Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm B
Is 61,1-2a.10-11 ; 1Tx 5,16-24; Ga 1,6-8.19-28
HÃY VUI LÊN VÌ CHÚA SẮP ĐẾN
“Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng” (1Tx 5,16)
Lễ phục màu hồng của phụng vụ hôm nay làm cho bầu khí của Chúa Nhật III Mùa Vọng tràn ngập niềm vui. Niềm vui này được diễn tả qua các bài đọc, đó là: chính Thiên Chúa đã gần đến để đem hồng ân cho chúng ta. Tuy nhiên, để có được niềm vui đó, chúng ta cần có một sự chuẩn bị chu đáo không chỉ bằng những dấu chỉ bên ngoài nhưng là một cuộc biến đổi nội tâm để thay đổi con người cũ.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I: Is 61,1-2a.10-11
Bài đọc I thuật lại cách gián tiếp về ơn gọi của tác giả sách Isaia đệ III cùng với những tâm tình tạ ơn mà tác giả muốn cất lên vì những ơn đã lãnh nhận từ Thiên Chúa.
Ngôn sứ Isaia đệ III đã xác tín rằng chính Đức Chúa đã tuyển chọn ông qua việc xức dầu để ban Thần Khí. Như thế, Thần Khí chính là “tặng phẩm thần linh” mà Đức Chúa đã ban cho vị ngôn sứ trước khi sai ông lên đường thi hành sứ vụ. Với bản thân, đó là một hồng ân, như ngôn sứ đã thốt lên: “Tôi hớn hở biết bao! Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, …Đức Chúa là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính, làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân.” Nhờ có niềm vui này, vị ngôn sứ xác tín chính Thần Khí sẽ trở nên nguồn trợ lực, là sự nâng đỡ, ủi an, khích lệ, soi sáng, chỉ đường hầu giúp người được sai đi có thể hoàn tất sứ mạng được ủy thác.
Ngôn sứ Isaia III xác tín rằng hồng ân đó không chỉ dành cho riêng ông, mà kèm theo một sứ mạng rõ ràng hướng tới người khác. Với sứ vụ đã lãnh nhận, vị ngôn sứ sẽ “Đem Tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa.”
Với tư cách là Đấng Thiên Sai được xức dầu, Đức Giêsu đã thi hành nhiệm vụ ngôn sứ như Isaia đã mô tả, qua câu chuyện sự kiện xảy ra tại hội đường Nadarét được thuật lại trong bài Tin mừng hôm nay.
2. Bài đọc II: 1Tx 5,16-24
Qua lời chào cuối thư Thêsalônica, thánh Phaolô đã nguyện xin Thiên Chúa thánh hóa toàn diện từng người trong cộng đoàn: từ thần trí đến tâm hồn và thân xác. Thánh Phaolô đã chỉ ra cho cộng đoàn này những tâm tình sống cụ thể: trước tiên phải là vui mừng luôn và cầu nguyện không ngừng. Kế đến, là cần phải biết tạ ơn trong mọi hoàn cảnh.
Điều quan trọng để chuẩn bị đón Chúa là đừng dập tắt Thần Khí, chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Thêm vào đó, phải có nếp sống luân lý Kitô giáo, đó là hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa. Nếu được như thế, các Kitô hữu sẽ “không có gì đáng trách” trong tâm tình đợi chờ Đức Kitô quang lâm.
3. Bài Tin Mừng: Ga 1,6-8.19-28
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày một trong ba khuôn mặt nổi bật sống tốt tâm tình của Mùa Vọng, đó là sứ mạng và căn tính của Gioan Tẩy Giả (bên cạnh Ngôn sứ Isaia, Đức Maria). Gioan Tẩy Giả, người được Thiên Chúa sai đến để làm chứng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông làm chứng về ánh sáng, nhưng ánh sáng này là gì ? Tin mừng Gioan đã giải thích: “Điều đã được tạo thành ở nơi Người (Ngôi Lời) là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.” Như thế, ánh sáng ở đây chính là Ngôi Lời, từ Chúa Cha đã đến thế gian. Vậy, Gioan Tẩy giả được giới thiệu như người được sai đến để làm chứng về Ánh sáng, là Ngôi Lời của Thiên Chúa, đó chính là Đức Giêsu.
Gioan Tẩy Giả vào thời điểm này đã rất nổi tiếng. Thế nhưng ông lại tự xác nhận con người và sứ vụ thật khiêm tốn của mình qua cuộc đối thoại:
+ Ông là ai ? - Tôi không phải là Đấng Kitô.
Câu trả lời này cho thấy rằng người ta tưởng ông là Đấng Kitô, nên đã lũ lượt đến với ông. Thế nhưng, ông không nhận những thứ hào quang do người ta gán cho mình.
+ Vậy ông là ai, Ông có phải là Êlia không ? - Không phải.
Nhiều người đã đồng hóa Gioan Tẩy giả với ngôn sứ Êlia. Dân chúng đã nghĩ rằng ngôn sứ Êlia sẽ đến để chấn hưng Israel trước khi Đấng Kitô xuất hiện. Thế nhưng, ông cũng không nhận mình có vai trò to lớn như thế.
+ Ông có phải là vị ngôn sứ chăng ? - Không phải.
Gioan Tẩy giả lại được gợi ý với tư cách là một ngôn sứ, người được sai đến để thi hành sứ vụ do Thiên Chúa ủy thác. Thế nhưng ông cũng khiêm tốn nói không vì nghĩ mình không xứng đáng.
+ Thế ông là ai, ông nói gì về chính ông ?
- Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi.
Ông Gioan Tẩy giả đã tự nhận một vai trò khiêm tốn trong mối tương quan với Đấng Kitô. Ông xác nhận Đức Kitô sẽ đến sau ông nhưng ông không đáng cởi quai dép cho Người, nghĩa là ông tự nhận không đáng làm đầy tớ hay học trò của Đấng Kitô. Ông chỉ là người chuẩn bị con đường, bằng cách kêu gọi người ta tỏ lòng sám hối bằng cách chịu Phép rửa để dọn lòng đón Đấng Kitô. Có thể nói nếu Đấng Kitô là Lời thì Gioan Tẩy giả chỉ là âm thanh chuyển tải Lời (thánh Âu tinh). Âm thanh sẽ sớm vụt tắt khi đã chuyển tải Lời, còn Lời sẽ thành sứ điệp đọng lại nơi tâm trí người nghe.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi… Tôi tôi hớn hở biết bao! Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh.” Việc lãnh nhận Thánh Thần qua Bí tích Rửa tội và một số Bí tích khác đã làm mỗi Kitô hữu hớn hở vui mừng vì được đón nhận hồng ân cứu độ và sống đời sống mới; đồng thời, khiến mỗi Kitô hữu thành sứ giả của Thiên Chúa để “đem Tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa.” Tôi có thi hành sứ vụ này trong bối cảnh sống của mình không ?
2. “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh.” Mùa Vọng là thời gian sống trong niềm vui để đợi chờ ngày Chúa trở lại. Tuy nhiên, niềm vui này chỉ trọn vẹn khi mỗi người biết để cho Chúa thánh hóa con người toàn diện, cả tâm trí lẫn xác hồn, làm việc lành lánh điều dữ để không có gì đáng trách trong ngày Chúa ngự đến. Tôi đón Chúa bằng tinh thần nào, chuẩn bị hang đá đèn sao lấp lánh hay chuẩn bị cuộc sống và tâm hồn mừng lễ Giáng Sinh ?
3. “Gioan Tẩy giả đến để làm chứng về Ánh sáng.” Thái độ đón chờ trong Mùa Vọng không phải là một thái độ thụ động, mà là chủ động qua việc thi hành sứ vụ làm chứng về Ánh Sáng. Có thể sống tinh thần này bằng cách thực hiện những gợi ý trong Thư Mục vụ Mùa Vọng và Giáng Sinh 2020 của Tổng Giáo phận Sài Gòn: Trong năm vừa qua, với kinh nghiệm đùm bọc chia sẻ lẫn nhau trong đại dịch Covid và lũ lụt Miền Trung, “Chúng ta hãy tiếp tục biểu lộ lòng nhân ái để gánh vác nhau đi tiếp những chặng đường tương lai. Năm chiếc bánh và hai con cá của từng người chúng ta sẽ được Chúa cho nhân lên gấp bội để cứu giúp nhau trên bước đường đời.” Lá thư cũng nhắc chúng ta: “Ngày nay Chúa Giêsu vẫn tiếp tục đi qua các nẻo đường cuộc sống để xin chúng ta cho ăn, cho uống, cho mặc… Hãy tỉnh thức kẻo sau này không có người nghèo nào đón rước chúng ta vào nơi vĩnh cửu”. Đó là cách chúng ta tỉnh thức để “kẻo hụt mất Chúa, hãy cảnh giác kẻo mất nguồn sống, ánh sáng và tình yêu trong cuộc đời.” Đó là cách chúng ta “đón nhận Ngài để nhận được Ánh Sáng, Tình Yêu, Sự Thật và Sự Sống.”
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Qua phụng vụ Chúa Nhật III Mùa Vọng hôm nay, Giáo Hội nhắc nhở tất cả chúng ta hãy vui lên vì Thiên Chúa đang đến gần. Trong tâm tình hân hoan vui mừng sẵn sàng chào đón Chúa, chúng ta cùng chung lời cảm tạ và hiệp ý cầu xin:
1. Thánh Gioan Tẩy Giả đã đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn ý thức thực thi sứ vụ làm chứng cho Đức Kitô là ánh sáng thế gian bằng chính đời sống chứng tá của mình trong xã hội hiện tại.
2. Một số tư tế và thầy Lêvi được sai đến để hỏi cho biết Gioan là ai. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người thành tâm thiện chí đang khao khát tìm kiếm chân lý giữa thế giới hôm nay, được gặp gỡ và tin nhận Đức Kitô là Đấng cứu độ duy nhất của nhân loại.
3. “Có một Ðấng đang ở giữa các ông, mà các ông không biết.” Xin cho mọi kitô hữu biết nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống và nơi những người bé mọn chung quanh, để luôn sống lạc quan tín thác và chân thành yêu thương phục vụ.
4. “Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết tích cực chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa đến; đồng thời, luôn nỗ lực góp phần cụ thể làm phát triển và đổi mới những sinh hoạt của cộng đoàn.
Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã sai Con Một đến trần gian để đem niềm vui cho nhân loại. Xin nhận lời dân Chúa cầu nguyện và giúp chúng con biết tích cực trở nên những nhân chứng đức tin, luôn hăng hái đem niềm vui cứu độ đến cho mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Các Thánh tử đạo Việt Nam
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa ngày 02/11: Cầu cho các tín hữu đã qua đời -
Phụng vụ Lời Chúa ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - Chúa nhật Truyền giáo -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 29 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 29 Thường niên năm B - Ngày Cầu nguyện xin Ơn chữa lành Thời đại dịch -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 27 Thường niên năm B - Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A