Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 16 Thường niên năm B

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 16 Thường niên năm B

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 16 Thường niên năm B

Gr 23,1-6; Ep 2,13-18; Mc 6,30-34
MỤC TỬ BIẾT CHẠNH LÒNG THƯƠNG
“Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương,
vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.
Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.”
(Mc 6,34)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1 - Gr 23,1-6

Thi hành sứ vụ ngôn sứ vào thời có khá nhiều biến động trước và sau khi Giêrusalem bị thất thủ năm 587 TCN, Giêrêmia chứng kiến nhiều thăng trầm của đất nước và dân Israel. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bi đát của đất nước và dân là do sự yếu kém về tài đức của các vị lãnh đạo. Đoạn trích sách ngôn sứ Giêrêmia hôm nay một mặt trình bày việc Thiên Chúa lên án các mục tử vì đã không chăm lo cho đoàn chiên, mặt khác mở ra niềm hy vọng về một vị vua khôn ngoan và tài giỏi sẽ hướng dẫn đoàn chiên trong chính trực công minh.

Trước hết, Thiên Chúa, qua lời ngôn sứ Giêrêmia, lên án các mục tử vì họ không chăm lo cho đàn chiên. Chiên là loài hiền lành nên dễ bị tấn công bởi sói dữ. Vai trò của vị mục tử rất quan trọng trong việc chăm lo, chăn dắt và bảo vệ để đàn chiên được an toàn. Sự lơ là và thiếu trách nhiệm của vị mục tử có thể làm cho đàn chiên tan tác. Những mục tử không thực hiện tốt vai trò của mình đối với đàn chiên được trao phó sẽ bị Thiên Chúa trừng phạt (Gr 23,1-3).

Thêm vào đó, khi chứng kiến sự tan tác của đàn chiên, Thiên Chúa đích thân ra tay can thiệp. Người qui tụ đàn chiên đã bị tan tác từ khắp mọi miền và đưa chiên về đồng cỏ. Dưới bàn tay chăm sóc chu đáo và đầy tình thương của Thiên Chúa, đàn chiên lại tiếp tục sinh sôi nảy nở thật nhiều (Gr 23,4). Thiên Chúa mới thật là mục tử nhân lành của đàn chiên. Người hằng dõi theo từng bước của đàn chiên và ra tay can thiệp để đưa chiên về, để chiên được sống và sống dồi dào (Ga 10,10).

Sau cùng, Thiên Chúa hứa sẽ cho xuất hiện các mục tử khác để thay Người chăm sóc đoàn chiên; đàn chiên không còn phải sợ hãi và bị bỏ rơi nữa (Gr 23,5). Lời hứa của Thiên Chúa vẫn chưa dừng lại ở đó, vì “sẽ tới những ngày”, Người sẽ làm trổ sinh “một chồi non chính trực”; đó là một vị vua “khôn ngoan tài giỏi” sẽ thi hành điều “chính trực công minh”. Dưới sự dẫn dắt của vị vua này, dân Chúa sẽ được cứu thoát và được sống yên hàn (Gr 23,5-6). Đây là lời hứa quan trọng dẫn đến vua Giêsu, Đấng công minh chính trực, Đấng ban ơn cứu độ cho con người.

2. Bài đọc 2 - Ep 2,13-18

Đoạn trích thư thánh Phaolô gởi tín hữu Êphêxô nhấn mạnh hiệu quả cái chết của Đức Giêsu. Đó là công trình cứu độ Thiên Chúa thực hiện nhờ Con của Người: liên kết dân ngoại và dân Do thái; hòa giải nhân loại với Thiên Chúa.

Trước hết, máu Đức Giêsu đổ ra liên kết dân ngoại và dân Do thái. Nhờ cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, Thiên Chúa đã phá đổ bức tường ngăn cách giữa dân ngoại và dân Do thái, phá đổ sự thù ghét lẫn nhau, để liên kết mọi người trong một Hội Thánh duy nhất. Trong Hội Thánh của Đức Kitô, người ta không còn phân biệt Do thái hay dân ngoại, ở xa hay ở gần, vì tất cả đều được liên kết thành một người mới duy nhất trong chính thân thể Đức Kitô, Đấng ban bình an cho tất cả chúng ta (Ep 2,13-15).

Sau nữa, cái chết của Đức Giêsu trên thập giá hòa giải nhân loại với Thiên Chúa. Tác giả thư Êphêxô khẳng định rằng nhờ thập giá, cả dân ngoại và dân Do thái đều được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất, nghĩa là trong Hội Thánh duy nhất. Như thế, không những nhân loại được giao hòa với Thiên Chúa, mà còn được giao hòa với nhau: Nhờ Đức Giêsu, mọi người được liên kết trong một Thần Khí mà đến cùng Chúa Cha (Ep 2,16-18). Ba Ngôi Thiên Chúa chính là cội nguồn của sự hiệp thông và giao hòa cho nhân loại.

Nhờ cái chết của Đức Giêsu, Thiên Chúa thực hiện công trình cứu độ của Người là cho nhân loại được giao hòa với Thiên Chúa và nhờ đó mà được giao hòa với nhau, để một khi được qui tụ quanh Đức Kitô, người ta không còn phân biệt ngôn ngữ, chủng tộc, văn hóa… nhưng được kết hợp lại trong một thân thể duy nhất là Hội Thánh.

3. Bài Tin Mừng - Mc 6,30-34

Bài Tin Mừng làm nổi bật hai đặc tính của mục tử Giêsu: chạnh lòng thương và dưỡng nuôi dân chúng bằng lời và bánh.

