Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 17 Thường niên năm B
(2V 4, 42-44 ; Ep 4,1-6 ; Ga 6,1-15)
CHÚA CẦN TA CHIA SẺ CHO NHAU
“Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá” (Ga 6,6)
Thiên Chúa tạo dựng nên con người cả hồn lẫn xác nên Người quan tâm đến đời sống của con người toàn diện. Vì thế, chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Tin Mừng của Đức Giêsu và sứ vụ của Người, cũng như của những người lo việc Thiên Chúa không chỉ liên quan đến chiều kích tâm linh, mà còn chạm vào mọi khía cạnh trong cuộc sống con người. Để thực hiện điều đó, Thiên Chúa cần mỗi người cộng tác theo khả năng của mình.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I: 2V 4,42-44
Ngôn sứ là sứ giả của Lời Thiên Chúa. Tuy nhiên, các ngài không chỉ nói, mà còn hành động, vì cả cuộc sống của các ngài diễn tả sứ điệp của Chúa. Các ngài không chỉ rao giảng, mà còn lo cho vận mệnh, đời sống của toàn dân, và có khi của từng người.
Câu chuyện hóa bánh ra nhiều là một trong những phép lạ chứng minh tư cách và sứ vụ “người của Thiên Chúa” là ngôn sứ Êlisê, môn đệ của ngôn sứ Êlia. Hai mươi chiếc bánh lúa mạch và một ít cốm mà người ta biếu ông thực sự trở nên quý giá trong bối cảnh nạn đói kém đang hoành hành khắp trong xứ (x. 2V 4,42), nhưng Êlisê đã không giữ lại cho riêng mình, mà đem phân phát cho dân chúng. Điều ông làm đã gây ngạc nhiên, khiến người tiểu đồng thốt lên: “sao con có thể phát cho cả trăm người ăn được?”.
Không bao giờ đủ để chia sẻ cho người khác theo nhãn quan của con người, nhưng lại có thể dư trong nhãn quan của Thiên Chúa. Xác tín như thế, ngôn sứ Êlisê liền trấn an: “Cứ phát cho người ta ăn! Vì Đức Chúa phán thế này: ‘Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư.’” Với lòng tin tưởng, tiểu đồng vâng lệnh vị ngôn sứ để dọn ra cho mọi người ăn; nhờ đó, họ nhận ra rằng Lời Chúa đã phán thực sự được ứng nghiệm. Như thế, phép lạ đã xảy ra khi con người biết tin tưởng vào sự ân cần chăm sóc của Thiên Chúa và mình biết quảng đại chia sẻ cho nhau.
2. Bài đọc II: Ep 4,1-6
Lo cho người khác đến mức quên đi bản thân mình là tâm tình và sứ mạng người của Chúa. Thánh Phaolô dù đang bị cầm tù nhưng lúc nào cũng băn khoăn lo lắng để làm sao cho các tín hữu Êphêsô biết sống xứng đáng nơi bản thân và sống bác ái với nhau để duy trì sự hiệp nhất trong Thần Khí. Đó như dấu chỉ rõ nét nhất của niềm tin sống động vào Thiên Chúa. Niềm tin ấy được đặt trên một nền tảng chung cho mọi tín hữu: cùng “một thân thể, một Thần Khí, chia sẻ cùng một niềm hy vọng; tin vào một Chúa, một niềm tin, một phép rửa, và một Thiên Chúa là Cha.”
Vậy, thể hiện niềm tin và tinh thần đó bằng cách nào? Đời sống đạo gắn liền với đời sống hằng ngày. Thánh Phaolô đã đề nghị các Kitô hữu biến những giáo lý trừu tượng đó bằng lối sống đạo cụ thể. Bắt đầu từ chính mình: hãy sống khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; rối hướng tới tha nhân: hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau.
3. Bài Tin Mừng: Ga 6,1-15
Tin Mừng Gioan chương 6 thuật lại dấu lạ “hóa bánh ra nhiều cho đám đông ăn no” (Ga 6,1-15), để hướng tới đỉnh cao là “Diễn từ về Bánh đem lại sự sống” (Ga 6,25-59). Trong khi các Tin Mừng Nhất Lãm xem đây là “phép lạ” thì Tin Mừng Thứ Tư lại cho là “dấu lạ/ dấu chỉ”. Xét về ý nghĩa, thuật ngữ “phép lạ” nhấn mạnh đến quyền năng của Đức Giêsu, còn “dấu chỉ” là hiện tượng hay sự kiện bên ngoài để qua đó, người ta nhận ra ý nghĩa mạc khải ẩn dấu bên trong mà tin. Thật vậy, Ga 6 hàm chứa một trong những mạc khải quan trọng về căn tính của Đức Giêsu: ngài là Con Thiên Chúa; và làm nổi bật việc chọn lựa tin hay không tin của các môn đệ. Đồng thời, Ga 6 là một diễn từ độc đáo và duy nhất không chỉ trong Tin Mừng Gioan mà cả trong các Tin Mừng: nói về ý nghĩa của Bí Tích Thánh Thể.
Đoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại dấu “hóa bánh ra nhiều cho đám đông ăn no”. Đức Giêsu không chỉ quan tâm đến những thao thức về tinh thần mà cả những nhu cầu thể lý của dân chúng. Sứ vụ của Đức Giêsu đụng chạm đến con người toàn diện: chữa lành bệnh tật, chia vui sẻ buồn, và thậm chí còn lo cho họ khỏi đói khát… Bên cạnh sự chăm sóc đầy quan phòng của Thiên Chúa, qua trình thuật này, chúng ta nhận ra rằng để dấu lạ hay phép lạ xảy ra, Chúa cũng cần sự cộng tác nhỏ bé của con người, khi nhận năm chiếc bánh và hai con các từ một em bé hiện diện trong đám đông. Phép lạ xảy ra khi con người biết chia sẻ cho nhau, biết bẻ ra và phân phát, khiến không ai phải đói, thậm chí còn dư thừa.
Nhiều người Do thái đi theo Đức Giêsu lúc này là để tìm kiếm của ăn nuôi sống, cụ thể là tìm bánh để được no nê, là thứ bánh nuôi sống thể xác tạm thời (Ga 6,26). Tuy nhiên, đối với Đức Giêsu, sự sống đời đời mới là điều quan trọng mà họ phải tìm kiếm. Muốn có được sự sống đó, họ cần phải ăn Thịt và uống Máu của Người. Hành động này hàm chỉ việc đón nhận trọn vẹn thân mình của Đức Giêsu qua việc rước lễ, vì Máu và Thịt hàm chỉ trọn vẹn con người và là sự sống của chính Đức Giêsu. Tuy nhiên, động từ “ăn” (bao gồm nhai, nghiền nát) đi kèm với “Thịt” và “Máu” ở đây cũng ám chỉ đến cái chết thảm khốc, như bị nghiền nát, của Đức Giêsu trên Thập Giá. Thật vậy, qua chính hy tế Thập Giá, Đức Giêsu trao ban chính mạng sống của Người để cho mọi người được sống.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Vì Đức Chúa phán thế này: “Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư”. Lời khẳng định của ngôn sứ Êlisê giúp cho người tiểu đồng xác quyết rằng: Thiên Chúa luôn yêu thương, quan tâm và ân cần chăm lo cho dân trong mọi cảnh huống của cuộc sống, miễn họ tin tưởng và thành tâm cầu khẩn Người. Lời Thánh vịnh 144 trong bài đáp ca cũng xác quyết điều đó: “Khi Ngài rộng mở tay ban, là bao sinh vật muôn vàn thỏa thuê”, vì “Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khấn Chúa, mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người”.
2. Chỉ có một thân thể, một niềm tin, một phép rửa, một Chúa. Cùng chịu một phép rửa, chung một niềm tin và thể hiện ra bằng bác ái là đặc điểm nổi bật của cộng đoàn Kitô giáo, để duy trì sự hiệp nhất nên “một” trong Chúa và trong nhau. Đời sống đạo không chỉ thể hiện nơi nhà thờ. Nỗ lực sống hòa thuận và hiệp nhất trong gia đình, trong cộng đoàn, trong lối xóm, trong mọi môi trường sống và hoạt động vẫn luôn là phương thế thiết thực nhất để mỗi Kitô hữu có thể diễn tả cách cụ thể và sống động về niềm tin của mình.
3. Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá. Nếu sự quan phòng chăm sóc đầy yêu thương của Thiên Chúa được tỏ lộ qua sự ân cần của Đức Giêsu đối với dân chúng, thì sự quảng đại và ân cần ấy cũng cần cộng tác từ phía con người. Năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá của một em bé chẳng là bao, nhưng lại là khởi đầu cần thiết để Đức Giêsu dùng mà làm phép lạ cho đám rất đông dân chúng no thỏa. Thiên Chúa cũng vẫn đang chờ lòng quảng đại từ mỗi Kitô hữu, tuy nhỏ bé nhưng lại là điều kiện đủ để Chúa trải rộng tình thương và sự quan phòng chăm sóc đến mọi người.
Trong đại dịch covid này, rất nhiều người thất nghiệp, vô số người không có lương thực cầm hơi hàng ngày, trong khi có nhiều người dư thừa thực phẩm phải đem tiêu hủy. Chúa vẫn cần sự cộng tác của tất cả chúng ta để thực thi “phép lạ”, khi con người biết chia sẻ cho nhau, biết bẻ ra và phân phát, thì không ai còn phải đói khát nữa. Xin Anh Chị Em rộng lòng góp công, góp sức để đẩy lui đại dịch, và góp phần theo khả năng của mình để nâng đỡ người túng thiếu, vì lúc này, “một nắm khi đói, bằng một gói khi no”.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa luôn yêu thương chăm sóc, chữa lành và dưỡng nuôi từng người chúng ta cả hồn lẫn xác. Cộng đoàn chúng ta hãy hết lòng cảm tạ Chúa và tha thiết dâng lời cầu nguyện.
1. Nhiều người Do thái đã tìm đến để nghe Chúa Giêsu giảng dạy. Chúng ta cùng cầu nguyện cho công cuộc rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh luôn thuận lợi và đạt kết quả, dẫn đưa nhiều người đến với Chúa Kitô là nguồn sự sống và ơn cứu độ.
2. Chúa Giêsu hỏi Philipphê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo trên thế giới biết đặt nhu cầu của dân chúng lên hàng đầu, và luôn quan tâm đến những người vô gia cư, già yếu và khuyết tật.
3. Chúa đã làm phép lạ từ năm chiếc bánh và hai con cá của một em bé. Xin cho mọi kitô hữu biết ý thức và luôn quảng đại cộng tác trong những dự án của Giáo hội và xã hội, nhằm làm vinh danh Thiên Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho con người.
4. “Hãy thu lấy những miếng bánh còn lại, kẻo phí đi.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết trân trọng và sử dụng hiệu quả những ân huệ Chúa ban, nhằm làm tăng trưởng đời sống cộng đoàn và mưu ích cho mọi người.
Chủ tế: Lạy Chúa, Con Chúa làm người đã biểu lộ quyền năng và lòng thương xót của Chúa dành cho nhân loại. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con nên hoàn thiện hầu xứng đáng với ơn Chúa tặng ban. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 Thường niên năm C
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Chúa Hiển Linh -
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Chúa Hiển Linh -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Thánh Gia Thất năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - Chúa nhật Truyền giáo -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm A