Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 Thường niên năm B

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 Thường niên năm B

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 Thường niên năm B

(Đnl 18,15-20; 1 Cr 7,32-35; Mc 1,21-28)

UY QUYỀN CỦA LỜI CHÚA

“Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy
như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư”
(Mc 1,27)

I. CÁC BÀI ĐỌC

Thiên Chúa nói với con người thông qua lời của các ngôn sứ, qua trung gian là chính Chúa Giêsu và qua các tác giả thánh. Lời uy quyền của Thiên Chúa làm cho người ta khiếp sợ, xua trừ cả sức mạnh sự dữ, nhưng cũng là lời cứu độ, lời an ủi và yêu thương, được thể hiện nơi lời nói và cuộc sống của Chúa Giêsu, Lời đầy đủ, trọn vẹn và chóp đỉnh của Thiên Chúa dành cho nhân loại (x. Hr 1,1-4).

1. Bài đọc 1

Trong lịch sử dân Chúa, các ngôn sứ đóng một vai trò quan trọng. Họ được tuyển chọn để thông truyền lời của Thiên Chúa cho dân, giúp dân sống theo đường lối của Người.

Trước hết, các ngôn sứ là những người do Thiên Chúa chọn để làm trung gian giữa Thiên Chúa và dân Người. Quả vậy, Thiên Chúa mặc khải cho dân tại núi Khôrép là một Thiên Chúa oai nghiêm và đáng sợ, đến nỗi dân không dám trực tiếp nghe tiếng Người, không dám nhìn vào Người kẻo phải chết (Đnl 18,16) nên phải nhờ qua trung gian của ông Môsê. Vì thế, thể theo lời thỉnh nguyện của dân, Thiên Chúa chọn từ trong dân các ngôn sứ để làm trung gian giữa Thiên Chúa và dân, dựa theo hình mẫu của ngôn sứ Môsê.

Hơn nữa, các ngôn sứ là những người nói lời Thiên Chúa: “Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy” (Đnl 18,18). Đây là tiến trình gồm hai bước: Một là, ngôn sứ phải để cho Thiên Chúa đặt lời Người vào miệng mình (x. Is 51,16; Gr 1,9), để lời Người chiếm lấy môi miệng và thanh tẩy lời lẽ của mình; hai là, một khi đã đón nhận lời Chúa, ngôn sứ chỉ nói lời của Chúa, nói những gì Thiên Chúa truyền dạy mà không được thêm bớt, cắt xén hay làm sai lệch. Bất cứ vị ngôn sứ nào hoặc không nói lời Thiên Chúa, hoặc nhân danh bất cứ vị thần nào khác mà nói đều bị trừng phạt cách nghiêm khắc (Đnl 18,20).

Sau cùng, dân cần đón nhận lời của vị ngôn sứ như lời của Thiên Chúa. Vì được chính Thiên Chúa tuyển chọn và được chính lời Chúa thanh tẩy môi miệng, sứ điệp ngôn sứ không còn là lời người phàm mà là lời Thiên Chúa: “Lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa” (2 Pr 1,21). Vì thế, dân Chúa có bổn phận lắng nghe và đón nhận sứ điệp ngôn sứ như chính lời của Thiên Chúa. Ai không đón nhận thì sẽ bị Thiên Chúa hạch tội (Đnl 18,19).

Tóm lại, ngôn sứ là những người được Thiên Chúa tuyển chọn từ giữa dân, được đón nhận lời Chúa và chỉ nói lời Chúa mà thôi. Sứ điệp ngôn sứ đích thật là lời Chúa, nên dân phải lắng nghe và đón nhận.

2. Bài đọc 2

Thánh Phaolô dành trọn chương 7 thư thứ nhất Côrintô để nói về đời sống hôn nhân cũng như độc thân. Đối với thánh nhân, dù mỗi bậc sống đều có những bổn phận và trách nhiệm riêng biệt, nhưng ngài vẫn muốn đề cao đời sống thuộc trọn về Chúa để chỉ lo việc Chúa mà thôi.

