Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm C
LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
(Is 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Lc 3,15-16.21-22)
TUYỂN CHỌN VÀ SAI ĐI
“Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người.
Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.” (Cv 10,38)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1
Đoạn trích từ sách ngôn sứ Isaia là bài ca thứ nhất về Người Tôi Trung mà Thiên Chúa gởi đến để an ủi và khích lệ dân Chúa đang sống trong cảnh lưu đày tại Babylon. Bài ca này cho thấy ơn gọi, phẩm chất và sứ mạng của Người Tôi Trung.
Trước hết, bài ca nói về ơn gọi và dấu chỉ ơn gọi của Người Tôi Trung. Người Tôi Trung là người được Thiên Chúa tuyển chọn, mời gọi và tỏ lòng quý mến. Dấu chỉ của sự tuyển chọn này là việc Thiên Chúa ban thần khí và sai đi thi hành sứ mạng được giao phó. Vì được Thiên Chúa tuyển chọn và mặc lấy thần khí của Ngài, Người Tôi Trung hoàn toàn trung thành với sứ mạng được giao phó.
Sau nữa, bài ca nói đến phẩm chất của Người Tôi Trung. Thật vậy, Người Tôi Trung trong bài ca thứ nhất này là người hiền lành và đầy tình thương xót. Người hiền lành nên không lớn tiếng ở nơi công cộng; Người đầy lòng thương xót đến nỗi không nỡ bẻ gãy cây lau bị giập hay dập tắt tim đèn còn khói. Phẩm chất của Người Tôi Trung không phải là sức mạnh hay uy quyền đáng sợ mà là lòng từ bi, thương xót. Dù đầy lòng thương xót, Người Tôi Trung lại “không yếu hèn, không chịu phục” (Is 42,4) cho đến khi hoàn tất sứ mạng của mình.
Cuối cùng, bài ca đề cập đến sứ mạng của Người Tôi Trung. Bài ca nhắc đi nhắc lại nhiều lần sứ mạng của Người Tôi Trung là “làm sáng tỏ công lý” hay “thiết lập công lý” trước muôn dân (Is 42,1.3.4). “Công lý” của Thiên Chúa là ánh sáng soi cho muôn nước, để “mở mắt cho những ai mù lòa, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong tối tăm” (Is 42,7).
2. Bài đọc 2
Đoạn trích từ sách Công vụ Tông đồ là phần đầu bài giảng của thánh Phêrô ở Xêdarê cho ông Coneliô, viên sĩ quan Rôma và gia đình của ông để giúp họ hoán cải và chịu phép rửa.
Trước hết, thánh Phêrô khẳng định rằng Thiên Chúa là Đấng công bằng với tất cả mọi người, dù họ là ai, thuộc bất cứ dân tộc nào. Bất cứ ai “kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành” thì đều được Ngài tiếp nhận. Vì thế, không chỉ dân Do thái mà cả dân ngoại, nếu sống ngay lành, thì đều được Thiên Chúa đón nhận. Đây là một việc làm có tính cách cách mạng vì từ trước đến nay các Tông Đồ chưa nghĩ đến việc cho người ngoại gia nhập Giáo hội.
Sau nữa, thánh Phêrô xác nhận rằng Đức Giêsu, Đấng xuất thân từ Nadarét, Đấng được Thiên Chúa “dùng Thánh Thần và quyền năng” mà xức dầu tấn phong, chính là “Chúa của mọi người”. Thật vậy, Đức Giêsu là Chúa của cả người Do thái lẫn dân ngoại; Người không chỉ được sai đến để “thi ân giáng phúc” và “chữa lành” cho riêng một dân tộc nào. Người thật là “Tin Mừng bình an” cho tất cả mọi người.
3. Bài Tin Mừng
Bối cảnh đoạn Tin Mừng Luca cho thấy việc dân chúng đang trông ngóng một Đấng Mêsia. Trong thâm tâm họ, Gioan chính là Đấng mà họ đang trông chờ. Tuy nhiên, lời chứng của Gioan lại hướng sự chờ mong của dân chúng vào Đức Giêsu, Đấng Mêsia phải đến.
Trước hết, Đức Giêsu là Đấng Mêsia, tuy đến sau ông Gioan, nhưng lại lớn hơn ông. Dù ông Gioan có những phẩm chất nhìn bề ngoài giống Đấng Mêsia làm cho mọi người thắc mắc về căn tính của ông, nhưng lời chứng của ông Gioan xóa tan mọi thắc mắc: “Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho người”. Một người có thế giá như ông Gioan mà chẳng đáng cúi xuống như một nô lệ để cởi quai dép, thì Đấng đến sau phải cao trọng hơn ông rất nhiều. Đấng cao trọng, “Đấng mạnh thế” như vậy chỉ có thể là Thiên Chúa. Như thế, lời chứng của ông Gioan khẳng định về căn tính thần linh của Đức Giêsu.
Sau nữa, thánh Luca phân biệt phép rửa của Gioan là phép rửa bằng nước, phép rửa mang dấu chỉ hữu hình của việc sám hối để được ơn tha tội (Lc 3,3), và phép rửa của Chúa Giêsu “trong Thánh Thần và lửa”. Phép rửa bằng nước tỏ lòng người sám hối là điều kiện, là sự chuẩn bị cần thiết để được đón nhận phép rửa trong Thánh Thần sẽ được ban xuống vào ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2,1-4). Lửa là biểu tượng của sự thanh luyện; lửa cũng là biểu tượng của việc tuôn đổ Chúa Thánh Thần xuống trên những người lãnh nhận (Cv 2,3-4). Như thế, phép rửa bằng nước là dấu chỉ bên ngoài của việc sám hối, còn phép rửa “trong Thánh Thần và lửa” là dấu chỉ của ân ban và sức mạnh của Thánh Thần, Đấng thanh luyện tâm hồn con người.
Cuối cùng, sự kiện Đức Giêsu chịu phép rửa được thánh Luca đặt trong một khung cảnh của mối tương quan mật thiết giữa Người với Chúa Cha và Thánh Thần qua cử chỉ cầu nguyện. (Chỉ mình thánh Luca mô tả việc Đức Giêsu nhận lấy Thánh Thần đang khi Người cầu nguyện.) Quả vậy, Đức Giêsu chịu phép rửa không phải để tỏ lòng sám hối vì Người vốn là Đấng vô tội (Hr 4,15), nhưng là để khai mạc sứ vụ của Đấng Mêsia của Thiên Chúa, Đấng tuy đến sau nhưng lại là “Đấng mạnh thế hơn” vì được Chúa Thánh Thần chứng thực và được Thiên Chúa Cha tôn vinh là “Con yêu dấu”.
Lời chứng của ông Gioan hướng đến Đức Giêsu, Đấng Mêsia mà dân đang trông ngóng. Người là “Đấng mạnh thế”, được Chúa Cha và Thánh Thần chứng thực và tôn vinh, Đấng sẽ ban ơn Thánh Thần để thanh luyện tâm hồn con người.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG
1/ Người Tôi Trung là người được Thiên Chúa tuyển chọn, ban thần khí và sai đi “làm sáng tỏ công lý” của Thiên Chúa. Với bản chất hiền lành và đầy lòng thương, Người Tôi Trung đem lại ánh sáng cho người mù, ơn giải thoát cho kẻ bị giam cầm. Ơn gọi, sứ mạng và phẩm chất của Người Tôi Trung được hoàn tất trọn vẹn nơi Đức Giêsu. Tôi có sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa để trở thành tôi trung của Ngài?
2/ Thánh Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng được Thiên Chúa “dùng quyền năng và Thánh Thần” mà xức dầu tấn phong để mang “Tin Mừng bình an” không chỉ cho dân Israel mà còn cho dân ngoại nữa. Qua Bí tích Rửa tội, tôi cũng được xức dầu để thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng cho mọi người. Tôi có ý thức về sứ mạng truyền giáo của mình? Tôi có sẵn sàng đến với dân ngoại để loan báo Tin Mừng cho họ?
3/ Qua việc lãnh nhận phép rửa tại sông Giođan, Chúa Giêsu khai mạc sứ vụ công khai của Đấng Mêsia mà dân chúng đang mong đợi. Được Thánh Thần chứng thực và được Chúa Cha tôn vinh là “Con yêu dấu”, Chúa Giêsu đến làm phép rửa “trong Thánh Thần và lửa”, nghĩa là thanh luyện tâm hồn con người và trao cho họ ơn Thánh Thần để chia sẻ sứ mạng với Người. Tôi có ý thức về sức mạnh của Chúa Thánh Thần trong đời sống và sứ mạng của một Kitô hữu?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi Gioan tại sông Giođan, Chúa Cha đã ban Thánh Thần và xác nhận thần tính của Ngài. Trong tâm tình tri ân Thiên Chúa đã trao tặng Con Một yêu dấu cho nhân loại, cộng đoàn chúng ta hãy tin tưởng dâng lời cầu xin.
1. Hội Thánh là gia đình của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh, luôn hiệp nhất và liên đới với nhau trong sứ mạng trở nên dấu chỉ lòng thương xót và sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa thế giới.
2. Chúa Giêsu là nguồn ánh sáng và niềm hy vọng cho con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những ai đang khát khao tìm kiếm chân lý sớm nhận biết Thiên Chúa là Cha và Đức Giêsu Kitô là Đấng được Người sai đến để cứu chuộc nhân loại.
3. “Chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu trong Năm Thánh này biết nỗ lực tái khám phá lòng thương xót của Thiên Chúa và luôn sống triệt để cam kết của bí tích Rửa tội.
4. “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn ý thức sống ơn gọi làm con Thiên Chúa bằng việc tuân giữ lời Chúa và thực thi công bình bác ái trong mọi hoàn cảnh.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, xin nhận lời chúng con cầu nguyện. Xin thương ban Chúa Thánh Thần để Ngài thánh hóa và giúp chúng con luôn sống xứng đáng với tư cách là con cái Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Chúa Hiển Linh
-
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Chúa Hiển Linh -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Thánh Gia Thất năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Các Thánh tử đạo Việt Nam -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - Chúa nhật Truyền giáo -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm A