Phụng vụ Lời Chúa lễ Chúa Nhật Lễ Lá - Năm C

Phụng vụ Lời Chúa lễ Chúa Nhật Lễ Lá - Năm C

Phụng vụ Lời Chúa lễ Chúa Nhật Lễ Lá - Năm C

(Rước lá: Lc 19,28-40; Thánh lễ: Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Lc 22,14-23,56)

TỪ THẬP GIÁ ĐAU KHỔ
ĐẾN PHỤC SINH VINH QUANG

“Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập giá” (Pl 2,8)

Với Lễ Lá, Giáo Hội bắt đầu cử hành Tuần Thánh, đỉnh cao của Năm Phụng Vụ. Trong Tuần Thánh, Giáo Hội cử hành cuộc khổ nạn, chết và nhất là sự phục sinh của Đức Giêsu. Đó là con đường cứu rỗi: từ thập giá đau khổ đến phục sinh vinh quang.

I. BÀI ĐỌC RƯỚC LÁ (Lc 19,28-40):

Con đường Đức Giêsu đi là con đường tiến về Giêrusalem để chịu khổ nạn, chết và phục sinh mà cứu độ nhân loại. Khi đến giờ, Người tiến vào Thành trên con lừa hiền lành như hình ảnh của một vị Vua Hòa Bình, dân chúng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, còn các môn đệ lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa và tung hô Đức Giêsu như một vị vua chiến thắng, vì họ đã các thấy được các phép lạ Đức Giêsu làm. Tuy nhiên, các người Pharisêu lại lên án hành động này.

Một mặt, hành động tiếp đón của dân chúng và lời tôn vinh của các môn đệ dành cho Đức Giêsu chỉ mang tính bộc phát, không khởi đi từ niềm tin (hay chỉ từ một niềm tin còn non yếu) vào Đức Giêsu là Đấng Mêsia, mà là từ những toan tính trần thế; mặt khác, với những mưu tính của người Pharisêu và các thủ lãnh Dothái đã dẫn đến biến cố thập giá và chết của Đức Giêsu. Dầu vậy, Đức Giêsu đã tự nguyện đón nhận biến cố thập giá đó để biến đau thương thành niềm vui, biến thập giá đau khổ thành con đường dẫn tới Phục sinh vinh hiển và đem ơn cứu độ cho những ai tin.

II. CÁC BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

1. Bài đọc I (Is 50,4-7):

Trong sách Ngôn sứ Isaia có 4 Bài ca về Người Tôi Trung (Is 42,1-9; 49,1-7; 50,4-11; 52,13-53,12). Bài đọc I hôm nay là một phần của Bài ca thứ ba, trình bày chân dung của Người Tôi Trung này qua ba khía cạnh, đó là: dùng lời để nâng đỡ những ai rã rời kiệt sức; luôn lắng nghe và thi hành ý Chúa; đồng thời, nhẫn nhục chịu đựng những khổ đau và khinh khi hành hạ thay cho Dân. Đó là chân dung đích thực của một vị ngôn sứ, của một người môn đệ Đức Chúa và nhất là của chính Đức Giêsu.

2. Bài đọc II ( Pl 2,6-11):

Bài thánh ca trích từ thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Philípphê cho thấy hai chặng đường ngược chiều, nhưng nối kết với nhau mà Đức Giêsu đã đi qua: tự hạ mình và được Thiên Chúa siêu tôn. Quả thật, Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, nghĩa là có vinh quang tột đỉnh từ nguyên thủy, nhưng đã tự nguyện hạ mình đến tột cùng đau khổ khi làm thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, chịu chết trên thập giá như một tội nhân. Chính vì thế, Người đã được Thiên Chúa siêu tôn lên tới tột đỉnh vinh quang khi tặng ban Danh hiệu trổi vượt mọi danh hiệu, đến mức mọi loài trên trời, dưới đất và trong nơi âm phủ đều phải tôn phục và tuyên xưng Đức Kitô là Chúa. Sự thay đổi tình trạng của Đức Giêsu Kitô kéo theo sự biến đổi của nhân loại. Chính lúc được siêu tôn này, Đức Giêsu Kitô sẽ kéo mọi người lên cùng Người, cho con người tư cách làm con Thiên Chúa.

