Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 7 Thường niên năm C

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 7 Thường niên năm C

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 7 Thường niên năm C

(1 Sm 26, 2. 7-9. 12-13. 22-23; 1 Cr 15, 45-49; Lc 6, 27-38)
NHÂN TỪ NHƯ THIÊN CHÚA

“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”
(Lc 6,36)

Yêu để được yêu lại; làm ơn để được đền ơn; cho vay thì mong có lãi… là cách sống theo những tính toán hơn thiệt của con người. Các môn đệ Chúa Giêsu được mời gọi vượt lên trên lối tính toán theo kiểu thế gian để sống theo những tiêu chuẩn của Thiên Chúa.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1:

Đặt trong bối cảnh vua Saolê đang lùng bắt ông Đavít, bài đọc trích sách Samuen đề cao sự công chính của ông Đavít trong cách đối xử với người được xem như kẻ thù của mình.

Dù Đavít là người bị truy bắt nhưng Thiên Chúa đứng về phía ông. Người đã cho một giấc ngủ mê ập xuống trên vua Saolê và tất cả các thuộc hạ thân tín của vua, nhờ đó ông Đavít và thuộc hạ có thể dễ dàng vào trại, lấy đi cây giáo và bình nước của vua mà không bị ai phát hiện. Thiên Chúa như đã trao vua Saolê vào tay ông Đavít nhưng ông lại không coi vua Saolê như một kẻ thù cần phải loại trừ, mà là một người cần phải tôn trọng vì vua đã được Thiên Chúa xức dầu tấn phong.

Quả vậy, ông Đavít đã từ chối cơ hội loại trừ vua Saolê; ông “không muốn tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong” (1 Sm 26,23), vì ông hiểu rằng “có ai tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong mà vô sự đâu?” (1 Sm 26,9). Là một người công chính, nên dù biết Thiên Chúa đứng về phía mình, nhưng ông Đavít cũng hiểu rằng mạng sống và vương quyền của vua Saolê là do Thiên Chúa thì chỉ mình Người mới có quyền quyết định.

Ông Đavít cho thấy mình là người công chính và trung thành với lề luật của Thiên Chúa; và đó là lý do để Thiên Chúa ban thưởng cho ông chứ không phải vì công trạng giết được kẻ thù: “Xin Đức Chúa thưởng công cho mỗi người tuỳ theo sự công chính và lòng trung thành của họ” (1 Sm 26,23). Ngoài ra, chúng ta tự hỏi tại sao ông Đavít lại lấy cây giáo và bình nước của vua Saolê: Phải chăng tác giả muốn ngụ ý rằng ông Đavít đã lấy đi sức mạnh, uy quyền và nguồn sống của vua Saolê, dù ông từ chối lấy đi mạng sống của vua?

 

2. Bài đọc 2:

Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gởi các tín hữu Côrintô dùng các cặp hình ảnh trái ngược nhau: “Ađam đầu tiên” và “Ađam cuối cùng”, “sinh khí” và “thần khí”, “bởi đất” và “từ trời” để nói về sự biến đổi của con người khi được phục sinh.

Con người sinh ra mang nơi mình hình ảnh của Ađam đầu tiên, một sinh vật có sinh khí do bởi đất mà ra nên thuộc về đất, nghĩa là phải trải qua cái chết. Tuy vậy, con người có một niềm hy vọng lớn lao khi có sự xuất hiện của Ađam cuối cùng, Đấng phát xuất từ trời, là thần khí ban sự sống, để dù “mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh của Đấng từ trời mà đến” (1 Cr 15,49).

Thật vậy, con người vốn là loài phải chết lại được Thiên Chúa ban cho Đức Kitô là thần khí ban sự sống, để những ai tin vào Người thì cũng được mặc lấy sự sống thần linh (x. Ga 3,16.36; 6,47). Con người có sinh khí bởi đất mà ra sẽ có ngày trở về với đất, nhưng những ai mặc lấy Đức Kitô thì mang trong mình mầm mống của sự phục sinh và sẽ được biến đổi để “mang hình ảnh của Đấng từ trời mà đến”.

3. Bài Tin Mừng:

Bài giảng trên núi đặt ra cho các môn đệ những đòi buộc theo tiêu chuẩn của một Thiên Chúa nhân từ, để xứng đáng với phần thưởng lớn lao mà Thiên Chúa sẽ ban.

Giáo huấn của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ chia thành ba nhịp ba. Một là ba điều đòi buộc: Hãy yêu thương, chúc lành và cầu nguyện cho những người thù ghét, nguyền rủa và vu khống. Hai là ba hướng dẫn cụ thể cho những tình huống khác nhau: nếu bị vả má bên này thì đưa má bên kia; bị đoạt áo ngoài thì cho cả áo trong; ai xin thì cho mà đừng đòi lại. Ba là lý do cho ba hoàn cảnh khác nhau: Nếu chỉ yêu thương người yêu thương mình; làm ơn cho những người mình mang ơn; cho vay với hy vọng đòi lại, thì bất cứ ai, ngay cả những người bị xem là tội lỗi, cũng làm được.

Dựa trên những giáo huấn đó, Chúa Giêsu đưa ra kết luận gồm ba điều: Hãy yêu thương kẻ thù, làm ơn và cho vay mà không hy vọng được đáp trả vì chính Thiên Chúa sẽ ban thưởng tương xứng. Thật vậy, khi chấp nhận chịu thua thiệt ở đời này, các môn đệ sẽ trở nên những người con của Thiên Chúa Tối Cao, Đấng tỏ lòng nhân hậu với tất cả mọi người. Vì là con cái của một Thiên Chúa nhân từ, các môn đệ cũng cần phải thực hiện ba đòi buộc để trở nên giống Thiên Chúa từ nhân: Đừng xét đoán, đừng lên án, và hãy tha thứ.

Để trở nên con cái của một Thiên Chúa nhân từ, các môn đệ của Đức Kitô được mời gọi sống theo giáo huấn của Tin Mừng: Đó là yêu thương ngay cả những kẻ ghen ghét, thù oán mình; làm ơn mà không mong đền đáp vì tin rằng Thiên Chúa sẽ ban thưởng cách tương xứng với “đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn”.

II. GỢI Ý ÁP DỤNG:

1/ Ông Đavít đã vượt thắng được cám dỗ trả thù khi kẻ thù ở trong tầm tay ông. Ông hiểu rằng sự sống của người được Thiên Chúa xức dầu, dù là kẻ thù của ông, nằm trong tay Thiên Chúa và chỉ mình Người mới có quyền quyết định. Cách hành xử của ông Đavít cho thấy ông xứng đáng được Thiên Chúa thưởng công vì sự công chính và lòng trung thành (x. 1 Sm 26,23). Trả thù dường như là một phản ứng tự nhiên của con người khi bị xúc phạm hay bị đe doạ, nhưng vượt thắng xu hướng trả thù mới là phẩm chất của con cái Thiên Chúa. Chỉ mình Thiên Chúa, Đấng ban sự sống, mới có quyền quyết định tối hậu trên sự sống và cái chết của con người.

2/ Đối với thánh Phaolô, Đức Kitô Phục Sinh thay đổi thân phận con người từ tình trạng giống Ađam đầu tiên, chỉ có sinh khí, bởi đất mà ra, trở nên con người có thần khí vì được chia sẻ sự sống thần linh của Đức Kitô. Con người không thể tránh khỏi cái chết nhưng có thể mặc lấy sự sống bất diệt của Đức Kitô khi sống theo lời Người và nên một với Người nhờ bí tích Thánh Thể. Đức Kitô Phục Sinh thật là niềm hy vọng lớn lao và là cùng đích viên mãn cho mọi Kitô hữu.

3/ Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ của Người thoát ra khỏi lối sống tính toán theo kiểu thế gian mà sống theo những tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Là con cái của một Thiên Chúa nhân từ, hay thương xót và quảng đại thứ tha, người môn đệ cũng được mời gọi theo gương Thầy Giêsu sống trao ban cách quảng đại, rộng lượng thứ tha và yêu thương cả những người mình không ưa. Càng sống nhân hậu với hết mọi người, trao ban mà không tính toán, và tha thứ cách vô điều kiện, người Kitô hữu càng trở nên giống Thiên Chúa, Đấng sẽ ân thưởng cách dư tràn cho những ai sống theo đường lối của Người.


III. LỜI NGUYỆN CHUNG:

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người đã tuôn đổ lòng thương xót hải hà trên nhân loại tội lỗi qua cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu. Tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa, cộng đoàn chúng ta cùng dâng lời nguyện xin:
1. “Có ai đưa tay phạm đến Đấng Chúa đã xức dầu mà vô tội đâu”. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn tận tình với sứ vụ mục tử, trở nên những chứng tá sống động cho lòng thương xót của Thiên Chúa, và được nhiều người yêu mến kính trọng.
2. “Các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy.” Chúng ta cùng cầu xin cho các dân tộc trên thế giới biết xóa đi mọi tranh chấp hận thù, đón nhận lẫn nhau trong tinh thần tôn trọng và cộng tác, để mọi người được sống trong hòa bình và hạnh phúc.
3. “Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán.” Xin cho mọi Kitô hữu, cách riêng là thành viên trong những gia đình đang gặp khó khăn, biết chân thành lắng nghe nhau, luôn quảng đại tha thứ và nỗ lực hoàn thiện bản thân, để được Thiên Chúa yêu thương chúc phúc.
4. “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ”. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết noi gương nhân hiền của Chúa, luôn nhạy bén trước nhu cầu của người chung quanh, dấn thân phục vụ với tình yêu chân thành và vô vị lợi.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương nhận những ước nguyện của cộng đoàn chúng con, và ban ơn trợ giúp cho chúng con biết để tâm tìm kiếm và thực thi những điều đẹp ý Chúa.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

 

Top