Phụng vụ Lời Chúa lễ Chúa nhật thứ ba Thường niên năm C

Phụng vụ Lời Chúa lễ Chúa nhật thứ ba Thường niên năm C

Phụng vụ Lời Chúa lễ Chúa nhật thứ ba Thường niên năm C

CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN NĂM C
(Nkm 8,2-4a.5-6.8-10; 1Cr 12,12-30;
Lc 1,1-4; 4,14-21)


THIÊN CHÚA CỨU ĐỘ DÂN NGƯỜI
KHI ĐẾN THỜI ĐẾN BUỔI
VÀ BẰNG NHIỀU CÁCH


“Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18).


Các bài đọc hôm nay nói đến việc Thiên Chúa cứu độ dân Người nhiều lần bằng nhiều cách. Trong thời Cựu Ước, vào thời hậu lưu đày, Lề Luật là kim chỉ nam để số người còn sót lại được an ủi và qua đó tìm ra một lối sống phù hợp hầu được Chúa thương cứu thoát. Trong thời Tân Ước, chính Đức Giêsu đã đem Tin Mừng giải thoát cho những kẻ nghèo hèn và tuyên bố năm hồng ân của Chúa. Kế đến, các thành viên của Giáo Hội, mỗi người tùy theo khả năng và mức độ của mình, tiếp tục sống và lan tỏa ơn cứu độ của Thiên Chúa cho người khác.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1 (Nkm 8,2-4a.5-6.8-10):

Bài đọc 1 được đặt trong bối cảnh hậu lưu đày Babylon: Dân Israel đã quy tụ với nhau để làm việc thờ phượng và nghe Sách Luật. Trước đây, nói đến Israel, người ta nghĩ đến miền Đất Hứa, đến nền quân chủ với vua Đavít và Salômon nổi tiếng khôn ngoan, và đến Đền Thờ ở Giêrusalem. Tuy nhiên, sau thời lưu đày, những thứ đó không còn nữa. Vì thế, họ chỉ còn biết bám víu vào “Sách Luật” (Torah, tức là bộ Ngũ Thư) để làm mới lại tương quan với Thiên Chúa. Qua Bộ Ngũ Thư, Israel biết họ vẫn có thể sống căn tính của mình mà không cần miền Đất Hứa hay nền quân chủ, cũng chẳng cần đền thờ, mà họ vẫn là Israel trong tương quan với Thiên Chúa. Họ biết như thế, vì Sách Luật chứa đựng những yếu tố nền tảng cho đời sống của họ, đó là: Israel là dân của Giao ước do Thiên Chúa thiết lập qua Môsê tại núi Sinai, nên Israel sẽ là dân tuân giữ Lề Luật của Thiên Chúa và thờ phượng Người phù hợp những gì được trình bày trong Sách Luật. Chỉ Sách Luật này mới là kim chỉ nam cho đời sống của Israel, có giá trị bất biến cho họ, thay vì một miền đất, một chế độ quân chủ hay Đền Thờ.

Ý thức được điều đó nên khi nghe đọc Sách Luật, họ đã đồng thanh đáp lại “Amen-thật như vậy”, cùng nhau thờ lạy Đức Chúa, và họ đã khóc. Họ khóc một phần vì trong thời gian dài họ đã quên giao ước của Đức Chúa đã ký kết với họ, nhưng họ cũng khóc vì sự bất trung của họ đối với hồng ân của Thiên Chúa đã dành cho họ được diễn tả trong Sách Luật. Tuy nhiên, Israel được an ủi vì qua việc đọc Sách Luật, họ nhận ra rằng “hôm nay” là ngày thánh hiến cho Đức Chúa và có niềm vui vì Chúa là thành trì bảo vệ họ.

2. Bài đọc 2 (1Cr 12,12-30 hoặc 1Cr 12,12-14.27):

Trong tư tưởng của thánh Phaolô, Giáo Hội được ví như thân thể nhiệm mầu, trong đó Đức Giêsu Kitô là đầu và các Kitô hữu là chi thể. Trong Giáo Hội, mỗi người có một vai trò nhất định, nhưng đều là chi thể của thân thể duy nhất là Đức Kitô. Như các chi thể tuy khác nhau ở ví trí và chức năng với những nhiệm vụ riêng biệt, nhưng không chống đối nhau, ngược lại còn bổ túc cho nhau, thì mọi thành viên trong Giáo Hội có tầm quan trọng và vai trò riêng của mình, đồng thời sự đa dạng về đặc sủng và sự khác biệt nơi mỗi người không chống đối nhau nhưng liên đới với nhau và bổ túc cho nhau để làm phong phú đời sống của Giáo Hội. Như thế, Thiên Chúa không muốn các Kitô hữu bị lôi cuốn vào việc tìm kiếm đặc sủng riêng để đề cao vai trò cá nhân, nhưng tất cả là vì ích chung do xuất phát từ một gốc duy nhất là ân huệ của Thần Khí Chúa.

3. Bài Tin Mừng (Lc 1,1-4; 4,14-21):

Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai bản văn ghép lại với nhau: đoạn văn mở đầu của Tin Mừng (Lc 1,1-4) và đoạn văn trong phần khởi đầu sứ vụ rao giảng công khai của Đức Giêsu (Lc 4,4-21). Trong lời mở đầu sách Tin Mừng của mình (Lc 1,1-4) gửi tới ông “Thêôphilô-người yêu mến Thiên Chúa”, có nghĩa là cho người Kitô hữu, thánh Luca đã cho biết chủ đề, phương pháp và mục đích cuốn sách Tin Mừng là trình bày cuộc đời Chúa Giêsu, để củng cố lòng tin. Cuộc đời của Đức Giêsu bao gồm những lời nói và việc làm được thuật lại qua lời kể của các môn đệ, là những người đã nghe lời Chúa nói và đã chứng kiến việc Chúa làm ngay từ đầu.

Một trong những việc mà các ông đã chứng kiến ngay từ đầu đó là sự kiện Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng tại Nadarét (Lc 4,14-21). Hôm đó, Đức Giêsu vào hội đường, là nơi để cử hành phụng tự và đọc Sách Thánh, để giảng dạy. Sau khi đọc đoạn sách Is 61,1-2, Đức Giêsu kết luận: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà quí vị vừa nghe”(Lc 4,21). Hạn từ “hôm nay” muốn nói lên rằng khi đến thời đến buổi, thời Mêsia, thì chương trình cứu độ của Thiên Chúa mà các ngôn sứ đã loan báo sẽ được thực hiện. Chương trình đó là gì? Vì được Thiên Chúa xức dầu tấn phong và Thần Khí Chúa ngự trên mình, Đức Giêsu đã đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa (Lc 4,18-19). Lời tiên báo của ngôn sứ Isaia này được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu, nên Người chính là Đấng Mêsia; đồng thời lời này cũng là tóm kết chương trình hành động của Đức Giêsu Kitô, trong đó, kể từ “hôm nay”- kể từ lúc Đức Giêsu công bố Tin Mừng- bắt đầu mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của Tin Mừng; mở ra một thời mới: thời hồng ân của Chúa. “Hôm nay”, ai nghe được lời công bố Tin Mừng cứu độ của Đức Giêsu thì có được niềm vui thực sự của “hôm nay”, hôm mà Israel cảm thấy được Thiên Chúa ủi an và bảo vệ lúc họ nghe công bố Sách Luật.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Sau lưu đày, Isael đã mất hết mọi thứ mà trước đây họ tự hào: Đất Hứa, nền Quân Chủ, Đền Thờ. Trong tình cảnh bi đát đó, có một nguồn duy nhất để nối kết họ lại với nhau và để họ thắp lên niềm hy vọng được Chúa bảo vệ và cứu thoát, đó là Sách Thánh, cụ thể là Sách Luật/ Torah, Ngũ thư. Khi dân được nghe công bố Sách Luật, họ đã tìm lại được tâm tình tôn giáo mà họ đã có trước đây với Thiên Chúa, đồng thời họ nhận ra rằng Thiên Chúa vẫn là nơi duy nhất cho họ tựa nương và là thành trì bảo vệ họ. Trong đời sống Kitô hữu, Kinh Thánh có vai trò như thế nào? Có khi nào chúng ta quá chú trọng những điều thứ yếu mà lơ là điều chính yếu: “Lời Chúa là thần khí và là sự sống” hay không?

2. Trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa vẫn can thiệp đúng lúc vào lịch sử dân Người để cứu thoát họ. Vào thời Tân Ước, khi đến thời đến buổi, Thiên Chúa sai Con của người đến để khai mạc thời kỳ cứu độ, thời hồng ân của Chúa. Thời điểm “hôm nay” mà Đức Giêsu khai mạc thời kỳ cứu độ đó, chính là thời điểm bắt đầu loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Chúa. Là Kitô hữu, chúng ta có ý thức thời điểm “hôm nay” của Đức Giêsu ngày xưa ấy vẫn mang tính thời sự trong thời đại chúng ta hay không? Hôm nay, tức “ngay lúc này”, Tin Mừng vẫn cần được loan báo, ơn cứu độ vẫn cần được khai mở cho những đối tượng bất hạnh: kẻ bị giam cầm về thể lý và tinh thần, cho ai bệnh tật, và người bị áp bức hay không? Chúng ta có ý thức về việc cổ võ công lý, sự bình an và gieo niềm hy vọng cho con người thời nay, nhất là cho những người bất hạnh hay không? Chúng ta có ý thức được tính cấp bách của những điều trên, đó là việc cần làm ngay “hôm nay”, ngay lúc này hay không?

3. Thần Khi Chúa đã tác động trên Đức Giêsu vẫn tiếp tục hoạt động trong Giáo Hội và sứ mạng của Đức Giêsu vẫn được tiếp tục qua Giáo Hội. Chúng ta có sẵn sàng để Chúa sai đi và để Thần Khí Chúa tác động và hướng dẫn hay không? Sứ mạng của Giáo Hội xuất phát từ một nguồn gốc là Thiên Chúa qua lệnh truyền của Đức Giêsu và được chính một Thần Khí Chúa duy nhất tác động, vậy chúng ta có ý thức rằng mỗi người trong Giáo Hội/ Dòng tu/ giáo xứ/ hội đoàn, nhóm… như là một chi thể trong thân thể, tuy khác nhau nhưng cần sự đoàn kết, phối hợp và bổ túc cho nhau để kiến thiết đời sống cộng đoàn mình hay không?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Qua Ðức Giêsu Kitô, Thiên Chúa Cha đã yêu thương giải thoát con người khỏi những khốn khổ hồn xác và khai mở mùa hồng ân cứu độ cho trần gian. Chúng ta cùng vui mừng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu nguyện.

1. “Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh luôn ý thức sứ mạng truyền giáo, và nỗ lực thực thi sứ mạng ấy mọi nơi, mọi lúc theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

2. “Lời Chúa là thần khí và là sự sống.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người chưa nhận biết Chúa ở khắp nơi trên thế giới, biết mở lòng lắng nghe, suy gẫm và thực hành Lời Chúa, để họ cũng được nhận lãnh dồi dào hồng ân cứu độ.

3. “Trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác.” Xin cho tất cả môn đệ Chúa Kitô trong cùng một đức tin và một phép rửa, luôn thông cảm và hiệp thông với nhau, hầu làm nên một đoàn chiên duy nhất.

4. “Hôm nay đã ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh quí vị vừa nghe.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn yêu thương hiệp nhất và tích cực dấn thân cho công cuộc loan báo Tin Mừng cứu độ giữa thế giới hôm nay.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương nhận những ước nguyện chân thành của chúng con. Xin ban Thánh Thần tình yêu liên kết chúng con nên một, để chúng con biết cùng nhau hăng hái đem tin mừng cứu độ của Chúa cho muôn người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Top