Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô năm B
CHÚA NHẬT X MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B
LỄ TRỌNG
KÍNH MÌNH VÀ MÁU THÁNH
CHÚA KITÔ
Xh 24,3-8; Dt 9,11-15;
Mc 14,12-16.22-26
GIAO ƯỚC MỚI
TRONG MÁU CHÚA KITÔ
“Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta
khỏi những việc đưa tới sự chết”.
(Dt 9,14)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1: Xh 24,3-8
Sách Xuất Hành là quyển thứ hai trong bộ Ngũ Thư, tức 5 quyển sách đầu tiên của Kinh Thánh (Sáng Thế - Xuất Hành - Lê-vi - Dân Số và Đệ Nhị Luật). Về nội dung, sách Xuất Hành ghi lại hai cột mốc quan trọng trong lịch sử cứu độ: Cuộc Xuất Hành của dân Israel khỏi Ai-cập (chương 1-18), và việc Thiên Chúa thiết lập Giao Ước với họ tại Núi Sinai (chương 19-40). Đây là hai sự kiện nền tảng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chương trình của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại. Có thể nói được, phần lớn các sách còn lại của Kinh Thánh phản ánh sự tương tác, giải thích, ứng dụng, hay kiện toàn chương trình cứu độ của Thiên Chúa như đã được Người mặc khải trong sách Xuất Hành.
Xh 24,3-8 như thế thuộc về phần II của sách Xuất Hành, vốn tập trung vào việc trình bày Giao Ước Thiên Chúa ký kết với Dân Người tại Núi Sinai. Thật vậy, sách Xuất Hành cho chúng ta biết: Dân Israel đến Núi Sinai vào tháng thứ ba kể từ khi ra khỏi đất Ai-cập (x. Xh 19,1-2). Đa số các học giả Thánh Kinh đồng ý với nhau rằng Núi Sinai còn có tên gọi khác là Núi Horeb, là “Núi của Đức Chúa”, nơi Thiên Chúa đã hiện ra với ông Môisen và trao cho ông sứ mạng dẫn dắt Dân Người ra khỏi Ai-cập (x. Xh 3-4). Khi trao sứ mạng cho ông Môisen, Thiên Chúa cho ông một bảo chứng: “Đây là dấu cho ngươi biết là Ta đã sai ngươi: ‘Khi ngươi đưa dân ra khỏi Ai-cập, các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa trên núi này’” (Xh 3,12). Việc dân Israel đến được Núi Sinai là dấu chỉ cho thấy bảo chứng này đã thành hiện thực.
Tại Núi Sinai, Thiên Chúa đã ban Mười Điều Răn cho dân Israel (x. Xh 20,1-22), diễn tả những bổn phận chính yếu của họ với Thiên Chúa (x. Xh 20,1-11) và giữa họ với nhau (x. Xh 20,12-17). Thiên Chúa cũng ban cho dân Israel Bộ Luật Giao Ước, vốn bàn đến nhiều vấn đề về tôn giáo, hình sự, xã hội và kinh tế (x. Xh 20,22 – 23,19). Đặt ngay sau Mười Điều Răn, Bộ Luật Giao Ước đóng chức năng cụ thể hóa cách thức dân Israel tuân giữ Mười Điều Răn trong đời sống thường nhật của họ.
Khi Mười Điều Răn và Bộ Luật Giao Ước đã được ban cho dân Israel, sách Xuất Hành ghi lại nghi thức Ký Giao Ước giữa Thiên Chúa và Dân Người. Qua trung gian là ông Môisen, dân Israel nghe biết Luật Chúa, họ đã mau mắn thề hứa: “Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành” (Xh 24,3); còn nữa “Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo” (Xh 23,7). Tuy nhiên, câu chuyện về việc dân Israel thờ con bê vàng cho thấy mọi chuyện không dễ dàng như dân đã tưởng. Họ đã không tuân giữ những gì Chúa đã truyền, đặt tương quan Giao Ước giữa Thiên Chúa với họ vào tình trạng có nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn (x. Xh 32,1-35).
Trong nghi thức Ký Giao Ước giữa Thiên Chúa và Dân Người có một chi tiết đáng lưu ý: Nửa số máu được ông Môisen rảy trên bàn thờ trước khi ông đọc Sách Luật Giao Ước cho họ nghe (x. Xh 24,6-7); nửa số máu còn lại được ông Môisen rảy trên dân và nói: “Đây là máu giao ước Đức Chúa đã thiết lập với anh em dựa trên những lời này” (Xh 24,8). Vốn là biểu tượng của sự sống, máu của vật được sát tế hàm ý: nếu dân Israel tuân giữ Giao Ước mà họ ký kết với Thiên Chúa thì họ sẽ được sống; ngược lại, nếu họ bất tuân Luật Chúa, họ sẽ phải chết.
2. Bài đọc 2: Dt 9,11-15
Thư gửi tín hữu Do-thái có nét đặc trưng là trình bày dung mạo tuyệt vời của Đức Giêsu Kitô ngang qua những hình ảnh của Cựu Ước. Qua đó, tác giả lá thư muốn nêu bật sự trổi vượt của Đức Giêsu Kitô so với các vị ngôn sứ, các thiên thần, ông Môisen, các thượng tế, v.v.
Thư gửi tín hữu Do-thái nêu bật điểm này: Chúa Giêsu Kitô là Vị Thượng Tế Mới. Với của lễ hiến tế là chính Máu Người đổ ra, Đức Giêsu Kitô đã thiết lập Giao Ước Mới vĩnh cửu giữa Thiên Chúa và nhân loại.
Khi đọc Dt 9,11-15, chúng ta được mời gọi dừng lại, suy nghĩ và cầu nguyện với ở những điểm thiết yếu sau đây:
1. Đức Kitô đã “vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta” (c12).
2. “Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Người đã tự hiến tế như lễ vật toàn vẹn dâng lên Thiên Chúa” (c14).
3. “Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống” (c14).
Ba điểm trên đây nhấn mạnh đến hai điều: sự siêu việt của Chúa Giêsu Kitô, vị Thượng Tế Mới so với các vị thượng tế thời Cựu Ước và sự trổi vượt của hi lễ Chúa Giêsu Kitô so với hi lễ của [các] vị thượng tế thời Cựu Ước. Chúa Giêsu Kitô siêu vượt vì “Người chỉ vào [cung thánh] một lần thôi” so với [các] vị thượng tế thời Cựu Ước vào nơi cực thánh mỗi năm một lần. Vị thượng tế thời Cựu Ước “đem theo máu [chiên, bò] để dâng làm của lễ đền tội cho chính mình và cho dân”, còn Chúa Giêsu Kitô dùng chính Máu Mình làm hi lễ. Hiệu quả của việc hiến tế trong thời Cựu Ước là làm của lễ đền tội cho chính vị thượng tế và cho dân; còn việc Chúa Giêsu Kitô tự hiến mình mang lại sự sống mới cho nhân loại, và làm cho chúng ta biết cách thờ phượng Thiên Chúa cho xứng hợp.
3. Bài Tin mừng: Mc 14,12-16.22-26
Sách Tin Mừng theo thánh Marcô có nét đặc trưng riêng là không trình bày cho chúng ta biết về thời thơ ấu của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta bắt gặp một Đức Giêsu “đã trưởng thành” ngay từ đầu sách Tin Mừng này. Về mặt nội dung, 10 chương đầu của Sách Tin Mừng này ghi lại một cách cô đọng 3 năm Chúa Giêsu thi hành sứ vụ công khai của mình, trong khi 7 chương còn lại (chương 11-16) chính yếu ghi lại những tuần cuối cùng trong cuộc đời trần thế của Người.
Mc 14,12-16.22-26 thuộc về phần II của Sách, ghi lại việc chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu với các môn đệ của Người (cc12-16), cũng như việc Người thiết lập bí tích Thánh Thể (cc22-26). Bữa tiệc Vượt Qua gợi nhớ đến chương 12 sách Xuất Hành. Tại đó, Thiên Chúa đã truyền cho dân Israel cử hành Đại Lễ này hằng năm cho đến muôn đời (x. Xh 12,14), để mừng kính Đức Chúa, Đấng đã vượt qua các nhà của con cái Israel tại Ai-cập khi Người đánh phạt Ai-cập và cho các nhà của dân Israel thoát nạn (x. Xh 12,27).
Một số nét chính được nêu lên khi cử hành lễ Vượt Qua tại Ai-cập ở Xh 12:
1. Mồng mười tháng thứ nhất, mỗi nhà phải chuẩn bị một con chiên (x. c3). Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi (x. c5).
2. Con chiên được nhốt cho đến ngày mười bốn tháng đó, rồi được sát tế vào lúc xế chiều (x. c6).
3. Máu chiên được bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Còn thịt sẽ ăn ngay trong đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng (x. cc7-8).
4. Khi ăn: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Phải ăn vội vã (x. c11).
5. Đêm ấy, khi thấy máu [bôi trên khung cửa], Đức Chúa sẽ vượt qua, nhà ấy không bị tai ương tiêu diệt khi Người giáng họa trên đất Ai-cập (x. cc12-14).
