Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B

(Cv 3, 13-15.17-19; 1Ga 2, 1-5; Lc 24, 35-48)
DẤU ĐINH CHÚA KITÔ – DẤU ĐINH NGƯỜI KITÔ HỮU
Người đưa tay chân ra cho các ông xem!” (Lc 24, 10)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Cv 3, 13-15.17-19)

Sau khi chữa lành cho một người què từ khi lọt lòng mẹ (Cv 3, 1-10), Phêrô bắt đầu bài rao giảng mà chúng ta có trong bài đọc hôm nay.

Trong bài giảng này, Phêrô nhấn mạnh như một điệp khúc: “chúng tôi đã làm chứng” (c.15). Các tông đồ đang thể hiện mình như là các nhân chứng Phục sinh, bởi lẽ, những phép lạ mà họ đang thực hiện chứng minh cách chắc chắn rằng Đấng Kitô không phải chết, nhưng đang sống.

Đức Giêsu khi còn trong sứ vụ của mình đã rảo quanh khắp làng mạc rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, đưa về những tâm hồn lạc lối. Và nếu những điều này tiếp tục được thực hiện trong cùng một thể thức với uy quyền của Đức Giêsu, điều đó chứng tỏ Đức Giêsu vẫn đang sống và tiếp tục hoạt động trong các môn đệ, và Thần khí của Người vẫn đang hiện diện trong thế giới này.

Bài giảng của Phêrô còn nổi bật lên một sứ điệp hy vọng, đó là tình yêu Chúa luôn chiếm ưu thế và rút ra được điều tốt đẹp ngay cả từ lỗi lầm của con người. Kế hoạch của Người không thể bị xóa bỏ bởi sự thiếu hiểu biết; ngay cả những sự kiện bi kịch, những hành động rồ dại nhất (c. 17) vẫn luôn được Người định hướng và đưa về lại trong kế hoạch cứu độ của Người.

Trong phần cuối (cc 17-19), Phêrô kêu gọi sự “sám hối và trở về cùng Thiên Chúa”. Việc con người chối bỏ Thiên Chúa không được ngài liệt vào sự xấu xa, nhưng là do bởi sự thiếu hiểu biết. Nhưng đây không phải là lời cuối cùng; phần kết thúc bài giảng là lời công bố ơn tha thứ và khả năng quay trở về với Thiên Chúa. Việc chữa lành người què trở nên như một dấu chỉ, đó là: ngay cả khi một người “tật nguyền” nhất cũng được chữa lành từ uy quyền Thần Khí Đấng Phục sinh.

Từ đây có thể nói rằng việc chữa lành khỏi tội cần trải qua hai giai đoạn: biết chân thành nhìn nhận những lỗi phạm và hoán cải cuộc sống.

2. Bài đọc II (1Ga 2, 1-5)

Kitô hữu là người biết ý thức về sự yếu đuối của mình và nhìn nhận rằng, ngay cả sau khi được ơn tha thứ, vẫn có khả năng tiếp tục phạm tội trở lại. Thánh Gioan trong bài đọc II nhắc nhở chúng ta điều này. Tuy vậy, chúng ta luôn có một Đấng Bảo trợ trước mặt Chúa Cha, là Đức Giêsu Kitô (c.1).

Phần 2 của đoạn trích (cc.3-5) nói về những người mặc dầu nhận biết Thiên Chúa, nhưng không thực thi giới răn của Người. Vì thế thánh Gioan khẳng định rằng đức tin không thể tách rời khỏi cuộc sống. Chỉ có những người yêu mến và tuân giữ Lời Chúa mới thật sự nhận biết và yêu mến Người.

Ai giới hạn niềm tin ở lời nói mà không có một cuộc sống tương hợp với Tin Mừng là kẻ nói dối và đặt để mình bên ngoài kế hoạch cứu độ (c.4).

3. Bài Tin Mừng (Lc 24, 35-48)

Kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục sinh thường được mô tả với sự sợ hãi, hoảng hốt, ngờ vực của những người gặp gỡ; khó hơn nữa nơi câu 41: “Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng”. Làm sao chúng ta có thể giải thích niềm vui với thái độ nghi nan đi kèm?

Trong Kinh Thánh, mỗi kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa luôn đi kèm với một phản ứng với thái độ kinh sợ từ phía con người, như Isaia, Dacaria, Maria hay các Tông đồ khi Chúa biến hình.

Ở đây không phải là nỗi sợ hãi trước một mối hiểm nguy, nhưng là sự sợ hãi phát xuất từ sự ngạc nhiên của người nhận mạc khải của Thiên Chúa.

Và vì thế, trong đoạn Tin Mừng hôm nay, ngạc nhiên và sợ hãi là những hình ảnh của Kinh Thánh mà các tác giả Tin Mừng dùng để thuật lại một kinh nghiệm siêu nhiên, không thể diễn tả bằng lời của các môn đệ.

Thêm vào đó, thái độ hoài nghi, cứng lòng, không chắc chắn còn diễn tả hành trình vất vả và tiệm tiến của các tông đồ để đạt đến niềm tin chắc chắn vào Đấng Phục sinh.

Trong bối cảnh Đức Giêsu hiện ra, đang khi các môn đệ chăm chú định dạng vị thầy mình nơi khuôn mặt và vóc dáng, thì Đức Giêsu lại để Người được nhìn nhận qua các dấu đinh của mình, bởi đó chính là dấu chỉ tột đỉnh của tình yêu, nơi ghi khắc hồng ân tận hiến.

Kitô hữu chúng ta hôm nay cũng sẽ được nhìn nhận không phải qua cái tên hay những lễ nghi tôn giáo, nhưng qua những dấu đinh tình yêu như Thầy mình, như của thánh Phaolô: “Tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Đức Giêsu” (Gl 6, 17).

Phần cuối đoạn Tin Mừng (cc. 44-48) chỉ ra cho chúng ta cách thức để có thể trải nghiệm gặp gỡ Đấng Phục sinh, đó là: cần phải mở lòng mở trí trước Kinh Thánh; chỉ qua Kinh Thánh, Đức Kitô tiếp tục cho các môn đệ của Người xem thấy dấu đinh, nghĩa là dấu chỉ tình yêu thương của Người.

Sau cùng, như ở bài đọc I và II, ta có lời công bố ơn tha thứ và mời gọi trở nên chứng nhân: “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (cc.47-48). Việc tin vào Đấng Phục sinh mang lại một sự thay đổi tận căn trong cách nghĩ và cách sống; và việc rao giảng Đấng Phục sinh sẽ trở nên hiệu quả và khả tín nếu mỗi người môn đệ, giống như Thầy mình, biết cho con người thời đại hôm nay xem thấy dấu đinh tình yêu nơi mình.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1.”Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng”. Đức Giêsu đã sống lại và vẫn đang sống và hoạt động trong Giáo hội, trong các cộng đoàn, và nơi mỗi người môn đệ của Người. Nhìn lại đời mình, tôi phải làm gì để người khác khi nhìn vào tôi, vẫn thấy Chúa không phải chết, nhưng đang sống thật sự?

2.” Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người. Ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo. Căn cứ vào đó, chúng ta biết được mình đang ở trong Thiên Chúa”. Từ lời dạy của thánh Gioan, tôi thấy tôi đã thật sự biết, đã yêu, đã ở trong Chúa?

3.Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà. Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem”. Đức Giêsu Kitô đã tỏ dấu chỉ nhận dạng cho các môn đệ bằng những dấu đinh tình yêu và dâng hiến của chính mình; và chắc chắn Người cũng mời gọi tôi thực hiện như thế. Vậy tôi đã tỏ những điều gì cho anh chị em của mình?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa Cha đã làm vinh danh Đức Giêsu Kitô khi cho Người phục sinh từ cõi chết. Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta tiếp tục làm vinh danh Con Một của Ngài giữa thế giới hôm nay. Trong tâm tình cảm tạ và với quyết tâm làm chứng nhân cho Đấng phục sinh, cộng đoàn chúng ta cùng tha thiết dâng lời nguyện xin:

1.”Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy.” Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh cùng toàn thể Dân Chúa, được tràn đầy sức mạnh và ơn khôn ngoan, để chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng Phục Sinh giữa bao khó khăn hiện tại.

2. Nhiều nơi trên thế giới đang đối diện với những bất ổn về xã hội và kinh tế. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho nhà cầm quyền các quốc gia biết đặt lợi ích của dân nước trên mọi tham vọng cá nhân, hầu nỗ lực xây dựng hòa bình và mưu tìm hạnh phúc cho mọi người.

3.”Người mở trí cho các ông am hiểu Thánh Kinh.” Xin cho mọi Kitô hữu, đặc biệt mỗi thành viên trong gia đình Giáo phận chúng ta được thêm lòng yêu mến, luôn tích cực học hỏi Thánh Kinh và sống Lời Chúa cách hiệu quả trong môi trường sống và làm việc của mình.

4.”Ai giữ lời Người, thì tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy.” Xin cho tất cả mọi người trong cộng đoàn chúng ta thực sự trở nên dấu chỉ cho sức sống, tình yêu và niềm vui của Chúa Phục Sinh qua đời sống yêu thương chân thành và quên mình phục vụ.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ! Chúa đã thương qui tụ và nuôi dưỡng chúng con bằng Lời Hằng Sống và Mình Máu Con Chúa. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện, và giúp chúng con luôn trung thành với sứ mạng làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống hôm nay. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Top