Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật XVIII thường niên năm C

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật XVIII thường niên năm C

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật XVIII thường niên năm C

CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN – C
(Gv 1,2; 2,21-23/ Cl 3,1-5.9-11/ Lc 12,13-21)

Chủ đề:
TÌM KIẾM NHỮNG GIÁ TRỊ THIÊNG LIÊNG

“Anh em hãy hướng lòng trí
về những gì thuộc thượng giới,
chứ đừng chú tâm
vào những gì thuộc hạ giới” 
(Cl 3,2)

I. CÁC BÀI ĐỌC

Của cải vật chất và những giá trị trần thế là những cám dỗ lớn đối với con người. Nhiều khi con người đắm chìm và bị cuốn hút bởi những giá trị này. Chúa Giêsu đã chiến thắng thế gian và mở ra cho con người con đường hướng tới Thiên Chúa. Người mời gọi con người tìm kiếm và sống cho những giá trị thiêng liêng.

Bài đọc I (Gv 1,2; 2,21-23)

Tác giả sách Giảng Viên nhấn mạnh tới sự phù vân của vật chất. Tất cả mọi sự trên cuộc đời không tồn tại mãi mãi. Tác giả sách Giảng Viên không phải là một con người bi quan về cuộc sống, nhưng có cái nhìn thực tế và đúng đắn về cuộc sống. Con người mãi mê chìm đắm vào những gì tại thế, vất vả tìm kiếm của cải vật chất để rồi không mang theo mình mãi mãi. “Quả thế, có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi lại phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết.” Sứ điệp sách Giảng Viên mời gọi con người chú tâm đến những giá trị thiêng liêng và siêu nhiên. Những giá trị này mới tồn tại mãi và đem lại cho con người ý nghĩa của đời sống.

Bài đọc II (Cl 3,1-5.9-11)

Thánh Phaolô tiếp nối sứ điệp của sách Giảng Viên khi ngài kêu mời các tín hữu Côlôxê tìm kiếm những giá trị siêu nhiên: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới.” Những giá trị siêu nhiên không phải là những giá trị không thực tế, mà là những giá trị đích thực cho đời sống của con người. Những gì thuộc thượng giới là những giá trị của công bằng, tình yêu. Chính sự phục sinh của Chúa Giêsu làm thay đổi con người. Họ được mời gọi để trỗi dậy khỏi những yếu đuối, ích kỷ và mặc lấy con người mới trong Đức Kitô. Đừng để cho những giá trị hạ giới cản trở những giá trị thượng giới mà chúng ta đã được lãnh nhận từ Chúa Giêsu Kitô.

Phúc Âm (Lc 12,13-21)

Một người trong đám đông xin Chúa Giêsu đứng ra làm quan tòa phân xử tài sản cho ông. Chúa Giêsu đã dùng hoàn cảnh ấy để dạy cho đám đông bài học về sự thanh thoát của tâm hồn khỏi những đam mê của cải vật chất: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được đảm bảo nhờ của cải đâu.” Của cải vật chất vẫn là cám dỗ mạnh mẽ đối với con người. Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn về một người phú hộ giàu có. Ông ta hài lòng và cảm thấy sự an toàn với của cải mình làm ra: “Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã.” Nhưng Chúa Giêsu đã chê trách thái độ của người phú hộ này: “Đồ ngốc! Nội đem nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” Chúa Giêsu kết thúc dụ ngôn với việc kêu mời mọi người hãy tìm kiếm những giá trị đích thực của Nước Trời, những giá trị làm đẹp lòng Thiên Chúa: “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.” Của cải vật chất không đem lại cho con người ý nghĩa đích thực của đời sống, nó chỉ có giá trị tạm thời và chỉ là phương tiện phục vụ cho con người. Đừng để cõi lòng dính bén với của cải trần thế.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. “Quả thế, có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi lại phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết.” Tôi có cái nhìn đúng đắn về cuộc sống và về những giá trị của đời sống? Tôi có tìm kiếm những giá trị thiêng liêng của đời sống? Hay tôi bị những giá trị trần thế cuốn hút?

2. “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới.” Tôi đã được trỗi dậy với Chúa Giêsu qua Bí tích Thánh tẩy, vậy tôi có nổ lực tìm kiếm những giá trị thuộc thượng giới, những giá trị của tình yêu, bác ái, tha thứ, công bằng? Hay tôi vẫn còn ngập chìm trong những giá trị của hạ giới, những giá trị của trần thế, ích kỷ, hận thù?

3. “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được đảm bảo nhờ của cải đâu.” Tôi có để cõi lòng mình dính bén việc ham muốn của cải vật chất? Tôi có can đảm sống cách thanh thoát khỏi mọi nô lệ của tiền bạc, danh vọng?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là nơi nương tựa vững chắc và nguồn hạnh phúc đích thực cho con người. Chúng ta hãy chân thành cảm tạ và tha thiết cầu xin Chúa giúp chúng ta biết tìm kiếm những gì thuộc thượng giới như Thánh Phaolô tông đồ nhắc nhở.

1. Hội Thánh có sứ mạng loan báo sứ điệp tình thương của Thiên Chúa cho nhân loại. Xin Chúa soi sáng và hướng dẫn những nỗ lực phục vụ con người của Hội Thánh, để ánh sáng Phúc Âm ngày càng rạng ngời trong thế giới hôm nay.

2. Của cải vật chất là phương tiện Chúa ban để con người sinh sống và chia sẻ cho nhau. Xin cho các nhà lãnh đạo trên thế giới luôn ý thức trách nhiệm tạo ra và phân phối của cải vật chất cách hợp lý, nhằm đem lại hạnh phúc cho mọi người.

3. Thánh Phaolô tông đồ nhắc nhở chúng ta đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Xin cho con người thời đại biết cảnh giác với chủ nghĩa hưởng thụ và khoái lạc, luôn khôn ngoan tìm kiếm và sống theo những giá trị Phúc Âm.

4. Làm giàu trước mặt Chúa là hết lòng vâng theo ý Chúa và yêu thương giúp đỡ mọi người. Xin cho từng người trong cộng đoàn chúng ta biết tương trợ và hợp tác với nhau trong bổn phận phụng sự Chúa cũng như phục vụ tha nhân.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin nhận những ước nguyện chân thành chúng con dâng lên Chúa. Xin giúp chúng con luôn biết tìm kiếm những giá trị thiêng liêng và trường tồn ngay trong cuộc sống hiện tại. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top