Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 6 Phục sinh năm A
(Cv 8,5-8.14-17; 1 Pr 3,15-18; Ga 14,15-21)
VAI TRÒ CỦA THÁNH THẦN
“Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em
một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”. (Ga 14,16)
Gió muốn thổi đâu thì thổi; người ta nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy (x. Ga 3,8). Sự tác động của Thánh Thần thật diệu kỳ, nhẹ nhàng nhưng hiệu quả, làm cho hạt giống Tin Mừng có từ muôn thuở, nảy mầm và lớn lên nơi sứ vụ của Chúa Giêsu, lớn mạnh trong đời sống Giáo hội, từ lúc khai sinh cho đến nay, và tiếp tục mãi về sau.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1:
Cuộc bách hại Giáo hội tại Giêrusalem đã phân tán các môn đệ mỗi người mỗi nơi (x. Cv 8,1), mang sứ điệp Tin Mừng Phục Sinh rao giảng cho nhiều vùng khác nhau (x. Cv 8,4). Dẫu gặp nhiều khó khăn, Giáo hội mẹ tại Giêrusalem vẫn quan tâm duy trì sự hiệp nhất nhờ ơn Thánh Thần.
Trước hết, sự kiện ông Philípphê đến Samari giảng Đức Kitô cho dân cư ở đó và họ vui mừng đón nhận lời rao giảng của ông, cho thấy sức lan tỏa và sự linh hoạt của việc loan báo Tin Mừng. Dù trong khó khăn do bách hại, Tin Mừng về Đức Kitô Phục Sinh vẫn tiếp tục lan tỏa nhờ sự can đảm và hăng say của sứ giả mang Tin Mừng. Dù bị người Do thái xem như dân ngoại, dân Samari vẫn không bị loại ra ngoài trong sứ vụ rao giảng của Giáo hội sơ khai; và đó chính là niềm vui của họ khi được đón nhận Tin Mừng, một Tin Mừng không loại trừ bất kỳ ai dù họ thuộc dân tộc, quốc gia, tôn giáo hay tầng lớp nào.
Hơn nữa, để bày tỏ sự quan tâm, nâng đỡ và tinh thần hiệp thông, Giáo hội mẹ tại Giêrusalem đã cử hai ông Phêrô và Gioan đến với Giáo hội địa phương tại Samari. Ngay từ thời Giáo hội sơ khai, các Tông đồ đã ý thức về tầm quan trọng của sự hiệp thông trong Giáo hội. Sự hiệp thông này không chỉ mang tính nâng đỡ mục vụ, mà trên hết là liên kết và hiệp nhất trong Giáo hội nhờ ơn Thánh Thần. Quả vậy, dù đã chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu, nhưng các tín hữu tại Samari chưa nhận được Thánh Thần. Sự liên kết hiệp thông trở nên tròn đầy khi có sự hiện diện của đại diện các Tông đồ; việc các ngài đặt tay, cầu nguyện để ơn Thánh Thần xuống trên các tín hữu giúp liên kết các tín hữu với nhau, với các Tông đồ và với Giáo hội mẹ Giêrusalem. Thánh Thần quả thật là Đấng liên kết và hiệp nhất mọi tín hữu trong Giáo Hội.
2. Bài đọc 2:
Viết cho các Kitô hữu đang sống giữa những người ngoại giáo, tác giả thư thứ nhất Phêrô khích lệ họ sống theo gương mẫu Đức Kitô, dù phải chấp nhận thiệt thòi, để làm chứng cho niềm hy vọng mà họ đặt nơi Người.
Đức Kitô là Đấng công chính mà đã sẵn sàng chết cho những kẻ bất lương, thì đến lượt các Kitô hữu là môn đệ của Người cũng được mời gọi sống công chính, hiền hòa, theo lương tâm ngay thẳng. Chính lối sống đó sẽ là câu trả lời cho bất cứ lời vu khống, dèm pha, làm cho họ phải thẹn thùng xấu hổ. Khi sống như thế, các Kitô hữu có thể phải chịu thiệt thòi, kỳ thị nhưng “thà chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là ý của Thiên Chúa, còn hơn là vì làm điều ác” (1 Pr 3,17).
Đức Kitô đã chết và đã được phục sinh nhờ Thánh Thần, để dẫn đưa các tín hữu đến cùng Thiên Chúa. Đó chính là niềm hy vọng cao cả nhất mà các tín hữu được mời gọi sẵn sàng làm chứng bằng chính đời sống của mình cho những người xung quanh. Thật vậy, sự thánh thiện của Đức Kitô là gương mẫu để các Kitô hữu noi theo. Dù bị những cám dỗ theo lối sống xấu xa, các Kitô hữu được khích lệ hãy trung thành với niềm tin vào Đức Kitô và sống trong niềm hy vọng vào Người, để có thể trả lời cho bất cứ ai chất vấn về đức tin và niềm hy vọng của mình.
3. Bài Tin Mừng:
Chương 14 Tin Mừng thứ tư mô tả khung cảnh thân mật giữa Chúa Giêsu và các môn đệ trong những giờ phút cuối cùng trước khi Người rời xa các ông. Người dành những lời tâm huyết để an ủi và khích lệ tinh thần các ông bằng cách mạc khải về tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Tình yêu chính là sợi dây liên kết bền chặt, kết hợp Chúa Cha và Chúa Giêsu thế nào, thì đó cũng là mối dây liên kết Chúa Giêsu và các môn đệ. Bằng cách giữ các điều răn Chúa Giêsu đã dạy, mà trên hết là giới răn mới, giới răn yêu thương (Ga 13,34-35), các môn đệ được liên kết với Chúa Giêsu và Chúa Cha trong tình yêu, nhờ đó các ông sẽ hiểu cách sâu xa hơn, tròn đầy hơn mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa (Ga 14,21). Mầu nhiệm tình yêu đó chính là Thánh Thần, Đấng được Chúa Cha ban cho các môn đệ. Cũng như Thánh Thần tình yêu liên kết Chúa Cha và Chúa Giêsu thế nào, Thánh Thần cũng liên kết các môn đệ vào trong mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa như vậy.
Đồng thời, Thánh Thần cũng chính là sự sống được ban cho các môn đệ. Rồi đây Chúa Giêsu không còn ở trong trần gian với các môn đệ, nhưng nhờ Thánh Thần, Người vẫn sống giữa các môn đệ và làm cho cuộc sống của các ông trở nên sống động (Ga 14,19). Dù Chúa Giêsu không còn ở với các ông nữa, nhưng Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ, sẽ tiếp tục ở với các môn đệ để các ông không phải mồ côi, vì nhờ ơn Thánh Thần, các môn đệ sẽ luôn cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giêsu luôn mãi.
Như vậy, qua đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu hé lộ mạc khải sâu xa về mầu nhiệm Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Giêsu và Thánh Thần. Đó là mầu nhiệm về Thiên Chúa tình yêu. Ai kết hợp với Thiên Chúa tình yêu bằng việc tuân giữ Lời Chúa Giêsu, thì được hiệp thông với Thiên Chúa, được thông phần sự sống thần linh của Ngài nhờ ơn Thánh Thần.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG
1/ Sách Công vụ Tông đồ cho thấy ơn Thánh Thần được ban qua việc cầu nguyện và đặt tay của các Tông Đồ. Chính Thánh Thần liên kết và hiệp nhất các cộng đoàn khác nhau trong Giáo Hội. Nơi đâu thực sự có ơn Thánh Thần, ở đó chắc chắn có sự hiệp nhất. Trách nhiệm của người Kitô hữu là làm sao để ơn Thánh Thần mà mình lãnh nhận qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức không trở nên vô nghĩa và không đem lại lợi ích cho sự hiệp nhất của cộng đoàn mình đang thuộc về.
2/ Theo gương Đức Kitô là Đấng “bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe, nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình” (1 Pr 2,23), các Kitô hữu cũng được mời gọi sống hiền hoà theo lương tâm ngay thẳng khiến những người ngoại giáo không thể chê trách được điều gì. Hơn nữa, dù là Đấng công chính, Đức Giêsu chấp nhận chết cho những kẻ bất chính, để khi sống lại, Người trở nên nguồn hy vọng cho các Kitô hữu. Đến lượt các Kitô hữu cũng được thôi thúc làm chứng về niềm hy vọng phục sinh cho những người xung quanh.
3/ Có gì cao quý hơn tình yêu? Còn gì quý giá hơn sự sống? Làm sao để được kết hợp với Thiên Chúa tình yêu? Làm thế nào để được thông phần sự sống thần linh của Ngài? Chỉ có con đường Giêsu, con đường tuân giữ Lời Chúa mới dẫn người Kitô hữu đến cùng Thiên Chúa để biết yêu và được yêu, để được thông chia sự sống bất diệt của Ngài. Chỉ những ai biết mở lòng ra đón nhận ơn Thánh Thần thì mới không phải sống trong cảnh mồ côi, nhưng được tháp nhập vào trong mầu nhiệm tình yêu và sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa Cha sẽ ban tặng Thánh Thần cho những ai yêu mến và tuân giữ lệnh truyền của Đức Kitô, giúp họ hoàn tất ơn gọi và sứ mạng của mình. Trong niềm tin tưởng và phó thác vào quyền năng Thiên Chúa, công đoàn chúng ta cùng tạ ơn Người và dâng lời cầu nguyện.
1. “Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác.” Chúng ta cùng cầu xin Chúa tuôn đổ Thánh Thần trên Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hàng Giám mục và các Linh mục, giúp các ngài chu toàn trách vụ dẫn dắt đoàn chiên được Chúa ủy thác.
2. Các tông đồ đặt tay trên dân chúng, và họ nhận lãnh Thánh Thần. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo trên thế giới được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, biết hành động theo sự thật, tích cực đẩy lùi dịch bệnh và sớm phục hồi cuộc sống cho người dân.
3. Thánh Phêrô nhắc nhở: “Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu luôn thấm nhuần tinh thần Tin Mừng mà trở nên chứng nhân cho tin yêu và hy vọng giữa thế giới tục hóa hôm nay.
4. “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn của Thầy.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết thể hiện lòng yêu mến Chúa qua việc tuân giữ các giới răn, và tận tâm chu toàn bổn phận đối với gia đình cũng như cộng đoàn.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, xin thương chúc lành cho những ý nguyện của chúng con và ban tràn đầy ân huệ Thánh Thần, giúp chúng con luôn hăng say trong sứ vụ loan báo niềm vui Tin Mừng giữa thế giới hôm nay. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Các Thánh tử đạo Việt Nam
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa ngày 02/11: Cầu cho các tín hữu đã qua đời -
Phụng vụ Lời Chúa ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - Chúa nhật Truyền giáo -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 29 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 29 Thường niên năm B - Ngày Cầu nguyện xin Ơn chữa lành Thời đại dịch -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 27 Thường niên năm B - Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A