Những người sống đời hôn nhân có trách nhiệm với người bạn đời của mình. Họ tìm cách làm đẹp lòng nhau, chăm sóc, lo lắng cho nhau. Đó là lẽ thường tình của điều mà thánh Phaolô gọi là “lo lắng việc đời”. Tuy nhiên, người sống đời hôn nhân cũng có bổn phận “gắn bó với Chúa” trong một mức độ nhất định (1 Cr 7,35), nên họ “bị chia đôi” khi vừa phải “lo lắng việc đời” vừa “gắn bó với Chúa” nên dễ bị “giằng co”. Đó là giới hạn của những người sống đời hôn nhân trong việc phụng sự Chúa theo cái nhìn của thánh Phaolô.

Trái lại, những người sống đời độc thân thì thuộc trọn về Chúa; họ được kêu gọi để làm đẹp lòng Chúa. Đối với thánh Phaolô, độc thân là bậc sống lý tưởng để dành trọn cả cuộc đời, trọn con người cả hồn lẫn xác, cả con tim để phục vụ và làm đẹp lòng Thiên Chúa. Lý tưởng của người sống đời độc thân, theo thánh nhân, là “chuyên lo” việc của Chúa; cuộc đời của họ không có mối bận tâm, lo lắng nào khác ngoài công việc của Chúa và để làm đẹp lòng Người.

Tóm lại, vì không muốn “anh chị em phải lo lắng điều gì” (7,32), cũng như “mong tìm lợi ích cho anh chị em” và “để anh chị em được gắn bó với Chúa mà không bị giằng co” (7,35), thánh Phaolô đưa ra “đề nghị” (7,35) về một lối sống thuộc trọn về Chúa và chuyên lo việc Chúa mà thôi.

3. Bài Tin Mừng

Cách giảng dạy và hành động của Đức Giêsu trong hội đường Caphácnaum cho thấy uy quyền của lời phát xuất từ môi miệng Người; lời có sức mạnh trổi vượt so với lời của các ngôn sứ trong Cựu Ước.

Thứ nhất, lời của Đức Giêsu có thẩm quyền từ Thiên Chúa. Dù Đức Giêsu không tự xưng mình là ngôn sứ, nhưng phần lớn sứ mạng công khai của Người dành cho việc giảng dạy dân chúng. Điểm khác biệt trong cách giảng dạy của Đức Giêsu được dân chúng ghi nhận vì “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền” (x. Mc 1,22; 2,10; 11,33). Trong khi các ngôn sứ là những người nói lời Thiên Chúa, Đức Giêsu chính là “Con Thiên Chúa” (Mc 1,1.11), nên lời của Người đích thực là lời Thiên Chúa, lời có thẩm quyền của chính Thiên Chúa, chứ không như lời giảng dạy của các kinh sư (x. Mc 1,22).

Thứ hai, lời của Đức Giêsu có uy quyền khuất phục thần ô uế. Quả vậy, lời uy quyền của Đức Giêsu được biểu lộ qua việc Người ra lệnh cho thần ô uế và nó phải chịu khuất phục (x. Mc 1,25). Chính thần ô uế cũng biết và thừa nhận thẩm quyền của Đức Giêsu qua việc tuyên xưng Người là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1,24; x. Lc 4,34). Trong toàn bộ Tân Ước, lời tuyên xưng này chỉ một lần nữa được đặt trên môi miệng của ông Phêrô (x. Ga 9,69). Khi tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”, Đấng đã nhận lấy Thánh Thần (x. Mc 1,9-11) và sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần (x. Mc 1,8), tác giả Máccô muốn nhấn mạnh rằng Đức Kitô thật sự được Thiên Chúa thánh hiến. Là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”, Người ở trong thế đối nghịch với “thần ô uế”; Người dùng lời quyền năng không chỉ trong việc giảng dạy mà còn để xua trừ thế lực sự dữ.

Thứ ba, lời của Đức Giêsu mang lại giáo huấn mới mẻ. Thật vậy, Tin Mừng Máccô ghi nhận sự kinh ngạc và thán phục của dân chúng khi lắng nghe lời giảng dạy đầy uy quyền của Đức Giêsu vì lời Người thực sự là “giáo lý mới mẻ” (x. Mc 1,27); lời giáo huấn của Người mở ra một thời đại mới, trong đó con người được lắng nghe và chứng kiến lời uy quyền của Thiên Chúa cách trực tiếp và hoàn toàn mới mẻ, chứ không còn cần qua trung gian gián tiếp là các ngôn sứ nữa.

