Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XXXII Thường Niên năm A

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XXXII Thường Niên năm A

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XXXII Thường Niên năm A

CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN
CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LATÊRANÔ

Ed 47,1-2.8-9.12; 1 Cr 3,9c-11.16-17; Ga 2,13-22

ĐỀN THỜ ĐÍCH THỰC

“Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người” (Ga 2,21)

I. CÁC BÀI ĐỌC

Việc mừng lễ cung hiến Thánh Đường Latêranô gợi cho người ta ý niệm về một Đền Thờ vật chất, là Nhà Thờ Chính Tòa của Đức Giáo Hoàng tại Rôma. Tuy nhiên, các bài đọc Lời Chúa hôm nay lại cho chúng ta thêm nhiều ý niệm rộng hơn, cao hơn, sâu hơn về Đền Thờ.

1. Bài đọc 1

Đoạn sách ngôn sứ Êdêkien mô tả thị kiến của vị ngôn sứ về một dòng nước phát xuất từ đền thờ, chảy về phía sa mạc ở phía Đông đền thờ và đổ ra Biển Chết. Nước chảy đến đâu thì mang theo sự sống đến đó: sự sống cho đất đai, cây cối, sinh vật và cả con người.

Trước hết, ngôn sứ mô tả dòng nước của sự sống phát xuất từ Đền Thờ. Truyền thống Do Thái coi Đền Thờ là trung tâm của sinh hoạt tôn giáo: đó là nơi Thiên Chúa ngự ở giữa dân, nơi dân đến để phụng thờ và lãnh nhận mọi phúc lành từ Ngài. Nước vọt lên từ Đền Thờ là cách nói biểu tượng để diễn tả niềm xác tín rằng mọi phúc lộc thiêng liêng đều phát xuất từ Thiên Chúa. Ơn thiêng từ Thiên Chúa không ngừng tuôn trào, ngay cả những nơi khô cằn sỏi đá nhất.

Hơn nữa, như nước phát xuất từ Đền Thờ chảy đến đâu đều làm mang lại sự biến đổi đến đó, phúc lộc thiêng liêng trào dâng từ Thiên Chúa chính là căn nguyên đổi mới mọi sự. Sự sống phát xuất từ ân sủng thần thiêng của Thiên Chúa làm biến đổi cả những nơi hoang vu, chết chóc, làm cho hoang mạc, Biển Chết cũng hóa ra phì nhiêu. Mọi phúc lộc thiêng liêng đều phát xuất từ Thiên Chúa và nơi đâu có phúc lành của Thiên Chúa, nơi đó được đổi mới và có sự sống dồi dào phong phú.

Sau cùng, như mạch nước sự sống từ Đền Thờ Thiên Chúa mang lại sự sống cho mọi sinh vật, phúc lành từ Thiên Chúa cũng mang lại sự biến đổi cho mọi vật, mọi loài mà không loại trừ bất cứ ai. Ơn Thiên Chúa chạm đến mọi sự; không có vật nào, loài nào đứng ngoài sự quan phòng và ân huệ thiêng liêng của Thiên Chúa.

Sống trong vùng đất khắc nghiệt, khô cằn, sỏi đá, hẳn dân Israel thấm thía khi đọc thị kiến của ngôn sứ Êdêkien. Mạch nước sự sống từ Đền Thờ làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt cằn cỗi, chết chóc của vùng sa mạc Giuđa và Biển Chết thế nào, thì phúc lành thiêng liêng từ Thiên Chúa cũng làm biến đổi bộ mặt trái đất này như vậy.

2. Bài đọc 2

Viết cho các tín hữu Côrintô trong khi giữa họ đang có sự chia rẽ, người thì cho là mình thuộc về Phaolô, kẻ thì cho rằng mình thuộc về Apôlô (1 Cr 3,3-6), thánh Phaolô đưa ra điểm giáo lý quan trọng liên quan đến việc rao giảng Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh.

Một là, việc rao giảng trước hết và trên hết là công trình xây dựng của Thiên Chúa: “anh em là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên”, tất cả những người khác chỉ là những cộng sự viên của Ngài (1 Cr 3,9). Trong vai trò là cộng sự viên, nhờ ơn Thiên Chúa ban, Phaolô đặt nền móng cho ngôi nhà và những người khác kế tục ngài xây dựng trên nền móng đó. Mỗi người hoàn thành phần việc mình được giao phó trong khả năng của mình nhưng công trình hoàn tất trọn vẹn là do bàn tay của Thiên Chúa (1 Cr 3,6).

