗ tận cùng của vâng phục là đón nhận cả cái chết nhục nhã nhất (x. Đnl 21,22-23; Gl 3,13).

Sau nữa, chính từ trong sự tự hạ đến tận cùng của Đức Giêsu, Thiên Chúa lại tôn vinh Người vượt lên trên mọi thụ tạo; Người được cả vũ trụ tôn thờ và nhận được danh hiệu cao quý ngang hàng với Thiên Chúa. Từ trong cõi chết, Đức Kitô phục sinh được phục hồi nguyên vẹn thần tính của Người và những ai nhìn nhận Đức Kitô là Chúa cũng được lôi kéo về phía Người, được chia sẻ bản tính thần linh của Người: “Người đã trở nên giống chúng ta, để chúng ta trở thành như Người (Giáo phụ Irênê).

Thập giá là con đường nối kết trời đất, là nơi Thiên Chúa và con người gặp nhau trong một tình yêu diệu kỳ. Từ chính nơi chết chóc và sỉ nhục của thập giá, Thiên Chúa đã làm vọt lên sự sống qua một tình yêu hiến dâng trọn vẹn đến tận cùng, nhờ đó mà con người được đến gần Thiên Chúa, được chia sẻ sự sống thần linh của Ngài.

3. Bài Tin Mừng

Đức Giêsu mạc khải cho Nicôđêmô mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa. Vì yêu thương con người, Thiên Chúa chấp nhận làm người, chết cho con người để những ai tin vào Người thì được ban cho sự sống đời đời.

Hình ảnh con rắn đồng được tác giả Tin Mừng thứ tư dùng để ám chỉ đến Con Người, Đức Giêsu Kitô. Ngày xưa con rắn đồng được Môsê treo lên một cây cột trong sa mạc để những ai bị rắn cắn mà nhìn lên đó với lòng tin vào Thiên Chúa thì được sống, thì ngày nay Con Người cũng được giương cao để những ai nhìn lên đó với lòng tin cũng được cứu thoát khỏi tội lỗi mà ban cho sự sống, sự sống muôn đời. Nếu con rắn đồng xưa chỉ là dấu hiệu của sự cứu thoát (x. Kn 16,5-10), thì Con Người được giương cao vừa là dấu chỉ vừa là chính sự cứu thoát.

Hình ảnh Đức Giêsu được giương cao ám chỉ đến cái chết của Người trên thập giá. Lời Đức Giêsu nói với Nicôđêmô là một lời tiên báo về cái chết trên thập giá của Người sau này (Ga 19,18). Hơn nữa, hình ảnh Đức Giêsu được giương cao còn ám chỉ đến việc người được nâng lên trong vinh quang của Thiên Chúa. Người là Đấng từ trời xuống, nên khi được giương cao trên thập giá, Người trở về với vị thế của Con Thiên Chúa vì “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13).

Đây thật là mầu nhiệm tình yêu lạ lùng của Thiên Chúa đối với con người. Để cứu con người khỏi tội lỗi, khỏi hậu quả của tội là sự chết muôn đời, Thiên Chúa đã để cho con mình chết và sống lại để những ai tin vào Người thì được sự sống muôn đời. Đó là bằng chứng rõ ràng của mầu nhiệm tình yêu lạ lùng của Thiên Chúa: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,4).

Thiên Chúa mạc khải tình yêu đến tận cùng của Ngài khi ban chính Con Một cho thế gian. Con Thiên Chúa đến trần gian không để lên án thế gian tội lỗi nhưng để thế gian nhờ Con của Ngài mà được cứu độ. Tuy nhiên, tình yêu trao hiến hoàn toàn đó không phải không có điều kiện. Hai lần trong đoạn Tin Mừng ngắn này, tác giả nhắc đến công thức “tin… được sống muôn đời” (Ga 3,14.15). Tin là điều kiện căn bản để con người được thông dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1/ Dân Israel đã kêu trách Chúa trong hành trình tiến về Đất hứa. Thiên Chúa đánh phạt dân nhưng rồi lại ban ơn tha thứ và chữa lành. Thiên Chúa vẫn hiện diện, đồng hành với dân Chúa ngay cả trong những lúc khó khăn nhất của cuộc hành trình về Đất hứa. Tôi có nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời tôi, nhất là những khi tôi gặp tai ương, hoạn nạn? Tôi có tin rằng Chúa sẽ không bỏ rơi tôi dù trong bất cứ hoàn cảnh nào? Tôi có để cho Chúa hướng dẫn và dìu dắt tôi trên hành trình tiến về quê trời?

2/ Đoạn thư gởi tín hữu Philípphê là bài ca tuyệt vời về mầu nhiệm tự hạ của Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Chính trong sự tự hạ đến tận cùng, xuống thật thấp, thật gần con người thấp hèn, tội lỗi, Đức Giêsu lại được Thiên Chúa Cha tôn vinh. Tôi có tin rằng Con Thiên Chúa nhập thể để đến thật gần tôi, chạm vào tôi, chia sẻ và cảm thông với những nỗi đau, mất mát, những lúc tôi chán nản, thất vọng? Tôi có để cho Người nâng tôi lên, cho tôi chia sẻ sự sống thần linh của Người?

3/ “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Con Một Thiên Chúa chết trên thập giá để con người được sự sống bất diệt. Thật là một tình yêu lạ lùng. Tôi có tin chắc mình được Thiên Chúa yêu thương? Tôi có xác tín rằng Con Thiên Chúa chết để ban cho tôi sự sống? Tôi có mở lòng để tình yêu và sự sống của Chúa Kitô biến đổi con người tội lỗi của tôi? Niềm tin vào một Thiên Chúa tình yêu có làm cho cuộc sống của tôi thay đổi?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã dùng thập giá Đức Kitô để biểu lộ tình thương của Người dành cho nhân loại, cùng dẫn đưa chúng ta tới vinh quang và sự sống. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa và tin tưởng dâng lời cầu nguyện:

1. Hội Thánh có sứ mạng rao giảng và làm chứng cho một Đức Kitô chịu đóng đinh trên thập giá. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn hăng say với sứ mạng của mình, và lời rao giảng của Hội Thánh được nhiều người đón nhận.

2. Thích hưởng thụ và ngại hy sinh là lối sống đang phổ biến trong xã hội hiện tại. Chúng ta cùng cầu nguyện cho có nhiều người biết chiêm ngắm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, dám từ bỏ mọi sự và chọn vác thập giá hằng ngày đi theo Chúa trên con đường hẹp.

3. Hạ mình và vâng phục là bài học Con Thiên Chúa đã để lại cho con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các kitô hữu biết học theo gương của thầy chí thánh, luôn khiêm tốn chấp nhận những giới hạn của bản thân và ý thức tìm vinh danh Chúa trong mọi hoàn cảnh.

4. Sự sống đời đời là phần thưởng cho những ai tin vào Đức Giêsu Kitô. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta ngày càng gắn bó mật thiết với Đức Kitô qua việc học hỏi suy niệm Lời Chúa, và tích cực tham dự các cử hành phụng vụ.

Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã dùng thánh giá Đức Kitô như dấu chỉ của ơn cứu độ. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con luôn can đảm vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top