Tin Mừng Máccô một lần nữa làm nổi bật Đức Giêsu như là Đấng có lời thẩm quyền của Con Thiên Chúa, lời có sức mạnh khuất phục thần ô uế, lời mang lại giáo huấn mới mẻ và trực tiếp.

II. GỢI Ý ÁP DỤNG

1/ Ngôn sứ là những người được Thiên Chúa tuyển chọn từ giữa dân, được đón nhận lời Chúa và chỉ nói lời Chúa mà thôi. Qua bí tích Rửa Tội, các Kitô hữu cũng được Thiên Chúa tuyển chọn để làm ngôn sứ cho Người. Ý thức về sứ mạng ngôn sứ, mở lòng để đón nhận lời từ Thiên Chúa và trung thành nói lời Người là lời mời gọi và đòi buộc của ơn gọi Kitô hữu. Nói lời của Chúa không chỉ bằng lời mà bằng hành động, bằng gương sống.

2/ Theo thánh Phaolô, dù sống độc thân hay sống đời hôn nhân, người ta đều có bổn phận “phụng thờ Thiên Chúa”. Vì thế, trong khi xác định rõ bổn phận mà những người sống đời hôn nhân phải có đối với nhau, thánh nhân vẫn muốn đề nghị một lối sống hoàn toàn thuộc về Chúa và chuyên lo việc Chúa để không phải lo lắng, vướng bận, giằng co. Tuy vậy, dù sống theo ơn gọi nào, người ta đều cần dành cho Chúa một chỗ đứng riêng biệt trong cuộc đời của mình.

3/ Tin Mừng Máccô làm nổi bật hình ảnh Đức Giêsu là Đấng nói lời uy quyền, lời phát xuất từ Thiên Chúa, lời mang lại giáo lý mới mẻ và có sức mạnh xua trừ thần ô uế. Lời của Thiên Chúa đã hóa thân thành Đấng là Ngôi Lời sống giữa nhân loại. Đức Giêsu, Lời của Thiên Chúa, vẫn tiếp tục là uy quyền xua trừ sự dữ, là lẽ sống cho những ai tìm kiếm ý nghĩa mới cho cuộc đời, và là ánh sáng cho những người muốn kiếm tìm chân lý, vì “lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105).

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa có thẩm quyền trên muôn vật muôn loài và trên cả quỉ thần hay sự dữ. Lời của Người giải thoát và đem lại lẽ sống cho tất cả chúng ta. Ý thức thân phận yếu đuối của con người, cộng đoàn chúng ta cùng tôn vinh quyền năng của Thiên Chúa và tin tưởng dâng lời cầu xin:

1. Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có uy quyền trong hội đường của người Do thái. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh, luôn xác tín sức mạnh tái sinh của Lời Chúa Kitô và hăng say rao giảng lời Chúa cho con người thời đại.

2. Thế lực ma quỉ và sự dữ luôn tác động trong đời sống xã hội hôm nay dưới nhiều hình thức. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo quốc gia luôn biết can đảm đứng về phía sự thật và sự thiện, để nỗ lực bảo vệ người dân và gìn giữ hòa bình thế giới.

3. Chúa Giêsu đã dùng lời uy quyền để chữa lành người bị thần ô uế ám. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đang đau khổ về tinh thần và thể xác ở khắp nơi trên thế giới, tìm được niềm an ủi và sức mạnh chữa lành nơi Lời Chúa và các bí tích của Hội Thánh.

4. Danh tiếng Chúa Giêsu được đồn ra khắp vùng lân cận xứ Galilêa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết tích cực tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” và luôn ý thức làm vinh danh Chúa trong cuộc sống hằng ngày.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha chí thánh, nhờ Con Một Chúa là Đức Giêsu Kitô, Chúa đã giải thoát chúng con khỏi quyền lực sự dữ và ban tặng đời sống mới. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con luôn sống xứng đáng với ân huệ Chúa ban. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Top