Hai là, dù Phaolô có là người đặt nền móng cho ngôi nhà trong vai trò là người sáng lập cộng đoàn Kitô hữu đi nữa, thì nền móng thật sự chính là Đức Kitô “vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô” (1 Cr 3,11). Mọi việc rao giảng không nhân danh Đức Giêsu Kitô và mọi công trình xây dựng Hội Thánh không đặt trên nền móng đích thật là Đức Giêsu Kitô đều chỉ là những công trình do con người tạo nên. Một công trình do người phàm dựng nên sớm muộn gì cũng sẽ bị phá hủy, còn công trình của Thiên Chúa thì không thể phá hủy được (x. Cv 5,34-39).

Ba là, việc loan bao Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh không chỉ là công trình Thiên Chúa xây nên mà Hội Thánh còn là chính Đền Thờ của Thiên Chúa, là nơi Thiên Chúa ngự. Nhờ ơn Thánh Thần, Hội Thánh luôn có Thiên Chúa ở với mình và Thánh Thần là bảo đảm cho sự kiên cố, vững chắc của Hội Thánh. Chính trong cộng đoàn Hội Thánh mà người ta có thể gặp gỡ chính Thiên Chúa và phải phụng thờ Ngài. Vì được dành riêng cho Thiên Chúa và phục vụ cho việc phụng thờ Ngài, nên cộng đoàn Hội Thánh mang nơi mình sự thánh thiện.

Như thế, thông qua việc rao giảng Tin Mừng mà Hội Thánh được thiết lập nhờ các cộng sự viên của Thiên Chúa, nhưng Ngài mới là Đấng xây nên ngôi nhà Hội Thánh, đặt trên nền móng vững chắc là Đức Giêsu Kitô. Chính Hội Thánh là Đền Thờ nơi Thiên Chúa ngự, được bảo đảm và củng cố nhờ Chúa Thánh Thần.

3. Bài Tin Mừng

Đức Giêsu vào thành Giêrusalem và thực hiện việc thanh tẩy Đền Thờ. Đối với Đức Giêsu, Đền Thờ là nơi linh thiêng vì đó chính là nhà của Thiên Chúa. Nhưng trên hết, việc thanh tẩy Đền Thờ Giêrusalem cũng là lời tiên báo về cuộc thanh tẩy Đền Thờ là chính thân thể Người.

Trước hết, Đức Giêsu xác định rõ ràng rằng Đền Thờ là nhà của “Cha tôi” (Ga 2,16). Người xác tín rằng Thiên Chúa chính là Cha của Người và Đền Thờ là nhà của Cha. Trong tư cách là Người Con, Chúa Giêsu có đủ thẩm quyền để bảo vệ nhà của Cha mình. Dù Đền Thờ Giêrusalem có một khu vực dành riêng cho việc buôn bán trao đổi để thuận tiện cho việc tế tự, nhưng đối với Chúa Giêsu, mọi hình thức buôn bán trong khu vực Đền Thờ đều không phù hợp. Chức năng duy nhất của Đền Thờ là để thờ phượng Thiên Chúa mà thôi.

Thêm nữa, chắc hẳn Đức Giêsu biết rõ Đền Thờ Giêrusalem đã được xây dựng trong bao nhiêu năm, nên việc phá đền thờ và xây lại không thể diễn ra trong ba ngày. Đức Giêsu đã cố ý nhân sự kiện thanh tẩy Đền Thờ Giêrusalem để tiên báo về một cuộc thanh tẩy khác lớn lao hơn, cuộc thanh tẩy Đền Thờ là chính bản thân người. Thân xác Đức Giêsu rồi đây chịu sự phá hủy trong ba ngày, để rồi cuộc phục sinh của Người mở ra một chương mới trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa.

Quả vậy, Đền Thờ theo truyền thống Do Thái là nơi chính thức Thiên Chúa ngự. Mọi sự tiếp xúc, gặp gỡ, thờ phượng Thiên Chúa của con người đều thông qua Đền Thờ. Có thể nói Đền Thờ là trung gian giao tiếp giữa con người với Thiên Chúa. Biến cố Đức Kitô phục sinh làm thay đổi tất cả những quan niệm truyền thống này. Thật vậy, thân thể Đức Kitô phục sinh là nơi Thiên Chúa hiện diện và tỏ mình cho loài người (Ga 1,14). Thân thể phục sinh của  Đức Kitô trở thành Đền Thờ Mới, đền thờ thực thụ, là nơi thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật (Ga 4,23-24).

Sau nữa, lời tiên báo của Đức Giêsu về một Đền Thờ Mới không hề là điều dễ hiểu, dễ chấp nhận. Bằng chứng là chỉ sau khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ mới nhớ lại Lời của Đức Giêsu và tin vào Người. Thật hạnh phúc cho ai tin vào Đức Kitô phục sinh (Ga 20,29), vì đối với tác giả Tin Mừng thứ tư, tin vào Đức Giêsu, rằng Người đã chết và đã phục sinh, chính là chìa khóa mở cánh cửa vào sự sống đời đời (Ga 3,36; 20,31).

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1/ Ngôn sứ Êdêkien mô tả thị kiến về một dòng nước phát xuất từ Đền Thờ Giêrusalem. Nước chảy qua vùng đất khô cằn và làm phát sinh sự sống cho muôn loài sinh vật. Phúc lộc thiêng liêng từ Thiên Chúa cũng mang lại sự biến đổi kỳ diệu cho mọi sự như thế. Mỗi khi đến nhà thờ, tôi có ý thức rằng tôi đang được diễm phúc đến gần bên Chúa, được hiệp thông với Ngài? Tôi có rộng mở tâm hồn để đón nhận ơn phúc dồi dào từ Thiên Chúa? Tôi có sẵn sàng để cho tâm hồn cằn cỗi của tôi được biến đổi nhờ ơn Chúa?

2/ Theo thánh Phaolô, Đền Thờ trước hết và trên hết là công trình của Thiên Chúa, xây dựng trên nền móng là chính Đức Kitô. Mọi sự cộng tác đúng đắn của các cộng sự viên nhân loại qua việc rao giảng Tin Mừng và thành lập các giáo đoàn đều xây dựng trên nền móng đó. Các Kitô hữu họp thành Hội Thánh thật sự là Đền Thờ của Thiên Chúa. Tôi có đang cố gắng xây dựng một đền thờ cho riêng tôi, theo ý muốn của tôi mà không hề đặt nền móng trên Đức Kitô? Tôi có đang tìm cách xây đền thờ ở ngoài Hội Thánh? Tôi có đang tôn thờ Thiên Chúa ở ngoài Hội Thánh?

3/ Tác giả Tin Mừng thứ tư cho thấy rằng đối với Đức Giêsu, Đền Thờ Giêrusalem là nhà của Thiên Chúa Cha. Do vậy, người ta phải gìn giữ sự thiêng thánh của Nhà Thiên Chúa. Đồng thời, Đền Thờ đích thật, nơi người ta phải tôn thờ Thiên Chúa trong thần khí và sự thật, chính là thân thể phục sinh của Đức Giêsu. Tôi có giữ gìn sự thánh thiêng của nơi Thiên Chúa ngự? Tôi có biết tôn thờ Thiên Chúa thông qua đền thờ đích thực là chính Đức Kitô phục sinh?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thánh Đường là nhà của Thiên Chúa, nhưng còn là chính thân thể Đức Kitô, là hình ảnh của Hội Thánh Chúa. Qua bí tích Rửa tội, mỗi kitô đều trở nên một viên đá sống động của đền thờ Hội Thánh. Trong ngày mừng lễ Cung hiến Thánh đường Latêranô, chúng ta cùng cảm tạ Chúa và tin tưởng dâng lời cầu xin.

1. “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh được ơn khôn ngoan và can đảm để vượt qua mọi trở ngại trong sứ vụ, luôn nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, tích cực xây dựng sự hiệp nhất trong Hội Thánh.

2. Hy tế Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống kitô hữu. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần dân Chúa luôn siêng năng đến với các cử hành phụng vụ, cách riêng phụng vụ Thánh Thể, để kín múc nguồn sống thiêng liêng cho hành trình đức tin.

3. Thánh Phaolô nói: “Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các kitô hữu, luôn gắn bó mật thiết với Đức Giêsu trong đời sống cầu nguyện và thực hành nhân đức, để xứng đáng là đền thờ cho Thiên Chúa ngự trị.

4. Mỗi tín hữu là một viên đá sống động xây nên ngôi nhà Hội Thánh. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn ý thức và tích cực góp phần vào những công việc chung, để các sinh hoạt của cộng đoàn ngày càng phong phú và phát triển.

Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã qui tụ chúng con trong Hội Thánh của Con Một Chúa là Đức Giêsu Kitô. Xin Chúa khứng nhận tâm tình tạ ơn và những ý nguyện của chúng con, cùng ban ơn trợ giúp để chúng con luôn xứng đáng là đền thờ sống động đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Top