Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 26 Thường niên năm B

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 26 Thường niên năm B

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 26 Thường niên năm B

(Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48)
TINH THẦN ĐẠI ĐỒNG VÀ LIÊN ĐỚI
“Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9,40)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Ds 11,25-29)

Môsê đã dành trọn đời mình để phục vụ dân Chúa, nhưng trong những năm cuối đời, ông chỉ gặp toàn những chuyện sầu muộn. Những khó khăn và vấn nạn ngày càng gia tăng khi dân Do Thái trong sa mạc tiếp tục ca thán và trách móc.

Một ngày nọ ông thổ lộ với Chúa: “Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài? Có phải con đã cưu mang tất cả dân này không? Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con” (Ds 11,10-15). Và Đức Chúa đã đề nghị với ông: “Hãy tập họp lại cho Ta bảy mươi người trong số kỳ mục Israel, Ta sẽ lấy một phần Thần Khí đang ngự trên ngươi mà đặt trên chúng, chúng sẽ cùng với ngươi gánh vác dân này, và ngươi sẽ không còn phải vác một mình nữa” (x. Ds 11,16-18).

Như thế bắt đầu bài đọc mà chúng ta có hôm nay.

Vào ngày được ấn định, bảy mươi kỳ mục tụ họp tại Lều, Thần Khí đậu trên các ông và các ông được bắt đầu phát ngôn.

Có hai người, ông Enđát và Mêđát, mặc dầu đã được ghi danh, nhưng không vào trong Lều tham gia sự kiện, nhưng các ông vẫn nhận Thần Khí và phát ngôn như những người khác. Đây là một sự kiện quá đỗi ngạc nhiên với mọi người, tại sao những người không thuộc trong nhóm các ông lại có thể cùng nhận Thần Khí và phát ngôn như các ông? Giôsuê, dù là một nhân vật lỗi lạc trong số những người Israel, cũng lên tiếng phản đối sự việc và yêu cầu ngăn họ lại.

Nhưng Môsê trả lời thẳng thắn: “Anh ganh tị à? Chớ chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ”(Ds11,29).

Nội dung bài đọc này có thể là một sứ điệp cho mọi cộng đoàn Kitô hữu: Thần Khí Đức Chúa không thể bị đóng khung trong phạm vi của một nhóm nào đó; trái lại, nơi đâu có tình yêu, niềm vui, an bình và những điều tốt đẹp, nơi đó chắc chắn Thần Khí của Chúa đang hiện diện và hoạt động.

2. Bài đọc II (Gc 5,1-6)

Các ngôn sứ cũng thường đưa ra những công kích đối với những người giàu có, thế nhưng, công kích họ một cách mạnh mẽ thì rất hiếm như trong trường hợp bài đọc II của chúng ta hôm nay.

Sự công kích này của thánh Giacôbê không nhắm vào chính sự giàu có, vốn luôn được xem là một sự thiện và không được bị chê bỏ; thế nhưng, cũng như các ngôn sứ và Chúa Giêsu, thánh Giacôbê nhắm vào việc sử dụng của cải xấu xa và nguy cơ xem nó như là thần tượng. Người giàu có rất dễ quên rằng “họ sẽ qua đi như hoa cỏ”, và “mặt trời mọc lên tỏa ra sức nóng làm cho cỏ khô, khiến hoa rụng xuống, vẻ đẹp tiêu tan. Người giàu có cũng sẽ héo tàn như vậy trong các việc họ làm” (Gc 1,10-11). Lòng tham là nguồn gốc mọi tội lỗi (x. Gc 1,14-15) và là nguyên cớ cho những mâu thuẫn bất đồng (x. Gc 4,1-4).

Đối nghịch với kẻ giàu có là những người bần cùng; họ là những người không có khả năng chống đỡ bởi vì kẻ giàu có thường nắm giữ trong tay mình hầu hết luật pháp và sức mạnh. Vì thế, việc tích trữ của cải và trở nên giàu có qua các hành xử bất công với người nghèo được xem là không phù hợp với giá trị Tin Mừng. Của cải thế gian này được phú ban cho mọi người, và vì thế phải được sẻ chia, nhất là với những người nghèo đói.

Bài đọc II này gợi lên cho chúng ta tầm quan trọng của những nhân đức Kitô giáo, đó là lòng bác ái yêu thương, là sự công bình, là sẻ chia và liên đới với người khác.

3. Bài Tin Mừng (Mc 9,38-43.45.47-48)

“Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta” (c.38). Câu hỏi đặt ra: làm sao một người không theo chúng ta mà lại có thể như chúng ta được?

Tiếp nối bài đọc I, bài Tin Mừng cũng đặt ra vấn đề này. Ở đây Chúa Giêsu đưa ra một nguyên tắc căn bản, đó là: “ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (c. 40). Và vì thế, “đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy” (c.39).

Nguyên lý của Chúa Giêsu đưa ra, có thể nói, rất hữu ích cho phong trào đại kết mà Giáo hội đang nỗ lực thực hiện hôm nay, và giúp chúng ta biết phân định: khi nào thì cần dứt khoát, không nhân nhượng, khi nào cần mềm dẻo và linh hoạt. Thay vì đóng kín, khép mình, độc tôn, thì có lẽ một thái độ linh hoạt, cởi mở, tôn trọng và đối thoại rất cần với mỗi người chúng ta hôm nay.

Mấu chốt của mọi tương quan, có lẽ là đức ái. Vì thế Chúa Giêsu dạy các môn đệ: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (c.41).

Đức ái hướng con người đến sự sống. Ngược với đức ái, đó là những hành động hướng con người tới chỗ diệt vong. Vì thế, cuối đoạn Tin Mừng là những lời cảnh báo nghiêm khắc của Chúa Giêsu đối với những cớ vấp phạm (cc. 43.45.47-48). Dĩ nhiên ở đây ngôn ngữ chỉ mang tính biểu trưng qua hình ảnh cụ thể của tay, chân và mắt. Thật ra, không phải tay, chân hay mắt là duyên cớ dẫn đưa con người tới tội lỗi, mà chính là những ý tưởng không ngay lành. Tuy vậy, sứ điệp của Chúa Giêsu ở đây là rất rõ ràng: cần từ bỏ dứt khoát với mọi bối cảnh dẫn đưa đến tội chết.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. Qua lời khẩn xin của Môsê, Đức Chúa đã rộng ban Thần Khí của Người xuống trên số các kỳ mục để cộng tác với ông lo việc Chúa và chăm sóc dân Người. Thế nhưng một số người trong dân đã tỏ thái độ phản đối khi Thần Khí của Chúa đã rộng ban cách hào phóng, và cho cả những người không thuộc nhóm của mình. Kinh nghiệm này giúp tôi nhận ra điều gì và có thái độ nào đối với những người được xem là không cùng nhóm với tôi mà vẫn đang ngày ngày cộng tác đắc lực vào việc xây dựng cuộc sống này?

2. Thánh Giacôbê trong phần trích thư của ngài đã mạnh mẽ cảnh báo những người giàu có về một thái độ sống quy tiền của, nhất là tiền của bất chính, là cái chẳng mang lại sự bảo đảm nào cho cuộc sống con người; trái lại, nó khiến họ có nguy cơ phải chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, vì đã chà đạp lên những người công chính. Lời cảnh báo của thánh nhân có ý nghĩa gì với tôi?

3. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã ca ngợi một tinh thần đại đồng và liên đới, cụ thể qua những nghĩa cử cao đẹp và bác ái đối với anh chị em mình, dù là những việc nhỏ nhất, vì nó phục vụ cho sự sống. Và với những ai làm điều ngược lại, Người gay gắt chỉ trích phê bình. Nhìn lại đời mình, tôi thường mang lại những giá trị nào cho những người sống quanh tôi?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót muốn cho tất cả mọi người được lãnh nhận dồi dào ân huệ của Chúa Thánh Thần và được cứu độ. Với niềm xác tín và tâm tình tri ân, cộng đoàn chúng ta hãy thành tâm cảm tạ Chúa và tha thiết cầu nguyện.

1. Hội Thánh có sứ mạng loan báo và đem ơn cứu rỗi đến cho mọi người. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn và mọi thành phần Dân Chúa, được ơn Chúa Thánh Thần soi dẫn và nâng đỡ, luôn ý thức cùng nhiệt tâm chu toàn sứ vụ ngôn sứ đã lãnh nhận.

2. Ghen tương tranh chấp là nguồn gốc những xáo trộn và xung đột xã hội. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các dân tộc trên thế giới biết tôn trọng lẫn nhau, luôn nỗ lực hợp tác trong bình đẳng, nhằm góp phần xây dựng một thế giới hoà bình, văn minh và thịnh vượng.

3. Chúa Giêsu đã mạnh mẽ lên án những kẻ gây gương mù gương xấu cho người khác. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu, đặc biệt là các bậc phụ huynh, luôn ý thức sống đạo hạnh thánh thiện, hầu trở nên mẫu gương cho con cái và mọi người chung quanh.

4. “Ai không chống đối các con, là ủng hộ các con.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết vượt qua những thành kiến hay khác biệt, luôn sống hòa thuận và trách nhiệm, để cộng đoàn ngày càng trở nên dấu chỉ của hợp nhất và yêu thương.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa luôn yêu thương và sẵn sàng xuống ơn cho những ai tin tưởng cậy trông Chúa. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và khứng ban muôn ơn lành giúp chúng con trung thành phụng sự Chúa trong mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top