Khi dùng bữa Vượt Qua cuối cùng với các môn đệ trước khi Người bước vào Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể. Người đã biến bánh thành Mình Người và rượu thành Máu Người, “Máu Giao Ước, đổ ra vì nhiều người” (x. Mc 14,22.24). Liên hệ đến Mình Thánh Chúa Kitô, thánh Luca có thêm chi tiết [in nghiêng]: “Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). 1Cr 11,24 cũng trình bày sự kiện tương tự như Lc. Liên hệ đến Máu Thánh Chúa Kitô, thánh Mátthêu có thêm chi tiết [in nghiêng]: “Máu Giao Ước, đổ ra cho nhiều người được tha tội” (x. Mt 26,28). 1Cr 11, 25 có thêm chi tiết: “mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”. Những chi tiết xuất hiện thêm ở các bản văn của Mt, Lc, đặc biệt của 1Cr, đóng một vai trò quan trọng, vì chúng giúp liên kết việc cử hành bí tích Thánh Thể nơi người Kitô với việc cử hành lễ Vượt Qua nơi người Do-thái. Đối với người Kitô hữu tại trần thế này, việc cử hành bí tích Thánh Thể diễn ra không phải hằng năm, mà là hằng ngày, để tưởng nhớ đến Đức Giêsu Kitô, cho đến khi Người lại đến.
II. GỢI Ý SUY TƯ PHẢN TỈNH
1. Theo bạn, mừng kính lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô chính yếu là mừng kính điều gì? Tại sao Chúa Giêsu Kitô lại thiết lập bí tích Thánh Thể cho chúng ta? Bạn cảm nghiệm được điều gì mỗi khi tham dự Thánh Lễ và được rước Mình và Máu Thánh Chúa?
2. Chúa Giêsu Kitô đã truyền cho các môn đệ: “anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”, lệnh truyền này đã được thực hiện như thế nào nơi cộng đoàn đức tin của bạn (giáo xứ, chủng viện, dòng tu, bệnh viện, trường học, v.v.)? Bạn nghĩ mình phải làm gì để cổ võ việc tham dự thánh lễ nơi các tín hữu Công giáo tại những nơi cụ thể nêu trên và tại không gian khác nữa?
3. Nhiều tín hữu có lòng khao khát được rước lấy Mình và Máu Thánh Chúa, nhưng họ còn gặp phải nhiều ngăn trở có thể về không gian, sức khỏe, tình trạng hôn nhân gia đình, v.v. Theo bạn, giáo xứ, cộng đoàn đức tin, hay chính bạn, cần làm gì cho họ?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta bằng chính Mình và Máu Ngài, và ở lại với nhân loại cho đến tận thế. Chúng ta đồng thanh cảm tạ Chúa và khẩn khoản cầu xin.
1. Chúa Giêsu là vị Thượng Tế cao cả đã hiến tế chính mình chỉ một lần là đủ đem lại ơn cứu độ muôn đời. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị mục tử trong Hội Thánh biết noi gương Thầy Chí Thánh, hết mình hy sinh phục vụ đoàn chiên mà Chúa trao phó.
2. Chúa Giêsu là tấm bánh bẻ ra cho một thế giới mới. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người ở mọi quốc gia biết vượt qua những rào cản ngăn cách về sắc tộc, văn hóa và tín ngưỡng để chân thành hợp tác với nhau vì một thế giới hòa bình và hạnh phúc.
3. Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh đời sống Kitô giáo. Chúng ta cùng cầu xin cho các Kitô hữu được thêm lòng mến yêu sùng kính bí tích cao trọng này, siêng năng tham dự bàn tiệc Thánh Thể hầu tìm thấy sức mạnh và lẽ sống cho cuộc đời.
4. Thánh Thể là bí tích của hiệp nhất và bình an. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta khi cùng chia sẻ một bánh và một chén cũng được hiệp nhất với nhau, làm nên một thân thể để cùng nhau dấn thân xây dựng nước trời trong đức ái.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã lập Bí tích Thánh Thể để ở cùng chúng con luôn mãi. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con khi đón nhận thần lương Chúa ban, biết hăng hái phụng sự Chúa và phục vụ mọi người. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Các Thánh tử đạo Việt Nam
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa ngày 02/11: Cầu cho các tín hữu đã qua đời -
Phụng vụ Lời Chúa ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - Chúa nhật Truyền giáo -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 29 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 29 Thường niên năm B - Ngày Cầu nguyện xin Ơn chữa lành Thời đại dịch -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 27 Thường niên năm B - Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A