3. Bài Thương Khó (Lc 22,14-23,56):

Bài Thương Khó theo thánh Luca nhấn mạnh về tình thương của Thiên Chúa được biểu lộ qua lòng từ bi tha thứ của Đức Giêsu trong cuộc thương khó và trước cái chết của Người để đem niềm vui cứu độ cho mọi người. Dựa theo khung các sự kiện và khung thời gian, bài Thương Khó này được chia thành hai đoạn chính:

A. Lc 22,14-65: trình thuật về gian đoạn chuẩn bị cho cuộc khổ nạn, nhấn mạnh đến Tiệc Ly và việc Đức Giêsu bị bắt. Giai đoạn này đề cập đến việc lập Phép Thánh thể (22,14-20), sự phản bội của Giuđa (22,21-23), và việc Đức Giêsu nói lời từ biệt bằng huấn từ về ơn gọi đích thực của người môn đệ là phục vụ (22,24-27) và sẽ chịu thử thách gian nan vì Đức Giêsu nhưng nhờ đó sẽ được chia sẻ vinh quang với Người (22,28-30). Việc phản bội của Giuđa và âm mưu của các thủ lãnh Dothái sẽ dẫn tới cuộc khổ nạn và sự chết của Đức Giêsu. Trước khi vào cuộc khổ nạn, Đức Giêsu đã cầu nguyện để biết vâng theo thánh ý Chúa Cha (22,39-46) đây là một đề tài quan trọng trong Tin Mừng Luca. Giờ đã đến, Đức Giêsu bị bắt để đem đi xét xử và bị nhạo báng sỉ nhục (22,47-65).

B. Lc 22,66-23,54: trình thuật về cao điểm của sứ vụ Đức Giêsu, đó là bị kết án, chịu khổ nạn và chết như một tội nhân. Đức Giêsu lần lượt bị xét xử bởi các thủ lãnh Dothái, rồi đến Philatô và sau đó bởi vua Hêrôđê. Philatô xét thấy Đức Giêsu vô tội (23,14.15.22) và muốn tha Người (23,16.20.22) nhưng tất cả mọi người lại ra sức đáp trả bằng cách la hét phản đối (23,18.21.23). Kết cục, Đức Giêsu dù được xét là vô tội nhưng vẫn bị đem đi chịu khổ nạn và sau đó chịu chết một cách tàn bạo. Đấng vô tội mà chịu chết nhục nhã như một tội nhân giữa những tên gian phi.

Chính lúc trên thập giá của ghen tức và âm mưu từ thủ lãnh Dothái và dân chúng, lại là lúc thể hiện lòng từ bi của nhân hậu của Đức Giêsu: xin Thiên Chúa tha thứ cho những kẻ hãm hại Người vì cho rằng họ lầm chẳng biết (23,34) và cũng lúc đó, Người ban ơn cứu độ cho kẻ gian phi biết sám hối (23,39-43). Hệ quả tất yếu của đường khổ nạn là Đức Giêsu chịu chết (23,46), nhưng cái chết này như là dấu chỉ sự vâng phục và phó thác hoàn toàn theo thánh ý Chúa Cha (23,46). Cái chết này không phải là dấu chấm hết, mà bắt đầu khai mở một gian đoạn mới, thời kỳ cứu độ, bắt đầu bằng lời tuyên xưng đức tin của viên đại đội trưởng (23,47), sự ăn năn của đám đông (23,48). Các người quen biết Người (23,49a) và các phụ nữ đã đi theo Người từ Galilê đã chứng kiến sự kiện cứu độ của Đức Giêsu (23,49b). Trình thuật về khổ nạn và chịu chết của Đức Giêsu khép lại bằng việc mai táng Đức Giêsu trong mộ đá. Cái chết của Đức Giêsu không phải là dấu chấm hết, mà là chuẩn bị một thời kỳ mới vì “ngày sắp ló rạng” (23,54) đó là sự ló rạng của ánh sáng phục sinh.

III. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Đau khổ có những ý nghĩa và giá trị tôn giáo của nó. Đau khổ không xuất phát từ Thiên Chúa nhưng người ta có thể phải đón nhận đau khổ để thanh luyện bản thân (như trường hợp của ông Gióp) hoặc vì tha nhân (như Người tôi tớ đau khổ hoặc Đức Giêsu). Do đó, Người Tôi Trung không tránh né đau khổ. Người Tôi Trung sẽ sẵn sàng chịu những đau khổ và cả sỉ nhục khinh khi; lý do có thể là vì Người không chấp nhận thỏa hiệp với thế gian, với tội lỗi, không muốn đi ngược lại với đường lối của Thiên Chúa. Với tư cách là người môn đệ, Người đã chấp nhận gánh lấy đau khổ thay cho người khác và vì người khác, cùng với việc lắng nghe và thực hành Lời Thiên Chúa và lấy Lời ấy nâng đỡ những ai khổ đau kiệt sức.

Đức Giêsu, là Người Tôi Trung đích thực, đã mang lấy tất cả những đau khổ về thể xác và tinh thần của nhân loại vào chính bản thân mình khi bị chết treo trên thập giá. Chúng ta có sẵn sàng kết hợp với Đức Giêsu qua cuộc thương khó của Người trong Tuần Thánh này, để được xoa dịu mọi đau khổ thể xác cũng như tinh thần và tìm thấy được ý nghĩa của nó: đau khổ có sức thanh luyện bản thân, là con đường dẫn tới phục sinh và đem lại niềm vui cứu độ cho người khác hay không?

2. “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết… Chính vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người”. Đó là cách sống của Đức Giêsu trước Thiên Chúa. “Tuân phục” và “bất tuân” là hai trạng thái đối lập lặp đi lặp lại trong Cựu Ước: Ađam và những dân thành Baben là những phàm nhân nhưng đã muốn được ngang hàng với Thiên Chúa. Hệ quả là họ đã bị trừng phạt, sống trong tình trạng nô lệ của tội lỗi. Khi nào dân Israel trung thành với giao ước, họ được Đức Chúa chở che, hễ họ bất tuân, sẽ bị Đức Chúa bỏ rơi.

Trong Tân Ước, Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa thì lại tự hạ mình xuống làm một phàm nhân, và hạ mình tới mức tột cùng cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá vì vâng phục Chúa Cha. Hệ quả là Người đã được Thiên Chúa siêu tôn đến mức tột đỉnh của vinh quang. Chính nhờ hành động này của Đức Giêsu Kitô, nhân loại được biến đổi tận căn tình trạng của mình: vốn dĩ là tội lỗi nay trở thành trong sạch, vốn dĩ là bất chính nay trở thành công chính, nếu biết tin vào Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Thông thường, chúng ta bị cám dỗ muốn nâng mình lên địa vị cao trọng theo cách của Ađam và dân thành Baben. Qua cuộc thương khó của Đức Giêsu, chúng ta có nhận ra rằng con đường Đức Giêsu đã đi qua là mẫu gương cho chúng ta noi theo, đó là tự hạ mình xuống để thánh ý Thiên Chúa được trổi lên và nên trọn nơi cuộc đời của mình; nhờ đó, chúng ta sẽ được tôn vinh với Đức Giêsu trong ngày sau hết hay không?

3. Đức Giêsu bị trao nộp vì chúng ta. Lý do của việc trao nộp có thể khác nhau: vì tiền tài hay một mưu mô ép Thầy mình vào đường cùng để hành động như trường hợp của Giuđa; vì lòng ghen ghét, loại trừ Đức Giêsu nhưng lại nhân danh Thiên Chúa như trường hợp của các Thượng tế và kinh sư; vì muốn an vị và củng cố quyền lực như trường hợp của Philatô; vì vô cảm, cứng lòng, chậm tin hay không tin như trường hợp của đa số dân chúng. Đối với Thiên Chúa thì lại khác: biến cố thập giá Đức Giêsu xảy ra là vì lòng từ bi thương xót mà Thiên Chúa Cha đã dành cho nhân loại; và nhất là vì Đức Giêsu đã tự nguyện đón nhận thánh ý Chúa Cha để chết cho muôn người được sống.

Có thể chúng ta tức giận trước hành vi của Giuđa, bực mình trước hành động của các nhà lãnh đạo Dothái, hay trách cứ trước thái độ của Philatô. Tuy nhiên, có khi nào chúng ta hối hận về thái độ của chính mình vì có thể chúng ta đã “nộp” Đức Giêsu cách nào đó, nhiều lần trong đời sống? Thử hỏi vì lý do nào mà chúng ta đã khước từ Đức Giêsu, có phải vì tiền tài, ghen ghét, tham quyền, muốn an vị, hay vì vô cảm không tin? Chúng ta có nhận ra tình yêu cứu độ của Thiên Chúa qua biến cố thập giá Đức Giêsu hay không?

Cuộc thương khó của Đức Giêsu là thời điểm để thấy rõ gương mặt thật của mỗi người trước Đức Giêsu: đối với tôi, Đức Giêsu là ai? Điều đó dẫn tới một thái độ đúng đắn và một chọn lựa và thay đổi tận căn trong đời sống. Nếu chúng ta tin Đức Giêsu là Đấng Cứu thế của đời mình, chúng ta có sẵn sàng kết hợp những đau khổ của cuộc sống với con đường thập giá của Người, do tin rằng con đường thập giá ấy vượt qua sự chết để dẫn tới sự sống; nhờ đó, chúng ta sẽ được phục sinh vinh hiển như Người hay không?

IV. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa Cha dành cho nhân loại đã thể hiện trọn vẹn trên thánh giá qua cái chết của Chúa Giêsu, Con Một yêu dấu của Người. Với tâm tình tri ân cảm tạ, chúng ta cùng tin tưởng và tha thiết dâng lời nguyện xin.

1. Đức Giêsu đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết. Xin Chúa cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn biết hạ mình và hy sinh theo gương Thầy Chí Thánh, dấn thân phục vụ và loan báo Tin Mừng cứu độ cho con người thời đại hôm nay.

2. Cuộc vượt qua của Chúa Kitô đem lại ơn giải thoát toàn diện cho con người. Xin cho những người đang đau khổ ở khắp nơi trên thế giới, tìm được sự ủi an nơi cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, cho những ai đã qua đời được chia sẻ vinh quang phục sinh cùng với Người.

3. Chúa Giêsu nói với kẻ trộm lành: “Ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta.” Xin cho mọi Kitô hữu, cách riêng những người trẻ biết siêng năng đọc và suy niệm Lời Chúa, cầu nguyện cùng lãnh nhận các bí tích, hầu luôn được kết hợp mật thiết với Chúa.

4. Chúa Giêsu bước vào cuộc thương khó trong tâm tình vâng phục thánh ý Chúa Cha. Xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta biết ý thức chu toàn thánh ý Chúa qua bổn phận hằng ngày, và luôn tích cực đem niềm vui và hy vọng đích thực cho mọi người chung quanh.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương xót, xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và dẫn đưa chúng con ngày càng tiến sâu vào trong sự sống mà Đức Kitô, con Chúa đã đem đến cho nhân loại nhờ sự chết và cuộc phục sinh của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

 

Top