Mục tử Giêsu là Đấng biết chạnh lòng thương. Bối cảnh bài Tin Mừng cho ta hiểu rằng sau khi được sai đi (Mc 6,7-13), các tông đồ trở về báo cáo cho Chúa Giêsu về những công việc các ngài làm (Mc 6,30). Dù Đức Giêsu ý thức tầm quan trọng của sự thinh lặng và nghỉ ngơi (Mc 6,31-32), nhưng Người tỏ ra chạnh lòng thương dân chúng như đàn chiên không người chăn dắt mà sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của họ (Mc 6,34tt). Vì biết “chạnh lòng thương” nên dù mệt nhọc và cần được nghỉ ngơi, nhưng mục tử Giêsu tỏ ra nhạy cảm trước nhu cầu của đàn chiên; Người biết họ đang khao khát được gặp Người nên Người tạm gác lại nhu cầu của mình để phục vụ cho nhu cầu cấp bách của đàn chiên. Thái độ “chạnh lòng thương” của mục tử Giêsu không chỉ dừng lại ở một cảm xúc, một kiểu cảm động nhất thời thoáng qua mà là lòng trắc ẩn sâu xa; lòng trắc ẩn thúc đẩy Người hành động.

Hành động trước tiên của mục tử Giêsu là “dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6,34). Người không chỉ “chạnh lòng thương” mà còn biết dân chúng đang khao khát điều gì. Họ đã bỏ nhiều giờ, dùng những phương tiện họ có để kiếm tìm Người. Khi “dạy dỗ họ nhiều điều”, Chúa Giêsu lấp đầy nỗi khao khát lời Chúa đang cháy bỏng trong lòng họ. Hơn nữa, khi trời xế chiều, các môn đệ muốn giải tán dân chúng để họ tự tìm thức ăn thì Chúa Giêsu lại đưa ra một mệnh lệnh đầy bất ngờ: “các con hãy cho họ ăn” (Mc 6,37). Chúa Giêsu chủ động và đi bước trước để đáp ứng nhu cầu của dân. Người không những ban lương thực thiêng liêng là lời Chúa cho dân chúng, mà Người còn ban cho họ bánh như lương thực nuôi thể xác.

Quả vậy, theo Mc 6,34-44, Đức Giêsu cho thấy Người như vị mục tử biết chạnh lòng thương dân chúng đang bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt; Người chăm lo cho họ, dùng lời (6,34) và bánh (6,41-42) mà nuôi sống họ.

II. GỢI Ý ÁP DỤNG

1/ Qua lời ngôn sứ Giêrêmia, Thiên Chúa lên án các mục tử không chăm lo cho đàn chiên, để đàn chiên bị tan tác. Người ra tay qui tụ đàn chiên về đồng cỏ để chúng được sinh sôi nảy nở và cho xuất hiện những mục tử khác để chăm sóc đàn chiên trong khi chờ đợi vị mục tử khôn ngoan và tài giỏi sẽ chăn dắt đàn chiên trong chính trực công minh. Tôi có chăm lo cho đàn chiên được trao phó cho tôi với tất cả lòng yêu thương của một mục tử đích thực? Tôi có biết học nơi Chúa là vị mục tử đích thực, Đấng qui tụ đàn chiên tản lạc về đồng cỏ để chúng được sinh sôi nảy nở? Tôi có khao khát trở thành vị mục tử khôn ngoan và tài giỏi để chăn dắt đàn chiên trong chính trực công minh như Chúa hằng chờ đợi?

2/ Đức Giêsu đã đổ máu mình ra để giao hòa nhân loại với Thiên Chúa, để một khi được giao hòa với Thiên Chúa, nhân loại cũng biết giao hòa với nhau. Tôi có thật sự được giao hòa với Thiên Chúa? Tôi có thật sự giao hòa với anh chị em? Tôi có còn để cho những hận thù, ghen ghét như bức tường ngăn cách giữa tôi và Chúa, giữa tôi và anh chị em?

3/ Chúa Giêsu là mục tử biết chạnh lòng thương, biết nhận ra và đáp ứng nhu cầu của đàn chiên. Chúa Giêsu cũng kêu mời tôi noi gương vị mục tử Giêsu. Tôi có sẵn sàng noi gương vị mục tử Giêsu, yêu thương và chăm sóc đàn chiên được trao phó cho tôi?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã sai Con Một yêu dấu của Người đến thế gian như vị Mục Tử qui tụ và chăm sóc tất cả mọi người trong một đàn chiên duy nhất. Cộng đoàn chúng ta hãy thành tâm cảm tạ Chúa và tin tưởng dâng lời cầu xin.

1. Chúa trao cho Hội Thánh sứ mạng chăm sóc đoàn chiên của Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và các vị chủ chăn trong Hội Thánh, luôn được hồn an xác mạnh, đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần, hầu tận tâm chu toàn sứ mạng Chúa trao.

2. Chúa đã chạnh lòng thương đám đông như đàn chiên không người chăn dắt. Chúng ta cùng cầu xin cho những người nghèo cả vật chất lẫn tinh thần trong thế giới hôm nay được quan tâm chăm sóc, và biết khiêm tốn mở lòng trước những cơ hội đón nhận Tin Mừng.

3. “Các Tông đồ kể lại cho Chúa mọi điều các ông đã làm và giảng dạy.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những ai đang dấn thân trong các hoạt động tông đồ, luôn gắn bó mật thiết với Chúa Kitô trong kinh nguyện và các Bí tích để được khích lệ, nâng đỡ và hướng dẫn.

4. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ chia sẻ và tham dự vào sứ vụ mục tử của Người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn biết lắng nghe, tìm kiếm và thực thi ý Chúa qua những bổn phận hằng ngày đối với gia đình và cộng đồng xã hội.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban muôn ơn lành giúp chúng con luôn hăng hái làm việc tông đồ, để cho nhiều người được ơn cứu độ và hưởng phúc Nước Trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Top