Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XIX Thường Niên - năm A

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XIX Thường Niên - năm A

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XIX Thường Niên - năm A

CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN A
1V 19,9a.11-13; Rm 9,1-5; Mt 14,22-33

Chủ đề:
TÌM GẶP CHÚA ĐỂ ĐƯỢC CHỞ CHE

Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!
(Mt 14,27)

I. CÁC BÀI ĐỌC

Ai trong chúng ta cũng đều muốn có một cuộc sống bảo đảm, an toàn, không gặp trở ngại hay khó khăn khiến mình phải lo sợ. Tuy nhiên, “đời không như là mơ” vì thực tế cuộc sống luôn có những gian nan thử thách: đó là nguy cơ. Tuy nhiên, trong những điều đó có “nguy” và có “cơ”. Có thể nó là “cơ hội” để chúng ta tìm đến nương ẩn nơi Chúa và củng cố đức tin của mình.

1. Bài đọc I (1V 19,9a.11-13)

Bài đọc 1 thuật lại sự kiện xảy ra thời vua Akháp cai trị nước Israel. Lúc đó, hoàng hậu Ideven đã đem thần ngoại Baal vào Israel và thiết lập việc thờ phượng thần này. Vua cũng chấp nhận việc thờ phượng thần Baal. Dân chúng đã nghe theo hoàng hậu và vua mà thờ thần dân ngoại. Trước tình cảnh đó, ngôn sứ Êlia đã tìm mọi cách, đã vào cuộc chiến một mất một còn, để lôi kéo dân Israel về với Thiên Chúa. Công việc này gặp phải sự cản trở từ các ngôn sứ của thần Baal, với sự hậu thuẫn của hoàng hậu và vua. Dù cuối cùng vị ngôn sứ của Thiên Chúa đã thắng các ngôn sứ của thần Baal, và thần này cũng bị tiêu diệt trên núi Cácmel, nhưng Êlia vẫn phải trốn để thoát khỏi sự truy diệt của bà hoàng hậu hung ác. Chính vì vậy, vị ngôn sứ cảm thấy chán chường và bất lực, đến mức xin Chúa lấy mạng sống của mình đi. Tuy nhiên, trong mối “nguy” đó lại có “cơ may”. Sau khi phải chạy một quãng đường dài đầy nguy hiểm và mệt mỏi về phía núi Khôrép để trốn, ông đã được gặp gỡ Thiên Chúa trong cảnh thanh bình. Tại đó, Thiên Chúa đã có một chương trình khác cho ông và ban cho ông sức mạnh để thi hành sứ vụ của mình theo ý Thiên Chúa.

2. Bài đọc II (Rm 9,1-5)

 Thánh Phaolô trong bài đọc 2 này cũng có tâm trạng giống với ngôn sứ Êlia trong bài đọc 1: đau buồn vì dân Israel không sống xứng đáng với ân huệ mà Thiên Chúa dành riêng cho họ. Dân Israel đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa là để giúp họ hướng về Đấng Mêsia/Kitô. Vì thế, khi thấy đồng bào Dothái của mình không tin nhận Đức Giêsu là Đấng Kitô, thánh Phaolô rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi. Ngài nói lên sự đau khổ này để thức tỉnh họ, vì tình yêu của ngài đối họ: ngài muốn họ được cứu độ bằng mọi giá, đến mức thánh nhân dù có bị nguyền rủa đi nữa, và nhấn mạnh bằng cách nói phóng đại rằng “ngay cả phải xa lìa Ðức Kitô”, thì ngài cũng cam lòng, nếu sự hy sinh này cứu được dân Israel, giúp họ tin vào Đức Giêsu là Đấng Kitô để được nên công chính hóa.

3. Bài Tin Mừng (Mt 14,22-33)

Trong lúc dân chúng hào hứng định tôn Ðức Giêsu làm vua, sau khi Người làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, cho họ được ăn no nê, thì Người lại giải tán họ, vì cách họ nhìn về Người như thế không phù hợp với sứ mạng Mêssia của Người. Cũng vì Đức Giêsu không muốn cách hiểu lệch lạc này của dân chúng tác động lên các môn đệ, nên Người buộc các ông phải chèo thuyền qua bờ bên kia, để vào nơi hoang vắng, thing lặng. Đức Giêsu đến trước vào trong nơi thanh vắng, tại đó, Người đã gặp gỡ Chúa Cha qua lời cầu nguyện.

Đức Giêsu kết hợp mật thiết với Chúa Cha, nhưng không quên các môn đệ vì biết họ đang vật lộn với sóng gió trên biển cả. Người để cho các môn đệ một khoảng thời gian thử thách và vật lộn với sóng gió vừa đủ. Đến gần sáng, Người mới đi trên mặt nước mà đến với họ. Các môn đệ tưởng Người là ma, nên đã sợ hãi kêu la. Ðức Giêsu trấn an họ: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”. Dù còn nghi ngờ có phải Thầy hay là không, ông Phêrô vẫn dám liều muốn rời thuyền xin Đức Giêsu cho ông đi trên mặt nước mà đến với Người. Đức Giêsu cho phép và ông mạnh dạn bước đi. Đó là dấu hiệu của một sự dấn thân nghiêm túc, chấp nhận khó khăn nguy hiểm để đến với Đức Giêsu. Tuy nhiên, vì còn sợ sệt, hoài nghi, kém tin nên ông sắp bị chìm khi gặp sóng lớn. Sợ sệt, hoài nghi và kém tin đã làm cho Phêrô trở nên nặng nề, sắp ngã, sắp chìm. Dù vậy, ông vẫn “bám vào Chúa” bằng cách kêu cứu: “Thưa Ngài, xin cứu con với!”. Chính lúc đó, Đức Giêsu đưa tay đỡ nâng ông. Sau biến cố này, ông Phêrô và các môn đệ đã thốt lên: “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa”.

 Phép lạ Đức Giêsu đi trên mặt nước và cứu ông Phêrô khỏi bị chìm vừa biểu lộ quyền năng của Đức Giêsu để cho biết Người là Đấng Mêsia, vừa cho thấy rằng Đức Giêsu luôn ở bên các môn đệ để nâng đỡ và cứu giúp họ trong mọi cảnh huống cuộc sống, nhất là trong những lúc họ gặp gian nan thử thách, để giúp họ vũng tin mà lái con thuyền về bến an toàn.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Trong đời sống đạo, để bảo vệ đức tin của mình, để bênh vực Chúa và bảo vệ Giáo Hội, Kitô hữu chúng ta phải chịu rất nhiều thiệt thòi, đến mức phải hy sinh mạng sống. Có khi những gian nan thử thách đó làm chúng ta chán nản như trong trường hợp của ngôn sứ Isaia. Chúng ta có nhận ra rằng những khó khăn đó có thể trở thành “cơ hội” để chúng ta tìm đến nương ẩn nơi Chúa và nhờ đó chúng ta có dịp củng cố đức tin, đức cậy và đức mến của mình hay không?

2. Bản chất của Giáo Hội và của mỗi người Kitô hữu là truyền giáo, và chúng ta đã thi hành sứ vụ đó tùy theo hoàn cảnh sống của mình. Tuy nhiên, trong khi thi hành sứ vụ này, chúng ta dễ thất vọng vì thấy có những khó khăn ngoại tại hay nội tại làm cho người khác không chịu đón nhận Tin Mừng. Chúng ta có nỗ lực làm tất cả, ngay cả hy sinh những quyền lợi của bản thân như thánh Phaolô đã làm để giúp họ tin vào Đức Giêsu Kitô để được cứu độ hay không?

3. Dù để các môn đệ phải gặp sóng to gió lớn, những bão tố cuộc đời nhằm giúp họ có cảm nghiệm về những gian nan thử thách để thanh luyện, hầu trưởng thành hơn trên hành trình theo Chúa, nhưng Đức Giêsu luôn ở bên cạnh các môn đệ để nâng đỡ chở che họ, Người sẵn sàng ban ơn phù trợ và cứu giúp khi họ kêu cầu. Chúng ta có nhận ra con đường theo Chúa là “con đường hẹp” của thử thách, khổ đau, nhục nhã, thậm chí thất bại theo cách nhìn của người đời; nhưng con đường đó là con đường giúp chúng ta đạt tới hạnh phúc viên mãn và trường tồn hay không? Chúng ta có ý thức rằng nếu chúng ta không ỷ lại vào sức mình nhưng hết lòng cậy dựa vào ơn Chúa phù trợ, biết kêu cầu Chúa “Thưa Ngài, xin cứu con với! thì Chúa sẽ đến nâng đỡ và giúp chúng ta vượt qua mọi thử thách gian nan hay không?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Đấng quyền năng cao cả, Người luôn hiện diện giữa những thăng trầm cuộc sống của con người và sẵn sàng đưa tay nâng đỡ, ngay cả khi chúng ta không nhận biết Người. Với trọn niềm tin tưởng cậy trông vào Chúa, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.

1. Chúa Giêsu luôn dành thời gian để gặp gỡ Chúa Cha qua việc cầu nguyện. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo hoàng Phanxicô, các Đức Giám mục và các Linh mục kín múc được nhiều sức mạnh và ơn khôn ngoan qua đời sống cầu nguyện, để luôn can đảm chèo chống con thuyền Hội Thánh giữa muôn ngàn sóng gió.

2. Nhiều người đã tin nhận Chúa Giêsu: “Quả thật, Thầy là Con Thiên Chúa.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các quốc gia còn có cái nhìn thành kiến và thái độ kỳ thị với Kitô giáo biết nhìn nhận tự do là quyền lợi căn bản của con người, hầu luôn tôn trọng và chung sống hòa bình với các anh chị em kitô hữu.

3. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những ai đang bị bách hại hoặc khủng hoảng đức tin, được ơn can đảm trước mọi thử thách, luôn vững lòng trông cậy vào tình thương và quyền năng của Chúa, để mau chóng vượt qua sóng gió và được vui sống bình an.

4. Ông Phêrô thưa với Chúa: “xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Thầy.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn nhiệt thành dấn thân trong các hoạt động tông đồ và bác ái, dám chấp nhận mọi khó khăn nguy hiểm để đến gần Chúa cũng như đưa người khác đến với Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa, chỉ có Chúa là nguồn ủi an và chốn tựa nương đích thật cho chúng con giữa bao hiểm nguy thế trần. Xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện cùng giúp chúng con luôn vững lòng tin tưởng và phó thác cuộc đời cho Chúa, để an vui tiến bước trên hành trình đức tin. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Top