Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật XIX mùa Thường Niên năm C
CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN NĂM C
(Kn 18,6-9; Dt 11,1-2, 8-19; Lc 12,32-48)
Chủ đề: TIN TƯỞNG VÀ HY VỌNG bằng TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG
“Hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ
thì Con Người sẽ đến” (Lc 12,40)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Các bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta hy vọng và tin tưởng vào Thiên Chúa, đồng thời thể hiện tinh thần đó bằng thái độ tỉnh thức và sẵn sàng trong đời sống đức tin.
1. Bài đọc I (Kn 18,6-9)
Bài đọc 1 trích từ sách Khôn Ngoan nhắc chúng ta bảo toàn đức tin trong cuộc sống, hầu vượt qua những trở ngại và khó khăn và thử thách để hướng về tương lai, dựa trên kinh nghiệm của dân Israel. Đoạn văn này ám chỉ đến biến cố vượt qua trong sách Xuất Hành, vì Thiên Chúa đã dùng mười tai ương qua trung gian ông Môsê, để tỏ lộ quyền năng tối cao của Người hầu giải thoát dân người đã chọn khỏi quyền lực của kẻ thù là Pharaô ở bên Aicập. Trong dịp đó, ông Môsê đã đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho Dân để chuẩn bị biến cố vượt qua này, và điều tối cần là họ phải hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa, nhờ đó sẽ được hưởng phần thưởng là miền Đất Hứa. Niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa được thể hiện qua việc tỉnh thức sẵn sàng trong đêm vượt qua, đó là “dâng lễ tế trong nhà, và đồng tâm nhất trí với nhau về luật sau đây của Thiên Chúa là có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia” (Kn 18,9). Với tinh thần như thế, họ đã vượt qua được tai ương, được Thiên Chúa chúc lành: chính Thiên Chúa đã tiêu diệt quân thù và cứu thoát Dân Người đã chọn.
Sách Khôn ngoan nhắc lại biến cố vượt qua này của cha ông nhằm khuyên dạy con cháu hãy sống xứng đáng là hậu duệ của thế hệ đã xuất hành khỏi Aicập, bằng cách tin tưởng và hy vọng vào lời hứa của Thiên Chúa, đồng thời tiếp tục xướng lên bài ca -bài ca diễn tả lòng tin tưởng và hy vọng vào Thiên Chúa- do cha ông truyền lại.
2. Bài đọc II (Dt 11,1-2, 8-19)
Bài đọc 2 cho chúng ta thấy đức tin và sự kiên nhẫn của tổ phụ Ápraham, của bà Sara vợ ông, và các con cháu là Isaác và Giacóp. Đức tin ở đây bao gồm sự tin tưởng và hy vọng vào Thiên Chúa, vì những gì Thiên Chúa hứa ban không chỉ thuộc về tương lai mà còn là điều không thấy (Dt 11,1).
Nhìn vào tấm gương đức tin của Tổ Phụ Ápraham, chúng ta thấy ông là người đã hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa bằng cách nghe theo tiếng gọi rời bỏ quê hương xứ sở mà hướng về Miền Đất Thiên Chúa hứa ban. Tại đây, ông đã sống trong những căn lều tạm, nhưng đầy tin tưởng và hy vọng vì ông vẫn hướng về một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng (Dt 11,10). Cũng nhờ niềm tin và hy vọng đó, tự thâm tâm, ông đang hướng về một Miền Đất Hứa đem lại hạnh phúc đích thực, vĩnh cửu mang chiều kích thiên đàng. Cũng nhờ đức tin và hy vọng, bà Sara đã sinh ra người con nối dòng khi tuổi đã xế bóng. Cũng nhờ đức tin và hy vọng, ông Ápraham sẵn sàng hiến dâng người con duy nhất của mình là Isaác. Khi làm như thế, ông đã hoàn toàn phó mặc tương lai của mình cho Thiên Chúa. Chính vì vậy, các ngài trở nên mẫu gương về lòng tín thác và kiên nhẫn chờ đợi điều tốt lành từ Thiên Chúa: sống giây phút hiện tại nhưng hướng về tương lai mà Thiên Chúa sẽ lo liệu; sống lữ hành trong miền đất tạm nhưng hướng về Miền Đất vĩnh cữu mà Thiên Chúa hứa ban. Lòng tín thác và kiên nhẫn như thế trở nên mẫu mực cho mỗi người Kitô hữu chúng ta trong đời sống đức tin.
