Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm B

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm B

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm B

(2Sm 7,1-5.8-12.16; Rm 16,25-27; Lc 1,26-38)

NƠI ĐỨC GIÊSU KITÔ, THIÊN CHÚA KIỆN TOÀN LỜI HỨA CỦA NGƯỜI

“Thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa,
tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít”

(Lc 1,26-27)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (2Sm 7,1-5.8-12.16)

Sau khi đánh chiếm Giêrusalem và rước hòm bia Đức Chúa về thành (2Sm 5-6), vua Đavít nghĩ tới việc xây dựng một ngôi nhà xứng hợp cho Đức Chúa (c.1-2), nhưng Thiên Chúa, qua lời ngôn sứ Nathan, đã cho vua Đavít một lời hứa lạ lùng rằng: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi” (c.12-13). Thuật ngữ “nhà” trong Kinh Thánh được hiểu không chỉ là một ngôi nhà xây, mà còn là một dòng dõi, một thế hệ, và chính nghĩa thứ hai này mà lời ngôn sứ muốn nói.

Rồi có một ngày năm 587 tCGS, khi quân Babilonia phá hủy thành thánh Giêrusalem, đánh dấu chấm hết cho vương triều Đavít và các con ông. Những ai đã nghe qua lời sấm của ngôn sứ Nathan năm xưa ắt hẳn sẽ phải bị thử thách bởi lòng tin khi cho rằng Thiên Chúa có lẽ đã quên đi lời hứa của Người năm xưa khi tuyên sấm về một vương triều Đavít vững bền và vô cùng tận.

Tuy vậy, chính trong những năm tháng lưu đày loạn lạc, Israel đã nhận ra rằng lời hứa Thiên Chúa không thể sai lạc, và một viễn cảnh tương lai không xa, từ dòng dõi Đavít, chắc chắn sẽ xuất hiện một Đấng giải thoát và như thế niềm tin và mong đợi về một Đấng Messia đã bắt đầu.

2. Bài đọc II (Rm 16,25-27)

Bài đọc II là một vinh tụng ca kết thúc,tóm lược nội dung chính yếu của thư Rôma. Ở đây, “Tin Mừng” mà thánh Phaolô rao giảng được đặt nền tảng trên Đức Giêsu Kitô, trong đó chứa đựng mạc khải “mầu nhiệm” kế hoạch của Thiên Chúa cho con người.

Kế hoạch này có tính liên tục với mạc khải trước đây của Thiên Chúa qua các ngôn sứ và Thánh Kinh, và giờ đây đã được tỏ tường, đó là: mục đích ơn cứu rỗi của Thiên Chúa được thông báo cho muôn dân biết và cần phải được đón nhận trong đức tin và sự tuân phục của loài thụ tạo trước Đấng Tạo hóa. Chính Người là Đức Chúa Duy Nhất, là nguồn mạch sự khôn ngoan đích thực, được tỏ bày qua Đức Giêsu Kitô. Giờ đây, nơi Đức Giêsu Kitô, chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa đã vun trồng nơi con người một kế hoạch tốt đẹp từ ngàn đời.

3. Bài Tin Mừng (Lc 1,26-38)

Bài Tin Mừng thuật lại lời truyền tin của sứ thần Gabriel cho Đức Maria. Kinh Thánh không thiếu những loại trình thuật này, và hầu hết đều muốn diễn tả khía cạnh kỳ diệu và lạ thường của các cuộc sinh hạ, và xem đó như là một ân huệ từ trời, và sứ mạng mang ơn giải thoát mà các nhân vật này mang đến có nguồn gốc từ Thiên Chúa.

Thông thường chúng ta có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến hình ảnh Đức Maria và bối cảnh truyền tải sứ điệp qua sứ thần, nhưng ý định của trình thuật lại muốn làm nổi bật người con của Maria: Đấng Messia sẽ xuất thân từ đâu ?

Trong khi mọi ánh mắt đổ dồn về Giêrusalem để trông chờ sự can thiệp của Thiên Chúa như lời hứa năm xưa, thì Thiên Chúa lại hướng về một vùng quê hẻo lánh mà tên của nó chưa được nhắc đến lần nào trong Cựu ước, và sau này ông Nathanaen phải thốt lên: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được ?” (Ga 1,46).

Và nơi đó, Thiên Chúa đã không chọn vị anh hùng như Samson, Đavít hay Salômon, nhưng lại là một thiếu nữ Do Thái đồng trinh bình dị.

Nếu đối với Kitô giáo, đồng trinh là một lý tưởng tôn giáo, thì truyền thống ngôn sứ lại diễn tả một ý nghĩa khác, ý nghĩa của giao ước, và nhiều lần Giêrusalem được gọi là “trinh nữ, cô gái Sion” (Is 37,22, Gr 18,13; 31,4.21.22) để diễn tả sự trung tín của Israel với Thiên Chúa trước thế lực ngoại bang, trong đó, chính Người là Đức Lang quân, luôn ao ước được kết duyên với hiền thê của Người là Israel (Hs 2,18-22).

Nhưng trong những giai đoạn bi kịch của lịch sử, Giêrusalem hoang tàn, thiếu vắng ơn thánh, thì thiếu nữ Sion lại bị ví như một thiếu nữ không chồng, “bị ruồng bỏ”, là “phận bạc duyên đơn” (Is 62,4). Tuy vậy, lời hứa về một tương lai không xa vẫn vang vọng, khi đó, Giêrusalem sẽ được Thiên Chúa “đem lòng sủng ái”, và sẽ được gọi là “ái khanh”, là “đất được kết duyên” (Is 62,4).

Có thể nói, lời hứa của Thiên Chúa năm xưa qua miệng các ngôn sứ năm xưa như Nathan, Hôsê, Isaia, Giêrêmia, hôm nay, đã được đặt để trên môi miệng sứ thần, và được thánh Luca diễn tả như là một sự kiện toàn, và qua Đức Maria, trinh nữ Sion, được chào với tên gọi mới “Đấng đầy ân sủng”, Thiên Chúa đã kết ước với nhân loại bằng chính Người Con yêu của mình, và đổ đầy ân sủng và ơn cứu độ cho chúng ta: đó chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng Messia được đoan hứa và trông đợi, là Con Thiên Chúa: “Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,32-33).

Lời thưa Fiat của Đức Maria (fiat mihi secundum verbum tuum) trong biến cố truyền tin không chỉ đơn giản là một lời xin vâng, nhưng còn là tiếng thưa Amen, một lời nguyện cầu diễn tả niềm cậy trông, phó thác, tin tưởng, với lòng ao ước rằng lời Chúa và kế hoạch yêu thương của Người sớm được thực hiện và kiện toàn.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. Kinh nghiệm đức tin của dân Israel luôn bị thử thách trong dòng lịch sử. Thế nhưng, dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, Thiên Chúa vẫn luôn một mực tín trung trong lời hứa ban ơn cứu độ của Người. Như dân Do Thái năm xưa, đức tin của chúng ta hôm nay cũng luôn bị thử thách bởi những nghịch cảnh khó khăn. Liệu rằng trong những hoàn cảnh đó, chúng ta vẫn luôn tín thác vào tình thương và lòng thương xót của Chúa ?

2. Thư Rôma khẳng định Đức Giêsu Kitô là mạc khải tỏ tường về mầu nhiệm của Thiên Chúa cho con người, và mầu nhiệm đó được loan báo cho muôn dân qua biến cố Con Thiên Chúa làm người. Là người tín hữu, tôi có sẵn sàng đón nhận mầu nhiệm đó bằng đức tin và sự vâng phục thánh ý như lời kêu mời của thánh Phaolô không ?

3. Lặng nhìn Hài Nhi Giêsu nơi máng cỏ, tôi nhận ra: có một kế hoạch đầy yêu thương từ ngàn đời mà Thiên Chúa dành cho chính tôi, cho cả người anh chị em tôi, và cho cả và nhân loại. Tôi có như Đức Maria, sẵn sàng đáp trả bằng hai tiếng Fiat-Amen ?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Qua phụng vụ Chúa Nhật IV Mùa Vọng hôm nay, Hội Thánh làm nổi bật hình ảnh Đức Maria như là gương mẫu cho tất cả những ai đang khao khát đón chào Đấng Cứu Thế. Trong tâm tình cảm tạ và với quyết tâm sống theo gương Mẹ, cộng đoàn chúng ta cùng dâng lời ý cầu nguyện:

1. Thiên thần Gabriel được Chúa sai đến truyền tin cho Đức Maria. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh, luôn ý thức và tích cực dấn thân trong sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ cho con người thời đại hôm nay.

2. Triều đại của Đấng Thánh sắp đến sẽ bền vững trường tồn. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi dân tộc trên thế giới biết qui phục vương quyền của Thiên Chúa cùng nỗ lực xây dựng một thế giới hòa bình và chứa chan tình yêu thương huynh đệ.

3. Thiên thần nói với Đức Maria: “không có việc gì mà Chúa không làm được.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đang gặp thử thách trong đức tin được thêm niềm hy vọng để luôn tín thác vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa.

4. Đức Maria thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết khiêm tốn và sẵn sàng thưa tiếng “xin vâng” theo gương Đức Mẹ trước mọi ý định của Thiên Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin thương nhậm lời chúng cầu nguyện và giúp chúng con biết noi gương Mẹ Maria sẵn sàng đón nhận và cộng tác vào công trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô, Con Một Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Top