Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 19 Thường niên năm A
(1 V 19,9a.11-13a; Rm 9,1-5; Mt 14,22-33)
TIN CÓ CHÚA Ở CÙNG
Đức Giêsu liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14,27)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Cuộc sống con người, trong đó có các môn đệ Chúa Giêsu, không luôn dễ dàng, bằng phẳng và bình yên. Những khó khăn, sóng gió, thử thách, những mệt mỏi, chán nản, thất vọng là một phần tất yếu của hành trình người môn đệ theo Thầy. Nhưng các bài đọc lời Chúa hôm nay như muốn nhắn nhủ rằng dù ở trong hoàn cảnh nào, Thiên Chúa không bỏ rơi những ai tin cậy vào Người.
1. Bài đọc 1:
Vì lòng trung thành với Đức Chúa và việc phụng thờ Ngài, ngôn sứ Êlia một mình đương đầu với mấy trăm ngôn sứ của Baal và đã chiến thắng vẻ vang (x. 1 V 18,20-40). Nhưng cuộc chiến thắng của ngôn sứ Êlia đã dẫn đến việc ông bị truy đuổi và phải chạy trốn (x. 1 V 19,1-3a). Trong cuộc chạy trốn đầy cô đơn và mệt mỏi, có lúc ngôn sứ Êlia muốn buông xuôi, nhưng lại được Đức Chúa dưỡng nuôi và thêm sức mạnh để ông có sức đi đến núi của Đức Chúa để gặp Ngài (x. 1 V 19,3b-8). Đoạn sách các Vua hôm nay tường thuật lại cuộc gặp gỡ đó, một cuộc gặp gỡ lạ kỳ.
Trước hết, đối với dân Israel, Thiên Chúa là Đấng uy nghi, cao cả nên những lần Ngài xuất hiện thường đi kèm với tiếng sấm chớp, mây mù, gió bão, núi đồi rung chuyển làm cho dân chúng sợ hãi (x. Xh 19, 16-19). Tuy vậy, Thiên Chúa tỏ hiện cho ngôn sứ Êlia không ở trong gió bão, không ở trong cơn động đất, cũng không ở trong ngọn lửa, mà theo sau ngọn gió hiu hiu. Thiên Chúa quyền năng, uy nghi, đáng sợ lại tỏ mình ra cách thân thương, dịu dàng. Chắc hẳn Thiên Chúa biết vị ngôn sứ vừa trải qua một cuộc chạy trốn đầy hiểm nguy và mệt mỏi nên cần được ủi an, vỗ về, nâng đỡ để có sức hoàn tất sứ mạng ngôn sứ của mình. Quả thật, sau cuộc gặp gỡ này, ngôn sứ Êlia được Thiên Chúa ủy thác thi hành sứ vụ sau cùng trước khi chuyển giao sứ mạng ngôn sứ lại cho môn đệ (x. 1 V 19, 15-21).
Sau nữa, ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt (x. St 32, 31; Xh 33, 11), dân Chúa không thể nhìn thấy dung nhan Người mà vẫn còn sống (x. Xh 33, 20-23; Tl 6, 22-33). Giữa Thiên Chúa của Cựu Ước và con người vẫn có một khoảng cách rất lớn; và ngôn sứ Êlia cũng không phải là ngoại lệ khi ông phải lấy áo choàng che mặt khi Thiên Chúa đi qua. Hiểu được sự cách biệt giữa Thiên Chúa và con người theo quan điểm Cựu Ước để nhận ra tình yêu và sự quan phòng tuyệt vời của một Thiên Chúa làm người trong Tân Ước, một Thiên Chúa cắm lều giữa lòng nhân loại (x. Ga 1, 14), một Thiên Chúa ở giữa các môn đệ trong cơn gió bão để an ủi và thêm sức mạnh cho các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (x. Mt 14,27).
2. Bài đọc 2:
Thánh Phaolô phải đau đớn nhìn nhận một sự thật là dù dân Israel đã được Thiên Chúa tuyển chọn ngay từ đầu để chuẩn bị cho công trình cứu độ, nhưng phần nhiều trong số họ lại khước từ Tin Mừng, không tin Đức Kitô là Đấng Cứu Độ.
Trước hết, vì là con cháu của các tổ phụ, dân Israel đã được Thiên Chúa nhận làm con, được phúc thấy vẻ uy phong và quyền năng của Ngài; họ còn được Thiên Chúa ký giao ước và ban cho lề luật; đồng thời, họ còn có một nền phụng tự bài bản cùng với các lời hứa của Thiên Chúa. Và điều quan trọng hơn cả là Đức Kitô, xét theo huyết thống cũng cùng một giống nòi với họ, nhưng họ lại không tin Người là Con Thiên Chúa và không đón nhận Tin Mừng cứu độ mà Đức Kitô mang đến. Như thế, những đặc ân mà Thiên Chúa dành riêng cho dân được tuyển chọn là Israel không thể bảo đảm cho họ được ơn cứu độ nếu họ thiếu đi điều căn bản là đức tin vào Chúa Giêsu.
Sau nữa, thánh Phaolô thừa nhận nỗi khổ tâm và sự day dứt tột cùng khi những người đồng bào mình lại chối từ Đức Kitô. Với tấm lòng mục tử, thánh nhân ước sao ngài có thể trả một cái giá thật đắt, thậm chí bị nguyền rủa lìa xa Chúa Kitô, thì ngài cũng cam lòng chấp nhận miễn sao những người đồng bào tin nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Tuy vậy, thánh Phaolô phải chấp nhận sự thật phũ phàng về sự cứng lòng tin của những đồng bào mình, để rồi nhìn ra một niềm hy vọng mới dành cho dân ngoại. Sự cứng lòng không đón nhận Đức Kitô của dân Israel là cơ hội để dân ngoại được mời gọi đón nhận Tin Mừng (x. Rm 9,25-33).
3. Bài Tin Mừng:
Ngay sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu liền hối thúc các môn đệ lên thuyền qua bờ bên kia trong khi Người giải tán đám đông và lên núi cầu nguyện một mình. Những vất vả, khó khăn của các môn đệ khi vượt biển là cơ hội để các ông thêm một lần nữa nhận ra uy quyền của Đức Giêsu.
Thật vậy, khi đã đi xa khỏi bờ, thuyền các ông “bị sóng đánh vì ngược gió”. Là những ngư phủ lành nghề, việc gặp sóng gió khi chèo thuyền vượt biển là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên, theo ngôn ngữ biểu tượng trong Kinh Thánh, biển như một sức mạnh của sự dữ nên việc các môn đệ “bị sóng đánh ngược vì gió” trong đêm tối không đơn giản chỉ là chuyện chèo thuyền vượt biển trong gió bão. Đúng hơn, hình ảnh sóng gió là biểu tượng của việc các ông đang phải vật lộn với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống làm môn đệ Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu hiểu rõ hơn ai hết những khó khăn, vất vả, thử thách mà các môn đệ đang phải trải qua. Người nhìn thấy sự mong manh, yếu đuối của các ông khi đứng trước sức mạnh của sự dữ. Người nhìn thấy sự cô đơn, trống vắng trong tâm hồn các ông khi phải một mình chống chọi với sức mạnh của sự dữ mà không có sự hiện diện của Thầy. Người không bỏ mặc nhưng đến với các ông vào canh tư đêm tối khi các ông đã quá mệt mỏi, rã rời, kiệt sức, lúc các ông thật sự cần Người nhất. Người đến với các môn đệ để các ông có thêm động lực mà phấn đấu, mà cố gắng trong cuộc vật lộn với sức mạnh của bóng tối.
Tuy vậy, khi Chúa Giêsu đi trên mặt biển mà đến cùng các môn đệ, thì các ông lại không nhận ra Người; các ông không dám tin đó là Chúa Giêsu. Phải chăng khi quá mệt mỏi và cô đơn, mắt các ông như bị mờ đi? Hay vì các ông vẫn chưa thật sự nhận ra và tin cách chắc chắn vào uy quyền của Chúa Giêsu, ngay cả khi các ông vừa chứng kiến Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh và cá để nuôi đám đông dân chúng? Hay các ông vẫn sợ sức mạnh của biển dữ, sóng gầm, hơn là tin vào uy quyền của Chúa Giêsu? Lời trách móc và cũng là lời cảnh tỉnh của Chúa Giêsu: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” giúp thánh Phêrô và các môn đệ nhìn rõ mình hơn, thấy đức tin của mình còn mong manh, để các ông không dựa vào sức riêng của mình, nhưng biết dựa vào Chúa Giêsu, biết kêu cầu danh Người để được Người đỡ nâng: “Thưa Ngài, xin cứu con với!”.
Sau cùng, khi Thầy trò đã lên thuyền thì gió lặng ngay. Nơi đâu có Chúa Giêsu thì sức mạnh của bóng tối, của sự dữ không thể đe dọa các môn đệ. Khi các môn đệ có Chúa Giêsu ở cùng, ở bên, ở giữa, thì quyền lực của biển cả, của đêm đen không thể làm hại các ông. Nơi đâu có Chúa Giêsu, ở đó có sự an toàn, bình yên. Những ai đặt niềm tin vững vàng vào Chúa Giêsu thì luôn được an bình; bình an không vì vắng bóng những bất trắc, khổ đau, thử thách nhưng an bình vì luôn có Chúa Giêsu ở cùng.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG:
1/ Vì lòng trung thành với Thiên Chúa mà ngôn sứ Êlia đã can đảm đối đầu với các ngôn sứ của thần Baal để rồi sau đó phải trốn chạy để bảo toàn mạng sống. Trong khi ngôn sứ mệt mỏi, kiệt sức thì Thiên Chúa ban cho ông thức ăn để ông có sức đi tới núi của Đức Chúa để gặp Ngài. Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa “trong cơn gió hiu hiu” đầy nhẹ nhàng và an ủi đã giúp ngôn sứ lấy lại tinh thần để tiếp tục sứ vụ Thiên Chúa trao. Mọi cuộc gặp gỡ thật sự với Thiên Chúa luôn là nguồn sức mạnh và là sự an ủi cho những ai tin tưởng và cậy trông nơi Người. Đó là kinh nghiệm của ngôn sứ Êlia và cũng nên là kinh nghiệm của mỗi Kitô hữu trong cuộc sống hôm nay.
2/ Thánh Phaolô phải đau lòng mà nhìn nhận một thực tế rằng dù dân Israel đã được Thiên Chúa tuyển chọn ngay từ đầu để chuẩn bị cho công trình cứu độ; họ đã được Thiên Chúa ban cho nhiều đặc ân như lời hứa, giao ước, lề luật, một nền phụng tự và chính Đức Giêsu phát xuất từ giữa họ nhưng phần nhiều trong số họ lại khước từ Tin Mừng, không tin Đức Kitô là Đấng Cứu Độ. Nhận được nhiều đặc ân và sự ưu ái từ Thiên Chúa không đương nhiên miễn cho người ta một thái độ đức tin vào Đức Kitô là Đấng Cứu Độ.
3/ Khi các môn đệ đang phải vất vả chèo chống vì sóng gió giữa biển thì Chúa Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các ông nhưng các ông không tin đó là Người. Chúa Giêsu truyền cho ông Phêrô đi trên mặt biển mà đến với Người nhưng ông đã chìm vì không đủ đức tin. Dù mới được chứng kiến phép lạ hóa bánh ra nhiều, nhưng các môn đệ vẫn chưa vững tin vào quyền năng của Chúa Giêsu. Chỉ khi Chúa Giêsu bước lên thuyền và sóng yên biển lặng, các môn đệ mới hoàn toàn xác tín và bái lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Cũng như các môn đệ, mỗi Kitô hữu ngày nay cũng cần lắm một đức tin trưởng thành vào Chúa Giêsu giữa cuộc sống đầy bấp bênh và thách đố này.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG:
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Đấng quyền năng cao cả, Người luôn hiện diện giữa những thăng trầm cuộc sống của con người và sẵn sàng đưa tay nâng đỡ, ngay cả khi chúng ta không nhận biết Người. Với trọn niềm tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa, cộng đoàn chúng ta cùng dâng lời cầu xin.
1. Chúa Giêsu luôn dành thời gian để gặp gỡ Chúa Cha qua việc cầu nguyện. Chúng ta cùng cầu xin cho Đức Giáo hoàng Phanxicô, các Giám mục và Linh mục, kín múc được thật nhiều sức mạnh và ơn khôn ngoan qua việc cầu nguyện, để luôn can đảm chèo chống con thuyền Hội Thánh giữa muôn ngàn sóng gió.
2. Nhiều người đã tin nhận Chúa Giêsu: “Quả thật, Thầy là Con Thiên Chúa.” Chúng ta cùng cầu xin cho những ai đang bị bách hại hoặc khủng hoảng đức tin, được Chúa Thánh Thần soi sáng và nâng đỡ, luôn vững lòng trông cậy vào tình thương và quyền năng của Chúa, để mau chóng vượt qua sóng gió và vui sống bình an.
3. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!” Chúng ta cùng cầu xin cho đồng bào tại những vùng dịch cùng tất cả những ai đang lo lắng vì ảnh hưởng của dịch bệnh, luôn bình tĩnh đối diện với hoàn cảnh, được nhiều người cảm thông trợ giúp, để thêm xác tín vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.
4. Ông Phêrô thưa với Chúa: “xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Thầy.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn nhiệt thành dấn thân trong các hoạt động tông đồ và bác ái, dám chấp nhận mọi khó khăn nguy hiểm để đến gần Chúa cũng như đưa người khác đến với Chúa.
Chủ tế: Lạy Chúa, chỉ có Chúa là nguồn ủi an và chốn tựa nương đích thực cho chúng con giữa bão tố thế gian. Xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện cùng giúp chúng con biết vững lòng tin tưởng và phó thác cuộc đời cho Chúa, để luôn an vui tiến bước trên hành trình đức tin. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 Thường niên năm C
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Chúa Hiển Linh -
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Chúa Hiển Linh -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Thánh Gia Thất năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - Chúa nhật Truyền giáo -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm A