Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 16 Thường niên năm A
Kn 12,13.16-19; Rm 8,26-27; Mt 13,24-43
THIÊN CHÚA CÔNG MINH VÀ NHÂN ÁI
“Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi,
còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi” (Mt 13,30)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1
Bài đọc trích từ sách Khôn Ngoan trình bày những điểm giáo lý quan trọng về Thiên Chúa của dân Israel.
Trước hết, đó là Thiên Chúa duy nhất, Đấng chăm sóc mọi loài; ngoài Ngài ra chẳng còn có thần nào khác (Kn 12,13). Niềm tin độc thần của dân Israel thường bị thách thức bởi tập tục thờ đa thần của các dân tộc xung quanh và không ít lần dân Israel đã phản bội Thiên Chúa của mình khi chạy theo các thần của ngoại bang. Vì thế, kính sợ Chúa, một Thiên Chúa duy nhất, được xem là đầu mối của khôn ngoan (G 28,28; Tv 110,10).
Sau nữa, đó là một Thiên Chúa toàn năng, đầy sức mạnh, nhưng hành động công minh (Kn 12,16). Đối với dân Israel, Thiên Chúa là Đấng đã dùng quyền năng và sức mạnh mà đưa họ thoát khỏi cảnh nô lệ Ai Cập mà vào đất hứa. Thiên Chúa tiếp tục thể hiện sức mạnh của Ngài trên dân và hằng xử công minh với họ, theo đó những ai biết kính sợ quyền năng Ngài sẽ được bảo vệ, còn những ai bất tuân, chống đối thì sẽ bị trừng trị (Kn 12,17).
Cuối cùng, đó là một Thiên Chúa nhân ái. Dù có thể dùng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn nhưng lại dùng lượng từ bi cao cả mà cai quản dân và luôn xét xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh quyền năng của Ngài (Kn 12,18). Thiên Chúa không dùng sức mạnh quyền năng để đe dọa phạt tội dân mỗi khi họ sai lỗi, nhưng ban ơn sám hối cho người có tội. Đó chính là niềm hy vọng của những ai trót phạm tội nhưng biết sám hối ăn năn (Kn 12,19).
2. Bài đọc 2
Thánh Phaolô dành chương 8 của thư gửi tín hữu Rôma để nói về vai trò của Thần Khí trong đời sống Kitô hữu. Quả vậy, Thánh Phaolô cho thấy rằng Thần Khí đóng một vai trò rất quan trọng và đa dạng trong đời sống tín hữu, mà một trong số đó là sự trợ giúp của Thần Khí trong việc cầu nguyện.
Thánh Phaolô khẳng định rằng chính Thần Khí trợ giúp chúng ta là những kẻ yếu hèn vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải. Sự “yếu hèn” ở đây không nhằm ám chỉ về mặt thể lý mà về tương quan với Thiên Chúa trong đời sống thiêng liêng khi con người không biết cách thiết lập mối tương giao với Thiên Chúa, không biết cách cầu nguyện. Khi không biết phải cầu nguyện gì, cầu nguyện ra sao, không tạo được mối tương quan thân tình với Thiên Chúa thì con người ở trong tình trạng “yếu hèn”. Vì thế, con người cần đến sự trợ giúp của Thần Khí để thoát khỏi tình trạng “yếu hèn” bằng đời sống cầu nguyện.
Thần Khí như là trung gian chuyển lời cầu nguyện của con người lên trước ngai Thiên Chúa. Nhờ Thần Khí, lời cầu nguyện của con người không những phù hợp, phải đạo mà còn được hướng đến đúng đối tượng là chính Thiên Chúa. Hơn nữa, lời cầu nguyện chắc hẳn sẽ dễ được Thiên Chúa đoái thương nhậm lời khi được dâng lên bằng “tiếng rên xiết khôn tả” của chính Thần Khí. Qua cách nói “rên xiết khôn tả”, có lẽ thánh Phaolô muốn nhấn mạnh đến tính chất tha thiết của lời cầu nguyện nhờ Thần Khí. Sự tha thiết thể hiện lòng thành sẽ dễ được Thiên Chúa đoái nhận.
Lời khẩn cầu tha thiết của Thần Khí được Thiên Chúa là Đấng “thấu suốt tâm can” lắng nghe và thấu hiểu vì Ngài biết Thần Khí muốn nói gì. Hơn nữa lời cầu nguyện do sự trợ giúp của Thần Khí luôn theo đúng thánh ý Thiên Chúa. Như thế, lời cầu nguyện nhờ Thần Khí bảo đảm hai điều quan trọng: một là lời cầu nguyện luôn đẹp lòng và đúng theo thánh ý của Thiên Chúa; hai là lời cầu nguyện sẽ được Thiên Chúa lắng nghe và chấp nhận.
Tóm lại, dù thân phận con người thật yếu hèn vì không biết cầu nguyện sao cho phải, nhưng nhờ sự trợ giúp của Thần Khí bằng những tiếng van nài tha thiết, lời cầu nguyện của con người đẹp lòng Thiên Chúa và được Ngài thương đoái nghe và nhậm lời.
3. Bài Tin Mừng
Tin Mừng Mátthêu dành chương 13 trình bày các dụ ngôn về Nước Trời. Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta được nghe ba trong số các dụ ngôn đó. Mỗi dụ ngôn trình bày một khía cạnh khác nhau về Nước Trời.
Qua các dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể nêu lên một vài điểm để suy gẫm.
Thứ nhất, Chúa Giêsu khẳng định rằng những gì được coi là thuộc về “con cái của ác thần” trong thế giới này không phát xuất từ ý định tốt lành của Thiên Chúa mà là do kẻ thù của Thiên Chúa là ma quỷ gieo rắc. Cũng như ông chủ mùa gặt không cho phép nhổ cỏ lùng khỏi ruộng lúa, Thiên Chúa, dù biết tác hại của sự dữ trong thế giới này, vẫn chấp nhận cho nó cùng tồn tại với sự lành cho đến ngày tận thế. Lý do của sự trì hoãn này là vì không muốn làm tổn hại đến sự lành khi tìm cách loại bỏ sự dữ. Tất cả những gì Thiên Chúa làm đều nhằm bảo vệ và vì lợi ích của những người lành.
Thứ hai, mùa gặt là ngày quyết định số phận của cỏ lùng khi mà các thợ gặt có thể dễ dàng tách biệt nó với lúa mà đốt đi. Sự dữ như cỏ lùng, dù có giống lúa đến mấy, cũng không thể lẩn tránh hoặc che dấu thân phận thật của mình trong ngày tận thế khi đứng trước sự soi xét công minh của Thiên Chúa. Những thiệt thòi, cay đắng, ngột ngạt của người lành như lúa khi phải sống chung với cỏ lùng, rốt cuộc cũng được ân thưởng xứng đáng trong ngày sau hết khi mà “người công chính sẽ chói lọi như ánh mặt trời trong Nước của Cha họ” (Mt 13,43).
Thứ ba, Nước Trời và những giá trị tốt lành của Nước Trời đôi khi có thể rất nhỏ bé như hạt cải được gieo trong ruộng hay mong manh như nắm men trong thúng bột hoặc bị chèn ép bởi sự dữ, bởi ma quỷ như lúa phải sống chung với cỏ lùng trong ruộng, nhưng không có sức mạnh nào có thể ngăn cản hay bóp nghẹt sức sống và sự lớn mạnh của Nước Trời. Hạt giống Nước Trời một khi đã được Thiên Chúa gieo vãi vào thế gian này sẽ lớn lên và trổ sinh hoa trái bất chấp những cản trở, phá hoại của sức mạnh sự dữ. Tất cả đều không nằm ngoài sự quan phòng nhiệm mầu của Thiên Chúa.
Các dụ ngôn làm nổi bật sức sống mãnh liệt của hạt giống Nước Trời mà Thiên Chúa gieo vãi vào thế gian. Nước Trời và những giá trị tốt lành của Nước Trời rồi sẽ chiến thắng trong ngày tận thế, dù trong hiện tại có thể phải trải qua nhiều khó khăn thử thách do sự dữ gây nên. Thiên Chúa thấu biết và vẫn kiên nhẫn đợi chờ để hạt giống Nước Trời sinh hoa trái dồi dào đầy kho lẫm của Ngài trong ngày sau hết.
II. GỢI Ý THỰC HÀNH
1/ Bài đọc trích từ sách Khôn Ngoan giới thiệu một Thiên Chúa duy nhất, đầy quyền năng và giàu lòng nhân ái. Tôi có xác tín rằng Thiên Chúa mà tôi tôn thờ là Thiên Chúa độc nhất của cuộc đời tôi, hay tôi đang tạo ra những “chúa” khác để tôn thờ? Tôi có đặt trọn niềm tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa quyền năng, Đấng hằng gìn giữ, bảo vệ tôi hàng ngày? Tôi có thâm tín rằng Thiên Chúa mà tôi tôn thờ là Đấng giàu lòng nhân ái, sẵn sàng tha thứ cho tôi mỗi lần tôi phạm tội nhưng biết sám hối ăn năn?
2/ Thư thánh Phaolô gởi giáo đoàn Rôma nhấn mạnh tầm quan trọng của Thần Khí trong đời sống cầu nguyện của con người. Thiếu cầu nguyện, con người trở nên “yếu hèn”. Tôi có nhận ra sự yếu hèn của tôi khi tôi bỏ lơ việc cầu nguyện hay không biết cầu nguyện thế nào cho phải? Tôi có biết cậy nhờ sự trợ giúp của Thần Khí trong đời sống cầu nguyện? Tôi có để cho Thần Khí hướng dẫn để đời sống cầu nguyện của tôi luôn đẹp lòng Chúa và được Ngài nhậm lời?
3/ Các dụ ngôn trong bài Tin Mừng làm nổi bật hình ảnh Nước Trời. Dù hạt giống Nước Trời rất khiêm tốn và nhỏ bé khi gieo, nhưng sẽ phát triển, lớn mạnh và sinh hoa kết trái mà không sức mạnh nào có thể ngăn cản hay tiêu diệt. Tôi có tin rằng hạt giống Nước Trời đã được gieo trong hồn tôi sẽ lớn lên từng ngày bất chấp những khó khăn? Tôi có chăm bón để hạt giống Nước Trời nhanh lớn lên? Tôi có biết gieo hạt giống Nước Trời nơi tâm hồn của những người khác?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Đấng rất nhân từ và luôn kiên nhẫn. Trong một thế giới xen lẫn giữa ánh sáng và bóng tối, sự thiện và sự ác, điều tốt và điều xấu; Người vẫn mong chờ chúng ta trưởng thành mỗi ngày và không ngừng hoàn thiện. Tin tưởng vào tình thương và lòng Chúa thương xót, chúng ta cùng hiệp ý cầu xin.
1. “Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục và linh mục luôn nhiệt thành trong sứ vụ rao giảng, để đem sứ điệp Lời Chúa và niềm vui cứu độ cho mọi người trong thế giới hôm nay.
2. “Hãy cứ để cả lúa và cỏ lùng mọc lên cho đến mùa gặt.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người luôn ý thức rằng sự dữ trong thế giới này phát xuất từ kẻ thù của Thiên Chúa, để biết lên án và tránh xa sự dữ; đồng thời, luôn nỗ lực thực thi những điều tốt lành.
3. “Hạt giống tốt chính là con cái Nước trời.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các kitô hữu đang sống giữa bóng tối thế tục, luôn trung thành với các lời khuyên phúc âm, can đảm làm chứng cho niềm tin Kitô giáo, hầu tỏa chiếu ánh sáng Tin Mừng cho mọi người chung quanh.
4. Thánh Phaolô quả quyết: “Có Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta.” Xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta ngày càng thêm tin tưởng vào sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, để biết lắng nghe và hành động theo sự hướng dẫn của Người trong mọi hoàn cảnh.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban tặng Thánh Thần, để Người thúc đẩy chúng con hoán cải và không ngừng biến đổi nên tốt lành như lòng Chúa mong ước. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Chúa Hiển Linh
-
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Chúa Hiển Linh -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Thánh Gia Thất năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Các Thánh tử đạo Việt Nam -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - Chúa nhật Truyền giáo