3. Bài Phúc Âm (Lc 12,32-48)
Bài Phúc Âm hôm nay nhắc nhở chúng ta vượt qua mọi nỗi sợ hãi, tin tưởng vào Thiên Chúa và dồn hết năng lực để phục vụ người khác. Cách người ta sử dụng năng lực và của cải vật chất sẽ quyết định họ sẽ sở hữu được kho tàng dưới đất hay ở trên trời. Qua đó, Tin Mừng theo thánh Luca nhắc nhở rằng sự bảo đảm đích thực cho tương lai của con người không hệ tại vào sự giàu có vật chất, nhưng vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Nhắc đến tương lai là nhắc đến ngày trở lại trong vinh quang của Đức Giêsu vào ngày cánh chung. Tuy nhiên, không ai biết được ngày đó sẽ xảy đến khi nào. Do đó, Tin Mừng mời gọi người ta phải tỉnh thức và sẵn sàng, bằng cách thể hiện thái độ tin tưởng và hy vọng ngay trong đời sống hiện tại của mình. Hai dụ ngôn được kể tiếp nhau liên quan đến ông chủ và các đầy tớ minh họa cho ý tưởng trên. Ông chủ là hình ảnh Đức Giêsu Kitô lại đến trong ngày cánh chung, còn đầy tớ là những người Kitô hữu đang sống ở tại thế này.
Dụ ngôn thứ nhất liên quan đến mọi người Kitô hữu nói chung khi đề cập đến những người đầy tớ đợi ông chủ đi ăn cưới về. Họ phải tỉnh thức và sẵn sàng và đến mức hễ ông chủ về bất kỳ giờ nào và gõ cửa thì ra mở cửa ngay mà đón ông chủ. Tỉnh thức ở đây liên quan đến thái độ sẵn sàng và chờ đợi. Dụ ngôn thứ hai có liên quan đến những người được giao nhiệm vụ coi sóc cộng đoàn Dân Chúa, khi nói về người quản lý trung thành với chủ khi ông đi xa, bằng cách chu toàn nhiệm vụ đã được giao phó cho mình. Người quản lý sẽ sai lầm khi nghĩ rằng mình có thể làm điều mình muốn khi ông chủ vắng nhà, hoặc nghĩ rằng ông chủ sẽ còn lâu mới trở về nên không sắp xếp công việc cho phù hợp với thời gian. Như thế, tỉnh thức ở đây liên quan đến việc trung thành với nhiệm vụ được giao phó và thi hành công việc đó đúng thời đúng buổi.
Ông chủ có thể đến bất ngờ nhưng lại đem đến cho những người đầy tớ trung thành, sẵn sàng tỉnh thức niềm vui vì được ra đón chủ đúng lúc ông trở về; đồng thời sẽ được ông chủ thưởng công xứng đáng.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Khi biết chắc lời hứa mình tin là lời hứa nào, ...họ đồng tâm nhất trí về luật sau đây của Thiên Chúa là trong dân thánh, có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia. Chúng ta có ý thức được rằng việc tỉnh thức chờ đón Đức Giêsu lại đến mang chiều kích cộng đoàn, và thể hiện điều đó bằng việc sống tinh thần hiệp thông chia sẻ vui buồn với nhau trong đời sống hằng ngày hay không?
2. Đức tin bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều chúng ta không thấy. Nếu chúng ta đang sống trong hy vọng về miền Đất Hứa là thiên đàng, thì điều gì có thể giúp chúng ta hướng tới niềm hy vọng vào những điều chưa thấy đó, nếu không phải là đức tin? Chúng ta có ý thức rằng đức tin là một ân huệ Thiên Chúa ban, nhưng đức tin đó không thể tăng trưởng nếu chúng ta không nuôi dưỡng đức tin đó hằng ngày hay không? Làm cách nào để nuôi dưỡng đức tin, nếu không phải là việc chăm lo đời sống phụng vụ qua các Giờ Kinh và Thánh Lễ, chuyên chăm học Giáo Lý và Kinh Thánh, thi hành các giới răn, nhất là giới răn yêu thương?
3. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời. Sự tỉnh thức và trung thành có liên hệ với kho tàng vĩnh cửu ở trên trời và cách thế mà người Kitô hữu thực hiện để đạt tới kho tàng ấy. Chúng ta có ý thức được rằng của cải vật chất là tạm bợ, chóng qua, không phải là cùng đích, mà chỉ có thể là phương thế tốt nếu chúng ta sử dụng đúng cách để giúp chúng ta đạt được kho tàng đích thực trên thiên đàng hay không?
4. Ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc… khi chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy thì thật có phúc cho anh ta. Lời này mời gọi những ai đang được trao nhiệm vụ coi sóc cộng đoàn, cách này hay cách khác, cần suy nghĩ về cách thế mà mình đang thi hành trách nhiệm được giao. Mình có phải là người quản lý trung thành, làm theo ý chủ khi người vắng mặt, và thi hành trách nhiệm đúng thời đúng buổi, không được trì hoãn hay không? Đây là một trách nhiệm nặng nề vì đòi hỏi người đó chẳng những không được lạm quyền, mà còn phải luôn trung tín và không được tìm cách thoái thác hay trì hoãn. Vì thế, người Kitô hữu, một mặt cần cầu nguyện nhiều cho các vị có trách nhiệm trong Giáo Hội biết chu toàn trách nhiệm; mặt khác, biết cộng tác với các ngài để làm nên một cộng đoàn tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa đến.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Luôn trung tín trong bổn phận chính là thái độ khôn ngoan của con cái nước trời. Với quyết tâm luôn tỉnh thức chờ đợi cùng niềm cậy trông vào Thiên Chúa quan phòng, chúng ta hãy thành tâm dâng lời cầu nguyện:
1. Chúa Kitô đã ủy thác kho tàng đức tin cho Hội Thánh. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị mục tử trong Hội Thánh luôn nhiệt thành trong sứ vụ người quản lý trung tín, hăng say phục vụ Dân Chúa và tận tình phân phát kho tàng ơn thánh cho mọi người.
2. Chủ nghĩa hưởng thụ đang mê hoặc xã hội hiện tại. Chúng ta cùng cầu xin cho con người thời đại biết đặt cùng đích cuộc sống vào chính Thiên Chúa, luôn cảnh giác trước những hấp dẫn của thế gian và chăm lo tìm kiếm kho tàng vĩnh cửu trên trời.
3. “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng.” Chúng ta cùng cầu xin cho các bạn trẻ được thêm niềm xác tín vào sức mạnh của Lời Chúa, dám dấn thân trong việc loan báo tin mừng và trở nên ngọn đèn cháy sáng cho môi trường xã hội xung quanh.
4. Chúa Giêsu dạy: “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn sống tinh thần tỉnh thức bằng việc siêng năng lãnh nhận các bí tích và tích cực thực thi công bình bác ái.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện, và ban ơn trợ giúp để chúng con luôn trung tín chu toàn bổn phận Chúa trao, và thêm vững bước trên hành trình về bên Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Các Thánh tử đạo Việt Nam
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa ngày 02/11: Cầu cho các tín hữu đã qua đời -
Phụng vụ Lời Chúa ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - Chúa nhật Truyền giáo -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 29 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 29 Thường niên năm B - Ngày Cầu nguyện xin Ơn chữa lành Thời đại dịch -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 27 Thường niên năm B - Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A