Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm A
Kn 6,13-17 – 1Thes 4,12-17 – Mt 25,1-13
TỈNH THỨC LÀ KHÔN NGOAN
“Vậy hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào giờ nào.” (Mt 25,13)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I – Kn 6,13-17
Sự khôn ngoan trong chương 6 đã được tác giả nhân cách hóa thành Đức Khôn Ngoan. Sau khi nói về việc bậc vua chúa phải tìm kiếm Đức Khôn Ngoan (Kn 6,1-12), tác giả sách khôn ngoan bàn về việc Đức Khôn Ngoan gặp gỡ con người (Kn 6,13-21). Đây cũng là nội dung chính của bài đọc I được diễn tả qua hai cách trình bày khác nhau:
- Đức Khôn Ngoan để cho con người gặp gỡ qua kiểu trình bày theo logic nhân-quả: Ai mến chuộng sẽ cho chiêm ngưỡng, ai kiếm sẽ cho gặp, ai khao khát sẽ cho biết, ai tìm sẽ thấy, ai suy niệm sẽ minh mẫn hoàn hảo, ai thức khuya dậy sớm vì Đức Khôn Ngoan sẽ trút được lo âu.
- Đức Khôn Ngoan chủ động đến với con người qua kiểu nói: niềm nở xuất hiện trên mọi nẻo đường của con người, liền đến khi con người suy tưởng.
Phương thế để đạt tới Đức Khôn Ngoan là ham muốn học hỏi, là yêu mến, là tuân giữ lề luật của Đức Khôn Ngoan. Lòng khao khát Đức Khôn Ngoan sẽ làm cho con người nên hàng vương giả.
2. Bài đọc II – 1 Thes 4,12-17
Nội dung xoay quanh câu trả lời cho vấn nạn được cộng đoàn tại Thessalonica đặt ra về số phận của những người chết trước khi Chúa trở lại, cũng như về số phận của những kẻ còn sống vào ngày Chúa trở lại.
Khởi đi từ xác tín nền tảng của đức tin Kitô giáo vào một Đức Giêsu đã chết và đã phục sinh, Thánh Phaolô xác tín: người Kitô hữu có cơ sở để hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ đem những người đã an nghỉ đến làm một với Người.
Ngoài ra Thánh Phaolô còn cho biết một vài chi tiết có liên quan đến ngày Chúa trở lại: khi tiếng loa của Thiên Chúa vang lên, những người đã chết sẽ trỗi dậy trước hết, để cùng với chúng ta, những kẻ còn đang sống, được nhấc lên trên các tầng mây để nghênh đón Đức Kitô trên không trung, và như thế chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi.
3. Bài Tin mừng – Mt 25,1-13
Đây là một trong một loạt các dụ ngôn của bài giảng về ngày cánh chung, nhằm minh định rõ thế nào là sự khôn ngoan cần thiết của con người khi phải đối diện với ngày tận cùng sẽ xảy đến.
Từ khóa giúp hiểu dụ ngôn ‘mười trinh nữ’ được tìm thấy trong lời kết luận của Chúa Giêsu sau khi kể dụ ngôn: Vậy anh em hãy tỉnh thức vì anh em không biết ngày nào giờ nào. Nhưng thế nào là tỉnh thức ? Vài hình ảnh nổi bật của dụ ngôn giúp hiểu thái độ tỉnh thức: - Trinh nữ - cầm đèn sáng - mang theo bình dầu dự phòng - đúng thời.
Trong lăng kính của bữa tiệc cánh chung, những hình ảnh soi sáng cho những thái độ cần có của mỗi Kitô hữu: Thái độ trong sạch qua hình ảnh các trinh nữ – đức tin với những hành động như hình ảnh chiếc đèn luôn cháy sáng (Gc 2,17) – đức ái với những việc làm như hình ảnh chiếc bình dầu dự phòng (1Cr 13) – thời gian thích hợp như lời cảnh tỉnh đúng thời, đúng buổi.
Như thế, mười cô trinh nữ trong dụ ngôn diễn tả hình ảnh của một cộng đoàn giáo hội trong tư cách là hiền thê, đang trông mong Đức Kitô - Vị lang quân, trở lại để cùng vào dự bữa tiệc cánh chung, bữa tiệc Nước Trời.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. ‘Những ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan sẽ được gặp.’ Đức Khôn Ngoan khi được nhân cách hóa muốn nói đến chính Thiên Chúa là nguồn mạch mọi khôn ngoan. Ngài luôn sẵn lòng tỏ mình cho tất cả những ai kiếm tìm hay kêu cầu Người. Vấn đề là khi con người bị quay quắt giữa vô vàn những nhu cầu, những tất bật, những tham vọng của trần thế, liệu họ có còn tỉnh táo để nhận ra nhu cầu nền tảng của mọi nhu cầu là Thiên Chúa hay không ? Và nếu có nhận ra liệu họ có còn đủ sức để kiếm tìm Đấng Khôn Ngoan đích thực đó không ?
2. ‘Thiên Chúa sẽ đem họ đến làm một với Người.’ Bầu khí tháng 11 giúp Giáo hội hướng lòng về các anh chị em đã ra đi trước thời gian Đức Giêsu trở lại trong vinh quang. Thánh Phaolô đã minh định cho các tín hữu Thessalônica rằng: thân xác những anh chị em đã qua đời đang an nghỉ trong niềm hy vọng được Chúa trở lại để làm cho họ nên một với Người. Niềm xác tín ấy cũng chính là nền tảng cho đức tin Kitô giáo hôm nay như thánh Phaolô đã xác quyết: ‘Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống lại với Người’ (Rm 6,8).
3. ‘Vậy hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào giờ nào.’ Những ngày cuối năm phụng vụ Giáo hội mời gọi các tín hữu cùng suy nghĩ về ngày Chúa trở lại với mỗi cá nhân, ngày đó cũng thật bất ngờ và nhanh chóng. Do đó thái độ khôn ngoan chỉ có thể là luôn sống trong tình trạng tỉnh thức, nhưng không phải với một thái độ tỉnh thức thụ động là chỉ biết ngồi chờ đợi, mà là một sự tỉnh thức tích cực: luôn trong tình trạng chu toàn bổn phận của mình.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa luôn mời gọi tất cả mọi người, nhưng chỉ những ai khôn ngoan tỉnh thức mới xứng đáng hưởng hạnh phúc Nước Trời. Cộng đoàn chúng ta hãy cảm tạ Chúa, và cầu xin cho mỗi người biết thắp sáng niềm tin trong cuộc sống hiện tại.
1. “Ai khao khát Đức Khôn Ngoan thì sẽ được tỏ cho biết.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh, biết không ngừng học hỏi nâng cao kiến thức tâm linh và các hiểu biết xã hội, để có thể chu toàn sứ vụ mục tử cách phù hợp và hữu hiệu hơn.
2. “Các cô trinh nữ khôn ngoan vừa mang đèn vừa mang dầu đầy bình.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người thành tâm thiện chí đang khát khao tìm kiếm chân lý, biết sống theo lương tâm ngay lành, luôn quảng đại thực thi bác ái và tích cực góp phần cho công ích.
3. “Những người đã chết trong Đức Kitô sẽ sống lại.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, trong đó có thân bằng quyến thuộc và bạn hữu của chúng ta, được Chúa thương đón nhận vào nước trời, hầu chung hưởng vinh quang bất diệt cùng các thánh.
4. “Hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn sẵn sàng đợi chờ ngày Chúa đến qua việc chu toàn các bổn phận trong gia đình, cũng như tích cực góp phần cho sự thăng tiến của xã hội.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là ánh sáng và nguồn mạch sự sống, xin nhận lời chúng con cầu nguyện, và giúp mỗi người chúng con luôn tỉnh thức sẵn sàng cho ngày quang lâm của Đức Giêsu Kitô, Con Một Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Các Thánh tử đạo Việt Nam
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa ngày 02/11: Cầu cho các tín hữu đã qua đời -
Phụng vụ Lời Chúa ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - Chúa nhật Truyền giáo -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 29 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 29 Thường niên năm B - Ngày Cầu nguyện xin Ơn chữa lành Thời đại dịch -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 27 Thường niên năm B - Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Chay - năm A