Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 20 Thường niên năm B

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 20 Thường niên năm B

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 20 Thường niên năm B

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN NĂM B
(Cn 9,1-6; Ep 5,15-20; Ga 6,61-58)

Chủ đề: LỜI CHÚA VÀ THÁNH THỂ


Đoạn sách Châm Ngôn trong bài đọc I hôm nay thường được xem như một thánh thi về Thánh Thể bởi vì sự giống nhau giữa đoạn này và các đoạn Tân Ước tường thuật việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể (Mt 26,26-29; Mc 14,22-25; Lc 22,19-20; 1Cr 11,23-25). Còn đoạn Tin Mừng của Chúa nhật hôm nay, phần thứ hai của diễn từ về bánh hằng sống, chuẩn bị và đưa chúng ta đến một chọn lựa quyết định “Thưa Thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”. Như thế, khi nói về bánh hằng sống, Chúa Giêsu nói xen lẫn hai sự kiện: Lời Chúa và Thánh Thể. Chúa nói cả hai chuyện một lúc như vậy, cốt cho ta hiểu rằng cả hai chỉ là một. Đó là điều mà chúng ta cũng đọc thấy trong đoạn sách Châm Ngôn dưới ánh sáng của Đệ Nhị Luật 8,3 và Isaia 55,1-3a: lời của Thiên Chúa, sứ điệp của Người cũng chính là lương thực ban sự sống đời đời (Ga 6,26-50; xem 4,13-14; 7,37).

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài Đọc I (Cn 9,1-6)

Ngôi nhà do Đức Khôn Ngoan xây cất mà chúng ta vừa nghe trong đoạn sách Châm Ngôn được miêu tả có bảy cây cột; điều này diễn tả sự rộng rãi to lớn hoành tráng của nó để có thể là nơi mà Đức Khôn Ngoan có thể tiếp đón thật nhiều người, tất cả những vị khách sẵn sàng đón nhận lời mời gọi của Đức Khôn Ngoan. Đức Khôn Ngoan không mời gọi những người họ hàng thân cận hay bạn bè của mình, nhưng là những người “ngây thơ và ngu si”; đó là những người chưa được giáo huấn, những người bé nhỏ… Đón nhận lời mời gọi của Đức Khôn Ngoan là từ bỏ lối sống non nớt chưa trưởng thành, và chấp nhận trở nên người được giáo dục để được sống, và đến cư ngụ trong nhà của Đức Khôn Ngoan nghĩa là đi theo con đường hiểu biết. Đoạn sách Châm Ngôn đưa ra một yêu cầu: phải chọn lựa; chọn lựa sự Khôn Ngoan để theo đường sống, hay sự ngu dại dẫn đến sự chết.

Hình ảnh của bánh và rượu trong đoạn sách này có thể được hiểu theo nghĩa ám dụ, chỉ lời của Thiên Chúa mà sách Đệ Nhị Luật và sách Ngôn sứ Isaia đã nói đến như là lương thực ban sự sống. Đón nhận lời mời gọi và lắng nghe lời Thiên Chúa, những người ngây thơ và ngu si được mời gọi chọn lựa con đường của sự sống bằng việc đi trên con đường hiểu biết.

2. Bài Đọc II (Ep 5,15-20)

Đối với thánh Phaolô, Kitô hữu là những người khôn ngoan, chứ không phải khờ dại, và sự khôn ngoan Kitô giáo phải là khôn ngoan thực hành, vì chính sự khôn ngoan này dạy chúng ta cách hành xử. Cách sống của Kitô hữu không còn theo lối sống của thế gian, theo tính xác thịt hay theo đường lối của ma quỷ, nhưng phải xứng đáng với lời mời gọi của Thiên Chúa, “trong tình yêu” và như “con cái sự sáng”. Do đó, ngài khuyên nhủ các tín hữu cộng đoàn Êphêsô hãy hành xử cách khôn ngoan trong thế giới này, đừng để cách hành xử hay những lời nói thiếu khôn ngoan của mình gây những hậu quả không tốt. Thánh nhân khuyên các tín hữu “đừng hóa ra ngu xuẩn nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa”. Việc thực thi ý của Thiên Chúa không là một thúc đẩy tự nhiên nhưng phải là kết quả của sự suy tư và hành xử của hiểu biết. Thánh ý Chúa được ban cho chúng ta trong Thánh Kinh, và được tỏ ra cách cụ thể trong những lời kinh nguyện chúc tụng Thiên Chúa. Lời Chúa là thần lương nuôi dưỡng con người và cũng là ánh sáng soi đường, dẫn con người đến với khôn ngoan.

3. Tin Mừng (Ga 6,51-58)

Tiếp tục chủ đề về bánh hằng sống trong bài Tin Mừng Chúa nhật XIX thường niên, bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay cho chúng ta nghe những lời khẳng định của Chúa Giêsu: chính Ngài là bánh hằng sống, bánh ban sự sống và sự sống muôn đời. Bánh hằng sống Ngài ban tặng chính là thịt máu Ngài, để những ai ăn thịt và uống máu Ngài sẽ được liên kết với Ngài và sống nhờ Ngài. Đồng thời Chúa Giêsu cũng đã khẳng định: “Nếu các ngươi không ăn thịt, không uống máu Con Người, thì trong các ngươi không có sự sống” (Ga 6,53).

Khi Chúa Giêsu tự xưng là “bánh hằng sống”, và khi khẳng định rằng bánh ấy ban sự sống cho ai ăn nó, Người nói về “sự sống” theo nghĩa đầy đủ nhất, sự sống thần linh mà cái chết thân xác sẽ không thể nào hủy diệt được. Do đó, ai tin và lãnh nhận chính Ngài sẽ có sự sống tràn đầy và chính là sự sống muôn đời. Cho dù thân xác có chết đi nhưng ai tin và lãnh nhận Mình Máu Ngài sẽ được sống lại và sống muôn đời. Lãnh nhận Mình Máu Chúa Giêsu tín hữu được liên kết với Ngài. Mình và Máu Chúa Giêsu được đón nhận, thấm nhuần và nuôi dưỡng người Kitô hữu, để rồi Ngài sống trong họ và họ sống với Ngài. Như Chúa Giêsu đã sống nhờ Chúa Cha khi liên kết với Chúa Cha, người tín hữu cũng sống nhờ Chúa Giêsu khi “ăn” Ngài. Người tín hữu không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng nhờ chính lời của Chúa Giêsu, nhờ chính Máu Thịt của Ngài để đạt tới sự sống viên mãn, trở nên một Giêsu khác.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể để ban Thịt Máu Ngài làm lương thực nuôi sống chúng ta, để ban cho chúng ta sự sống đời đời nếu chúng ta tin vào Ngài. Khi lãnh nhận bí tích Thánh Thể, chúng ta đã thật sự xác tín là mình đón nhận chính Thịt Máu Đức Kitô chưa? Chúng ta có ao ước, yêu mến lãnh nhận bí tích Thánh Thể và chuẩn bị tâm hồn khi đón nhận Mình và Máu Đức Kitô chưa? Chúng ta có tin rằng khi lãnh nhận Thánh Thể là chúng ta có Chúa Kitô ở cùng, chia sẻ cuộc sống với Ngài, hay chỉ là những lần lãnh nhận bí tích theo thói quen?

2. Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta cả lời Ngài và Thịt Máu Ngài làm thần lương, làm ánh sáng soi dẫn chúng ta. Khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta có lắng nghe Lời Chúa dạy và kính trọng Lời Chúa chưa, hay chỉ xem đó là một phần phụ thêm vào Thánh lễ?

3. Lời Chúa dẫn chúng ta đến chân lý, dạy chúng ta lẽ khôn ngoan. Là những Kitô hữu, những người mang Lời Chúa, chúng ta có thật sự là những người khôn ngoan theo nghĩa là chúng ta biết hành động và cư xử theo lời Chúa dạy chưa, hay chúng ta vẫn chỉ là những người khờ dại chạy theo sự khôn ngoan của thế gian để tìm hơn thua, tìm sự dễ dãi, đi ngược với những giáo huấn của Thiên Chúa?
 

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã yêu thương tái sinh chúng ta nhờ Bí tích Rửa tội, và còn tận tình nuôi dưỡng chúng ta mỗi ngày bằng Lời của Người và bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy thành tâm cảm tạ Chúa và khiêm tốn dâng lời cầu xin:

1. Chúa Giêsu nói: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh luôn khao khát kết hợp mật thiết với Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, và biết dọn mình xứng đáng mỗi khi đón rước Chúa.

2. Chúa Giêsu khẳng định: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho con người trong thế giới hôm nay, đang khi miệt mài với những tiện nghi và của ăn trần thế, cũng thao thức tìm kiếm sự sống đích thực nơi Thiên Chúa.

3. Thánh Thể là dấu chỉ của yêu thương và hiệp nhất. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những nơi đang xảy ra tranh chấp, chia rẽ, bất hòa trên thế giới; để những ai liên hệ luôn biết khôn ngoan nghe theo tiếng Chúa và tiếng lương tâm thúc giục.

4. “Hãy luôn luôn cảm tạ Thiên Chúa là Cha trong mọi nơi mọi sự”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn ý thức những ân huệ Chúa ban, và sống tâm tình tạ ơn bằng cách trở nên tấm bánh bẻ ra cho mọi người theo gương Chúa Giêsu.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa đã quy tụ và không ngừng nuôi dưỡng chúng con trong Hội Thánh Chúa. Xin nhận lời chúng con tha thiết cầu xin và ban ơn trợ giúp, để chúng con luôn sống xứng đáng với sự sống thần linh trong mình. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

 

Top