Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật XXV mùa Thường Niên năm C
CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN
(Am 8,4-7; 1Tm 2,1-8; Lc 16,1-13)
Chủ đề: LO LẮNG CHO ĐỜI SỐNG TƯƠNG LAI
“Ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo”
(Lc 16,8)
Hãy trở nên khôn ngoan để nhận thấy rằng cuộc sống kết hiệp vĩnh cửu với Thiên Chúa mới là điều quan trọng và đáng quan tâm đối với chúng ta. Hãy để cho cuộc sống mai hậu hướng dẫn lối sống hiện tại của chúng ta.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Am 8,4-7)
Ngôn sứ Amôs là vị ngôn sứ lên án sự bất công xã hội của vương quốc phía Bắc, Israel. Bối cảnh thực tế của xã hội Israel được ngôn sứ mô tả qua việc bất công, đàn áp người nghèo, gian lận: “Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm. Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ. Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ, cả lúa nát gạo mục ta cũng đem ra bán”. Nhưng Thiên Chúa sẽ không dung thứ cho những hành vi của những kẻ sống bất công: “Đức Chúa đã lấy thánh danh mà thề rằng: Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng”. Thiên Chúa là Đấng giàu tình thương dành cho những tâm hồn thống hối, nhưng rất mực công minh để phán xét mọi hành vi của con người. Vì thế, chúng ta đừng lạm dụng tình thương của Thiên Chúa, nhưng hãy cố sống ngay thẳng trước Thiên Chúa và người khác.
2. Bài đọc II (1 Tm 2,1-8)
Thánh Phaolô nhắc nhở sự cần thiết nhớ tới mọi người trong lời cầu nguyện để họ có thể sống ngay thẳng, đạo đức trước mặt Thiên Chúa và người khác: “Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh”. Đời sống ngay thẳng mới thực sự làm đẹp lòng Thiên Chúa và đáng được hưởng sự chúc lành của Ngài. Hơn nữa, chúng ta cũng nhận thấy rằng lời cầu nguyện của người Kitô hữu là lời cầu nguyện rộng mở, quảng đại với hết mọi người. Bởi vì chính mỗi người đã lãnh nhận cùng nguồn ơn cứu độ, tình yêu của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô: “Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Đó là một con người, Đức Kitô Giêsu, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người”.
3. Phúc Âm (Lc 16,1-13)
Chúa Giêsu kể về câu chuyện người quản gia bất lương và khôn ngoan. Dụ ngôn này đã tạo ra những điều gì đó khó hiểu và hiểu lầm cho chúng ta, bởi vì chúng ta thấy người quản gia bất lương được ca ngợi. Chúng ta nên nhớ rằng đây là một dụ ngôn. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn này để gởi đến cho đám đông dân chúng một sứ điệp khác. Người dùng một ví dụ rất cụ thể trong cuộc sống. Một người quản gia sắp bị đuổi việc do những bất chính trong công việc điều hành của mình. Ông đã tìm cách dàn xếp, điều chỉnh số nợ của các con nợ của chủ mình, bởi vì ông hi vọng rằng việc làm của ông sẽ được những con nợ biết ơn mà đón tiếp ông khi ông bị mất việc. Chúa Giêsu ca ngợi sự khôn khéo của người quản gia này đã biết tìm ra phương thế tốt nhất cho hoàn cảnh của mình. Người quản gia dự đoán trước tương lai và do đó ông đã hành động cách khôn khéo để mình có thể có được một tương lai tốt nhất. Chắc chắn Chúa Giêsu không đề cao sự gian dối, nhưng Người dùng dụ ngôn này để kêu mời những ai bước theoNgười hãy trở nên khôn ngoan để nhắm tới đích điểm vĩnh cữu của chúng ta. Hãy khôn khéo lo lắng cho đời sống mai hậu của chúng ta. Hãy sống tốt, ngay thẳng và đạo đức trước mặt Thiên Chúa và người khác. Đó là cách thức khôn khéo để chúng ta làm đẹp lòng Thiên Chúa. Hơn nữa, Chúa Giêsu kêu mời các môn đệ Người biết sử dụng của cải đời này để tìm kiếm những giá trị thiêng liêng, chứ đừng trở nên tôi tớ của nó. Sự giàu có và tiền bạc luôn là cám dỗ và nguy cơ hủy diệt con người, chính vì thế, Chúa Giêsu gọi “tiền của là bất chính” là vậy. Hãy cẩn thận và sử dụng tiền của để phục vụ cho những giá trị cao cả và siêu nhiên. Đừng làm tôi tớ cho tiền của, vì chúng ta sẽ đánh mất và hủy diệt chính bản thân mình vì nó. Hãy chọn lựa Thiên Chúa là đối tượng và đích điểm mà chúng ta hướng tới trong cuộc sống. Hãy nhớ lời dạy của Chúa Giêsu: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm. Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ. Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ, cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán”. Tôi có sống ngay thẳng, công bằng trong công việc, buôn bán, giao tiếp, tương quan với những người khác? Hãy nhớ rằng Thiên Chúa xét xử chúng ta dựa trên sự công bằng và tình thương của chúng ta trong đời sống?
2. “Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh”. Tôi có thực sự cầu nguyện cho người khác, ngay cả những người làm tôi đau khổ? Tôi có dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì những người mà Thiên Chúa đặt để bên cạnh tôi?
3. “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”. Tôi có chọn lựa Thiên Chúa như là đích điểm duy nhất trong cuộc đời tôi? Tôi có thái độ như thế nào đối với tiền của? Tôi có thanh thoát trước những cám dỗ của tiền bạc?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa ban cho con người của cải và tài năng như phương tiện để đạt tới Nước Trời. Chúng ta hãy đồng thanh cảm tạ Chúa và cầu xin ơn biết quản lý và sử dụng ânhuệ Chúa ban cho xứng đáng.
1. “Ai trung tín trong việc nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn.” Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn trung tín và nhiệt thành với sứ vụ thông truyền đức tin và ban phát các bí tích hầu dẫn đưa nhiều người đến với nguồn mạch ơn cứu độ.
2. Sự chênh lệch giàu nghèo ở nhiều nơi trên thế giới vẫn không ngừng gia tăng. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị lãnh đạo các quốc gia luôn biết quan tâm đến các thành phần nghèo khổ thiếu thốn trong xã hội bằng những chính sách công bằng và phù hợp.
3. “Các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi Kitô hữu luôn trung thành tôn thờ một Thiên Chúa thánh thiện và duy nhất; đồng thời, biết sử dụng của cải vật chất cách khôn ngoan hợp với đức ái Kitô giáo.
4. “Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn hữu.” Chúng ta cùng cầu xin cho từng người trong cộng đoàn chúng ta luôn nhạy bén trước mọi nhu cầu của người chung quanh, và sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ cả tinh thần lẫn vật chất để họ được sống dồi dào và ý nghĩa.
Chủ tế: Lạy Chúa là nguồn sống và hạnh phúc cho con người, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban ơn Thánh Thần, giúp chúng con biết sống xứng đáng ở đời này hầu được kết hiệp vĩnh cửu với Chúa ở đời sau. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Các Thánh tử đạo Việt Nam
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa ngày 02/11: Cầu cho các tín hữu đã qua đời -
Phụng vụ Lời Chúa ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - Chúa nhật Truyền giáo -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 29 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 29 Thường niên năm B - Ngày Cầu nguyện xin Ơn chữa lành Thời đại dịch -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 27 Thường niên năm B - Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A